Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 7

Chúng ta yêu thương Cha Giê-hô-va vô cùng

Chúng ta yêu thương Cha Giê-hô-va vô cùng

“Chúng ta yêu vì Đức Chúa Trời yêu chúng ta trước”.​—1 GIĂNG 4:19.

BÀI HÁT 3 Sức mạnh, hy vọng và niềm tin cậy của chúng con

GIỚI THIỆU *

1, 2. Tại sao Đức Giê-hô-va mở đường cho chúng ta vào gia đình của ngài, và ngài làm thế như thế nào?

Đức Giê-hô-va mời chúng ta vào gia đình gồm những người thờ phượng ngài. Thật là một lời mời tuyệt vời! Gia đình ấy gồm những người đã dâng mình cho Đức Chúa Trời và thể hiện đức tin nơi sự hy sinh làm giá chuộc của Con ngài. Đây là một gia đình hạnh phúc. Chúng ta vui mừng vì có đời sống ý nghĩa ngay bây giờ và triển vọng sống vĩnh cửu, dù trên trời hay dưới đất.

2 Vì yêu thương, Đức Giê-hô-va mở đường cho chúng ta vào gia đình của ngài. Để làm thế, ngài đã hy sinh rất nhiều (Giăng 3:16). Ngài đã mua chúng ta “với giá cao” (1 Cô 6:20). Nhờ giá chuộc, chúng ta có mối quan hệ mật thiết với Đức Giê-hô-va. Chúng ta có vinh dự được gọi đấng vĩ đại nhất trong vũ trụ là Cha. Như đã xem trong bài trước, Đức Giê-hô-va là Cha tốt nhất.

3. Chúng ta có thể nêu lên những câu hỏi nào? (Cũng xem khung “ Đức Giê-hô-va có chú ý đến mình không?”).

3 Chúng ta có thể nêu lên câu hỏi giống như một người viết Kinh Thánh: “Tôi sẽ lấy gì đền đáp Đức Giê-hô-va vì mọi điều lành ngài làm cho tôi?” (Thi 116:12). Câu trả lời là chúng ta không bao giờ đền đáp được Cha trên trời. Dù vậy, chúng ta được thôi thúc để yêu thương ngài. Sứ đồ Giăng viết: “Chúng ta yêu vì Đức Chúa Trời yêu chúng ta trước” (1 Giăng 4:19). Chúng ta có thể cho Cha trên trời thấy mình yêu thương ngài qua những cách nào?

GẮN BÓ VỚI ĐỨC GIÊ-HÔ-VA

Chúng ta cho thấy mình yêu thương Cha Giê-hô-va bằng cách gắn bó với ngài qua lời cầu nguyện, vâng lời ngài và giúp người khác yêu thương ngài (Xem đoạn 4-14)

4. Theo Gia-cơ 4:8, tại sao chúng ta nên cố gắng đến gần Đức Giê-hô-va?

4 Đức Giê-hô-va muốn chúng ta đến gần ngài và trò chuyện với ngài. (Đọc Gia-cơ 4:8). Đức Chúa Trời khuyến giục chúng ta “kiên trì cầu nguyện” và ngài sẵn lòng lắng nghe vào mọi lúc (Rô 12:12). Ngài không bận rộn đến mức chẳng thể lắng nghe chúng ta, cũng không cảm thấy mệt mỏi khi làm thế. Còn chúng ta lắng nghe ngài bằng cách đọc Kinh Thánh và các ấn phẩm giúp chúng ta hiểu Lời ngài. Chúng ta cũng lắng nghe ngài bằng cách tập trung trong các buổi nhóm họp. Như việc trò chuyện cởi mở giúp con trẻ gần gũi cha mẹ, việc thường xuyên trò chuyện với Đức Giê-hô-va giúp chúng ta gắn bó với ngài.

Xem đoạn 5

5. Làm thế nào để cải thiện chất lượng lời cầu nguyện?

5 Hãy nghĩ về chất lượng của lời cầu nguyện mà anh chị dâng lên Đức Giê-hô-va. Ngài muốn chúng ta trút đổ lòng mình (Thi 62:8). Chúng ta nên tự hỏi: “Lời cầu nguyện của mình giống như tin nhắn được cài đặt sẵn, không có cảm xúc hay là thư viết tay từ đáy lòng?”. Chắc hẳn anh chị rất yêu thương Đức Giê-hô-va và muốn giữ cho mối quan hệ của mình với ngài bền chặt. Để làm thế, anh chị phải thường xuyên trò chuyện với ngài, tâm sự và chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với ngài. Hãy tin chắc rằng anh chị có thể hướng đến ngài để được giúp đỡ.

6. Chúng ta phải làm gì để gắn bó với Cha trên trời?

6 Để gắn bó với Cha trên trời, chúng ta phải luôn có thái độ biết ơn. Chúng ta đồng tình với lời của người viết Thi thiên: “Lạy Giê-hô-va Đức Chúa Trời của con, nhiều thay công việc ngài làm, những việc diệu kỳ và các tư tưởng đối cùng chúng con! Nào ai sánh kịp với ngài; dẫu cố rao ra thuật lại, thật chúng nhiều quá không sao kể xiết!” (Thi 40:5). Không chỉ cảm thấy biết ơn, chúng ta muốn thể hiện lòng biết ơn với Đức Giê-hô-va qua lời nói và hành động. Điều này khiến chúng ta khác biệt với nhiều người ngày nay. Chúng ta sống trong thế gian mà người ta không biết ơn về mọi điều Đức Chúa Trời làm cho họ. Thật vậy, một dấu hiệu cho thấy chúng ta đang sống trong “những ngày sau cùng” là người ta vô ơn (2 Ti 3:1, 2). Mong sao chúng ta không bao giờ nhiễm thái độ đó!

7. Đức Giê-hô-va muốn chúng ta làm gì, và tại sao?

7 Cha mẹ không muốn con cái xích mích nhưng giữ hòa khí với nhau. Tương tự thế, Đức Giê-hô-va muốn tất cả con cái ngài hòa thuận với nhau. Tình yêu thương là dấu hiệu nhận diện chúng ta là tín đồ chân chính (Giăng 13:35). Chúng ta đồng tâm tình với người viết Thi thiên: “Tốt đẹp, vui vẻ biết bao, cảnh anh em chung sống thuận hòa!” (Thi 133:1). Khi yêu thương anh em đồng đạo, chúng ta cho Đức Giê-hô-va thấy mình yêu thương ngài (1 Giăng 4:20). Thật vui sướng khi được thuộc về gia đình gồm các anh chị đối xử “nhân từ với nhau, có lòng trắc ẩn dịu dàng”!—Ê-phê 4:32.

THỂ HIỆN TÌNH YÊU THƯƠNG BẰNG CÁCH VÂNG LỜI

Xem đoạn 8

8. Theo 1 Giăng 5:3, lý do chính mà chúng ta vâng lời Đức Giê-hô-va là gì?

8 Đức Giê-hô-va muốn con cái phải vâng lời cha mẹ và muốn chúng ta vâng lời ngài (Ê-phê 6:1). Ngài xứng đáng để chúng ta vâng lời vì ngài là Đấng Tạo Hóa, đấng duy trì sự sống của chúng ta và là người Cha khôn ngoan nhất. Tuy nhiên, lý do chính mà chúng ta vâng lời Đức Giê-hô-va là vì yêu thương ngài. (Đọc 1 Giăng 5:3). Dù chúng ta có nhiều lý do để vâng lời nhưng ngài không ép chúng ta làm thế. Đức Giê-hô-va ban cho chúng ta món quà tự do ý chí, nên ngài vui lòng khi chúng ta chọn vâng lời vì yêu thương ngài.

9, 10. Tại sao việc biết và sống theo tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va là quan trọng?

9 Vì muốn con mình được an toàn, cha mẹ đặt ra tiêu chuẩn về cách ứng xử và điều này đem lại lợi ích cho con. Khi làm theo tiêu chuẩn ấy, con cái cho thấy chúng tin cậy và kính trọng cha mẹ. Việc chúng ta biết và sống theo các tiêu chuẩn của Cha trên trời còn quan trọng hơn biết bao! Khi làm thế, chúng ta cho Đức Giê-hô-va thấy mình yêu thương cũng như kính trọng ngài, và chính mình nhận được lợi ích (Ê-sai 48:17, 18). Trái lại, những người bác bỏ Đức Giê-hô-va và tiêu chuẩn của ngài thì rốt cuộc chỉ gây hại cho mình.—Ga 6:7, 8.

10 Khi sống theo cách đẹp lòng Đức Giê-hô-va, chúng ta được bảo vệ khỏi những mối nguy hại về thể chất, tinh thần và thiêng liêng. Đức Giê-hô-va biết điều gì là tốt nhất cho chúng ta. Chị Aurora, sống ở Hoa Kỳ, nói: “Việc vâng lời Đức Giê-hô-va luôn mang lại đời sống tốt nhất”. Điều đó luôn đúng. Anh chị đã nhận được lợi ích nào khi vâng theo sự chỉ dẫn yêu thương của Đức Giê-hô-va?

11. Việc cầu nguyện giúp chúng ta như thế nào?

11 Việc cầu nguyện giúp chúng ta vâng lời, ngay cả khi vâng lời là điều khó. Đôi khi, chúng ta thấy khó vâng lời Đức Giê-hô-va vì khuynh hướng tội lỗi, nhưng chúng ta phải luôn tranh đấu để tránh bất tuân. Người viết Thi thiên nài xin Đức Chúa Trời: “Xin hãy... khơi dậy trong con tinh thần sẵn sàng vâng lời” (Thi 51:12). Chị Denise, một tiên phong đều đều, nói: “Khi thấy khó vâng theo các mệnh lệnh của Đức Giê-hô-va, tôi cầu xin ngài ban sức mạnh để làm điều đúng”. Chúng ta có thể tin chắc ngài sẽ luôn nhậm lời cầu xin như thế.—Lu 11:9-13.

GIÚP NGƯỜI KHÁC YÊU THƯƠNG CHA GIÊ-HÔ-VA

12. Theo Ê-phê-sô 5:1, chúng ta nên làm gì?

12 Đọc Ê-phê-sô 5:1. Là “con cái yêu dấu” của Đức Giê-hô-va, chúng ta cố gắng hết sức để bắt chước ngài. Chúng ta noi theo các đức tính của ngài bằng cách đối xử với người khác một cách yêu thương, nhân từ và sẵn lòng tha thứ. Khi thấy hạnh kiểm tốt của chúng ta, có thể những người không biết Đức Chúa Trời sẽ được thúc đẩy để tìm hiểu về ngài (1 Phi 2:12). Cha mẹ đạo Đấng Ki-tô có lý do chính đáng để noi gương Đức Giê-hô-va trong cách họ đối xử với con cái. Khi họ làm thế, có thể con cái cũng muốn xây dựng tình bạn với Cha yêu thương trên trời.

Xem đoạn 13

13. Để có sự can đảm, chúng ta nên nghĩ đến điều gì?

13 Một đứa trẻ thường tự hào về cha và thích nói về cha. Tương tự, chúng ta tự hào về Cha Giê-hô-va trên trời và muốn người khác biết về ngài. Từ trong lòng, chúng ta cảm thấy như vua Đa-vít: “Tôi sẽ khoe mình vì cớ Đức Giê-hô-va” (Thi 34:2). Nhưng nếu chúng ta nhút nhát thì sao? Làm thế nào để trở nên can đảm? Chúng ta sẽ can đảm khi nghĩ đến lợi ích của việc giúp người khác học về Đức Giê-hô-va, đó là làm ngài vui lòng và mang lại lợi ích cho họ. Đức Giê-hô-va sẽ ban cho chúng ta sự can đảm cần thiết. Ngài đã giúp các tín đồ vào thế kỷ thứ nhất can đảm, và ngài cũng sẽ giúp chúng ta.—1 Tê 2:2.

14. Tại sao việc tham gia đào tạo môn đồ là quan trọng?

14 Đức Giê-hô-va là đấng không thiên vị và ngài vui khi thấy chúng ta thể hiện tình yêu thương với người khác, bất kể gốc gác của họ là gì (Công 10:34, 35). Một trong những cách tốt nhất để làm thế là chia sẻ tin mừng với họ (Mat 28:19, 20). Công việc này thực hiện được điều gì? Những người lắng nghe chúng ta có thể cải thiện đời sống ngay bây giờ và có triển vọng nhận được sự sống vĩnh cửu trong tương lai.—1 Ti 4:16.

YÊU THƯƠNG CHA TRÊN TRỜI MANG LẠI HẠNH PHÚC

15, 16. Chúng ta có những lý do nào để hạnh phúc?

15 Là Cha yêu thương, Đức Giê-hô-va muốn gia đình ngài hạnh phúc (Ê-sai 65:14). Chúng ta có nhiều lý do để hạnh phúc ngay bây giờ, kể cả khi gặp khó khăn. Chẳng hạn, chúng ta tin chắc Cha trên trời yêu thương mình vô cùng. Chúng ta có sự hiểu biết chính xác về Kinh Thánh (Giê 15:16). Chúng ta thuộc về gia đình có một không hai, gồm những người yêu mến Đức Giê-hô-va, yêu thương nhau và quý trọng tiêu chuẩn đạo đức cao của ngài.—Thi 106:4, 5.

16 Chúng ta vẫn giữ được niềm hạnh phúc vì có hy vọng chắc chắn là đời sống sẽ càng tốt đẹp hơn trong tương lai. Chúng ta biết rằng không lâu nữa Đức Giê-hô-va sẽ loại bỏ kẻ gian ác và dưới sự hướng dẫn của Nước Trời, trái đất sẽ được khôi phục thành địa đàng. Chúng ta cũng có hy vọng tuyệt vời là những người đã qua đời sẽ được sống lại và đoàn tụ với người thân yêu (Giăng 5:28, 29). Thật là một thời kỳ vui mừng! Trên hết, chúng ta tin chắc chẳng bao lâu nữa tất cả các tạo vật trên trời và dưới đất đều tôn vinh và ngợi khen Cha yêu thương, cũng như dành cho ngài lòng sùng kính mà ngài xứng đáng nhận.

BÀI HÁT 12 Đức Giê-hô-va, ngài thật vĩ đại

^ đ. 5 Cha Giê-hô-va yêu thương chúng ta vô cùng và đã nhận chúng ta vào gia đình gồm những người thờ phượng ngài. Chúng ta đáp lại bằng cách yêu thương ngài. Làm thế nào để thể hiện tình yêu thương với Cha đầy lòng quan tâm của mình? Bài này sẽ xem xét một số điều cụ thể mà chúng ta có thể làm.