Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 20

“Vua phương bắc” thời nay là ai?

“Vua phương bắc” thời nay là ai?

“Ngày tàn của vua sẽ đến, sẽ chẳng ai giúp đỡ vua”.​ĐA 11:45.

BÀI HÁT 95 Ánh sáng càng sáng thêm

GIỚI THIỆU *

1, 2. Chúng ta sẽ thảo luận điều gì trong bài này?

Ngày nay, có nhiều bằng chứng hơn bao giờ hết cho thấy chúng ta đang sống vào thời điểm cuối của những ngày sau cùng. Chẳng bao lâu nữa, Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su sẽ hủy diệt mọi chính phủ chống nghịch với Nước Trời. Trước khi biến cố ấy xảy ra, vua phương bắc và vua phương nam sẽ tiếp tục xung đột với nhau và chống lại dân Đức Chúa Trời.

2 Trong bài này, chúng ta sẽ thảo luận lời tiên tri nơi Đa-ni-ên 11:40–12:1. Chúng ta sẽ nhận diện vua phương bắc thời nay, cũng như xem xét tại sao chúng ta có thể bình tĩnh và tin cậy bàn tay cứu rỗi của Đức Giê-hô-va dù chuyện gì xảy ra đi nữa.

SỰ XUẤT HIỆN CỦA VUA PHƯƠNG BẮC MỚI

3, 4. Vua phương bắc thời nay là ai? Hãy giải thích.

3 Sau khi Liên bang Xô Viết tan rã vào năm 1991, dân Đức Chúa Trời ở vùng rộng lớn ấy “được giúp đỡ chút ít”, tức được tự do trong một thời gian (Đa 11:34). Nhờ thế, họ có thể rao giảng một cách công khai và không lâu sau, số người công bố từng sống dưới chế độ chính trị ấy gia tăng đến hàng trăm ngàn người. Dần dần, Nga và các đồng minh trở thành vua phương bắc. Như đã thảo luận trong bài trước, để một chính phủ trở thành vua phương nam hay vua phương bắc thì phải hội đủ ba yếu tố: (1) bắt bớ dân Đức Chúa Trời hoặc cai trị ở những nước mà nhiều người thuộc dân của ngài sống, (2) cách họ đối xử cho thấy sự thù ghét đối với Đức Giê-hô-va và dân ngài, và (3) tranh giành quyền lực với vua đối địch.

4 Chúng ta có thể nói rằng vua phương bắc thời nay là Nga và các đồng minh vì: (1) Họ bắt bớ dân Đức Chúa Trời khi cấm đoán công việc rao giảng và ngược đãi hàng trăm ngàn anh chị sống trong những vùng mà họ cai trị. (2) Cách họ đối xử cho thấy họ thù ghét Đức Giê-hô-va và dân ngài. (3) Họ tranh giành quyền lực với vua phương nam, là cường quốc Anh Mỹ. Hãy xem làm thế nào Nga và các đồng minh trở thành vua phương bắc.

VUA PHƯƠNG BẮC VÀ VUA PHƯƠNG NAM TIẾP TỤC XÔ ĐẨY NHAU

5. Đa-ni-ên 11:40-43 miêu tả về thời kỳ nào, và điều gì xảy ra trong thời kỳ ấy?

5 Đọc Đa-ni-ên 11:40-43. Phần này của lời tiên tri miêu tả khái quát về thời kỳ cuối cùng và nhấn mạnh sự đối địch giữa vua phương bắc và vua phương nam. Như Đa-ni-ên báo trước, trong thời kỳ cuối cùng, vua phương nam “sẽ xô đẩy với” vua phương bắc, hay “sẽ móc sừng mình vào sừng” của vua ấy.—Đa 11:40, chú thích.

6. Có bằng chứng nào cho thấy hai vua đang xô đẩy nhau?

6 Vua phương bắc và vua phương nam tiếp tục tranh giành quyền thống trị thế giới. Chẳng hạn, hãy xem chuyện gì xảy ra sau Thế Chiến II khi Liên bang Xô Viết và các đồng minh bắt đầu thống trị một phần lớn lãnh thổ châu Âu. Hành động của vua phương bắc buộc vua phương nam thiết lập một liên minh quân sự quốc tế, được gọi là Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Vua phương bắc tiếp tục cạnh tranh với vua phương nam bằng cuộc chạy đua vũ trang tốn kém. Vua phương bắc cũng chống lại vua đối địch qua chiến tranh ủy nhiệm và những cuộc nổi dậy ở châu Phi, châu Á và châu Mỹ La-tinh. Trong những năm gần đây, Nga và các đồng minh bành trướng thế lực trên thế giới. Họ cũng gây chiến với vua phương nam qua chiến tranh mạng. Các vua cáo buộc nhau bằng cách dùng chương trình vi tính để phá hại hệ thống kinh tế và chính trị của nhau. Và như Đa-ni-ên cũng báo trước, vua phương bắc tiếp tục tấn công dân Đức Chúa Trời.—Đa 11:41.

VUA PHƯƠNG BẮC VÀO “XỨ VINH HIỂN”

7. “Xứ Vinh Hiển” là gì?

7 Đa-ni-ên 11:41 nói rằng vua phương bắc sẽ vào “Xứ Vinh Hiển”. Đó là xứ nào? Thời xưa, Y-sơ-ra-ên được xem là “vùng đẹp nhất trong các vùng” (Ê-xê 20:6). Nhưng điều khiến cho xứ ấy đặc biệt đẹp là vì nơi đó có những người thờ phượng Đức Giê-hô-va. Từ Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, “xứ” ấy không nằm tại một địa điểm cụ thể vì dân Đức Giê-hô-va ở khắp nơi trên đất. Thời nay, “Xứ Vinh Hiển” là lĩnh vực hoạt động của dân Đức Giê-hô-va, trong đó có việc thờ phượng ngài qua các buổi nhóm họp và thánh chức rao giảng.

8. Vua phương bắc đã vào “Xứ Vinh Hiển” theo nghĩa nào?

8 Trong những ngày sau cùng, vua phương bắc nhiều lần vào “Xứ Vinh Hiển”. Chẳng hạn, vào thời Đức Quốc Xã là vua phương bắc, đặc biệt trong thế chiến thứ hai, vua đã vào “Xứ Vinh Hiển” khi bắt bớ và giết hại dân Đức Chúa Trời. Sau Thế Chiến II, vào thời Liên bang Xô Viết là vua phương bắc, vua đã vào “Xứ Vinh Hiển” khi ngược đãi dân Đức Chúa Trời và bắt họ đi lưu đày.

9. Trong những năm gần đây, Nga và các đồng minh đã vào “Xứ Vinh Hiển” như thế nào?

9 Trong những năm gần đây, Nga và các đồng minh cũng vào “Xứ Vinh Hiển”. Như thế nào? Năm 2017, vua phương bắc đã cấm đoán công việc của dân Đức Giê-hô-va và bỏ tù một số anh chị. Vua cũng cấm các ấn phẩm của chúng ta, kể cả Bản dịch Thế Giới Mới. Hơn nữa, vua còn tịch thu văn phòng chi nhánh, các Phòng Nước Trời và Phòng hội nghị ở Nga. Sau những hành động ấy, năm 2018, Hội đồng Lãnh đạo nhận diện Nga và các đồng minh là vua phương bắc. Tuy nhiên, ngay cả khi bị bắt bớ dữ dội, dân Đức Giê-hô-va vẫn từ chối tham gia bất cứ hoạt động nào để chống lại hay lật đổ chính quyền. Họ làm theo lời khuyên của Kinh Thánh là cầu nguyện cho “tất cả các bậc cầm quyền”, đặc biệt khi chính quyền có những quyết định ảnh hưởng đến sự tự do thờ phượng.—1 Ti 2:1, 2.

VUA PHƯƠNG BẮC CÓ HỦY DIỆT VUA PHƯƠNG NAM KHÔNG?

10. Vua phương bắc có hủy diệt vua phương nam không? Hãy giải thích.

10 Lời tiên tri nơi Đa-ni-ên 11:40-45 chủ yếu nói đến các hoạt động của vua phương bắc. Có phải là vì vua phương bắc sẽ hủy diệt vua phương nam không? Không. Vua phương nam “còn đang sống” khi Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su kết liễu tất cả chính phủ loài người tại Ha-ma-ghê-đôn (Khải 19:20). Tại sao có thể chắc chắn như thế? Chúng ta hãy xem lời tiên tri nơi Đa-ni-ên và Khải huyền nói gì.

Tại Ha-ma-ghê-đôn, Nước Đức Chúa Trời, được tượng trưng bởi hòn đá, sẽ hủy diệt các chính phủ loài người, được tượng trưng bởi pho tượng khổng lồ (Xem đoạn 11)

11. Đa-ni-ên 2:43-45 cho biết điều gì? (Xem hình nơi trang bìa).

11 Đọc Đa-ni-ên 2:43-45. Nhà tiên tri Đa-ni-ên miêu tả theo thứ tự các chính phủ loài người có ảnh hưởng đến dân Đức Chúa Trời. Các chính phủ này được miêu tả là những phần khác nhau của pho tượng khổng lồ. Chính phủ cuối cùng là bàn chân bằng sắt trộn với đất sét. Bàn chân tượng trưng cho cường quốc Anh Mỹ. Lời tiên tri cho thấy cường quốc này vẫn hoạt động khi Nước Trời đánh tan và hủy diệt các chính phủ loài người.

12. Đầu thứ bảy của con thú dữ tượng trưng cho ai, và tại sao điều này đáng chú ý?

12 Sứ đồ Giăng cũng nói đến các cường quốc có ảnh hưởng tới dân Đức Chúa Trời. Giăng miêu tả các cường quốc này giống như con thú dữ có bảy đầu. Đầu thứ bảy tượng trưng cho cường quốc Anh Mỹ. Điều này đáng chú ý vì không còn đầu nào khác sau đầu ấy. Đầu thứ bảy vẫn là bá chủ thế giới khi Đấng Ki-tô và lực lượng trên trời hủy diệt nó cùng với phần còn lại của con thú. *Khải 13:1, 2; 17:13, 14.

VUA PHƯƠNG BẮC SẼ LÀM GÌ TRONG TƯƠNG LAI GẦN ĐÂY?

13, 14. “Gót ở xứ Ma-gót” là ai, và có lẽ điều gì sẽ khiến Gót tấn công dân Đức Chúa Trời?

13 Lời tiên tri của Ê-xê-chi-ên giúp chúng ta hiểu thêm về điều có thể xảy ra trong những ngày cuối cùng của vua phương bắc và vua phương nam. Nếu những lời tiên tri nơi Ê-xê-chi-ên 38:10-23; Đa-ni-ên 2:43-45; 11:44–12:1 và Khải huyền 16:13-16, 21 nói về cùng thời kỳ và sự kiện, thì dường như những biến cố sau đây sẽ xảy ra.

14 Vào một thời điểm sau khi hoạn nạn lớn bắt đầu, “các vua trên khắp đất” sẽ hợp thành một liên minh các nước (Khải 16:13, 14; 19:19). Liên minh này trở thành “Gót ở xứ Ma-gót” (Ê-xê 38:2). Liên minh các nước sẽ dốc toàn lực tấn công dân Đức Chúa Trời. Điều gì châm ngòi cho cuộc tấn công cuối cùng ấy? Nói về thời điểm đó, sứ đồ Giăng thấy một trận bão với những cục mưa đá lớn khác thường đổ xuống trên các kẻ thù của Đức Chúa Trời. Trận mưa đá tượng trưng ấy có lẽ là một thông điệp phán xét mạnh mẽ mà dân Đức Chúa Trời rao báo. Có thể thông điệp này khiến Gót ở xứ Ma-gót tấn công dân Đức Chúa Trời với mục tiêu xóa sạch họ khỏi đất.—Khải 16:21.

15, 16. (a) Có thể Đa-ni-ên 11:44, 45 nói đến sự kiện nào? (b) Chuyện gì sẽ xảy ra với vua phương bắc và các nước còn lại thuộc Gót ở xứ Ma-gót?

15 Có lẽ thông điệp mạnh mẽ ấy và cuộc tấn công cuối cùng của kẻ thù Đức Chúa Trời cũng là những sự kiện được nói đến nơi Đa-ni-ên 11:44, 45. (Đọc). Đa-ni-ên cho biết “các tin tức từ phương đông và phương bắc” khiến cho vua phương bắc bối rối. “Trong cơn thịnh nộ”, vua sẽ đi ra với ý định “hủy diệt nhiều người”. Dường như “nhiều người” ở đây là dân của Đức Giê-hô-va. * Có thể Đa-ni-ên đang miêu tả về cuộc tấn công cuối cùng trên dân Đức Chúa Trời.

16 Cuộc tấn công ấy của vua phương bắc cùng với các chính phủ khác sẽ chọc giận Đấng Toàn Năng và dẫn đến trận chiến Ha-ma-ghê-đôn (Khải 16:14, 16). Lúc ấy, vua phương bắc cùng các nước còn lại thuộc Gót ở xứ Ma-gót sẽ bị hủy diệt và “sẽ chẳng ai giúp đỡ vua”.—Đa 11:45.

Tại trận chiến Ha-ma-ghê-đôn, Chúa Giê-su và đạo quân trên trời sẽ hủy diệt thế gian của Sa-tan và giải cứu dân Đức Chúa Trời (Xem đoạn 17)

17. “Thủ lĩnh vĩ đại” Mi-ca-ên được nói đến nơi Đa-ni-ên 12:1 là ai? Ngài đang làm gì và sẽ làm gì trong tương lai?

17 Ngay câu kế tiếp trong lời tường thuật của Đa-ni-ên cho biết thêm thông tin về việc vua phương bắc và các đồng minh bị hủy diệt như thế nào, và chúng ta sẽ được giải cứu ra sao. (Đọc Đa-ni-ên 12:1). Câu này có nghĩa gì? Mi-ca-ên là tên khác của Vua chúng ta, Chúa Giê-su. Ngài “đứng thay mặt cho” dân của Đức Chúa Trời từ năm 1914 khi Nước Trời được thành lập trên trời. Trong tương lai gần đây, ngài sẽ “trỗi dậy”, tức hủy diệt các kẻ thù, tại trận chiến Ha-ma-ghê-đôn. Trận chiến này là sự kiện cuối cùng trong “thời kỳ khốn khổ” chưa hề có mà Đa-ni-ên nhắc đến. Lời tiên tri của Giăng nơi Khải huyền gọi thời kỳ dẫn đến trận chiến này là “hoạn nạn lớn”.—Khải 6:2; 7:14.

ANH CHỊ SẼ “ĐƯỢC VIẾT TÊN TRONG SÁCH” KHÔNG?

18. Tại sao chúng ta có thể vững tin nhìn đến tương lai?

18 Chúng ta có thể vững tin nhìn đến tương lai vì cả Đa-ni-ên và Giăng đều nói rằng ai làm theo ý muốn Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su sẽ được sống sót qua hoạn nạn lớn. Vì thế, chúng ta có thể giữ bình tĩnh dù chuyện gì xảy ra đi nữa. Đa-ni-ên cho biết những người sống sót sẽ “được viết tên trong sách” (Đa 12:1). Làm thế nào để tên mình được viết trong sách đó? Chúng ta phải thể hiện đức tin nơi Chúa Giê-su, Chiên Con của Đức Chúa Trời (Giăng 1:29). Chúng ta cần chịu phép báp-têm để biểu trưng sự dâng mình cho Đức Chúa Trời (1 Phi 3:21). Ngoài ra, chúng ta phải cho thấy mình ủng hộ Nước Trời bằng cách nỗ lực để giúp người khác học biết về Đức Giê-hô-va.

19. Giờ là lúc chúng ta nên làm gì, và tại sao?

19 Giờ là lúc củng cố lòng tin cậy nơi Đức Giê-hô-va và tổ chức ngài. Giờ là lúc ủng hộ Nước Trời. Nếu làm thế, chúng ta sẽ được giải cứu khi Nước Trời hủy diệt vua phương bắc và vua phương nam.

BÀI HÁT 149 Bài ca chiến thắng

^ đ. 5 “Vua phương bắc” thời nay là ai, và ngày tàn của vua sẽ đến như thế nào? Biết được lời giải đáp sẽ củng cố đức tin và giúp chúng ta chuẩn bị để đương đầu với những thử thách trong tương lai gần đây.

^ đ. 15 Để biết thêm thông tin, xin xem Tháp Canh ngày 15-5-2015, trg 29, 30.