Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 17

Đức Giê-hô-va rất quý mến anh chị!

Đức Giê-hô-va rất quý mến anh chị!

Đức Giê-hô-va hài lòng về dân ngài”.THI 149:4.

BÀI HÁT 108 Tình yêu thương thành tín của Đức Chúa Trời

GIỚI THIỆU *

Cha trên trời hài lòng về mỗi chúng ta (Xem đoạn 1)

1. Đức Giê-hô-va để ý điều gì nơi dân ngài?

Đức Giê-hô-va “hài lòng về dân ngài” (Thi 149:4). Quả là ấm lòng! Đức Giê-hô-va để ý đến những đức tính tốt của chúng ta; ngài thấy tiềm năng của chúng ta và kéo chúng ta đến gần ngài. Nếu chúng ta giữ trung thành với ngài, ngài sẽ ở gần chúng ta mãi mãi!—Giăng 6:44.

2. Tại sao một số anh chị cảm thấy khó để tin rằng Đức Giê-hô-va yêu thương mình?

2 Có lẽ một số người nói: “Tôi biết Đức Giê-hô-va yêu thương dân ngài với tư cách một nhóm. Nhưng làm sao tôi có thể biết chắc ngài yêu thương cá nhân tôi?”. Điều gì khiến một số người đặt câu hỏi ấy? Chị Oksana, * có tuổi thơ đầy bi kịch, chia sẻ: “Tôi đã rất vui khi mình báp-têm và bắt đầu làm tiên phong. Nhưng 15 năm sau, tôi bị ám ảnh bởi những ký ức đau buồn. Tôi cho rằng mình đã mất ân huệ của Đức Giê-hô-va và không xứng đáng được ngài yêu thương”. Một chị tiên phong tên Yua cũng có tuổi thơ không mấy hạnh phúc nói: “Tôi dâng mình cho Đức Giê-hô-va vì muốn làm ngài vui lòng nhưng tôi không tin là ngài có thể yêu thương mình”.

3. Chúng ta sẽ thảo luận điều gì trong bài này?

3 Như các tín đồ trung thành vừa được đề cập, anh chị yêu thương Đức Giê-hô-va rất nhiều nhưng có lẽ anh chị không chắc là ngài yêu thương mình. Tại sao anh chị cần tin chắc rằng Đức Giê-hô-va thật sự quan tâm đến mình? Và điều gì có thể giúp anh chị khi bị suy nghĩ tiêu cực chế ngự? Hãy cùng xem lời giải đáp.

NGHI NGỜ TÌNH YÊU THƯƠNG CỦA ĐỨC GIÊ-HÔ-VA LÀ ĐIỀU NGUY HIỂM

4. Tại sao nghi ngờ tình yêu thương mà Đức Giê-hô-va dành cho mình là điều nguy hiểm?

4 Tình yêu thương là một lực thúc đẩy mạnh mẽ. Nếu tin chắc Đức Giê-hô-va yêu thương và hỗ trợ mình, chúng ta sẽ được thôi thúc để phụng sự ngài hết lòng bất kể thử thách trong đời sống. Ngược lại, nếu nghi ngờ tình yêu thương của Đức Giê-hô-va, thì ‘sức lực chúng ta ắt sẽ ít ỏi’ (Châm 24:10). Khi trở nên nản lòng và bắt đầu nghĩ là Đức Giê-hô-va không yêu thương mình, chúng ta sẽ dễ bị gục ngã trước những đòn tấn công của Sa-tan.—Ê-phê 6:16.

5. Việc nghi ngờ tình yêu thương của Đức Chúa Trời đã ảnh hưởng thế nào đến một số anh chị?

5 Sự nghi ngờ đã khiến một số tín đồ trung thành thời nay bị suy yếu về thiêng liêng. Một trưởng lão tên James cho biết: “Dù phụng sự tại Bê-tên và vui thích thánh chức trong hội thánh tiếng nước ngoài, tôi băn khoăn liệu Đức Giê-hô-va có thật sự chấp nhận những gì tôi dâng cho ngài không. Thậm chí có thời điểm tôi còn thắc mắc liệu Đức Chúa Trời có nghe lời cầu nguyện của mình không”. Một chị cũng phụng sự trọn thời gian tên Eva chia sẻ: “Tôi nhận ra rằng việc nghi ngờ tình yêu thương của Đức Giê-hô-va là điều nguy hiểm vì sẽ khiến mình xuống dốc, không còn vui thích với điều thiêng liêng và mất niềm vui trong việc phụng sự”. Anh Michael, một tiên phong đều đều và là trưởng lão, cho biết: “Nếu không tin Đức Chúa Trời quan tâm đến mình, chúng ta sẽ trôi giạt khỏi ngài”.

6. Chúng ta cần làm gì khi sự nghi ngờ về tình yêu thương của Đức Chúa Trời len lỏi vào tâm trí mình?

6 Những kinh nghiệm trên cho thấy suy nghĩ tiêu cực có thể gây hại về thiêng liêng đến mức nào. Nhưng chúng ta nên làm gì khi sự nghi ngờ về tình yêu thương của Đức Chúa Trời bắt đầu len lỏi vào tâm trí mình? Chúng ta cần lập tức bác bỏ! Hãy xin Đức Giê-hô-va giúp anh chị thay thế “tư tưởng bất an” bằng ‘sự bình an của Đức Chúa Trời sẽ bảo vệ lòng và trí của anh chị’ (Thi 139:23; Phi-líp 4:6, 7). Hãy nhớ rằng anh chị không đơn độc. Những anh chị trung thành khác cũng đang tranh đấu với cảm xúc tiêu cực. Ngay cả tôi tớ của Đức Giê-hô-va vào thời xưa cũng phải đương đầu với những thử thách như thế. Hãy xem chúng ta học được gì từ gương của Phao-lô.

CHÚNG TA HỌC ĐƯỢC GÌ TỪ GƯƠNG CỦA PHAO-LÔ?

7. Phao-lô phải đương đầu với những vấn đề nào?

7 Đôi khi anh chị có cảm thấy nặng gánh vì nhiều trách nhiệm và khó chu toàn những trách nhiệm ấy không? Nếu có, có lẽ anh chị cảm thông với Phao-lô. Ông lo lắng không chỉ về một hội thánh mà “về hết thảy các hội thánh” (2 Cô 11:23-28). Anh chị có đang gặp vấn đề sức khỏe khiến mình mất niềm vui? Phao-lô đã khổ sở vì bị “cái gai xóc vào thịt”, đó có thể là căn bệnh dai dẳng và ông mong mỏi được thoát khỏi nó (2 Cô 12:7-10). Anh chị có đang nản lòng vì khuyết điểm của bản thân? Có lúc Phao-lô cũng cảm thấy như thế. Ông cảm thấy mình khốn khổ vì phải không ngừng tranh đấu với khuyết điểm của bản thân.—Rô 7:21-24.

8. Điều gì giúp Phao-lô đương đầu với vấn đề của mình?

8 Dù đương đầu với nhiều loại thử thách và hoàn cảnh gây nản lòng, Phao-lô vẫn tiếp tục phụng sự Đức Giê-hô-va. Điều gì đã cho ông sức mạnh để làm thế? Dù biết rõ về khuyết điểm của bản thân, nhưng ông có đức tin không lay chuyển nơi giá chuộc. Ông cũng biết về lời hứa của Chúa Giê-su là “ai thể hiện đức tin nơi [ngài] sẽ... có được sự sống vĩnh cửu” (Giăng 3:16; Rô 6:23). Chắc chắn Phao-lô nằm trong số những người thể hiện đức tin nơi giá chuộc. Ông tin chắc rằng Đức Giê-hô-va sẵn lòng tha thứ cho ngay cả những người phạm tội trọng nếu họ ăn năn.—Thi 86:5.

9. Chúng ta học được gì từ lời của Phao-lô nơi Ga-la-ti 2:20?

9 Phao-lô cũng có đức tin nơi tình yêu thương bao la mà Đức Chúa Trời thể hiện qua Đấng Ki-tô. (Đọc Ga-la-ti 2:20). Hãy để ý đến những lời trấn an của Phao-lô: ‘Con Đức Chúa Trời yêu thương tôi và phó chính mình vì tôi’. Phao-lô không giới hạn tình yêu thương của Đức Chúa Trời như thể ông nói: “Tôi có thể hiểu tại sao Đức Giê-hô-va yêu thương các anh em khác, nhưng ngài không thể nào yêu thương tôi”. Phao-lô nhắc các tín đồ ở Rô-ma: “Trong khi chúng ta vẫn còn là người tội lỗi, Đấng Ki-tô đã chết cho chúng ta” (Rô 5:8). Không điều gì có thể giới hạn tình yêu thương mà Đức Chúa Trời dành cho chúng ta!

10. Chúng ta học được gì từ Rô-ma 8:38, 39?

10 Đọc Rô-ma 8:38, 39. Phao-lô tin chắc nơi sức mạnh của tình yêu thương mà Đức Chúa Trời dành cho chúng ta. Ông viết rằng không điều gì có thể “ngăn cách chúng ta khỏi tình yêu thương của Đức Chúa Trời”. Phao-lô biết Đức Giê-hô-va kiên nhẫn ra sao khi đối xử với nước Y-sơ-ra-ên. Ông cũng biết ngài thể hiện lòng thương xót với ông tới mức nào. Lập luận của Phao-lô có thể được tóm tắt như sau: “Đức Giê-hô-va đã sai chính Con ngài để chết cho tôi, tôi không có lý do gì để nghi ngờ tình yêu thương của ngài”.—Rô 8:32.

Điều quan trọng với Đức Chúa Trời là những gì chúng ta làm bây giờ và trong tương lai, chứ không phải lỗi lầm mình phạm trong quá khứ (Xem đoạn 11) *

11. Dù Phao-lô phạm những tội được ghi nơi 1 Ti-mô-thê 1:12-15, tại sao ông tin chắc Đức Chúa Trời yêu thương ông?

11 Đọc 1 Ti-mô-thê 1:12-15. Hẳn có lúc Phao-lô dằn vặt về quá khứ của mình. Không ngạc nhiên gì khi ông nói ông là “kẻ đứng đầu” những kẻ tội lỗi. Trước khi biết chân lý, Phao-lô đã ngược đãi các tín đồ hết thành này đến thành khác, bỏ tù một số người và tán thành việc xử tử người khác (Công 26:10, 11). Hãy hình dung Phao-lô cảm thấy thế nào khi gặp một tín đồ trẻ có cha mẹ bị xử tử là do ông. Phao-lô hối hận về lỗi lầm đã phạm, nhưng ông biết mình không thể thay đổi quá khứ. Ông chấp nhận rằng Đấng Ki-tô đã chết cho ông, nên ông có thể tự tin nói: “Nhờ lòng nhân từ bao la của Đức Chúa Trời mà tôi được như ngày nay” (1 Cô 15:3, 10). Bài học là gì? Hãy chấp nhận là Đấng Ki-tô đã chết cho anh chị và mở đường để anh chị có mối quan hệ nồng ấm với Đức Giê-hô-va (Công 3:19). Điều quan trọng với Đức Chúa Trời là những gì chúng ta làm bây giờ và trong tương lai, chứ không phải lỗi lầm mình phạm trong quá khứ, dù lúc đó chúng ta là Nhân Chứng hay chưa.—Ê-sai 1:18.

12. Những lời nơi 1 Giăng 3:19, 20 có thể giúp chúng ta thế nào khi cảm thấy mình vô giá trị hoặc không đáng được yêu thương?

12 Khi nghĩ về việc Chúa Giê-su đã chết cho tội lỗi của mình, có thể anh chị nói: “Mình không xứng đáng nhận đặc ân này”. Tại sao anh chị có lẽ cảm thấy như thế? Lòng bất toàn có thể lừa dối, khiến chúng ta cảm thấy mình vô giá trị hoặc không đáng được yêu thương. (Đọc 1 Giăng 3:19, 20). Những lúc đó, chúng ta cần nhớ rằng “Đức Chúa Trời lớn hơn lòng chúng ta”. Tình yêu thương và sự tha thứ của Cha trên trời mạnh hơn bất cứ cảm xúc tiêu cực nào trong lòng mình. Chúng ta cần thuyết phục chính mình rằng Đức Giê-hô-va yêu thương chúng ta. Để làm thế, chúng ta cần thường xuyên học Kinh Thánh, cầu nguyện và kết hợp với dân trung thành của ngài. Tại sao những điều này rất quan trọng?

HỌC KINH THÁNH, CẦU NGUYỆN VÀ BẠN TRUNG THÀNH CÓ THỂ GIÚP ÍCH

13. Học Lời Đức Chúa Trời có thể giúp chúng ta như thế nào? (Cũng xem khung “ Lời Đức Chúa Trời giúp họ như thế nào?”).

13 Học Lời Đức Chúa Trời mỗi ngày. Khi làm thế, anh chị sẽ thấy rõ hơn những đức tính tuyệt vời của Đức Giê-hô-va. Anh chị sẽ cảm nhận được tình cảm dịu dàng mà ngài dành cho mình. Suy ngẫm một phần Kinh Thánh mỗi ngày có thể giúp anh chị suy nghĩ sáng suốt hơn, chỉnh sửa lòng và trí của anh chị (2 Ti 3:16). Một trưởng lão tên Kevin phải tranh đấu với cảm giác vô giá trị chia sẻ: “Đọc và suy ngẫm bài Thi thiên 103 đã giúp tôi thay đổi quan điểm và hiểu được Đức Giê-hô-va thật sự nghĩ gì về mình”. Chị Eva được đề cập ở trên cho biết: “Vào cuối ngày, tôi suy ngẫm các tư tưởng của Đức Giê-hô-va. Điều đó giúp lòng tôi bình an và củng cố đức tin của mình”.

14. Lời cầu nguyện có thể giúp chúng ta như thế nào?

14 Thường xuyên cầu nguyện (1 Tê 5:17). Tình bạn vững chắc dựa trên việc trò chuyện thường xuyên và chân thành. Điều này cũng đúng với tình bạn của chúng ta với Đức Giê-hô-va. Khi bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ và mối quan tâm với ngài qua lời cầu nguyện, chúng ta cho thấy mình tin cậy ngài và biết rằng ngài yêu thương chúng ta (Thi 94:17-19; 1 Giăng 5:14, 15). Chị Yua được đề cập ở trên cho biết: “Khi cầu nguyện, tôi cố gắng nói nhiều điều hơn là chỉ báo cáo những gì xảy ra trong ngày. Tôi mở lòng với Đức Giê-hô-va và cho ngài biết cảm xúc thật của mình. Dần dần, tôi thấy Đức Giê-hô-va không phải là giám đốc một công ty, mà là người Cha thật sự yêu thương con cái ngài”.—Xem khung “ Anh chị đã đọc chưa?”.

15. Đức Giê-hô-va cho thấy ngài quan tâm đến chúng ta như thế nào?

15 Kết hợp với những người bạn trung thành; họ là món quà từ Đức Giê-hô-va (Gia 1:17). Cha trên trời cho thấy ngài quan tâm đến chúng ta qua việc ban cho chúng ta gia đình thiêng liêng gồm những anh chị thể hiện tình yêu thương (Châm 17:17). Trong thư gửi tín đồ ở Cô-lô-se, Phao-lô nhắc đến một số người đã trợ giúp ông và gọi họ là “nguồn an ủi lớn” (Cô 4:10, 11). Ngay cả Chúa Giê-su cũng cần và quý trọng sự hỗ trợ mà ngài nhận được từ bạn ngài, cả thiên sứ lẫn con người.—Lu 22:28, 43.

16. Những người bạn trung thành có thể giúp chúng ta đến gần hơn với Đức Giê-hô-va như thế nào?

16 Anh chị có đang nhận lợi ích trọn vẹn từ những người bạn trung thành, món quà đến từ Đức Giê-hô-va không? Việc chia sẻ mối lo lắng với người bạn thành thục không phải là dấu hiệu của sự yếu đuối; đó có thể là sự bảo vệ. Hãy lưu ý đến điều anh James được đề cập ở trên chia sẻ: “Đối với tôi, tình bạn tốt với những tín đồ thành thục giống như một phao cứu sinh. Khi những suy nghĩ tiêu cực bao trùm tôi, những người bạn quý giá ấy kiên nhẫn lắng nghe và nhắc tôi nhớ rằng họ yêu thương tôi. Qua họ, tôi có thể thấy rõ Đức Giê-hô-va yêu thương và quan tâm đến cá nhân mình”. Thật quan trọng biết bao khi vun trồng và duy trì tình bạn mật thiết với anh em đồng đạo!

HÃY LUÔN Ở TRONG TÌNH YÊU THƯƠNG CỦA ĐỨC GIÊ-HÔ-VA

17, 18. Chúng ta nên nghe ai, và tại sao?

17 Sa-tan muốn chúng ta bỏ cuộc trong việc tranh đấu để làm điều đúng. Hắn muốn chúng ta tin rằng Đức Giê-hô-va không yêu thương mình và chúng ta không đáng được cứu. Nhưng như chúng ta đã xem, điều đó hoàn toàn dối trá.

18 Đức Giê-hô-va yêu thương anh chị. Anh chị là báu vật quý giá trước mắt ngài. Nếu vâng lời ngài, anh chị sẽ “ở trong tình yêu thương của ngài” mãi mãi, như Chúa Giê-su (Giăng 15:10). Vậy đừng nghe Sa-tan hay lòng mình khi lòng tự lên án chính mình. Thay vì thế, hãy nghe Đức Giê-hô-va, đấng nhìn thấy điều tốt trong mỗi chúng ta. Hãy tin chắc rằng Đức Giê-hô-va “hài lòng về dân ngài”, trong đó có anh chị!

BÀI HÁT 141 Điều kỳ diệu của sự sống

^ đ. 5 Một số anh chị cảm thấy khó để tin rằng Đức Giê-hô-va có thể yêu thương mình. Trong bài này, chúng ta sẽ thảo luận tại sao chúng ta có thể tin chắc Đức Giê-hô-va yêu thương mỗi cá nhân chúng ta. Cũng hãy xem chúng ta có thể làm gì khi nghi ngờ về tình yêu thương mà ngài dành cho mình.

^ đ. 2 Một số tên đã được thay đổi.

^ đ. 67 HÌNH ẢNH: Trong quá khứ, Phao-lô đã bỏ tù nhiều tín đồ. Khi chấp nhận những điều Chúa Giê-su làm cho mình, ông đã thay đổi và khích lệ các tín đồ khác, một số người trong đó có lẽ là người thân của những người từng bị Phao-lô ngược đãi.