Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 13

Đức Giê-hô-va sẽ bảo vệ anh chị—Như thế nào?

Đức Giê-hô-va sẽ bảo vệ anh chị—Như thế nào?

Chúa là đấng trung tín, ngài sẽ làm anh em vững mạnh và bảo vệ anh em khỏi Kẻ Ác”.2 TÊ 3:3.

BÀI HÁT 124 Luôn trung thành

GIỚI THIỆU *

1. Tại sao Chúa Giê-su xin Đức Giê-hô-va gìn giữ các môn đồ?

Vào đêm cuối cùng sống trên đất, Chúa Giê-su nghĩ đến những thử thách mà các môn đồ sẽ đối mặt. Vì yêu thương các bạn mình, Chúa Giê-su cầu xin Cha “gìn giữ họ vì cớ Kẻ Ác” (Giăng 17:14, 15). Chúa Giê-su biết rằng sau khi ngài trở về trời, Sa-tan Ác Quỷ sẽ tiếp tục gây chiến với bất cứ ai muốn phụng sự Đức Giê-hô-va. Vì thế, dân Đức Giê-hô-va cần được bảo vệ.

2. Điều gì giúp chúng ta tin chắc Đức Giê-hô-va sẽ đáp lời cầu nguyện của mình?

2 Đức Giê-hô-va đáp lời cầu nguyện của Chúa Giê-su vì ngài yêu thương Con. Nếu chúng ta nỗ lực làm vui lòng Đức Giê-hô-va, ngài cũng sẽ yêu thương chúng ta và lắng nghe khi chúng ta cầu xin ngài giúp đỡ và bảo vệ. Là đấng làm đầu gia đình đầy yêu thương, Đức Giê-hô-va sẽ tiếp tục chăm sóc cho con cái ngài. Nếu ngài không làm thế thì sẽ ảnh hưởng đến danh thánh của ngài!

3. Tại sao chúng ta cần sự bảo vệ của Đức Giê-hô-va ngày nay?

3 Ngày nay, chúng ta cần sự bảo vệ của Đức Giê-hô-va hơn bao giờ hết. Sa-tan đã bị quăng khỏi trời và “vô cùng giận dữ” (Khải 12:12). Hắn đã khiến một số người nghĩ rằng khi ngược đãi chúng ta, họ đang “phụng sự Đức Chúa Trời” (Giăng 16:2). Số khác, là những người không tin có Đức Chúa Trời, ngược đãi chúng ta vì chúng ta không rập khuôn theo thế gian. Dù trường hợp nào đi nữa, chúng ta không cần sợ hãi. Tại sao? Vì Lời Đức Chúa Trời nói: “Chúa là đấng trung tín, ngài sẽ làm anh em vững mạnh và bảo vệ anh em khỏi Kẻ Ác” (2 Tê 3:3). Đức Giê-hô-va bảo vệ chúng ta như thế nào? Hãy xem hai cách ngài làm thế.

ĐỨC GIÊ-HÔ-VA CUNG CẤP BỘ KHÍ GIỚI

4. Theo Ê-phê-sô 6:13-17, Đức Giê-hô-va ban điều gì để bảo vệ chúng ta?

4 Đức Giê-hô-va ban bộ khí giới để bảo vệ chúng ta khỏi những đòn tấn công của Sa-tan. (Đọc Ê-phê-sô 6:13-17). Bộ khí giới này rất chắc chắn và hữu hiệu! Nhưng nó chỉ bảo vệ chúng ta khi chúng ta mang tất cả các phần của bộ khí giới và luôn mặc lấy. Mỗi phần của bộ khí giới này tượng trưng cho điều gì? Hãy cùng xem xét kỹ hơn.

5. “Dây thắt lưng là chân lý” tượng trưng cho điều gì, và tại sao chúng ta cần đeo nó?

5 “Dây thắt lưng là chân lý” tượng trưng cho những sự thật trong Lời Đức Chúa Trời. Tại sao chúng ta cần đeo dây thắt lưng này? Vì Sa-tan là “cha sự nói dối” (Giăng 8:44). Hắn đã có hàng ngàn năm để luyện nói dối và lừa gạt được “toàn thể dân cư trên đất” (Khải 12:9). Nhưng nhờ những sự thật trong Kinh Thánh, chúng ta được bảo vệ khỏi sự lừa dối. Chúng ta đeo dây thắt lưng tượng trưng này bằng cách nào? Đó là bằng cách học sự thật về Đức Giê-hô-va, thờ phượng ngài “theo thần khí và chân lý” và sống lương thiện trong mọi việc.—Giăng 4:24; Ê-phê 4:25; Hê 13:18.

Thắt lưng: Những sự thật trong Lời Đức Chúa Trời

6. “Giáp che ngực là sự công chính” tượng trưng cho điều gì, và tại sao chúng ta cần mặc nó?

6 “Giáp che ngực là sự công chính” tượng trưng cho tiêu chuẩn công chính của Đức Giê-hô-va. Tại sao chúng ta cần mặc giáp che ngực này? Như giáp che ngực bảo vệ tim của người lính, giáp che ngực là sự công chính bảo vệ lòng, hay con người bề trong, của chúng ta khỏi những ảnh hưởng bại hoại của thế gian (Châm 4:23). Đức Giê-hô-va đòi hỏi chúng ta yêu thương và phụng sự ngài hết lòng (Mat 22:36, 37). Vì thế, Sa-tan cố chia lòng chúng ta bằng cách làm cho chúng ta yêu những điều thuộc về thế gian, là những điều Đức Giê-hô-va ghét (Gia 4:4; 1 Giăng 2:15, 16). Nếu cách đó thất bại, hắn sẽ dùng sự ngược đãi để cố khiến chúng ta vi phạm tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va.

Giáp che ngực: Tiêu chuẩn công chính của Đức Giê-hô-va

7. Chúng ta mặc giáp che ngực là sự công chính bằng cách nào?

7 Chúng ta mặc giáp che ngực là sự công chính bằng cách chấp nhận tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va về điều đúng và điều sai, đồng thời sống theo tiêu chuẩn đó (Thi 97:10). Một số người cảm thấy tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va quá gò bó. Nhưng nếu ngưng áp dụng nguyên tắc Kinh Thánh trong đời sống, chúng ta sẽ giống như người lính cởi bỏ giáp che ngực khi đang ra trận vì cho rằng nó quá nặng. Điều đó thật dại dột! Đối với những người yêu thương Đức Giê-hô-va, các điều răn của ngài “chẳng hề nặng nề” nhưng là điều cứu mạng.—1 Giăng 5:3.

8. Chân mang giày là sự sẵn sàng rao truyền tin mừng bình an có nghĩa gì?

8 Chân chúng ta cần “mang giày là sự sẵn sàng rao truyền tin mừng bình an”, như Phao-lô khuyến giục. Nói cách khác, chúng ta nên luôn sẵn sàng công bố tin mừng Nước Trời. Khi chúng ta chia sẻ thông điệp Kinh Thánh với người khác, đức tin của chính mình được vững mạnh. Thật khích lệ khi thấy dân Đức Chúa Trời trên khắp đất tìm cơ hội để rao truyền tin mừng, dù tại sở làm, trường học, khu thương mại, hay khi rao giảng từng nhà, mua sắm, thăm người thân không tin đạo, nói chuyện với người quen và ngay cả khi không thể ra khỏi nhà một thời gian. Nếu để nỗi sợ khiến mình ngưng rao giảng, chúng ta sẽ giống như người lính cởi bỏ giày khi đang ra trận; chân của người ấy sẽ dễ bị thương. Vì thế, người ấy dễ bị tấn công và không thể vâng theo lệnh của chỉ huy.

Giày: Sự sẵn sàng rao truyền tin mừng

9. Tại sao chúng ta cần cầm cái khiên lớn là đức tin?

9 “Cái khiên lớn là đức tin” tượng trưng cho đức tin của chúng ta nơi Đức Giê-hô-va. Chúng ta tin rằng ngài sẽ thực hiện mọi lời hứa của ngài. Đức tin sẽ giúp chúng ta “dập tắt mọi mũi tên lửa của Kẻ Ác”. Tại sao chúng ta cần cầm cái khiên lớn này? Vì nó sẽ bảo vệ mình để không bị nao núng trước những dạy dỗ của kẻ bội đạo hoặc nhụt chí khi người khác chế giễu niềm tin. Nếu không có đức tin, chúng ta sẽ không có đủ sức để kháng cự khi người khác cố thuyết phục chúng ta lờ đi tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va. Trái lại, mỗi lần đứng vững và bênh vực niềm tin tại sở làm hoặc trường học, chúng ta đang cầm cái khiên đức tin để bảo vệ mình (1 Phi 3:15). Mỗi lần từ chối một công việc lương cao nhưng cản trở nề nếp thiêng liêng, chúng ta đang cầm cái khiên đức tin để bảo vệ mình (Hê 13:5, 6). Và mỗi lần phụng sự Đức Giê-hô-va bất kể sự chống đối, chúng ta đang được bảo vệ nhờ cầm cái khiên đức tin.—1 Tê 2:2.

Khiên: Đức tin của chúng ta nơi Đức Giê-hô-va và các lời hứa của ngài

10. “Mũ trận là sự giải cứu” tượng trưng cho điều gì, và tại sao chúng ta cần đội nó?

10 “Mũ trận là sự giải cứu” tượng trưng cho hy vọng Đức Giê-hô-va ban cho chúng ta, đó là ngài sẽ giải thoát chúng ta khỏi sự chết và ban thưởng cho những ai làm theo ý muốn ngài (1 Tê 5:8; 1 Ti 4:10; Tít 1:1, 2). Giống như mũ trận bảo vệ đầu của người lính, hy vọng được giải cứu bảo vệ khả năng suy xét của chúng ta. Như thế nào? Hy vọng ấy giúp chúng ta tập trung vào các lời hứa của Đức Chúa Trời và có quan điểm đúng về vấn đề của mình. Chúng ta đội mũ trận bằng cách nào? Đó là bằng cách cố gắng có cùng lối suy nghĩ với Đức Chúa Trời. Chẳng hạn, chúng ta không đặt hy vọng nơi sự giàu sang không chắc chắn, mà đặt hy vọng nơi Đức Chúa Trời.—Thi 26:2; 104:34; 1 Ti 6:17.

Mũ trận: Hy vọng về sự sống vĩnh cửu

11. Gươm thần khí là gì, và tại sao chúng ta cần dùng gươm ấy?

11 “Gươm thần khí” là Lời Đức Chúa Trời. Gươm ấy có quyền lực vạch trần mọi sự dối trá và giải thoát người ta khỏi những dạy dỗ sai lầm và thói quen tai hại (2 Cô 10:4, 5; 2 Ti 3:16, 17; Hê 4:12). Chúng ta có thể biết dùng gươm ấy một cách đúng đắn qua việc học hỏi cá nhân và qua sự huấn luyện từ tổ chức của Đức Chúa Trời (2 Ti 2:15). Ngoài bộ khí giới, Đức Giê-hô-va ban một sự trợ giúp khác để bảo vệ chúng ta. Đó là gì?

Gươm: Lời Đức Chúa Trời là Kinh Thánh

CHÚNG TA KHÔNG PHẢI CHIẾN ĐẤU MỘT MÌNH

12. Chúng ta cần điều gì khác, và tại sao?

12 Một người lính dày dạn kinh nghiệm biết rằng người ấy không thể tự mình chiến thắng một đội quân hùng hậu. Người ấy cần sự trợ giúp của đồng đội. Tương tự, chúng ta không thể tự mình chiến thắng Sa-tan và những kẻ theo hắn. Chúng ta cần sự hỗ trợ của anh em đồng đạo. Đức Giê-hô-va ban “đoàn thể anh em” trên khắp thế giới để trợ giúp chúng ta.—1 Phi 2:17.

13. Theo Hê-bơ-rơ 10:24, 25, việc tham dự nhóm họp mang lại lợi ích nào?

13 Một cách chúng ta nhận được sự hỗ trợ là tham dự nhóm họp. (Đọc Hê-bơ-rơ 10:24, 25). Tất cả chúng ta đều có lúc nản lòng; việc tham dự nhóm họp vào những lúc như thế có thể giúp mình lên tinh thần. Chúng ta được khích lệ khi nghe những lời bình luận chân thành của anh em. Những bài giảng và màn trình diễn dựa trên Kinh Thánh mà các anh chị trình bày củng cố quyết tâm của chúng ta để phụng sự Đức Giê-hô-va. Các cuộc trò chuyện xây dựng trước và sau buổi nhóm họp khích lệ chúng ta (1 Tê 5:14). Ngoài ra, các buổi nhóm họp cho chúng ta cơ hội cảm nghiệm niềm vui đến từ việc giúp đỡ người khác (Công 20:35; Rô 1:11, 12). Các buổi nhóm họp cũng giúp ích theo những cách khác. Chúng ta được giúp cải thiện kỹ năng chiến đấu, tức được trang bị để tham gia thánh chức. Chẳng hạn, chúng ta học cách sử dụng hữu hiệu các công cụ trong Hộp dụng cụ dạy dỗ. Vì thế, hãy chuẩn bị kỹ cho các buổi nhóm họp. Hãy chăm chú lắng nghe khi nhóm họp diễn ra. Sau đó, hãy áp dụng sự huấn luyện mình nhận được. Khi làm thế, anh chị sẽ trở thành “người lính tốt của Đấng Ki-tô Giê-su”.—2 Ti 2:3.

14. Chúng ta có sự trợ giúp nào khác?

14 Chúng ta cũng có sự hỗ trợ của muôn vàn thiên sứ mạnh mẽ. Hãy nghĩ đến điều mà một thiên sứ có thể làm! (Ê-sai 37:36). Rồi hãy nghĩ đến điều một đội quân thiên sứ có thể thực hiện. Không con người hay ác thần nào có thể sánh bằng đội quân hùng mạnh của Đức Giê-hô-va. Có người từng nói một Nhân Chứng trung thành có thêm Đức Giê-hô-va thì trở thành số đông (Quan 6:16). Điều này thật đúng! Hãy ghi nhớ điều ấy khi anh chị cảm thấy nhụt chí trước những gì đồng nghiệp, bạn học hay người thân không tin đạo nói hoặc làm. Hãy nhớ rằng anh chị không chiến đấu một mình. Đức Giê-hô-va sẽ cung cấp sự trợ giúp vì anh chị đang vâng theo chỉ dẫn của ngài.

ĐỨC GIÊ-HÔ-VA SẼ TIẾP TỤC BẢO VỆ CHÚNG TA

15. Theo Ê-sai 54:15, 17, tại sao không ai có thể khiến dân Đức Chúa Trời im lặng?

15 Thế gian dưới sự kiểm soát của Sa-tan có nhiều lý do để ghét chúng ta. Chúng ta tuyệt đối giữ trung lập về chính trị và không tham gia chiến tranh. Chúng ta rao truyền danh Đức Chúa Trời, công bố Nước của ngài là hy vọng duy nhất để có được hòa bình cũng như vâng theo tiêu chuẩn công chính của ngài. Chúng ta vạch trần kẻ cai trị thế gian này là kẻ nói dối và kẻ giết người tàn ác (Giăng 8:44). Chúng ta rao truyền về sự hủy diệt sắp đến của thế gian Sa-tan. Dù Sa-tan và những kẻ theo hắn ghét chúng ta nhưng chúng không bao giờ có thể khiến chúng ta im lặng. Ngược lại, chúng ta sẽ tiếp tục ngợi khen Đức Giê-hô-va bằng mọi cách có thể. Đúng là Sa-tan rất mạnh nhưng hắn đã không thể ngăn cản thông điệp Nước Trời được rao truyền ra khắp đất. Điều này chỉ có được nhờ sự bảo vệ của Đức Giê-hô-va.—Đọc Ê-sai 54:15, 17.

16. Đức Giê-hô-va sẽ giải cứu dân ngài trong hoạn nạn lớn theo cách nào?

16 Điều gì ở phía trước? Trong hoạn nạn lớn, Đức Giê-hô-va sẽ giải cứu chúng ta theo hai cách đáng kinh ngạc. Trước hết, Đức Giê-hô-va sẽ giải cứu các tôi tớ trung thành trong thời gian mà ngài khiến các vua trên đất tiêu diệt Ba-by-lôn Lớn, đế quốc tôn giáo sai lầm (Khải 17:16-18; 18:2, 4). Rồi Đức Giê-hô-va sẽ giải cứu dân ngài khi ngài hủy diệt những thành phần còn lại của thế gian Sa-tan tại Ha-ma-ghê-đôn.—Khải 7:9, 10; 16:14, 16.

17. Chúng ta nhận được lợi ích nào khi tiếp tục gắn bó với Đức Giê-hô-va?

17 Khi chúng ta tiếp tục gắn bó với Đức Giê-hô-va, Sa-tan không thể gây thiệt hại lâu dài cho chúng ta. Thực tế, chính hắn mới là kẻ sẽ bị thiệt hại lâu dài (Rô 16:20). Vì vậy, hãy mặc trọn bộ khí giới và đừng bỏ ra! Đừng cố chiến đấu một mình. Hãy hỗ trợ anh em đồng đạo và vâng theo chỉ dẫn của Đức Giê-hô-va. Khi làm thế, anh chị có thể tin chắc rằng Cha yêu thương trên trời sẽ bảo vệ và làm anh chị vững mạnh.—Ê-sai 41:10.

BÀI HÁT 149 Bài ca chiến thắng

^ đ. 5 Kinh Thánh hứa rằng Đức Giê-hô-va sẽ làm chúng ta vững mạnh và bảo vệ chúng ta khỏi mối nguy hại về thiêng liêng. Bài này sẽ giải đáp những câu hỏi sau: Tại sao chúng ta cần được bảo vệ? Đức Giê-hô-va bảo vệ chúng ta như thế nào? Chúng ta cần làm gì để được Đức Giê-hô-va giúp đỡ?