Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 17

“Tôi gọi anh em là bạn”

“Tôi gọi anh em là bạn”

“Tôi gọi anh em là bạn, vì tôi đã cho anh em biết mọi điều tôi nghe nơi Cha”.GIĂNG 15:15.

BÀI HÁT 13 Đấng Ki-tô, gương mẫu của chúng ta

GIỚI THIỆU *

1. Làm thế nào anh chị xây dựng tình bạn mật thiết với một người?

Thường thì bước đầu tiên để xây dựng tình bạn mật thiết với một người là dành thời gian cho người đó. Khi trò chuyện, chia sẻ suy nghĩ và cảm xúc với nhau, anh chị trở thành bạn bè. Tuy nhiên, việc xây dựng tình bạn mật thiết với Chúa Giê-su có một số trở ngại. Đó là gì?

2. Trở ngại đầu tiên mà chúng ta gặp phải là gì?

2 Trở ngại đầu tiên là chúng ta chưa từng gặp Chúa Giê-su. Nhiều tín đồ vào thế kỷ thứ nhất cũng có trở ngại này. Dù thế, sứ đồ Phi-e-rơ nói: “Tuy chưa bao giờ thấy ngài nhưng anh em vẫn yêu thương ngài. Dù hiện nay không thấy ngài nhưng anh em vẫn thể hiện đức tin nơi ngài” (1 Phi 1:8). Do đó, việc có được mối quan hệ mật thiết với Chúa Giê-su dù chưa từng gặp ngài là điều hoàn toàn có thể.

3. Trở ngại thứ hai mà chúng ta gặp phải là gì?

3 Trở ngại thứ hai là chúng ta không thể nói chuyện với Chúa Giê-su. Khi cầu nguyện, chúng ta nói chuyện với Đức Giê-hô-va. Đúng là chúng ta cầu nguyện nhân danh Chúa Giê-su, nhưng chúng ta không nói chuyện với ngài. Thật ra, Chúa Giê-su không muốn chúng ta cầu nguyện với ngài. Tại sao? Vì việc cầu nguyện là một hình thức thờ phượng và chỉ mình Đức Giê-hô-va xứng đáng để chúng ta thờ phượng mà thôi (Mat 4:10). Dù thế, chúng ta vẫn có thể biểu lộ tình yêu thương với Chúa Giê-su.

4. Trở ngại thứ ba mà chúng ta gặp phải là gì, và chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài này?

4 Trở ngại thứ ba là Chúa Giê-su sống ở trên trời, thế nên chúng ta không thể dành thời gian với ngài theo nghĩa đen. Nhưng chúng ta vẫn có thể hiểu được nhiều về Chúa Giê-su dù không ở gần ngài. Chúng ta sẽ xem xét bốn điều mình có thể làm để thắt chặt tình bạn với ngài. Nhưng trước tiên, hãy xem tại sao điều quan trọng là chúng ta cần kết bạn với Đấng Ki-tô.

TẠI SAO CẦN KẾT BẠN VỚI CHÚA GIÊ-SU?

5. Tại sao chúng ta phải làm bạn với Chúa Giê-su? (Cũng xem khung “ Làm bạn với Chúa Giê-su mở ra tình bạn với Đức Giê-hô-va” và “ Quan điểm thăng bằng về vai trò của Chúa Giê-su”).

5 Chúng ta phải làm bạn với Chúa Giê-su nếu muốn có mối quan hệ tốt với Đức Giê-hô-va. Tại sao? Hãy xem hai lý do. Thứ nhất, Chúa Giê-su đã nói với các môn đồ: “Chính Cha yêu mến anh em, bởi anh em đã yêu mến tôi” (Giăng 16:27). Ngài cũng nói: “Không ai đến được với Cha nếu không qua tôi” (Giăng 14:6). Việc cố gắng trở thành bạn của Đức Giê-hô-va mà không xây dựng tình bạn mật thiết với Chúa Giê-su chẳng khác nào cố vào một ngôi nhà nhưng không đi qua cửa. Chúa Giê-su dùng minh họa tương tự khi miêu tả ngài là “cửa cho chiên” (Giăng 10:7). Thứ hai, Chúa Giê-su phản ánh hoàn hảo các đức tính của Cha ngài. Ngài nói với các môn đồ: “Ai đã thấy tôi là đã thấy Cha” (Giăng 14:9). Thế nên, một cách quan trọng để hiểu về Đức Giê-hô-va là học về lối sống của Chúa Giê-su. Khi làm thế, chúng ta sẽ yêu thương Chúa Giê-su hơn. Rồi khi tình bạn với Chúa Giê-su càng mật thiết thì lòng yêu thương của chúng ta dành cho Cha ngài sẽ càng sâu đậm.

6. Chúng ta cần có mối quan hệ với Chúa Giê-su vì một lý do nào khác? Hãy giải thích.

6 Chúng ta phải có mối quan hệ với Chúa Giê-su để lời cầu nguyện của mình được nhậm. Điều này đòi hỏi chúng ta phải làm nhiều hơn là chỉ nhắc đến cụm từ “nhân danh Chúa Giê-su” ở cuối lời cầu nguyện. Chúng ta phải hiểu cách Đức Giê-hô-va dùng Chúa Giê-su để đáp lời cầu nguyện. Chúa Giê-su nói với các sứ đồ: “Hễ anh em nhân danh tôi mà xin bất cứ điều gì thì tôi sẽ làm cho” (Giăng 14:13). Dù là đấng lắng nghe và nhậm lời cầu nguyện, nhưng Đức Giê-hô-va đã giao cho Chúa Giê-su quyền thực thi quyết định của ngài (Mat 28:18). Vì thế, trước khi nhậm lời cầu xin của chúng ta, Đức Chúa Trời sẽ xem liệu chúng ta đã áp dụng lời khuyên của Chúa Giê-su hay chưa. Chẳng hạn, Chúa Giê-su nói: “Nếu anh em tha lỗi cho người ta thì Cha trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em; còn nếu anh em không tha lỗi cho người ta thì Cha trên trời cũng sẽ không tha lỗi cho anh em” (Mat 6:14, 15). Thế nên, thật quan trọng để chúng ta đối xử nhân từ với người khác theo cách Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su đối xử với chúng ta!

7. Ai nhận được lợi ích trọn vẹn từ sự hy sinh làm giá chuộc của Chúa Giê-su?

7 Chỉ những ai có mối quan hệ mật thiết với Chúa Giê-su mới nhận được lợi ích trọn vẹn từ sự hy sinh làm giá chuộc của ngài. Làm thế nào chúng ta biết điều này? Chúa Giê-su nói rằng ngài “sẵn sàng hy sinh mạng sống vì bạn mình” (Giăng 15:13). Những người trung thành sống vào thời trước khi Chúa Giê-su xuống trái đất sẽ phải học về ngài và yêu thương ngài. Những người trung thành ấy, trong đó có Áp-ra-ham, Sa-ra, Môi-se và Ra-háp, sẽ được sống lại nhưng họ vẫn cần xây dựng tình bạn với Chúa Giê-su để nhận được sự sống vĩnh cửu.—Giăng 17:3; Công 24:15; Hê 11:8-12, 24-26, 31.

8, 9. Theo Giăng 15:4, 5, mối quan hệ với Chúa Giê-su giúp chúng ta làm gì, và tại sao việc tiếp tục hợp nhất với ngài là quan trọng?

8 Chúng ta vui mừng khi được cùng Chúa Giê-su giảng dạy tin mừng về Nước Trời. Khi còn sống trên đất, Chúa Giê-su là Thầy Vĩ Đại. Từ khi trở về trời, Chúa Giê-su, với tư cách là đầu hội thánh, tiếp tục hướng dẫn công việc rao giảng và dạy dỗ. Chúa Giê-su nhìn thấy và quý trọng nỗ lực của anh chị trong việc giúp càng nhiều người càng tốt biết về ngài và Cha ngài. Thật ra, chúng ta chỉ có thể hoàn thành công việc này với sự trợ giúp của hai đấng ấy.—Đọc Giăng 15:4, 5.

9 Kinh Thánh cho biết rõ chúng ta phải vun trồng tình yêu thương với Chúa Giê-su nếu muốn làm vui lòng Đức Giê-hô-va. Vậy chúng ta hãy xem bốn điều mình có thể làm để thắt chặt tình bạn với Chúa Giê-su.

LÀM SAO ĐỂ THẮT CHẶT TÌNH BẠN VỚI CHÚA GIÊ-SU?

Anh chị có thể trở thành bạn của Chúa Giê-su bằng cách (1) tìm hiểu nhiều hơn về ngài, (2) suy nghĩ và hành động giống như ngài, (3) hỗ trợ anh em của Đấng Ki-tô và (4) ủng hộ những sự sắp đặt của tổ chức (Xem đoạn 10-14) *

10. Bước đầu tiên để thắt chặt tình bạn với Chúa Giê-su là gì?

10 (1) Tìm hiểu về Chúa Giê-su. Chúng ta có thể làm thế bằng cách đọc sách Ma-thi-ơ, Mác, Lu-ca và Giăng. Khi suy ngẫm những lời tường thuật về lối sống của Chúa Giê-su, chúng ta sẽ yêu mến và tôn kính Chúa Giê-su vì ngài đối xử nhân từ với người khác. Chẳng hạn, dù là Chủ nhưng ngài không đối xử với các môn đồ như đầy tớ. Thay vì thế, ngài chia sẻ suy nghĩ và cảm xúc thầm kín của mình (Giăng 15:15). Chúa Giê-su thấu hiểu nỗi đau của họ và khóc cùng họ (Giăng 11:32-36). Ngay cả những kẻ chống đối cũng thừa nhận Chúa Giê-su là bạn của những người hưởng ứng thông điệp mà ngài rao truyền (Mat 11:19). Khi bắt chước cách ngài đối xử với các môn đồ, chúng ta sẽ cải thiện được mối quan hệ với người khác, hạnh phúc hơn và ngày càng quý trọng Chúa Giê-su hơn.

11. Bước thứ hai để thắt chặt tình bạn với Chúa Giê-su là gì, và tại sao bước này quan trọng?

11 (2) Suy nghĩ và hành động giống như Chúa Giê-su. Càng hiểu và bắt chước cách suy nghĩ của ngài, tình bạn giữa chúng ta với ngài sẽ càng mật thiết hơn (1 Cô 2:16). Làm sao để bắt chước ngài? Hãy xem xét một khía cạnh. Chúa Giê-su nghĩ đến việc giúp người khác thay vì làm hài lòng mình (Mat 20:28; Rô 15:1-3). Vì có tinh thần như thế, ngài sẵn sàng hy sinh bất vị kỷ và tha thứ. Chúa Giê-su không vội giận (Giăng 1:46, 47). Ngài không để lỗi lầm trong quá khứ của một người ảnh hưởng đến quan điểm và cách cư xử của ngài đối với người ấy (1 Ti 1:12-14). Điều quan trọng là chúng ta có cùng quan điểm với Chúa Giê-su về người khác, vì ngài nói: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đồ tôi: Đó là có tình yêu thương giữa anh em” (Giăng 13:35). Hãy tự hỏi: “Mình có noi gương Chúa Giê-su bằng cách làm mọi điều có thể để giữ hòa thuận với anh em đồng đạo không?”.

12. Bước thứ ba để thắt chặt tình bạn với Chúa Giê-su là gì, và chúng ta thực hiện bước này bằng cách nào?

12 (3) Hỗ trợ anh em của Đấng Ki-tô. Chúa Giê-su xem những gì chúng ta làm cho anh em được xức dầu của ngài như thể làm cho ngài (Mat 25:34-40). Cách chính yếu để hỗ trợ những người được xức dầu là hết lòng tham gia việc rao giảng và đào tạo môn đồ theo mệnh lệnh của Chúa Giê-su (Mat 28:19, 20; Công 10:42). Chỉ với sự giúp đỡ của “chiên khác”, các anh em của Đấng Ki-tô mới có thể hoàn thành công việc rao giảng đang diễn ra trên quy mô toàn cầu (Giăng 10:16). Nếu thuộc chiên khác thì mỗi khi tham gia công việc này, anh chị đang thể hiện tình yêu thương gắn bó không chỉ với những người được xức dầu mà còn với Chúa Giê-su.

13. Chúng ta có thể áp dụng lời khuyên của Chúa Giê-su nơi Lu-ca 16:9 như thế nào?

13 Chúng ta cũng làm bạn với Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su bằng cách dùng tài chính để hỗ trợ công việc mà hai đấng ấy hướng dẫn. (Đọc Lu-ca 16:9). Chẳng hạn, chúng ta có thể đóng góp cho công việc toàn cầu, và các khoản đóng góp ấy được dùng để hỗ trợ việc rao giảng ở những nơi hẻo lánh, xây dựng và bảo trì các cơ sở thần quyền, cứu trợ những anh chị phải hứng chịu tai ương. Chúng ta cũng đóng góp để trang trải chi phí của hội thánh và có thể giúp đỡ những anh chị túng thiếu (Châm 19:17). Qua những cách như thế, chúng ta có thể hỗ trợ anh em của Đấng Ki-tô.

14. Như được nói nơi Ê-phê-sô 4:15, 16, bước thứ tư để thắt chặt tình bạn với Chúa Giê-su là gì?

14 (4) Ủng hộ các sắp đặt của tổ chức Đức Giê-hô-va. Chúng ta gắn bó với Chúa Giê-su là đầu hội thánh khi hợp tác với những anh được bổ nhiệm để chăm sóc chúng ta. (Đọc Ê-phê-sô 4:15, 16). Chẳng hạn, tổ chức cố gắng đảm bảo rằng mọi Phòng Nước Trời được tận dụng tối đa. Vì thế, một số hội thánh được sát nhập và ranh giới khu vực được điều chỉnh. Sự sắp đặt này giúp tiết kiệm được đáng kể số tiền đóng góp. Nhưng sự sắp đặt này cũng khiến một số người công bố phải thích nghi với hoàn cảnh mới. Có lẽ những anh chị trung thành này phụng sự trong nhiều năm ở một hội thánh và đã gắn bó với anh em ở đó. Nhưng giờ đây, họ được mời phụng sự ở một hội thánh khác. Hẳn Chúa Giê-su rất hài lòng khi thấy các môn đồ trung thành ấy làm theo sự sắp đặt này.

MÃI MÃI LÀ BẠN CỦA CHÚA GIÊ-SU

15. Trong tương lai, tình bạn của chúng ta với Chúa Giê-su sẽ bền chặt hơn như thế nào?

15 Những người được xức dầu bằng thần khí thánh có hy vọng ở cạnh Chúa Giê-su mãi mãi với tư cách là người đồng thừa kế Nước Trời. Họ sẽ thật sự ở cùng Chúa Giê-su, tức là được nhìn thấy, nói chuyện và kết hợp với ngài (Giăng 14:2, 3). Những người có hy vọng sống trên đất cũng sẽ được Chúa Giê-su yêu thương và quan tâm. Dù họ không thấy Chúa Giê-su, nhưng mối quan hệ giữa họ với ngài sẽ bền chặt hơn khi họ vui hưởng cuộc sống mà Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su mang lại.—Ê-sai 9:6, 7.

16. Chúng ta có những ân phước nào khi là bạn của Chúa Giê-su?

16 Khi nhận lời mời trở thành bạn của Chúa Giê-su, chúng ta được ban nhiều ân phước. Chẳng hạn, chúng ta được ngài yêu thương và hỗ trợ ngay từ bây giờ. Chúng ta cũng có triển vọng sống mãi mãi. Trên hết, tình bạn với Chúa Giê-su sẽ mang lại điều quý báu nhất cho chúng ta, đó là mối quan hệ mật thiết với Cha ngài, Đức Giê-hô-va. Quả là đặc ân khi được gọi là bạn của Chúa Giê-su!

BÀI HÁT 17 “Tôi muốn”

^ đ. 5 Trong vài năm, các sứ đồ cùng trò chuyện và làm việc với Chúa Giê-su, vì thế họ trở thành bạn tốt của nhau. Chúa Giê-su cũng muốn chúng ta là bạn ngài, nhưng chúng ta có những trở ngại mà các sứ đồ không có. Bài này sẽ xem xét một vài trở ngại ấy và đưa ra những gợi ý về cách chúng ta có thể xây dựng và duy trì tình bạn mật thiết với Chúa Giê-su.

^ đ. 55 HÌNH ẢNH: (1) Trong buổi thờ phượng của gia đình, chúng ta có thể học về lối sống và thánh chức của Chúa Giê-su. (2) Trong hội thánh, chúng ta có thể theo đuổi sự hòa thuận với anh em đồng đạo. (3) Bằng cách hết lòng tham gia thánh chức, chúng ta có thể hỗ trợ anh em của Đấng Ki-tô. (4) Khi các hội thánh được sát nhập, chúng ta có thể làm theo sự sắp đặt của các trưởng lão.