Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 34

Thích nghi với nhiệm sở mới

Thích nghi với nhiệm sở mới

“Đức Chúa Trời chẳng phải là không công chính mà quên công việc và tình yêu thương anh em đã thể hiện đối với danh ngài”.—HÊ 6:10.

BÀI HÁT 38 Ngài sẽ làm chúng ta mạnh mẽ

GIỚI THIỆU *

1-3. Các anh chị phụng sự trọn thời gian có lẽ phải thay đổi nhiệm sở vì một số lý do nào?

Anh Robert và chị Mary Jo chia sẻ: “Sau 21 năm tuyệt vời chúng tôi làm giáo sĩ, cha mẹ của cả hai chúng tôi đều già yếu hơn. Chúng tôi sẵn sàng trở về chăm sóc cha mẹ, nhưng vẫn rất buồn khi phải rời nhiệm sở, là nơi mà chúng tôi xem là quê hương thứ hai của mình”.

2 Anh William và chị Terrie kể lại: “Khi biết sức khỏe không cho phép mình quay lại nhiệm sở, chúng tôi đã khóc. Mong ước được phụng sự ở nước ngoài giờ đây đã khép lại”.

3 Anh Aleksey nói: “Dù biết trước là những kẻ chống đối muốn đóng cửa chi nhánh nơi tôi phụng sự, nhưng tôi vẫn sốc khi điều đó xảy ra, và chúng tôi phải rời Bê-tên”.

4. Chúng ta sẽ thảo luận những câu hỏi nào trong bài này?

4 Ngoài ra, có hàng ngàn thành viên Bê-tên và nhiều anh chị khác đã nhận nhiệm sở mới. * Những anh chị trung thành này có thể thấy khó khi phải rời nhiệm sở mà họ yêu thích. Điều gì có thể giúp họ đương đầu với thử thách này? Chúng ta có thể hỗ trợ họ như thế nào? Câu trả lời cho những câu hỏi ấy có thể giúp tất cả chúng ta đương đầu với sự thay đổi.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ ĐƯƠNG ĐẦU VỚI SỰ THAY ĐỔI?

Tại sao việc thay đổi nhiệm sở có thể là thử thách với các tôi tớ phụng sự trọn thời gian? (Xem đoạn 5) *

5. Việc thay đổi nhiệm sở có thể ảnh hưởng đến chúng ta như thế nào?

5 Dù phụng sự ngoài cánh đồng hay tại Bê-tên, chúng ta thường có tình cảm gắn bó với những người trong nhiệm sở và ngay cả với nơi mình phụng sự. Nếu phải rời đi vì lý do nào đó, hẳn chúng ta cảm thấy rất buồn. Chúng ta nhớ những người ở lại và lo lắng cho họ, đặc biệt là nếu mình phải rời đi vì sự ngược đãi (Mat 10:23; 2 Cô 11:28, 29). Ngoài ra, khi nhận nhiệm sở mới, một người thường phải thích nghi với nền văn hóa mới, ngay cả khi người đó trở về nhà sau một thời gian phụng sự ở nước ngoài. Anh Robert và chị Mary Jo nói: “Chúng tôi trở nên xa lạ với nền văn hóa của chính mình và cả việc rao giảng trong ngôn ngữ mẹ đẻ. Chúng tôi có cảm giác lạc lõng tại chính quê hương của mình”. Một số anh chị thay đổi nhiệm sở phải đối mặt với khó khăn về tài chính. Có lẽ họ cảm thấy bất an, bấp bênh và nản lòng. Điều gì có thể giúp họ?

Điều thiết yếu là đến gần Đức Giê-hô-va và tin cậy ngài (Xem đoạn 6, 7) *

6. Làm thế nào chúng ta có thể gắn bó với Đức Giê-hô-va?

6 Gắn bó với Đức Giê-hô-va (Gia 4:8). Chúng ta làm điều này bằng cách nào? Bằng cách tin cậy Đức Giê-hô-va, “Đấng Nghe Lời Cầu Nguyện” (Thi 65:2). Thi thiên 62:8 khuyến khích: “Hãy trút đổ lòng mình ra” trước mặt ngài. Đức Giê-hô-va có thể “làm nhiều hơn gấp bội mọi điều chúng ta cầu xin hay tưởng tượng” (Ê-phê 3:20). Ngài không chỉ ban đúng như điều chúng ta cầu xin. Ngài có thể làm nhiều hơn, vượt quá những gì mình mong đợi, để giúp mình giải quyết vấn đề.

7. (a) Điều gì sẽ giúp chúng ta luôn gắn bó với Đức Giê-hô-va? (b) Theo Hê-bơ-rơ 6:10-12, việc tiếp tục trung thành phụng sự Đức Giê-hô-va mang lại kết quả nào?

7 Để luôn gắn bó với Đức Giê-hô-va, hãy đọc và suy ngẫm Kinh Thánh mỗi ngày. Một anh từng làm giáo sĩ chia sẻ: “Hãy giữ nề nếp thiêng liêng, duy trì đều đặn buổi thờ phượng của gia đình và chuẩn bị cho các buổi nhóm, giống như anh chị từng làm khi còn phụng sự tại nhiệm sở trước kia”. Cũng hãy tiếp tục tham gia trọn vẹn vào việc rao giảng tin mừng cùng với hội thánh mới. Đức Giê-hô-va nhớ những ai trung thành phụng sự ngài, ngay cả khi họ không thể làm nhiều như trước.—Đọc Hê-bơ-rơ 6:10-12.

8. Làm thế nào câu 1 Giăng 2:15-17 giúp chúng ta giữ đời sống đơn giản?

8 Giữ đời sống đơn giản. Đừng để những mối lo lắng trong thế gian của Sa-tan “bóp nghẹt” các hoạt động thiêng liêng của mình (Mat 13:22). Hãy kháng cự áp lực từ thế gian, từ những người bạn hoặc họ hàng muốn chúng ta tìm kiếm sự ổn định về tài chính trong thế gian này. (Đọc 1 Giăng 2:15-17). Hãy tin cậy Đức Giê-hô-va, đấng đáp ứng cho chúng ta nhu cầu về thiêng liêng, cảm xúc và vật chất “vào đúng lúc”.—Hê 4:16; 13:5, 6.

9. Theo Châm ngôn 22:3, 7, tại sao tránh nợ nần là điều quan trọng, và điều gì có thể giúp chúng ta quyết định khôn ngoan?

9 Tránh nợ nần. (Đọc Châm ngôn 22:3, 7). Việc chuyển chỗ ở khi thay đổi nhiệm sở có thể rất tốn kém, điều này dễ khiến chúng ta rơi vào cảnh nợ nần. Để giảm thiểu nợ nần, hãy tránh mượn tiền để mua những thứ không thật sự cần. Nếu đang đương đầu với áp lực về cảm xúc, chẳng hạn như chăm sóc người thân bị bệnh, có lẽ chúng ta thấy khó để quyết định cần mượn bao nhiêu tiền. Trong những tình huống ấy, hãy nhớ là “lời cầu nguyện, nài xin” có thể giúp chúng ta đưa ra quyết định khôn ngoan. Đức Giê-hô-va có thể đáp lời cầu nguyện bằng cách ban sự bình an, là điều sẽ ‘bảo vệ lòng và trí của chúng ta’, giúp chúng ta có sự bình tĩnh để đưa ra quyết định tốt nhất.—Phi-líp 4:6, 7; 1 Phi 5:7.

10. Làm thế nào chúng ta có thể kết bạn mới?

10 Duy trì những mối quan hệ tốt. Hãy chia sẻ với những người bạn tốt về cảm xúc và thử thách mà mình phải đương đầu, đặc biệt là những người ở trong tình huống tương tự. Điều này giúp chúng ta nhẹ lòng hơn (Truyền 4:9, 10). Những người bạn trong nhiệm sở cũ sẽ luôn là bạn của anh chị. Giờ đây, tại nhiệm sở mới, anh chị cũng cần kết bạn mới. Hãy nhớ là để có bạn tốt, trước hết chính mình phải là bạn tốt. Làm thế nào để kết bạn? Hãy chia sẻ những kinh nghiệm phong phú mà Đức Giê-hô-va ban, nhờ thế họ có thể cảm nhận được niềm vui của anh chị trong việc phụng sự. Ngay cả khi một số người trong hội thánh không hiểu hết lòng nhiệt huyết mà anh chị dành cho thánh chức trọn thời gian, nhưng những người khác có thể được thu hút đến gương của anh chị và trở thành bạn tốt. Dù vậy, hãy thận trọng để không thu hút sự chú ý quá mức đến thành quả của mình và đừng tập trung vào cảm xúc tiêu cực.

11. Làm thế nào anh chị có thể giữ hôn nhân hạnh phúc?

11 Nếu phải rời nhiệm sở vì sức khỏe của người hôn phối, đừng đổ lỗi cho vợ hay chồng của mình. Mặt khác, nếu chính mình có vấn đề về sức khỏe, đừng cảm thấy có lỗi và cho rằng mình khiến người hôn phối thất vọng. Hãy nhớ rằng anh chị đã “trở nên một” và đã hứa nguyện trước mặt Đức Giê-hô-va là sẽ chăm sóc nhau trong mọi hoàn cảnh (Mat 19:5, 6). Còn nếu phải rời nhiệm sở vì bất ngờ có thai, hãy cho con biết con quan trọng với anh chị hơn là nhiệm sở. Hãy đảm bảo với con rằng anh chị xem con là phần thưởng đến từ Đức Chúa Trời (Thi 127:3-5). Đồng thời, hãy kể cho con nghe về ân phước mà anh chị có khi phụng sự tại nhiệm sở cũ. Điều này có thể thúc đẩy con dùng đời sống để vui mừng phụng sự Đức Giê-hô-va như anh chị.

ANH CHỊ KHÁC CÓ THỂ TRỢ GIÚP NHƯ THẾ NÀO?

12. (a) Bằng cách nào chúng ta có thể hỗ trợ những anh chị phụng sự trọn thời gian để họ tiếp tục ở lại nhiệm sở? (b) Làm thế nào chúng ta có thể giúp những anh chị chuyển đến nhiệm sở mới thích nghi dễ dàng hơn?

12 Điều đáng khen là nhiều hội thánh đã làm những gì có thể để hỗ trợ các anh chị đang phụng sự trọn thời gian tiếp tục ở lại nhiệm sở. Họ làm thế bằng cách khích lệ, hỗ trợ về vật chất hoặc giúp chăm sóc cha mẹ của các anh chị ấy (Ga 6:2). Còn nếu những anh chị phụng sự trọn thời gian được chuyển về hội thánh chúng ta thì sao? Đừng xem sự thay đổi ấy là dấu hiệu cho thấy họ đã làm gì sai hoặc bị sửa trị. * Thay vì thế, hãy giúp họ thích nghi dễ dàng hơn. Hãy nồng ấm chào đón và khen họ về những việc họ đã làm, ngay cả khi vấn đề sức khỏe không cho phép họ làm nhiều như trước. Hãy chủ động làm quen với họ. Hãy học từ kinh nghiệm, sự hiểu biết và sự huấn luyện mà họ nhận được.

13. Chúng ta có thể làm gì để giúp đỡ những anh chị nhận nhiệm sở mới?

13 Những anh chị nhận nhiệm sở mới có thể cần chúng ta giúp tìm chỗ ở, phương tiện đi lại, việc làm hoặc những nhu yếu phẩm khác. Có thể họ cũng cần biết thông tin mới liên quan đến những vấn đề như đóng thuế hoặc mua bảo hiểm. Điều quan trọng họ cần không phải là lòng thương hại, nhưng là sự thấu hiểu. Có thể họ đang phải đương đầu với vấn đề sức khỏe của mình hoặc của thành viên trong gia đình. Hoặc có lẽ họ đang đau buồn vì mất người thân. * Hay dù không nói ra, có lẽ họ buồn vì nhớ bạn bè tại nhiệm sở trước đây. Thường thì cảm xúc của họ bị xáo trộn và cần thời gian để vượt qua những cảm xúc ấy.

14. Các anh chị địa phương đã giúp một chị thích nghi với nhiệm sở mới như thế nào?

14 Sự hỗ trợ và gương của anh chị có thể giúp ích cho những anh em nhận nhiệm sở mới trong thời gian họ thích nghi. Một chị từng phụng sự nhiều năm tại nước ngoài chia sẻ: “Lúc còn ở nhiệm sở cũ, tôi điều khiển học hỏi Kinh Thánh mỗi ngày. Nhưng giờ đây, ngay cả việc chia sẻ một câu Kinh Thánh hoặc một video trong thánh chức cũng là điều rất khó. Các anh chị địa phương mời tôi đi thăm lại và học hỏi chung với họ. Khi thấy những anh chị can đảm và sốt sắng ấy điều khiển những cuộc học hỏi hữu hiệu, tôi có quan điểm tích cực hơn. Tôi học được cách bắt chuyện trong khu vực mới. Những điều này giúp tôi lấy lại niềm vui”.

TIẾP TỤC TẤN TỚI!

Tìm cách mở rộng thánh chức tại địa phương (Xem đoạn 15, 16) *

15. Làm thế nào anh chị có thể thành công trong nhiệm sở mới?

15 Anh chị có thể thành công khi phụng sự tại nhiệm sở mới. Đừng xem sự thay đổi như một dấu hiệu cho thấy mình thất bại hoặc không còn hữu hiệu như trước. Hãy nhận ra bàn tay của Đức Giê-hô-va trong đời sống và tiếp tục rao giảng. Hãy noi theo những tín đồ trung thành vào thế kỷ thứ nhất. Họ “đi khắp xứ công bố tin mừng của lời Đức Chúa Trời” dù ở bất cứ nơi nào (Công 8:1, 4). Nỗ lực của anh chị trong việc tiếp tục rao giảng có thể mang lại kết quả tốt. Chẳng hạn, khi các tiên phong bị trục xuất khỏi một nước, họ chuyển đến nước lân cận, nơi có nhu cầu lớn trong khu vực nói ngôn ngữ của họ. Trong vòng vài tháng, công việc ở khu vực đó phát triển rất nhanh và các nhóm mới được thành lập.

16. Làm thế nào anh chị có thể tìm được niềm vui trong nhiệm sở mới?

16 ‘Niềm vui của Đức Giê-hô-va là sức mạnh của anh chị’ (Nê 8:10, chú thích). Niềm vui lớn nhất mà chúng ta có là mối quan hệ với Đức Giê-hô-va chứ không phải nhiệm sở, ngay cả khi chúng ta rất yêu thích nhiệm sở ấy. Vì thế, hãy tiếp tục bước đi với Đức Giê-hô-va, hướng đến ngài để nhận sự khôn ngoan, để được hướng dẫn và hỗ trợ. Hãy nhớ rằng điều giúp anh chị yêu mến nhiệm sở cũ là vì anh chị đã hết lòng giúp những người ở đó. Vậy hãy hết lòng trong nhiệm sở mới, và anh chị sẽ thấy cách Đức Giê-hô-va giúp mình yêu mến nhiệm sở này.—Truyền 7:10.

17. Chúng ta cần nhớ điều gì về nhiệm sở hiện tại của mình?

17 Hãy nhớ rằng đặc ân phụng sự Đức Giê-hô-va sẽ là mãi mãi, còn nhiệm sở hiện tại chỉ là tạm thời. Trong thế giới mới, có lẽ tất cả chúng ta sẽ phải thay đổi nhiệm sở. Anh Aleksey được đề cập ở đầu bài tin chắc là những kinh nghiệm hiện tại giúp anh chuẩn bị cho những thay đổi trong tương lai. Anh nói: “Trước đây, tôi luôn tin rằng Đức Giê-hô-va và thế giới mới có thật, dù vậy tôi vẫn có cảm giác hơi xa vời. Giờ đây, tôi có thể cảm nhận Đức Giê-hô-va đang ở bên và thế giới mới là trạm dừng kế tiếp trong chuyến hành trình của mình” (Công 2:25). Dù phụng sự trong nhiệm sở nào, hãy tiếp tục bước đi với Đức Giê-hô-va. Ngài sẽ không bao giờ bỏ rơi chúng ta, nhưng sẽ giúp chúng ta tìm được niềm vui, dù trong bất cứ nhiệm sở nào.—Ê-sai 41:13.

BÀI HÁT 90 Hãy khuyến khích nhau

^ đ. 5 Đôi khi, các anh chị phụng sự trọn thời gian có lẽ không thể tiếp tục ở lại nhiệm sở, hoặc nhận một nhiệm sở mới. Bài này sẽ thảo luận những thử thách mà họ phải đối mặt và điều gì có thể giúp họ thích nghi. Cũng hãy xem các anh chị khác có thể làm gì để khích lệ và hỗ trợ họ, cũng như các nguyên tắc giúp tất cả chúng ta đương đầu với sự thay đổi.

^ đ. 4 Tương tự, khi đến một độ tuổi nhất định, nhiều anh giao lại các trách nhiệm cho những anh trẻ tuổi hơn. Xin xem bài “Hỡi các anh lớn tuổi—Đức Giê-hô-va quý trọng lòng trung thành của các anh” trong Tháp Canh tháng 9 năm 2018 và bài “Giữ bình an nội tâm bất kể hoàn cảnh thay đổi” trong Tháp Canh tháng 10 năm 2018.

^ đ. 12 Các trưởng lão trong hội thánh mà họ từng phụng sự nên nhanh chóng viết lá thư giới thiệu để không trì hoãn việc họ tiếp tục phụng sự với tư cách là tiên phong, trưởng lão hoặc phụ tá.

^ đ. 13 Xin xem bài “Vượt qua nỗi đau mất người thân” trong Tỉnh Thức! Số 3 năm 2018.

^ đ. 57 HÌNH ẢNH: Một cặp vợ chồng buộc phải ngưng công việc giáo sĩ tại nước ngoài đang chào tạm biệt hội thánh của họ.

^ đ. 59 HÌNH ẢNH: Khi trở về nước, cặp vợ chồng này bền lòng cầu xin Đức Giê-hô-va giúp họ đương đầu với thử thách.

^ đ. 61 HÌNH ẢNH: Với sự trợ giúp của Đức Giê-hô-va, cặp vợ chồng ấy trở lại thánh chức trọn thời gian. Họ tận dụng ngôn ngữ mà họ học khi còn làm giáo sĩ để chia sẻ tin mừng với những người nhập cư trong khu vực của hội thánh mới.