Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 22

Giúp học viên tiến đến báp-têm

Giúp học viên tiến đến báp-têm

“Mỗi người hãy chịu phép báp-têm”.—CÔNG 2:38.

BÀI HÁT 72 Rao truyền chân lý

GIỚI THIỆU *

1. Một đám đông lớn vào thế kỷ thứ nhất được bảo làm gì?

Một đám đông lớn tụ tập lại; họ là những người nam và nữ đến từ nhiều nước và nói các ngôn ngữ khác nhau. Một điều lạ thường đã xảy ra vào hôm đó. Bỗng nhiên, một nhóm người Do Thái có khả năng nói các ngôn ngữ mẹ đẻ của đám đông ấy! Điều đó khiến đám đông rất ngạc nhiên, nhưng điều mà những người Do Thái nói với họ và điều sứ đồ Phi-e-rơ nói với tất cả mọi người có mặt còn đáng chú ý hơn. Những lời ấy chứa đựng thông điệp là họ có thể được cứu nếu thể hiện đức tin nơi Chúa Giê-su. Thông điệp ấy tác động sâu sắc đến đám đông. Thực tế, dân chúng cảm động đến mức hỏi: “Chúng tôi phải làm gì?”. Phi-e-rơ trả lời rằng: “Mỗi người hãy chịu phép báp-têm”.—Công 2:37, 38.

Một anh đi cùng vợ để học hỏi Kinh Thánh với một thanh niên; người ấy cầm sách Vui sống mãi mãi! (Xem đoạn 2)

2. Bài này sẽ xem xét điều gì? (Xem hình nơi trang bìa).

2 Điều xảy ra sau đó rất đáng kinh ngạc. Hôm ấy có khoảng 3.000 người báp-têm trở thành môn đồ của Đấng Ki-tô. Đó là khởi đầu của công việc vĩ đại mà Chúa Giê-su lệnh cho các môn đồ làm. Công việc đào tạo môn đồ này vẫn tiếp diễn đến thế kỷ 21. Ngày nay, chúng ta không thể giúp một người tiến bộ đến bước báp-têm chỉ trong vài tiếng. Có lẽ mất nhiều tháng, thậm chí một năm hoặc hơn để một học viên đạt đến mục tiêu đó. Công việc đào tạo môn đồ cần nhiều nỗ lực, và nếu đang điều khiển một cuộc học hỏi Kinh Thánh thì anh chị biết rõ điều đó. Bài này sẽ xem xét anh chị có thể làm gì để giúp học viên hội đủ điều kiện báp-têm.

GIÚP HỌC VIÊN ÁP DỤNG ĐIỀU HỌC ĐƯỢC

3. Theo Ma-thi-ơ 28:19, 20, học viên cần làm gì để tiến bộ đến bước báp-têm?

3 Trước khi báp-têm, học viên cần làm theo những điều Kinh Thánh dạy. (Đọc Ma-thi-ơ 28:19, 20). Khi áp dụng những điều học được, học viên sẽ giống như “người khôn ngoan” trong minh họa của Chúa Giê-su, là người đã đào thật sâu để xây nhà trên nền đá chắc chắn (Mat 7:24, 25; Lu 6:47, 48). Làm thế nào để giúp học viên áp dụng những điều người ấy học? Hãy cùng xem ba gợi ý.

4. Làm thế nào để giúp học viên tiến bộ đều đặn đến bước báp-têm? (Cũng xem khung “ Giúp học viên đặt ra và đạt được những mục tiêu”).

4 Giúp học viên đặt mục tiêu. Tại sao chúng ta nên làm thế? Hãy xem minh họa sau: Nếu anh chị dự định đi một chuyến hành trình dài, có lẽ anh chị muốn dừng chân ở một số địa điểm có cảnh đẹp. Làm thế sẽ giúp anh chị không thấy choáng ngợp khi nghĩ đến quãng đường xa tít. Tương tự, khi học viên đặt ra và đạt được những mục tiêu ngắn hạn, rất có thể người ấy sẽ nhận ra rằng mục tiêu báp-têm không vượt quá tầm tay của mình. Hãy dùng mục “Mục tiêu” trong sách Vui sống mãi mãi! để giúp học viên tiến bộ. Cuối mỗi bài, hãy thảo luận mục tiêu ấy giúp học viên áp dụng điều vừa học như thế nào. Nếu anh chị muốn học viên đạt mục tiêu khác, hãy viết vào mục “Khác”. Hãy thường xuyên dùng phần này để ôn lại với học viên về những mục tiêu ngắn hạn và dài hạn của người ấy.

5. Theo Mác 10:17-22, Chúa Giê-su bảo một người đàn ông giàu có làm gì, và tại sao?

5 Giúp học viên thực hiện những thay đổi trong đời sống. (Đọc Mác 10:17-22). Chúa Giê-su biết là sẽ khó để người đàn ông giàu có nọ bán hết mọi thứ mình có (Mác 10:23). Nhưng Chúa Giê-su vẫn bảo ông làm thế dù đó là sự thay đổi lớn. Tại sao? Vì ngài yêu thương ông. Đôi khi, chúng ta ngại khuyến khích học viên áp dụng điều họ đang học vì nghĩ rằng người ấy chưa sẵn sàng thực hiện những thay đổi cần thiết. Có lẽ cần thời gian để một người lột bỏ thói quen cũ và mặc lấy nhân cách mới (Cô 3:9, 10). Nhưng càng sớm thảo luận vấn đề này với học viên, thì có thể người ấy sẽ càng sớm thay đổi. Khi làm thế, anh chị cho thấy mình quan tâm đến học viên.—Thi 141:5; Châm 27:17.

6. Tại sao chúng ta nên dùng câu hỏi thăm dò quan điểm?

6 Đặt câu hỏi thăm dò quan điểm là điều rất quan trọng. Hãy đặt câu hỏi như thế để xem học viên hiểu gì và tin gì. Nếu làm điều này thường xuyên, anh chị sẽ thấy dễ hơn để thảo luận với học viên những đề tài tế nhị trong tương lai. Sách Vui sống mãi mãi! có nhiều câu hỏi thăm dò quan điểm. Chẳng hạn, bài 04 có câu hỏi: “Theo bạn, Đức Giê-hô-va cảm thấy thế nào khi bạn dùng danh ngài?”, bài 09 có câu hỏi: “Bạn muốn cầu nguyện về điều gì?”. Lúc đầu, có lẽ học viên cần thời gian để suy nghĩ câu trả lời cho những câu hỏi thăm dò quan điểm. Anh chị có thể giúp bằng cách huấn luyện người ấy lý luận dựa trên các câu Kinh Thánh và hình ảnh trong bài.

7. Làm thế nào chúng ta có thể dùng những kinh nghiệm có thật một cách hữu hiệu?

7 Khi học viên đã hiểu điều mình cần làm, hãy dùng những kinh nghiệm có thật để khích lệ người ấy làm điều đó. Chẳng hạn, nếu học viên thấy khó tham dự nhóm họp, anh chị có thể cho người ấy xem video Đức Giê-hô-va quan tâm đến tôi trong mục “Khám phá” nơi bài 14. Nhiều bài trong sách Vui sống mãi mãi! có những kinh nghiệm như thế trong mục “Đào sâu” hoặc mục “Khám phá”. * Tránh so sánh học viên với người khác bằng cách nói những câu như: “Nếu người ấy làm được, anh chị cũng có thể làm được”. Hãy để học viên tự rút ra kết luận đó. Thay vì so sánh, hãy đề cập đến những điểm cụ thể đã giúp người trong video áp dụng sự dạy dỗ của Kinh Thánh. Anh chị có thể nêu ra một câu Kinh Thánh quan trọng hoặc một điều thực tế mà người trong video đã làm. Nếu được, hãy nhấn mạnh cách Đức Giê-hô-va đã giúp người ấy.

8. Làm thế nào để giúp học viên yêu mến Đức Giê-hô-va?

8 Giúp học viên yêu mến Đức Giê-hô-va. Bằng cách nào? Hãy tìm cơ hội để hướng học viên đến những phẩm chất của Đức Giê-hô-va. Giúp người ấy hiểu rằng Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời hạnh phúc, đấng giúp đỡ những ai yêu mến ngài (1 Ti 1:11; Hê 11:6). Cho học viên thấy người ấy sẽ nhận được lợi ích khi áp dụng điều học được và giải thích rằng những lợi ích ấy là bằng chứng cho thấy Đức Giê-hô-va yêu thương họ (Ê-sai 48:17, 18). Càng yêu mến Đức Giê-hô-va, học viên sẽ càng được thúc đẩy để thực hiện những thay đổi cần thiết.—1 Giăng 5:3.

GIỚI THIỆU HỌC VIÊN VỚI ANH EM ĐỒNG ĐẠO

9. Dựa trên Mác 10:29, 30, điều gì giúp học viên hy sinh một số điều để tiến bộ đến bước báp-têm?

9 Để tiến bộ đến bước báp-têm, học viên sẽ cần hy sinh một số điều. Như người đàn ông giàu có được đề cập ở trên, một số học viên cần hy sinh quyền lợi vật chất. Nếu công việc của họ không phù hợp với nguyên tắc Kinh Thánh, có lẽ họ cần thay đổi công việc. Nhiều người phải ngưng kết hợp với những người bạn không yêu mến Đức Giê-hô-va. Số khác bị gia đình từ bỏ vì họ không thích Nhân Chứng Giê-hô-va. Chúa Giê-su biết không dễ để một số người hy sinh những điều như thế. Nhưng ngài hứa rằng những ai theo ngài sẽ không bị thất vọng. Họ sẽ nhận được phần thưởng dồi dào, đó là một gia đình thiêng liêng đầy yêu thương. (Đọc Mác 10:29, 30). Làm thế nào anh chị có thể giúp học viên nhận lợi ích từ món quà tuyệt vời này?

10. Anh chị học được gì từ kinh nghiệm của anh Manuel?

10 Vun đắp tình bạn với học viên. Việc cho học viên thấy anh chị quan tâm đến họ là điều rất quan trọng. Tại sao? Hãy để ý đến lời chia sẻ của anh Manuel sống ở Mexico. Nhớ lại khi còn là học viên Kinh Thánh, anh nói: “Trước mỗi buổi học, người dạy hay hỏi thăm tôi. Anh ấy giúp tôi cảm thấy thoải mái và lắng nghe khi tôi chia sẻ về những vấn đề khác. Tôi cảm nhận là anh ấy thật sự quan tâm đến mình”.

11. Học viên có thể nhận được lợi ích nào khi chúng ta dành thời gian cho họ?

11 Hãy dành thời gian cho học viên, như Chúa Giê-su đã dành thời gian cho các môn đồ (Giăng 3:22). Nếu thích hợp, hãy mời học viên đang tiến bộ đến nhà uống cà phê, dùng bữa hoặc xem chương trình kênh truyền thông. Học viên có lẽ đặc biệt quý lời mời như thế vào các ngày lễ khi họ dễ cảm thấy cô đơn. Anh Kazibwe sống ở Uganda nhớ lại: “Tôi không chỉ học về Đức Giê-hô-va qua những buổi học hỏi Kinh Thánh, mà cũng học được nhiều về ngài khi kết hợp với người dạy. Tôi thấy Đức Giê-hô-va quan tâm biết bao đến dân ngài và cũng thấy họ hạnh phúc đến mức nào. Tôi rất muốn cảm nghiệm những điều ấy trong đời sống mình”.

Khi mời các công bố khác nhau tham dự cuộc học hỏi, học viên sẽ thấy dễ tham dự nhóm họp hơn (Xem đoạn 12) *

12. Tại sao chúng ta nên mời nhiều anh chị khác nhau tham dự cuộc học hỏi?

12 Mời những anh chị khác nhau tham dự cuộc học hỏi. Đôi khi chúng ta cảm thấy dễ hơn nếu đi một mình hoặc luôn chỉ đi chung với cùng một người. Dù có lẽ điều đó thuận tiện hơn, nhưng rất có thể học viên sẽ nhận được lợi ích nếu chúng ta đi cùng với nhiều anh chị khác nhau. Anh Dmitrii sống ở Moldova kể lại: “Mỗi anh chị mà người dạy dẫn đến để học Kinh Thánh với tôi có cách giải thích độc đáo. Điều này giúp tôi thấy những cách khác nhau để áp dụng điều mình đang học. Tôi cũng cảm thấy đỡ ngại hơn khi tham dự buổi nhóm họp đầu tiên, vì tôi đã gặp nhiều anh chị rồi”.

13. Tại sao chúng ta cần giúp học viên tham dự nhóm họp?

13 Giúp học viên tham dự nhóm họp. Tại sao chúng ta cần làm thế? Vì Đức Giê-hô-va lệnh cho những người thờ phượng ngài nhóm lại với nhau; đó là một phần của sự thờ phượng thật (Hê 10:24, 25). Ngoài ra, anh em đồng đạo là gia đình thiêng liêng của chúng ta. Khi nhóm lại với họ, như thể chúng ta đang tụ họp tại nhà để cùng nhau dùng bữa. Khi giúp học viên tham dự nhóm họp, anh chị đang giúp họ thực hiện một trong những bước quan trọng nhất để tiến bộ đến bước báp-têm. Nhưng đây có thể là một bước không dễ đối với người ấy. Sách Vui sống mãi mãi! có thể giúp học viên ra sao để vượt qua bất cứ khó khăn nào người ấy gặp phải?

14. Làm thế nào để thúc đẩy học viên tham dự nhóm họp?

14 Hãy dùng bài 10 của sách Vui sống mãi mãi! để thúc đẩy học viên tham dự nhóm họp. Trước khi sách được ra mắt, một số công bố được mời dùng bài này để dạy học viên. Họ nói rằng đây là bài rất hữu ích để giúp học viên tham dự nhóm họp. Dĩ nhiên, không nên đợi đến bài 10 thì mới mời học viên đến nhóm. Hãy mời người ấy càng sớm càng tốt và thường xuyên làm thế. Mỗi học viên phải đương đầu với những trở ngại khác nhau. Vì thế, hãy để ý đến nhu cầu của học viên, và xem anh chị có thể giúp họ một cách thực tế như thế nào. Đừng nản lòng nếu anh chị đã mời nhiều lần nhưng học viên vẫn chưa tham dự nhóm họp. Hãy kiên nhẫn và đừng bỏ cuộc.

GIÚP HỌC VIÊN VƯỢT QUA NỖI SỢ

15. Học viên có thể có những nỗi sợ nào?

15 Anh chị còn nhớ cảm giác lo sợ một chút khi nghĩ đến việc trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va không? Có lẽ anh chị nghĩ mình không bao giờ có thể đi rao giảng. Hoặc anh chị sợ bị gia đình hay bạn bè chống đối. Nếu vậy, anh chị có thể hiểu được cảm xúc của học viên. Chúa Giê-su biết một số người sẽ có những nỗi sợ ấy. Tuy nhiên, ngài khuyến giục các môn đồ đừng để nỗi sợ ngăn cản họ phụng sự Đức Giê-hô-va (Mat 10:16, 17, 27, 28). Chúa Giê-su đã giúp các môn đồ vượt qua nỗi sợ như thế nào? Và chúng ta có thể noi gương ngài ra sao?

16. Chúng ta có thể huấn luyện học viên chia sẻ niềm tin bằng cách nào?

16 Từng bước huấn luyện học viên chia sẻ niềm tin. Các môn đồ của Chúa Giê-su có lẽ cảm thấy hồi hộp khi được phái đi rao giảng. Nhưng Chúa Giê-su đã giúp họ bằng cách cho biết rao giảng cho ai và rao giảng thông điệp gì (Mat 10:5-7). Anh chị có thể bắt chước Chúa Giê-su như thế nào? Hãy giúp học viên biết mình có thể rao giảng cho ai. Chẳng hạn, hãy hỏi xem học viên có biết ai có thể nhận được lợi ích từ một sự thật nào đó trong Kinh Thánh không. Rồi giúp người ấy chuẩn bị để làm chứng qua việc cho thấy một cách đơn giản để chia sẻ sự thật đó. Khi thích hợp, anh chị có thể tập dượt với người ấy bằng cách dùng mục “Một số người nói” và “Một số người hỏi” trong sách Vui sống mãi mãi!. Khi làm điều này, hãy cố gắng huấn luyện học viên dùng Kinh Thánh để đưa ra câu trả lời đơn giản và tế nhị.

17. Chúng ta có thể dùng Ma-thi-ơ 10:19, 20, 29-31 như thế nào để giúp học viên tin cậy Đức Giê-hô-va?

17 Giúp học viên tin cậy Đức Giê-hô-va. Chúa Giê-su đảm bảo với các môn đồ rằng Đức Giê-hô-va sẽ giúp họ vì yêu thương họ. (Đọc Ma-thi-ơ 10:19, 20, 29-31). Hãy nhắc học viên nhớ là Đức Giê-hô-va cũng sẽ giúp người ấy. Anh chị có thể giúp học viên nương cậy Đức Giê-hô-va bằng cách cùng cầu nguyện với họ về những mục tiêu của họ. Anh Franciszek sống ở Ba Lan nhớ lại: “Khi cầu nguyện, người dạy thường nhắc đến các mục tiêu của tôi. Khi thấy cách Đức Giê-hô-va đáp lời cầu nguyện của anh ấy, tôi liền bắt đầu cầu nguyện. Tôi thấy rõ Đức Giê-hô-va đã giúp tôi khi tôi cần xin chủ mới cho tôi nghỉ làm vào những ngày có nhóm họp và hội nghị”.

18. Đức Giê-hô-va cảm thấy thế nào về công việc của người dạy?

18 Đức Giê-hô-va quan tâm sâu xa đến các học viên Kinh Thánh. Ngài quý trọng công khó của người dạy trong việc giúp người ta đến gần ngài, và ngài rất yêu thương họ vì điều đó (Ê-sai 52:7). Nếu hiện nay không điều khiển cuộc học hỏi nào, anh chị vẫn có thể giúp các học viên Kinh Thánh tiến bộ đến bước báp-têm bằng cách tham dự cuộc học hỏi của các công bố khác.

BÀI HÁT 60 Thông điệp mang lại sự sống

^ đ. 5 Bài này sẽ xem xét cách Chúa Giê-su giúp người ta trở thành môn đồ ngài và làm thế nào chúng ta có thể bắt chước ngài. Bài cũng sẽ xem xét một số đặc điểm của sách mới Vui sống mãi mãi!. Sách này được biên soạn để giúp học viên Kinh Thánh tiến bộ đến bước báp-têm.

^ đ. 7 Anh chị cũng có thể tìm những kinh nghiệm có thật trong (1) Cẩm nang tra cứu của Nhân Chứng Giê-hô-va, dưới đề tài “Kinh Thánh”, rồi vào chủ đề “Giá trị thiết thực”, và vào mục “‘Kinh Thánh thay đổi đời sống’ (Loạt bài Tháp Canh)” hoặc trong (2) JW Library®, dưới mục “Video/Audio”, rồi vào mục “Phỏng vấn và kinh nghiệm”.

^ đ. 62 HÌNH ẢNH: Một anh đi cùng vợ để học Kinh Thánh với một thanh niên. Vào những lần khác, các anh khác nhau tham dự cùng.