Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 48

Hãy nhìn về phía trước!

Hãy nhìn về phía trước!

“Đôi mắt con, hãy nhìn phía trước, phải, ánh mắt con, hướng thẳng trước mặt”.—CHÂM 4:25.

BÀI HÁT 77 Ánh sáng trong thế gian tăm tối

GIỚI THIỆU *

1, 2. Làm thế nào chúng ta có thể làm theo lời khuyên nơi Châm ngôn 4:25? Hãy nêu ví dụ.

Hãy hình dung những tình huống sau: Một chị lớn tuổi nhớ đến những kỷ niệm đẹp trong quá khứ. Dù đời sống hiện tại của chị có nhiều khó khăn hơn, nhưng chị tiếp tục làm mọi điều có thể cho Đức Giê-hô-va (1 Cô 15:58). Mỗi ngày, chị hình dung mình và những người thân yêu chung sống trong thế giới mới. Một chị khác nhớ về việc mình bị một anh em đồng đạo làm tổn thương, nhưng chị chọn gạt bỏ nỗi oán giận (Cô 3:13). Một anh nhớ rõ những lỗi lầm của mình trong quá khứ nhưng anh tập trung vào việc giữ trung thành kể từ giờ trở đi.—Thi 51:10.

2 Ba anh chị trên có điểm chung nào? Họ nhớ những điều đã xảy ra trong quá khứ nhưng không sống trong quá khứ. Thay vì thế, họ quyết tâm “nhìn phía trước”, tức hướng đến tương lai.—Đọc Châm ngôn 4:25.

3. Tại sao chúng ta cần “nhìn phía trước”?

3 Tại sao việc “nhìn phía trước” là điều quan trọng? Giống như một người không thể đi thẳng về phía trước nếu cứ nhìn lại phía sau, chúng ta cũng không thể tiến tới trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va nếu cứ nhìn lại quá khứ.—Lu 9:62.

4. Chúng ta sẽ thảo luận điều gì trong bài này?

4 Bài này thảo luận ba cạm bẫy có thể khiến chúng ta sống trong quá khứ. * Đó là: (1) hoài niệm, (2) oán giận, và (3) mặc cảm tội lỗi quá mức. Trong mỗi trường hợp, hãy xem các nguyên tắc Kinh Thánh có thể giúp chúng ta như thế nào để không chú tâm đến “những điều đằng sau” nhưng vươn tới “những điều phía trước”.—Phi-líp 3:13.

BẪY HOÀI NIỆM

Điều gì có thể cản chúng ta nhìn về phía trước? (Xem đoạn 5, 9, 13) *

5. Truyền đạo 7:10 cảnh báo chúng ta về cạm bẫy nào?

5 Đọc Truyền đạo 7:10. Hãy lưu ý câu này không nói rằng sẽ sai khi hỏi: “Sao ngày trước là tốt?”. Những kỷ niệm đẹp là món quà từ Đức Giê-hô-va. Thay vì thế, câu này nói: “Chớ hỏi rằng: ‘Sao ngày trước tốt hơn bây giờ?’”. Nói cách khác, điều sai là so sánh hoàn cảnh của mình trước đây với hoàn cảnh hiện tại và cho rằng mọi thứ nay tồi tệ hơn. So sánh như thế là một cạm bẫy.

Sau khi rời Ai Cập, dân Y-sơ-ra-ên phạm sai lầm nào? (Xem đoạn 6)

6. Tại sao thiếu khôn ngoan khi cứ nghĩ rằng đời sống của chúng ta trước đây tốt hơn bây giờ? Hãy nêu ví dụ.

6 Tại sao thiếu khôn ngoan khi cứ nghĩ rằng đời sống của chúng ta trước đây tốt hơn bây giờ? Việc hoài niệm có thể khiến chúng ta chỉ nhớ đến những điều tốt đẹp trong quá khứ hoặc quên đi những gian khổ mình từng đương đầu. Chẳng hạn, hãy xem trường hợp của dân Y-sơ-ra-ên xưa. Sau khi rời Ai Cập, họ nhanh chóng quên đi đời sống cơ cực ở đó và chỉ nghĩ đến đồ ăn ngon họ từng thưởng thức. Họ nói: “Chúng ta nhớ đến cá mà mình đã từng ăn miễn phí tại Ai Cập là dường nào, cả dưa leo, dưa hấu, tỏi tây, củ hành, củ tỏi nữa!” (Dân 11:5). Nhưng phải chăng đồ ăn đó thật sự “miễn phí”? Không. Dân Y-sơ-ra-ên phải trả một giá rất đắt. Lúc đó, họ là nô lệ và bị áp bức khắc nghiệt tại Ai Cập (Xuất 1:13, 14; 3:6-9). Nhưng họ mau chóng quên đi những gian khổ đó và ước ao trở lại quá khứ. Họ chọn tập trung vào những lúc sung sướng trong quá khứ thay vì những điều tốt lành mà Đức Giê-hô-va vừa làm cho họ. Đức Giê-hô-va không hài lòng với thái độ của họ.—Dân 11:10.

7. Điều gì giúp một chị tránh được bẫy hoài niệm?

7 Làm thế nào để tránh bẫy hoài niệm? Hãy xem kinh nghiệm của một chị. Chị bắt đầu phụng sự tại Bê-tên Brooklyn vào năm 1945. Sau này, chị kết hôn với một anh cũng là thành viên Bê-tên và họ cùng nhau phụng sự tại đó trong nhiều năm. Nhưng vào năm 1976, chồng chị trở bệnh. Chị chia sẻ rằng khi anh biết mình sắp qua đời, anh đã cho chị lời khuyên giúp chị đương đầu với cái chết của anh. Anh nói: “Chúng mình có một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Nhiều người không được như vậy”. Nhưng anh cũng khuyên chị: “Đừng sống trong quá khứ dù những kỷ niệm đó vẫn còn. Thời gian sẽ hàn gắn nỗi đau. Em đừng trở nên cay đắng và tủi thân. Hãy vui mừng là em có những niềm vui và ân phước này... Kỷ niệm là món quà của Đức Chúa Trời ban cho chúng ta”. Hẳn anh chị đồng ý rằng đó là lời khuyên tốt phải không?

8. Chị của chúng ta nhận được lợi ích nào khi không sống trong quá khứ?

8 Chị của chúng ta đã làm theo lời khuyên ấy. Chị trung thành phụng sự Đức Giê-hô-va cho đến khi qua đời ở tuổi 92. Vài năm trước khi mất, chị chia sẻ: “Nhìn lại quãng đời hơn 63 năm phụng sự trọn thời gian, tôi có thể nói rằng đời sống mình đầy thỏa nguyện”. Tại sao? Chị giải thích: “Điều thật sự làm đời sống thỏa nguyện là tình anh em thắm thiết và hy vọng chung sống với anh chị em của chúng ta trong địa đàng, và phụng sự Đấng Tạo Hóa Vĩ Đại, Đức Chúa Trời thật duy nhất, là Đức Giê-hô-va, cho đến muôn đời”. * Quả là một gương xuất sắc trong việc “nhìn phía trước”!

BẪY OÁN GIẬN

9. Như được nói nơi Lê-vi 19:18, chúng ta đặc biệt thấy khó gạt bỏ nỗi oán giận trong trường hợp nào?

9 Đọc Lê-vi 19:18. Chúng ta thường cảm thấy khó gạt bỏ nỗi oán giận nếu người đối xử không tốt với mình là anh em đồng đạo, bạn thân hoặc người trong gia đình. Chẳng hạn, một chị bị một anh em đồng đạo đổ oan là ăn cắp tiền. Sau này, chị đổ oan đã xin lỗi nhưng chị kia cứ nghĩ về điều đã xảy ra. Anh chị có bao giờ cảm thấy như thế không? Ngay cả khi không đương đầu với tình huống đó, nhiều người trong chúng ta có lẽ từng bị tổn thương và nghĩ rằng mình không thể nào gạt bỏ nỗi oán giận trong lòng.

10. Điều gì có thể giúp chúng ta khi cảm thấy oán giận?

10 Điều gì có thể giúp chúng ta khi cảm thấy oán giận? Một điều là nhớ rằng Đức Giê-hô-va thấy mọi sự. Ngài biết mọi điều chúng ta phải trải qua, bao gồm bất cứ sự bất công nào mà mình chịu (Hê 4:13). Ngài đồng cảm khi chúng ta gặp khốn khổ (Ê-sai 63:9). Và ngài hứa rằng trong tương lai ngài sẽ xóa bỏ mọi tổn hại mà sự bất công gây ra cho chúng ta.—Khải 21:3, 4.

11. Chúng ta nhận được lợi ích nào khi gạt bỏ nỗi oán giận?

11 Cũng hãy nhớ rằng khi gạt bỏ nỗi oán giận, chính mình nhận được lợi ích. Đó là điều mà chị bị đổ oan đã nhận ra. Qua thời gian, chị đã gạt bỏ được nỗi oán giận trong lòng. Chị ý thức là khi tha thứ người khác, Đức Giê-hô-va sẽ tha thứ cho mình (Mat 6:14). Chị không giảm nhẹ hay bào chữa cho hành động của chị kia, nhưng chị chọn gạt bỏ nỗi oán giận. Nhờ thế, chị vui hơn và có thể chú tâm vào việc phụng sự Đức Giê-hô-va.

BẪY MẶC CẢM TỘI LỖI QUÁ MỨC

12. Câu 1 Giăng 3:19, 20 cho biết điều gì?

12 Đọc 1 Giăng 3:19, 20. Tất cả chúng ta đều có lúc mặc cảm tội lỗi. Chẳng hạn, một số người mặc cảm vì tội lỗi họ đã phạm trước khi học chân lý. Số khác mặc cảm vì lỗi lầm họ phạm sau khi báp-têm. Cảm xúc ấy là bình thường (Rô 3:23). Dĩ nhiên, chúng ta muốn làm điều đúng nhưng “hết thảy chúng ta đều vấp ngã nhiều lần” (Gia 3:2; Rô 7:21-23). Đúng là không ai thích cảm giác mặc cảm tội lỗi nhưng cảm giác ấy cũng có thể mang lại lợi ích. Tại sao? Vì cảm giác ấy có thể thúc đẩy chúng ta chỉnh sửa đường lối mình và quyết tâm không tái phạm.—Hê 12:12, 13.

13. Tại sao chúng ta phải đề phòng bẫy mặc cảm tội lỗi quá mức?

13 Mặt khác, chúng ta có thể cảm thấy mặc cảm tội lỗi quá mức, tức cứ bị dằn vặt dù mình đã ăn năn và Đức Giê-hô-va cho thấy ngài đã tha thứ. Mặc cảm tội lỗi quá mức có thể gây hại (Thi 31:10; 38:3, 4). Như thế nào? Hãy xem kinh nghiệm của một chị phải tranh đấu với cảm giác mặc cảm vì tội lỗi trong quá khứ. Chị cho biết: “Tôi cảm thấy có cố gắng trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va thì cũng vô ích vì dù sao cũng quá muộn rồi”. Nhiều người trong chúng ta có thể có cùng cảm xúc như chị ấy. Điều thiết yếu là chúng ta phải đề phòng bẫy mặc cảm tội lỗi quá mức. Nếu chúng ta đánh mất hy vọng nơi chính mình trong khi Đức Giê-hô-va vẫn hy vọng nơi chúng ta thì Sa-tan sẽ vô cùng hả hê!—So sánh 2 Cô-rinh-tô 2:5-7, 11.

14. Làm sao để biết chắc là Đức Giê-hô-va vẫn hy vọng nơi chúng ta?

14 Dù vậy, có lẽ chúng ta thắc mắc: “Làm sao để biết chắc là Đức Giê-hô-va vẫn hy vọng nơi mình?”. Khi nêu câu hỏi như thế, thì theo một nghĩa nào đó chúng ta đã tự trả lời cho câu hỏi ấy. Nhiều thập kỷ trước, Tháp Canh nói: “Chúng ta [có thể] thấy mình lao đao và vấp ngã nhiều lần vì một thói xấu mà chúng ta không ngờ đã ăn quá sâu vào lối sống trước kia của chúng ta... Đừng tuyệt vọng. Đừng kết luận rằng bạn đã phạm tội không thể nào tha thứ được. Đó chính là cách mà Sa-tan muốn bạn lý luận. Sự kiện bạn còn cảm thấy đau buồn và khó chịu với chính mình là bằng chứng cho thấy bạn đã không đi quá xa. Đừng bao giờ chán nản khi đến cùng Đức Chúa Trời với lòng khiêm nhường và sốt sắng, xin ngài tha thứ, tẩy sạch tội và giúp đỡ chúng ta. Hãy đến với ngài như đứa trẻ đến với cha khi gặp vấn đề, dù nói về một yếu kém nhiều lần đi nữa, Đức Giê-hô-va sẽ độ lượng giúp đỡ cho bạn vì ngài có lòng thương xót”. *

15, 16. Một số anh chị cảm thấy thế nào khi nhận ra Đức Giê-hô-va không mất hy vọng nơi họ?

15 Nhiều người trong vòng dân Đức Giê-hô-va được an ủi khi nhận ra là Đức Giê-hô-va không mất hy vọng nơi họ. Chẳng hạn, vài năm trước, một anh rất cảm động khi đọc một kinh nghiệm trong loạt bài “Kinh Thánh thay đổi đời sống”. Trong bài đó, một chị chia sẻ rằng những điều xảy ra trong quá khứ khiến chị thấy khó tin là Đức Giê-hô-va yêu thương mình. Chị phải tranh đấu với cảm xúc ấy ngay cả nhiều năm sau khi báp-têm. Nhưng khi suy ngẫm về giá chuộc, chị bắt đầu thay đổi quan điểm. *

16 Kinh nghiệm của chị ấy đã tác động thế nào đến anh được đề cập ở trên? Anh viết: “Khi còn trẻ, tôi phải đấu tranh với tật nghiện xem tài liệu khiêu dâm. Gần đây, tôi lại tái phạm. Tôi tìm kiếm sự giúp đỡ của các trưởng lão và cố gắng tiến bộ để vượt qua vấn đề. Các trưởng lão trấn an tôi rằng Đức Giê-hô-va rất yêu thương và nhân từ. Nhưng có khi cảm giác vô giá trị vẫn dằn vặt tôi, làm tôi nghĩ rằng Đức Giê-hô-va không thể thương tôi nổi. Đọc kinh nghiệm của [chị ấy] thật có ích. Giờ đây tôi nhận ra là khi tôi nghĩ Đức Chúa Trời không thể tha thứ tôi thì thực chất tôi đang nói rằng giá chuộc của Con ngài không đủ để chuộc tội lỗi cho tôi. Tôi cắt bài này ra để có thể đọc và suy ngẫm mỗi khi cảm giác vô giá trị ùa về”.

17. Làm thế nào Phao-lô tránh được bẫy mặc cảm tội lỗi quá mức?

17 Những kinh nghiệm như thế nhắc chúng ta nhớ đến sứ đồ Phao-lô. Trước khi trở thành tín đồ đạo Đấng Ki-tô, ông phạm một số tội trọng. Phao-lô vẫn nhớ những gì mình đã làm nhưng ông không nghĩ mãi về điều đó (1 Ti 1:12-15). Ông xem giá chuộc là món quà dành cho cá nhân ông (Ga 2:20). Nhờ thế, Phao-lô tránh được bẫy mặc cảm tội lỗi quá mức và tập trung vào việc dâng cho Đức Giê-hô-va điều tốt nhất mình có.

SỐNG CHO TƯƠNG LAI!

Hãy quyết tâm sống cho tương lai (Xem đoạn 18, 19) *

18. Chúng ta học được gì trong bài này?

18 Sau khi xem xét những bẫy được nói đến trong bài này, chúng ta học được gì? (1) Những kỷ niệm đẹp là ân phước từ Đức Giê-hô-va; nhưng hãy nhớ rằng dù đời sống của chúng ta trong quá khứ tốt đẹp đến đâu đi nữa, tương lai của chúng ta trong thế giới mới sẽ tốt đẹp hơn nhiều. (2) Chúng ta có thể bị người khác làm cho tổn thương, nhưng khi chọn tha thứ, chúng ta có thể tiến về phía trước. (3) Mặc cảm tội lỗi quá mức có thể ngăn cản chúng ta phụng sự Đức Giê-hô-va với niềm vui. Vì thế, như Phao-lô, chúng ta cần tin rằng Đức Giê-hô-va đã tha thứ cho mình.

19. Làm thế nào chúng ta biết rằng trong thế giới mới mình sẽ không còn day dứt về những điều trong quá khứ nữa?

19 Chúng ta có triển vọng nhận được sự sống vĩnh cửu. Trong thế giới mới của Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ không còn day dứt về những điều trong quá khứ nữa. Về thời kỳ ấy, Kinh Thánh nói: “Những điều trước kia sẽ không được gợi lên trong trí” (Ê-sai 65:17). Hãy nghĩ về điều này: Một số người trong chúng ta đã phụng sự Đức Giê-hô-va lâu năm và giờ đã lớn tuổi, nhưng trong thế giới mới, chúng ta sẽ được trẻ lại (Gióp 33:25). Vậy hãy quyết tâm không sống trong quá khứ. Hãy hướng đến tương lai và sống cho những điều ở phía trước!

BÀI HÁT 142 Nắm chặt hy vọng của chúng ta

^ đ. 5 Nhớ về quá khứ có thể là điều tốt. Nhưng chúng ta không muốn quá tập trung vào quá khứ đến độ bỏ qua những điều mình có thể làm trong hiện tại hoặc quên đi những điều sẽ đến trong tương lai. Bài này thảo luận ba cạm bẫy có thể khiến chúng ta sống trong quá khứ. Chúng ta cũng sẽ xem các nguyên tắc Kinh Thánh và gương mẫu thời hiện đại có thể giúp mình tránh những bẫy này.

^ đ. 4 GIẢI NGHĨA: Trong bài này, cụm từ “sống trong quá khứ” nghĩa là cứ nghĩ về quá khứ, luôn nói về quá khứ, hồi tưởng lại quá khứ hoặc nghĩ rằng đời sống của mình trước đây tốt hơn hiện tại.

^ đ. 14 Xin xem Tháp Canh ngày 1-12-1995, trg 11.

^ đ. 59 HÌNH ẢNH: Cảm xúc hoài niệm, oán giận và mặc cảm tội lỗi quá mức giống như những gánh nặng mà chúng ta kéo theo và cản chúng ta tiến về phía trước trên con đường dẫn đến sự sống.

^ đ. 66 HÌNH ẢNH: Sau khi gạt bỏ những cảm xúc nặng nề ấy, chúng ta cảm thấy nhẹ nhõm, hạnh phúc và có sức mới. Khi đó, chúng ta sẽ có thể hướng về phía trước.