Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 29

“Khi tôi yếu đuối chính là lúc tôi mạnh mẽ”

“Khi tôi yếu đuối chính là lúc tôi mạnh mẽ”

“Tôi vui khi chịu những yếu đuối, sỉ nhục, lúc thiếu thốn, bắt bớ và khó khăn vì cớ Đấng Ki-tô”.—2 CÔ 12:10.

BÀI HÁT 38 Ngài sẽ làm chúng ta mạnh mẽ

GIỚI THIỆU *

1. Sứ đồ Phao-lô thẳng thắn thừa nhận điều gì?

Sứ đồ Phao-lô thẳng thắn thừa nhận có lúc ông cảm thấy yếu đuối. * Phao-lô cũng thừa nhận là thân thể ông “ngày một hao mòn”, ông phải vật lộn để làm điều đúng và không phải lúc nào Đức Giê-hô-va cũng đáp lời cầu nguyện theo cách ông mong muốn (2 Cô 4:16; 12:7-9; Rô 7:21-23). Phao-lô cũng biết rằng những kẻ chống đối xem ông là yếu ớt. Nhưng ông không để cho quan điểm tiêu cực của người khác hoặc những yếu đuối của bản thân khiến ông cảm thấy vô dụng.—2 Cô 10:10-12, 17, 18.

2. Theo 2 Cô-rinh-tô 12:9, 10, Phao-lô học được điều quý giá nào?

2 Phao-lô học được điều quý giá, đó là một người có thể mạnh mẽ ngay cả khi người ấy yếu đuối. (Đọc 2 Cô-rinh-tô 12:9, 10). Đức Giê-hô-va nói với Phao-lô rằng quyền năng của ngài “trở nên trọn vẹn trong sự yếu đuối”. Điều này có nghĩa là sức mạnh của Đức Giê-hô-va sẽ bù đắp cho sự yếu đuối của Phao-lô. Trước hết, hãy xem tại sao chúng ta không nên buồn nản khi những kẻ chống đối sỉ nhục chúng ta.

‘TÔI VUI KHI CHỊU SỈ NHỤC’

3. Tại sao chúng ta vui khi chịu sỉ nhục?

3 Không ai thích bị sỉ nhục. Nhưng nếu bị những kẻ chống đối sỉ nhục và quá bận tâm trước những lời họ nói, thì chúng ta có thể nản lòng (Châm 24:10). Vậy chúng ta nên có quan điểm nào khi bị sỉ nhục? Như Phao-lô, chúng ta có thể ‘vui khi chịu sỉ nhục’ (2 Cô 12:10). Tại sao? Vì sự sỉ nhục và chống đối là dấu hiệu cho thấy chúng ta là môn đồ chân chính (1 Phi 4:14). Chúa Giê-su nói rằng các môn đồ ngài sẽ bị ngược đãi (Giăng 15:18-20). Điều này xảy ra vào thế kỷ thứ nhất. Lúc đó, những người bị ảnh hưởng bởi văn hóa Hy Lạp xem tín đồ đạo Đấng Ki-tô là kém thông minh và yếu đuối. Và trong vòng người Do Thái, các tín đồ bị xem là “dân thường, ít học”, giống như sứ đồ Phi-e-rơ và Giăng (Công 4:13). Các tín đồ dường như là những người yếu đuối, họ không có tầm ảnh hưởng về chính trị hoặc không có quyền lực quân sự và bị xã hội xem thường.

4. Các tín đồ thời ban đầu phản ứng thế nào trước quan điểm tiêu cực của những kẻ chống đối?

4 Các tín đồ thời ban đầu có để cho quan điểm tiêu cực của những kẻ chống đối khiến họ chùn bước không? Không. Chẳng hạn, sứ đồ Phi-e-rơ và Giăng xem việc bị ngược đãi vì theo Chúa Giê-su và chia sẻ sự dạy dỗ của ngài là vinh dự (Công 4:18-21; 5:27-29, 40-42). Các tín đồ không có lý do gì để xấu hổ. Những tín đồ khiêm nhường này làm điều tốt cho nhân loại nhiều hơn bất cứ kẻ chống đối nào. Chẳng hạn, những sách Kinh Thánh mà một số tín đồ này được soi dẫn để viết tiếp tục giúp ích và mang lại hy vọng cho hàng triệu người. Và Nước Trời mà họ rao giảng thì đang cai trị trên trời và sẽ sớm cai trị toàn thể nhân loại (Mat 24:14). Ngược lại, thế lực chính trị từng ngược đãi các tín đồ thì sụp đổ và trở thành dĩ vãng. Hơn nữa, các tín đồ trung thành này hiện đang làm vua trên trời, còn những kẻ chống đối thì đã chết và nếu có cơ hội được sống lại, họ sẽ là thần dân của Nước Trời, chính là nước mà họ từng khinh thường.—Khải 5:10.

5. Theo Giăng 15:19, tại sao dân của Đức Giê-hô-va bị khinh thường?

5 Ngày nay, là dân của Đức Giê-hô-va, đôi khi chúng ta cũng bị khinh thường và bị xem là những người kém thông minh và yếu đuối. Tại sao? Vì chúng ta không có cùng quan điểm với những người xung quanh. Chúng ta cố gắng khiêm nhường và vâng phục. Trong khi đó, thế gian lại ngưỡng mộ những người kiêu căng, ngạo mạn và có tinh thần phản nghịch. Chúng ta cũng không dính líu đến chính trị và không tham gia quân đội dù ở bất cứ nước nào. Vì không rập khuôn theo thế gian nên chúng ta bị xem là thấp kém.—Đọc Giăng 15:19; Rô 12:2.

6. Đức Giê-hô-va giúp dân ngài thực hiện công việc lớn lao nào?

6 Dù thế gian này nghĩ gì về chúng ta, Đức Giê-hô-va vẫn dùng chúng ta để làm những việc thật lớn lao. Ngài dùng chúng ta để thực hiện chiến dịch rao giảng lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Ngày nay, các tôi tớ ngài xuất bản tạp chí được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất và phát hành rộng rãi nhất trên thế giới. Họ dùng Kinh Thánh để giúp hàng triệu người có đời sống tốt hơn. Tất cả những thành quả phi thường này đạt được là nhờ Đức Giê-hô-va, đấng dùng một dân dường như yếu đuối để thực hiện những việc lớn lao. Nhưng còn về mỗi chúng ta thì sao? Đức Giê-hô-va có thể giúp chúng ta mạnh mẽ không? Nếu có thì chúng ta cần làm gì để nhận được sự giúp đỡ ấy? Giờ đây, hãy xem ba điều cụ thể chúng ta có thể học được từ gương của sứ đồ Phao-lô.

CHỚ NƯƠNG CẬY VÀO SỨC RIÊNG

7. Chúng ta rút ra bài học nào từ gương của Phao-lô?

7 Chúng ta rút ra một bài học từ gương của Phao-lô, đó là không nương cậy vào sức mạnh hoặc khả năng của mình khi phụng sự Đức Giê-hô-va. Theo quan điểm của con người, Phao-lô có lý do để tự hào và không cần lệ thuộc vào ai. Ông lớn lên ở Tạt-sơ, thủ phủ của một tỉnh thuộc La Mã. Đây là nơi rất thịnh vượng và có một trường nổi tiếng. Phao-lô có học thức cao nhờ được Ga-ma-li-ên, một trong những nhà lãnh đạo Do Thái đáng kính nhất, dạy dỗ (Công 5:34; 22:3). Có thời điểm, Phao-lô có tầm ảnh hưởng lớn trong cộng đồng Do Thái. Ông nói: “So với nhiều người đồng tuổi trong nước tôi, tôi thăng tiến vượt bậc trong Do Thái giáo” (Ga 1:13, 14; Công 26:4). Nhưng Phao-lô không nương cậy vào sức riêng của mình.

Phao-lô xem những điều có vẻ là lợi thế trong thế gian chẳng khác nào “rác rưởi” so với đặc ân được làm môn đồ của Đấng Ki-tô (Xem đoạn 8) *

8. Theo Phi-líp 3:8, Phao-lô có quan điểm nào về những điều ông từ bỏ, và tại sao ông “vui khi chịu những yếu đuối”?

8 Phao-lô sẵn lòng từ bỏ những thứ mà thế gian nghĩ là sẽ khiến một người trở nên quan trọng. Thực tế, ông xem những điều có vẻ là lợi thế chẳng khác nào “rác rưởi”. (Đọc Phi-líp 3:8). Phao-lô gặp nhiều khó khăn khi trở thành môn đồ của Đấng Ki-tô. Ông bị chính những người đồng hương ghét bỏ (Công 23:12-14). Ông cũng bị những người đồng quốc là người La Mã đánh đập và bỏ tù (Công 16:19-24, 37). Ngoài ra, Phao-lô ý thức rõ về sự thiếu sót của bản thân (Rô 7:21-25). Nhưng thay vì để cho những kẻ chống đối hoặc sự thiếu sót khiến mình chùn bước, ông “vui khi chịu những yếu đuối”. Tại sao? Vì chính khi yếu đuối, ông thấy được cánh tay quyền năng của Đức Giê-hô-va trong đời sống mình.—2 Cô 4:7; 12:10.

9. Chúng ta nên có quan điểm nào về những gì bị xem là bất lợi với mình?

9 Nếu muốn được Đức Giê-hô-va ban sức, chúng ta cần tránh nghĩ rằng sức khỏe, học vấn, văn hóa hoặc sự giàu có là những thứ xác định giá trị của chúng ta. Những thứ này không làm chúng ta hữu dụng trong tay Đức Giê-hô-va. Thực tế, trong vòng dân của Đức Chúa Trời, chẳng có nhiều người “khôn ngoan theo quan điểm loài người, cũng chẳng có nhiều người quyền thế hay con nhà danh giá”. Thay vì thế, Đức Giê-hô-va chọn dùng “những gì bị xem là yếu kém trong thế gian” (1 Cô 1:26, 27). Thế nên, đừng để những gì bị xem là bất lợi cản trở chúng ta phụng sự Đức Giê-hô-va. Thay vì thế, hãy xem những bất lợi đó là cơ hội để thấy được cánh tay quyền năng của Đức Giê-hô-va trong đời sống anh chị. Chẳng hạn, nếu cảm thấy sợ hãi trước những người cố khiến anh chị nghi ngờ niềm tin, hãy cầu xin Đức Giê-hô-va ban cho sự can đảm để bênh vực niềm tin của mình (Ê-phê 6:19, 20). Nếu đang nỗ lực chống chọi với bệnh nặng, hãy cầu xin Đức Giê-hô-va ban sức mạnh để luôn bận rộn trong việc phụng sự ngài. Mỗi lần được ngài giúp đỡ, anh chị sẽ được củng cố đức tin và trở nên mạnh mẽ hơn.

HỌC TỪ CÁC GƯƠNG TRONG KINH THÁNH

10. Tại sao chúng ta nên học về gương của các tôi tớ trung thành, chẳng hạn các gương được nhắc đến nơi Hê-bơ-rơ 11:32-34?

10 Phao-lô rất siêng năng nghiên cứu Kinh Thánh. Ông rút ra nhiều bài học từ gương của những người trung thành được ghi trong sách ấy. Khi viết thư cho tín đồ người Hê-bơ-rơ, ông khuyến khích họ nghĩ đến gương của rất nhiều tôi tớ trung thành. (Đọc Hê-bơ-rơ 11:32-34). Hãy xem một gương trong số này, đó là vua Đa-vít. Ông phải đương đầu với sự chống đối không chỉ của kẻ thù mà còn của một số người từng là bạn. Hãy xem làm thế nào gương của Đa-vít hẳn đã giúp Phao-lô trở nên mạnh mẽ, cũng hãy xem cách chúng ta có thể noi gương Phao-lô.

Đa-vít chẳng sợ Gô-li-át nhưng đã biến điều có vẻ là điểm yếu trở thành cơ hội để thấy được cánh tay quyền năng của Đức Giê-hô-va (Xem đoạn 11)

11. Tại sao Đa-vít bị xem là yếu ớt? (Xem hình nơi trang bìa).

11 Đa-vít bị xem là yếu ớt so với chiến binh mạnh mẽ Gô-li-át. Khi thấy Đa-vít, Gô-li-át “nhếch mép khinh thường”. Hắn cao to hơn, được trang bị vũ khí tốt hơn và có nhiều kinh nghiệm chinh chiến hơn. Còn Đa-vít chỉ là một cậu bé non nớt và dường như chẳng có kinh nghiệm trận mạc. Nhưng Đa-vít đã biến điều có vẻ là điểm yếu trở thành thế mạnh. Nhờ nương cậy Đức Giê-hô-va và được ngài ban sức, Đa-vít đã đánh bại kẻ thù.—1 Sa 17:41-45, 50.

12. Đa-vít phải đương đầu với khó khăn nào khác?

12 Đa-vít phải đương đầu với khó khăn khác, là điều đã có thể khiến ông yếu đuối. Đa-vít trung thành phục vụ Sau-lơ, là vị vua của Y-sơ-ra-ên được Đức Giê-hô-va bổ nhiệm. Ban đầu ông được Sau-lơ quý trọng. Nhưng sau đó, lòng kiêu ngạo khiến Sau-lơ ghen tị với Đa-vít. Sau-lơ đối xử tệ bạc với Đa-vít, thậm chí còn cố giết ông.—1 Sa 18:6-9, 29; 19:9-11.

13. Đa-vít phản ứng thế nào khi bị Sau-lơ đối xử bất công?

13 Dù bị vua Sau-lơ đối xử bất công, Đa-vít vẫn tôn trọng vị vua được Đức Giê-hô-va bổ nhiệm (1 Sa 24:6). Ông không đổ lỗi cho Đức Giê-hô-va về những điều tồi tệ mà Sau-lơ làm. Thay vì thế, Đa-vít nương cậy Đức Giê-hô-va để có sức mạnh cần thiết hầu chịu đựng thử thách này.—Thi 18:1, ghi chú đầu bài.

14. Sứ đồ Phao-lô có cùng hoàn cảnh nào với Đa-vít?

14 Sứ đồ Phao-lô có cùng hoàn cảnh với Đa-vít. Kẻ thù mạnh hơn hẳn so với ông. Nhiều nhà lãnh đạo có tầm ảnh hưởng thời đó thù ghét Phao-lô. Họ phạt trượng và tống ông vào tù. Giống như Đa-vít, Phao-lô bị đối xử tệ bạc bởi những người lẽ ra nên xem ông là bạn. Một số người trong hội thánh còn chống đối ông (2 Cô 12:11; Phi-líp 3:18). Nhưng Phao-lô đã chiến thắng tất cả những người chống lại mình. Như thế nào? Ông tiếp tục rao giảng bất kể sự chống đối. Phao-lô vẫn yêu thương anh em ngay cả khi họ khiến ông thất vọng. Trên hết, ông trung thành với Đức Chúa Trời cho đến chết (2 Ti 4:8). Dù gặp vô vàn bất lợi, Phao-lô vẫn vượt qua, không phải vì ông mạnh mẽ về thể chất mà là vì ông nương cậy Đức Giê-hô-va.

Hãy tôn trọng và tử tế khi anh chị cố gắng lý luận với người khác về niềm tin của mình (Xem đoạn 15) *

15. Mục tiêu của chúng ta là gì, và chúng ta có thể đạt được mục tiêu này bằng cách nào?

15 Anh chị có phải đương đầu với sự sỉ nhục hoặc ngược đãi của bạn học, đồng nghiệp hoặc người thân không cùng đức tin không? Có bao giờ anh chị bị ai đó trong hội thánh đối xử tệ bạc chưa? Nếu có, hãy nhớ đến gương của Đa-vít và Phao-lô. Anh chị có thể luôn “lấy điều thiện thắng điều ác” (Rô 12:21). Mục tiêu của anh chị không phải là ném đá vào người khác như Đa-vít, nhưng là để khắc ghi Lời Đức Chúa Trời vào lòng và trí của những người sẵn sàng tiếp nhận. Anh chị có thể đạt được mục tiêu này bằng cách dựa vào Kinh Thánh khi trả lời câu hỏi của người ta, tử tế và tôn trọng những ai đối xử tệ bạc với mình, và làm điều lành cho mọi người, kể cả kẻ thù của mình.—Mat 5:44; 1 Phi 3:15-17.

NHẬN SỰ GIÚP ĐỠ CỦA NGƯỜI KHÁC

16, 17. Phao-lô không bao giờ quên điều gì?

16 Trước khi trở thành môn đồ của Đấng Ki-tô, sứ đồ Phao-lô là người xấc xược và bắt bớ những người theo Chúa Giê-su (Công 7:58; 1 Ti 1:13). Chính Chúa Giê-su đã ngăn cản Phao-lô, lúc đó được biết đến với tên là Sau-lơ, để ông không tiếp tục bắt bớ hội thánh đạo Đấng Ki-tô. Chúa Giê-su phán với ông từ trời và khiến ông bị mù. Để có thể được sáng mắt trở lại, ông phải tìm đến sự giúp đỡ của chính những người mà ông từng bắt bớ. Ông khiêm nhường nhận sự giúp đỡ của một môn đồ tên là A-na-nia.—Công 9:3-9, 17, 18.

17 Sau này, Phao-lô trở thành một tín đồ được nhiều người biết đến trong vòng hội thánh đạo Đấng Ki-tô. Nhưng ông không bao giờ quên bài học mà Chúa Giê-su dạy khi ông đang trên đường đến Đa-mách. Phao-lô tiếp tục khiêm nhường, sẵn lòng nhận sự giúp đỡ của anh em và cho biết họ là “sự tiếp sức” đối với ông.—Cô 4:10, 11, chú thích.

18. Tại sao đôi khi chúng ta ngần ngại nhận sự giúp đỡ của người khác?

18 Chúng ta có thể học được gì từ Phao-lô? Khi mới kết hợp với dân của Đức Giê-hô-va, chúng ta vui lòng nhận sự giúp đỡ của người khác vì ý thức rằng chúng ta còn non nớt về mặt thiêng liêng và có nhiều điều cần học (1 Cô 3:1, 2). Nhưng giờ đây thì sao? Nếu đã phụng sự Đức Giê-hô-va nhiều năm và tích lũy được nhiều kinh nghiệm, có thể chúng ta ngần ngại nhận sự giúp đỡ, đặc biệt là sự giúp đỡ của những anh chị biết chân lý sau chúng ta. Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va thường dùng anh em đồng đạo để làm chúng ta vững mạnh (Rô 1:11, 12). Chúng ta cần nhận ra điều đó nếu muốn có được sức mạnh đến từ Đức Giê-hô-va.

19. Tại sao Phao-lô có thể làm được nhiều điều đáng kinh ngạc?

19 Phao-lô làm được nhiều điều đáng kinh ngạc sau khi trở thành tín đồ đạo Đấng Ki-tô. Tại sao? Vì ông ý thức rằng thành công không phụ thuộc vào sức mạnh, học vấn, sự giàu có hoặc xuất thân của mình, nhưng phụ thuộc vào sự khiêm nhường và việc nương cậy Đức Giê-hô-va. Mong sao tất cả chúng ta đều noi gương Phao-lô qua việc (1) nương cậy Đức Giê-hô-va, (2) học từ các gương trong Kinh Thánh và (3) nhận sự giúp đỡ của anh em đồng đạo. Khi đó, dù chúng ta cảm thấy yếu đuối đến mức nào đi nữa, Đức Giê-hô-va cũng sẽ làm chúng ta mạnh mẽ!

BÀI HÁT 71 Chúng ta là đạo quân của Đức Giê-hô-va!

^ đ. 5 Trong bài này, chúng ta sẽ xem gương của sứ đồ Phao-lô và thấy rõ nếu chúng ta khiêm nhường thì Đức Giê-hô-va sẽ ban cho chúng ta sức mạnh cần thiết để chịu đựng sự chế nhạo và vượt qua sự yếu đuối.

^ đ. 1 GIẢI NGHĨA: Chúng ta có thể cảm thấy yếu đuối vì một số lý do. Chẳng hạn, chúng ta bất toàn, thiếu thốn, bệnh tật hoặc ít được học hành. Ngoài ra, những kẻ chống đối cố khiến chúng ta cảm thấy yếu đuối bằng cách dùng lời lẽ và hành động để công kích chúng ta.

^ đ. 57 HÌNH ẢNH: Khi bắt đầu rao giảng về Đấng Ki-tô, Phao-lô bỏ lại đằng sau những thứ từng thuộc về đời sống trước đây của ông với tư cách là người Pha-ri-si. Có lẽ những thứ này gồm cả những cuộn sách thế tục và hộp kinh.

^ đ. 61 HÌNH ẢNH: Các đồng nghiệp cố mời một anh tham gia tiệc sinh nhật của một đồng nghiệp.