Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 27

Đừng nghĩ cao quá về mình

Đừng nghĩ cao quá về mình

“Tôi nói với mỗi người trong anh em rằng đừng nghĩ cao quá về mình, nhưng hãy nghĩ sao cho đúng mực”.—RÔ 12:3.

BÀI HÁT 130 Hãy tha thứ

GIỚI THIỆU *

1. Phi-líp 2:3 đưa ra lời khuyên nào, và chúng ta được lợi ích ra sao khi làm theo lời khuyên đó?

Chúng ta khiêm nhường làm theo tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va vì hiểu rằng ngài luôn biết điều gì là tốt nhất cho chúng ta (Ê-phê 4:22-24). Sự khiêm nhường thúc đẩy chúng ta đặt ý muốn ngài lên trên ý muốn của bản thân và “xem người khác cao hơn mình”. (Đọc Phi-líp 2:3). Nhờ thế, chúng ta có mối quan hệ mật thiết với Đức Giê-hô-va và anh em đồng đạo.

2. Sứ đồ Phao-lô thừa nhận điều gì, và bài này sẽ xem xét điều gì?

2 Tuy nhiên, nếu không cẩn thận, chúng ta có thể bị ảnh hưởng bởi những người kiêu ngạo và ích kỷ * trong thế gian của Sa-tan. Dường như một số tín đồ thời ban đầu đã rơi vào tình trạng đó, nên sứ đồ Phao-lô viết thư cho tín đồ ở Rô-ma: “Tôi nói với mỗi người trong anh em rằng đừng nghĩ cao quá về mình, nhưng hãy nghĩ sao cho đúng mực” (Rô 12:3). Ông thừa nhận rằng chúng ta cần ý thức được giá trị của bản thân. Tuy nhiên, sự khiêm nhường sẽ giúp chúng ta có quan điểm thăng bằng. Bài này sẽ xem ba khía cạnh đòi hỏi sự khiêm nhường, một đức tính giúp chúng ta không nghĩ cao quá về mình. Đó là (1) trong hôn nhân, (2) khi nhận đặc ân phục vụ và (3) khi dùng mạng xã hội.

THỂ HIỆN SỰ KHIÊM NHƯỜNG TRONG HÔN NHÂN

3. Tại sao mâu thuẫn rất có thể sẽ xảy ra trong hôn nhân, và một số người phản ứng thế nào trước mâu thuẫn đó?

3 Đức Giê-hô-va thiết lập hôn nhân để giúp vợ chồng hạnh phúc. Dù vậy, không ai là hoàn hảo, nên rất có thể vợ chồng sẽ xảy ra mâu thuẫn. Thực tế, Phao-lô cho biết những người kết hôn sẽ gặp khốn khổ ở mức độ nào đó (1 Cô 7:28). Một số cặp vợ chồng thường xuyên cãi nhau và có lẽ nghĩ rằng họ đã cưới lầm người. Nếu để tinh thần thế gian ảnh hưởng, có thể họ sẽ vội kết luận rằng ly dị chính là giải pháp. Họ cảm thấy cách tốt nhất để bản thân mình được hạnh phúc là đường ai nấy đi.

4. Chúng ta cần tránh điều gì?

4 Chúng ta cần tránh thái độ bất mãn với người hôn phối. Chúng ta biết lý do duy nhất mà Kinh Thánh cho phép ly dị là tội gian dâm (Mat 5:32). Thế nên, khi đối mặt với khốn khổ mà Phao-lô nhắc đến, chúng ta không muốn để sự kiêu ngạo khiến chúng ta nghi ngờ: “Người hôn phối có đáp ứng mong muốn của mình không? Mình có nhận được tình yêu thương mà mình xứng đáng nhận không? Liệu mình có hạnh phúc hơn khi kết hôn với người khác không?”. Nếu nghĩ như thế thì chúng ta chỉ tập trung vào chính mình. Thế gian muốn anh chị lắng nghe lòng mình và làm bất cứ điều gì để bản thân hạnh phúc, ngay cả là chấm dứt hôn nhân. Nhưng Đức Chúa Trời khuyến khích chúng ta “quan tâm đến lợi ích của người khác, chứ không chỉ quan tâm đến lợi ích của riêng mình” (Phi-líp 2:4). Ngài muốn chúng ta gìn giữ chứ không phải phá đổ hôn nhân (Mat 19:6). Đức Giê-hô-va muốn anh chị nghĩ đến ngài trước tiên thay vì bản thân mình.

5. Theo Ê-phê-sô 5:33, vợ chồng nên đối xử với nhau như thế nào?

5 Vợ chồng cần yêu thương và tôn trọng nhau. (Đọc Ê-phê-sô 5:33). Kinh Thánh khuyến khích chúng ta tập trung vào việc cho đi thay vì nhận lãnh (Công 20:35). Phẩm chất nào giúp một cặp vợ chồng thể hiện tình yêu thương và lòng tôn trọng? Đó là sự khiêm nhường. Người hôn phối khiêm nhường sẽ mưu cầu lợi ích cho người bạn đời, chứ không phải mưu cầu lợi ích cho riêng mình.—1 Cô 10:24.

Thay vì trở thành đối thủ, những người hôn phối khiêm nhường sẽ hỗ trợ và hợp tác với nhau (Xem đoạn 6)

6. Anh chị học được gì từ lời nhận xét của anh Steven và chị Stephanie?

6 Sự khiêm nhường giúp nhiều cặp vợ chồng đạo Đấng Ki-tô hạnh phúc hơn. Chẳng hạn, một người chồng tên là Steven cho biết: “Nếu cùng chung chí hướng, chúng ta sẽ hợp tác với nhau, đặc biệt khi có vấn đề xảy ra. Thay vì nghĩ: ‘Điều gì tốt nhất cho mình?’, một người sẽ nghĩ: ‘Điều gì tốt nhất cho cả hai?’”. Vợ anh là chị Stephanie cũng có cùng quan điểm đó. Chị nói: “Không ai muốn sống cùng với đối thủ. Khi xảy ra mâu thuẫn, chúng tôi ngồi lại để xem nguyên nhân là gì. Rồi chúng tôi cầu nguyện, tra cứu và tìm cách giải quyết vấn đề. Chúng tôi đối phó với vấn đề, chứ không ‘đối phó nhau’”. Gia đình sẽ hạnh phúc hơn khi mỗi người hôn phối không nghĩ cao quá về mình.

PHỤNG SỰ ĐỨC GIÊ-HÔ-VA VỚI “LÒNG HẾT SỨC KHIÊM NHƯỜNG”

7. Một anh nên có thái độ nào khi nhận đặc ân phục vụ?

7 Chúng ta xem việc phụng sự Đức Giê-hô-va với bất cứ hình thức nào là đặc ân (Thi 27:4; 84:10). Nếu một anh sẵn sàng đảm nhận đặc ân phục vụ thì đó là điều đáng khen. Thật ra, Kinh Thánh cho biết: “Ai đang vươn tới trách nhiệm giám thị là mong muốn một việc tốt lành” (1 Ti 3:1). Tuy nhiên, khi nhận đặc ân, anh không nên nghĩ cao quá về mình (Lu 17:7-10). Mục tiêu của anh là khiêm nhường phục vụ người khác.—2 Cô 12:15.

8. Chúng ta học được gì từ gương cảnh báo của Đi-ô-trép, U-xi-a và Áp-sa-lôm?

8 Kinh Thánh ghi lại gương cảnh báo của những người nghĩ cao quá về mình. Đi-ô-trép tự cao khi cố đứng đầu hội thánh (3 Giăng 9). U-xi-a tự phụ khi cố làm một việc mà Đức Giê-hô-va không giao cho ông (2 Sử 26:16-21). Áp-sa-lôm kiêu ngạo khi cố lấy lòng dân chúng vì muốn cướp ngôi vua (2 Sa 15:2-6). Những lời tường thuật này trong Kinh Thánh cho thấy rõ Đức Giê-hô-va không hài lòng với những người cầu vinh cho riêng mình (Châm 25:27). Sớm muộn gì thì sự kiêu ngạo và tham vọng cũng sẽ dẫn đến tai họa.—Châm 16:18.

9. Chúa Giê-su đã nêu gương như thế nào?

9 Chúa Giê-su hoàn toàn khác với những gương cảnh báo trên. Kinh Thánh cho biết: “Dù ngài có hình dạng giống Đức Chúa Trời nhưng không hề nghĩ đến việc chiếm lấy địa vị ngang hàng với Đức Chúa Trời” (Phi-líp 2:6). Chúa Giê-su có uy quyền chỉ sau Đức Giê-hô-va, nhưng ngài không nghĩ cao quá về mình. Chúa Giê-su nói với các môn đồ: “Ai cư xử như người nhỏ hơn trong vòng anh em thì người đó là lớn” (Lu 9:48). Quả là đặc ân khi được làm việc cùng các anh chị tiên phong, phụ tá, trưởng lão và giám thị vòng quanh, là những người noi gương Chúa Giê-su trong việc thể hiện tính khiêm nhường! Các tôi tớ khiêm nhường của Đức Giê-hô-va góp phần vào bầu không khí yêu thương, là dấu hiệu giúp người khác nhận diện tổ chức thật của ngài.—Giăng 13:35.

10. Anh chị nên làm gì nếu một vấn đề trong hội thánh chưa được giải quyết thỏa đáng?

10 Nói sao nếu có vấn đề xảy ra trong hội thánh và anh chị cảm thấy vấn đề đó chưa được giải quyết thỏa đáng? Thay vì phàn nàn, anh chị có thể thể hiện sự khiêm nhường bằng cách ủng hộ các anh dẫn đầu (Hê 13:17). Để làm thế, hãy tự hỏi: “Vấn đề mà mình thấy có thật sự nghiêm trọng đến mức cần phải giải quyết không? Đây có phải là lúc thích hợp để giải quyết vấn đề đó không? Việc giải quyết vấn đề ấy có thuộc phận sự của mình không? Thành thật mà nói, mình đang chú trọng đến sự hợp nhất của hội thánh hay lợi ích của bản thân?”.

Những ai được giao trách nhiệm không chỉ nên được biết đến là người có khả năng mà còn là người khiêm nhường (Xem đoạn 11) *

11. Theo Ê-phê-sô 4:2, 3, việc phụng sự Đức Giê-hô-va với lòng khiêm nhường mang lại kết quả nào?

11 Đức Giê-hô-va quý trọng sự khiêm nhường hơn là khả năng, sự hợp nhất hơn là hiệu quả công việc. Thế nên, hãy cố gắng hết sức để phụng sự Đức Giê-hô-va với lòng khiêm nhường. Khi làm vậy, anh chị đẩy mạnh sự hợp nhất của hội thánh. (Đọc Ê-phê-sô 4:2, 3). Hãy sốt sắng tham gia thánh chức. Tìm cách để phục vụ người khác qua việc làm điều tốt cho họ. Hãy tỏ lòng hiếu khách với tất cả mọi người, kể cả những ai không có trách nhiệm trong hội thánh (Mat 6:1-4; Lu 14:12-14). Khi khiêm nhường phục vụ hội thánh, người khác không chỉ để ý đến khả năng mà còn cả sự khiêm nhường của anh chị.

THỂ HIỆN SỰ KHIÊM NHƯỜNG KHI DÙNG MẠNG XÃ HỘI

12. Kinh Thánh nói gì về tình bạn?

12 Đức Giê-hô-va muốn chúng ta vui vẻ với bạn bè và người thân trong gia đình (Thi 133:1). Chúa Giê-su cũng có những bạn tốt (Giăng 15:15). Kinh Thánh cho biết lợi ích của việc có những người bạn chân thật (Châm 17:17; 18:24). Sách này cũng nói rằng việc cô lập bản thân là không tốt (Châm 18:1). Nhiều người nghĩ dùng mạng xã hội là cách để có nhiều bạn và tránh cảm giác cô đơn. Tuy nhiên, chúng ta cần thận trọng khi dùng mạng xã hội.

13. Tại sao một số người dùng mạng xã hội có nguy cơ cảm thấy cô đơn và chán nản?

13 Các cuộc nghiên cứu cho thấy người dành nhiều thời gian để lướt mạng xã hội có thể cảm thấy cô đơn và chán nản. Tại sao? Có lẽ một lý do là vì người ta thường đăng lên mạng những ảnh miêu tả khoảnh khắc vui nhất trong cuộc sống, các ảnh đẹp nhất của bản thân họ, bạn bè và những nơi thú vị mà họ đến. Khi xem những hình ảnh này, một người có thể nghĩ rằng cuộc sống mình thật tẻ nhạt so với người khác. Một chị trẻ 19 tuổi thừa nhận: “Tôi bắt đầu ghen tị khi thấy người khác vui chơi vào cuối tuần, còn tôi thì cứ thui thủi ở nhà”.

14. Lời khuyên nơi 1 Phi-e-rơ 3:8 giúp ích cho chúng ta thế nào trong việc dùng mạng xã hội?

14 Dĩ nhiên, mạng xã hội có thể được dùng vào mục đích tốt, chẳng hạn như giữ liên lạc với gia đình và bạn bè. Nhưng có bao giờ anh chị thấy một số người đăng bình luận, hình ảnh, video lên mạng xã hội để “quảng cáo” về chính mình không? Dường như họ muốn truyền tải thông điệp “Xem tôi này, phải thế chứ!”. Thậm chí một số người còn đăng những bình luận khiếm nhã và tục tĩu về các bức ảnh của mình hoặc của người khác. Điều này cũng trái ngược với sự khiêm nhường và sự đồng cảm mà tín đồ đạo Đấng Ki-tô được khuyến khích vun trồng.—Đọc 1 Phi-e-rơ 3:8.

Những gì anh chị đăng lên mạng khiến người khác nghĩ anh chị khoe khoang hay khiêm nhường? (Xem đoạn 15)

15. Làm thế nào Kinh Thánh có thể giúp chúng ta tránh việc tự tôn mình lên?

15 Nếu dùng mạng xã hội, hãy tự hỏi: “Các bình luận, hình ảnh hoặc video mà mình đăng có khiến người khác nghĩ mình đang khoe khoang không? Có thể nào mình sẽ khiến người khác ghen tị không?”. Kinh Thánh nói: “Tất cả những gì thuộc về thế gian như sự ham muốn của xác thịt, sự ham muốn của mắt và sự khoe khoang về đời sống đều bắt nguồn từ thế gian chứ chẳng phải từ Cha” (1 Giăng 2:16, chú thích). Một bài bình luận về Kinh Thánh cho biết cụm từ “sự khoe khoang về đời sống” có nghĩa là “làm ra vẻ quan trọng”. Tín đồ đạo Đấng Ki-tô không tự tôn mình lên. Họ làm theo lời khuyên của Kinh Thánh: “Chúng ta chớ nên tự cao, kích động tinh thần ganh đua, đố kỵ nhau” (Ga 5:26). Sự khiêm nhường giúp chúng ta tránh bị nhiễm tinh thần tự tôn của thế gian.

“HÃY NGHĨ SAO CHO ĐÚNG MỰC”

16. Tại sao chúng ta nên tránh thái độ kiêu ngạo?

16 Chúng ta cần vun trồng sự khiêm nhường vì những người kiêu ngạo không “nghĩ sao cho đúng mực”, tức không có óc suy xét (Rô 12:3). Người kiêu ngạo thì tự cao tự đại và thường gây sự tranh cãi. Suy nghĩ và hành động của họ thường làm chính họ cũng như người khác bị tổn thương. Nếu họ không thay đổi lối suy nghĩ, tâm trí họ sẽ bị Sa-tan làm mù và làm cho bại hoại (2 Cô 4:4; 11:3). Trái lại, người khiêm nhường thì có óc suy xét. Người ấy có quan điểm thăng bằng về bản thân và nhận ra người khác hơn mình trong nhiều khía cạnh (Phi-líp 2:3). Người ấy biết rằng “Đức Chúa Trời chống lại kẻ cao ngạo nhưng tỏ lòng nhân từ bao la với người khiêm nhường” (1 Phi 5:5). Những người có óc suy xét không muốn bị Đức Giê-hô-va chống lại.

17. Chúng ta cần làm gì để tiếp tục khiêm nhường?

17 Để tiếp tục khiêm nhường, chúng ta cần áp dụng lời khuyên của Kinh Thánh: “Hãy lột bỏ nhân cách cũ cùng các việc làm của nó, và mặc lấy nhân cách mới”. Điều này đòi hỏi nhiều nỗ lực. Chúng ta cần học về gương của Chúa Giê-su và cố gắng hết sức để theo sát dấu chân ngài (Cô 3:9, 10; 1 Phi 2:21). Nhưng điều này là đáng công. Khi vun trồng sự khiêm nhường, chúng ta sẽ có một gia đình hạnh phúc và thúc đẩy sự hợp nhất của hội thánh. Chúng ta cũng sẽ không dùng mạng xã hội để khoe khoang. Trên hết, chúng ta sẽ được Đức Giê-hô-va ban ân phước và làm ngài vui lòng.

BÀI HÁT 117 Hãy tập thể hiện sự tốt lành

^ đ. 5 Ngày nay, chúng ta đang sống trong thế gian đầy dẫy những người kiêu ngạo và ích kỷ. Chúng ta cần cẩn thận để không bị tiêm nhiễm bởi tinh thần ấy. Bài này sẽ xem xét ba khía cạnh mà chúng ta không nên nghĩ cao quá về mình.

^ đ. 2 GIẢI NGHĨA: Người kiêu ngạo có khuynh hướng nghĩ cao quá về mình và ít khi nghĩ đến người khác. Thế nên, người kiêu ngạo thì ích kỷ. Trái lại, sự khiêm nhường giúp một người tránh có tinh thần ích kỷ. Người khiêm nhường thì xem mình thấp hèn, không kiêu căng hay ngạo mạn.

^ đ. 56 HÌNH ẢNH: Một trưởng lão có khả năng làm bài giảng ở hội nghị và hướng dẫn anh em thì cũng quý trọng đặc ân dẫn đầu trong thánh chức và làm sạch sẽ Phòng Nước Trời.