Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 9

Hãy để Đức Giê-hô-va xoa dịu anh chị

Hãy để Đức Giê-hô-va xoa dịu anh chị

“Khi bao âu lo tràn ngập trong con, ngài đã ủi an và xoa dịu con”.—THI 94:19.

BÀI HÁT 44 Lời cầu nguyện của người khốn cùng

GIỚI THIỆU *

1. Điều gì có thể gây lo lắng, và lo lắng có thể khiến chúng ta có suy nghĩ nào?

Đã bao giờ anh chị chìm ngập trong lo lắng chưa? * Có lẽ anh chị lo lắng vì người khác nói hay làm gì đó khiến mình tổn thương. Hoặc có khi anh chị lo lắng vì lời nói hay hành động của chính mình. Chẳng hạn, anh chị mắc lỗi lầm và nghĩ là Đức Giê-hô-va không bao giờ tha thứ cho mình. Có thể anh chị còn cho rằng mình lo lắng nhiều như thế vì mình thiếu đức tin và là người chẳng ra gì. Nhưng có phải như vậy không?

2. Những trường hợp nào trong Kinh Thánh cho thấy một người lo lắng và căng thẳng không có nghĩa là thiếu đức tin?

2 Hãy xem một số trường hợp trong Kinh Thánh. Ha-na, mẹ của nhà tiên tri Sa-mu-ên, là người nữ có đức tin nổi bật. Tuy nhiên, cô đã vô cùng căng thẳng, lo lắng khi bị một thành viên trong gia đình đối xử tệ (1 Sa 1:7). Sứ đồ Phao-lô có đức tin mạnh nhưng ông cũng có nhiều “nỗi lo lắng về hết thảy các hội thánh” (2 Cô 11:28). Vua Đa-vít có đức tin vững vàng và biết chắc Đức Giê-hô-va rất yêu quý ông (Công 13:22). Dù vậy, ông đã phạm lỗi lầm, và điều này khiến ông rất lo lắng và căng thẳng (Thi 38:4). Đức Giê-hô-va đã an ủi và xoa dịu ba tôi tớ ấy. Hãy xem chúng ta học được gì từ gương của họ.

CHÚNG TA HỌC ĐƯỢC GÌ TỪ HA-NA?

3. Tại sao lời nói của người khác có thể khiến chúng ta lo lắng và căng thẳng?

3 Khi người khác nói lời cay nghiệt hoặc hành động thiếu tử tế với mình, chúng ta có thể cảm thấy lo lắng, căng thẳng. Chúng ta càng thấy tệ hơn khi người đó là bạn thân hoặc người nhà. Có thể chúng ta lo rằng mối quan hệ của mình với người ấy đã bị hủy hoại. Đôi khi, một người có thể nói lời thiếu suy nghĩ, và chúng ta cảm thấy như bị gươm đâm (Châm 12:18). Hoặc có người còn cố ý dùng những lời nói như vũ khí gây tổn thương cho chúng ta. Một chị trẻ từng đương đầu với thử thách này kể lại: “Vài năm trước, người mà tôi tưởng là bạn thân đã tung tin sai lệch về tôi trên mạng xã hội. Tôi rất đau lòng và căng thẳng, không thể hiểu tại sao bạn ấy lại đâm sau lưng mình như vậy”. Nếu bị bạn thân hay người nhà làm tổn thương, anh chị có thể học được nhiều điều từ Ha-na.

4. Ha-na phải đương đầu với những vấn đề nan giải nào?

4 Ha-na phải đương đầu với một số vấn đề nan giải. Cô bị hiếm muộn trong nhiều năm (1 Sa 1:2). Theo văn hóa của Y-sơ-ra-ên, người ta cho rằng phụ nữ không thể sinh con là bị rủa sả. Thế nên, Ha-na cảm thấy tủi nhục (Sáng 30:1, 2). Điều khiến tình cảnh của cô càng khó khăn là chồng cô có một người vợ khác là Phê-ni-na và người vợ này sinh được con. Phê-ni-na xem Ha-na là tình địch và “cứ chế nhạo khiến cô đau buồn” (1 Sa 1:6). Lúc đầu, Ha-na không chịu đựng nổi những thử thách này. Cô đau buồn đến nỗi “khóc và chẳng thiết ăn gì”. Cô “cảm thấy vô cùng đắng cay” (1 Sa 1:7, 10). Làm thế nào Ha-na tìm được sự an ủi?

5. Lời cầu nguyện đã giúp Ha-na như thế nào?

5 Ha-na trút đổ nỗi lòng cho Đức Giê-hô-va qua lời cầu nguyện. Sau khi cầu nguyện, cô giải thích tình cảnh của mình cho thầy tế lễ thượng phẩm Hê-li. Rồi ông bảo cô: “Hãy đi bình an, nguyện Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên ban cho cô điều cô cầu xin”. Kết quả là gì? Ha-na “ra về và dùng bữa, nét mặt cô không còn ưu sầu nữa” (1 Sa 1:17, 18). Lời cầu nguyện đã giúp Ha-na có lại sự bình an.

Như Ha-na, làm thế nào chúng ta có thể có lại sự bình an nội tâm và gìn giữ nó? (Xem đoạn 6-10)

6. Qua gương của Ha-na và những lời nơi Phi-líp 4:6, 7, chúng ta học được gì về lời cầu nguyện?

6 Chúng ta có thể có lại sự bình an nếu kiên trì cầu nguyện. Ha-na cầu nguyện lâu với Cha trên trời (1 Sa 1:12). Chúng ta cũng có thể tâm sự lâu với Đức Giê-hô-va về những nỗi lo lắng, sợ hãi và thiếu sót của mình. Lời cầu nguyện không cần phải văn vẻ hoặc bài bản. Thậm chí lời cầu nguyện của chúng ta có lẽ còn chứa lời cay đắng và bị ngắt quãng bởi những tiếng nấc nghẹn ngào. Dù vậy, Đức Giê-hô-va không bao giờ chán khi nghe chúng ta. Ngoài việc cầu nguyện về các vấn đề của mình, chúng ta cần nhớ lời khuyên nơi Phi-líp 4:6, 7. (Đọc). Phao-lô đề cập đến việc chúng ta nên dâng lời tạ ơn. Chúng ta có rất nhiều lý do để làm thế. Chẳng hạn, chúng ta có thể cảm tạ Đức Giê-hô-va về món quà sự sống, các công trình sáng tạo, tình yêu thương thành tín của ngài và hy vọng tuyệt vời mà ngài ban. Chúng ta học được điều gì khác từ Ha-na?

7. Vợ chồng Ha-na đều đặn làm gì?

7 Dù gặp nhiều thử thách, Ha-na vẫn đều đặn cùng chồng đi đến Si-lô để thờ phượng Đức Giê-hô-va (1 Sa 1:1-5). Chính tại lều thánh, cô được thầy tế lễ thượng phẩm Hê-li khích lệ bằng cách nói rằng nguyện Đức Giê-hô-va nhậm lời cầu nguyện của cô.—1 Sa 1:9, 17.

8. Việc tham dự nhóm họp giúp chúng ta như thế nào?

8 Chúng ta có thể có lại sự bình an nếu tiếp tục tham dự nhóm họp. Lời cầu nguyện mở đầu tại buổi nhóm họp thường bao gồm lời cầu xin Đức Chúa Trời ban thần khí. Bình an là một khía cạnh của bông trái thần khí (Ga 5:22). Ngay cả khi căng thẳng mà vẫn tham dự nhóm họp, chúng ta cho Đức Giê-hô-va và anh em đồng đạo cơ hội để khích lệ cũng như giúp mình có lại sự bình an tâm trí. Lời cầu nguyện và các buổi nhóm họp là những cách quan trọng Đức Giê-hô-va dùng để xoa dịu chúng ta (Hê 10:24, 25). Hãy xem một điều khác chúng ta học được từ kinh nghiệm của Ha-na.

9. Trong trường hợp của Ha-na, điều gì không thay đổi và điều gì thay đổi?

9 Vấn đề khiến Ha-na căng thẳng không biến mất ngay. Khi trở về từ lều thánh, cô vẫn phải sống cùng nhà với Phê-ni-na. Kinh Thánh không nói là Phê-ni-na thay đổi thái độ. Vì thế, hẳn Ha-na vẫn phải chịu đựng những lời như gươm đâm của Phê-ni-na. Nhưng cô có thể có lại sự bình an nội tâm và gìn giữ nó. Hãy nhớ rằng sau khi để vấn đề trong tay Đức Giê-hô-va, Ha-na không còn lo lắng, căng thẳng nữa. Cô để ngài an ủi và xoa dịu mình. Một thời gian sau, Ha-na còn được ngài ban phước bằng cách cho cô có con.—1 Sa 1:19, 20; 2:21.

10. Chúng ta học được gì từ trường hợp của Ha-na?

10 Chúng ta có thể có lại sự bình an ngay cả khi vấn đề gây lo lắng, căng thẳng vẫn còn. Dù chúng ta cầu nguyện tha thiết và tham dự nhóm họp đều đặn, nhưng có thể một số vấn đề vẫn tồn tại. Tuy vậy, qua trường hợp của Ha-na, chúng ta học được rằng không điều gì có thể ngăn cản Đức Giê-hô-va xoa dịu tấm lòng buồn phiền của chúng ta. Đức Giê-hô-va sẽ không bao giờ quên chúng ta và không sớm thì muộn, ngài sẽ ban thưởng cho lòng trung thành của chúng ta.—Hê 11:6.

CHÚNG TA HỌC ĐƯỢC GÌ TỪ SỨ ĐỒ PHAO-LÔ?

11. Phao-lô có những lý do nào để lo lắng?

11 Phao-lô có nhiều lý do để lo lắng. Vì yêu thương anh em nên lòng ông nặng trĩu lo lắng khi họ gặp vấn đề (2 Cô 2:4; 11:28). Sau khi trở thành sứ đồ, Phao-lô bị những kẻ chống đối đánh đập và bỏ tù. Ông cũng phải chịu đựng những khó khăn gây lo lắng, chẳng hạn như “thiếu thốn” (Phi-líp 4:12). Ngoài ra, Phao-lô bị đắm tàu ít nhất ba lần nên hẳn ông lo lắng nhiều khi di chuyển bằng đường thủy (2 Cô 11:23-27). Phao-lô đương đầu với lo lắng như thế nào?

12. Điều gì giúp Phao-lô vơi bớt lo lắng?

12 Phao-lô lo lắng cho anh em khi họ gặp thử thách nhưng ông không cố tự mình giải quyết mọi vấn đề cho họ. Là người khiêm tốn, ông sắp xếp để người khác giúp chăm sóc hội thánh. Chẳng hạn, ông giao bớt công việc cho những anh đáng tin cậy như Ti-mô-thê và Tít. Chắc chắn, công việc của họ đã giúp ông vơi bớt lo lắng.—Phi-líp 2:19, 20; Tít 1:1, 4, 5.

Như sứ đồ Phao-lô, chúng ta có thể làm gì để đương đầu với lo lắng? (Xem đoạn 13-15)

13. Các trưởng lão có thể noi gương Phao-lô như thế nào?

13 Nhờ người khác giúp đỡ. Như Phao-lô, ngày nay nhiều trưởng lão có lòng thấu cảm lo lắng cho những anh em đang gặp thử thách. Nhưng một trưởng lão thì khó có thể giúp tất cả những anh em đó. Nếu khiêm tốn, anh sẽ san sẻ gánh nặng với những anh hội đủ điều kiện khác và huấn luyện các anh trẻ để họ giúp chăm sóc bầy của Đức Chúa Trời.—2 Ti 2:2.

14. Phao-lô không lo lắng về điều gì, và chúng ta học được gì từ gương của ông?

14 Thừa nhận là mình cần được an ủi. Phao-lô khiêm nhường nên ông tìm kiếm và nhận sự khích lệ từ các bạn mình. Rõ ràng, ông không lo lắng là nếu thừa nhận mình cần được an ủi thì sẽ bị xem là người yếu đuối. Trong thư viết cho Phi-lê-môn, Phao-lô nói: “Tôi rất vui mừng và được an ủi khi nghe về tình yêu thương của anh” (Phi-lê 7). Ông đề cập đến một số cộng sự khác đã khích lệ mình trong lúc căng thẳng (Cô 4:7-11). Khi chúng ta khiêm nhường thừa nhận mình cần sự khích lệ, các anh chị sẽ vui lòng hỗ trợ.

15. Phao-lô đã làm gì để được xoa dịu trong tình huống căng thẳng?

15 Nương cậy Lời Đức Chúa Trời. Phao-lô tin rằng Kinh Thánh sẽ an ủi ông (Rô 15:4). Sách này cũng ban cho ông sự khôn ngoan để đương đầu với bất cứ thử thách nào (2 Ti 3:15, 16). Khi bị tù ở Rô-ma lần thứ hai, Phao-lô cảm thấy mình sắp đối mặt với cái chết. Trong tình huống căng thẳng đó, ông đã làm gì? Ông xin Ti-mô-thê nhanh chóng đến với mình và mang theo “các cuộn sách” (2 Ti 4:6, 7, 9, 13). Tại sao? Vì đó hẳn là các cuộn sách thuộc phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ mà Phao-lô có thể dùng để học hỏi cá nhân. Khi chúng ta noi gương Phao-lô bằng cách đều đặn học hỏi Kinh Thánh, Đức Giê-hô-va sẽ dùng Lời ngài để xoa dịu chúng ta trong bất cứ thử thách nào.

CHÚNG TA HỌC ĐƯỢC GÌ TỪ VUA ĐA-VÍT?

Như trường hợp của Đa-vít, điều gì có thể giúp nếu chúng ta phạm lỗi lầm nghiêm trọng? (Xem đoạn 16-19)

16. Đa-vít đã tự gây căng thẳng cho mình như thế nào?

16 Đa-vít bị lương tâm dằn vặt là có lý do. Ông đã phạm tội ngoại tình với Bát-sê-ba, dàn xếp để chồng bà bị giết và cố giấu tội trong một thời gian (2 Sa 12:9). Lúc đầu, Đa-vít lờ đi tiếng nói của lương tâm. Hậu quả là ông không chỉ bị thiệt hại về thiêng liêng mà còn về thể chất lẫn tinh thần (Thi 32:3, 4). Điều gì giúp Đa-vít đương đầu với sự căng thẳng mà ông tự gây ra cho mình, và điều gì có thể giúp nếu chúng ta phạm lỗi lầm nghiêm trọng?

17. Làm thế nào Thi thiên 51:1-4 cho thấy Đa-vít đã thành thật ăn năn?

17 Cầu xin sự tha thứ. Cuối cùng Đa-vít hướng đến Đức Giê-hô-va qua lời cầu nguyện. Vì thành thật ăn năn, Đa-vít đã xưng tội với ngài. (Đọc Thi thiên 51:1-4). Điều đó khiến ông nhẹ nhõm biết bao! (Thi 32:1, 2, 4, 5). Nếu anh chị phạm tội trọng, đừng cố che giấu. Thay vì thế, hãy xưng tội với Đức Giê-hô-va qua lời cầu nguyện. Rồi anh chị sẽ cảm thấy vơi đi phần nào lo lắng, căng thẳng do lương tâm dằn vặt gây ra. Nhưng nếu muốn khôi phục tình bạn với Đức Giê-hô-va, anh chị cần làm nhiều hơn thế.

18. Đa-vít phản ứng thế nào khi bị sửa trị?

18 Chấp nhận sự sửa trị. Khi Đức Giê-hô-va phái nhà tiên tri Na-than đến vạch tội Đa-vít, ông không bào chữa hoặc cố giảm nhẹ tội. Ông liền thừa nhận là mình đã phạm tội không chỉ với chồng của Bát-sê-ba mà trên hết là với Đức Giê-hô-va. Đa-vít chấp nhận sự sửa trị và ngài đã tha thứ cho ông (2 Sa 12:10-14). Nếu phạm tội trọng, chúng ta cần nói với những anh được Đức Giê-hô-va bổ nhiệm chăn bầy (Gia 5:14, 15). Chúng ta phải tránh khuynh hướng bào chữa. Càng sớm chấp nhận và áp dụng sự sửa trị, chúng ta càng sớm có lại sự bình an và niềm vui.

19. Chúng ta nên quyết tâm làm gì?

19 Quyết tâm tránh tái phạm. Vua Đa-vít biết rằng để tránh tái phạm lỗi lầm, ông cần sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va (Thi 51:7, 10, 12). Sau khi được ngài tha thứ, Đa-vít quyết tâm tránh nghĩ đến điều sai trái. Nhờ thế, ông có lại sự bình an nội tâm.

20. Làm thế nào để cho thấy chúng ta biết ơn Đức Giê-hô-va về sự tha thứ của ngài?

20 Chúng ta cho thấy mình biết ơn Đức Giê-hô-va về sự tha thứ của ngài khi cầu xin ngài tha thứ, chấp nhận sự sửa trị và cố gắng hết sức để tránh tái phạm lỗi lầm. Sau khi làm những điều ấy, chúng ta sẽ có lại sự bình an nội tâm. Anh James, một người từng phạm tội trọng, đã có cảm nghiệm đó. Anh chia sẻ: “Khi thú tội với các trưởng lão, tôi trút bỏ được gánh nặng ngàn cân. Tôi bắt đầu có lại sự bình an tâm trí”. Thật khích lệ khi biết: “Đức Giê-hô-va kề bên người có tấm lòng tan vỡ, giải cứu người có tâm can giày vò”!—Thi 34:18.

21. Làm thế nào chúng ta để Đức Giê-hô-va xoa dịu mình?

21 Khi những ngày sau cùng sắp kết thúc, những điều gây căng thẳng càng gia tăng. Nếu anh chị bị căng thẳng, đừng chậm trễ tìm sự trợ giúp của Đức Giê-hô-va. Hãy siêng năng học Kinh Thánh. Hãy học từ gương của Ha-na, Phao-lô và Đa-vít. Cầu xin Cha trên trời giúp anh chị nhận ra nguyên nhân gây lo lắng và bất an (Thi 139:23). Hãy trút mọi lo lắng cho ngài, nhất là những lo lắng ngoài tầm kiểm soát. Nếu làm thế, anh chị có thể cảm thấy như người viết Thi thiên khi ông hát cho Đức Giê-hô-va: “Khi bao âu lo tràn ngập trong con, ngài đã ủi an và xoa dịu con”.—Thi 94:19.

BÀI HÁT 4 “Đức Giê-hô-va là Đấng Chăn Giữ của tôi”

^ đ. 5 Tất cả chúng ta đều có lúc cảm thấy lo lắng và căng thẳng về các vấn đề mình gặp. Bài này xem xét gương của ba tôi tớ Đức Giê-hô-va vào thời Kinh Thánh đã tranh đấu với sự căng thẳng. Bài cũng thảo luận cách ngài an ủi và xoa dịu họ.

^ đ. 1 GIẢI NGHĨA: Lo lắng là trạng thái căng thẳng, bất an hoặc âu lo. Nguyên nhân gây lo lắng có thể là vấn đề tài chính, sức khỏe, gia đình hoặc những vấn đề khác. Có thể chúng ta cũng dằn vặt về lỗi lầm trong quá khứ hoặc lo lắng về những thử thách mà mình nghĩ là sẽ gặp phải trong tương lai.