Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 5

“Chúng tôi muốn đi theo các anh”

“Chúng tôi muốn đi theo các anh”

“Chúng tôi muốn đi theo các anh vì chúng tôi nghe rằng Đức Chúa Trời ở cùng các anh”.—XA 8:23.

BÀI HÁT 26 Ngươi đã làm điều ấy cho ta

GIỚI THIỆU *

Chiên khác (“mười người”) cảm thấy vinh dự khi phụng sự Đức Giê-hô-va cùng với các tín đồ được xức dầu (“người Do Thái”) (Xem đoạn 1, 2)

1. Đức Giê-hô-va báo trước điều gì sẽ xảy ra vào thời chúng ta?

Đức Giê-hô-va báo trước về thời chúng ta như sau: “Mười người từ mọi ngôn ngữ của các nước sẽ nắm lấy áo của một người Do Thái, nắm thật chặt mà nói: ‘Chúng tôi muốn đi theo các anh vì chúng tôi nghe rằng Đức Chúa Trời ở cùng các anh’” (Xa 8:23). “Người Do Thái” ở đây tượng trưng cho những người được xức dầu bằng thần khí thánh. Họ cũng được gọi là “dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời” (Ga 6:16). “Mười người” tượng trưng cho những người có hy vọng sống mãi trên đất. Họ biết rằng Đức Giê-hô-va ban phước cho nhóm tín đồ được xức dầu và cảm thấy thật vinh dự khi được phụng sự ngài cùng với những tín đồ này.

2. “Mười người” “đi theo” các tín đồ được xức dầu bằng cách nào?

2 Dù không thể biết tên của mỗi tín đồ được xức dầu trên đất ngày nay, * những ai có hy vọng sống trên đất vẫn có thể “đi theo” họ. Bằng cách nào? Kinh Thánh nói rằng “mười người” sẽ “nắm lấy áo của một người Do Thái... mà nói: ‘Chúng tôi muốn đi theo các anh vì chúng tôi nghe rằng Đức Chúa Trời ở cùng các anh’”. Câu này nhắc đến một người Do Thái. Nhưng cụm từ “các anh” cho biết có nhiều hơn một người. Điều này nghĩa là người Do Thái này không chỉ là một người nhưng tượng trưng cho cả nhóm tín đồ được xức dầu. Những tín đồ không được xức dầu phụng sự Đức Giê-hô-va cùng với những tín đồ được xức dầu. Tuy nhiên, họ không tôn sùng những người được xức dầu vì họ biết rằng Chúa Giê-su mới là Đấng Lãnh Đạo của họ.—Mat 23:10.

3. Những câu hỏi nào sẽ được giải đáp trong bài này?

3 Vì vẫn có các tín đồ được xức dầu ở giữa dân Đức Chúa Trời ngày nay, một số người có thể thắc mắc: (1) Các tín đồ được xức dầu nên có quan điểm nào về chính mình? (2) Những người dùng các món biểu tượng tại Lễ Tưởng Niệm nên được đối xử như thế nào? (3) Chúng ta có nên lo lắng nếu số người dùng các món biểu tượng gia tăng không? Bài này sẽ đưa ra lời giải đáp cho ba câu hỏi đó.

CÁC TÍN ĐỒ ĐƯỢC XỨC DẦU NÊN CÓ QUAN ĐIỂM NÀO VỀ CHÍNH MÌNH?

4. Các tín đồ được xức dầu nên suy nghĩ nghiêm túc về lời cảnh báo nào nơi 1 Cô-rinh-tô 11:27-29, và tại sao?

4 Các tín đồ được xức dầu nên suy nghĩ nghiêm túc về lời cảnh báo nơi 1 Cô-rinh-tô 11:27-29. (Đọc). Một tín đồ được xức dầu có thể dùng các món biểu tượng “một cách không xứng đáng” tại Lễ Tưởng Niệm như thế nào? Đó là nếu người ấy dùng các món biểu tượng nhưng không sống đúng với tiêu chuẩn công chính của Đức Giê-hô-va (Hê 6:4-6; 10:26-29). Các tín đồ được xức dầu ý thức rằng họ phải giữ trung thành nếu muốn nhận “giải thưởng được Đức Chúa Trời gọi lên trời qua Đấng Ki-tô Giê-su”.—Phi-líp 3:13-16.

5. Các tín đồ được xức dầu nên có quan điểm nào về chính mình?

5 Thần khí thánh của Đức Giê-hô-va giúp các tôi tớ ngài trở nên khiêm nhường chứ không kiêu ngạo (Ê-phê 4:1-3; Cô 3:10, 12). Vì thế, các tín đồ được xức dầu không cảm thấy mình vượt trội hơn người khác. Họ biết rằng Đức Giê-hô-va không nhất thiết ban cho họ nhiều thần khí thánh hơn những tôi tớ khác. Họ không nghĩ là mình có sự hiểu biết về Kinh Thánh sâu sắc hơn bất cứ người nào khác. Và họ sẽ không bao giờ nói với bất cứ ai rằng người ấy cũng được xức dầu và nên dùng các món biểu tượng tại Lễ Tưởng Niệm. Thay vì thế, họ khiêm nhường nhận biết chỉ mình Đức Giê-hô-va có quyền mời một người lên trời.

6. Theo 1 Cô-rinh-tô 4:7, 8, các tín đồ được xức dầu không nên làm gì?

6 Dù các tín đồ được xức dầu cảm thấy vinh dự vì được mời lên trời, nhưng họ không mong đợi người khác đối xử với mình theo cách đặc biệt (Phi-líp 2:2, 3). Họ cũng biết rằng khi Đức Giê-hô-va xức dầu cho họ, ngài không cho bất kỳ ai khác biết về điều này. Vì thế, một người được xức dầu không ngạc nhiên nếu một số người không tin ngay là họ được chọn. Người ấy nhận ra là Kinh Thánh khuyên chúng ta không nên vội tin khi một ai đó nói rằng họ được Đức Chúa Trời giao cho trách nhiệm đặc biệt (Khải 2:2). Vì không muốn thu hút sự chú ý vào chính mình, một tín đồ được xức dầu sẽ không nói với những người mới gặp lần đầu là mình được xức dầu. Và chắc chắn người ấy sẽ không khoe khoang với người khác về điều này.—Đọc 1 Cô-rinh-tô 4:7, 8.

7. Những người được xức dầu sẽ tránh làm gì, và tại sao?

7 Các tín đồ được xức dầu không nghĩ rằng họ chỉ nên dành thời gian kết hợp với những người được xức dầu khác, như thể họ là thành viên của một câu lạc bộ đặc biệt. Họ không tìm kiếm những người cũng được xức dầu để chia sẻ với nhau về đặc ân được chọn, hoặc lập ra những nhóm học Kinh Thánh riêng (Ga 1:15-17). Hội thánh sẽ không hợp nhất nếu các tín đồ được xức dầu làm những điều như thế. Họ sẽ chống lại thần khí thánh, là lực giúp dân Đức Chúa Trời có sự bình an và hợp nhất.—Rô 16:17, 18.

TÍN ĐỒ ĐƯỢC XỨC DẦU NÊN ĐƯỢC ĐỐI XỬ NHƯ THẾ NÀO?

Chúng ta không nên đối xử với các tín đồ được xức dầu hoặc bất kỳ người dẫn đầu nào như thể họ là người nổi tiếng (Xem đoạn 8) *

8. Tại sao anh chị cần thận trọng trong cách đối xử với những người dùng các món biểu tượng tại Lễ Tưởng Niệm? (Cũng xem chú thích).

8 Chúng ta nên đối xử với những anh chị được xức dầu như thế nào? Thán phục một người quá mức là điều không đúng, ngay cả khi người đó là anh em của Đấng Ki-tô (Mat 23:8-12). Khi nói về các trưởng lão, Kinh Thánh khuyến khích chúng ta “noi theo đức tin họ”, chứ không nói rằng chúng ta nên tôn sùng bất cứ người nào (Hê 13:7). Đúng là Kinh Thánh nói rằng một số người “đáng tôn trọng gấp bội”. Nhưng đó là vì họ “khéo léo trong việc giám sát” và “siêng năng trong việc truyền giảng và dạy dỗ” chứ không phải vì họ được xức dầu (1 Ti 5:17). Nếu dành quá nhiều lời khen và sự chú ý cho những người được xức dầu, chúng ta có thể khiến họ bối rối. * Hoặc tệ hơn nữa, chúng ta có thể khiến họ trở nên kiêu ngạo (Rô 12:3). Không ai trong chúng ta muốn làm bất cứ điều gì khiến một anh em của Đấng Ki-tô phạm lỗi nghiêm trọng như thế!—Lu 17:2.

9. Chúng ta cho thấy mình tôn trọng các tín đồ được xức dầu bằng cách nào?

9 Bằng cách nào chúng ta cho thấy mình tôn trọng những người được Đức Giê-hô-va xức dầu? Chúng ta sẽ không hỏi họ được xức dầu như thế nào. Đây là vấn đề cá nhân, chúng ta không có quyền được biết (1 Tê 4:11; 2 Tê 3:11). Chúng ta không nên cho rằng chồng hoặc vợ, cha mẹ hoặc các thành viên khác trong gia đình người ấy cũng được xức dầu. Một người không thừa hưởng hy vọng lên trời từ gia đình của mình. Người ấy được Đức Chúa Trời ban cho hy vọng đó (1 Tê 2:12). Chúng ta cũng tránh hỏi những câu có thể khiến người khác tổn thương. Chẳng hạn, chúng ta sẽ không hỏi vợ của một anh được xức dầu rằng chị ấy cảm thấy thế nào về triển vọng sống đời đời trên đất mà không có chồng mình. Chúng ta có thể tin chắc trong thế giới mới, Đức Giê-hô-va sẽ “thỏa mãn ước muốn của mọi loài sống”.—Thi 145:16.

10. Chúng ta bảo vệ chính mình như thế nào nếu tránh “tâng bốc người khác”?

10 Khi tránh đối xử với các tín đồ được xức dầu như thể họ cao trọng hơn người khác, chúng ta cũng bảo vệ chính mình. Tại sao? Kinh Thánh cho biết một số người được xức dầu có thể sẽ không giữ trung thành (Mat 25:10-12; 2 Phi 2:20, 21). Nếu tránh “tâng bốc người khác”, chúng ta sẽ không bao giờ đi theo họ, dù đó là người được xức dầu hoặc nổi tiếng, hay đã phụng sự Đức Giê-hô-va lâu năm (Giu 16, chú thích). Ngay cả nếu họ bất trung hoặc rời bỏ hội thánh, chúng ta sẽ không mất đức tin nơi Đức Giê-hô-va hoặc ngưng phụng sự ngài.

CHÚNG TA CÓ CẦN LO LẮNG VỀ SỐ NGƯỜI DÙNG CÁC MÓN BIỂU TƯỢNG KHÔNG?

11. Có sự thay đổi nào liên quan đến số người dùng các món biểu tượng tại Lễ Tưởng Niệm?

11 Trong nhiều năm, số người dùng các món biểu tượng tại Lễ Tưởng Niệm liên tục giảm. Nhưng trong những năm gần đây, con số đó tiếp tục gia tăng mỗi năm. Chúng ta có cần lo lắng về điều này không? Không. Hãy cùng xem một số yếu tố quan trọng chúng ta cần nhớ.

12. Tại sao chúng ta không nên lo lắng về số người dùng các món biểu tượng tại Lễ Tưởng Niệm?

12 “Đức Giê-hô-va biết những người thuộc về ngài” (2 Ti 2:19). Khác với Đức Giê-hô-va, các anh có trách nhiệm đếm số người dùng các món biểu tượng tại Lễ Tưởng Niệm không biết ai thật sự được xức dầu. Vì thế, con số đó bao gồm những người nghĩ rằng mình được xức dầu nhưng không phải vậy. Chẳng hạn, một số người từng dùng bánh và rượu nhưng sau này họ không dùng nữa. Những người khác có thể có vấn đề về tinh thần hoặc cảm xúc khiến họ tin rằng mình sẽ cùng cai trị với Đấng Ki-tô trên trời. Rõ ràng, chúng ta không biết chính xác còn bao nhiêu tín đồ được xức dầu đang sống trên đất.

13. Kinh Thánh có nói bao nhiêu người sẽ còn trên đất khi hoạn nạn lớn bắt đầu không?

13 Những người được xức dầu sẽ sống tại nhiều nơi trên trái đất khi Chúa Giê-su đến thu nhóm họ lên trời (Mat 24:31). Kinh Thánh nói rằng trong những ngày sau cùng, sẽ có một nhóm nhỏ các tín đồ được xức dầu sống trên đất (Khải 12:17). Nhưng Kinh Thánh không nói có bao nhiêu người sẽ còn trên đất khi hoạn nạn lớn bắt đầu.

Chúng ta nên phản ứng thế nào nếu một người dùng các món biểu tượng tại Lễ Tưởng Niệm? (Xem đoạn 14)

14. Như được nói nơi Rô-ma 9:11, 16, chúng ta cần hiểu điều gì về cách Đức Giê-hô-va chọn những tín đồ được xức dầu?

14 Đức Giê-hô-va quyết định thời điểm ngài sẽ xức dầu cho một người (Rô 8:28-30). Đức Giê-hô-va bắt đầu chọn những tín đồ được xức dầu sau khi Chúa Giê-su được sống lại. Dường như vào thế kỷ thứ nhất, tất cả các tín đồ chân chính đều được xức dầu. Trong những thế kỷ sau đó, đa số người tự nhận là tín đồ đạo Đấng Ki-tô đều không thật sự noi theo Chúa Giê-su. Dù vậy, trong những năm ấy, Đức Giê-hô-va đã xức dầu cho một số tín đồ chân chính. Họ giống như lúa mì mà Chúa Giê-su nói rằng sẽ mọc chung với cỏ dại (Mat 13:24-30). Trong những ngày sau cùng này, Đức Giê-hô-va tiếp tục chọn những người sẽ nằm trong số 144.000 người. * Vì thế, nếu Đức Giê-hô-va quyết định chọn một số tín đồ ngay trước thời điểm kết thúc, thì chắc chắn chúng ta không nên chất vấn sự khôn ngoan của ngài. (Đọc Rô-ma 9:11, 16). * Chúng ta cần thận trọng để không phản ứng như những người làm thuê mà Chúa Giê-su miêu tả trong một minh họa. Họ than phiền về cách chủ vườn đối xử với những người được thuê vào giờ chót.—Mat 20:8-15.

15. Có phải tất cả tín đồ được xức dầu đều là một phần của “đầy tớ trung tín và khôn ngoan” được nói nơi Ma-thi-ơ 24:45-47 không? Hãy giải thích.

15 Không phải tất cả những người có hy vọng lên trời đều là một phần của “đầy tớ trung tín và khôn ngoan”. (Đọc Ma-thi-ơ 24:45-47). Giống như vào thế kỷ thứ nhất, ngày nay Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su đang dùng một số ít anh để cung cấp thức ăn thiêng liêng, hay sự dạy dỗ, cho nhiều người. Chỉ một số ít tín đồ được xức dầu vào thế kỷ thứ nhất được dùng để viết phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp. Tương tự, ngày nay chỉ một số ít tín đồ được xức dầu có trách nhiệm cung cấp “thức ăn đúng giờ” cho dân Đức Chúa Trời.

16. Anh chị học được gì qua bài này?

16 Chúng ta học được gì qua bài này? Đức Giê-hô-va quyết định ban sự sống vĩnh cửu trên đất cho đa số dân ngài, và ban sự sống trên trời cho một nhóm ít người sẽ cùng cai trị với Chúa Giê-su. Đức Giê-hô-va ban thưởng cho tất cả các tôi tớ của ngài, cả “người Do Thái” lẫn “mười người”, và ngài đòi hỏi họ phải vâng theo cùng luật pháp và giữ trung thành. Tất cả đều phải khiêm nhường. Tất cả phải cùng thờ phượng ngài và hợp nhất với nhau. Và tất cả đều phải nỗ lực để giữ sự bình an trong hội thánh. Khi càng đến gần thời điểm kết thúc, mong sao tất cả chúng ta tiếp tục phụng sự Đức Giê-hô-va và đi theo Đấng Ki-tô với tư cách “một bầy”.—Giăng 10:16.

^ đ. 5 Năm nay, Lễ Tưởng Niệm sự hy sinh của Đấng Ki-tô sẽ được cử hành vào thứ ba, ngày 7 tháng 4. Chúng ta nên đối xử thế nào với những người dùng các món biểu tượng tại Lễ Tưởng Niệm? Chúng ta có nên lo lắng nếu số người dùng các món biểu tượng tiếp tục gia tăng? Bài này sẽ đưa ra lời giải đáp cho những câu hỏi ấy; bài dựa trên một bài trong Tháp Canh tháng 1 năm 2016.

^ đ. 2 Theo Thi thiên 87:5, 6, trong tương lai, có thể Đức Chúa Trời sẽ tiết lộ tên của tất cả những người cùng cai trị với Chúa Giê-su trên trời.—Rô 8:19.

^ đ. 8 Xin xem khung “Tình yêu thương ‘không cư xử khiếm nhã’” trong Tháp Canh tháng 1 năm 2016.

^ đ. 14Công vụ 2:33 cho thấy rằng thần khí thánh được đổ xuống qua Chúa Giê-su, nhưng chính Đức Giê-hô-va là đấng đưa ra lời mời cho mỗi người.

^ đ. 14 Để biết thêm thông tin, xin xem “Độc giả thắc mắc” trong Tháp Canh ngày 1-5-2007.

BÀI HÁT 34 Bước theo sự trọn thành

^ đ. 56 HÌNH ẢNH: Hãy hình dung cảnh một anh đại diện trung ương và vợ anh bị bao vây vì nhiều người muốn chụp hình với họ tại hội nghị. Thật thiếu tôn trọng!