Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 40

“Hãy gìn giữ những gì đã được giao phó”

“Hãy gìn giữ những gì đã được giao phó”

“Hỡi Ti-mô-thê, hãy gìn giữ những gì đã được giao phó cho con”.—1 TI 6:20.

BÀI HÁT 29 Sống xứng đáng với danh hiệu Cha ban cho

GIỚI THIỆU *

1, 2. Theo 1 Ti-mô-thê 6:20, Ti-mô-thê được khuyến giục làm gì?

Chúng ta thường giao cho người khác giữ những điều quý giá của mình. Chẳng hạn, chúng ta có thể gửi tiền vào ngân hàng, và tin là tài khoản của mình sẽ an toàn, không bị mất hoặc đánh cắp. Thế nên, chúng ta hiểu việc giao những điều quý giá của mình cho người khác có nghĩa gì.

2 Đọc 1 Ti-mô-thê 6:20. Sứ đồ Phao-lô nhắc Ti-mô-thê nhớ rằng ông đã được giao phó điều quý giá: Đó là sự hiểu biết chính xác về ý định của Đức Chúa Trời đối với nhân loại. Ti-mô-thê cũng được giao phó đặc ân “rao giảng lời Đức Chúa Trời” và “làm công việc của người rao truyền tin mừng” (2 Ti 4:2, 5). Phao-lô khuyến giục Ti-mô-thê gìn giữ những gì đã được giao phó. Như Ti-mô-thê, chúng ta cũng được giao phó những điều quý giá. Đó là gì? Và tại sao chúng ta phải gìn giữ kho báu mà Đức Giê-hô-va ban?

ĐƯỢC GIAO PHÓ NHỮNG SỰ THẬT QUÝ GIÁ

3, 4. Hãy nêu một số lý do cho thấy các sự thật Kinh Thánh là quý giá.

3 Đức Giê-hô-va giao phó cho chúng ta sự hiểu biết chính xác về những sự thật quý giá trong Lời ngài là Kinh Thánh. Những sự thật ấy quý giá vì giúp chúng ta có mối quan hệ với Đức Giê-hô-va và cho biết điều gì mang lại hạnh phúc thật. Khi chấp nhận và sống theo những sự thật đó, chúng ta được giải thoát khỏi vòng nô lệ của sự dạy dỗ sai lầm và thực hành vô luân.—1 Cô 6:9-11.

4 Những sự thật trong Lời Đức Chúa Trời cũng quý giá vì Đức Giê-hô-va chỉ tiết lộ cho người khiêm nhường và “có lòng ngay thẳng” (Công 13:48). Những người khiêm nhường ấy chấp nhận phương tiện mà ngài dùng ngày nay để cấp phát thức ăn thiêng liêng (Mat 11:25; 24:45). Chúng ta không thể tự mình hiểu các sự thật Kinh Thánh, và sự hiểu biết đó là vô giá.—Châm 3:13, 15.

5. Đức Giê-hô-va cũng giao phó cho chúng ta điều gì khác?

5 Đức Giê-hô-va cũng giao phó cho chúng ta đặc ân dạy người khác về ngài và ý định của ngài (Mat 24:14). Thông điệp chúng ta rao truyền rất quý giá vì giúp họ trở thành một phần trong gia đình của Đức Giê-hô-va và có cơ hội nhận sự sống vĩnh cửu (1 Ti 4:16). Dù có thể làm nhiều hay ít trong thánh chức, chúng ta đang ủng hộ công việc quan trọng nhất hiện nay (1 Ti 2:3, 4). Thật vinh dự khi được là người cùng làm việc với Đức Chúa Trời!—1 Cô 3:9.

GIỮ CHẶT NHỮNG GÌ ĐƯỢC GIAO PHÓ!

Ti-mô-thê phải giữ chặt chân lý khi người khác từ bỏ Đức Giê-hô-va (Xem đoạn 6)

6. Điều gì đã xảy ra với một số người mất cảnh giác?

6 Một số người cùng thời với Ti-mô-thê đã không quý trọng đặc ân được là người cùng làm việc với Đức Chúa Trời. Vì yêu thế gian nên Đê-ma từ bỏ đặc ân cùng phụng sự với Phao-lô (2 Ti 4:10). Có lẽ Phy-ghen và Hẹt-mô-ghen ngưng làm thánh chức vì sợ bị bắt bớ như Phao-lô (2 Ti 1:15). Còn Hy-mê-nê, A-léc-xan-đơ và Phi-lết thì bội đạo và từ bỏ chân lý (1 Ti 1:19, 20; 2 Ti 2:16-18). Dường như những người này từng mạnh mẽ về thiêng liêng, nhưng về sau đã từ bỏ những điều thật sự quý giá.

7. Sa-tan dùng những mưu kế nào để khiến chúng ta từ bỏ điều được giao phó?

7 Sa-tan ra sức khiến chúng ta từ bỏ những điều được giao phó như thế nào? Hãy xem một số mưu kế của hắn. Hắn dùng giải trí và phương tiện truyền thông để cổ xúy những tiêu chuẩn, lối suy nghĩ và hành vi mà hắn mong rằng sẽ khiến chúng ta dần dần không còn giữ chặt chân lý. Hắn cũng dùng áp lực bạn bè hoặc sự chống đối để khiến chúng ta sợ hãi và ngừng rao giảng. Hắn cố dụ dỗ chúng ta nghe điều “gọi là ‘sự hiểu biết’” của những kẻ bội đạo, rồi từ bỏ chân lý.—1 Ti 6:20, 21.

8. Chúng ta học được gì từ kinh nghiệm của anh Danh?

8 Nếu không cẩn thận, chúng ta có thể dần dần từ bỏ chân lý. Hãy xem trường hợp của anh Danh, * người từng mê trò chơi điện tử. Anh cho biết: “Tôi bắt đầu chơi điện tử từ lúc khoảng mười tuổi. Mới đầu tôi chơi những trò tương đối vô hại, nhưng về sau thì bắt đầu chơi trò bạo lực và ma thuật”. Cuối cùng, anh chơi điện tử khoảng 15 tiếng mỗi ngày. Anh Danh nói: “Trong thâm tâm, tôi biết những trò mình chơi và lượng thời gian dành cho chúng đang kéo tôi ra xa Đức Giê-hô-va. Nhưng lòng tôi trở nên chai lì vì tin rằng các nguyên tắc Kinh Thánh không áp dụng cho mình”. Giải trí có thể ảnh hưởng tinh vi và khiến chúng ta không giữ chặt chân lý. Hậu quả là chúng ta có thể đánh mất những điều quý giá mà Đức Giê-hô-va giao phó.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ GIỮ CHẶT CHÂN LÝ?

9. Theo 1 Ti-mô-thê 1:18, 19, Phao-lô ví Ti-mô-thê với ai?

9 Đọc 1 Ti-mô-thê 1:18, 19. Phao-lô ví Ti-mô-thê như người lính và khuyến giục ông “tiếp tục tranh đấu trong trận chiến tốt lành”. Đây không phải là trận chiến theo nghĩa đen mà là trận chiến thiêng liêng. Tín đồ đạo Đấng Ki-tô giống người lính trên chiến trường như thế nào? Chúng ta cần vun trồng những phẩm chất nào? Hãy xem năm bài học rút ra từ minh họa của Phao-lô có thể giúp chúng ta giữ chặt chân lý.

10. Lòng sùng kính là gì, và tại sao chúng ta cần phẩm chất này?

10 Vun trồng lòng sùng kính. Người lính giỏi luôn trung thành. Người ấy chiến đấu quyết liệt để bảo vệ người mình yêu thương hoặc điều mình quý trọng. Phao-lô khuyên Ti-mô-thê vun trồng lòng sùng kính, tức sự trung thành gắn bó với Đức Chúa Trời (1 Ti 4:7). Càng yêu thương Đức Chúa Trời và sùng kính ngài, chúng ta càng quyết tâm giữ chặt chân lý.—1 Ti 4:8-10; 6:6.

Sau một ngày dài làm việc, có lẽ chúng ta cần buộc mình đến buổi nhóm họp. Nhưng chúng ta sẽ được ban phước khi làm thế! (Xem đoạn 11)

11. Tại sao chúng ta cần tính kỷ luật?

11 Tập tính kỷ luật. Người lính phải có tính kỷ luật để luôn sẵn sàng chiến đấu. Ti-mô-thê vững vàng về thiêng liêng nhờ làm theo lời khuyên được soi dẫn của Phao-lô là chạy trốn những ham muốn sai trái, theo đuổi phẩm chất tin kính và kết hợp với anh em đồng đạo (2 Ti 2:22). Điều đó đòi hỏi tính kỷ luật. Chúng ta cần tính kỷ luật để chiến thắng trong trận chiến chống lại những ham muốn xác thịt (Rô 7:21-25). Chúng ta cũng cần tính này để tiếp tục lột bỏ nhân cách cũ và mặc lấy nhân cách mới (Ê-phê 4:22, 24). Sau ngày làm việc mệt mỏi, có lẽ chúng ta cần buộc mình tham dự buổi nhóm họp.—Hê 10:24, 25.

12. Chúng ta có thể cải thiện kỹ năng dùng Kinh Thánh bằng những cách nào?

12 Người lính cần thường xuyên luyện tập để dùng vũ khí một cách thành thạo. Cũng vậy, chúng ta cần tập để sử dụng thành thạo Lời Đức Chúa Trời (2 Ti 2:15). Tại buổi nhóm họp, chúng ta học được một số kỹ năng để làm thế. Nhưng nếu muốn thuyết phục người khác tin rằng chân lý trong Kinh Thánh thật sự quý giá, chúng ta cần theo sát thời gian biểu học hỏi cá nhân. Chúng ta cần dùng Lời Đức Chúa Trời để củng cố đức tin. Điều này đòi hỏi chúng ta không chỉ đọc Kinh Thánh, mà còn suy ngẫm điều mình đọc cũng như nghiên cứu các ấn phẩm để hiểu và áp dụng đúng (1 Ti 4:13-15). Khi ấy, chúng ta có thể dạy Lời Đức Chúa Trời cho người khác. Điều này cũng đòi hỏi chúng ta làm nhiều hơn là chỉ đọc câu Kinh Thánh. Chúng ta muốn giúp người nghe hiểu và biết cách áp dụng. Khi theo sát thời gian biểu học hỏi cá nhân, chúng ta có thể cải thiện kỹ năng dạy Lời Đức Chúa Trời cho người khác.—2 Ti 3:16, 17.

13. Theo Hê-bơ-rơ 5:14, tại sao chúng ta phải biết suy xét?

13 Biết suy xét. Người lính phải có khả năng thấy trước nguy hiểm và tránh xa. Chúng ta cũng cần nhận ra các tình huống có thể gây hại, rồi hành động để tránh xa (Châm 22:3; đọc Hê-bơ-rơ 5:14). Chẳng hạn, chúng ta cần khôn ngoan trong việc giải trí. Chương trình truyền hình và phim ảnh thường có những cảnh vô luân. Hành vi vô luân xúc phạm Đức Chúa Trời và chắc chắn gây hại. Vì thế, chúng ta tránh những chương trình giải trí có thể dần làm xói mòn tình yêu thương dành cho Đức Chúa Trời.—Ê-phê 5:5, 6.

14. Sự suy xét đã giúp anh Danh như thế nào?

14 Anh Danh, được đề cập ở trên, bắt đầu nhận ra trò chơi hung bạo và ma thuật là có hại. Anh tìm tài liệu trên Thư viện Tháp Canh để giúp mình đối phó với vấn đề này. Kết quả là gì? Anh ngừng chơi những trò không phù hợp. Anh hủy các đăng ký trò chơi trực tuyến và cắt đứt liên lạc với những người chơi khác. Anh Danh nói: “Thay vì chơi điện tử, tôi tham gia hoạt động ngoài trời và kết hợp với anh chị trong hội thánh”. Anh Danh hiện làm tiên phong và trưởng lão.

15. Tại sao những chuyện bịa đặt rất nguy hiểm?

15 Như Ti-mô-thê, chúng ta phải nhận ra mối nguy hiểm của thông tin sai lệch từ kẻ bội đạo (1 Ti 4:1, 7; 2 Ti 2:16). Chẳng hạn, họ lan truyền chuyện bịa đặt về anh em chúng ta hoặc nêu nghi vấn về tổ chức của Đức Giê-hô-va. Thông tin sai lệch như thế có thể làm suy yếu đức tin. Chúng ta phải tránh để luận điệu tuyên truyền đó đánh lừa mình. Tại sao? Vì nó được lan truyền bởi “những người có tâm trí bại hoại và không còn biết chân lý là gì”. Mục tiêu của họ là châm ngòi cho việc “cãi vã và tranh luận” (1 Ti 6:4, 5). Họ muốn chúng ta tin vào lời vu khống và bắt đầu nghi kỵ anh em mình.

16. Chúng ta cần tránh bị phân tâm bởi những điều gì?

16 Tránh bị phân tâm. Là “người lính tốt của Đấng Ki-tô Giê-su”, Ti-mô-thê phải tập trung vào thánh chức thay vì bị phân tâm bởi mục tiêu ngoài đời hoặc của cải vật chất (2 Ti 2:3, 4). Như Ti-mô-thê, chúng ta không nên để mình bị phân tâm bởi ham muốn có thêm của cải. “Quyền lực giả dối của sự giàu sang” có thể bóp nghẹt tình yêu thương của chúng ta dành cho Đức Giê-hô-va, lòng quý trọng Lời ngài và ước muốn chia sẻ Lời ấy với người khác (Mat 13:22). Chúng ta phải giữ đời sống đơn giản, dùng thời gian và năng lực để ‘luôn tìm kiếm Nước Trời trước hết’.—Mat 6:22-25, 33.

17, 18. Chúng ta có thể làm gì để tránh bị tổn hại về thiêng liêng?

17 Sẵn sàng hành động nhanh chóng. Người lính cần xác định trước sẽ làm gì để bảo vệ mình. Nếu muốn gìn giữ những điều Đức Giê-hô-va giao phó, chúng ta cần hành động nhanh chóng khi gặp nguy hiểm. Điều gì sẽ giúp chúng ta làm thế? Hãy xác định trước mình sẽ phản ứng thế nào trong tình huống đó.

18 Để minh họa, khi tham gia một sự kiện, người tham dự thường được đề nghị xác định lối thoát hiểm gần nhất trước khi chương trình bắt đầu. Nhờ vậy, họ có thể nhanh chóng rời khỏi đó trong trường hợp khẩn cấp. Tương tự thế, hãy xác định trước mình sẽ theo “lối thoát hiểm” nào nếu bất ngờ thấy hình ảnh vô luân, cảnh hung bạo khủng khiếp hay tài liệu bội đạo trên Internet, phim ảnh hoặc truyền hình. Nếu chuẩn bị trước, chúng ta có thể hành động nhanh chóng để thoát khỏi mối nguy hiểm về thiêng liêng và giữ mình trong sạch trước mắt Đức Giê-hô-va.—Thi 101:3; 1 Ti 4:12.

19. Nếu gìn giữ những điều mà Đức Giê-hô-va giao phó, chúng ta sẽ nhận được ân phước nào?

19 Chúng ta phải gìn giữ những điều mà Đức Giê-hô-va giao phó: Đó là các sự thật quý giá trong Kinh Thánh và đặc ân dạy các sự thật ấy. Khi làm thế, chúng ta sẽ có lương tâm trong sạch, đời sống thật sự ý nghĩa và niềm vui trong việc giúp người khác biết về Đức Giê-hô-va. Với sự hỗ trợ của ngài, chúng ta có thể gìn giữ những gì đã được giao phó.—1 Ti 6:12, 19.

BÀI HÁT 127 Tôi xem mình thuộc loại người nào

^ đ. 5 Chúng ta có đặc ân lớn là được biết chân lý và dạy chân lý cho người khác. Bài này sẽ giúp chúng ta giữ chặt đặc ân ấy và không bao giờ buông ra.

^ đ. 8 Tên đã được thay đổi.