Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 36

Bạn sẵn sàng trở thành tay đánh lưới người chưa?

Bạn sẵn sàng trở thành tay đánh lưới người chưa?

“Đừng sợ. Từ nay anh sẽ trở thành tay đánh lưới người”.​—LU 5:10.

BÀI HÁT 73 Xin giúp chúng con dạn dĩ

GIỚI THIỆU *

1. Chúa Giê-su đưa ra lời mời nào cho bốn người đánh cá, và họ phản ứng ra sao?

Môn đồ Phi-e-rơ, Anh-rê, Gia-cơ và Giăng làm nghề chài lưới. Hãy hình dung họ ngạc nhiên ra sao khi nghe lời mời gọi của Chúa Giê-su: “Hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh trở thành những tay đánh lưới người”. * Họ phản ứng ra sao? Kinh Thánh cho biết: “Họ liền bỏ lưới mà theo ngài” (Mat 4:18-22). Quyết định đó thay đổi cả cuộc đời họ. Thay vì đánh cá, họ sẽ “đánh lưới người” (Lu 5:10). Ngày nay, Chúa Giê-su cũng đưa ra lời mời đó cho những người có lòng thành và yêu mến chân lý (Mat 28:19, 20). Bạn đã nhận lời mời của Chúa Giê-su để trở thành tay đánh lưới người chưa?

2. Tại sao một người nên suy nghĩ kỹ về việc trở thành tay đánh lưới người, và nhờ đâu người ấy có thể đi đến quyết định đó?

2 Có lẽ bạn là học viên Kinh Thánh tiến bộ và đang nghĩ đến việc trở thành người công bố tin mừng. Nếu bạn còn do dự trong việc nhận lời mời của Chúa Giê-su, đừng nản lòng. Hẳn bạn do dự vì ý thức rằng đây là quyết định hệ trọng. Đúng là Kinh Thánh cho biết Phi-e-rơ và các bạn chài “liền bỏ lưới” theo ngài, nhưng họ không quyết định hấp tấp. Hơn sáu tháng trước đó, họ đã biết và chấp nhận Chúa Giê-su là Đấng Mê-si (Giăng 1:35-42). Tương tự thế, hẳn bạn đã học nhiều điều về Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su, và muốn tiếp tục tiến bộ về thiêng liêng. Nhưng trước khi quyết định trở thành người công bố, bạn nên tính phí tổn. Điều gì đã giúp Phi-e-rơ, Anh-rê và những người khác quyết định?

3. Những phẩm chất nào sẽ giúp bạn gia tăng ước muốn để nhận lời mời của Chúa Giê-su?

3 Các môn đồ đầu tiên của Chúa Giê-su là những người có động lực, sự thành thạo, lòng can đảm và tính kỷ luật trong công việc. Hẳn các phẩm chất này cũng giúp họ trở thành những tay đánh lưới người hữu hiệu. Bài này sẽ xem xét làm thế nào bạn có thể vun trồng những phẩm chất đó để hữu hiệu trong việc rao truyền tin mừng và dạy dỗ người khác.

CỦNG CỐ ĐỘNG LỰC RAO GIẢNG

Phi-e-rơ và các bạn chài trở thành những tay đánh lưới người. Công việc thiết yếu này vẫn đang tiếp diễn vào thời chúng ta (Xem đoạn 4, 5)

4. Động lực nào đã thúc đẩy Phi-e-rơ làm nghề đánh cá?

4 Dù Phi-e-rơ làm nghề đánh cá để chu cấp cho gia đình nhưng ông không làm chỉ vì trách nhiệm. Dường như Phi-e-rơ yêu thích công việc đánh cá (Giăng 21:3, 9-15). Ông cũng yêu thích công việc “đánh lưới người”. Với sự hỗ trợ của Đức Giê-hô-va, Phi-e-rơ trở nên rất hữu hiệu trong công việc đó.—Công 2:14, 41.

5. Theo Lu-ca 5:8-11, tại sao Phi-e-rơ sợ, và điều gì có thể giúp chúng ta vượt qua cảm giác tương tự?

5 Động lực chính mà chúng ta rao giảng là yêu thương Đức Giê-hô-va. Tình yêu thương dành cho ngài có thể giúp chúng ta vượt qua cảm giác không đủ khả năng. Khi mời Phi-e-rơ trở thành tay đánh lưới người, Chúa Giê-su nói với ông: “Đừng sợ”. (Đọc Lu-ca 5:8-11). Phi-e-rơ không sợ điều có thể xảy ra nếu ông trở thành môn đồ. Thay vì thế, ông kinh ngạc trước phép lạ mà Chúa Giê-su vừa làm để giúp họ đánh được mẻ cá lớn, và ông cảm thấy không xứng đáng khi được mời làm việc cùng ngài. Về phần bạn, có lẽ bạn thấy choáng ngợp khi biết về những trách nhiệm của một môn đồ Chúa Giê-su. Nếu vậy, hãy củng cố tình yêu thương với Đức Giê-hô-va, Chúa Giê-su và người lân cận, rồi bạn sẽ được thúc đẩy nhận lời mời của Chúa Giê-su để trở thành tay đánh lưới người.—Mat 22:37, 39; Giăng 14:15.

6. Chúng ta rao giảng vì một số động lực nào khác?

6 Chúng ta cũng rao giảng vì một số động lực khác. Chúng ta muốn vâng theo mệnh lệnh của Chúa Giê-su: ‘Hãy đi đào tạo môn đồ’ (Mat 28:19, 20). Chúng ta cũng rao giảng vì nhiều người “bị hà hiếp và bỏ rơi”, rất cần biết về Nước Trời (Mat 9:36). Đức Giê-hô-va muốn mọi loại người hiểu biết chính xác về chân lý và được cứu.—1 Ti 2:4.

7. Làm thế nào Rô-ma 10:13-15 cho thấy tầm quan trọng của công việc rao giảng?

7 Chúng ta sẽ được thôi thúc để tham gia công việc cứu mạng này khi nghĩ đến lợi ích mà nó mang lại. Khác với ngư dân đánh cá để bán hoặc ăn, chúng ta “đánh lưới người” để cứu mạng họ.—Đọc Rô-ma 10:13-15; 1 Ti 4:16.

THÀNH THẠO TRONG CÔNG VIỆC

8, 9. Một ngư dân phải biết điều gì, và tại sao?

8 Vào thời Chúa Giê-su, một ngư dân Y-sơ-ra-ên phải biết loại cá mà mình sẽ đánh bắt (Lê 11:9-12). Ông cũng phải biết nơi nào có cá. Cá thường sống ở vùng nước thích hợp và nơi có thể tìm được thức ăn. Thời điểm đánh bắt có quan trọng không? Về điều này, hãy xem một anh Nhân Chứng ở hòn đảo thuộc Thái Bình Dương nói gì khi rủ một giáo sĩ đi câu cá. Giáo sĩ ấy nói với anh: “Hẹn gặp anh vào 9 giờ sáng mai nhé”. Nhưng anh đáp: “Vậy là anh chưa biết rồi. Chúng ta đi vào thời điểm tốt nhất để bắt được cá, chứ không phải tốt nhất cho mình”.

9 Tương tự thế, các môn đồ vào thế kỷ thứ nhất rao giảng tại những nơi và thời điểm có thể gặp người ta. Chẳng hạn, họ làm chứng tại đền thờ, nhà hội, từ nhà này sang nhà kia và ở chợ (Công 5:42; 17:17; 18:4). Chúng ta cũng cần tìm hiểu thói quen của người sống trong khu vực. Chúng ta cần linh động để rao giảng tại những nơi và thời điểm có thể gặp người ta.—1 Cô 9:19-23.

NGƯ DÂN THÀNH THẠO SẼ... 1. thả lưới ở nơi và thời điểm có thể đánh bắt được cá (Xem đoạn 8, 9)

10. Tổ chức của Đức Giê-hô-va cung cấp cho chúng ta những công cụ nào?

10 Một ngư dân cần công cụ phù hợp và phải biết cách sử dụng. Chúng ta cũng cần được trang bị công cụ phù hợp cho thánh chức và biết cách sử dụng chúng. Chúa Giê-su đưa ra chỉ dẫn rõ ràng cho các môn đồ về cách đánh lưới người. Ngài cho họ biết cần đem gì theo, rao giảng ở đâu và nói những gì (Mat 10:5-7; Lu 10:1-11). Ngày nay, tổ chức của Đức Giê-hô-va cung cấp Hộp dụng cụ dạy dỗ gồm những công cụ hữu hiệu. * Chúng ta cũng được huấn luyện cách sử dụng chúng. Nhờ thế, chúng ta có thêm sự tự tin và kỹ năng cần thiết để hữu hiệu trong thánh chức.—2 Ti 2:15.

NGƯ DÂN THÀNH THẠO SẼ... 2. được huấn luyện để dùng công cụ phù hợp (Xem đoạn 10)

VUN TRỒNG LÒNG CAN ĐẢM

11. Tại sao việc đánh lưới người đòi hỏi sự can đảm?

11 Người đánh cá cần phải can đảm. Đôi khi họ đối mặt với thời tiết thay đổi bất ngờ ở ngoài khơi. Họ thường làm việc vào ban đêm ở những vùng biển mà bão có thể thình lình ập đến. Việc đánh lưới người cũng đòi hỏi sự can đảm. Khi bắt đầu rao giảng và cho người khác biết mình là Nhân Chứng Giê-hô-va, chúng ta có thể gặp phải “những cơn bão” như gia đình chống đối, bạn bè chế giễu và một số người thờ ơ với tin mừng. Nhưng chúng ta không ngạc nhiên vì Chúa Giê-su báo trước rằng ngài sẽ phái môn đồ đi rao giảng trong một thế gian thù ghét họ.—Mat 10:16.

12. Theo Giô-suê 1:7-9, điều gì có thể giúp chúng ta vun trồng lòng can đảm?

12 Bạn có thể vun trồng lòng can đảm bằng cách nào? Trước tiên, hãy tin chắc rằng từ trời Chúa Giê-su vẫn đang hướng dẫn công việc rao giảng (Giăng 16:33; Khải 14:14-16). Tiếp theo, hãy củng cố đức tin nơi lời hứa của Đức Giê-hô-va là ngài sẽ chăm sóc bạn (Mat 6:32-34). Càng có đức tin mạnh, bạn sẽ càng can đảm. Phi-e-rơ và các bạn chài thể hiện đức tin mạnh mẽ khi từ bỏ kế sinh nhai để theo Chúa Giê-su. Cũng vậy, bạn đã thể hiện đức tin mạnh mẽ khi cho bạn bè và người thân biết mình tìm hiểu Kinh Thánh với Nhân Chứng Giê-hô-va và tham dự nhóm họp! Hẳn bạn đã thay đổi nhiều điều trong hạnh kiểm và lối sống để làm theo tiêu chuẩn công chính của Đức Giê-hô-va. Điều đó cũng đòi hỏi đức tin và lòng can đảm. Khi tiếp tục vun trồng lòng can đảm, hãy tin chắc rằng ‘Giê-hô-va Đức Chúa Trời ở cùng bạn tại bất cứ nơi nào bạn đến’.—Đọc Giô-suê 1:7-9.

NGƯ DÂN THÀNH THẠO SẼ... 3. can đảm làm việc dù thời tiết thay đổi (Xem đoạn 11, 12)

13. Làm thế nào việc suy ngẫm và cầu nguyện giúp bạn vun trồng lòng can đảm?

13 Bạn còn có thể vun trồng lòng can đảm bằng những cách nào khác? Hãy cầu xin sự can đảm và dạn dĩ (Công 4:29, 31). Đức Giê-hô-va sẽ nhậm lời và không bao giờ bỏ rơi bạn. Ngài luôn ở cùng và hỗ trợ bạn. Hãy suy ngẫm cách Đức Giê-hô-va đã giải cứu những người khác trong quá khứ. Cũng hãy nghĩ đến cách ngài đã giúp bạn vượt qua khó khăn và cho bạn sức mạnh để thay đổi lối sống. Chắc chắn, đấng đã dẫn dân ngài băng qua Biển Đỏ cũng có thể giúp bạn trở thành môn đồ của Đấng Ki-tô (Xuất 14:13). Hãy giữ vững lòng tin chắc như người viết Thi thiên: “Đức Giê-hô-va đứng về phía tôi, tôi sẽ chẳng sợ hãi gì. Loài người làm chi tôi được?”.—Thi 118:6.

14. Bạn học được gì từ kinh nghiệm của chị Masae và chị Tomoyo?

14 Một cách khác để vun trồng lòng can đảm là xem xét cách Đức Giê-hô-va giúp những người có bản tính nhút nhát trở nên dạn dĩ. Hãy xem kinh nghiệm của chị Masae. Chị là người nhút nhát và nghĩ mình không bao giờ có thể làm chứng. Chị cảm thấy việc nói chuyện với người lạ giống như đứng trước bức tường cao sừng sững, không thể nào vượt qua. Vì thế, chị rất nỗ lực để củng cố tình yêu thương với Đức Chúa Trời và người lân cận. Chị suy ngẫm về sự cấp bách của thời chúng ta và cầu xin sự trợ giúp để gia tăng ước muốn rao giảng. Chị đã vượt qua nỗi sợ và thậm chí làm tiên phong đều đều. Đức Giê-hô-va cũng có thể giúp người công bố mới trở nên can đảm. Hãy xem kinh nghiệm của chị Tomoyo. Khi chị bắt đầu rao giảng từng nhà, chủ nhà đầu tiên đã quát tháo: “Tôi chẳng muốn dính dáng gì đến Nhân Chứng Giê-hô-va!” và đóng sầm cửa. Chị Tomoyo nói với chị đi cùng: “Chị thấy không? Em chưa cần nói gì mà cô ấy đã biết mình là Nhân Chứng Giê-hô-va. Em cảm thấy rất vui!”. Chị Tomoyo hiện đang làm tiên phong đều đều.

VUN TRỒNG TÍNH KỶ LUẬT

15. Tính kỷ luật là gì, và tại sao tính này quan trọng đối với tín đồ đạo Đấng Ki-tô?

15 Để thành công, ngư dân cần tính kỷ luật. Tính kỷ luật được miêu tả là “khả năng buộc mình làm những điều nên làm”. Ngư dân buộc mình phải dậy sớm, làm cho xong mọi việc, và vẫn làm việc bất kể thời tiết xấu. Chúng ta cũng cần tính kỷ luật để có thể bền chí chịu đựng và hoàn thành thánh chức.—Mat 10:22.

16. Làm thế nào chúng ta có thể vun trồng tính kỷ luật?

16 Chúng ta không được di truyền tính kỷ luật. Khuynh hướng tự nhiên của chúng ta là lựa chọn việc dễ hơn để làm. Để có tính kỷ luật, chúng ta cần tự chủ. Vì vậy, chúng ta cần sự giúp đỡ để rèn luyện bản thân hầu thực hiện được những điều có vẻ khó với mình. Đức Giê-hô-va cung cấp sự giúp đỡ ấy qua thần khí thánh.—Ga 5:22, 23.

17. Nơi 1 Cô-rinh-tô 9:25-27, sứ đồ Phao-lô miêu tả thế nào về nỗ lực của ông trong việc vun trồng tính kỷ luật?

17 Sứ đồ Phao-lô là người kỷ luật. Nhưng ông thừa nhận mình phải “kiểm soát thân thể” để làm điều đúng. (Đọc 1 Cô-rinh-tô 9:25-27). Ông khuyến giục anh em kỷ luật với bản thân và làm mọi việc “một cách đúng đắn và theo trật tự” (1 Cô 14:40). Chúng ta phải có tính kỷ luật để duy trì nề nếp thiêng liêng, bao gồm đều đặn tham gia công việc đánh lưới người.—Công 2:46.

ĐỪNG TRÌ HOÃN

18. Điều gì sẽ giúp chúng ta thành công trước mắt Đức Giê-hô-va?

18 Một ngư dân đánh giá sự thành công của mình dựa vào số lượng cá ông bắt được. Tuy nhiên, chúng ta không đánh giá sự thành công của bản thân dựa vào số người mình giúp trở thành Nhân Chứng (Lu 8:11-15). Bao lâu còn bền bỉ trong việc rao giảng và dạy dỗ, bấy lâu chúng ta sẽ thành công trước mắt Đức Giê-hô-va. Tại sao? Vì khi làm thế, chúng ta vâng lời ngài và Con ngài.—Mác 13:10; Công 5:28, 29.

19, 20. Một lý do khác thôi thúc chúng ta rao giảng ngay bây giờ là gì?

19 Ở một số nước, ngư dân chỉ được phép đánh cá vào một vài tháng nhất định. Vì thế, họ càng có tinh thần cấp bách khi mùa đánh bắt sắp kết thúc. Còn đối với chúng ta, là những tay đánh lưới người, một lý do khác thôi thúc chúng ta rao giảng ngay bây giờ là: Sự kết thúc của thế gian này rất gần kề! Chẳng còn bao lâu nữa công việc cứu mạng này sẽ chấm dứt. Đừng trì hoãn hoặc chờ đợi hoàn cảnh lý tưởng để tham gia công việc thiết yếu này.—Truyền 11:4.

20 Hãy hành động ngay để củng cố động lực rao giảng, trở nên thành thạo trong thánh chức, vun trồng lòng can đảm và tính kỷ luật. Hãy gia nhập hàng ngũ của hơn tám triệu người rao truyền tin mừng, và bạn sẽ cảm nghiệm được niềm vui của Đức Giê-hô-va (Nê 8:10). Hãy quyết tâm tham gia trọn vẹn và kiên trì cho đến khi công việc này hoàn tất. Bài kế tiếp sẽ thảo luận ba cách giúp chúng ta củng cố lòng quyết tâm tiếp tục rao giảng về Nước Trời với tư cách là những tay đánh lưới người.

BÀI HÁT 66 Hãy rao truyền tin mừng

^ đ. 5 Chúa Giê-su mời gọi những người đánh cá khiêm nhường, siêng năng trở thành môn đồ ngài. Ngày nay, ngài tiếp tục mời gọi những ai có các phẩm chất đó trở thành tay đánh lưới người. Bài này sẽ xem xét điều mà học viên Kinh Thánh cần làm nếu còn do dự trước lời mời gọi của Chúa Giê-su.

^ đ. 1 GIẢI NGHĨA: Cụm từ “những tay đánh lưới người” nói đến những người rao giảng tin mừng và dạy người khác trở thành môn đồ của Đấng Ki-tô.

^ đ. 10 Xin xem bài “Dạy chân lý” trong Tháp Canh tháng 10 năm 2018, trg 11-16.