Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 28

Hãy tin chắc anh chị đã tìm được chân lý

Hãy tin chắc anh chị đã tìm được chân lý

“Hãy tiếp tục làm theo những điều [anh chị] đã học và được thuyết phục để tin”.—2 TI 3:14.

BÀI HÁT 56 Tự chọn bước theo Đức Chúa Trời

GIỚI THIỆU *

1. Chúng ta muốn nói đến điều gì khi dùng từ “chân lý”?

“Anh chị biết chân lý như thế nào?” “Anh chị có được dạy chân lý từ nhỏ không?” “Anh chị theo chân lý bao lâu rồi?” Rất có thể đó là những câu mà anh chị được hỏi hoặc là những câu mà anh chị hỏi người khác. Từ “chân lý” ở đây có nghĩa gì? Nhìn chung, chúng ta dùng từ này để miêu tả niềm tin, cách thờ phượng và lối sống của chúng ta. Những người “theo chân lý” hiểu điều Kinh Thánh dạy và sống theo các nguyên tắc trong sách này. Nhờ thế, họ được giải thoát khỏi sự dạy dỗ sai lầm của tôn giáo giả và được hưởng đời sống hạnh phúc nhất có thể dù sống trong thế gian của Sa-tan.—Giăng 8:32.

2. Theo Giăng 13:34, 35, có lẽ điều gì thu hút một người đến với chân lý?

2 Điều gì thu hút anh chị đến với chân lý? Có lẽ đó là hạnh kiểm tốt của dân Đức Chúa Trời (1 Phi 2:12). Hoặc có lẽ đó là tình yêu thương mà họ thể hiện. Trong lần đầu tham dự nhóm họp, nhiều người ấn tượng trước tình yêu thương ấy hơn bất cứ những gì được trình bày trên bục. Điều đó không khiến chúng ta ngạc nhiên vì Chúa Giê-su nói rằng các môn đồ ngài sẽ được nhận diện bởi tình yêu thương. (Đọc Giăng 13:34, 35). Nhưng để có đức tin mạnh, chúng ta cần nhiều hơn là chỉ chứng kiến tình yêu thương ấy.

3. Điều gì có thể xảy ra nếu đức tin của chúng ta chỉ dựa vào tình yêu thương mà dân Đức Chúa Trời thể hiện như Đấng Ki-tô?

3 Đức tin của chúng ta không nên chỉ dựa vào tình yêu thương mà dân Đức Chúa Trời thể hiện như Đấng Ki-tô. Vì sao? Giả sử một anh em đồng đạo, ngay cả một trưởng lão hoặc anh chị tiên phong, phạm tội trọng; hay ai đó trong hội thánh khiến anh chị bị tổn thương; hoặc có lẽ một người trở thành kẻ bội đạo và khẳng định những điều Nhân Chứng Giê-hô-va tin không phải là chân lý, anh chị có bị vấp phạm và ngưng phụng sự Đức Giê-hô-va không? Bài học ở đây là: Nếu anh chị xây dựng đức tin chỉ dựa vào điều người khác làm chứ không dựa trên mối quan hệ với chính Đức Giê-hô-va, thì đức tin của anh chị sẽ dễ bị lung lay. Trong ngôi nhà đức tin của mình, anh chị không nên chỉ dùng vật liệu mềm như cảm xúc và tình cảm mà còn nên dùng vật liệu cứng như lý lẽ vững chắc. Anh chị cần chứng minh cho chính mình rằng Kinh Thánh chứa đựng những sự thật về Đức Giê-hô-va.—Rô 12:2.

4. Theo Ma-thi-ơ 13:3-6, 20, 21, một số người bị ảnh hưởng ra sao khi gặp thử thách về đức tin?

4 Chúa Giê-su nói rằng một số người sẽ “vui mừng chấp nhận” chân lý, nhưng đức tin của họ sẽ bị “tàn héo” khi gặp thử thách. (Đọc Ma-thi-ơ 13:3-6, 20, 21). Có lẽ họ không nhận ra rằng những ai theo Chúa Giê-su sẽ gặp khó khăn và thử thách (Mat 16:24). Hoặc có lẽ họ nghĩ đời sống của tín đồ đạo Đấng Ki-tô thì bình yên vô sự, chỉ toàn ân phước chứ không có khó khăn. Nhưng trong thế gian này, sẽ có khó khăn. Hoàn cảnh có thể thay đổi, và điều này khiến chúng ta phần nào mất đi niềm vui.—Thi 6:6; Truyền 9:11.

5. Làm thế nào đa số anh em của chúng ta đều cho thấy niềm tin chắc là họ đã tìm được chân lý? 

5 Đa số anh em của chúng ta đều cho thấy niềm tin chắc là họ đã tìm được chân lý. Như thế nào? Niềm tin chắc ấy không bị lung lay khi một anh em đồng đạo có hạnh kiểm sai trái hoặc khiến họ bị tổn thương (Thi 119:165). Mỗi lần bị thử thách, đức tin của họ càng lớn mạnh, chứ không suy yếu (Gia 1:2-4). Làm thế nào anh chị có thể xây dựng đức tin vững chắc như vậy?

ĐẠT ĐƯỢC “SỰ HIỂU BIẾT CHÍNH XÁC VỀ ĐỨC CHÚA TRỜI”

6. Các môn đồ vào thế kỷ thứ nhất xây dựng đức tin dựa trên điều gì?

6 Vào thế kỷ thứ nhất, các môn đồ xây dựng đức tin dựa trên sự hiểu biết về Kinh Thánh và sự dạy dỗ của Chúa Giê-su, tức “chân lý của tin mừng” (Ga 2:5). Chân lý này gồm toàn bộ các dạy dỗ của đạo Đấng Ki-tô, kể cả những sự thật về giá chuộc của Chúa Giê-su và sự sống lại của ngài. Sứ đồ Phao-lô tin chắc nơi những sự dạy dỗ này. Tại sao? Vì ông dùng Kinh Thánh để đưa ra “bằng chứng cho thấy Đấng Ki-tô phải chịu khổ và sống lại” (Công 17:2, 3). Các môn đồ đã chấp nhận những sự dạy dỗ này và nương cậy thần khí để hiểu Lời Đức Chúa Trời. Họ chứng minh cho chính mình là những sự dạy dỗ này dựa trên Kinh Thánh (Công 17:11, 12; Hê 5:14). Các môn đồ xây dựng đức tin không chỉ dựa trên cảm xúc hoặc chỉ vì họ thấy vui khi kết hợp với anh em đồng đạo. Thay vì thế, đức tin của họ được xây dựng dựa trên “sự hiểu biết chính xác về Đức Chúa Trời”.—Cô 1:9, 10.

7. Đức tin vững chắc sẽ giúp ích cho chúng ta như thế nào?

7 Chân lý trong Kinh Thánh không hề thay đổi (Thi 119:160). Chẳng hạn, chân lý không thay đổi nếu một anh em đồng đạo xúc phạm chúng ta hoặc phạm tội trọng. Và chân lý cũng không thay đổi khi chúng ta gặp vấn đề. Thế nên, chúng ta phải rất quen thuộc với những sự dạy dỗ trong Kinh Thánh và tin chắc rằng toàn bộ sự dạy dỗ ấy là chân lý. Đức tin vững chắc của chúng ta, được xây dựng dựa trên chân lý trong Kinh Thánh, sẽ không lay chuyển ngay cả khi chúng ta bị thử thách, giống như cái neo có thể giữ cho con thuyền không bị chao đảo trong lúc giông bão. Làm thế nào để có thể củng cố niềm tin chắc là anh chị đã tìm được chân lý?

“ĐƯỢC THUYẾT PHỤC ĐỂ TIN”

8. Theo 2 Ti-mô-thê 3:14, 15, tại sao Ti-mô-thê tin chắc ông đã tìm được chân lý?

8 Ti-mô-thê tin chắc ông đã tìm được chân lý. Tại sao ông tin như thế? (Đọc 2 Ti-mô-thê 3:14, 15). Mẹ và bà ngoại của Ti-mô-thê là những người đầu tiên dạy ông Kinh Thánh. Nhưng chắc hẳn chính ông đã dành thời gian và công sức để học sách này. Nhờ thế, ông “được thuyết phục để tin” Kinh Thánh là chân lý. Sau này, Ti-mô-thê, mẹ và bà ngoại của ông biết về đạo Đấng Ki-tô. Hẳn Ti-mô-thê rất ấn tượng trước tình yêu thương mà các môn đồ của Chúa Giê-su thể hiện. Ông cũng rất muốn kết hợp và chăm lo cho anh em thiêng liêng của mình (Phi-líp 2:19, 20). Tuy nhiên, đức tin của Ti-mô-thê không dựa trên cảm xúc dành cho người đồng loại nhưng dựa trên những sự thật kéo ông đến gần hơn với Đức Giê-hô-va. Anh chị cũng cần lý luận dựa trên những gì anh chị học được về Đức Giê-hô-va qua việc đọc Kinh Thánh.

9. Anh chị cần chứng minh cho chính mình ba sự thật cơ bản nào?

9 Ban đầu, anh chị cần chứng minh cho chính mình ít nhất ba sự thật cơ bản. Thứ nhất, anh chị cần tin chắc Giê-hô-va Đức Chúa Trời là đấng tạo nên muôn vật (Xuất 3:14, 15; Hê 3:4; Khải 4:11). Thứ hai, anh chị cần chứng minh cho chính mình rằng Kinh Thánh là thông điệp của Đức Chúa Trời dành cho nhân loại (2 Ti 3:16, 17). Và thứ ba, anh chị cần tin chắc Đức Giê-hô-va có một tổ chức gồm những người thờ phượng ngài dưới sự lãnh đạo của Đấng Ki-tô, và tổ chức này chính là Nhân Chứng Giê-hô-va (Ê-sai 43:10-12; Giăng 14:6; Công 15:14). Việc chứng minh cho chính mình ba sự thật cơ bản ấy không đòi hỏi anh chị phải biết mọi điều về Kinh Thánh. Mục tiêu của anh chị nên là dùng “lý trí” để củng cố niềm tin là anh chị đã tìm được chân lý.—Rô 12:1.

HÃY CHUẨN BỊ ĐỂ THUYẾT PHỤC NGƯỜI KHÁC

10. Ngoài việc biết chân lý, chúng ta cần có khả năng làm gì?

10 Sau khi chứng minh được cho chính mình ba sự thật cơ bản trên về Đức Chúa Trời, Kinh Thánh và dân ngài, anh chị cần có khả năng dùng Lời Đức Chúa Trời để chứng minh những sự thật ấy cho người khác. Tại sao? Vì một tín đồ có trách nhiệm dạy các sự thật cho những người lắng nghe * (1 Ti 4:16). Khi cố gắng thuyết phục người khác tin những sự thật trong Kinh Thánh, chúng ta đang củng cố đức tin của mình về những sự thật ấy.

11. Phao-lô nêu gương nào khi dạy dỗ?

11 Khi dạy người khác, sứ đồ Phao-lô “dựa vào Luật pháp Môi-se và sách của các nhà tiên tri để cố thuyết phục họ về Chúa Giê-su” (Công 28:23). Làm sao để bắt chước Phao-lô khi dạy người khác về chân lý? Chúng ta cần làm nhiều hơn là chỉ nói cho họ biết điều Kinh Thánh dạy. Hãy giúp học viên lý luận dựa trên Kinh Thánh. Chúng ta muốn học viên chấp nhận chân lý, không phải vì ngưỡng mộ chúng ta, mà vì họ tự chứng minh được rằng những điều họ học chính là sự thật về Đức Chúa Trời đầy lòng yêu thương.

Hỡi các bậc cha mẹ, hãy giúp con lớn mạnh về thiêng liêng bằng cách dạy chúng “những điều sâu nhiệm của Đức Chúa Trời” (Xem đoạn 12, 13) *

12, 13. Làm thế nào cha mẹ có thể giúp con tiếp tục bước theo chân lý?

12 Hẳn các bậc cha mẹ muốn con mình tiếp tục bước theo chân lý. Có thể anh chị nghĩ nếu có bạn tốt trong hội thánh, con sẽ lớn mạnh về thiêng liêng. Tuy nhiên, nếu muốn con tin chắc chúng đã tìm được chân lý, con của anh chị cần nhiều hơn là chỉ có bạn tốt. Chúng cần có mối quan hệ cá nhân với Đức Chúa Trời và tin chắc Kinh Thánh là chân lý.

13 Để dạy con sự thật về Đức Chúa Trời, cha mẹ cần nêu gương cho con bằng cách siêng năng học Kinh Thánh. Họ cần dành thời gian suy ngẫm điều mình học. Sau đó, họ có thể dạy cho con cách làm thế. Cha mẹ cần hướng dẫn con cách dùng các công cụ nghiên cứu Kinh Thánh, giống như họ hướng dẫn học viên khác. Khi làm thế, họ sẽ giúp con quý trọng Đức Giê-hô-va và phương tiện mà ngài dùng để cung cấp thức ăn thiêng liêng, tức là “đầy tớ trung tín và khôn ngoan” (Mat 24:45-47). Hỡi các bậc cha mẹ, anh chị cần làm nhiều hơn là chỉ dạy con những sự thật cơ bản trong Kinh Thánh. Hãy giúp con phát triển đức tin bằng cách dạy chúng về “những điều sâu nhiệm của Đức Chúa Trời” phù hợp với độ tuổi và khả năng của chúng.—1 Cô 2:10.

NGHIÊN CỨU LỜI TIÊN TRI TRONG KINH THÁNH

14. Tại sao chúng ta cần nghiên cứu lời tiên tri trong Kinh Thánh? (Cũng xem khung “ Anh chị có thể giải thích các lời tiên tri này không?”).

14 Lời tiên tri là một phần quan trọng trong Kinh Thánh giúp chúng ta xây dựng đức tin mạnh mẽ nơi Đức Giê-hô-va. Những lời tiên tri nào củng cố đức tin của anh chị? Có lẽ anh chị nghĩ đến các lời tiên tri về “những ngày sau cùng” (2 Ti 3:1-5; Mat 24:3, 7). Nhưng những lời tiên tri đã được ứng nghiệm nào khác có thể củng cố đức tin của anh chị? Chẳng hạn, anh chị có thể giải thích các lời tiên tri nơi Đa-ni-ên chương 2 hoặc Đa-ni-ên chương 11 đã và đang được ứng nghiệm như thế nào không? * Khi anh chị có đức tin chắc chắn dựa trên Kinh Thánh, đức tin đó sẽ không thể bị ai phá đổ. Hãy xem xét gương của các anh chị đã chịu đựng sự bắt bớ ở Đức trong Thế Chiến II. Dù không hiểu hết những lời tiên tri trong Kinh Thánh về những ngày sau cùng, họ vẫn có đức tin mạnh mẽ nơi Lời ngài.

Việc nghiên cứu Kinh Thánh, kể cả các lời tiên tri, có thể giúp chúng ta giữ lòng trung thành dù gặp thử thách (Xem đoạn 15-17) *

15-17. Làm thế nào việc nghiên cứu Kinh Thánh làm vững mạnh các anh chị bị Đức Quốc Xã bắt bớ?

15 Vào thời Đức Quốc Xã, hàng ngàn anh chị của chúng ta bị đưa đến các trại tập trung. Hitler và một quan chức cấp cao là Heinrich Himmler căm ghét Nhân Chứng Giê-hô-va. Một chị cho biết Himmler nói với một nhóm các chị trong trại tập trung rằng: “Có thể Giê-hô-va của các ngươi cai trị trên trời, nhưng dưới đất này, bọn ta mới là những người cai trị! Bọn ta sẽ cho các ngươi thấy ai tồn tại lâu hơn, các ngươi hay bọn ta!”. Điều gì giúp các tôi tớ của Đức Giê-hô-va tiếp tục trung thành?

16 Các Học viên Kinh Thánh hiểu rằng Nước Trời bắt đầu cai trị từ năm 1914. Họ không ngạc nhiên trước sự chống đối dữ dội mà họ gặp phải. Tuy nhiên, tôi tớ của Đức Giê-hô-va tin chắc không một chính phủ nào của loài người có thể ngăn cản ngài thực hiện ý định. Hitler không thể xóa sổ được sự thờ phượng thật hoặc cũng không thể thiết lập một chính phủ áp đảo Nước Trời. Các anh chị của chúng ta tin chắc rằng qua cách này hay cách khác sự cai trị của Hitler sẽ đến hồi kết.

17 Niềm tin của các anh chị này không đặt sai chỗ. Chẳng bao lâu sau, chế độ Đức Quốc Xã bị sụp đổ và Heinrich Himmler, kẻ nói rằng “dưới đất này, bọn ta mới là những người cai trị”, đã phải bỏ chạy để bảo toàn tính mạng. Trong lúc bỏ chạy, ông ta gặp anh Lübke và nhận ra đó là một Nhân Chứng Giê-hô-va từng bị bỏ tù. Với thái độ chán nản, ông ta hỏi anh Lübke: “Này Học viên Kinh Thánh, chuyện gì xảy ra tiếp theo?”. Anh Lübke nói với ông ta rằng ngay từ đầu, Nhân Chứng Giê-hô-va đã biết chế độ Đức Quốc Xã sẽ bị sụp đổ và các Nhân Chứng sẽ được giải cứu. Himmler, người thường chê bai Nhân Chứng Giê-hô-va, cuối cùng buộc phải câm lặng. Chẳng bao lâu sau, ông ta tự tử. Bài học là gì? Việc nghiên cứu Kinh Thánh, kể cả những lời tiên tri, có thể giúp chúng ta xây dựng đức tin không lay chuyển và đứng vững trước thử thách.—2 Phi 1:19-21.

18. Như được thấy nơi Giăng 6:67, 68, tại sao chúng ta cần “sự hiểu biết chính xác và sự thông sáng trọn vẹn” mà Phao-lô nhắc đến?

18 Mỗi người chúng ta cần thể hiện tình yêu thương, là dấu hiệu nhận diện tín đồ chân chính. Nhưng chúng ta cũng cần “sự hiểu biết chính xác và sự thông sáng trọn vẹn” (Phi-líp 1:9). Nếu không thì chúng ta có thể bị ảnh hưởng “bởi luồng gió của mọi sự dạy dỗ, do nghe theo những kẻ bịp bợm”, kể cả những kẻ bội đạo (Ê-phê 4:14). Khi nhiều môn đồ vào thế kỷ thứ nhất ngưng theo Chúa Giê-su, sứ đồ Phi-e-rơ bày tỏ niềm tin chắc là Chúa Giê-su có “những lời mang lại sự sống vĩnh cửu”. (Đọc Giăng 6:67, 68). Dù lúc đó không hiểu hết mọi chi tiết về những lời này, nhưng Phi-e-rơ vẫn giữ trung thành vì ông hiểu được sự thật về Đấng Ki-tô. Anh chị cũng có thể củng cố niềm tin chắc của mình nơi những gì Kinh Thánh dạy. Nếu anh chị làm thế thì đức tin của anh chị sẽ luôn vững vàng bất kể chuyện gì xảy ra đi nữa, và anh chị cũng có thể giúp người khác xây dựng đức tin mạnh mẽ.—2 Giăng 1, 2.

BÀI HÁT 72 Rao truyền chân lý

^ đ. 5 Bài này giúp chúng ta quý trọng sự dạy dỗ chân thật của Lời Đức Chúa Trời. Bài cũng sẽ thảo luận các cách giúp chúng ta càng tin chắc rằng những điều chúng ta tin là chân lý.

^ đ. 10 Để giúp anh chị lý luận với người khác về những sự dạy dỗ cơ bản trong Kinh Thánh, xin xem loạt bài “Nói chuyện với chủ nhà” được đăng trên Tháp Canh từ năm 2010 đến năm 2015. Một số chủ đề trong loạt bài này là “Chúa Giê-su là Đức Chúa Trời?”, “Nước Đức Chúa Trời đã bắt đầu cai trị khi nào?” và “Đức Chúa Trời có trừng phạt con người trong hỏa ngục không?”.

^ đ. 14 Để biết thêm về những lời tiên tri này, xin xem Tháp Canh ngày 15-6-2012tháng 5 năm 2020.

^ đ. 60 HÌNH ẢNH: Trong buổi thờ phượng của gia đình, cha mẹ cùng các con nghiên cứu các lời tiên tri trong Kinh Thánh về hoạn nạn lớn.

^ đ. 62 HÌNH ẢNH: Trong hoạn nạn lớn, gia đình này không ngạc nhiên trước những điều xảy ra.