Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 5

“Đấng Ki-tô là đầu của mỗi người nam”

“Đấng Ki-tô là đầu của mỗi người nam”

“Đấng Ki-tô là đầu của mỗi người nam”.—1 CÔ 11:3.

BÀI HÁT 12 Đức Giê-hô-va, ngài thật vĩ đại

GIỚI THIỆU *

1. Những yếu tố nào có thể ảnh hưởng đến cách người nam thi hành quyền làm đầu?

Anh chị nghĩ “quyền làm đầu” có nghĩa gì? Một số người nam để truyền thống, văn hóa hoặc quan niệm của gia đình ảnh hưởng đến cách họ đối xử với vợ con. Chị Yanita ở châu Âu chia sẻ: “Nơi tôi sống, quan niệm trọng nam khinh nữ đã ăn sâu vào lòng người ta và họ thường xem phụ nữ như tôi tớ”. Anh Luke ở Hoa Kỳ thì cho biết: “Một số người cha dạy con trai họ rằng phụ nữ nên im lặng và ý kiến của họ không quan trọng”. Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va không muốn người nam thi hành quyền làm đầu theo những cách như thế. (So sánh Mác 7:13). Vậy, làm thế nào người nam có thể học cách thi hành tốt vai trò làm đầu gia đình?

2. Người làm đầu gia đình cần biết điều gì, và tại sao?

2 Để thi hành tốt vai trò của mình, trước hết người làm đầu gia đình cần hiểu Đức Giê-hô-va đòi hỏi điều gì nơi anh. Anh cũng cần biết tại sao Đức Giê-hô-va sắp đặt về quyền làm đầu, và làm thế nào anh có thể noi gương Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su. Tại sao người nam cần hiểu những điều này? Vì Đức Giê-hô-va ban cho người làm đầu gia đình một số quyền hành, và ngài đòi hỏi họ dùng quyền ấy một cách đúng đắn.—Lu 12:48b.

QUYỀN LÀM ĐẦU LÀ GÌ?

3. Chúng ta học được gì về quyền làm đầu từ 1 Cô-rinh-tô 11:3?

3 Đọc 1 Cô-rinh-tô 11:3. Câu này cho biết cách Đức Giê-hô-va tổ chức gia đình hoàn vũ của ngài. Quyền làm đầu gồm hai yếu tố cơ bản: quyền hành và trách nhiệm. Đức Giê-hô-va là “đầu”, tức ngài có quyền tối hậu, và tất cả con cái của ngài, cả thiên sứ lẫn loài người, đều phải chịu trách nhiệm trước mắt ngài (Rô 14:10; Ê-phê 3:14, 15). Đức Giê-hô-va ban cho Chúa Giê-su quyền hành trên hội thánh, nhưng Chúa Giê-su phải chịu trách nhiệm trước mắt Đức Giê-hô-va về cách ngài đối xử với chúng ta (1 Cô 15:27). Đức Giê-hô-va cũng ban cho người chồng quyền hành trên vợ và con cái, nhưng người chồng phải chịu trách nhiệm trước mắt Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su về cách anh đối xử với gia đình.—1 Phi 3:7.

4. Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su có quyền nào?

4 Là đầu của gia đình hoàn vũ, Đức Giê-hô-va có quyền đặt luật cho con cái ngài, và ngài có quyền thi hành luật ấy (Ê-sai 33:22). Chúa Giê-su, đầu hội thánh đạo Đấng Ki-tô, cũng có quyền đặt luật và thi hành luật.—Ga 6:2; Cô 1:18-20.

5. Người làm đầu gia đình có quyền hành nào, nhưng quyền hành ấy có giới hạn nào?

5 Theo khuôn mẫu mà Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su đã thiết lập, người làm đầu gia đình có quyền đưa ra các quyết định cho gia đình mình (Rô 7:2; Ê-phê 6:4). Tuy nhiên, quyền hành của anh có giới hạn. Ví dụ, những quy định anh đưa ra phải dựa trên nguyên tắc Kinh Thánh (Châm 3:5, 6). Người làm đầu gia đình không có quyền đặt quy định cho những người không thuộc gia đình mình (Rô 14:4). Khi con cái lớn lên và rời nhà, các con vẫn tôn trọng anh nhưng không còn ở dưới quyền làm đầu của anh nữa.—Mat 19:5.

TẠI SAO ĐỨC GIÊ-HÔ-VA SẮP ĐẶT VỀ QUYỀN LÀM ĐẦU?

6. Tại sao Đức Giê-hô-va sắp đặt về quyền làm đầu?

6 Đức Giê-hô-va sắp đặt về quyền làm đầu vì yêu thương gia đình của ngài. Sắp đặt ấy là món quà từ Đức Giê-hô-va và giúp gia đình của ngài có bình an và trật tự (1 Cô 14:33, 40). Nếu không có sắp đặt rõ ràng về quyền làm đầu, gia đình của Đức Giê-hô-va sẽ lộn xộn và không hạnh phúc. Chẳng hạn, không ai biết ai sẽ đưa ra quyết định cuối cùng và ai sẽ thực hiện quyết định ấy.

7. Theo Ê-phê-sô 5:25, 28, Đức Giê-hô-va muốn người chồng đối xử với vợ như thế nào?

7 Nếu sắp đặt của Đức Chúa Trời về quyền làm đầu là điều hữu ích, tại sao nhiều phụ nữ ngày nay cảm thấy bị chồng áp bức và kiểm soát? Đó là vì nhiều người nam lờ đi tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va về gia đình và chọn làm theo các phong tục cũng như truyền thống địa phương. Một số người ngược đãi vợ để thỏa mãn ước muốn ích kỷ. Chẳng hạn, người chồng có thể đối xử với vợ một cách gia trưởng và độc đoán vì muốn có thêm lòng tự trọng hoặc chứng tỏ cho người khác thấy mình là “đàn ông đích thực”. Có lẽ người ấy lý luận rằng mình không thể ép vợ yêu thương mình, nhưng có thể khiến cô ấy sợ. Rồi người ấy dùng nỗi sợ như một cách để kiểm soát vợ. * Lối suy nghĩ và hành động như thế cướp đi phẩm giá và danh dự mà người phụ nữ xứng đáng có, và cũng hoàn toàn ngược lại với điều mà Đức Giê-hô-va muốn.—Đọc Ê-phê-sô 5:25, 28.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ HỌC CÁCH THI HÀNH TỐT VAI TRÒ LÀM ĐẦU GIA ĐÌNH?

8. Làm thế nào người nam có thể học cách thi hành tốt vai trò làm đầu gia đình?

8 Để biết cách thi hành tốt vai trò làm đầu gia đình, người nam cần bắt chước cách Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su thi hành quyền làm đầu. Hãy xem hai đức tính mà Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su thể hiện, và chú ý cách người làm đầu gia đình có thể thể hiện hai đức tính ấy với vợ con.

9. Đức Giê-hô-va thể hiện sự khiêm nhường như thế nào?

9 Sự khiêm nhường. Đức Giê-hô-va là đấng khôn ngoan nhất trong vũ trụ. Dù vậy, ngài lắng nghe ý kiến của các tôi tớ ngài (Sáng 18:23, 24, 32). Ngài cho phép những người dưới quyền ngài đưa ra đề nghị (1 Vua 22:19-22). Đức Giê-hô-va là đấng hoàn hảo, nhưng ngài không đòi hỏi chúng ta phải hoàn hảo. Thay vì thế, ngài giúp các tôi tớ bất toàn của ngài thành công (Thi 113:6, 7). Thực tế, Kinh Thánh miêu tả Đức Giê-hô-va là “đấng giúp đỡ” (Thi 27:9; Hê 13:6). Vua Đa-vít nhận biết rằng nhờ Đức Giê-hô-va khiêm nhường, ông mới có thể thực hiện công việc lớn lao mà ông được giao.—2 Sa 22:36.

10. Chúa Giê-su thể hiện sự khiêm nhường như thế nào?

10 Hãy xem gương của Chúa Giê-su. Dù là Chúa của các môn đồ nhưng Chúa Giê-su rửa chân cho họ. Tại sao Đức Giê-hô-va cho ghi lại lời tường thuật này trong Kinh Thánh? Một lý do là để cung cấp cho tất cả chúng ta, trong đó có người làm đầu gia đình, một gương mẫu để noi theo. Chính Chúa Giê-su nói: “Tôi đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như tôi đã làm cho anh em” (Giăng 13:12-17). Dù có nhiều quyền hành, Chúa Giê-su không đòi hỏi người khác phục vụ mình. Thay vì thế, ngài phục vụ người khác.—Mat 20:28.

Người làm đầu gia đình cho thấy mình khiêm nhường và yêu thương bằng cách làm việc nhà và chăm sóc nhu cầu thiêng liêng cho gia đình (Xem đoạn 11, 13)

11. Làm thế nào người làm đầu gia đình có thể noi gương Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su về sự khiêm nhường?

11 Bài học là gì? Người làm đầu gia đình có thể thể hiện tính khiêm nhường theo nhiều cách. Chẳng hạn, anh không đòi hỏi vợ con phải hoàn hảo. Anh lắng nghe ý kiến của các thành viên trong gia đình, ngay cả khi họ không đồng ý với quan điểm của anh. Chị Marley sống ở Hoa Kỳ cho biết: “Vợ chồng tôi đôi khi cũng bất đồng quan điểm. Nhưng tôi biết anh yêu quý và tôn trọng tôi vì anh hỏi ý kiến của tôi và cẩn thận cân nhắc trước khi đưa ra quyết định”. Ngoài ra, một người chồng khiêm nhường thì sẵn sàng làm việc nhà, dù nơi anh sống người ta xem đó là việc của phụ nữ. Đây có thể là thách đố. Tại sao? Một chị tên Rachel chia sẻ: “Ở quê tôi, nếu chồng giúp vợ rửa chén hoặc dọn dẹp nhà cửa thì hàng xóm và họ hàng sẽ cho rằng anh không phải là ‘đàn ông đích thực’. Họ nghĩ anh không biết cách dạy vợ”. Nếu đó là quan điểm phổ biến ở nơi anh chị sống, hãy nhớ rằng Chúa Giê-su đã rửa chân cho các môn đồ, dù công việc đó được xem là của đầy tớ. Một người làm đầu gia đình tốt thì quan tâm đến cảm xúc của vợ con, thay vì quá xem trọng thể diện của mình. Ngoài tính khiêm nhường, người làm đầu gia đình tốt cần có đức tính thiết yếu nào khác?

12. Tình yêu thương thúc đẩy Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su làm gì?

12 Tình yêu thương. Mọi điều Đức Giê-hô-va làm đều xuất phát từ tình yêu thương (1 Giăng 4:7, 8). Ngài yêu thương chăm sóc cho nhu cầu thiêng liêng của chúng ta qua Lời ngài là Kinh Thánh và tổ chức của ngài. Ngài cũng chăm lo nhu cầu tình cảm của chúng ta bằng cách trấn an rằng ngài yêu thương chúng ta. Nói sao về nhu cầu vật chất? Đức Giê-hô-va “cung cấp dồi dào mọi thứ mà chúng ta vui hưởng” (1 Ti 6:17). Khi chúng ta mắc lỗi, Đức Giê-hô-va sửa dạy nhưng ngài vẫn yêu thương chúng ta. Vì tình yêu thương, Đức Giê-hô-va cung cấp giá chuộc cho chúng ta. Chúa Giê-su cũng yêu thương chúng ta đến mức sẵn sàng hy sinh mạng sống vì chúng ta (Giăng 3:16; 15:13). Không điều gì có thể ngăn cản Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su yêu thương những ai trung thành với hai đấng ấy.—Giăng 13:1; Rô 8:35, 38, 39.

13. Tại sao người làm đầu gia đình cần thể hiện tình yêu thương với vợ con? (Cũng xem khung “ Làm thế nào người chồng mới kết hôn có thể được vợ tôn trọng?”)

13 Bài học là gì? Mọi điều người làm đầu gia đình làm nên xuất phát từ tình yêu thương. Tại sao điều này quan trọng? Sứ đồ Giăng cho biết: “Ai chẳng yêu thương người anh em [hoặc gia đình] mình thấy được thì không thể yêu thương Đức Chúa Trời mình chẳng thấy được” (1 Giăng 4:11, 20). Một người yêu thương gia đình và muốn noi gương Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su thì sẽ chăm lo nhu cầu thiêng liêng, tình cảm và vật chất cho gia đình (1 Ti 5:8). Anh sẽ huấn luyện và sửa dạy con cái. Anh cũng sẽ tiếp tục học cách đưa ra những quyết định tôn vinh Đức Giê-hô-va và mang lại lợi ích cho gia đình. Hãy cùng xem cụ thể hơn những điều Đức Giê-hô-va đòi hỏi nơi người làm đầu gia đình và cách anh có thể noi gương Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su.

NGƯỜI LÀM ĐẦU GIA ĐÌNH CẦN LÀM GÌ?

14. Làm thế nào người làm đầu gia đình có thể chăm sóc nhu cầu thiêng liêng cho gia đình?

14 Chăm sóc nhu cầu thiêng liêng cho gia đình. Noi gương Cha ngài, Chúa Giê-su quan tâm đến việc chăm lo cho các môn đồ được no đủ về thiêng liêng (Mat 5:3, 6; Mác 6:34). Tương tự, người làm đầu gia đình sẽ ưu tiên cho việc chăm sóc nhu cầu thiêng liêng của gia đình (Phục 6:6-9). Anh làm thế bằng cách đảm bảo sao cho anh cùng gia đình đọc và học hỏi Lời Đức Chúa Trời, tham dự nhóm họp, đi rao giảng và xây đắp tình bạn với Đức Giê-hô-va.

15. Người làm đầu gia đình có thể chăm sóc nhu cầu tình cảm cho gia đình qua cách nào?

15 Chăm sóc nhu cầu tình cảm cho gia đình. Đức Giê-hô-va công khai bày tỏ lòng trìu mến dành cho Chúa Giê-su (Mat 3:17). Chúa Giê-su thoải mái thể hiện lòng trìu mến với các môn đồ qua lời nói và hành động. Các môn đồ cũng bày tỏ lòng trìu mến với ngài (Giăng 15:9, 12, 13; 21:16). Người làm đầu gia đình có thể cho thấy mình yêu thương vợ con qua những gì anh làm, như học Kinh Thánh với họ. Anh cũng nên nói cho vợ con biết anh yêu thương và quý trọng họ. Khi thích hợp, anh nên khen họ trước mặt người khác.—Châm 31:28, 29.

Để làm hài lòng Đức Giê-hô-va, người làm đầu gia đình cần chăm sóc nhu cầu vật chất cho gia đình (Xem đoạn 16)

16. Người làm đầu gia đình cần làm gì khác, và anh cần tránh điều gì?

16 Chăm sóc nhu cầu vật chất cho gia đình. Đức Giê-hô-va chăm lo nhu cầu căn bản cho dân Y-sơ-ra-ên, ngay cả khi họ bị trừng phạt vì bất tuân (Phục 2:7; 29:5). Ngài cũng cung cấp nhu cầu căn bản cho chúng ta ngày nay (Mat 6:31-33; 7:11). Tương tự, Chúa Giê-su cung cấp thức ăn cho những người theo ngài (Mat 14:17-20). Ngài cũng chăm sóc sức khỏe của họ (Mat 4:24). Để làm hài lòng Đức Giê-hô-va, người làm đầu gia đình cần chu cấp vật chất cho gia đình. Tuy nhiên, anh cần giữ thăng bằng. Anh không nên quá chú tâm đến công việc ngoài đời đến mức bỏ bê việc chăm sóc nhu cầu thiêng liêng và tình cảm cho gia đình.

17. Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su nêu gương nào trong việc huấn luyện và sửa dạy?

17 Huấn luyện. Đức Giê-hô-va huấn luyện và sửa dạy chúng ta vì muốn điều tốt nhất cho chúng ta (Hê 12:7-9). Giống như Cha ngài, Chúa Giê-su huấn luyện những người ở dưới quyền của ngài một cách yêu thương (Giăng 15:14, 15). Ngài đưa ra lời khuyên thẳng thắn nhưng cũng rất nhân từ (Mat 20:24-28). Ngài hiểu rằng chúng ta là người bất toàn và dễ mắc lỗi.—Mat 26:41.

18. Bằng cách nào người làm đầu gia đình có thể noi gương Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su?

18 Người làm đầu gia đình có thể noi gương Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su bằng cách cảm thông với những thiếu sót của các thành viên trong gia đình. Anh không giận dữ với vợ con (Cô 3:19). Thay vì thế, anh áp dụng nguyên tắc nơi Ga-la-ti 6:1 và cố gắng chỉnh sửa họ với “tinh thần mềm mại”, đồng thời nhớ rằng anh cũng bất toàn. Như Chúa Giê-su, anh nhận ra cách dạy dỗ tốt nhất là qua gương mẫu.—1 Phi 2:21.

19, 20. Làm thế nào người làm đầu gia đình có thể noi gương Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su khi đưa ra quyết định?

19 Đưa ra những quyết định yêu thương. Đức Giê-hô-va đưa ra những quyết định mang lại lợi ích tốt nhất cho người khác. Chẳng hạn, ngài quyết định tạo ra sự sống, không phải vì lợi ích của ngài nhưng vì muốn chúng ta vui hưởng sự sống. Không ai có thể buộc ngài hy sinh Con một để chuộc tội cho chúng ta. Nhưng ngài sẵn sàng làm thế vì lợi ích của chúng ta. Chúa Giê-su cũng đưa ra những quyết định mang lại lợi ích cho người khác (Rô 15:3). Chẳng hạn, ngài tạm gác nhu cầu nghỉ ngơi của bản thân để dạy dỗ đoàn dân.—Mác 6:31-34.

20 Một trong những điều khó nhất mà người làm đầu gia đình phải làm là đưa ra quyết định khôn ngoan cho gia đình. Anh xem đó là một trọng trách. Anh cố gắng tránh đưa ra những quyết định độc đoán hoặc chỉ dựa trên cảm xúc. Thay vì vậy, anh để Đức Giê-hô-va huấn luyện mình * (Châm 2:6, 7). Nhờ thế, anh sẽ nghĩ đến lợi ích của người khác thay vì của bản thân.—Phi-líp 2:4.

21. Bài kế tiếp sẽ thảo luận điều gì?

21 Quả thật, Đức Giê-hô-va giao cho những người làm đầu gia đình một nhiệm vụ khó khăn, và họ phải chịu trách nhiệm trước mắt ngài về cách họ thi hành nhiệm vụ ấy. Nhưng nếu người chồng nỗ lực noi gương Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su, anh sẽ thi hành tốt vai trò làm đầu. Nếu vợ anh làm tròn vai trò của mình thì hôn nhân của họ sẽ hạnh phúc. Người vợ nên có quan điểm nào về quyền làm đầu? Và chị có thể gặp những thách đố nào? Bài kế tiếp sẽ trả lời những câu hỏi ấy.

BÀI HÁT 16 Ca ngợi Gia vì người Con được xức dầu của ngài

^ đ. 5 Khi người nam kết hôn, anh trở thành đầu của một gia đình mới. Trong bài này, chúng ta sẽ thảo luận quyền làm đầu là gì, tại sao Đức Giê-hô-va sắp đặt về quyền làm đầu và người nam học được gì từ gương của Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su. Trong bài thứ hai của loạt bài này, chúng ta sẽ xem người chồng và người vợ học được gì từ Chúa Giê-su và những gương khác trong Kinh Thánh. Bài cuối sẽ xem xét khía cạnh quyền làm đầu trong hội thánh.

^ đ. 7 Đôi khi phim ảnh, kịch và ngay cả truyện tranh phản ánh quan điểm cho rằng việc một người nam ngược đãi vợ, thậm chí bạo hành vợ, không có gì sai. Điều này có thể khiến người ta nghĩ rằng người nam kiểm soát vợ là chuyện bình thường.

^ đ. 20 Để biết thêm thông tin về cách đưa ra quyết định khôn ngoan, xin xem bài “Những quyết định tôn vinh Đức Chúa Trời” trong Tháp Canh ngày 15-4-2011, trg 13-17.