Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 2

Học từ “môn đồ mà Chúa Giê-su yêu thương”

Học từ “môn đồ mà Chúa Giê-su yêu thương”

“Chúng ta hãy tiếp tục yêu thương nhau vì tình yêu thương đến từ Đức Chúa Trời”.—1 GIĂNG 4:7.

BÀI HÁT 105 “Đức Chúa Trời là tình yêu thương”

GIỚI THIỆU *

1. Tình yêu thương của Đức Chúa Trời khiến anh chị cảm thấy thế nào?

Sứ đồ Giăng viết: “Đức Chúa Trời là tình yêu thương” (1 Giăng 4:8). Những lời đơn giản này nhắc chúng ta về một sự thật căn bản: Đức Chúa Trời, Nguồn của sự sống, cũng là Nguồn của tình yêu thương. Đức Giê-hô-va yêu thương chúng ta! Tình yêu thương của ngài khiến chúng ta cảm thấy an toàn, hạnh phúc và thỏa nguyện.

2. Theo Ma-thi-ơ 22:37-40, hai điều răn lớn nhất là gì, và tại sao chúng ta có thể thấy khó vâng theo điều răn thứ hai?

2 Đối với tín đồ đạo Đấng Ki-tô, việc thể hiện tình yêu thương không phải là tùy thích. Đó là một điều răn. (Đọc Ma-thi-ơ 22:37-40). Khi hiểu rõ về Đức Giê-hô-va, có lẽ chúng ta thấy dễ để vâng theo điều răn thứ nhất. Suy cho cùng, Đức Giê-hô-va là đấng hoàn hảo; ngài quan tâm và đối xử nhân từ với chúng ta. Nhưng có thể chúng ta thấy khó vâng theo điều răn thứ hai. Tại sao? Vì anh em đồng đạo, nằm trong số những người lân cận gần nhất với chúng ta, là người bất toàn. Đôi khi, họ nói và làm những điều mà chúng ta nghĩ là thiếu yêu thương và không tử tế. Đức Giê-hô-va biết chúng ta sẽ đối mặt với thử thách này, nên ngài soi dẫn một số người viết Kinh Thánh ghi lại lời khuyên cụ thể về việc tại sao và làm thế nào để thể hiện tình yêu thương với nhau. Trong số những người này có Giăng.—1 Giăng 3:11, 12.

3. Giăng nhấn mạnh điều gì về tình yêu thương?

3 Trong những sách ông viết, Giăng nhấn mạnh rằng tín đồ đạo Đấng Ki-tô cần phải thể hiện tình yêu thương. Thực tế, trong lời tường thuật về đời sống của Chúa Giê-su, Giăng dùng từ “yêu thương” nhiều hơn so với ba sách Phúc âm khác gộp lại. Giăng khoảng 100 tuổi khi ông viết Phúc âm mang tên mình và ba lá thư khác. Những sách được soi dẫn này cho thấy tình yêu thương phải ảnh hưởng đến mọi điều chúng ta làm (1 Giăng 4:10, 11). Tuy nhiên, cần thời gian để Giăng học được bài học đó.

4. Giăng có luôn thể hiện tình yêu thương với người khác không?

4 Khi còn trẻ, có những lúc Giăng đã không thể hiện tình yêu thương. Chẳng hạn vào một dịp, Chúa Giê-su và các môn đồ đi ngang qua Sa-ma-ri để đến Giê-ru-sa-lem. Người dân trong một làng Sa-ma-ri không muốn tỏ lòng hiếu khách với Chúa Giê-su và những người cùng đi với ngài. Giăng đã phản ứng thế nào? Ông xin Chúa Giê-su cho ông kêu lửa từ trời xuống hủy diệt hết thảy dân trong làng đó! (Lu 9:52-56). Cũng có lần Giăng đã không thể hiện tình yêu thương với các sứ đồ khác. Ông và anh trai là Gia-cơ dường như đã thuyết phục mẹ xin Chúa Giê-su cho họ vị trí nổi trội bên cạnh ngài trong Nước Trời. Khi các sứ đồ khác biết chuyện, họ rất giận Gia-cơ và Giăng! (Mat 20:20, 21, 24). Dù Giăng có những khuyết điểm ấy nhưng Chúa Giê-su vẫn yêu thương ông.—Giăng 21:7.

5. Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài này?

5 Trong bài này, chúng ta sẽ xem xét gương của Giăng và một số điều ông viết về tình yêu thương. Khi làm thế, chúng ta sẽ biết cách thể hiện tình yêu thương với anh em đồng đạo. Chúng ta cũng sẽ học về một điều quan trọng mà người làm đầu gia đình có thể làm để cho thấy anh yêu thương gia đình.

TÌNH YÊU THƯƠNG ĐƯỢC THỂ HIỆN BẰNG HÀNH ĐỘNG

Đức Giê-hô-va cho thấy ngài yêu thương chúng ta bằng cách phái Con một xuống đất để chết cho chúng ta (Xem đoạn 6, 7)

6. Đức Giê-hô-va cho thấy ngài yêu thương chúng ta qua cách nào?

6 Chúng ta thường nghĩ yêu thương là cảm xúc nồng ấm được thể hiện qua lời nói ân cần. Nhưng tình yêu thương thật thì cũng phải được thể hiện bằng hành động. (So sánh Gia-cơ 2:17, 26). Chẳng hạn, Đức Giê-hô-va yêu thương chúng ta (1 Giăng 4:19). Ngài bày tỏ tình yêu thương qua những lời ấm lòng được ghi lại trong Kinh Thánh (Thi 25:10; Rô 8:38, 39). Nhưng chúng ta biết Đức Chúa Trời yêu thương chúng ta không chỉ qua những gì ngài nói mà còn qua những gì ngài làm. Giăng viết: “Trong trường hợp của chúng ta, tình yêu thương của Đức Chúa Trời được tỏ ra qua điều này: Đức Chúa Trời đã sai Con một của ngài xuống thế gian, hầu nhờ Con ấy mà chúng ta có sự sống” (1 Giăng 4:9). Đức Giê-hô-va đã để cho Con yêu dấu của ngài chịu đau khổ và chết vì chúng ta (Giăng 3:16). Chẳng phải điều đó cho thấy Đức Giê-hô-va thật sự yêu thương chúng ta sao?

7. Chúa Giê-su đã làm gì để cho thấy ngài yêu thương chúng ta?

7 Chúa Giê-su cho các môn đồ biết ngài yêu thương họ (Giăng 13:1; 15:15). Ngài cho thấy tình yêu thương sâu đậm ngài dành cho họ và cho chúng ta không chỉ qua lời nói mà còn qua hành động. Chúa Giê-su nói: “Không ai có tình yêu thương lớn hơn người sẵn sàng hy sinh mạng sống vì bạn mình” (Giăng 15:13). Khi nghĩ về những điều Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su đã làm cho chúng ta, chúng ta nên được thúc đẩy làm gì?

8. Theo 1 Giăng 3:18, chúng ta nên làm gì?

8 Chúng ta cho thấy mình yêu thương Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su bằng cách vâng lời hai đấng ấy (Giăng 14:15; 1 Giăng 5:3). Chúa Giê-su lệnh cho chúng ta yêu thương lẫn nhau (Giăng 13:34, 35). Chúng ta không chỉ nói là yêu thương anh em nhưng cũng cần thể hiện điều đó qua hành động. (Đọc 1 Giăng 3:18). Chúng ta có thể làm gì để cho thấy mình yêu thương họ?

HÃY YÊU THƯƠNG ANH EM ĐỒNG ĐẠO

9. Tình yêu thương đã thôi thúc Giăng làm gì?

9 Giăng đã có thể ở lại quê nhà với cha và làm việc trong cơ sở đánh cá của gia đình để kiếm tiền. Tuy nhiên, ông đã dành quãng đời còn lại để giúp người khác biết sự thật về Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su. Lối sống mà Giăng chọn không hề dễ dàng. Ông bị ngược đãi, và vào cuối thế kỷ thứ nhất, ông bị lưu đày khi đã lớn tuổi (Công 3:1; 4:1-3; 5:18; Khải 1:9). Ngay cả khi bị ngồi tù vì rao giảng về Chúa Giê-su, Giăng cũng cho thấy ông nghĩ đến người khác. Chẳng hạn khi ở đảo Bát-mô, ông ghi lại sự mạc khải mình nhận được và gửi cho các hội thánh, nhờ thế họ biết những điều “không lâu nữa sẽ phải xảy ra” (Khải 1:1). Rất có thể sau khi ra tù ở đảo Bát-mô, Giăng viết sách Phúc âm tường thuật về đời sống và thánh chức của Chúa Giê-su. Giăng cũng viết ba lá thư để khích lệ và làm vững mạnh anh em đồng đạo. Làm thế nào anh chị có thể bắt chước lối sống hy sinh của Giăng?

10. Anh chị có thể cho thấy mình yêu thương người khác qua cách nào?

10 Anh chị có thể cho thấy mình yêu thương người khác qua cách anh chị dùng đời sống của mình. Thế gian của Sa-tan muốn chúng ta dùng hết thời gian và sức lực cho bản thân, kiếm thật nhiều tiền và tạo danh tiếng trong xã hội. Ngược lại, những tín đồ có tinh thần hy sinh nỗ lực dành càng nhiều thời gian càng tốt để rao giảng tin mừng và giúp người khác đến gần Đức Giê-hô-va. Một số người thậm chí còn tham gia công việc rao giảng và dạy dỗ trọn thời gian.

Chúng ta cho thấy mình yêu thương anh em đồng đạo và gia đình qua hành động (Xem đoạn 11, 17) *

11. Nhiều người công bố trung thành cho thấy họ yêu thương Đức Giê-hô-va và anh em đồng đạo qua những cách nào?

11 Nhiều tín đồ trung thành phải làm việc trọn thời gian ngoài đời để chu cấp cho bản thân và gia đình. Dù vậy, những công bố trung thành này vẫn ủng hộ tổ chức của Đức Chúa Trời qua nhiều cách khác nhau. Chẳng hạn, một số giúp trong công tác cứu trợ, số khác tham gia các dự án xây cất thần quyền, và một điều mà mọi người đều có thể làm là đóng góp cho công việc toàn cầu. Họ làm những điều này vì yêu thương Đức Chúa Trời và người đồng loại. Mỗi tuần, chúng ta cho thấy mình yêu thương anh em đồng đạo qua việc tham dự và góp phần vào các buổi nhóm họp. Dù có lẽ mệt, chúng ta vẫn có mặt tại những buổi nhóm này. Dù có lẽ cảm thấy sợ, chúng ta vẫn bình luận. Và dù ai cũng có vấn đề riêng, chúng ta vẫn khích lệ người khác trước hoặc sau buổi nhóm họp (Hê 10:24, 25). Chúng ta thật biết ơn anh em đồng đạo vì những gì họ làm!

12. Một cách khác mà Giăng chứng tỏ mình yêu thương anh em đồng đạo là gì?

12 Giăng chứng tỏ tình yêu thương dành cho anh em đồng đạo không chỉ qua việc khen họ mà còn cho họ lời khuyên. Chẳng hạn trong các lá thư, Giăng khen anh em đồng đạo về đức tin và việc tốt lành của họ, nhưng ông cũng cho họ lời khuyên thẳng thắn về tội lỗi (1 Giăng 1:8–2:1, 13, 14). Tương tự, chúng ta cần khen anh em về những việc tốt họ làm. Tuy nhiên, nếu thấy một người bắt đầu có thái độ hoặc thói quen xấu, chúng ta cho thấy mình yêu thương họ bằng cách tế nhị cho họ lời khuyên. Điều này đòi hỏi sự can đảm, nhưng Kinh Thánh nói người bạn thật sẽ mài giũa, tức chỉnh sửa, bạn mình.—Châm 27:17.

13. Chúng ta nên tránh làm gì?

13 Đôi khi, chúng ta cho thấy mình yêu thương anh em đồng đạo qua những điều mình không làm. Chẳng hạn, chúng ta không vội giận bởi những gì họ nói. Hãy xem một trường hợp xảy ra khi Chúa Giê-su sống trên đất. Ngài bảo các môn đồ rằng để có sự sống, họ phải ăn thịt và uống huyết của ngài (Giăng 6:53-57). Nhiều môn đồ bị sốc khi nghe những lời của Chúa Giê-su và bỏ ngài, nhưng những người bạn thật thì không, trong đó có Giăng. Họ trung thành gắn bó với ngài. Họ không hiểu điều Chúa Giê-su nói và rất có thể họ cũng ngạc nhiên. Dù vậy, những người bạn trung thành của Chúa Giê-su không nghĩ rằng điều ngài nói là sai và cảm thấy bị xúc phạm. Họ tin cậy ngài và biết rằng ngài luôn nói sự thật (Giăng 6:60, 66-69). Điều quan trọng là chúng ta không nên dễ bị xúc phạm vì những gì bạn mình nói. Thay vì thế, chúng ta nên cho họ cơ hội để giải thích.—Châm 18:13; Truyền 7:9.

14. Tại sao chúng ta không nên để sự thù ghét nảy nở trong lòng?

14 Giăng cũng khuyên chúng ta không nên ghét anh em đồng đạo. Nếu lờ đi lời khuyên này, chúng ta tạo cơ hội cho Sa-tan ảnh hưởng đến mình (1 Giăng 2:11; 3:15). Điều này đã xảy ra cho một số tín đồ vào cuối thế kỷ thứ nhất CN. Sa-tan ra sức cổ vũ sự thù ghét và chia rẽ dân Đức Chúa Trời. Đến thời điểm Giăng viết các lá thư, những người có tinh thần giống như Sa-tan đã lẻn vào hội thánh. Chẳng hạn, lúc bấy giờ Đi-ô-trép gây sự chia rẽ sâu sắc trong hội thánh (3 Giăng 9, 10). Anh ta bất kính với những anh lưu động mà hội đồng lãnh đạo phái đến. Thậm chí, anh ta còn tìm cách đuổi khỏi hội thánh những ai tỏ lòng hiếu khách với người mà anh ta không thích. Thật ngạo mạn! Ngày nay Sa-tan vẫn cố dùng thủ đoạn “chia để trị” đối với dân Đức Chúa Trời. Mong sao chúng ta không bao giờ để sự thù ghét chia rẽ chúng ta.

HÃY YÊU THƯƠNG GIA ĐÌNH

Chúa Giê-su tin tưởng giao cho Giăng nhiệm vụ chăm sóc cho mẹ ngài về thể chất và thiêng liêng. Những người làm đầu gia đình ngày nay cũng cần chăm sóc các nhu cầu cho người nhà mình (Xem đoạn 15, 16)

15. Người làm đầu gia đình cần nhớ điều gì?

15 Một cách quan trọng mà người làm đầu cho thấy mình yêu thương gia đình là chu cấp cho họ về nhu cầu thể chất (1 Ti 5:8). Tuy nhiên, anh cần nhớ rằng vật chất không thể thỏa mãn nhu cầu thiêng liêng của gia đình (Mat 5:3). Chúa Giê-su nêu gương cho những người làm đầu gia đình. Theo Phúc âm Giăng, khi Chúa Giê-su bị treo trên cây cột, ngài vẫn nghĩ đến người thân. Lúc đó Giăng đang đứng ở nơi Chúa Giê-su bị xử tử, bên cạnh mẹ ngài là Ma-ri. Dù rất đau đớn, Chúa Giê-su vẫn sắp đặt để Giăng chăm sóc cho Ma-ri (Giăng 19:26, 27). Chúa Giê-su có những người em có thể chăm sóc cho Ma-ri về nhu cầu thể chất, nhưng lúc ấy dường như chưa ai trong số họ trở thành môn đồ của ngài. Vì thế, Chúa Giê-su muốn đảm bảo rằng Ma-ri được chăm sóc cả về thể chất lẫn thiêng liêng.

16. Giăng có những trách nhiệm nào?

16 Giăng gánh vác nhiều trách nhiệm khác nhau. Là một sứ đồ, ông dẫn đầu trong công việc rao giảng. Có lẽ ông cũng có gia đình, nên ông phải chăm sóc cho gia đình cả về nhu cầu thể chất lẫn thiêng liêng (1 Cô 9:5). Bài học cho người làm đầu gia đình ngày nay là gì?

17. Tại sao người làm đầu cần chăm sóc cho gia đình về nhu cầu thiêng liêng?

17 Một anh làm đầu gia đình có lẽ gánh vác nhiều trọng trách khác nhau. Chẳng hạn, anh phải siêng năng làm công việc ngoài đời để tôn vinh Đức Giê-hô-va (Ê-phê 6:5, 6; Tít 2:9, 10). Có lẽ anh cũng có trách nhiệm trong hội thánh, như chăn bầy và dẫn đầu công việc rao giảng. Nhưng anh có một trách nhiệm quan trọng khác là đều đặn học Kinh Thánh với vợ và con. Gia đình sẽ rất quý trọng những nỗ lực của anh trong việc chăm sóc cho họ về nhu cầu thể chất, tình cảm và thiêng liêng.—Ê-phê 5:28, 29; 6:4.

“LUÔN Ở TRONG TÌNH YÊU THƯƠNG CỦA TÔI”

18. Giăng tin chắc điều gì?

18 Giăng sống thọ và có một đời sống đầy hào hứng. Ông đối mặt với đủ loại thử thách đã có thể làm ông suy yếu đức tin. Nhưng ông luôn nỗ lực để vâng theo các điều răn của Chúa Giê-su, bao gồm yêu thương anh em đồng đạo. Nhờ thế, Giăng tin chắc Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su yêu thương ông và ban cho ông sức mạnh để vượt qua bất cứ thử thách nào (Giăng 14:15-17; 15:10; 1 Giăng 4:16). Không điều gì Sa-tan và thế gian làm có thể khiến Giăng ngưng yêu thương anh em và thể hiện điều đó qua lời nói cũng như hành động.

19. Theo 1 Giăng 4:7, chúng ta được khuyến khích làm gì, và tại sao?

19 Giống như Giăng, chúng ta sống trong thế gian dưới sự cai trị của Sa-tan, một kẻ đầy lòng thù ghét (1 Giăng 3:1, 10). Hắn muốn chúng ta ngưng yêu thương anh em đồng đạo, nhưng hắn không thể khiến điều đó xảy ra trừ khi chúng ta để hắn làm thế. Mong sao chúng ta quyết tâm yêu thương anh em và thể hiện tình yêu thương đó qua lời nói cũng như hành động. Khi làm thế, chúng ta sẽ vui mừng được thuộc về gia đình của Đức Giê-hô-va và có đời sống đầy thỏa nguyện.—Đọc 1 Giăng 4:7.

BÀI HÁT 88 Xin dạy con biết đường lối Cha

^ đ. 5 Sứ đồ Giăng được cho là “môn đồ mà Chúa Giê-su yêu thương” (Giăng 21:7). Điều này cho thấy dù Giăng còn trẻ lúc kết hợp với Chúa Giê-su, nhưng hẳn ông có nhiều đức tính đáng quý. Về sau, Đức Giê-hô-va dùng ông để viết nhiều về đề tài tình yêu thương. Bài này sẽ thảo luận một số điều Giăng viết và xem chúng ta học được gì từ gương của ông.

^ đ. 59 HÌNH ẢNH: Một người làm đầu gia đình rất bận rộn. Anh tham gia công tác cứu trợ, đóng góp để ủng hộ cho công việc toàn cầu và mời người khác cùng tham dự buổi thờ phượng của gia đình.