Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 3

Anh chị rất quý giá trước mắt Đức Giê-hô-va!

Anh chị rất quý giá trước mắt Đức Giê-hô-va!

“Ngài nhớ đến chúng ta trong cảnh thấp hèn”.THI 136:23.

BÀI HÁT 33 Hãy trút gánh nặng cho Đức Giê-hô-va

GIỚI THIỆU *

1, 2. Nhiều người trong vòng dân Đức Giê-hô-va phải đương đầu với những tình huống nào, và điều đó có thể ảnh hưởng đến họ ra sao?

Hãy cùng xem ba tình huống sau: Một anh trẻ bị chẩn đoán mắc bệnh suy nhược cơ thể. Một anh ở tuổi trung niên siêng năng làm việc nhưng bị mất việc; dù đã rất nỗ lực, anh vẫn không tìm được việc mới. Một chị lớn tuổi trung thành có nhiều giới hạn và không thể làm nhiều như trước để phụng sự Đức Giê-hô-va.

2 Nếu đang trải qua một trong những tình huống được miêu tả ở trên, có lẽ anh chị cảm thấy mình không còn hữu dụng nữa. Những tình huống như thế có thể khiến một người mất đi niềm vui, thấy mình không có giá trị và ảnh hưởng đến mối quan hệ với người khác.

3. Sa-tan và những người bắt chước hắn có quan điểm nào về sự sống của con người?

3 Thế gian này phản ánh quan điểm của Sa-tan về sự sống của con người. Sa-tan luôn đối xử với con người như thể họ vô giá trị. Hắn nhẫn tâm nói với Ê-va rằng bà sẽ được tự do nếu bất tuân với Đức Chúa Trời, dù hắn biết rõ hình phạt dành cho việc bất trung là sự chết. Sa-tan vẫn luôn kiểm soát hệ thống thương mại, chính trị và tôn giáo của thế gian. Vì thế, không ngạc nhiên gì khi nhiều doanh nhân, chính trị gia và giới lãnh đạo tôn giáo xem thường sự sống và phẩm giá của con người.

4. Chúng ta sẽ thảo luận điều gì trong bài này?

4 Trái lại, Đức Giê-hô-va muốn chúng ta quý trọng bản thân, và ngài trợ giúp khi chúng ta đương đầu với những tình huống có thể khiến mình cảm thấy vô dụng (Thi 136:23; Rô 12:3). Bài này sẽ thảo luận cách Đức Giê-hô-va giúp chúng ta đối phó với những tình huống sau: (1) Khi bệnh tật ập đến, (2) khi gặp khó khăn về tài chính và (3) khi tuổi tác khiến mình cảm thấy không còn hữu dụng trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va. Trước tiên, hãy cùng xem tại sao chúng ta có thể tin chắc mỗi chúng ta đều quý giá trước mắt Đức Giê-hô-va.

ĐỨC GIÊ-HÔ-VA XEM CHÚNG TA LÀ QUÝ GIÁ

5. Điều gì chứng tỏ rằng anh chị quý giá trước mắt Đức Giê-hô-va?

5 Dù được tạo ra từ bụi đất, nhưng chúng ta quý giá hơn rất nhiều so với bụi đất (Sáng 2:7). Hãy xem một vài lý do cho thấy chúng ta quý giá trước mắt Đức Giê-hô-va. Ngài tạo ra con người với khả năng phản ánh những đức tính của ngài (Sáng 1:27). Khi làm thế, ngài nâng giá trị của chúng ta cao hơn những tạo vật khác trên đất, ngài cho chúng ta quyền cai quản trái đất và loài vật.—Thi 8:4-8.

6. Có bằng chứng nào khác cho thấy Đức Giê-hô-va xem con người bất toàn là quý giá?

6 Ngay cả sau khi A-đam phạm tội, Đức Giê-hô-va vẫn xem con người là quý giá. Ngài xem chúng ta quý giá đến độ ban Con yêu dấu của ngài, Chúa Giê-su, để làm giá chuộc vì tội lỗi chúng ta (1 Giăng 4:9, 10). Đức Giê-hô-va sẽ áp dụng lợi ích của giá chuộc bằng cách làm những người chết vì tội lỗi của A-đam sống lại, cả “người công chính và không công chính” (Công 24:15). Lời ngài cho thấy chúng ta quý giá trước mắt ngài bất kể tình trạng sức khỏe, tài chính hoặc tuổi tác của mình.—Công 10:34, 35.

7. Có những lý do nào khác giúp tôi tớ Đức Chúa Trời tin rằng ngài xem họ là quý giá?

7 Chúng ta có những lý do khác để tin rằng Đức Giê-hô-va xem mình là quý giá. Ngài kéo chúng ta đến với ngài và để ý cách chúng ta hưởng ứng trước tin mừng (Giăng 6:44). Khi chúng ta vun trồng mối quan hệ mật thiết với ngài, ngài đến gần chúng ta hơn (Gia 4:8). Đức Giê-hô-va cũng dành thời gian và nỗ lực để dạy dỗ chúng ta, điều này cho thấy chúng ta quý giá đối với ngài. Ngài biết rõ con người hiện tại của chúng ta và biết chúng ta có thể trở nên tốt hơn như thế nào trong tương lai. Ngài cũng sửa dạy vì yêu thương chúng ta (Châm 3:11, 12). Quả là những bằng chứng hùng hồn cho thấy Đức Giê-hô-va xem chúng ta thật quý giá!

8. Những lời nơi Thi thiên 18:27-29 tác động thế nào đến cái nhìn của chúng ta về thử thách?

8 Một số người xem vua Đa-vít là vô dụng, nhưng Đa-vít biết rằng Đức Giê-hô-va yêu thương và hỗ trợ ông. Suy nghĩ đó tác động đến cái nhìn của Đa-vít về tình huống mà ông đang phải đương đầu (2 Sa 16:5-7). Khi chúng ta cảm thấy nản lòng hoặc đương đầu với thử thách, Đức Giê-hô-va có thể giúp chúng ta có cái nhìn thăng bằng và giúp mình vượt qua bất cứ trở ngại nào. (Đọc Thi thiên 18:27-29). Khi có sự hỗ trợ của Đức Giê-hô-va, không điều gì có thể cản trở chúng ta phụng sự ngài với niềm vui (Rô 8:31). Giờ đây, hãy cùng xem xét cụ thể ba tình huống được đề cập ở trên, là những tình huống mà chúng ta cần nhớ rằng Đức Giê-hô-va yêu thương và trân trọng mình.

KHI ĐƯƠNG ĐẦU VỚI BỆNH TẬT

Đọc lời được Đức Giê-hô-va soi dẫn sẽ giúp chúng ta đương đầu với cảm xúc tiêu cực khi bị bệnh (Xem đoạn 9-12)

9. Bệnh tật có thể ảnh hưởng đến quan điểm của chúng ta về bản thân như thế nào?

9 Bệnh tật có thể ảnh hưởng đến cảm xúc, khiến chúng ta cảm thấy mình không còn hữu dụng nữa. Có lẽ chúng ta cảm thấy xấu hổ khi cần sự giúp đỡ của người khác, hoặc khi ai đó nhìn thấy những giới hạn của mình. Ngay cả khi người khác không biết mình bị bệnh, chúng ta vẫn có thể thấy xấu hổ vì không thể làm được những điều mình từng làm trước đây. Vào những lúc nản lòng như thế, Đức Giê-hô-va nâng chúng ta dậy. Như thế nào?

10. Theo Châm ngôn 12:25, điều gì có thể giúp ích khi chúng ta bị bệnh?

10 Khi chúng ta bị bệnh, “một lời lành” có thể giúp chúng ta lên tinh thần. (Đọc Châm ngôn 12:25). Đức Giê-hô-va cho lưu lại trong Kinh Thánh những lời lành nhắc chúng ta nhớ là mình quý giá đối với ngài bất kể bệnh tật (Thi 31:19; 41:3). Nếu chúng ta đọc đi đọc lại những lời được soi dẫn này, Đức Giê-hô-va sẽ giúp chúng ta đương đầu với cảm xúc tiêu cực khi bị bệnh.

11. Một anh đã cảm nghiệm sự trợ giúp của Đức Giê-hô-va như thế nào?

11 Hãy xem kinh nghiệm của anh Jorge, một anh trẻ bị mắc bệnh suy nhược cơ thể. Bệnh tình của anh tiến triển nhanh và theo chiều hướng xấu, khiến anh cảm thấy vô dụng. Anh nói: “Tôi không hề chuẩn bị tâm lý trước là bệnh tật sẽ ảnh hưởng đến cảm xúc của bản thân, hoặc khiến tôi xấu hổ khi ai đó để ý đến mình. Khi bệnh tình ngày càng tệ hơn, tôi không biết cuộc đời mình sẽ thay đổi ra sao. Tôi hoàn toàn suy sụp và nài xin Đức Giê-hô-va giúp mình”. Đức Giê-hô-va đã nâng đỡ anh như thế nào? Anh chia sẻ: “Vì tôi khó giữ tập trung, nên mỗi lần tôi chỉ đọc vài câu trong sách Thi thiên cho thấy là Đức Giê-hô-va quan tâm đến tôi tớ ngài. Tôi đọc đi đọc lại những câu ấy mỗi ngày và cảm thấy được an ủi, vững lòng. Theo thời gian, người khác bắt đầu thấy tôi cười nhiều hơn. Thậm chí họ nói rằng thái độ tích cực của tôi khích lệ họ. Tôi nhận ra là Đức Giê-hô-va đã nhậm những lời cầu nguyện của mình! Ngài giúp tôi thay đổi cái nhìn về bản thân. Tôi bắt đầu tập trung vào những câu Kinh Thánh nói về quan điểm của ngài đối với tôi bất kể bệnh tật”.

12. Khi đương đầu với bệnh tật, anh chị có thể cảm nghiệm sự trợ giúp của Đức Giê-hô-va bằng cách nào?

12 Nếu anh chị đang đương đầu với bệnh tật, hãy tin chắc rằng Đức Giê-hô-va biết những gì anh chị phải trải qua. Hãy nài xin ngài giúp để anh chị vun trồng quan điểm đúng về hoàn cảnh của mình. Rồi tìm những lời lành mà Đức Giê-hô-va đã cho lưu lại trong Kinh Thánh để an ủi anh chị. Tập trung vào những câu cho thấy Đức Giê-hô-va quý trọng tôi tớ ngài đến dường nào. Khi làm thế, anh chị sẽ thấy Đức Giê-hô-va là đấng tốt lành và nhân từ với tất cả những ai trung thành phụng sự ngài.—Thi 84:11.

KHI ĐƯƠNG ĐẦU VỚI KHÓ KHĂN VỀ TÀI CHÍNH

Ghi nhớ lời hứa của Đức Giê-hô-va về việc chăm sóc tôi tớ ngài sẽ giúp ích khi chúng ta khó tìm việc làm (Xem đoạn 13-15)

13. Một người làm đầu gia đình có thể cảm thấy thế nào khi bị mất việc?

13 Mỗi người làm đầu gia đình đều muốn chu cấp những nhu cầu cần thiết cho gia đình. Nhưng giả sử một anh bị mất việc dù không làm gì sai. Anh nỗ lực tìm công việc khác nhưng thất bại. Khi đương đầu với tình huống như thế, có lẽ anh cảm thấy mình thật vô dụng. Việc tập trung vào những lời hứa của Đức Giê-hô-va có thể giúp anh như thế nào?

14. Có những lý do nào cho thấy Đức Giê-hô-va sẽ giữ lời hứa của ngài?

14 Đức Giê-hô-va luôn giữ lời hứa của ngài (Giô-suê 21:45; 23:14). Ngài làm thế vì nhiều lý do. Thứ nhất, điều này sẽ ảnh hưởng đến danh thánh của ngài. Đức Giê-hô-va hứa là ngài sẽ chăm sóc cho các tôi tớ trung thành, và ngài cảm thấy có trách nhiệm làm tròn lời hứa ấy (Thi 31:1-3). Ngoài ra, Đức Giê-hô-va biết rằng chúng ta sẽ rất buồn và thất vọng nếu ngài không chăm lo cho những ai thuộc về gia đình ngài. Ngài hứa là sẽ chu cấp cho chúng ta cả về vật chất lẫn thiêng liêng, và không điều gì có thể ngăn cản ngài thực hiện lời hứa ấy!—Mat 6:30-33; 24:45.

15. (a) Các tín đồ vào thế kỷ thứ nhất đương đầu với thử thách nào? (b) Thi thiên 37:18, 19 đưa ra lời đảm bảo nào?

15 Khi ghi nhớ những lý do thôi thúc Đức Giê-hô-va giữ lời ngài hứa, chúng ta có thể tin chắc rằng ngài sẽ giúp chúng ta đương đầu với những khó khăn về tài chính. Hãy xem trường hợp của các tín đồ vào thế kỷ thứ nhất. Khi hội thánh ở Giê-ru-sa-lem gặp sự bắt bớ dữ dội thì “ngoại trừ các sứ đồ, hết thảy môn đồ đều tản mác” (Công 8:1). Hậu quả là gì? Họ phải đương đầu với khó khăn về tài chính! Các tín đồ ấy dường như mất hết nhà cửa và công ăn việc làm. Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va không bỏ rơi họ; và họ cũng không mất đi niềm vui (Công 8:4; Hê 13:5, 6; Gia 1:2, 3). Đức Giê-hô-va đã hỗ trợ những tín đồ trung thành ấy, và ngài sẽ hỗ trợ chúng ta.—Đọc Thi thiên 37:18, 19.

KHI ĐƯƠNG ĐẦU VỚI GIỚI HẠN CỦA TUỔI XẾ CHIỀU

Tập trung vào những điều có thể làm, ngay cả ở tuổi xế chiều, sẽ giúp chúng ta tin chắc Đức Giê-hô-va quý trọng mình và việc trung thành phụng sự ngài (Xem đoạn 16-18)

16. Tình huống nào khiến chúng ta nghĩ sự thờ phượng của mình không được Đức Giê-hô-va quý trọng?

16 Khi càng lớn tuổi, có thể chúng ta bắt đầu cảm thấy mình không thể làm nhiều cho Đức Giê-hô-va. Có lẽ vua Đa-vít cũng cảm thấy như thế khi ông ở tuổi xế chiều (Thi 71:9). Đức Giê-hô-va giúp chúng ta như thế nào?

17. Chúng ta học được gì từ kinh nghiệm của chị Jheri?

17 Hãy xem kinh nghiệm của chị Jheri. Chị được mời tham dự một buổi huấn luyện bảo trì tại Phòng Nước Trời, nhưng chị không muốn đi. Chị nói: “Tôi lớn tuổi, góa bụa và không có kỹ năng nào để Đức Giê-hô-va dùng. Tôi vô dụng”. Vào buổi tối trước ngày huấn luyện, chị dốc đổ lòng mình với Đức Giê-hô-va qua lời cầu nguyện. Hôm sau, khi đến Phòng Nước Trời, chị vẫn băn khoăn không biết mình nên tham dự hay không. Trong chương trình, một diễn giả nhấn mạnh rằng kỹ năng tốt nhất chúng ta có là sẵn sàng để được Đức Giê-hô-va dạy dỗ. Chị Jheri nhớ lại: “Tôi nghĩ: ‘Mình có kỹ năng đó!’. Tôi bật khóc khi nhận ra Đức Giê-hô-va đang đáp lời cầu nguyện của mình. Ngài trấn an tôi rằng tôi có điều quý giá để dâng cho ngài và ngài sẵn lòng dạy tôi!”. Khi nhìn lại, chị Jheri nói: “Tôi bước vào buổi huấn luyện ấy với cảm giác lo sợ, nản lòng và vô dụng. Nhưng tôi bước ra với cảm giác tự tin, được khích lệ và thấy mình có giá trị!”.

18. Làm thế nào Kinh Thánh cho thấy Đức Giê-hô-va vẫn quý trọng việc phụng sự của chúng ta dù chúng ta lớn tuổi?

18 Dù lớn tuổi, chúng ta có thể tin chắc rằng Đức Giê-hô-va vẫn có việc cho mình làm (Thi 92:12-15). Chúa Giê-su dạy rằng dù khả năng của chúng ta có giới hạn hoặc chúng ta cảm thấy những việc mình làm được là nhỏ bé, Đức Giê-hô-va quý trọng mọi điều chúng ta có thể làm để phụng sự ngài (Lu 21:2-4). Vì thế, hãy tập trung vào những điều anh chị có thể làm. Chẳng hạn, anh chị có thể nói về Đức Giê-hô-va, cầu nguyện cho anh em và khuyến khích người khác giữ trung thành. Đức Giê-hô-va xem anh chị là những người cùng làm việc với ngài, không phải vì những điều anh chị có thể làm mà vì anh chị sẵn sàng vâng lời ngài.—1 Cô 3:5-9.

19. Rô-ma 8:38, 39 cho chúng ta lời đảm bảo nào?

19 Chúng ta vô cùng biết ơn khi được thờ phượng Đức Giê-hô-va, đấng thật sự quý trọng những ai thờ phượng ngài! Ngài tạo ra chúng ta để thực hiện ý muốn của ngài, và sự thờ phượng thật mang lại cho chúng ta một đời sống đầy ý nghĩa (Khải 4:11). Dù thế gian xem chúng ta là vô dụng, Đức Giê-hô-va không hổ thẹn về chúng ta (Hê 11:16, 38). Khi cảm thấy nản lòng vì bệnh tật, đương đầu với khó khăn về tài chính hoặc tuổi già, hãy nhớ rằng không điều gì có thể ngăn cách chúng ta khỏi tình yêu thương của Cha trên trời.—Đọc Rô-ma 8:38, 39.

^ đ. 5 Đã bao giờ anh chị đương đầu với những tình huống khiến mình cảm thấy vô dụng? Bài này sẽ nhắc anh chị nhớ rằng Đức Giê-hô-va xem anh chị thật quý giá. Bài sẽ thảo luận những điều có thể giúp anh chị quý trọng bản thân bất kể điều gì xảy ra trong đời sống.

BÀI HÁT 30 Ngài là Cha, là Đức Chúa Trời và là Bạn tôi