Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 23

“Xin cho danh Cha được nên thánh”

“Xin cho danh Cha được nên thánh”

“Lạy Đức Giê-hô-va, danh của ngài còn đến mãi mãi”.—THI 135:13.

BÀI HÁT 10 Hãy khen ngợi Đức Giê-hô-va!

GIỚI THIỆU *

1, 2. Nhân Chứng Giê-hô-va thích thảo luận về những đề tài thú vị nào?

Ngày nay, chúng ta đang đứng trước những vấn đề vô cùng quan trọng, đó là biện minh cho quyền tối thượng của Đức Giê-hô-va và làm thánh danh ngài. Là Nhân Chứng Giê-hô-va, chúng ta thích thảo luận về những đề tài thú vị này. Tuy nhiên, việc biện minh cho quyền tối thượng của Đức Chúa Trời và việc làm thánh danh ngài có phải là hai vấn đề riêng biệt không? Không.

2 Tất cả chúng ta biết rằng danh của Đức Chúa Trời phải được tẩy sạch khỏi mọi sự sỉ nhục. Chúng ta cũng biết quyền tối thượng của Đức Giê-hô-va phải được biện minh, tức đường lối cai trị của ngài phải được chứng minh là tốt nhất. Cả hai vấn đề này đều quan trọng.

3. Danh Giê-hô-va liên quan đến điều gì?

3 Thực tế, danh Giê-hô-va liên quan đến mọi điều về Đức Chúa Trời, kể cả đường lối cai trị của ngài. Thế nên, việc tẩy sạch danh ngài khỏi mọi sự sỉ nhục bao gồm việc chứng minh đường lối cai trị của ngài là tốt nhất. Danh Đức Giê-hô-va có liên quan chặt chẽ đến đường lối cai trị của ngài với cương vị là Chúa Tối Thượng.—Xin xem khung “ Các khía cạnh của vấn đề trọng đại”.

4. Thi thiên 135:13 cho biết gì về danh của Đức Chúa Trời, và những câu hỏi nào sẽ được giải đáp trong bài này?

4 Danh Giê-hô-va là độc nhất vô nhị. (Đọc Thi thiên 135:13). Tại sao danh của Đức Chúa Trời vô cùng quan trọng? Lần đầu tiên danh ấy bị vu khống như thế nào? Đức Chúa Trời làm thánh danh ngài ra sao? Chúng ta có thể bênh vực danh ngài bằng cách nào? Hãy cùng tìm lời giải đáp cho những câu hỏi này.

TẦM QUAN TRỌNG CỦA MỘT DANH

5. Chúng ta có thể thắc mắc điều gì khi xem xét việc làm thánh danh của Đức Chúa Trời?

5 “Xin cho danh Cha được nên thánh” (Mat 6:9). Chúa Giê-su cho biết đó là điều cần được ưu tiên trong lời cầu nguyện. Nhưng câu này có nghĩa gì? Làm cho một điều được nên thánh có nghĩa là làm cho điều đó thánh khiết và thanh sạch. Nhưng một số người có thể thắc mắc: “Chẳng phải danh Đức Giê-hô-va đã thánh khiết và thanh sạch rồi sao?”. Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần xem một danh liên quan đến điều gì.

6. Tại sao danh lại rất quý giá?

6 Danh không phải chỉ là một nhóm chữ cái được viết trên giấy hoặc được phát âm lớn tiếng. Hãy lưu ý điều Kinh Thánh nói: “Danh tiếng tốt đáng chuộng hơn của dư dật” (Châm 22:1; Truyền 7:1). Trong nguyên ngữ, từ được dịch là “danh tiếng tốt” có nghĩa đen là “tên”. Tại sao tên hay danh lại quý giá đến thế? Vì nó liên quan đến danh tiếng của một người, tức suy nghĩ của người khác về người mang danh đó. Thế nên, việc danh xuất hiện trên giấy như thế nào hoặc ngay cả được phát âm ra sao không phải là vấn đề quan trọng nhất, nhưng điều quan trọng nhất là người khác nghĩ gì khi thấy hoặc nghe danh ấy.

7. Người ta công kích danh của Đức Chúa Trời bằng cách nào?

7 Khi nói những điều dối trá về Đức Giê-hô-va, một người đang công kích danh tiếng của ngài. Khi công kích danh tiếng của ngài, người ấy đang cố bôi nhọ danh ngài. Danh và danh tiếng của Đức Chúa Trời lần đầu tiên bị công kích tại thời điểm sơ khai của lịch sử nhân loại. Hãy xem chúng ta có thể rút ra bài học nào qua cuộc công kích đó.

LẦN ĐẦU TIÊN DANH ĐỨC GIÊ-HÔ-VA BỊ VU KHỐNG

8. A-đam và Ê-va biết điều gì, và những câu hỏi nào được nêu lên?

8 A-đam và Ê-va biết danh Đức Giê-hô-va cũng như các sự thật quan trọng về đấng mang danh ấy. Chẳng hạn, họ biết ngài là Đấng Tạo Hóa, đấng ban cho họ sự sống, ngôi nhà địa đàng và bạn đời hoàn hảo (Sáng 1:26-28; 2:18). Tuy nhiên, họ có tiếp tục dùng trí óc hoàn hảo của mình để suy ngẫm về tất cả những điều Đức Giê-hô-va đã làm cho họ không? Họ có vun đắp tình yêu thương và lòng biết ơn đối với đấng mang danh ấy không? Lời giải đáp cho những câu hỏi này được thấy rõ khi kẻ thù của Đức Chúa Trời thử thách họ.

9. Theo Sáng thế 2:16, 17 và 3:1-5, Đức Giê-hô-va phán gì với cặp vợ chồng đầu tiên, và Sa-tan bóp méo sự thật như thế nào?

9 Đọc Sáng thế 2:16, 17 và 3:1-5. Qua một con rắn, Sa-tan hỏi Ê-va: “Có thật Đức Chúa Trời phán rằng các người không được phép ăn mọi cây trong vườn không?”. Câu hỏi đó chứa đựng lời nói dối tinh vi giống như chất độc tiềm ẩn. Sự thật là Đức Chúa Trời đã nói rằng họ có thể ăn mọi cây, ngoại trừ một cây. A-đam và Ê-va có vô số loại cây để ăn (Sáng 2:9). Quả thật Đức Giê-hô-va vô cùng rộng rãi! Tuy nhiên, ngài không cho phép họ ăn trái của một cây mà ngài chỉ định. Thế nên, câu hỏi của Sa-tan đã bóp méo sự thật. Sa-tan hàm ý Đức Chúa Trời ích kỷ. Có lẽ Ê-va đã thắc mắc: “Đức Chúa Trời có giữ lại điều gì đó tốt đẹp không?”.

10. Sa-tan đã trắng trợn vu khống danh của Đức Chúa Trời như thế nào, và hậu quả là gì?

10 Lúc đó, Ê-va vẫn nhìn nhận Đức Giê-hô-va là đấng cai trị của mình. Bà trả lời Sa-tan bằng cách nhắc lại chỉ dẫn rõ ràng của Đức Chúa Trời và còn nói thêm là họ không được đụng đến cây đó. Bà hiểu lời cảnh báo của ngài là nếu không vâng lời thì họ sẽ chết. Nhưng Sa-tan nói: “Các người sẽ không chết đâu” (Sáng 3:2-4). Sa-tan không còn nói dối một cách tinh vi nữa. Lúc này, hắn trắng trợn vu khống danh của Đức Chúa Trời, như thể hắn nói với Ê-va rằng ngài là kẻ nói dối. Thế nên, Sa-tan trở thành Ác Quỷ, tức kẻ vu khống. Ê-va hoàn toàn bị lừa gạt và đã tin Sa-tan (1 Ti 2:14). Bà tin cậy hắn hơn cả Đức Giê-hô-va. Điều này khiến bà đưa ra quyết định tồi tệ nhất, đó là cãi lời Đức Giê-hô-va. Bà ăn trái mà ngài cấm, rồi đưa cho A-đam.—Sáng 3:6.

11. Lẽ ra cặp vợ chồng đầu tiên nên làm gì?

11 Lẽ ra Ê-va nên nói gì với Sa-tan? Giả sử bà nói: “Ta không biết ngươi là ai, nhưng biết Cha ta là Đức Giê-hô-va. Ta yêu mến và tin cậy Cha. Ngài đã ban cho vợ chồng ta mọi thứ. Làm sao mà ngươi lại dám nói điều xấu xa về Cha ta? Hãy đi cho khuất mắt ta!”. Hẳn Đức Giê-hô-va sẽ rất vui khi nghe những lời thể hiện lòng trung thành như thế của con gái yêu quý! (Châm 27:11). Nhưng Ê-va không có tình yêu thương thành tín với Đức Giê-hô-va, và A-đam cũng thế. Vì thiếu tình yêu thương ấy, A-đam và Ê-va đã không bênh vực danh ngài trước lời vu khống của Sa-tan.

12. Sa-tan gieo sự nghi ngờ vào tâm trí của Ê-va như thế nào? A-đam và Ê-va đã không làm gì?

12 Như đã xem xét, Sa-tan bắt đầu công kích danh tiếng của Đức Giê-hô-va bằng cách gieo sự ngờ vực vào tâm trí của Ê-va, khiến bà nghi ngờ rằng ngài không phải là Cha tốt. Lúc đó, A-đam và Ê-va không bênh vực danh và danh tiếng của Đức Chúa Trời. Thế nên, họ dễ nghe theo lời xúi giục của Sa-tan là chống lại Cha trên trời. Ngày nay, Sa-tan dùng thủ đoạn tương tự. Hắn công kích danh của Đức Chúa Trời bằng cách vu khống danh ấy. Những người tin lời dối trá của Sa-tan dễ bị xúi giục để bác bỏ sự cai trị công chính của Đức Giê-hô-va.

ĐỨC GIÊ-HÔ-VA LÀM THÁNH DANH NGÀI

13. Ê-xê-chi-ên 36:23 nhấn mạnh thông điệp chính trong Kinh Thánh như thế nào?

13 Đức Giê-hô-va có để ngài bị vu khống như thế mà không bênh vực cho chính ngài không? Không! Toàn bộ Kinh Thánh tập trung vào cách Đức Giê-hô-va hành động để tẩy sạch danh ngài khỏi sự sỉ nhục xảy ra trong vườn Ê-đen (Sáng 3:15). Thật ra, chúng ta có thể tóm tắt thông điệp chính trong Kinh Thánh như sau: Đức Giê-hô-va làm thánh danh ngài cũng như khôi phục sự công chính và bình an trên đất qua Nước Trời dưới sự cai trị của Con ngài. Kinh Thánh chứa đựng thông tin giúp chúng ta hiểu cách Đức Giê-hô-va hoàn thành việc làm thánh danh ngài.—Đọc Ê-xê-chi-ên 36:23.

14. Cách Đức Giê-hô-va xử lý cuộc phản nghịch trong vườn Ê-đen làm thánh danh ngài như thế nào?

14 Sa-tan làm tất cả những gì có thể để ngăn cản Đức Giê-hô-va thực hiện ý định của ngài. Nhưng hết lần này đến lần khác hắn đều thất bại. Qua việc cho biết cách Đức Giê-hô-va hành động, Kinh Thánh chứng minh rằng ngài là Cha yêu thương và đấng cai trị tốt nhất. Đúng là sự phản nghịch của Sa-tan và tất cả những kẻ theo phe hắn làm Đức Giê-hô-va vô cùng đau lòng (Thi 78:40). Nhưng ngài xử lý cuộc công kích một cách khôn ngoan, kiên nhẫn và công bằng. Đức Giê-hô-va cũng cho thấy quyền năng tối cao của ngài qua nhiều cách. Trên hết, ngài thể hiện tình yêu thương trong tất cả mọi việc ngài làm (1 Giăng 4:8). Đức Giê-hô-va tiếp tục làm thánh danh ngài.

Sa-tan nói dối với Ê-va về Đức Giê-hô-va, và qua hàng thế kỷ hắn tiếp tục vu khống ngài (Xem đoạn 9, 10, 15) *

15. Ngày nay, Sa-tan vu khống danh của Đức Chúa Trời như thế nào, và điều này ảnh hưởng đến người ta ra sao?

15 Ngày nay, Sa-tan tiếp tục vu khống danh của Đức Chúa Trời. Hắn khiến người ta nghi ngờ về quyền năng, sự công bằng, tình yêu thương và sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời. Chẳng hạn, Sa-tan cố khiến người ta nghĩ rằng Đức Giê-hô-va không phải là Đấng Tạo Hóa. Còn nếu người ta tin ngài hiện hữu thì hắn cố làm cho họ nghĩ rằng Đức Chúa Trời và tiêu chuẩn của ngài là khắt khe và bất công. Hắn còn dạy rằng Đức Giê-hô-va là đấng nhẫn tâm và độc ác, hành hạ người ta trong lửa địa ngục. Khi tin lời vu khống như thế, người ta dễ có hành động tiếp theo là bác bỏ sự cai trị công chính của Đức Giê-hô-va. Sa-tan sẽ tiếp tục vu khống ngài cho đến chừng nào hắn bị hủy diệt. Sa-tan sẽ cố khiến anh chị từ bỏ ngài. Hắn có thành công không?

VAI TRÒ CỦA ANH CHỊ TRONG VẤN ĐỀ TRỌNG ĐẠI

16. Anh chị có thể làm điều gì mà A-đam và Ê-va đã không làm?

16 Đức Giê-hô-va cho con người bất toàn được góp phần vào việc làm thánh danh ngài. Anh chị có thể làm điều mà A-đam và Ê-va đã không làm. Dù sống trong thế gian đầy dẫy người vu khống và phỉ báng danh Đức Giê-hô-va, nhưng anh chị có cơ hội bênh vực danh ấy và nói cho người khác biết ngài là đấng thánh khiết, công chính, tốt lành và đầy lòng yêu thương (Ê-sai 29:23). Anh chị có thể ủng hộ sự cai trị của ngài. Anh chị có thể giúp người ta hiểu rằng chỉ có đường lối cai trị của Đức Giê-hô-va mới thật sự công chính và đem lại sự bình an cũng như hạnh phúc cho muôn vật.—Thi 37:9, 37; 146:5, 6, 10.

17. Làm thế nào Chúa Giê-su cho người ta biết danh của Cha ngài?

17 Khi bênh vực danh Đức Giê-hô-va, chúng ta noi gương Chúa Giê-su (Giăng 17:26). Chúa Giê-su giúp người khác biết đến danh Đức Giê-hô-va không những bằng cách dùng danh ấy mà còn bằng cách bênh vực danh tiếng của Cha ngài. Chẳng hạn, ngài phủ nhận sự dạy dỗ của người Pha-ri-si, những kẻ khiến người khác nghĩ rằng Đức Giê-hô-va là đấng hà khắc, đòi hỏi khắt khe, xa cách và tàn nhẫn. Chúa Giê-su giúp người ta nhận thấy Cha trên trời là đấng phải lẽ, kiên nhẫn, giàu lòng yêu thương và vị tha. Ngài cũng giúp người ta hiểu về Đức Giê-hô-va bằng cách phản ánh hoàn hảo các phẩm chất của Cha trên trời.—Giăng 14:9.

18. Làm thế nào chúng ta có thể phá đổ những lời dối trá và vu khống về Đức Giê-hô-va?

18 Giống như Chúa Giê-su, chúng ta có thể chia sẻ điều mình biết về Đức Giê-hô-va và giúp người ta hiểu rằng Đức Chúa Trời là đấng rất yêu thương và nhân từ. Khi làm thế, chúng ta phá đổ những lời dối trá và vu khống về Đức Giê-hô-va. Chúng ta làm thánh danh ngài bằng cách giúp người khác xem danh ấy là thánh khiết. Và dù là người bất toàn, chúng ta cũng có thể noi gương Đức Giê-hô-va (Ê-phê 5:1, 2). Khi lời nói và hành động của chúng ta cho người khác thấy Đức Giê-hô-va là đấng như thế nào, chúng ta góp phần làm cho danh ngài được nên thánh. Chúng ta biện minh cho danh ngài bằng cách giúp người ta được giải thoát khỏi những sự hiểu biết sai lầm về danh ấy. * Là người bất toàn, chúng ta cũng có thể làm thánh danh Đức Giê-hô-va khi giữ lòng trọn thành.—Gióp 27:5.

Chúng ta muốn giúp các học viên Kinh Thánh hiểu rằng Đức Giê-hô-va là đấng nhân từ và đầy lòng yêu thương (Xem đoạn 18, 19) *

19. Làm thế nào Ê-sai 63:7 giúp chúng ta nhận ra đâu là mục tiêu chính trong việc dạy dỗ?

19 Hãy xem một cách khác để làm thánh danh Đức Giê-hô-va. Khi dạy những sự thật trong Kinh Thánh cho người khác, chúng ta thường nhấn mạnh về quyền tối thượng của Đức Chúa Trời, tức là ngài có quyền cai trị vũ trụ, và điều này hoàn toàn đúng. Dù việc dạy người khác về luật pháp của Đức Chúa Trời là rất quan trọng, nhưng mục tiêu chính của chúng ta là giúp người khác yêu mến Cha Giê-hô-va và trung thành với ngài. Thế nên, chúng ta cần nhấn mạnh những phẩm chất thu hút của Đức Giê-hô-va, tức giúp người khác nhận thấy đấng mang danh Giê-hô-va là đấng như thế nào. (Đọc Ê-sai 63:7). Khi dạy người ta theo cách đó, chúng ta giúp họ yêu mến Đức Giê-hô-va và vâng lời ngài vì muốn trung thành với ngài.

20. Bài kế tiếp sẽ xem xét câu hỏi nào?

20 Nhưng làm thế nào để đảm bảo rằng hạnh kiểm và cách dạy dỗ của chúng ta tôn vinh danh Đức Giê-hô-va và giúp người khác đến gần ngài? Bài kế tiếp sẽ xem xét câu hỏi này.

BÀI HÁT 2 Giê-hô-va là danh Cha

^ đ. 5 Tất cả các tạo vật thông minh đang đứng trước vấn đề trọng yếu nào? Tại sao vấn đề đó lại quan trọng như thế? Chúng ta có vai trò nào liên quan đến vấn đề này? Việc biết lời giải đáp cho những câu hỏi trên và các câu hỏi liên quan giúp chúng ta củng cố mối quan hệ với Đức Giê-hô-va.

^ đ. 18 Trước đây, ấn phẩm của chúng ta nói rằng danh Đức Giê-hô-va không cần được biện minh vì chẳng ai thách thức quyền của Đức Chúa Trời trong việc mang danh ấy. Tuy nhiên, có một điều chỉnh về sự hiểu biết của chúng ta tại phiên họp thường niên năm 2017. Anh chủ tọa cho biết: “Nói đơn giản, không có gì sai khi chúng ta cầu nguyện cho việc biện minh danh Đức Giê-hô-va vì danh tiếng của ngài cần được biện hộ”.—Xin xem chương trình tháng 1 năm 2018 trên jw.org®. Vào mục THƯ VIỆN > KÊNH TRUYỀN THÔNG JW.

^ đ. 62 HÌNH ẢNH: Ác Quỷ vu khống Đức Chúa Trời bằng cách nói với Ê-va rằng ngài là kẻ nói dối. Qua nhiều thế kỷ, Sa-tan cổ vũ những sự dạy dỗ sai lầm, chẳng hạn như Đức Chúa Trời là đấng tàn nhẫn và ngài không tạo ra con người.

^ đ. 64 HÌNH ẢNH: Khi điều khiển cuộc học hỏi Kinh Thánh, một anh nhấn mạnh các phẩm chất của Đức Chúa Trời.