Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 7

Hiểu rõ quyền làm đầu trong hội thánh

Hiểu rõ quyền làm đầu trong hội thánh

“Đấng Ki-tô là đầu hội thánh, tức thân thể ngài, và ngài là đấng cứu rỗi của thân thể ấy”.—Ê-PHÊ 5:23.

BÀI HÁT 137 Những người nữ trung thành

GIỚI THIỆU *

1. Một lý do giúp dân của Đức Giê-hô-va hợp nhất là gì?

Chúng ta vui mừng được thuộc về dân của Đức Giê-hô-va. Tại sao chúng ta có sự bình an và hợp nhất? Một lý do là vì tất cả chúng ta đều nỗ lực để tôn trọng sắp đặt của Đức Giê-hô-va về quyền làm đầu. Thực tế, càng hiểu rõ về sắp đặt quyền làm đầu, chúng ta càng hợp nhất.

2. Chúng ta sẽ giải đáp những câu hỏi nào trong bài này?

2 Trong bài này, chúng ta sẽ xem xét về quyền làm đầu trong hội thánh. Chúng ta cũng sẽ tìm lời giải đáp cho những câu hỏi sau: Các chị có vai trò nào? Có đúng là mỗi anh đều là đầu của các chị không? Quyền hành của các trưởng lão trên các anh chị trong hội thánh có giống với quyền hành của người làm đầu gia đình trên vợ con không? Trước tiên, hãy xem chúng ta nên có quan điểm nào về các chị.

CHÚNG TA NÊN CÓ QUAN ĐIỂM NÀO VỀ CÁC CHỊ?

3. Làm thế nào chúng ta có thể gia tăng lòng quý trọng đối với công việc mà các chị làm?

3 Chúng ta quý trọng các chị đang siêng năng chăm sóc gia đình, rao giảng tin mừng và ủng hộ hội thánh. Chúng ta có thể gia tăng lòng quý trọng đối với các chị bằng cách xem xét quan điểm của Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su về họ. Chúng ta cũng sẽ được lợi ích khi xem cách sứ đồ Phao-lô đối xử với phụ nữ.

4. Làm thế nào Kinh Thánh cho thấy Đức Giê-hô-va quý trọng cả người nam lẫn người nữ?

4 Kinh Thánh cho thấy Đức Giê-hô-va quý trọng cả người nam lẫn người nữ. Chẳng hạn, Kinh Thánh cho biết vào thế kỷ thứ nhất, Đức Giê-hô-va ban thần khí thánh cho cả người nam lẫn người nữ và ban cho họ quyền năng thực hiện những công việc kỳ diệu, như nói các ngôn ngữ khác (Công 2:1-4, 15-18). Người thuộc cả hai nhóm này đều được xức dầu bằng thần khí thánh và có triển vọng cùng cai trị với Đấng Ki-tô (Ga 3:26-29). Cả người nam lẫn người nữ đều sẽ nhận phần thưởng là sự sống vĩnh cửu trên đất (Khải 7:9, 10, 13-15). Và cả người nam lẫn người nữ đều được giao công việc rao giảng và dạy dỗ tin mừng (Mat 28:19, 20). Thực tế, sách Công vụ nói đến một nữ tín đồ tên Bê-rít-sin, cùng chồng là A-qui-la, đã giải thích chính xác hơn về chân lý cho A-bô-lô, một người có tri thức.—Công 18:24-26.

5. Lu-ca 10:38, 39, 42 cho biết Chúa Giê-su có quan điểm nào về phụ nữ?

5 Chúa Giê-su tôn trọng phụ nữ. Ngài không làm theo truyền thống của người Pha-ri-si, là những người xem thường phụ nữ. Họ thậm chí không nói chuyện với phụ nữ nơi công cộng, huống chi là thảo luận Kinh Thánh với phụ nữ. Trái lại, Chúa Giê-su thảo luận về những sự thật sâu sắc với cả người nam lẫn người nữ. * (Đọc Lu-ca 10:38, 39, 42). Ngài cũng cho phép phụ nữ đi chung với ngài trong những chuyến rao giảng (Lu 8:1-3). Ngài cho họ đặc ân báo cho các sứ đồ biết là ngài đã được sống lại.—Giăng 20:16-18.

6. Sứ đồ Phao-lô cho thấy ông tôn trọng phụ nữ qua những cách nào?

6 Sứ đồ Phao-lô nhắc Ti-mô-thê về việc tôn trọng phụ nữ. Phao-lô bảo Ti-mô-thê đối xử với “phụ nữ lớn tuổi như mẹ” và xem “phụ nữ trẻ tuổi như chị em” (1 Ti 5:1, 2). Phao-lô làm nhiều điều để giúp Ti-mô-thê trở thành tín đồ thành thục, nhưng ông nhận biết rằng chính mẹ và bà ngoại của Ti-mô-thê là những người đầu tiên dạy Ti-mô-thê về Kinh Thánh (2 Ti 1:5; 3:14, 15). Trong lá thư viết cho tín đồ ở Rô-ma, Phao-lô gửi lời chào đến một số nữ tín đồ và nhắc cụ thể đến tên của họ. Ông không chỉ để ý đến những gì họ làm mà còn bày tỏ lòng quý trọng đối với công việc phục vụ của họ.—Rô 16:1-4, 6, 12; Phi-líp 4:3.

7. Chúng ta sẽ xem xét những câu hỏi nào?

7 Như những đoạn trước cho thấy, không có cơ sở nào dựa trên Kinh Thánh để cho rằng các chị thấp kém hơn các anh. Các chị yêu thương và rộng rãi của chúng ta là món quà quý, và các anh trưởng lão rất biết ơn sự giúp đỡ của họ trong việc đẩy mạnh sự bình an và hợp nhất trong hội thánh. Nhưng có vài câu hỏi cần được giải đáp. Chẳng hạn, tại sao Đức Giê-hô-va đòi hỏi người nữ phải trùm đầu trong một số trường hợp? Trong hội thánh chỉ các anh được bổ nhiệm làm trưởng lão và phụ tá, phải chăng điều này có nghĩa mỗi anh đều là đầu của các chị trong hội thánh?

CÓ PHẢI MỖI ANH ĐỀU LÀ ĐẦU CỦA CÁC CHỊ?

8. Theo Ê-phê-sô 5:23, có phải mỗi anh đều là đầu của các chị không? Hãy giải thích.

8 Câu trả lời ngắn gọn là không! Một anh không phải là đầu của tất cả các chị trong hội thánh; Đấng Ki-tô mới là đầu của họ. (Đọc Ê-phê-sô 5:23). Trong gia đình, chồng có quyền hành trên vợ. Con trai đã báp-têm không phải là đầu của mẹ mình (Ê-phê 6:1, 2). Trong hội thánh, các trưởng lão chỉ có một số quyền hành trên các anh chị (1 Tê 5:12; Hê 13:17). Các chị độc thân không còn sống với cha mẹ vẫn tôn trọng cha mẹ và các trưởng lão. Tuy nhiên, giống các nam tín đồ trong hội thánh, họ chỉ có một đầu là Chúa Giê-su.

Người độc thân không còn sống với cha mẹ thì ở dưới quyền làm đầu của Chúa Giê-su (Xem đoạn 8)

9. Tại sao đôi khi các chị cần trùm đầu?

9 Đúng là Đức Giê-hô-va bổ nhiệm người nam dẫn đầu việc dạy dỗ và thờ phượng trong hội thánh, và ngài không giao cho các chị những quyền hành đó (1 Ti 2:12). Tại sao? Giống với lý do Đức Giê-hô-va bổ nhiệm Chúa Giê-su làm đầu người nam, ngài cũng bổ nhiệm người nam dẫn đầu để giữ trật tự trong hội thánh. Nếu vì hoàn cảnh mà một chị phải thực hiện trách nhiệm thường được giao cho một anh, Đức Giê-hô-va đòi hỏi chị ấy phải trùm đầu * (1 Cô 11:4-7). Đức Giê-hô-va đòi hỏi điều này, không phải để hạ thấp các chị, mà để các chị có cơ hội cho thấy mình tôn trọng nguyên tắc về quyền làm đầu. Ghi nhớ những điều này, hãy cùng tìm lời giải đáp cho câu hỏi: Người làm đầu gia đình và trưởng lão có quyền hành ở mức độ nào?

VAI TRÒ CỦA NGƯỜI LÀM ĐẦU GIA ĐÌNH VÀ TRƯỞNG LÃO

10. Điều gì có thể khiến một trưởng lão muốn đặt ra luật cho hội thánh?

10 Các trưởng lão yêu thương Đấng Ki-tô, và họ yêu thương chiên mà Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su giao cho họ chăm sóc (Giăng 21:15-17). Vì có ý tốt, một trưởng lão có thể nghĩ là mình giống như người cha đối với các anh chị trong hội thánh. Có lẽ anh lý luận rằng nếu người làm đầu gia đình có quyền đặt ra luật để bảo vệ gia đình, thì trưởng lão cũng có thể đặt ra luật mà anh nghĩ sẽ bảo vệ chiên của Đức Chúa Trời. Ngoài ra, một số anh chị cho thấy họ muốn trưởng lão làm đầu của mình về mặt thiêng liêng bằng cách xin các anh quyết định thay họ. Nhưng quyền hành của trưởng lão trong hội thánh và của người làm đầu gia đình có giống nhau không?

Trưởng lão chăm lo cho nhu cầu thiêng liêng và tinh thần của hội thánh. Đức Giê-hô-va giao cho họ trách nhiệm giữ cho hội thánh thanh sạch về đạo đức (Xem đoạn 11, 12)

11. Có những điểm tương đồng nào giữa vai trò của người làm đầu gia đình và của trưởng lão?

11 Sứ đồ Phao-lô hàm ý rằng có một số điểm tương đồng giữa vai trò của người làm đầu gia đình và của trưởng lão (1 Ti 3:4, 5). Chẳng hạn, Đức Giê-hô-va muốn các thành viên trong gia đình vâng lời người làm đầu (Cô 3:20). Ngài cũng muốn các anh chị trong hội thánh vâng lời trưởng lão. Đức Giê-hô-va đòi hỏi cả người làm đầu gia đình lẫn trưởng lão đảm bảo sao cho những ai mà họ chăm sóc được khỏe mạnh về thiêng liêng. Cả hai cũng cần an ủi và khích lệ những ai ở dưới quyền họ. Giống như một người làm đầu gia đình tốt, các trưởng lão cần đảm bảo rằng những người mà họ chăm sóc nhận được sự giúp đỡ trong lúc khó khăn (Gia 2:15-17). Ngoài ra, Đức Giê-hô-va muốn trưởng lão và người làm đầu gia đình giúp người khác vâng theo các tiêu chuẩn của ngài. Ngài cũng muốn họ tránh “vượt quá lời đã viết” trong Kinh Thánh.—1 Cô 4:6.

Người làm đầu gia đình được Đức Giê-hô-va ban quyền để dẫn đầu gia đình. Trước khi đưa ra quyết định, một người làm đầu yêu thương sẽ bàn bạc với vợ (Xem đoạn 13)

12, 13. Dựa trên Rô-ma 7:2, vai trò của người làm đầu gia đình khác với vai trò của trưởng lão như thế nào?

12 Tuy nhiên, có những điểm khác biệt quan trọng giữa vai trò của trưởng lão và của người làm đầu gia đình. Chẳng hạn, Đức Giê-hô-va chỉ định các trưởng lão làm người xét xử, và ngài giao cho họ trách nhiệm khai trừ khỏi hội thánh người phạm tội mà không ăn năn.—1 Cô 5:11-13.

13 Mặt khác, Đức Giê-hô-va ban cho người làm đầu gia đình một số quyền hành mà ngài không ban cho trưởng lão. Chẳng hạn, ngài cho người làm đầu quyền đặt luật và thi hành luật trong gia đình. (Đọc Rô-ma 7:2). Ví dụ, người làm đầu gia đình có quyền đặt giờ giới nghiêm cho con cái. Anh cũng có quyền sửa phạt con nếu chúng không vâng theo luật ấy (Ê-phê 6:1). Dĩ nhiên, một người làm đầu yêu thương sẽ bàn bạc với vợ trước khi đặt luật trong gia đình. Suy cho cùng, hai vợ chồng là một. *Mat 19:6.

TÔN TRỌNG ĐẤNG KI-TÔ, ĐẦU HỘI THÁNH

Chúa Giê-su, dưới quyền làm đầu của Đức Giê-hô-va, đưa ra chỉ dẫn cho hội thánh (Xem đoạn 14)

14. (a) Theo Mác 10:45, tại sao việc Đức Giê-hô-va bổ nhiệm Chúa Giê-su làm đầu hội thánh là điều thích hợp? (b) Hội đồng Lãnh đạo có vai trò nào? (Xem khung “ Vai trò của Hội đồng Lãnh đạo”).

14 Nhờ giá chuộc, Đức Giê-hô-va mua lại sự sống của mỗi người trong hội thánh, và giá chuộc cũng có thể mua lại sự sống của cả nhân loại. (Đọc Mác 10:45; Công 20:28; 1 Cô 15:21, 22). Thế nên, điều thích hợp là ngài bổ nhiệm Chúa Giê-su, đấng đã hy sinh mạng sống làm giá chuộc, làm đầu hội thánh. Là đầu của chúng ta, Chúa Giê-su có quyền đặt và thi hành những luật chi phối hạnh kiểm của cá nhân, gia đình và cả hội thánh (Ga 6:2). Nhưng Chúa Giê-su làm nhiều hơn là chỉ đặt luật. Ngài “nuôi nấng và yêu quý” mỗi chúng ta.—Ê-phê 5:29.

15, 16. Anh chị học được gì từ chia sẻ của chị Marley và anh Benjamin?

15 Các chị cho thấy họ tôn trọng Đấng Ki-tô bằng cách làm theo chỉ dẫn đến từ các anh mà ngài bổ nhiệm để chăm sóc họ. Một chị tên Marley sống ở Hoa Kỳ nói lên quan điểm của nhiều chị. Chị nói: “Tôi rất quý vị thế là một người vợ và một nữ tín đồ trong hội thánh. Tôi phải luôn nỗ lực để giữ thái độ đúng đối với sự sắp đặt của Đức Giê-hô-va về quyền làm đầu. Nhưng chồng tôi và các anh trong hội thánh giúp tôi dễ làm điều đó hơn vì họ tôn trọng tôi và bày tỏ lòng biết ơn về những gì tôi làm”.

16 Các anh cho thấy họ hiểu sắp đặt về quyền làm đầu bằng cách tôn trọng các chị. Anh Benjamin sống ở Anh Quốc cho biết: “Tôi học được rất nhiều từ lời bình luận của các chị tại buổi nhóm họp và từ những gợi ý của họ về cách học hỏi và cách làm thánh chức hữu hiệu. Tôi nghĩ rằng công việc các chị làm rất quý giá”.

17. Tại sao chúng ta nên tôn trọng nguyên tắc về quyền làm đầu?

17 Khi mọi người trong hội thánh, gồm người nam, người nữ, người làm đầu gia đình và trưởng lão, hiểu và tôn trọng nguyên tắc về quyền làm đầu, cả hội thánh sẽ được bình an. Quan trọng hơn, chúng ta sẽ mang lại sự vinh hiển cho Cha yêu thương trên trời, Đức Giê-hô-va.—Thi 150:6.

BÀI HÁT 123 Trung thành phục tùng sự sắp đặt thần quyền

^ đ. 5 Các chị có vai trò nào trong hội thánh? Có phải mỗi anh đều là đầu của các chị không? Các trưởng lão và những anh làm đầu gia đình có quyền hành giống nhau không? Bài này sẽ xem Kinh Thánh giúp chúng ta thế nào để giải đáp những câu hỏi ấy.

^ đ. 5 Xin xem đoạn 6 của bài “Hỗ trợ các nữ tín đồ” trong Tháp Canh tháng 9 năm 2020.

^ đ. 13 Để biết thông tin về ai có quyền quyết định một gia đình sẽ phụng sự ở hội thánh nào, xin xem đoạn 17-19 của bài “Tôn trọng vị thế của các anh chị trong hội thánh” trong Tháp Canh tháng 8 năm 2020.

^ đ. 59 Để biết thêm chi tiết về đề tài này, xin xem sách Hãy giữ mình trong tình yêu thương của Đức Chúa Trời, trg 209-212.

^ đ. 64 Để biết thêm chi tiết về vai trò của Hội đồng Lãnh đạo, xin xem Tháp Canh ngày 15-7-2013, trg 20-25.