Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 16

Lắng nghe, hiểu rõ và tỏ lòng trắc ẩn

Lắng nghe, hiểu rõ và tỏ lòng trắc ẩn

Đừng xét đoán theo bề ngoài nữa, nhưng hãy xét đoán một cách công chính”.GIĂNG 7:24.

BÀI HÁT 101 Cùng hợp nhất phụng sự

GIỚI THIỆU *

1. Kinh Thánh cho biết một sự thật ấm lòng nào về Đức Giê-hô-va?

Anh chị có vui nếu người khác xét đoán anh chị dựa trên màu da, hình dạng khuôn mặt hoặc vóc dáng không? Hẳn là không. Thật ấm lòng khi biết Đức Giê-hô-va không xét đoán chúng ta dựa trên những gì mà người phàm thấy! Chẳng hạn, khi Sa-mu-ên gặp các con trai của Giê-sê, ông đã không thấy điều Đức Giê-hô-va thấy nơi họ. Ngài nói với Sa-mu-ên rằng một con trai của Giê-sê sẽ trở thành vua của nước Y-sơ-ra-ên. Nhưng là người con nào? Khi thấy con trai cả của Giê-sê là Ê-li-áp, Sa-mu-ên bèn nói: “Chắc hẳn người đang đứng trước mặt Đức Giê-hô-va là người được xức dầu của ngài”. Ê-li-áp trông giống một vị vua. Nhưng Đức Giê-hô-va nói với Sa-mu-ên: “Đừng chú ý đến bề ngoài và chiều cao của nó, vì ta đã từ bỏ nó”. Bài học là gì? Đức Giê-hô-va phán: “Loài người chỉ nhìn bề ngoài, nhưng Đức Giê-hô-va nhìn trong lòng”.—1 Sa 16:1, 6, 7.

2. Tại sao chúng ta không nên xét đoán một người dựa trên vẻ bề ngoài của người ấy như được nói nơi Giăng 7:24? Hãy minh họa.

2 Là người bất toàn, tất cả chúng ta đều có khuynh hướng xét đoán người khác theo vẻ bề ngoài của họ. (Đọc Giăng 7:24). Nhưng chúng ta chỉ biết rất ít về một người thông qua những gì chúng ta thấy. Hãy xem minh họa sau: Ngay cả một bác sĩ tài giỏi và giàu kinh nghiệm cũng chỉ có thể biết rất ít về một bệnh nhân nếu chỉ nhìn người ấy thôi. Ông cần chăm chú lắng nghe người bệnh nếu muốn biết tiền sử bệnh, cảm xúc hoặc triệu chứng của người đó. Có lẽ ông cũng cần yêu cầu chụp phim X quang để xem tình trạng bên trong cơ thể của bệnh nhân. Nếu không làm những việc trên thì bác sĩ có thể chẩn đoán sai. Tương tự, chúng ta không thể hiểu hết về anh em đồng đạo nếu chỉ nhìn vẻ bề ngoài của họ. Chúng ta phải cố gắng nhìn con người bên trong. Dĩ nhiên, vì không thể đọc được lòng người khác nên chúng ta không bao giờ hiểu rõ về họ bằng Đức Giê-hô-va. Nhưng chúng ta có thể cố gắng hết sức để noi gương ngài. Như thế nào?

3. Các lời tường thuật trong bài này giúp chúng ta noi gương Đức Giê-hô-va như thế nào?

3 Đức Giê-hô-va đối xử với những người thờ phượng ngài như thế nào? Ngài lắng nghe họ. Đức Giê-hô-va để ý đến hoàn cảnh xuất thân của họ. Ngài cũng tỏ lòng trắc ẩn với họ. Qua việc phân tích cách Đức Giê-hô-va làm những điều này với Giô-na, Ê-li-gia, Ha-ga và Lót, hãy xem làm thế nào chúng ta có thể noi gương ngài khi đối xử với anh em đồng đạo.

CHĂM CHÚ LẮNG NGHE

4. Tại sao chúng ta có thể có quan điểm tiêu cực về Giô-na?

4 Theo quan điểm hạn hẹp của con người, có lẽ chúng ta xem Giô-na là người không đáng tin cậy, thậm chí là bất trung. Ông nhận mệnh lệnh trực tiếp từ Đức Giê-hô-va là rao truyền sự phán xét ở Ni-ni-ve. Nhưng thay vì vâng lời, Giô-na đã lên tàu đi theo hướng ngược lại và “chạy trốn Đức Giê-hô-va” (Giô-na 1:1-3). Nếu là anh chị, anh chị có cho ông cơ hội khác để đảm nhận nhiệm vụ không? Có lẽ là không. Nhưng Đức Giê-hô-va có lý do để cho ông thêm cơ hội.—Giô-na 3:1, 2.

5. Anh chị học được gì về Giô-na qua những lời của ông nơi Giô-na 2:1, 2, 9?

5 Giô-na cho thấy ông thật sự là người như thế nào qua lời cầu nguyện trong bụng cá. (Đọc Giô-na 2:1, 2, 9). Lời cầu nguyện này giúp chúng ta hiểu rằng ông không phải chỉ là một người trốn tránh nhiệm vụ. Những lời của Giô-na cho thấy ông khiêm nhường, có lòng biết ơn và quyết tâm vâng lời Đức Giê-hô-va. Thế nên, không ngạc nhiên gì khi Đức Giê-hô-va không tập trung vào lỗi lầm của Giô-na, nhưng nhậm lời cầu nguyện của ông và tiếp tục dùng ông làm nhà tiên tri!

Nếu hiểu rõ sự việc, chúng ta có thể dễ đồng cảm hơn (Xem đoạn 6) *

6. Tại sao việc chăm chú lắng nghe là đáng công?

6 Để có thể chăm chú lắng nghe người khác, chúng ta cần khiêm nhường và kiên nhẫn. Nỗ lực ấy đáng công vì ít nhất ba lý do. Thứ nhất, chúng ta sẽ giảm thiểu nguy cơ kết luận sai về người khác. Thứ hai, chúng ta có thể hiểu được cảm xúc và động cơ của anh em đồng đạo, nhờ thế dễ đồng cảm với họ hơn. Thứ ba, chúng ta có thể giúp người khác hiểu thêm về chính họ. Có lúc chúng ta không thật sự hiểu được cảm xúc của bản thân cho đến khi chúng ta nói về những cảm xúc đó (Châm 20:5). Một trưởng lão ở châu Á thừa nhận: “Có lần tôi mắc phải sai lầm là nói trước khi nghe. Tôi bảo một chị cần cải thiện lời bình luận tại buổi họp. Sau đó, tôi biết được là chị ấy gặp khó khăn trong việc đọc và phải rất cố gắng thì mới có thể bình luận được”. Thật quan trọng biết bao khi mỗi trưởng lão “nghe sự việc” trước khi cho lời khuyên!—Châm 18:13.

7. Anh chị có thể học được gì từ cách Đức Giê-hô-va đối xử với Ê-li-gia?

7 Một số anh chị thấy khó để nói ra cảm xúc của mình vì hoàn cảnh xuất thân, văn hóa hoặc cá tính. Làm thế nào để giúp họ dễ mở lòng với chúng ta hơn? Hãy nhớ cách Đức Giê-hô-va đối xử với Ê-li-gia khi ông chạy trốn Giê-xa-bên. Nhiều ngày sau khi chạy trốn, Ê-li-gia giãi bày hết cảm xúc của mình với Cha trên trời. Đức Giê-hô-va đã chăm chú lắng nghe ông. Sau đó, ngài khích lệ Ê-li-gia và giao cho ông nhiệm vụ quan trọng (1 Vua 19:1-18). Có lẽ cần thời gian để anh em đồng đạo cảm thấy thoải mái nói chuyện với chúng ta. Nhưng khi họ cảm thấy như thế, chúng ta sẽ có thể hiểu được cảm xúc thật của họ. Nếu chúng ta kiên nhẫn giống như Đức Giê-hô-va, anh em đồng đạo có thể tin cậy chúng ta. Rồi khi họ đã sẵn sàng chia sẻ cảm xúc, chúng ta nên chăm chú lắng nghe.

HIỂU RÕ HƠN VỀ ANH EM ĐỒNG ĐẠO

8. Theo Sáng thế 16:7-13, Đức Giê-hô-va giúp Ha-ga như thế nào?

8 Ha-ga, người tớ gái của Sa-rai, đã hành động ngu dại sau khi trở thành vợ của Áp-ram. Ha-ga có thai và sau đó bắt đầu khinh bỉ Sa-rai lúc đó chưa có con. Mối quan hệ giữa hai người phụ nữ này trở nên tệ đến mức Ha-ga bỏ trốn (Sáng 16:4-6). Theo quan điểm bất toàn của chúng ta, dường như Ha-ga chẳng hơn gì một người phụ nữ thù hằn và cô đáng bị trừng phạt. Nhưng Đức Giê-hô-va không cảm thấy như thế về Ha-ga. Ngài phái thiên sứ đến gặp cô. Khi thấy Ha-ga, thiên sứ đã giúp cô thay đổi thái độ và chúc phước cho cô. Ha-ga cảm nhận được Đức Giê-hô-va đang quan sát mình và hiểu rõ hoàn cảnh của mình. Cô được thúc đẩy để gọi ngài “là Đức Chúa Trời thấy mọi sự... đấng thấy tôi”.—Đọc Sáng thế 16:7-13.

9. Đức Chúa Trời để ý đến điều gì khi đối xử với Ha-ga?

9 Đức Giê-hô-va thấy điều gì nơi Ha-ga? Ngài biết rõ xuất thân của cô và mọi điều mà cô phải trải qua (Châm 15:3). Ha-ga là người Ai Cập sống trong một gia đình người Hê-bơ-rơ. Hẳn đôi khi cô cảm thấy lạc lõng cũng như nhớ gia đình và quê hương. Ha-ga không phải là người vợ duy nhất của Áp-ram. Có thời kỳ, một số tôi tớ trung thành cưới nhiều vợ. Nhưng đó không phải là ý định ban đầu của Đức Chúa Trời (Mat 19:4-6). Thế nên, không ngạc nhiên gì khi tình trạng đa thê đã gây ra sự ghen tị và thù hằn. Dù không dung túng việc Ha-ga bất kính với Sa-rai, nhưng chắc chắn Đức Giê-hô-va để ý đến xuất thân và hoàn cảnh của Ha-ga.

Hiểu rõ hơn về anh em đồng đạo (Xem đoạn 10-12) *

10. Làm thế nào chúng ta có thể hiểu rõ hơn về anh em đồng đạo?

10 Chúng ta có thể noi gương Đức Giê-hô-va bằng cách cố gắng hiểu rõ hơn về anh em đồng đạo. Hãy nói chuyện với họ trước và sau buổi nhóm họp, đi rao giảng chung với họ, và nếu có thể thì mời họ dùng bữa. Khi làm thế, anh chị có thể nhận thấy một chị dường như không thân thiện thật ra là vì chị có tính nhút nhát, một anh có vẻ thiên về vật chất nhưng thật ra lại rất rộng rãi, hoặc một gia đình thường đi nhóm trễ là do gặp sự chống đối (Gióp 6:29). Dĩ nhiên, chúng ta không nên “xen vào chuyện người khác” (1 Ti 5:13). Nhưng điều tốt là hiểu được chút gì đó về anh em đồng đạo và hoàn cảnh hình thành tính cách của họ.

11. Tại sao điều quan trọng là các trưởng lão hiểu rõ chiên?

11 Đặc biệt các trưởng lão cần biết được hoàn cảnh xuất thân của các anh chị trong hội thánh. Hãy xem trường hợp của anh Artur, một giám thị vòng quanh. Anh cùng một trưởng lão khác đến thăm một chị có vẻ nhút nhát và sống khép kín. Anh nói: “Chúng tôi biết được chồng chị qua đời không lâu sau khi họ kết hôn. Dù gặp khó khăn nhưng chị vẫn nuôi dạy hai con gái trở thành những tôi tớ trung thành. Chị bị suy giảm thị lực và trầm cảm. Dẫu vậy, chị vẫn yêu thương Đức Giê-hô-va và có đức tin mạnh mẽ. Chúng tôi nhận ra rằng mình có nhiều điều để học từ gương của chị” (Phi-líp 2:3). Anh giám thị vòng quanh này đã noi gương Đức Giê-hô-va. Ngài hiểu rõ chiên ngài và nỗi đau mà họ phải chịu (Xuất 3:7). Các trưởng lão hiểu rõ chiên thì dễ giúp đỡ chiên hơn.

12. Chị Yip Yee nhận được lợi ích nào khi hiểu rõ hơn về một chị trong hội thánh?

12 Khi biết được hoàn cảnh xuất thân của một anh em đồng đạo đang khiến mình bực bội, anh chị sẽ dễ đồng cảm với người ấy hơn. Hãy xem một trường hợp. Chị Yip Yee sống ở châu Á cho biết: “Một chị trong hội thánh tôi thường nói rất to. Tôi cảm thấy chị ấy hơi bất lịch sự. Nhưng khi đi rao giảng cùng chị, tôi biết được chị từng giúp ba mẹ bán cá ở chợ. Chị phải rao lớn tiếng để mời người ta mua hàng”. Chị Yip Yee nói tiếp: “Tôi nhận thấy để hiểu được anh em đồng đạo thì cần biết hoàn cảnh xuất thân của họ”. Cần phải nỗ lực để hiểu hơn về anh em đồng đạo. Nhưng khi làm theo lời khuyên trong Kinh Thánh về việc mở rộng lòng mình, anh chị đang noi gương Đức Giê-hô-va, là đấng yêu “mọi loại người”.—1 Ti 2:3, 4; 2 Cô 6:11-13.

TỎ LÒNG TRẮC ẨN

13. Theo Sáng thế 19:15, 16, các thiên sứ làm gì khi Lót chần chừ, và tại sao?

13 Vào lúc nguy cấp, Lót đã chậm trễ trong việc vâng lời Đức Giê-hô-va. Hai thiên sứ đến thăm Lót và bảo ông đem gia đình ra khỏi Sô-đôm. Tại sao? Họ nói: “Chúng tôi sắp hủy diệt nơi đây” (Sáng 19:12, 13). Sáng hôm sau, Lót và gia đình ông vẫn ở trong nhà. Thế nên, các thiên sứ lại cảnh báo Lót. Nhưng ông “cứ chần chừ”. Có lẽ chúng ta cho rằng Lót là người thờ ơ, thậm chí bất tuân. Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va không bỏ mặc ông. “Vì Đức Giê-hô-va động lòng trắc ẩn” nên các thiên sứ nắm tay gia đình ông và dẫn ra khỏi thành.—Đọc Sáng thế 19:15, 16.

14. Có lẽ vì lý do nào mà Đức Giê-hô-va động lòng trắc ẩn với Lót?

14 Đức Giê-hô-va động lòng trắc ẩn với Lót có lẽ vì một số lý do. Có thể ông do dự rời bỏ nhà mình là vì sợ những người bên ngoài thành. Cũng có những mối nguy hiểm khác. Rất có thể Lót đã nghe về hai vị vua rơi xuống hố nhựa đen ở một thung lũng gần đó (Sáng 14:8-12). Là người chồng và người cha, hẳn Lót lo lắng cho gia đình. Hơn nữa, Lót là người giàu sang, nên có thể ông sở hữu một ngôi nhà rất đẹp ở Sô-đôm (Sáng 13:5, 6). Dĩ nhiên, chẳng có yếu tố nào trong số đó có thể bào chữa cho việc ông chậm trễ vâng lời Đức Giê-hô-va. Nhưng ngài không tập trung vào lỗi lầm của Lót mà xem ông là “người công chính”.—2 Phi 2:7, 8.

Bằng cách lắng nghe, có lẽ chúng ta sẽ biết cách tỏ lòng trắc ẩn (Xem đoạn 15, 16) *

15. Chúng ta nên làm gì thay vì xét đoán hành động của một người?

15 Thay vì xét đoán hành động của một người, hãy cố gắng hết sức để hiểu cảm xúc của người đó. Một chị sống ở châu Âu tên là Veronica đã làm thế. Chị kể: “Một chị dường như lúc nào cũng ủ rũ. Chị ấy luôn cô lập mình. Có lúc tôi ngại nói chuyện với chị, nhưng lại nghĩ: ‘Nếu ở trong hoàn cảnh của chị thì mình cũng cần có bạn’. Thế nên, tôi quyết định hỏi thăm chị. Chị ấy bắt đầu mở lòng mình. Giờ đây tôi hiểu nhiều hơn về chị”.

16. Tại sao chúng ta nên cầu nguyện để vun trồng lòng đồng cảm?

16 Chỉ có mình Đức Giê-hô-va mới hiểu tường tận về chúng ta (Châm 15:11). Thế nên, hãy cầu xin ngài giúp anh chị nhìn thấy ở người khác điều mà ngài thấy và biết cách tỏ lòng trắc ẩn với họ. Việc cầu nguyện giúp một chị tên là Anzhela trở nên đồng cảm hơn. Một chị trong hội thánh của chị Anzhela không hòa đồng với các anh chị khác. Chị Anzhela thừa nhận: “Thật dễ để rơi vào bẫy là chỉ trích và ngoảnh mặt làm ngơ với chị ấy. Nhưng sau đó, tôi cầu xin Đức Giê-hô-va giúp mình đồng cảm với chị”. Đức Giê-hô-va có đáp lời cầu nguyện của chị Anzhela không? Chị kể: “Chúng tôi đi rao giảng chung và sau đó trò chuyện suốt nhiều giờ. Tôi lắng nghe với sự đồng cảm. Giờ thì tôi yêu quý chị hơn và quyết tâm giúp chị ấy”.

17. Chúng ta nên quyết tâm làm gì?

17 Anh chị không thể chọn anh em đồng đạo nào xứng đáng để mình tỏ lòng trắc ẩn. Như Giô-na, Ê-li-gia, Ha-ga và Lót, anh em của chúng ta đều gặp vấn đề trong đời sống. Trong một số trường hợp, có lẽ họ tự gây ra vấn đề cho mình. Nhưng thực tế là tất cả chúng ta đều có lúc như vậy. Thế nên, điều hợp lý là cầu xin Đức Giê-hô-va giúp mình biểu lộ sự đồng cảm với người khác (1 Phi 3:8). Khi vâng lời ngài, chúng ta góp phần vào sự hợp nhất của gia đình thiêng liêng vừa độc đáo vừa đa dạng. Khi đối xử với người khác, mong sao chúng ta quyết tâm lắng nghe, hiểu rõ và tỏ lòng trắc ẩn.

BÀI HÁT 87 Hãy đến để được tươi tỉnh!

^ đ. 5 Là người bất toàn, chúng ta có khuynh hướng vội kết luận về người khác và động cơ của họ. Trái lại, Đức Giê-hô-va “nhìn trong lòng” (1 Sa 16:7). Bài này sẽ thảo luận cách ngài đối xử yêu thương với Giô-na, Ê-li-gia, Ha-ga và Lót. Bài cũng giúp chúng ta noi gương Đức Giê-hô-va khi đối xử với anh em đồng đạo.

^ đ. 52 HÌNH ẢNH: Một anh lớn tuổi cảm thấy khó chịu khi một anh trẻ đi nhóm họp trễ, nhưng sau đó anh nhận ra rằng anh trẻ đến trễ là vì bị đụng xe.

^ đ. 54 HÌNH ẢNH: Lúc đầu giám thị nhóm nghĩ rằng một chị không thân thiện, nhưng sau đó anh biết được chị ấy hơi nhút nhát và ngại nói chuyện với người mà chị chưa biết rõ.

^ đ. 56 HÌNH ẢNH: Khi một chị dành thời gian để hiểu hơn về một chị khác, chị ấy nhận ra rằng chị kia không phải là người lạnh lùng và thiếu quan tâm như chị nghĩ lúc họ mới gặp nhau ở Phòng Nước Trời.