Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 20

Giữ thái độ tích cực đối với thánh chức

Giữ thái độ tích cực đối với thánh chức

“Hãy gieo hạt... và đừng nghỉ tay”.TRUYỀN 11:6.

BÀI HÁT 70 Tìm kiếm những người xứng đáng

GIỚI THIỆU *

Sau khi Chúa Giê-su lên trời, các môn đồ của ngài sốt sắng rao giảng ở Giê-ru-sa-lem và nhiều nơi khác (Xem đoạn 1)

1. Chúa Giê-su nêu gương nào cho các môn đồ, và họ phản ứng ra sao? (Xem hình nơi trang bìa).

Chúa Giê-su giữ thái độ tích cực trong suốt thời gian làm thánh chức trên đất, và ngài cũng muốn các môn đồ giữ thái độ như thế về thánh chức (Giăng 4:35, 36). Khi Chúa Giê-su còn ở với các môn đồ, họ rất nhiệt tình trong công việc rao giảng (Lu 10:1, 5-11, 17). Tuy nhiên, sau khi Chúa Giê-su bị bắt và giết đi, các môn đồ tạm thời mất đi ước muốn rao giảng (Giăng 16:32). Sau khi sống lại, Chúa Giê-su khuyến giục họ tập trung vào công việc rao giảng. Và sau khi ngài lên trời, họ rao giảng sốt sắng đến mức kẻ thù than phiền: “Kìa, các người lại làm cho Giê-ru-sa-lem đầy dẫy giáo lý của mình”.—Công 5:28.

2. Đức Giê-hô-va ban phước thế nào cho công việc rao giảng?

2 Chúa Giê-su hướng dẫn công việc rao giảng của các tín đồ vào thế kỷ thứ nhất, và nhờ Đức Giê-hô-va ban phước nên số tín đồ đã thêm lên. Chẳng hạn, vào Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, có khoảng 3.000 người báp-têm (Công 2:41). Số môn đồ vẫn tiếp tục gia tăng nhanh chóng (Công 6:7). Tuy nhiên, Chúa Giê-su báo trước rằng công việc rao giảng thậm chí sẽ thành công hơn trong những ngày sau cùng.—Giăng 14:12; Công 1:8.

3, 4. Tại sao một số công bố thấy công việc rao giảng là thách đố, và bài này sẽ xem xét điều gì?

3 Tất cả chúng ta cố gắng có cái nhìn tích cực về thánh chức. Ở một số nước, không khó để làm thế. Tại sao? Vì nhiều người thích học Kinh Thánh đến mức có người phải đăng ký và đợi cho đến khi một Nhân Chứng có thể học với họ! Nhưng ở một số nước khác, các công bố thấy công việc rao giảng là thách đố vì người ta hiếm khi ở nhà, và những người ở nhà thì dường như không chú ý đến Kinh Thánh.

4 Nếu anh chị sống trong khu vực mà công việc rao giảng là thách đố, thì những gợi ý trong bài này có thể giúp ích. Hãy xem một số anh chị đã làm gì để tiếp cận với nhiều người hơn trong thánh chức. Cũng hãy xem tại sao chúng ta nên giữ thái độ tích cực dù người ta hưởng ứng hay không.

GIỮ THÁI ĐỘ TÍCH CỰC NẾU KHÓ GẶP NGƯỜI TA

5. Nhiều Nhân Chứng đối mặt với những thách đố nào?

5 Nhiều Nhân Chứng thấy ngày càng khó gặp người ta ở nhà. Một số công bố sống trong khu vực có nhiều chung cư có hệ thống an ninh cao hoặc có cộng đồng dân cư khép kín. Những nơi đó có thể có bảo vệ, và họ không cho bất cứ ai vào nếu không được chủ nhà mời. Những công bố khác thì đi rao giảng từng nhà mà không gặp trở ngại, nhưng lại hiếm khi gặp người ta ở nhà. Cũng có những công bố rao giảng ở vùng nông thôn hoặc nơi xa xôi có ít người sống. Có lẽ họ phải đi rất xa để gặp một chủ nhà, nhưng có khi lại không gặp được! Nếu đối mặt với những thách đố này, chúng ta không nên bỏ cuộc. Chúng ta có thể làm gì để vượt qua những thách đố như thế và có một thánh chức hiệu quả?

6. Người rao giảng giống ngư dân như thế nào?

6 Chúa Giê-su ví công việc rao giảng với công việc của ngư dân (Mác 1:17). Một số ngư dân có lẽ đi nhiều ngày mà không bắt được con cá nào. Nhưng họ không bỏ cuộc; họ cố gắng thích nghi. Họ thay đổi thời gian, địa điểm hoặc phương pháp đánh cá. Chúng ta cũng có thể thực hiện điều chỉnh tương tự trong thánh chức. Hãy cùng xem những gợi ý sau.

Khi rao giảng trong khu vực mà người ta hiếm khi ở nhà, hãy cố gắng tiếp cận với họ vào thời gian, địa điểm hoặc cách thức khác nhau (Xem đoạn 7-10) *

7. Việc rao giảng vào thời điểm khác nhau có thể mang lại lợi ích nào?

7 Thử tiếp cận với người ta vào thời gian khác. Chúng ta sẽ gặp nhiều người hơn nếu rao giảng vào thời điểm mà có thể họ ở nhà. Suy cho cùng, trước sau gì họ cũng phải về nhà! Nhiều anh chị thấy hữu ích khi rao giảng vào buổi chiều hay buổi tối vì gặp được nhiều người hơn. Ngoài ra, chủ nhà có thể cảm thấy thoải mái và sẵn sàng nói chuyện vào những lúc đó. Hoặc có lẽ anh chị thấy hữu ích khi áp dụng gợi ý sau của một trưởng lão tên David. Anh ấy nói rằng sau khi rao giảng một hoặc hai tiếng trong khu vực, anh và bạn đồng hành trở lại những nhà mà lần đầu không gặp ai. Anh cho biết: “Thật ngạc nhiên là nhiều người có ở nhà khi chúng tôi quay lại lần hai”. *

Khi rao giảng trong khu vực mà người ta hiếm khi ở nhà, hãy cố gắng tiếp cận với họ vào thời gian khác (Xem đoạn 7, 8)

8. Truyền đạo 11:6 áp dụng thế nào đối với thánh chức?

8 Chúng ta không nên bỏ cuộc. Câu Kinh Thánh chủ đề nhắc chúng ta về thái độ mà mình cần có. (Đọc Truyền đạo 11:6). Anh David, người được đề cập ở trên, đã không bỏ cuộc. Tại nhà nọ, cuối cùng anh cũng gặp được chủ nhà sau nhiều lần đến nhưng không gặp. Ông ấy thích thảo luận Kinh Thánh, và ông nói: “Tôi ở đây khoảng tám năm rồi mà chưa bao giờ thấy Nhân Chứng Giê-hô-va gõ cửa nhà tôi”. Anh David cho biết: “Tôi thấy rằng khi gặp được người ta sau nhiều nỗ lực, họ thường lắng nghe thông điệp của chúng ta”.

Khi rao giảng trong khu vực mà người ta hiếm khi ở nhà, hãy cố gắng tiếp cận với họ tại địa điểm khác (Xem đoạn 9)

9. Một số Nhân Chứng tiếp cận với những người khó gặp bằng cách nào?

9 Thử địa điểm khác. Để tiếp cận với những người khó gặp ở nhà, một số công bố đã thay đổi địa điểm rao giảng. Chẳng hạn, việc rao giảng ngoài đường phố và dùng quầy di động đã chứng tỏ là những phương pháp hữu hiệu để gặp những người sống trong các chung cư lớn mà chúng ta không được phép rao giảng từng nhà. Nhờ những phương pháp này, các Nhân Chứng có thể nói chuyện trực tiếp với những người mà họ khó gặp bằng cách khác. Ngoài ra, nhiều công bố thấy rằng người ta sẵn sàng nói chuyện hoặc dễ nhận ấn phẩm hơn ở công viên, khu chợ và khu thương mại. Anh Floiran, một giám thị vòng quanh ở Bolivia, nói: “Chúng tôi hay đi ra khu chợ và các cửa tiệm vào khung giờ từ 1 đến 3 giờ chiều khi người bán hàng ít khách hơn. Chúng tôi thường có những cuộc nói chuyện thú vị và thậm chí bắt đầu những cuộc học hỏi Kinh Thánh”.

Khi rao giảng trong khu vực mà người ta hiếm khi ở nhà, hãy cố gắng tiếp cận với họ bằng cách thức khác (Xem đoạn 10)

10. Anh chị có thể dùng những phương pháp nào để tiếp cận người ta?

10 Thử cách tiếp cận khác. Giả sử anh chị cố gắng để gặp một người. Anh chị đến nhà họ vào những lúc khác nhau nhưng vẫn không gặp được họ. Có những cách nào khác để tiếp cận họ không? Chị Katarína nói: “Tôi viết thư cho những người mà mình không bao giờ gặp ở nhà. Tôi ghi ra những điều mà mình sẽ nói nếu gặp họ trực tiếp”. Bài học là gì? Khi làm thánh chức, hãy cố gắng tiếp cận mọi người trong khu vực bằng cách này hay cách khác.

GIỮ THÁI ĐỘ TÍCH CỰC KHI NGƯỜI TA THỜ Ơ

11. Tại sao một số người thờ ơ với thông điệp của chúng ta?

11 Một số người thờ ơ với thông điệp của chúng ta. Họ thấy mình không cần biết về Đức Chúa Trời hoặc Kinh Thánh. Họ không tin có Đức Chúa Trời vì chứng kiến quá nhiều đau khổ trên thế giới. Họ bác bỏ Kinh Thánh vì thấy sự đạo đức giả của những nhà lãnh đạo tôn giáo cho rằng mình sống theo Kinh Thánh. Số khác thì quá bận tâm với công việc, gia đình hay vấn đề cá nhân. Họ không nghĩ Kinh Thánh có thể giúp họ. Làm thế nào để giữ niềm vui khi những người mà mình rao giảng không xem trọng thông điệp Nước Trời?

12. Việc áp dụng Phi-líp 2:4 giúp chúng ta thế nào trong thánh chức?

12 Tỏ lòng quan tâm. Nhiều người lúc đầu tỏ ra thờ ơ nhưng sau đó hưởng ứng tin mừng khi thấy người công bố quan tâm chân thành đến họ. (Đọc Phi-líp 2:4). Chẳng hạn, anh David được đề cập ở trên nói: “Nếu một người nói rằng họ không quan tâm, chúng tôi sẽ cất Kinh Thánh và ấn phẩm rồi nói: ‘Ông/Bà có thể chia sẻ tại sao mình cảm thấy như thế không?’”. Người ta có thể nhận ra khi ai đó quan tâm đến họ. Có lẽ họ không nhớ chính xác những điều chúng ta nói, nhưng rất có thể họ sẽ nhớ lòng quan tâm của chúng ta. Ngay cả khi chủ nhà không muốn chúng ta nói về tin mừng, chúng ta có thể tỏ lòng quan tâm đến họ qua thái độ và nét mặt.

13. Điều gì giúp chúng ta điều chỉnh thông điệp để đáp ứng nhu cầu của mỗi chủ nhà?

13 Chúng ta cũng tỏ lòng quan tâm bằng cách điều chỉnh thông điệp sao cho phù hợp với nhu cầu và mối quan tâm của chủ nhà. Chẳng hạn, có điều gì cho thấy chủ nhà có con không? Có lẽ các bậc cha mẹ sẽ quan tâm đến lời khuyên của Kinh Thánh về việc nuôi dạy con cái hoặc những gợi ý hữu ích giúp gia đình hạnh phúc hơn. Hoặc nói sao nếu thấy cửa nhà họ có nhiều ổ khóa? Có thể chúng ta sẽ nói về tội ác và nỗi sợ mà tội ác gây ra. Chủ nhà có lẽ sẵn sàng nghe về giải pháp lâu dài cho vấn đề đó. Dù là trường hợp nào, hãy cố gắng giúp người nghe thấy lời khuyên trong Kinh Thánh giúp ích cho họ ra sao. Chị Katarína được đề cập ở trên nói: “Tôi tự nhắc nhở bản thân là chân lý đã giúp đời sống mình tốt hơn thế nào”. Nhờ thế, chị Katarína nói với lòng tin chắc, và hẳn những người chị chia sẻ cũng thấy được điều đó.

14. Theo Châm ngôn 27:17, chúng ta có thể giúp nhau như thế nào khi rao giảng chung?

14 Nhận sự giúp đỡ từ người khác. Vào thế kỷ thứ nhất, Phao-lô chia sẻ cách thức ông rao giảng và dạy dỗ với Ti-mô-thê, và ông khuyến khích Ti-mô-thê dùng những cách thức này để giúp người khác (1 Cô 4:17). Giống như Ti-mô-thê, chúng ta có thể học từ những anh chị giàu kinh nghiệm trong hội thánh. (Đọc Châm ngôn 27:17). Hãy xem kinh nghiệm của một anh tên Shawn. Trong một thời gian, anh làm tiên phong ở vùng nông thôn mà đa số người ta hài lòng về tôn giáo của mình. Làm thế nào anh giữ được niềm vui? Anh cho biết: “Bất cứ khi nào có thể, tôi đều đi chung với người khác. Chúng tôi dùng thời gian di chuyển giữa các nhà để giúp nhau cải thiện kỹ năng dạy dỗ. Chẳng hạn, chúng tôi xem lại cách mình rao giảng cho một người trước đó. Rồi chúng tôi thảo luận điều mình có thể làm vào lần tới khi gặp tình huống tương tự”.

15. Liên quan đến thánh chức, tại sao cầu nguyện là điều thiết yếu?

15 Xin Đức Giê-hô-va trợ giúp. Hãy xin ngài hướng dẫn mỗi lần anh chị tham gia thánh chức. Nếu không có sự trợ giúp của thần khí mạnh mẽ của ngài, không ai trong chúng ta có thể thực hiện bất cứ điều gì (Thi 127:1; Lu 11:13). Khi cầu xin Đức Giê-hô-va giúp đỡ, hãy nói cụ thể. Chẳng hạn, hãy xin ngài hướng dẫn anh chị để gặp người có lòng ngay thẳng và sẵn sàng lắng nghe. Rồi hành động phù hợp với lời cầu nguyện bằng cách rao giảng cho bất cứ ai mình gặp.

16. Tại sao chúng ta cần học hỏi cá nhân để hữu hiệu trong thánh chức?

16 Dành thời gian để học hỏi cá nhân. Lời Đức Chúa Trời nói: ‘Hãy chứng minh cho chính mình về ý muốn của Đức Chúa Trời, là ý muốn tốt lành, hoàn hảo và đẹp lòng ngài’ (Rô 12:2). Càng tin chắc mình biết sự thật về Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ càng nói với lòng tin chắc trong thánh chức. Chị Katarína cho biết: “Cách đây không lâu, tôi nhận ra mình cần củng cố đức tin nơi một số sự dạy dỗ căn bản trong Kinh Thánh. Vì thế, tôi nghiên cứu bằng chứng cho thấy có một Đấng Tạo Hóa, Kinh Thánh thật sự là Lời Đức Chúa Trời và ngài có một tổ chức đại diện cho ngài ngày nay”. Chị Katarína nói rằng việc học hỏi cá nhân đã giúp chị củng cố đức tin và gia tăng niềm vui trong thánh chức.

TẠI SAO NÊN GIỮ THÁI ĐỘ TÍCH CỰC TRONG THÁNH CHỨC?

17. Tại sao Chúa Giê-su giữ thái độ tích cực trong thánh chức?

17 Chúa Giê-su giữ thái độ tích cực và tiếp tục rao giảng dù một số người thờ ơ với thông điệp của ngài. Tại sao? Ngài biết người ta cần chân lý đến mức nào, và ngài muốn cho càng nhiều người càng tốt có cơ hội hưởng ứng thông điệp Nước Trời. Ngài cũng biết một số người lúc đầu thờ ơ nhưng cuối cùng chấp nhận chân lý. Hãy xem điều xảy ra trong chính gia đình của ngài. Trong suốt ba năm rưỡi Chúa Giê-su làm thánh chức, không người em trai nào của ngài trở thành môn đồ (Giăng 7:5). Tuy nhiên, sau khi Chúa Giê-su được sống lại, họ trở thành tín đồ đạo Đấng Ki-tô.—Công 1:14.

18. Tại sao chúng ta tiếp tục rao giảng?

18 Chúng ta không biết cuối cùng ai sẽ chấp nhận những sự thật Kinh Thánh mà mình dạy. Một số người cần nhiều thời gian hơn người khác để hưởng ứng thông điệp Nước Trời. Ngay cả những người không muốn nghe cũng thấy hạnh kiểm tốt và thái độ tích cực của chúng ta, và có thể sau này họ “tôn vinh Đức Chúa Trời”.—1 Phi 2:12.

19. Theo 1 Cô-rinh-tô 3:6, 7, chúng ta cần nhận ra điều gì?

19 Khi trồng và tưới, chúng ta cần nhận ra vai trò của Đức Chúa Trời. (Đọc 1 Cô-rinh-tô 3:6, 7). Anh Getahun phụng sự ở Ethiopia nói: “Trong hơn 20 năm, tôi là Nhân Chứng duy nhất trong một khu vực ít được rao giảng. Nhưng hiện nay có 14 công bố ở đây. Mười ba người trong số họ đã báp-têm, trong đó có vợ và ba người con của tôi. Trung bình có 32 người tham dự nhóm họp”. Anh Getahun rất vui vì đã tiếp tục rao giảng trong khi kiên nhẫn chờ đợi Đức Giê-hô-va kéo những người có lòng thành đến với tổ chức của ngài.—Giăng 6:44.

20. Chúng ta giống người cứu hộ theo nghĩa nào?

20 Đức Giê-hô-va xem sự sống của mọi người rất quý giá. Ngài ban cho chúng ta đặc ân cùng làm việc với Con ngài để thu nhóm người từ mọi nước trước khi thế gian này kết thúc (Ha-gai 2:7). Công việc rao giảng của chúng ta có thể được ví như việc cứu hộ. Và chúng ta giống như thành viên trong một đội cứu hộ được phái đi để giải cứu những người bị mắc kẹt trong mỏ than. Dù chỉ có ít người cứu hộ tìm được người sống sót, nhưng nỗ lực của cả đội đều quý giá. Điều này cũng đúng với công việc thánh chức. Chúng ta không biết còn bao nhiêu người sẽ được cứu khỏi thế gian của Sa-tan. Nhưng Đức Giê-hô-va có thể dùng bất cứ ai trong chúng ta để giúp họ. Anh Andreas sống ở Bolivia nói: “Tôi thấy rằng mỗi người biết đến chân lý và báp-têm là kết quả của một tập thể”. Mong sao chúng ta giữ thái độ tích cực như vậy đối với thánh chức. Khi làm thế, Đức Giê-hô-va sẽ ban phước và thánh chức sẽ mang lại niềm vui thật cho chúng ta.

BÀI HÁT 66 Hãy rao truyền tin mừng

^ đ. 5 Làm thế nào để giữ thái độ tích cực trong thánh chức ngay cả khi nhiều người không ở nhà hoặc dường như thờ ơ với thông điệp của chúng ta? Bài này sẽ đưa ra những gợi ý giúp chúng ta giữ cái nhìn tích cực.

^ đ. 7 Khi tham gia những hình thức rao giảng được nói đến trong bài này, người công bố nên tuân theo luật về việc bảo vệ dữ liệu cá nhân, nếu áp dụng cho công việc của chúng ta.

^ đ. 60 HÌNH ẢNH: (từ trên xuống): Một cặp vợ chồng rao giảng trong khu vực khó gặp người ta ở nhà. Chủ nhà đầu tiên đang đi làm, người thứ hai đi phòng khám và người thứ ba đi mua sắm. Họ gặp chủ nhà đầu tiên bằng cách đến thăm người ấy vào chiều tối. Họ gặp chủ nhà thứ hai khi làm chứng nơi công cộng gần phòng khám. Họ tiếp cận chủ nhà thứ ba bằng cách gọi điện thoại.