Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 13

Hãy tha thiết yêu thương nhau

Hãy tha thiết yêu thương nhau

“Hãy tha thiết yêu thương nhau từ đáy lòng”.—1 PHI 1:22.

BÀI HÁT 109 Hãy tha thiết yêu thương từ đáy lòng

GIỚI THIỆU *

Vào đêm cuối ở cùng các sứ đồ, Chúa Giê-su nhấn mạnh việc cần thể hiện tình yêu thương (Xem đoạn 1, 2)

1. Chúa Giê-su ban cho các môn đồ một điều răn cụ thể nào? (Xem hình nơi trang bìa).

Vào đêm trước khi chết, Chúa Giê-su ban cho các môn đồ một điều răn cụ thể. Ngài nói với họ: “Tôi đã yêu thương anh em thể nào thì anh em cũng hãy yêu thương nhau thể ấy”. Rồi ngài nói tiếp: “Bởi điều này mà mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đồ tôi: Đó là có tình yêu thương giữa anh em”.—Giăng 13:34, 35.

2. Tại sao việc chúng ta thể hiện tình yêu thương với nhau là quan trọng?

2 Chúa Giê-su nói rằng các môn đồ chân chính sẽ được nhận diện rõ ràng nếu họ thể hiện tình yêu thương giống như ngài. Điều này đúng vào thế kỷ thứ nhất, và cũng đúng vào thời nay. Thế nên, việc chúng ta vượt qua thử thách và thể hiện tình yêu thương với nhau thật quan trọng biết bao!

3. Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài này?

3 Sự bất toàn khiến chúng ta khó thể hiện tình yêu thương tha thiết với nhau. Dù thế, chúng ta phải cố gắng noi gương Đấng Ki-tô. Bài này sẽ xem làm thế nào tình yêu thương có thể giúp chúng ta tạo sự hòa thuận, không thiên vị và tỏ lòng hiếu khách. Khi đọc bài này, hãy tự hỏi: “Mình có thể học được gì từ các anh chị đã tiếp tục thể hiện tình yêu thương dù gặp khó khăn?”.

TẠO SỰ HÒA THUẬN

4. Theo Ma-thi-ơ 5:23, 24, tại sao chúng ta nên làm hòa với một anh em đồng đạo có điều gì bất bình với mình?

4 Chúa Giê-su dạy chúng ta về tầm quan trọng của việc làm hòa với một anh em đồng đạo có điều gì bất bình với mình. (Đọc Ma-thi-ơ 5:23, 24). Ngài nhấn mạnh việc chúng ta cần duy trì sự hòa thuận nếu muốn làm vui lòng Đức Chúa Trời. Đức Giê-hô-va rất vui khi chúng ta cố gắng hết sức để làm hòa với anh em. Ngài sẽ không chấp nhận sự thờ phượng của chúng ta nếu chúng ta nuôi lòng oán giận và không hề muốn làm hòa.—1 Giăng 4:20.

5. Một anh gặp trở ngại nào khi cố gắng làm hòa?

5 Có thể chúng ta thấy khó để làm hòa. Tại sao? Hãy xem trường hợp của anh Minh. * Anh cảm thấy tổn thương khi bị một anh chỉ trích và nói xấu trong hội thánh. Anh Minh phản ứng thế nào? Anh nhớ lại: “Tôi thật sự mất bình tĩnh và đã gắt gỏng với anh ấy”. Sau đó, anh Minh hối hận về cách cư xử của mình. Anh xin lỗi và cố gắng làm hòa với anh kia, nhưng nỗ lực của anh không được chấp nhận. Lúc đầu, anh Minh nghĩ: “Sao mình cứ phải cố làm hòa trong khi anh ấy không muốn?”. Tuy nhiên, giám thị vòng quanh đã khuyên anh không nên bỏ cuộc. Vậy anh Minh đã làm gì?

6. (a) Anh Minh theo đuổi sự hòa thuận như thế nào? (b) Anh Minh áp dụng Cô-lô-se 3:13, 14 ra sao?

6 Khi nghĩ lại, anh Minh nhận thấy mình thiếu sự khiêm nhường và có khuynh hướng cho mình là công chính. Anh nhận thấy mình cần thay đổi thái độ (Cô 3:8, 9, 12). Anh khiêm nhường đến gặp anh kia và một lần nữa xin lỗi về cách cư xử của mình. Anh Minh cũng viết thư để nói rằng anh rất hối hận và muốn giữ mối quan hệ tốt giữa họ. Anh Minh còn tặng cho anh kia những món quà nhỏ. Đáng buồn là anh kia vẫn căm giận. Dù vậy, anh Minh tiếp tục làm theo điều răn của Chúa Giê-su là yêu thương và tha thứ cho người anh em của mình. (Đọc Cô-lô-se 3:13, 14). Ngay cả khi một người không hưởng ứng nỗ lực làm hòa của chúng ta, thì tình yêu thương chân thật của tín đồ đạo Đấng Ki-tô vẫn giúp chúng ta luôn tha thứ cho người ấy và cầu nguyện để có lại mối quan hệ hòa thuận.—Mat 18:21, 22; Ga 6:9.

Nếu một anh em đồng đạo có điều gì bất bình với mình, có lẽ chúng ta cần thử nhiều cách để làm hòa với người ấy (Xem đoạn 7, 8) *

7. (a) Chúa Giê-su khuyến giục chúng ta làm gì? (b) Một chị gặp vấn đề khó xử nào?

7 Chúa Giê-su khuyến giục chúng ta đối xử với người khác theo cách chúng ta muốn được đối xử. Ngài cũng nói rằng chúng ta không nên chỉ yêu thương người yêu thương mình (Lu 6:31-33). Dù ít khi xảy ra, nhưng nói sao nếu một anh em trong hội thánh tránh mặt và không chào hỏi anh chị? Chị Lan đã gặp vấn đề này. Chị cho biết: “Một chị cứ phớt lờ tôi. Không hiểu sao chị ấy làm thế. Tôi cảm thấy căng thẳng và mất niềm vui khi đến nhóm họp”. Lúc đầu, chị Lan nghĩ: “Mình chẳng có lỗi gì cả. Suy cho cùng, các anh chị trong hội thánh cũng cảm thấy chị ấy hơi kỳ quặc mà”.

8. Chị Lan đã thực hiện những bước nào để làm hòa, và chúng ta học được gì qua trường hợp của chị?

8 Chị Lan đã thực hiện các bước để làm hòa. Chị cầu nguyện với Đức Giê-hô-va và quyết định đến gặp chị kia. Hai chị nói chuyện với nhau về vấn đề ấy, rồi họ ôm lấy nhau và làm hòa. Dường như mọi chuyện đã ổn thỏa. Nhưng chị Lan kể: “Sau đó, chị ấy lại cư xử với tôi giống như trước đây. Điều này khiến tôi nản lòng vô cùng”. Lúc đầu, chị Lan nghĩ mình sẽ có lại niềm vui chỉ khi chị kia thay đổi thái độ. Nhưng sau đó, chị nhận thấy điều tốt nhất mình có thể làm là tiếp tục đối xử với chị kia một cách yêu thương và “rộng lòng tha thứ” (Ê-phê 4:32–5:2). Chị Lan nhớ rằng tình yêu thương chân thật của tín đồ đạo Đấng Ki-tô thì “không ghi nhớ điều gây tổn thương. Tình yêu thương nhẫn nhịn mọi điều, tin mọi điều, hy vọng mọi điều, chịu đựng mọi điều” (1 Cô 13:5, 7). Nhờ thế, chị có lại sự bình an trong tâm trí. Một thời gian sau, chị kia cư xử tốt hơn với chị Lan. Khi theo đuổi sự hòa thuận và tiếp tục yêu thương anh em đồng đạo, anh chị có thể tin chắc rằng ‘Đức Chúa Trời của sự yêu thương và bình an sẽ ở cùng anh chị’.—2 Cô 13:11.

KHÔNG THIÊN VỊ

9. Theo Công vụ 10:34, 35, tại sao chúng ta không nên thiên vị?

9 Đức Giê-hô-va không hề thiên vị. (Đọc Công vụ 10:34, 35). Khi không thiên vị, chúng ta cho thấy mình là con cái của ngài. Chúng ta cũng cho thấy mình vâng theo điều răn là yêu thương người lân cận như chính mình, và duy trì sự hòa thuận trong vòng gia đình thiêng liêng của chúng ta.—Rô 12:9, 10; Gia 2:8, 9.

10, 11. Một chị đã loại bỏ cảm xúc tiêu cực bằng cách nào?

10 Đối với một số người, việc không thiên vị có thể là thách đố. Chẳng hạn, hãy xem trường hợp của một chị tên là Bích. Khi chị ở tuổi thanh thiếu niên, một người đến từ nước khác đã gây hại cho gia đình chị. Điều này ảnh hưởng thế nào đến chị? Chị Bích chia sẻ: “Tôi từng ghét mọi thứ về đất nước của người ấy. Tôi nghĩ tất cả mọi người ở đó kể cả anh em đồng đạo đều chẳng khác gì nhau”. Chị Bích đã loại bỏ cảm xúc tiêu cực này như thế nào?

11 Chị nhận thấy mình phải loại bỏ cảm xúc tiêu cực ấy. Chị bắt đầu đọc các kinh nghiệm và báo cáo về đất nước đó trong sách Niên giám. Chị kể: “Tôi cố gắng hết sức để suy nghĩ tích cực về người dân ở đó. Tôi bắt đầu thấy các anh chị nơi này phụng sự Đức Giê-hô-va một cách sốt sắng. Tôi nhận ra là các anh chị ấy cũng thuộc về đoàn thể anh em quốc tế”. Theo thời gian, chị Bích nhận thấy mình cần thể hiện tình yêu thương. Chị cho biết: “Mỗi khi gặp các anh chị đến từ nước đó, tôi nỗ lực để trở nên thân thiện với họ. Tôi trò chuyện với các anh chị ấy để hiểu hơn về họ”. Kết quả là gì? Chị Bích nói: “Dần dần những cảm xúc tiêu cực về họ đã hoàn toàn tan biến”.

Nếu tha thiết “yêu thương cả đoàn thể anh em”, chúng ta sẽ không thiên vị (Xem đoạn 12, 13) *

12. Một vấn đề của chị San là gì?

12 Có thể một số người có sự thiên vị mà không nhận ra điều ấy. Chẳng hạn, chị San nghĩ rằng mình không thiên vị vì chị không đánh giá các anh chị khác dựa trên chủng tộc, điều kiện kinh tế hoặc đặc ân của họ trong tổ chức. Nhưng chị cho biết: “Tôi bắt đầu nhận thấy mình thật sự đang thiên vị”. Như thế nào? Chị San lớn lên trong một gia đình học thức và thích kết hợp với những người có cùng xuất thân. Có lần chị còn nói với một người bạn: “Mình thường kết hợp với những anh em đồng đạo có học vấn, còn những anh chị khác thì mình hạn chế tiếp xúc”. Rõ ràng chị San cần thay đổi thái độ. Bằng cách nào?

13. Chúng ta rút ra bài học nào từ việc chị San thay đổi thái độ?

13 Một giám thị vòng quanh đã giúp chị San xem xét lại thái độ của mình. Chị kể: “Anh khen tôi vì trung thành phụng sự, bình luận hay và có sự hiểu biết sâu sắc về Kinh Thánh. Rồi anh nói rằng ngoài việc gia tăng sự hiểu biết, chúng ta cũng cần vun trồng những phẩm chất của tín đồ đạo Đấng Ki-tô chẳng hạn như sự khiêm nhường, khiêm tốn và lòng thương xót”. Chị San đã ghi nhớ những lời của anh giám thị vòng quanh. Chị cho biết: “Tôi nhận thấy điều quan trọng nhất là cần phải nhân từ và yêu thương”. Nhờ thế, chị bắt đầu thay đổi quan điểm về anh em đồng đạo. Chị chia sẻ: “Tôi cố gắng nghĩ đến những phẩm chất khiến họ trở nên đáng quý trước mắt Đức Giê-hô-va”. Còn chúng ta thì sao? Chúng ta không bao giờ muốn nghĩ rằng mình cao trọng hơn người khác vì có trình độ học vấn. Nếu tha thiết “yêu thương cả đoàn thể anh em”, chúng ta sẽ không thiên vị.—1 Phi 2:17.

TỎ LÒNG HIẾU KHÁCH

14. Theo Hê-bơ-rơ 13:16, Đức Giê-hô-va cảm thấy thế nào khi chúng ta tỏ lòng hiếu khách?

14 Đức Giê-hô-va quý trọng việc chúng ta tỏ lòng hiếu khách. (Đọc Hê-bơ-rơ 13:16). Ngài xem đó là một phần của sự thờ phượng, đặc biệt khi chúng ta tỏ lòng hiếu khách với những người thiếu thốn (Gia 1:27; 2:14-17). Do đó, Kinh Thánh khuyến khích chúng ta “tập thói quen tỏ lòng hiếu khách” (Rô 12:13). Khi làm thế, chúng ta thể hiện sự quan tâm, lòng yêu thương và tình bằng hữu chân thật. Đức Giê-hô-va hài lòng khi chúng ta hiếu khách, chẳng hạn như mời anh em dùng bữa hoặc dành thời gian cho họ (1 Phi 4:8-10). Tuy nhiên, có thể có những trở ngại khiến chúng ta thấy khó tỏ lòng hiếu khách.

“Trước đây, tôi từng ngại tỏ lòng hiếu khách, nhưng tôi đã thay đổi quan điểm và có được nhiều niềm vui” (Xem đoạn 16) *

15, 16. (a) Tại sao một số người ngại tỏ lòng hiếu khách? (b) Làm thế nào chị Yến vượt qua trở ngại trong việc tỏ lòng hiếu khách?

15 Có lẽ vì hoàn cảnh mà chúng ta ngại tỏ lòng hiếu khách. Hãy xem trường hợp của một góa phụ tên là Yến. Trước khi trở thành Nhân Chứng, chị Yến ngại tiếp xúc với người khác. Chị nghĩ người khác có hoàn cảnh tốt hơn để tỏ lòng hiếu khách.

16 Sau khi trở thành Nhân Chứng, chị Yến thay đổi quan điểm. Chị tập thói quen tỏ lòng hiếu khách. Chị kể lại: “Khi Phòng Nước Trời mới đang được xây, một trưởng lão cho tôi biết một cặp vợ chồng sẽ đến hỗ trợ dự án, rồi anh hỏi có thể cho họ ở nhờ nhà tôi trong hai tuần được không. Tôi đã nhớ đến cách Đức Giê-hô-va ban phước cho bà góa ở Xa-rép-ta” (1 Vua 17:12-16). Chị Yến đã đồng ý cho họ ở nhờ. Chị nhận được ân phước nào? Chị chia sẻ: “Tôi hạnh phúc vì anh chị ấy ở nhà tôi trong hai tháng chứ không chỉ hai tuần. Trong thời gian đó, chúng tôi trở thành bạn thân”. Chị Yến cũng được ban phước khi có những người bạn thân trong hội thánh. Giờ đây, chị làm tiên phong và thích mời những anh chị đi thánh chức chung về nhà mình ăn nhẹ. Chị nói: “Cho đi giúp tôi rất vui! Ngoài ra, tôi cũng nhận lại vô vàn ân phước”.—Hê 13:1, 2.

17. Vợ chồng anh Luân nhận thấy điều gì?

17 Dù có lòng hiếu khách nhưng làm thế nào chúng ta có thể cải thiện trong khía cạnh này? Chẳng hạn, vợ chồng anh Luân là người hiếu khách. Họ thường mời cha mẹ, họ hàng, bạn thân và vợ chồng anh giám thị vòng quanh đến nhà. Tuy nhiên, anh Luân nói: “Chúng tôi nhận thấy mình chỉ mời những người thân thiết”. Vợ chồng anh Luân cải thiện việc tỏ lòng hiếu khách như thế nào?

18. Vợ chồng anh Luân đã làm những gì để cải thiện việc tỏ lòng hiếu khách?

18 Vợ chồng anh Luân thay đổi quan điểm sau khi suy ngẫm lời của Chúa Giê-su: “Nếu chỉ yêu những người yêu mình thì anh em được phần thưởng gì?” (Mat 5:45-47). Họ nhận thấy mình cần noi gương Đức Giê-hô-va, là đấng rộng rãi với mọi người. Thế nên, họ quyết định mời các anh chị khác đến nhà. Anh Luân kể: “Tất cả chúng tôi rất thích những dịp như thế. Mọi người cảm thấy được khích lệ và gắn bó với nhau”.

19. Làm thế nào chúng ta cho thấy mình là môn đồ Chúa Giê-su, và anh chị quyết tâm làm gì?

19 Chúng ta đã xem việc tha thiết yêu thương nhau có thể giúp tạo sự hòa thuận, không thiên vị và tỏ lòng hiếu khách. Chúng ta phải loại bỏ mọi cảm xúc tiêu cực và tha thiết yêu thương anh em từ đáy lòng. Khi làm thế, chúng ta sẽ hạnh phúc và cho thấy mình là môn đồ chân chính của Chúa Giê-su.—Giăng 13:17, 35.

BÀI HÁT 88 Xin dạy con biết đường lối Cha

^ đ. 5 Chúa Giê-su nói rằng tình yêu thương là dấu hiệu nhận diện tín đồ đạo Đấng Ki-tô chân chính. Tình yêu thương anh em thúc đẩy chúng ta tạo sự hòa thuận, không thiên vị và tỏ lòng hiếu khách. Có lẽ không phải lúc nào cũng dễ để làm thế. Bài này đưa ra các gợi ý thiết thực để giúp chúng ta tiếp tục tha thiết yêu thương nhau từ đáy lòng.

^ đ. 5 Một số tên trong bài này đã được thay đổi.

^ đ. 57 HÌNH ẢNH: Một chị nỗ lực làm hòa nhưng không đạt được kết quả. Chị không bỏ cuộc mà vẫn nỗ lực thể hiện tình yêu thương và cuối cùng thành công.

^ đ. 59 HÌNH ẢNH: Một anh lớn tuổi cảm thấy lạc lõng.

^ đ. 61 HÌNH ẢNH: Một chị lúc đầu ngại tỏ lòng hiếu khách nhưng sau đó thay đổi quan điểm, và điều này giúp chị hạnh phúc hơn.