KINH NGHIỆM
Chúng tôi học được cách không bao giờ nói không với Đức Giê-hô-va
Sau một cơn bão nhiệt đới, dòng sông đỏ ngầu, nước chảy cuồn cuộn, cuốn theo những tảng đá. Chúng tôi cần qua bên kia sông, nhưng nước đã cuốn trôi chiếc cầu. Tôi và chồng là anh Harvey cùng với người thông dịch tiếng Amis cảm thấy sợ hãi và bất lực. Trong khi các anh ở bên kia lo lắng quan sát, chúng tôi bắt đầu băng qua. Đầu tiên, chúng tôi lái chiếc xe nhỏ vào thùng một xe tải cũng không lớn hơn bao nhiêu. Không có dây thừng hay dây xích để cố định xe chúng tôi. Rồi chiếc xe tải chầm chậm băng qua dòng nước. Đoạn đường dường như dài vô tận, chúng tôi cầu nguyện tha thiết và không ngừng. Cuối cùng chúng tôi đã băng qua một cách an toàn. Sự kiện này xảy ra vào năm 1971. Lúc đó, chúng tôi ở miền duyên hải phía đông của Đài Loan, cách xa quê hương hàng ngàn ki-lô-mét. Giờ đây, tôi xin kể lại câu chuyện của chúng tôi.
TẬP YÊU MẾN ĐỨC GIÊ-HÔ-VA
Anh Harvey là anh cả trong bốn người anh em. Gia đình anh vào chân lý ở Midland Junction, Tây Úc, trong thời điểm kinh tế khủng hoảng vào thập niên 1930. Anh Harvey dần yêu mến Đức Giê-hô-va và báp-têm khi 14 tuổi. Không lâu sau, anh học được rằng không nên từ chối nhiệm vụ thần quyền. Khi còn trẻ, có lần anh Harvey được một anh đề nghị đọc Tháp Canh tại buổi nhóm họp nhưng anh từ chối vì nghĩ mình không hội đủ điều kiện. Nhưng anh kia nói với anh Harvey: “Khi một anh trong tổ chức Đức Giê-hô-va đề nghị em làm điều gì đó, thì có nghĩa là anh ấy nghĩ rằng em hội đủ điều kiện”.—2 Cô 3:5.
Tôi vào chân lý khi ở Anh Quốc, mẹ và chị gái tôi cũng vậy. Lúc đầu, cha chống đối nhưng mãi về sau cha cũng theo chân lý. Đi ngược lại với ước muốn của cha, tôi báp-têm khi chỉ mới chín tuổi. Tôi đặt mục tiêu làm tiên phong và sau đó là làm giáo sĩ. Tuy nhiên, cha chỉ cho phép tôi làm tiên phong khi tôi 21 tuổi. Tôi không muốn đợi lâu như thế. Vì vậy, khi 16 tuổi, tôi xin cha cho chuyển đến Úc sống với chị gái đang định cư tại đó, và cha đã
đồng ý. Cuối cùng khi 18 tuổi, tôi bắt đầu làm tiên phong.Tại Úc, tôi gặp anh Harvey. Cả hai chúng tôi đều có ước muốn phụng sự Đức Giê-hô-va với tư cách là giáo sĩ. Chúng tôi kết hôn vào năm 1951. Sau khi cùng làm tiên phong được hai năm, vợ chồng tôi được mời tham gia công việc vòng quanh. Vòng quanh của chúng tôi là một vùng rộng lớn thuộc Tây Úc, nên chúng tôi thường phải lái xe rất xa băng qua những vùng khô cằn và hẻo lánh.
GIẤC MƠ THÀNH HIỆN THỰC
Vào năm 1954, chúng tôi được mời tham dự khóa 25 của Trường Ga-la-át. Giấc mơ làm giáo sĩ của chúng tôi sắp thành hiện thực! Chúng tôi đi tàu thủy đến New York và bắt đầu một khóa học đào sâu Kinh Thánh. Một phần trong chương trình là học tiếng Tây Ban Nha. Đó là một thách đố đối với anh Harvey vì anh không thể uốn lưỡi để phát âm chữ “r”.
Trong thời gian diễn ra khóa học, các giảng viên thông báo rằng ai muốn phụng sự ở Nhật thì có thể đăng ký lớp học tiếng Nhật. Chúng tôi quyết định không đăng ký vì muốn để tổ chức Đức Giê-hô-va chọn nhiệm sở cho mình. Không lâu sau đó, một giảng viên của Trường Ga-la-át là anh Albert Schroeder nhận thấy chúng tôi chưa đăng ký. Anh nói với chúng tôi: “Anh chị hãy suy nghĩ đến việc đăng ký nhé”. Khi chúng tôi còn do dự, anh Schroeder cho biết: “Tôi và các giảng viên khác đã đăng ký cho anh chị rồi. Hãy thử xem anh chị có thể uốn lưỡi phát âm tiếng Nhật hay không”. Ngôn ngữ này quả thật dễ hơn cho anh Harvey.
Chúng tôi đến Nhật vào năm 1955. Lúc đó, cả nước chỉ có 500 công bố. Anh Harvey 26 tuổi, còn tôi thì 24. Chúng tôi được bổ nhiệm đến thành phố cảng Kobe và phụng sự ở đó bốn năm. Rồi chúng tôi vui mừng khi được mời trở lại công việc lưu động và phụng sự gần thành phố Nagoya. Chúng tôi yêu mến mọi thứ trong nhiệm sở: anh em, thức ăn và thôn quê. Nhưng không lâu sau đó, chúng tôi có cơ hội khác để không nói không với Đức Giê-hô-va.
NHIỆM SỞ MỚI KÈM THEO THỬ THÁCH MỚI
Sau ba năm làm công việc lưu động, chi nhánh Nhật hỏi xem chúng tôi có sẵn sàng đi Đài Loan để phục vụ trong cánh đồng người Amis bản địa hay không. Do sự bội đạo nổi lên ở đó nên chi nhánh Đài Loan cần một anh thành thạo tiếng Nhật để giúp cải thiện * Chúng tôi rất yêu thích công việc ở Nhật nên đây là một quyết định khó khăn, nhưng anh Harvey đã học được là không bao giờ nên từ chối bất cứ nhiệm vụ nào. Vì thế, chúng tôi đồng ý đi.
tình hình.Chúng tôi đến Đài Loan vào tháng 11 năm 1962. Lúc đó, Đài Loan có 2.271 công bố, phần lớn là người Amis. Điều đầu tiên chúng tôi cần làm là học tiếng Hoa. Dù chúng tôi chỉ có một cuốn sách giáo khoa và người dạy không biết nói tiếng Anh, nhưng cuối cùng chúng tôi vẫn học được.
Không lâu sau khi đến Đài Loan, anh Harvey được bổ nhiệm làm tôi tớ chi nhánh. Chi nhánh lúc đó còn rất nhỏ, nên anh Harvey có thể chăm lo các trách nhiệm trong văn phòng và vẫn tham gia các hoạt động thần quyền với anh em người Amis tới ba tuần mỗi tháng. Thỉnh thoảng, anh cũng phục vụ với tư cách giám thị địa hạt, bao gồm việc trình bày các bài giảng tại hội nghị. Thật ra, anh Harvey có thể làm bài giảng trong tiếng Nhật mà anh em người Amis hiểu được. Tuy nhiên, chính quyền chỉ cho phép những buổi họp tôn giáo diễn ra trong tiếng Hoa. Vì thế, dù chưa giỏi tiếng Hoa, anh Harvey vẫn trình bày bài giảng trong thứ tiếng ấy, rồi một anh khác dịch sang tiếng Amis.
Lúc ấy Đài Loan vẫn trong tình trạng thiết quân luật. Do đó, anh em chúng ta phải xin giấy phép để tổ chức hội nghị vòng quanh. Xin giấy phép không phải là điều dễ và cảnh sát thường trì hoãn việc cấp phép. Nếu đến tuần diễn ra hội nghị mà cảnh sát chưa cấp giấy phép, anh Harvey sẽ ra sở cảnh sát ngồi chờ cho đến khi họ cấp cho anh. Vì cảnh sát thấy ngại khi có người nước ngoài chờ trong sở làm việc, nên chiến thuật của anh Harvey đã thành công.
CHUYẾN LEO NÚI ĐẦU TIÊN
Trong những tuần làm việc chung với anh em, chúng tôi thường đi bộ liên tục một tiếng hoặc hơn, phải leo núi và lội qua các dòng sông. Tôi vẫn nhớ chuyến leo núi đầu tiên. Sau khi ăn sáng nhanh, chúng tôi bắt xe buýt lúc 5 giờ 30 sáng để tới một ngôi làng hẻo lánh, rồi lội qua một con sông rộng và leo lên sườn núi. Ngọn núi dốc đến nỗi nếu ngước đầu lên thì tôi sẽ thấy chân của anh đang leo phía trước.
Sáng hôm đó, anh Harvey đi thánh chức chung với một số anh địa phương, còn tôi thì làm chứng một mình trong ngôi làng nhỏ có những người nói tiếng Nhật sinh sống. Đến khoảng 1 giờ, tôi mệt lả vì không ăn gì trong nhiều tiếng đồng hồ. Cuối cùng tôi gặp anh Harvey, lúc đó chỉ có một mình anh. Anh Harvey đã đổi vài tạp chí để lấy ba quả trứng gà sống. Anh chỉ cho tôi cách ăn trứng bằng cách đục một lỗ nhỏ ở phía trên và phía dưới quả trứng rồi hút. Dù không hấp dẫn cho lắm, nhưng tôi đã ăn thử. Vậy ai được ăn quả trứng thứ ba? Anh Harvey đưa cho tôi quả trứng đó vì anh nghĩ sẽ không thể vác tôi xuống núi nếu tôi ngất xỉu vì đói.
KỶ NIỆM KHÓ QUÊN
Tại một hội nghị vòng quanh, tôi có một trải nghiệm khó quên. Lúc đó, chúng tôi ở nhà của một anh chị kế bên Phòng Nước Trời. Người Amis rất xem trọng việc tắm rửa nên vợ của giám thị vòng quanh chuẩn bị mọi thứ cần thiết để cho chúng tôi tắm. Anh Harvey đang bận nên bảo tôi đi tắm trước. Chị ấy chuẩn bị ba cái chậu: một chậu nước lạnh, một chậu nước nóng và một cái chậu không có gì. Tôi rất ngạc nhiên khi vợ của giám thị vòng quanh đặt ba cái chậu bên ngoài ngôi nhà, ngay trong tầm nhìn của những anh chị ở Phòng Nước Trời đang chuẩn bị cho hội nghị. Tôi hỏi mượn chị một cái rèm. Chị mang cho tôi một tấm nhựa trong suốt! Thấy vậy, tôi định tắm ở phía sau nhà nhưng ở đó có vài con ngỗng và chúng sẽ mổ bất cứ ai đến gần. Vì thế, tôi tự nhủ: “Các anh chị đang rất bận rộn nên chắc không để ý khi mình tắm đâu. Còn nếu mình không tắm thì họ sẽ cảm thấy bị xúc phạm. Thôi kệ, cứ tắm đi!”. Cuối cùng, tôi quyết định tắm.
ẤN PHẨM DÀNH CHO NGƯỜI AMIS
Anh Harvey nhận ra rằng các anh chị người Amis khó tiến bộ về thiêng liêng vì nhiều người không biết chữ và không có ấn phẩm trong tiếng mẹ đẻ. Vì tiếng Amis lúc bấy giờ bắt đầu được viết bằng bảng chữ cái La Mã nên dường như sẽ hữu ích khi dạy các anh chị ở đó biết đọc tiếng của họ. Điều này đòi hỏi nhiều công sức, nhưng cuối cùng các anh chị người Amis có thể tự học về Đức Giê-hô-va trong ngôn ngữ của mình. Ấn phẩm tiếng Amis bắt đầu có vào gần cuối thập niên 1960, và vào năm 1968, Tháp Canh trong tiếng Amis được xuất bản.
Tuy nhiên, chính phủ không cho phép chúng ta phân phát ấn phẩm trong bất cứ ngôn ngữ nào ngoài tiếng Hoa. Vì thế, để tránh vấn đề, Tháp Canh tiếng Amis được xuất bản dưới nhiều dạng khác nhau. Chẳng hạn, có một thời gian chúng ta sử dụng ấn bản Tháp Canh vừa có tiếng Hoa phổ thông vừa có tiếng Amis. Nếu có người hỏi thì chúng tôi sẽ nói rằng đây là cách để dạy người địa phương nói tiếng Hoa. Kể từ đó, tổ chức Đức Giê-hô-va cung cấp nhiều ấn phẩm trong tiếng Amis để giúp những người đáng quý này biết về chân lý Kinh Thánh.—Công 10:34, 35.
GIAI ĐOẠN TẨY SẠCH
Trong những năm 1960 và 1970, nhiều anh em người Amis không sống theo tiêu chuẩn
của Đức Chúa Trời. Vì không hiểu rõ nguyên tắc Kinh Thánh nên một số người có đời sống vô luân, say sưa, hút thuốc lá hoặc dùng trầu cau. Anh Harvey đến thăm nhiều hội thánh và cố gắng giúp anh em hiểu quan điểm của Đức Giê-hô-va về những vấn đề đó. Trong một lần viếng thăm, chúng tôi đã có trải nghiệm như đề cập ở phần mở đầu.Những anh em khiêm nhường sẵn sàng thay đổi, nhưng tiếc là nhiều người khác thì không. Trong vòng 20 năm, số người công bố ở Đài Loan giảm từ hơn 2.450 công bố xuống còn khoảng 900. Thật đáng buồn khi thấy điều này. Tuy nhiên, chúng tôi biết rằng Đức Giê-hô-va không bao giờ ban phước cho một tổ chức không thanh sạch (2 Cô 7:1). Cuối cùng, những thực hành sai trái đã được tẩy sạch khỏi các hội thánh, và với sự ban phước của Đức Giê-hô-va, hiện nay Đài Loan có hơn 11.000 công bố.
Kể từ những năm 1980 trở đi, chúng tôi thấy tình trạng thiêng liêng của anh em trong các hội thánh Amis được cải thiện. Vì thế, anh Harvey có thể dành nhiều thời gian hơn cho các hội thánh tiếng Hoa. Anh rất vui khi giúp chồng của một số chị trở thành Nhân Chứng. Tôi nhớ anh Harvey nói rằng anh vô cùng vui sướng khi thấy những người chồng ấy cầu nguyện với Đức Giê-hô-va lần đầu. Tôi cũng rất hạnh phúc khi giúp nhiều người có lòng thành đến gần với Đức Giê-hô-va. Tôi còn có niềm vui được phụng sự ở chi nhánh Đài Loan cùng với con trai và con gái của một học viên trước kia của mình.
SỰ MẤT MÁT TO LỚN
Giờ đây, tôi không còn người bạn đời bên cạnh. Sau gần 59 năm kết hôn, người chồng yêu dấu của tôi qua đời vào ngày 1-1-2010 sau khi phải chống chọi với căn bệnh ung thư. Anh ấy đã dành gần 60 năm phụng sự trọn thời gian! Tôi vẫn nhớ anh rất nhiều. Nhưng tôi đã rất hạnh phúc khi cùng anh phụng sự ở hai đất nước đầy thú vị. Chúng tôi đã học nói, anh Harvey còn học cả cách viết, hai ngôn ngữ khó của châu Á.
Vài năm sau đó, Hội đồng Lãnh đạo đã quyết định tốt nhất là tôi nên trở về Úc vì tôi đã lớn tuổi. Ý nghĩ đầu tiên xuất hiện trong đầu tôi là: “Mình không muốn rời Đài Loan”. Nhưng anh Harvey đã dạy tôi rằng không bao giờ nói không với tổ chức Đức Giê-hô-va, vì thế tôi đã làm theo chỉ dẫn của tổ chức. Sau này, tôi thấy quyết định của các anh là khôn ngoan.
Hiện nay, tôi đang phụng sự ở chi nhánh Úc-Á các ngày trong tuần và rao giảng với hội thánh địa phương vào cuối tuần. Tại Bê-tên, tôi rất vui vì có thể dùng tiếng Nhật và tiếng Hoa trong khi hướng dẫn khách tham quan. Tôi nóng lòng chờ đợi sự sống lại được hứa trước. Tôi biết rằng anh Harvey, người học được cách không bao giờ nói không với Đức Giê-hô-va, đang được an toàn trong trí nhớ của ngài.—Giăng 5:28, 29.
^ đ. 14 Dù hiện nay tiếng Hoa là ngôn ngữ chính thức ở Đài Loan, nhưng tiếng Nhật từng là ngôn ngữ chính thức ở quốc gia này trong nhiều thập kỷ. Vì thế, vào lúc đó tiếng Nhật vẫn được sử dụng rộng rãi trong những nhóm sắc tộc khác nhau ở Đài Loan.