Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 47

Những bài học hữu ích từ sách Lê-vi

Những bài học hữu ích từ sách Lê-vi

‘Cả Kinh Thánh đều được Đức Chúa Trời soi dẫn và hữu ích’.—2 TI 3:16.

BÀI HÁT 98 Kinh Thánh​—Bởi Đức Chúa Trời soi dẫn

GIỚI THIỆU *

1, 2. Tại sao tín đồ đạo Đấng Ki-tô nên háo hức học sách Lê-vi?

Sứ đồ Phao-lô nhắc người trẻ Ti-mô-thê rằng ‘cả Kinh Thánh đều được Đức Chúa Trời soi dẫn và hữu ích’ (2 Ti 3:16). Trong đó bao gồm sách Lê-vi. Anh chị nghĩ gì về sách này? Một số người cho rằng sách này chứa đựng danh sách luật lệ dài lê thê không áp dụng cho thời chúng ta, nhưng tín đồ đạo Đấng Ki-tô chân chính thì có quan điểm khác.

2 Sách Lê-vi được viết cách đây khoảng 3.500 năm, tuy nhiên Đức Giê-hô-va đã bảo tồn sách ấy “để chỉ dạy chúng ta” (Rô 15:4). Vì sách Lê-vi giúp chúng ta hiểu thêm về lối suy nghĩ của Đức Giê-hô-va, nên chúng ta muốn háo hức học sách này. Thực tế là chúng ta có thể học được nhiều điều từ cuốn sách được soi dẫn ấy. Hãy cùng xem xét bốn bài học.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ ĐƯỢC ĐỨC GIÊ-HÔ-VA CHẤP NHẬN?

3. Tại sao thầy tế lễ thượng phẩm dâng vật tế lễ vào Ngày Chuộc Tội hằng năm?

3 Thứ nhất: Để Đức Giê-hô-va hài lòng với vật tế lễ của mình, trước tiên chúng ta phải được ngài chấp nhận. Hằng năm vào Ngày Chuộc Tội, dân Y-sơ-ra-ên nhóm lại và thầy tế lễ thượng phẩm dâng các con sinh tế. Những vật tế lễ ấy nhắc dân Y-sơ-ra-ên nhớ rằng họ cần được tẩy sạch khỏi tội lỗi. Nhưng trước khi thầy tế lễ thượng phẩm mang huyết của bất cứ con sinh tế nào vào Gian Chí Thánh trong ngày đó, ông phải thực hiện nhiệm vụ khác còn quan trọng hơn cả việc dân chúng được tẩy sạch tội lỗi.

(Xem đoạn 4) *

4. Như được đề cập nơi Lê-vi 16:12, 13, thầy tế lễ thượng phẩm làm gì trong lần đầu tiên ông vào Gian Chí Thánh trong ngày Lễ Chuộc Tội? (Xem hình nơi trang bìa).

4 Đọc Lê-vi 16:12, 13. Hãy hình dung những điều diễn ra vào ngày Lễ Chuộc Tội: Thầy tế lễ thượng phẩm vào lều thánh. Đây là lần đầu tiên trong ba lần ông phải vào Gian Chí Thánh trong ngày đó. Một tay ông cầm đồ đựng chứa đầy bột hương, tay kia cầm đồ đựng bằng vàng chứa đầy than đang cháy. Ông hồi hộp dừng lại trước bức màn ngăn cách lối vào Gian Chí Thánh. Với lòng tôn kính sâu xa, ông bước vào Gian Chí Thánh và đứng trước hòm giao ước. Theo nghĩa bóng, ông đang hiện diện trước mặt Đức Giê-hô-va! Giờ đây, thầy tế lễ cẩn thận đổ bột hương thánh vào than lửa; hương thơm ngọt ngào lan tỏa khắp phòng. * Sau đó, ông sẽ vào Gian Chí Thánh lần nữa và mang theo huyết của lễ vật chuộc tội. Hãy lưu ý rằng ông đốt hương trước khi dâng huyết của lễ vật chuộc tội.

5. Chúng ta học được gì từ việc dùng hương trong ngày Lễ Chuộc Tội?

5 Chúng ta học được gì từ việc dùng hương trong ngày Lễ Chuộc Tội? Kinh Thánh cho thấy lời cầu nguyện được chấp nhận của những tôi tớ trung thành giống như hương (Thi 141:2; Khải 5:8). Hãy nhớ là thầy tế lễ mang hương vào trình diện trước mặt Đức Giê-hô-va với lòng tôn kính sâu xa. Tương tự, khi đến gần Đức Giê-hô-va qua lời cầu nguyện, chúng ta cũng muốn làm thế với lòng thán phục và sự tôn kính sâu xa. Chúng ta vô cùng biết ơn Đấng Tạo Hóa của vũ trụ cho phép chúng ta đến gần ngài, như người con đến gần cha (Gia 4:8). Đức Giê-hô-va kết bạn thiết với chúng ta! (Thi 25:14). Hẳn chúng ta quý trọng đặc ân này đến mức không bao giờ muốn làm ngài thất vọng.

6. Chúng ta học được gì từ việc thầy tế lễ thượng phẩm đốt hương trước khi dâng vật tế lễ?

6 Hãy nhớ rằng thầy tế lễ thượng phẩm phải đốt hương trước khi ông có thể dâng vật tế lễ. Ông làm thế để đảm bảo rằng mình được Đức Chúa Trời chấp nhận khi dâng vật tế lễ. Chúng ta học được gì? Khi ở trên đất, Chúa Giê-su phải làm một việc còn quan trọng hơn cả việc cung cấp sự cứu rỗi cho nhân loại trước khi dâng mạng sống làm vật tế lễ. Đó là gì? Ngài phải sống một đời sống trọn vẹn và trung thành để được Đức Giê-hô-va chấp nhận sự hy sinh của mình. Khi làm thế, Chúa Giê-su chứng tỏ rằng quyền cai trị của Đức Giê-hô-va là chính đáng và đường lối cai trị của Cha là công bằng.

7. Tại sao cả cuộc đời trên đất của Chúa Giê-su làm hài lòng Cha ngài?

7 Trong suốt thời gian sống trên đất, Chúa Giê-su vâng theo các tiêu chuẩn công chính của Đức Giê-hô-va một cách tuyệt đối. Không cám dỗ hay thử thách nào, ngay cả cái chết đau đớn mà ngài sắp phải đối mặt, có thể khiến ngài giảm đi ước muốn bênh vực cho đường lối cai trị của Cha (Phi-líp 2:8). Khi đương đầu với thử thách, Chúa Giê-su đến với Cha qua “những lời nài xin và thỉnh cầu đầy nước mắt” (Hê 5:7). Những lời cầu nguyện tha thiết của ngài xuất phát từ tấm lòng trọn thành và giúp ngài củng cố ước muốn vâng lời Cha. Đức Giê-hô-va xem những lời cầu nguyện của Chúa Giê-su như hương thơm ngọt ngào. Lối sống của Chúa Giê-su biện minh cho quyền cai trị của Cha và khiến Cha vô cùng hài lòng.

8. Chúng ta có thể noi theo lối sống của Chúa Giê-su như thế nào?

8 Chúng ta có thể noi gương Chúa Giê-su bằng cách nỗ lực sống một đời sống trọn vẹn và trung thành với đường lối cũng như luật pháp của Đức Giê-hô-va. Khi đương đầu với thử thách, chúng ta tha thiết cầu xin sự giúp đỡ từ Đức Giê-hô-va vì muốn làm ngài hài lòng. Qua những cách đó, chúng ta cho thấy mình ủng hộ đường lối cai trị của ngài. Chúng ta biết rằng Đức Giê-hô-va sẽ không nhậm lời cầu nguyện nếu mình làm những điều mà ngài lên án. Nhưng nếu sống theo tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va, chúng ta có thể tin chắc lời cầu nguyện chân thành của mình sẽ như hương thơm ngọt ngào đối với ngài. Và chúng ta cũng có thể chắc chắn là lòng trọn vẹn và sự vâng lời của mình làm hài lòng Cha trên trời.—Châm 27:11.

THỜ PHƯỢNG ĐỨC GIÊ-HÔ-VA VÌ LÒNG BIẾT ƠN VÀ TÌNH YÊU THƯƠNG

(Xem đoạn 9) *

9. Tại sao dân Y-sơ-ra-ên dâng lễ vật hòa thuận?

9 Thứ hai: Chúng ta thờ phượng Đức Giê-hô-va vì biết ơn ngài. Để hiểu rõ điều này, hãy cùng xem xét lễ vật hòa thuận, một khía cạnh quan trọng khác của sự thờ phượng thật vào thời Y-sơ-ra-ên xưa. * Qua sách Lê-vi, chúng ta được biết dân Y-sơ-ra-ên có thể dâng lễ vật hòa thuận “để tạ ơn” (Lê 7:11-13, 16-18). Một người dâng lễ vật này không phải vì bị bắt buộc mà vì lòng người ấy muốn làm thế. Thế nên, lễ vật này là lễ vật tự nguyện mà một người dâng lên Đức Giê-hô-va vì yêu thương ngài. Người dâng lễ vật này cùng gia đình và các thầy tế lễ sẽ ăn thịt của con sinh tế. Nhưng có một số phần của con sinh tế phải được biệt riêng ra để dâng cho Đức Giê-hô-va. Đó là những phần nào?

(Xem đoạn 10) *

10. Lễ vật hòa thuận được miêu tả nơi Lê-vi 3:6, 12, 14-16 dạy chúng ta điều gì về động lực của Chúa Giê-su khi làm theo ý muốn của Cha?

10 Thứ ba: Vì yêu thương Đức Giê-hô-va, chúng ta dâng cho ngài điều tốt nhất mình có. Đức Giê-hô-va xem mỡ là phần tốt nhất của con vật. Ngài cũng cho biết một số bộ phận quan trọng, bao gồm thận, là những phần đặc biệt có giá trị. (Đọc Lê-vi 3:6, 12, 14-16). Vì thế, Đức Giê-hô-va rất hài lòng khi một người Y-sơ-ra-ên tự nguyện dâng cho ngài mỡ và những bộ phận quan trọng ấy. Khi dâng lễ vật như thế, một người cho thấy mình có ước muốn dâng cho Đức Chúa Trời điều tốt nhất. Tương tự, Chúa Giê-su sẵn lòng dâng cho Đức Giê-hô-va điều tốt nhất qua việc hết lòng thờ phượng vì yêu thương Cha (Giăng 14:31). Việc làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời là niềm vui của Chúa Giê-su, và ngài cũng rất yêu mến luật pháp của Cha (Thi 40:8). Hẳn Đức Giê-hô-va hài lòng biết bao khi thấy Chúa Giê-su sẵn lòng thờ phượng ngài!

Tình yêu thương dành cho Đức Giê-hô-va thúc đẩy chúng ta dâng cho ngài điều tốt nhất (Xem đoạn 11, 12) *

11. Sự thờ phượng của chúng ta giống với lễ vật hòa thuận như thế nào, và tại sao điều đó an ủi chúng ta?

11 Giống như lễ vật hòa thuận, sự thờ phượng của chúng ta dành cho Đức Giê-hô-va sẽ cho thấy mình yêu thương ngài đến mức nào. Chúng ta dâng cho Đức Giê-hô-va điều tốt nhất mình có, và chúng ta làm thế vì yêu thương ngài hết lòng. Hẳn Đức Giê-hô-va hài lòng biết bao khi thấy hàng triệu tôi tớ tình nguyện phụng sự vì yêu mến ngài và đường lối của ngài một cách sâu đậm! Chúng ta được an ủi khi nhớ rằng Đức Giê-hô-va không chỉ nhìn thấy và quý trọng việc làm mà cả động lực của mình. Nếu anh chị lớn tuổi và không thể làm nhiều như mong muốn, hãy tin chắc Đức Giê-hô-va hiểu rõ giới hạn của anh chị. Có lẽ anh chị cảm thấy mình không làm được nhiều, nhưng Đức Giê-hô-va thấy được tình yêu thương sâu tận trong lòng, là điều đã thúc đẩy anh chị làm những gì có thể. Ngài vui lòng nhận điều tốt nhất mà anh chị dâng cho ngài.

12. Đức Giê-hô-va cảm thấy thế nào về lễ vật hòa thuận, và điều này khích lệ chúng ta ra sao?

12 Chúng ta học được gì từ lễ vật hòa thuận? Khi ngọn lửa đốt cháy những phần tốt nhất của con vật, khói bay lên, và Đức Giê-hô-va rất vui lòng. Vậy hãy tin chắc rằng Đức Giê-hô-va hài lòng khi anh chị thờ phượng ngài hết mình (Cô 3:23). Hãy hình dung nụ cười hài lòng của ngài. Ngài xem những nỗ lực mà anh chị phụng sự ngài, dù nhiều hay ít, như những của báu mà ngài sẽ ghi nhớ và quý trọng mãi mãi.—Mat 6:20; Hê 6:10.

ĐỨC GIÊ-HÔ-VA BAN PHƯỚC CHO TỔ CHỨC CỦA NGÀI

13. Theo Lê-vi 9:23, 24, điều gì cho thấy Đức Giê-hô-va chấp nhận chức tế lễ mới được bổ nhiệm?

13 Thứ tư: Đức Giê-hô-va đang ban phước cho phần trên đất của tổ chức ngài. Hãy xem điều gì xảy ra vào năm 1512 TCN khi lều thánh được dựng tại chân núi Si-nai (Xuất 40:17). Môi-se là người chủ trì lễ nhậm chức tế lễ của A-rôn và các con trai. Hết thảy dân Y-sơ-ra-ên nhóm lại để chứng kiến các thầy tế lễ này lần đầu dâng con sinh tế (Lê 9:1-5). Điều gì cho thấy Đức Giê-hô-va chấp nhận chức tế lễ mới được bổ nhiệm? Khi A-rôn và Môi-se chúc phước cho dân chúng, Đức Giê-hô-va đã khiến ngọn lửa thiêu đốt vật tế lễ trên bàn thờ.—Đọc Lê-vi 9:23, 24.

14. Tại sao việc Đức Giê-hô-va chấp nhận chức tế lễ dòng A-rôn có liên quan đến chúng ta ngày nay?

14 Cảnh tượng kinh ngạc diễn ra tại lễ nhậm chức tế lễ thượng phẩm cho biết điều gì? Đức Giê-hô-va cho thấy ngài hoàn toàn ủng hộ chức tế lễ dòng A-rôn. Khi dân Y-sơ-ra-ên tận mắt thấy sự chấp nhận của Đức Giê-hô-va, họ có mọi lý do để hoàn toàn ủng hộ các thầy tế lễ. Việc Đức Giê-hô-va chấp nhận chức tế lễ có liên quan đến chúng ta không? Có! Chức tế lễ của Y-sơ-ra-ên chỉ là bóng cho một chức tế lễ khác quan trọng hơn nhiều. Đấng Ki-tô, Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm Lớn, có một lớp thầy tế lễ làm vua gồm 144.000 người sẽ phục vụ cùng với ngài trên trời.—Hê 4:14; 8:3-5; 10:1.

Đức Giê-hô-va đang ban phước và hướng dẫn tổ chức của ngài, và chúng ta hết lòng ủng hộ (Xem đoạn 15-17) *

15, 16. Điều gì cho thấy Đức Giê-hô-va chấp nhận “đầy tớ trung tín và khôn ngoan”?

15 Năm 1919, Chúa Giê-su bổ nhiệm một nhóm nhỏ các anh được xức dầu làm “đầy tớ trung tín và khôn ngoan”. Đầy tớ ấy dẫn đầu trong công việc rao giảng và “cung cấp thức ăn đúng giờ” cho các môn đồ của Đấng Ki-tô (Mat 24:45). Có bằng chứng nào cho thấy Đức Giê-hô-va chấp nhận đầy tớ trung tín và khôn ngoan?

16 Sa-tan và thế gian của hắn khiến cho công việc của đầy tớ trung tín gặp nhiều khó khăn, thậm chí khó đến mức không thể làm được theo quan điểm của con người. Bất kể hai cuộc thế chiến, sự bắt bớ dai dẳng, khủng hoảng kinh tế toàn cầu và bị đối xử bất công, đầy tớ trung tín và khôn ngoan vẫn tiếp tục cung cấp thức ăn thiêng liêng cho môn đồ của Đấng Ki-tô trên khắp đất. Hãy nghĩ đến thức ăn thiêng liêng dư dật và miễn phí ngày nay, trong hơn 900 ngôn ngữ! Đây là bằng chứng rõ ràng cho thấy Đức Chúa Trời chấp nhận và đang hỗ trợ đầy tớ này. Công việc rao giảng là bằng chứng khác cho thấy sự ban phước của Đức Giê-hô-va. Tin mừng thật sự đang được “rao truyền khắp đất” (Mat 24:14). Quả thật, Đức Giê-hô-va đang hướng dẫn và ban phước dồi dào cho tổ chức của ngài ngày nay.

17. Làm thế nào chúng ta cho thấy mình ủng hộ tổ chức mà Đức Giê-hô-va đang dùng?

17 Hãy tự hỏi: “Mình có biết ơn khi được thuộc về phần trên đất của tổ chức Đức Giê-hô-va không?”. Như ngọn lửa từ trời vào thời Môi-se và A-rôn, những bằng chứng Đức Giê-hô-va cho chúng ta thấy ngày nay cũng đầy sức thuyết phục. Thật vậy, chúng ta có nhiều lý do để biết ơn Đức Giê-hô-va (1 Tê 5:18, 19). Làm thế nào chúng ta cho thấy mình ủng hộ tổ chức mà Đức Giê-hô-va đang dùng? Đó là theo sát những chỉ dẫn dựa trên Kinh Thánh mà mình nhận được qua ấn phẩm, các buổi nhóm họp và hội nghị. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể ủng hộ bằng cách tham gia hết lòng trong công việc rao giảng và dạy dỗ.—1 Cô 15:58.

18. Anh chị quyết tâm làm gì?

18 Hãy quyết tâm áp dụng những bài học chúng ta học được từ sách Lê-vi. Mong sao chúng ta được Đức Giê-hô-va chấp nhận để vật tế lễ của mình được ngài hài lòng. Mong sao chúng ta tiếp tục thờ phượng Đức Giê-hô-va và dâng cho ngài điều tốt nhất mình có vì biết ơn và yêu thương ngài sâu đậm. Và mong sao chúng ta hết lòng ủng hộ tổ chức đang được ngài ban phước ngày nay. Khi làm mọi điều ấy, chúng ta cho Đức Giê-hô-va thấy mình quý trọng đặc ân được phụng sự với tư cách là Nhân Chứng của ngài!

BÀI HÁT 96 Cuốn sách của Đức Chúa Trời—Kho tàng vô giá

^ đ. 5 Sách Lê-vi chứa đựng các điều luật mà Đức Giê-hô-va ban cho dân Y-sơ-ra-ên xưa. Là tín đồ đạo Đấng Ki-tô, chúng ta không bị ràng buộc bởi các điều luật đó, nhưng chúng ta vẫn có thể nhận được lợi ích khi xem xét các điều luật ấy. Bài này sẽ thảo luận một số bài học hữu ích từ sách Lê-vi.

^ đ. 4 Hương đốt tại lều thánh được xem là thánh và chỉ được dùng trong việc thờ phượng Đức Giê-hô-va vào thời Y-sơ-ra-ên xưa (Xuất 30:34-38). Không tài liệu nào cho thấy các tín đồ vào thế kỷ thứ nhất đốt hương khi thờ phượng.

^ đ. 9 Để biết thêm về lễ vật hòa thuận, xin xem Tháp Canh ngày 15-1-2012, trg 19, đ. 11, 12.

^ đ. 54 HÌNH ẢNH: Vào ngày Lễ Chuộc Tội, thầy tế lễ thượng phẩm Y-sơ-ra-ên vào Gian Chí Thánh, mang theo hương và than đang cháy; hương thơm ngọt ngào lan tỏa khắp phòng. Sau đó, ông trở lại Gian Chí Thánh và mang theo huyết của lễ vật chuộc tội

^ đ. 56 HÌNH ẢNH: Một người Y-sơ-ra-ên dẫn con cừu đến cho thầy tế lễ làm vật tế lễ hòa thuận để bày tỏ lòng biết ơn của gia đình mình dành cho Đức Giê-hô-va.

^ đ. 58 HÌNH ẢNH: Khi thi hành thánh chức trên đất, Chúa Giê-su bày tỏ tình yêu thương sâu đậm dành cho Đức Giê-hô-va bằng cách vâng giữ các điều răn của ngài và giúp các môn đồ cũng làm thế.

^ đ. 60 HÌNH ẢNH: Một chị lớn tuổi dâng cho Đức Giê-hô-va điều tốt nhất bằng cách làm chứng qua thư, bất kể những giới hạn về thể chất.

^ đ. 62 HÌNH ẢNH: Vào tháng 2 năm 2019, anh Gerrit Lösch thuộc Hội đồng Lãnh đạo ra mắt Bản dịch Thế Giới Mới hiệu đính trong tiếng Đức trước một nhóm cử tọa vui mừng và đầy lòng biết ơn. Giống như hai chị trong hình, các anh chị công bố tại Đức vui mừng sử dụng bản dịch Kinh Thánh mới ra mắt khi thi hành thánh chức.