Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 1

Hãy bình tĩnh và tin cậy Đức Giê-hô-va

Hãy bình tĩnh và tin cậy Đức Giê-hô-va

CÂU KINH THÁNH CHO NĂM 2021: “Thế mạnh các ngươi là sự bình tĩnh và lòng tin cậy”.​—Ê-SAI 30:15.

BÀI HÁT 3 Sức mạnh, hy vọng và niềm tin cậy của chúng con

GIỚI THIỆU *

1. Như vua Đa-vít, có lẽ một số người trong chúng ta hỏi điều gì?

Tất cả chúng ta đều muốn sống một cuộc đời bình lặng và yên ổn. Không ai thích cảm giác lo lắng. Tuy nhiên, đôi khi chúng ta phải tranh đấu với nhiều nỗi lo. Một số tôi tớ của Đức Giê-hô-va có lẽ hỏi ngài câu hỏi giống như vua Đa-vít: “Con nặng trĩu bao lo âu, ngày qua ngày lòng đớn đau đến bao giờ?”.—Thi 13:2.

2. Chúng ta sẽ thảo luận điều gì trong bài này?

2 Dù không thể hoàn toàn tránh được lo lắng nhưng chúng ta có thể làm nhiều điều để kiểm soát cảm xúc ấy. Trong bài này, trước tiên hãy xem một số điều có thể khiến chúng ta lo lắng. Sau đó, hãy thảo luận sáu cách thực tế giúp chúng ta bình tĩnh khi đối phó với vấn đề.

NHỮNG ĐIỀU CÓ THỂ GÂY LO LẮNG

3. Chúng ta đối mặt với những áp lực nào, và chúng ta có thể kiểm soát chúng không?

3 Nhiều điều có thể khiến chúng ta lo lắng, và thường chúng ta không thể kiểm soát những điều ấy. Chẳng hạn, chúng ta không thể ngăn chặn giá cả thực phẩm, quần áo và chỗ ở leo thang mỗi năm; chúng ta cũng không thể kiểm soát số lần đồng nghiệp hay bạn học cám dỗ mình thiếu trung thực hoặc làm điều vô luân. Và chúng ta không thể ngăn cản tội ác xảy ra trong khu mình sống. Chúng ta phải đối mặt với những vấn đề này vì đang sống trong một thế gian mà đa số người ta không suy nghĩ dựa trên nguyên tắc Kinh Thánh. Sa-tan, chúa của thế gian này, biết rằng một số người sẽ để “những mối lo lắng trong thế gian” cản trở họ phụng sự Đức Giê-hô-va (Mat 13:22; 1 Giăng 5:19). Không lạ gì khi thế gian đầy dẫy những vấn đề gây căng thẳng!

4. Điều gì có thể xảy ra khi chúng ta đứng trước những áp lực lớn?

4 Khi chúng ta đứng trước những áp lực lớn, sự lo lắng có thể choán hết tâm trí mình. Chẳng hạn, chúng ta có thể lo là mình không thể kiếm đủ tiền để trang trải những thứ cần thiết hoặc lo mình sẽ bị bệnh và không thể đi làm, thậm chí mất việc. Chúng ta cũng có thể lo mình sẽ bất trung khi bị cám dỗ vi phạm luật pháp của Đức Chúa Trời. Không lâu nữa Sa-tan sẽ khiến những kẻ nằm dưới quyền kiểm soát của hắn tấn công dân Đức Chúa Trời. Vì thế, một số người lo không biết mình sẽ phản ứng thế nào trước cuộc tấn công đó. Có lẽ chúng ta băn khoăn: “Lo lắng về những điều như thế có sai không?”.

5. Ý của Chúa Giê-su là gì khi ngài nói: “Đừng lo lắng”?

5 Chúa Giê-su bảo các môn đồ: “Đừng lo lắng” (Mat 6:25). Phải chăng ý của ngài là chúng ta không nên lo lắng về bất cứ điều gì? Chắc chắn không! Suy cho cùng, một số tôi tớ trung thành thời xưa của Đức Giê-hô-va từng tranh đấu với sự lo lắng, nhưng họ vẫn được ngài chấp nhận * (1 Vua 19:4; Thi 6:3). Thật ra Chúa Giê-su đang trấn an chúng ta. Ngài không muốn chúng ta lo lắng về những vấn đề trong đời sống đến mức ảnh hưởng đến việc phụng sự Đức Chúa Trời. Vậy, chúng ta có thể kiểm soát sự lo lắng bằng những cách nào?—Xin xem khung “ Những cách để làm thế”.

SÁU ĐIỀU GIÚP CHÚNG TA BÌNH TĨNH

Xem đoạn 6 *

6. Theo Phi-líp 4:6, 7, điều gì có thể giúp chúng ta bình tĩnh khi đương đầu với sự lo lắng?

6 (1) Cầu nguyện thường xuyên. Khi gặp áp lực, chúng ta có thể cầu nguyện tha thiết với Đức Giê-hô-va để được an ủi (1 Phi 5:7). Đức Giê-hô-va có thể đáp lời cầu nguyện bằng cách ban cho chúng ta “sự bình an của Đức Chúa Trời, là điều vượt quá mọi sự hiểu biết [của con người]”. (Đọc Phi-líp 4:6, 7). Qua thần khí thánh mạnh mẽ, Đức Giê-hô-va giúp chúng ta bình tĩnh khi đương đầu với sự lo lắng.—Ga 5:22.

7. Chúng ta cần nhớ điều gì khi cầu nguyện với Đức Chúa Trời?

7 Khi cầu nguyện, hãy mở lòng với Đức Giê-hô-va. Hãy cầu nguyện cụ thể, nói rõ vấn đề với ngài và giãi bày cảm xúc của mình. Nếu có cách giải quyết vấn đề, hãy xin Đức Giê-hô-va ban sự khôn ngoan để biết nên làm gì và có sức mạnh để thực hiện. Nếu vấn đề nằm ngoài tầm kiểm soát của mình, hãy xin Đức Giê-hô-va giúp anh chị đừng quá lo lắng. Khi cầu nguyện cụ thể, với thời gian anh chị sẽ thấy rõ hơn cách Đức Giê-hô-va đáp lời. Nếu không được đáp lời ngay thì đừng bỏ cuộc. Đức Giê-hô-va không chỉ muốn anh chị cầu nguyện cụ thể mà còn muốn anh chị kiên trì làm thế.—Lu 11:8-10.

8. Lời cầu nguyện của chúng ta nên bao hàm điều gì?

8 Khi trút lo lắng cho Đức Giê-hô-va qua lời cầu nguyện, đừng quên cảm tạ ngài. Điều tốt là nghĩ đến những ân phước chúng ta có, ngay cả khi gặp nhiều vấn đề. Khi anh chị không biết phải bày tỏ cảm xúc của mình như thế nào, hãy nhớ rằng Đức Giê-hô-va sẽ đáp lời dù anh chị chỉ có thể nói: “Xin Cha giúp con!”.—2 Sử 18:31; Rô 8:26.

Xem đoạn 9 *

9. Làm thế nào để tìm được sự an ổn thật?

9 (2) Nương cậy sự khôn ngoan của Đức Giê-hô-va, thay vì của chính mình. Vào thế kỷ thứ tám TCN, dân Giu-đa lo sợ về việc bị A-si-ri tấn công. Vì không muốn nằm dưới ách đô hộ của A-si-ri nên họ xin sự tiếp viện của Ai Cập ngoại giáo (Ê-sai 30:1, 2). Đức Giê-hô-va cảnh báo rằng quyết định sai trái của họ sẽ dẫn đến tai họa (Ê-sai 30:7, 12, 13). Qua Ê-sai, Đức Giê-hô-va cho dân chúng biết cách để tìm được sự an ổn thật. Ngài nói: “Thế mạnh các ngươi là sự bình tĩnh và lòng tin cậy” nơi Đức Giê-hô-va.—Ê-sai 30:15b.

10. Chúng ta có thể cho thấy mình tin cậy Đức Giê-hô-va trong một số trường hợp nào?

10 Chúng ta có thể cho thấy mình tin cậy Đức Giê-hô-va trong những trường hợp nào? Giả sử anh chị được mời nhận một công việc lương cao nhưng đòi hỏi nhiều thời gian và sẽ ảnh hưởng đến nề nếp thiêng liêng của mình. Hoặc một đồng nghiệp ngỏ ý muốn tìm hiểu anh chị, nhưng người ấy không phải là Nhân Chứng. Hoặc một người thân trong gia đình buộc anh chị lựa chọn giữa người ấy và Đức Chúa Trời. Trong mỗi trường hợp trên, anh chị đứng trước một quyết định khó khăn, nhưng Đức Giê-hô-va sẽ ban cho anh chị sự hướng dẫn cần thiết (Mat 6:33; 10:37; 1 Cô 7:39). Nhưng câu hỏi là anh chị sẽ tin cậy Đức Giê-hô-va và vâng theo chỉ dẫn của ngài không?

Xem đoạn 11 *

11. Chúng ta có thể suy ngẫm những lời tường thuật nào để bình tĩnh khi đối mặt với sự chống đối?

11 (3) Học từ gương tốt và gương xấu. Kinh Thánh chứa đựng nhiều lời tường thuật nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bình tĩnh và tin cậy Đức Giê-hô-va. Khi suy ngẫm những lời tường thuật này, hãy lưu ý đến điều đã giúp các tôi tớ của Đức Chúa Trời bình tĩnh khi đối mặt với sự chống đối dữ dội. Chẳng hạn, khi Tòa Tối Cao Do Thái cấm các sứ đồ rao giảng, họ không hề sợ hãi. Thay vì thế, họ can đảm tuyên bố: “Chúng tôi phải vâng lời Đức Chúa Trời hơn là vâng lời loài người” (Công 5:29). Ngay cả sau khi bị đánh, các sứ đồ cũng không hoảng loạn. Tại sao? Vì họ biết rằng Đức Giê-hô-va hỗ trợ họ và hài lòng về họ. Do đó, họ tiếp tục rao truyền tin mừng (Công 5:40-42). Tương tự, khi môn đồ Ê-tiên đối mặt với cái chết, ông giữ được sự bình an và điềm tĩnh đến mức mặt ông trông “giống như mặt thiên sứ” (Công 6:12-15). Tại sao? Vì ông tin chắc rằng Đức Giê-hô-va hài lòng về ông.

12. Theo 1 Phi-e-rơ 3:14 và 4:14, tại sao chúng ta có thể hạnh phúc khi bị ngược đãi?

12 Các sứ đồ có bằng chứng rõ ràng là Đức Giê-hô-va ở cùng họ. Chẳng hạn, ngài ban cho họ quyền năng để thực hiện phép lạ (Công 5:12-16; 6:8). Ngày nay Đức Giê-hô-va không còn làm thế. Nhưng qua Lời ngài, Đức Giê-hô-va yêu thương trấn an rằng khi chúng ta chịu khổ vì sự công chính, ngài sẽ hài lòng và thần khí ở cùng chúng ta. (Đọc 1 Phi-e-rơ 3:14; 4:14). Thế nên, thay vì cứ nghĩ mãi về cách mình sẽ phản ứng trước sự ngược đãi trong tương lai, chúng ta cần tập trung vào những điều mình có thể làm bây giờ để củng cố lòng tin chắc rằng Đức Giê-hô-va có khả năng hỗ trợ và giải cứu chúng ta. Như các môn đồ thời ban đầu, chúng ta cần tin nơi lời hứa của Chúa Giê-su: “Tôi sẽ ban cho anh em lời lẽ và sự khôn ngoan mà mọi kẻ chống đối anh em, dù hợp lại, cũng không thể chống cự hoặc phản bác được”. Chúa Giê-su đảm bảo: “Nhờ bền chí chịu đựng, anh em sẽ bảo toàn được mạng sống của mình” (Lu 21:12-19). Đừng bao giờ quên rằng Đức Giê-hô-va ghi nhớ những chi tiết nhỏ nhất về các tôi tớ trung thành cho đến chết và ngài sẽ làm họ sống lại.

13. Chúng ta nhận được lợi ích nào khi xem xét trường hợp của những người không giữ lòng bình tĩnh và không tin cậy Đức Giê-hô-va?

13 Chúng ta cũng có thể học từ trường hợp của những người không giữ lòng bình tĩnh và không tin cậy Đức Giê-hô-va. Suy ngẫm về những gương xấu ấy sẽ giúp chúng ta tránh đi vào vết xe đổ của họ. Chẳng hạn, vào đầu triều đại của mình, vua A-sa của Giu-đa đã nương cậy Đức Giê-hô-va khi chạm trán với một đội quân hùng hậu, và ngài đã ban cho ông chiến thắng (2 Sử 14:9-12). Về sau, vua Ba-ê-sa của Y-sơ-ra-ên tấn công vua A-sa bằng một đội quân nhỏ hơn nhiều. Nhưng lần này, vua A-sa đã dùng vàng bạc hối lộ người Sy-ri để được giúp đỡ thay vì tìm kiếm Đức Giê-hô-va như ông từng làm trước đó (2 Sử 16:1-3). Gần cuối đời khi lâm bệnh nặng, ông vẫn không nương cậy Đức Giê-hô-va.—2 Sử 16:12.

14. Chúng ta học được gì từ lỗi lầm của A-sa?

14 Lúc đầu, A-sa tìm kiếm Đức Giê-hô-va khi gặp vấn đề. Nhưng sau này ông không hướng đến ngài để được giúp đỡ mà tìm cách tự giải quyết vấn đề. Mới nghe thì kế hoạch cầu viện người Sy-ri có vẻ rất hợp lý. Nhưng bất cứ sự thành công nào của A-sa cũng chỉ là nhất thời. Đức Giê-hô-va phán với ông qua một nhà tiên tri: “Vì vua nương cậy vua Sy-ri mà không nương cậy Giê-hô-va Đức Chúa Trời của vua nên đạo quân của vua Sy-ri thoát khỏi tay vua” (2 Sử 16:7). Chúng ta cần thận trọng để không cho rằng mình có thể tự giải quyết vấn đề mà không cần tìm kiếm sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va qua Lời ngài. Ngay cả khi đối mặt với tình huống khẩn cấp, chúng ta cần bình tĩnh nương cậy Đức Giê-hô-va; ngài sẽ giúp chúng ta thành công.

Xem đoạn 15 *

15. Chúng ta có thể làm gì khi đọc Kinh Thánh?

15 (4) Học thuộc các câu Kinh Thánh. Khi đọc những câu Kinh Thánh cho thấy việc bình tĩnh và tin cậy Đức Giê-hô-va mang lại sức mạnh, hãy cố gắng học thuộc một vài câu. Có lẽ anh chị sẽ thấy hữu ích khi đọc lớn tiếng những câu ấy hoặc ghi ra và thường xuyên xem lại. Giô-suê được lệnh đều đặn đọc nhẩm sách Luật pháp để hành động khôn ngoan. Những gì ông đọc cũng sẽ giúp ông không sợ hãi nhưng can đảm để lãnh đạo dân Đức Chúa Trời (Giô-suê 1:8, 9). Nhiều câu trong Lời Đức Chúa Trời có thể giúp anh chị có sự bình an tâm trí khi đối mặt với những tình huống dễ khiến mình lo lắng hoặc sợ hãi.—Thi 27:1-3; Châm 3:25, 26.

Xem đoạn 16 *

16. Đức Giê-hô-va dùng hội thánh như thế nào để giúp chúng ta bình tĩnh và tin cậy ngài?

16 (5) Kết hợp với dân Đức Chúa Trời. Đức Giê-hô-va dùng anh em đồng đạo để giúp chúng ta bình tĩnh và tin cậy ngài. Tại các buổi nhóm họp, chúng ta nhận lợi ích từ các phần được trình bày trên bục, lời bình luận của cử tọa và những cuộc trò chuyện khích lệ với anh chị em (Hê 10:24, 25). Chúng ta cũng có thể được khích lệ rất nhiều khi tâm sự với những người bạn đáng tin cậy trong hội thánh. “Một lời lành” từ một người bạn có thể giúp lòng mình bớt nặng trĩu.—Châm 12:25.

Xem đoạn 17 *

17. Theo Hê-bơ-rơ 6:19, làm thế nào hy vọng Nước Trời giúp chúng ta vững vàng bất kể hoàn cảnh khó khăn?

17 (6) Giữ vững niềm hy vọng. Hy vọng Nước Trời “như một cái neo cho sự sống”, giúp chúng ta vững vàng bất kể hoàn cảnh khó khăn hoặc những suy nghĩ gây lo lắng. (Đọc Hê-bơ-rơ 6:19). Hãy suy ngẫm lời hứa của Đức Giê-hô-va về tương lai, lúc đó sẽ không còn những suy nghĩ tiêu cực (Ê-sai 65:17). Hãy hình dung mình ở trong thế giới mới an bình, không còn những điều gây đau khổ (Mi 4:4). Niềm hy vọng của anh chị cũng sẽ được củng cố khi chia sẻ hy vọng ấy với người khác. Hãy hết lòng tham gia công việc rao giảng và đào tạo môn đồ. Khi làm thế, anh chị có thể “tin chắc về niềm hy vọng của mình cho đến cuối cùng”.—Hê 6:11.

18. Những thử thách nào có thể xảy ra trong tương lai, và làm sao chúng ta có thể đương đầu thành công?

18 Khi càng đến gần sự kết thúc của thế gian này, chúng ta sẽ càng phải đương đầu với nhiều thử thách gây lo lắng. Câu Kinh Thánh cho năm 2021 có thể giúp chúng ta đương đầu với những thử thách ấy một cách bình tĩnh, không phải bằng sức riêng nhưng nhờ tin cậy Đức Giê-hô-va. Trong suốt năm nay, mong sao qua hành động, chúng ta cho thấy mình tin chắc lời hứa của Đức Chúa Trời: “Thế mạnh các ngươi là sự bình tĩnh và lòng tin cậy”.Ê-sai 30:15.

BÀI HÁT 8 Đức Giê-hô-va là nơi trú náu của chúng ta

^ đ. 5 Câu Kinh Thánh cho năm 2021 nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tin cậy Đức Giê-hô-va khi đương đầu với những tình huống căng thẳng hiện nay và trong tương lai. Bài này sẽ thảo luận những cách thực tế để áp dụng lời khuyên được tìm thấy trong câu Kinh Thánh năm nay.

^ đ. 5 Một số anh chị trung thành phải đương đầu với nỗi lo lắng cực độ và cơn hoảng loạn dữ dội. Chứng rối loạn ấy là vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe và chúng ta không nên nhầm lẫn với sự lo lắng mà Chúa Giê-su nói đến.

^ đ. 63 HÌNH ẢNH: (1) Một chị tha thiết cầu nguyện về nỗi lo lắng của mình nhiều lần trong ngày.

^ đ. 65 HÌNH ẢNH: (2) Trong giờ ăn trưa tại sở làm, chị hướng đến Lời Đức Chúa Trời để có sự khôn ngoan.

^ đ. 67 HÌNH ẢNH: (3) Chị suy ngẫm gương tốt và gương xấu trong Kinh Thánh.

^ đ. 69 HÌNH ẢNH: (4) Chị dán trên tủ lạnh một câu Kinh Thánh khích lệ mà chị muốn học thuộc.

^ đ. 71 HÌNH ẢNH: (5) Chị vui vẻ kết hợp với bạn tốt trong thánh chức.

^ đ. 73 HÌNH ẢNH: (6) Chị củng cố hy vọng bằng cách nghĩ đến tương lai.