Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Mềm mại—Tại sao nên vun trồng?

Mềm mại—Tại sao nên vun trồng?

Chị Sara * cho biết: “Tôi là người nhút nhát và không mấy tự tin. Vì thế, tôi ngại ở gần người có cá tính mạnh và quá tự tin. Nhưng tôi thấy thoải mái khi ở bên người mềm mại và khiêm tốn. Tôi có thể cởi mở trò chuyện, chia sẻ cảm nghĩ và nói ra tâm tư của mình. Những bạn thân nhất của tôi là người như vậy”.

Nhận xét của chị Sara cho thấy mềm mại là đức tính thu hút người khác đến gần chúng ta. Sự mềm mại cũng làm Đức Giê-hô-va hài lòng. Ngài khuyến giục chúng ta: ‘Hãy mặc lấy sự mềm mại’ (Cô 3:12). Vậy mềm mại là gì? Chúa Giê-su thể hiện tính này như thế nào? Tại sao vun trồng tính này giúp chúng ta hạnh phúc hơn?

MỀM MẠI LÀ GÌ?

Mềm mại là sự điềm tĩnh xuất phát từ lòng. Người mềm mại sẽ đối xử với người khác một cách dịu dàng và nhân từ. Người đó có khả năng giữ bình tĩnh và tự chủ khi đối phó với những tình huống gây khó chịu, bực bội.

Mềm mại là dấu hiệu cho thấy một người có nghị lực. Từ Hy Lạp dịch là “mềm mại” được dùng để miêu tả con ngựa hoang được thuần hóa. Sức mạnh của con ngựa vẫn còn, nhưng nhờ được huấn luyện mà nó có thể kìm giữ sức mạnh ấy. Tương tự, khi thể hiện sự mềm mại, chúng ta đang “thuần hóa” những bản tính bất kham của mình và giữ hòa thuận với người khác.

Có lẽ chúng ta nghĩ: “Tính tôi không mềm mại”. Trong thế giới mà nhiều người thường hung hăng và thiếu kiên nhẫn, có thể chúng ta thấy khó thể hiện sự mềm mại (Rô 7:19). Đúng là cần nhiều nỗ lực để vun trồng tính này, nhưng thần khí sẽ giúp chúng ta củng cố quyết tâm đạt được mục tiêu ấy (Ga 5:22, 23). Tại sao chúng ta nên nỗ lực vun trồng sự mềm mại?

Mềm mại là phẩm chất thu hút người khác. Như chị Sara được đề cập ở trên, chúng ta thấy thoải mái khi ở bên người mềm mại. Chúa Giê-su nêu gương xuất sắc trong việc thể hiện sự mềm mại và nhân từ (2 Cô 10:1). Thậm chí những trẻ em chưa biết ngài cũng thoải mái đến gần ngài.—Mác 10:13-16.

Mềm mại mang lại lợi ích cho chúng ta và người xung quanh. Nếu là người mềm mại, chúng ta không dễ bực bội hoặc nóng giận (Châm 16:32). Nhờ đó, chúng ta tránh được cảm giác tội lỗi vì làm người khác buồn, đặc biệt người mình yêu thương. Người xung quanh cũng không phải đau lòng vì chúng ta biết kiềm chế cảm xúc và hành vi của mình.

GƯƠNG HOÀN HẢO VỀ SỰ MỀM MẠI

Dù bận rộn và có nhiều trọng trách, Chúa Giê-su vẫn mềm mại với mọi người. Nhiều người vào thời ngài phải vật lộn với cuộc sống và mang nhiều gánh nặng, nên họ cần được tươi tỉnh. Hẳn họ cảm thấy ấm lòng biết bao khi Chúa Giê-su phán với họ: “Hãy đến với tôi... vì tôi là người ôn hòa và có lòng khiêm nhường”.—Mat 11:28, 29.

Làm thế nào để vun trồng sự ôn hòa hay mềm mại như Chúa Giê-su? Chúng ta cần nghiên cứu Lời Đức Chúa Trời để biết cách Chúa Giê-su cư xử và phản ứng trước những tình huống khó khăn. Sau đó, khi gặp những tình huống khó thể hiện sự mềm mại, chúng ta cố gắng noi gương ngài (1 Phi 2:21). Hãy xem ba yếu tố giúp Chúa Giê-su mềm mại.

Chúa Giê-su thật sự khiêm nhường. Không chỉ ôn hòa hay mềm mại, Chúa Giê-su cũng “có lòng khiêm nhường” (Mat 11:29). Kinh Thánh đề cập đến mềm mại và khiêm nhường cùng lúc vì mềm mại liên quan chặt chẽ với khiêm nhường (Ê-phê 4:1-3). Như thế nào?

Khiêm nhường giúp chúng ta tránh xem mình quá quan trọng hoặc trở nên quá nhạy cảm. Chúa Giê-su phản ứng thế nào khi người ta chỉ trích ngài một cách bất công là “người tham ăn mê rượu”? Ngài để cho hạnh kiểm của mình dập tắt sự chỉ trích, và cũng mềm mại cho biết “sự khôn ngoan được chứng minh là công chính bởi kết quả của nó”.—Mat 11:19.

Nếu một người bình luận thiếu suy nghĩ về chủng tộc, giới tính hoặc văn hóa của anh chị, anh chị có thể phản ứng một cách mềm mại không? Anh Peter, một trưởng lão tại Nam Phi, cho biết: “Khi cảm thấy khó chịu vì điều người khác nói, tôi tự hỏi: ‘Chúa Giê-su sẽ phản ứng thế nào?’”. Anh nói thêm: “Tôi học được rằng không nên xem mình quá quan trọng”.

Chúa Giê-su hiểu sự yếu đuối của con người. Các môn đồ của Chúa Giê-su có ý tốt nhưng đôi khi bản chất bất toàn khiến họ không thực hiện được. Chẳng hạn, trong đêm trước khi Chúa Giê-su chết, Phi-e-rơ, Gia-cơ và Giăng đã không hỗ trợ về tinh thần vào lúc ngài cần. Chúa Giê-su hiểu rằng “tinh thần thì hăng hái nhưng thể xác lại yếu đuối” (Mat 26:40, 41). Nhờ thế, ngài không bực bội với các sứ đồ.

Chị Mandy từng là người cứng nhắc nhưng giờ chị nỗ lực noi gương Chúa Giê-su trong việc thể hiện sự mềm mại. Chị nói: “Tôi cố gắng nhớ là mọi người đều bất toàn và tập trung vào điểm tốt của người khác, là điều Đức Giê-hô-va nhìn thấy”. Lòng trắc ẩn của Chúa Giê-su trước sự yếu đuối của con người có thôi thúc anh chị đối xử mềm mại với người khác không?

Chúa Giê-su để vấn đề trong tay Đức Chúa Trời. Khi còn sống trên đất, Chúa Giê-su đã bị đối xử bất công. Ngài bị hiểu lầm, khinh thường và tra tấn. Dù thế, ngài vẫn giữ thái độ mềm mại vì ngài “phó chính mình cho đấng xét xử công chính” (1 Phi 2:23). Chúa Giê-su biết rằng Cha trên trời sẽ giúp ngài chịu đựng và sẽ giải quyết sự bất công vào đúng thời điểm.

Nếu tức giận và cố giành lại công lý cho mình, chúng ta sẽ dễ hành động quá khích và làm tình hình tệ hơn. Vì thế, Kinh Thánh nhắc nhở chúng ta: “Sự nóng giận của con người không đem lại sự công chính của Đức Chúa Trời” (Gia 1:20). Ngay cả khi cơn giận của chúng ta là chính đáng, sự bất toàn có thể khiến chúng ta phản ứng sai.

Một chị sống ở Đức tên là Cathy từng nghĩ: “Nếu không đứng lên bảo vệ danh dự của mình thì không ai sẽ bảo vệ mình”. Nhưng khi chị tập tin cậy Đức Giê-hô-va, thái độ của chị thay đổi. Chị nói: “Giờ tôi không cần phải luôn tìm cách bảo vệ mình nữa. Tôi có thể hành động mềm mại vì biết rằng Đức Giê-hô-va sẽ xóa bỏ mọi vấn đề trong thế giới này”. Nếu anh chị là nạn nhân của sự bất công, hãy noi gương Chúa Giê-su trong việc tin cậy Đức Chúa Trời. Nhờ thế, anh chị cũng có thể giữ tinh thần mềm mại.

‘HẠNH PHÚC CHO NGƯỜI ÔN HÒA’

Sự mềm mại có thể giúp chúng ta thế nào trong những tình huống khó khăn?

Chúa Giê-su nói: ‘Hạnh phúc cho người ôn hòa’ (Mat 5:5). Ngài cho thấy sự ôn hòa hay mềm mại đóng vai trò quan trọng trong hạnh phúc của chúng ta. Hãy xem sự mềm mại có thể giúp ích thế nào.

Mềm mại làm dịu căng thẳng trong hôn nhân. Anh Robert ở Úc thừa nhận: “Tôi đã nói nhiều điều gây tổn thương cho vợ dù không cố ý. Nhưng những lời thiếu suy nghĩ thốt ra trong cơn giận thì không thể rút lại. Tôi rất buồn vì đã làm vợ tổn thương như thế”.

“Hết thảy chúng ta đều vấp ngã” trong lời nói mình, và những lời thiếu suy nghĩ có thể đe dọa sự bình an trong gia đình (Gia 3:2). Vào những lúc đó, sự mềm mại có thể giúp chúng ta bình tĩnh và kìm giữ lưỡi mình.—Châm 17:27.

Anh Robert đã nỗ lực rất nhiều để tập bình tĩnh và tự chủ. Kết quả là gì? Anh cho biết: “Hiện nay, mỗi khi có bất đồng, tôi cố gắng lắng nghe kỹ, nói một cách mềm mại và không để mình bực bội. Mối quan hệ giữa vợ chồng tôi được cải thiện rất nhiều”.

Mềm mại giúp dễ hòa đồng. Những ai vội giận thì khó có bạn. Nhưng sự mềm mại giúp chúng ta “gìn giữ... mối liên kết của sự hòa thuận” (Ê-phê 4:2, 3). Chị Cathy, được đề cập ở trên, nói: “Nhờ mềm mại, tôi có thể vui vẻ kết hợp với người khác, dù khó làm thế với một số người”.

Mềm mại giúp có bình an nội tâm. Kinh Thánh liên kết “sự khôn ngoan từ trên” với mềm mại và hòa thuận (Gia 3:13, 17). Người mềm mại thì có “lòng yên bình” (Châm 14:30). Anh Martin, người nỗ lực để vun trồng sự mềm mại, nói: “Giờ tôi không còn khăng khăng theo ý mình nhưng linh động hơn, tôi cảm thấy mình có bình an nội tâm và hạnh phúc hơn”.

Có lẽ chúng ta phải nỗ lực rất nhiều để vun trồng tinh thần mềm mại. Một anh cho biết: “Nói thật là cho đến nay, có khi tôi vẫn cảm thấy rất giận dữ trong lòng”. Nhưng Đức Giê-hô-va, đấng khuyến khích theo đuổi sự mềm mại, sẽ giúp chúng ta làm thế (Ê-sai 41:10; 1 Ti 6:11). Ngài có thể ‘hoàn tất việc huấn luyện chúng ta’; ngài có thể ‘làm chúng ta mạnh mẽ’ (1 Phi 5:10). Với thời gian, như sứ đồ Phao-lô, chúng ta có thể phản ánh “lòng mềm mại và nhân từ của Đấng Ki-tô”.—2 Cô 10:1.

^ đ. 2 Một số tên đã được thay đổi.