Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 2

Anh chị có thể là “nguồn an ủi lớn”

Anh chị có thể là “nguồn an ủi lớn”

“Họ là cộng sự làm việc cho Nước Đức Chúa Trời, và họ đã trở thành nguồn an ủi lớn cho tôi”.CÔ 4:11.

BÀI HÁT 90 Hãy khuyến khích nhau

GIỚI THIỆU *

1. Nhiều tôi tớ trung thành của Đức Giê-hô-va đang phải đối mặt với vấn đề đau buồn nào?

Trên khắp thế giới, nhiều tôi tớ của Đức Giê-hô-va đang phải đương đầu với những vấn đề khiến họ căng thẳng và buồn nản. Anh chị có nhận thấy điều đó trong hội thánh của mình không? Một số tín đồ phải chống chọi với căn bệnh nặng hoặc đương đầu với cái chết của người thân yêu. Số khác thì vô cùng đau buồn khi chứng kiến một thành viên trong gia đình hoặc bạn thân rời bỏ chân lý. Có những anh chị cũng đang phải đối phó với hậu quả của thảm họa thiên nhiên. Tất cả những anh chị ấy cần được an ủi. Làm thế nào chúng ta có thể giúp họ?

2. Tại sao đôi khi sứ đồ Phao-lô cần được an ủi?

2 Sứ đồ Phao-lô nhiều lần đối mặt với tình huống đe dọa mạng sống (2 Cô 11:23-28). Ông cũng phải chịu đựng “một cái gai xóc vào thịt”, có lẽ là vấn đề về sức khỏe (2 Cô 12:7). Ngoài ra, Phao-lô phải đương đầu với nỗi thất vọng khi Đê-ma, người trước kia là cộng sự của ông, đã bỏ ông “vì yêu thế gian” (2 Ti 4:10). Phao-lô là tín đồ được xức dầu; ông là người can đảm và giúp đỡ người khác một cách bất vị kỷ, nhưng đôi khi ông cũng cảm thấy nản lòng.—Rô 9:1, 2.

3. Phao-lô nhận được sự an ủi và hỗ trợ từ ai?

3 Phao-lô đã nhận được sự an ủi và hỗ trợ cần thiết. Như thế nào? Chắc chắn Đức Giê-hô-va dùng thần khí thánh của ngài để làm ông vững mạnh (2 Cô 4:7; Phi-líp 4:13). Đức Giê-hô-va cũng an ủi ông qua anh em đồng đạo. Phao-lô nói rằng một số cộng sự đã trở thành “nguồn an ủi lớn” cho ông (Cô 4:11). Trong số những người ông đề cập có tên của A-ri-ta-cơ, Ti-chi-cơ và Mác. Họ đã giúp Phao-lô lên tinh thần và tiếp tục chịu đựng. Những phẩm chất nào đã giúp ba tín đồ này trở thành nguồn an ủi? Chúng ta có thể bắt chước gương của họ như thế nào khi cố gắng an ủi và khích lệ người khác?

TRUNG THÀNH NHƯ A-RI-TA-CƠ

Như A-ri-ta-cơ, chúng ta có thể là người bạn trung thành bằng cách gắn bó với anh em trong lúc khốn khổ (Xem đoạn 4, 5) *

4. A-ri-ta-cơ chứng tỏ là bạn trung thành của Phao-lô như thế nào?

4 A-ri-ta-cơ là người Ma-xê-đô-ni-a, quê ở Tê-sa-lô-ni-ca. Ông đã chứng tỏ là bạn trung thành của Phao-lô. Lần đầu chúng ta đọc về A-ri-ta-cơ là khi Phao-lô đến thăm Ê-phê-sô trong chuyến hành trình truyền giáo thứ ba. Trong khi đi cùng với Phao-lô, A-ri-ta-cơ bị đám đông bắt (Công 19:29). Sau khi được trả tự do, ông không tìm cách bảo vệ sự an nguy của mình, nhưng trung thành ở lại với Phao-lô. Vài tháng sau, lúc ở Hy Lạp, A-ri-ta-cơ vẫn sát cánh cùng Phao-lô dù những kẻ chống đối không ngừng dọa lấy mạng của Phao-lô (Công 20:2-4). Vào khoảng năm 58 CN, khi Phao-lô bị giải đến Rô-ma, A-ri-ta-cơ đi cùng với ông trong chuyến hành trình dài, và họ bị đắm thuyền trên biển (Công 27:1, 2, 41). Khi đến Rô-ma, có lẽ A-ri-ta-cơ cũng ở tù với Phao-lô một thời gian (Cô 4:10). Không ngạc nhiên gì khi Phao-lô cảm thấy được khích lệ và an ủi vì có một bạn đồng hành trung thành như thế!

5. Theo Châm ngôn 17:17, làm thế nào để trở thành một người bạn trung thành?

5 Như A-ri-ta-cơ, chúng ta muốn là người bạn trung thành bằng cách gắn bó với anh em không chỉ trong khi thuận lợi, mà còn trong những lúc khốn khổ. (Đọc Châm ngôn 17:17). Ngay cả khi thử thách đã qua, có lẽ anh em chúng ta vẫn cần sự an ủi. Chị Frances * mất cả cha lẫn mẹ trong vòng ba tháng vì bệnh ung thư cho biết: “Tôi nghĩ là những nghịch cảnh ảnh hưởng đến chúng ta trong thời gian dài. Tôi rất biết ơn những người bạn trung thành vì họ biết rằng tôi vẫn rất đau buồn dù cha mẹ tôi đã qua đời khá lâu”.

6. Lòng trung thành sẽ thôi thúc chúng ta làm gì?

6 Những người bạn trung thành sẽ hy sinh thời gian và sức lực để trợ giúp anh em mình. Chẳng hạn, một anh tên là Peter bị chẩn đoán mắc bệnh hiểm nghèo ở giai đoạn cuối. Vợ của anh là chị Kathryn cho biết: “Một cặp vợ chồng trong hội thánh đã đưa chúng tôi đi khám và phát hiện ra bệnh của anh Peter. Lúc đó, họ trấn an rằng họ sẽ không để chúng tôi phải đương đầu với vấn đề một mình; họ luôn ở bên mỗi khi chúng tôi cần”. Thật an ủi biết bao khi có những người bạn chân thật, giúp chúng ta chịu đựng thử thách!

ĐÁNG TIN CẬY NHƯ TI-CHI-CƠ

Như Ti-chi-cơ, chúng ta có thể là người bạn đáng tin cậy khi người khác đương đầu với khó khăn (Xem đoạn 7-9) *

7, 8. Theo Cô-lô-se 4:7-9, Ti-chi-cơ đã chứng tỏ là người bạn đáng tin cậy như thế nào?

7 Ti-chi-cơ, một tín đồ đến từ tỉnh A-si-a của La Mã, được biết đến là người bạn trung thành của Phao-lô (Công 20:4). Khoảng năm 55 CN, Phao-lô tổ chức một đợt quyên góp tiền để cứu trợ anh em ở Giu-đê, và hẳn ông đã giao cho Ti-chi-cơ nhiệm vụ quan trọng ấy (2 Cô 8:18-20). Sau này khi Phao-lô bị giam lần đầu ở Rô-ma, Ti-chi-cơ đã làm sứ giả cho Phao-lô. Ông chuyển những lá thư và thông điệp khích lệ cho các hội thánh ở A-si-a.—Cô 4:7-9.

8 Ti-chi-cơ luôn là người bạn đáng tin cậy của Phao-lô (Tít 3:12). Không phải mọi tín đồ lúc bấy giờ đều đáng tin cậy như Ti-chi-cơ. Khoảng năm 65 CN, trong khi bị bỏ tù lần thứ hai, Phao-lô viết rằng có nhiều tín đồ ở tỉnh A-si-a đã tránh kết hợp với ông, có lẽ vì họ sợ những kẻ chống đối (2 Ti 1:15). Ngược lại, Phao-lô có thể tin cậy Ti-chi-cơ và giao cho ông một nhiệm vụ khác (2 Ti 4:12). Chắc chắn, Phao-lô rất biết ơn vì có người bạn tốt như Ti-chi-cơ.

9. Chúng ta có thể noi gương Ti-chi-cơ qua cách nào?

9 Chúng ta có thể noi gương Ti-chi-cơ bằng cách trở thành một người bạn đáng tin cậy. Chẳng hạn, khi anh em gặp khó khăn, chúng ta không chỉ hứa giúp đỡ mà còn làm những điều thực tế để hỗ trợ họ (Mat 5:37; Lu 16:10). Những anh chị cần sự giúp đỡ sẽ cảm thấy được an ủi rất nhiều khi biết chúng ta sẵn sàng trợ giúp. Một chị cho biết: “Chúng ta sẽ cảm thấy an lòng vì biết người bạn đề nghị giúp mình sẽ có mặt đúng lúc để làm điều mà họ đã hứa”.

10. Như được nói nơi Châm ngôn 18:24, những người đương đầu với thử thách hoặc nỗi thất vọng có thể tìm sự an ủi nơi đâu?

10 Những người đương đầu với thử thách hoặc nỗi thất vọng thường tìm sự an ủi bằng cách tâm sự với một người bạn đáng tin cậy. (Đọc Châm ngôn 18:24). Anh Bijay cảm thấy rất thất vọng khi con trai bị khai trừ. Anh cho biết: “Tôi cần chia sẻ cảm xúc với một người mà mình có thể tin cậy”. Anh Carlos bị mất một đặc ân mà anh rất quý vì phạm sai lầm. Anh nói: “Tôi cần ‘một nơi an toàn’ để có thể thoải mái trải lòng mà không lo sợ bị xét đoán”. Anh Carlos đã tìm được nơi an toàn ấy là các trưởng lão, những người đã giúp anh đương đầu thành công với vấn đề. Anh cũng được an ủi khi biết rằng các trưởng lão sẽ giữ kín chuyện riêng mà anh đã chia sẻ.

11. Làm thế nào để trở thành người bạn chân tình và đáng tin cậy?

11 Để là người bạn chân tình và đáng tin cậy, chúng ta cần vun trồng sự kiên nhẫn. Khi chồng của chị Zhanna bỏ đi, chị được an ủi khi bày tỏ nỗi lòng với những người bạn thân. Chị chia sẻ: “Họ kiên nhẫn lắng nghe dù có lúc tôi cứ lặp đi lặp lại một số điều”. Anh chị cũng có thể cho thấy mình là người bạn tốt bằng cách chân thành lắng nghe.

SẴN SÀNG PHỤC VỤ NHƯ MÁC

Hành động tử tế của Mác đã giúp Phao-lô chịu đựng; chúng ta cũng có thể giúp đỡ anh em trong lúc đau buồn (Xem đoạn 12-14) *

12. Mác là ai, và ông đã thể hiện tinh thần phục vụ như thế nào?

12 Mác là tín đồ Do Thái đến từ Giê-ru-sa-lem. Ông có anh họ là Ba-na-ba, một giáo sĩ được nhiều người biết đến (Cô 4:10). Gia đình của Mác dường như là một gia đình khá giả, nhưng Mác không đặt vật chất lên hàng đầu trong đời sống. Trong suốt cuộc đời, Mác đã thể hiện tinh thần sẵn sàng, ông thấy vui khi phục vụ người khác. Mác đã cùng phụng sự với sứ đồ Phao-lô và sứ đồ Phi-e-rơ vào những thời điểm khác nhau; trong khi hai người ấy thực hiện nhiệm vụ của mình, rất có thể Mác đã chăm lo nhu cầu vật chất cho họ (Công 13:2-5; 1 Phi 5:13). Phao-lô miêu tả Mác là một trong những “cộng sự làm việc cho Nước Đức Chúa Trời” và là “sự tiếp sức” cho ông.—Cô 4:10, 11, chú thích.

13. Làm thế nào 2 Ti-mô-thê 4:11 cho thấy Phao-lô quý trọng việc phụng sự trung thành của Mác?

13 Mác trở thành một trong những bạn thân của Phao-lô. Chẳng hạn, khi Phao-lô bị bỏ tù lần cuối ở Rô-ma, khoảng năm 65 CN, ông viết lá thư thứ hai gửi cho Ti-mô-thê. Trong lá thư ấy, Phao-lô bảo Ti-mô-thê đến Rô-ma và dẫn theo Mác (2 Ti 4:11). Việc Phao-lô muốn Mác có mặt vào thời điểm quyết định ấy cho thấy ông rất quý trọng việc phụng sự trung thành của Mác trước đó. Mác đã giúp Phao-lô qua những cách thực tế, có lẽ cung cấp thức ăn cho ông và những vật dụng để ông viết thư. Sự hỗ trợ và khích lệ mà Phao-lô nhận được rất có thể đã giúp ông chịu đựng những ngày cuối đời trước khi bị xử tử.

14, 15. Làm thế nào Ma-thi-ơ 7:12 giúp chúng ta hỗ trợ người khác một cách thực tế?

14 Đọc Ma-thi-ơ 7:12. Khi đương đầu với khó khăn nghịch cảnh, chúng ta thật biết ơn những anh chị sẵn sàng trợ giúp một cách thiết thực. Anh Ryan có cha qua đời đột ngột trong một vụ tai nạn giao thông chia sẻ: “Có nhiều điều thường ngày mình vẫn làm nhưng khi đau buồn thì dường như không thể làm nổi. Thật an ủi khi ai đó trợ giúp một cách thực tế, dù là việc nhỏ nhoi”.

15 Nếu tinh ý quan sát, chúng ta có thể nhận ra những cách thực tế để giúp đỡ người khác. Chẳng hạn, một chị đã chủ động giúp đỡ anh Peter và chị Kathryn được đề cập ở trên. Chị ấy đã giúp đưa họ đến tất cả các cuộc hẹn với bác sĩ. Cả anh Peter và chị Kathryn đều không thể lái xe được nữa, vì thế chị ấy đã sắp xếp để những anh chị tình nguyện trong hội thánh có thể thay phiên nhau chở họ đi. Sự sắp đặt này mang lại lợi ích nào? Chị Kathryn cho biết: “Chúng tôi cảm thấy như trút bỏ được gánh nặng”. Đừng bao giờ đánh giá thấp những hành động tử tế dù nhỏ nhưng có thể mang lại sự an ủi lớn.

16. Chúng ta rút ra bài học quan trọng nào từ gương của Mác về việc an ủi người khác?

16 Mác là một tín đồ sống vào thế kỷ thứ nhất, và hẳn ông rất bận rộn. Ông đảm nhận những trách nhiệm thần quyền quan trọng, trong đó có việc viết sách Phúc âm mang tên ông. Tuy nhiên, Mác đã dành thời gian để an ủi Phao-lô, nên Phao-lô cảm thấy thoải mái xin sự trợ giúp của Mác. Chị Angela phải đối mặt với nỗi đau khi một thành viên trong gia đình bị giết. Chị rất biết ơn những anh chị đã sẵn sàng đến an ủi mình. Chị nói: “Người chân thành muốn giúp đỡ là người dễ đến gần. Họ không tỏ ra chần chừ hoặc miễn cưỡng”. Hãy tự hỏi: “Mình có được biết đến là người sẵn sàng an ủi anh em đồng đạo qua những cách thực tế không?”.

QUYẾT TÂM AN ỦI NGƯỜI KHÁC

17. Làm thế nào việc suy ngẫm về 2 Cô-rinh-tô 1:3, 4 thôi thúc chúng ta an ủi người khác?

17 Không khó để tìm những anh chị cần được an ủi. Chúng ta có thể chia sẻ những ý tưởng khích lệ mà người khác đã dùng để khích lệ mình. Chị Nino có bà ngoại qua đời nói: “Đức Giê-hô-va có thể dùng chúng ta để an ủi người khác nếu chúng ta để ngài dùng mình”. (Đọc 2 Cô-rinh-tô 1:3, 4). Chị Frances, được đề cập ở trên, bày tỏ: “Những lời nơi 2 Cô-rinh-tô 1:4 thật đúng. Chúng ta có thể dùng sự an ủi mà mình nhận được để an ủi người khác”.

18. (a) Tại sao một số người cảm thấy lo lắng khi muốn an ủi người khác? (b) Làm thế nào để an ủi người khác một cách hữu hiệu? Hãy nêu ví dụ.

18 Chúng ta cần chủ động an ủi người đang đau buồn, dù cảm thấy lo lắng không biết nói gì hay làm gì để giúp họ. Một anh trưởng lão tên Paul nhớ lại cách một số anh chị đã cố gắng an ủi anh ấy khi cha của anh qua đời. Anh nói: “Đúng là không dễ để những anh chị đó đến an ủi tôi. Họ không biết phải nói gì. Nhưng thật lòng, tôi rất biết ơn vì họ muốn an ủi và hỗ trợ tôi”. Một anh tên Tajon đã trải qua cơn động đất kinh hoàng chia sẻ: “Thật tình là tôi không nhớ hết mọi tin nhắn mà các anh chị gửi cho tôi sau trận động đất, nhưng tôi nhớ rõ là họ thật sự quan tâm nên đã hỏi thăm mình”. Chúng ta có thể trở thành người an ủi hữu hiệu nếu cho thấy mình quan tâm đến người khác.

19. Tại sao anh chị muốn quyết tâm trở thành “nguồn an ủi lớn”?

19 Càng đến gần thời điểm kết thúc, tình trạng thế giới sẽ càng tồi tệ và đời sống càng khó khăn (2 Ti 3:13). Là người bất toàn và phạm nhiều lầm lỗi, chúng ta sẽ tiếp tục cần được an ủi. Sứ đồ Phao-lô có thể giữ trung thành và chịu đựng cho đến cùng, một phần là nhờ ông nhận được sự an ủi từ anh em đồng đạo. Mong sao chúng ta trung thành như A-ri-ta-cơ, đáng tin cậy như Ti-chi-cơ và sẵn sàng phục vụ như Mác. Khi làm thế, chúng ta có thể giúp anh em giữ vững đức tin.—1 Tê 3:2, 3.

^ đ. 5 Sứ đồ Phao-lô đương đầu với nhiều khó khăn, thử thách trong đời sống. Trong những lúc như thế, một số anh em đồng đạo đã trở thành nguồn an ủi lớn cho ông. Hãy xem ba phẩm chất giúp những tín đồ này biết cách an ủi người khác, và làm thế nào chúng ta có thể bắt chước gương của họ qua những cách thực tế.

^ đ. 5 Một số tên trong bài này đã được thay đổi.

BÀI HÁT 111 Những lý do khiến chúng ta vui mừng

^ đ. 56 HÌNH ẢNH: A-ri-ta-cơ và Phao-lô bị đắm thuyền.

^ đ. 58 HÌNH ẢNH: Ti-chi-cơ được giao chuyển những lá thư của Phao-lô đến cho các hội thánh.

^ đ. 60 HÌNH ẢNH: Mác trợ giúp Phao-lô qua những cách thực tế.