Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 23

Có Đức Giê-hô-va ở bên, anh chị không bao giờ đơn độc!

Có Đức Giê-hô-va ở bên, anh chị không bao giờ đơn độc!

“Đức Giê-hô-va ở gần hết thảy người kêu cầu ngài”.​—THI 145:18.

BÀI HÁT 28 Để được làm bạn với Đức Giê-hô-va

GIỚI THIỆU *

1. Tại sao một số tôi tớ của Đức Giê-hô-va đôi khi cảm thấy cô đơn?

Đa số chúng ta đều có lúc cảm thấy cô đơn. Đối với một số người, cảm giác này sẽ qua đi nhanh chóng. Còn với một số khác thì cảm giác cô đơn cứ dai dẳng. Có thể chúng ta thấy cô đơn ngay cả khi có nhiều người xung quanh. Một số anh chị thấy khó hòa nhập với hội thánh mới. Số khác lớn lên trong một gia đình gắn bó nên họ cảm thấy cô đơn khi sống xa gia đình. Có những anh chị mất người thân thì cảm thấy cô đơn vì không còn người ấy ở bên cạnh. Một số anh chị, nhất là người mới theo chân lý, cảm thấy bị cô lập khi gia đình và bạn bè không tin đạo từ bỏ hoặc chống đối.

2. Chúng ta sẽ giải đáp những câu hỏi nào?

2 Đức Giê-hô-va biết và hiểu rõ mọi điều về chúng ta. Ngài biết khi chúng ta cảm thấy cô đơn và muốn giúp chúng ta vượt qua cảm xúc ấy. Ngài giúp chúng ta bằng cách nào? Chúng ta có thể làm gì để giúp chính mình? Và làm sao để giúp người khác trong hội thánh đang cảm thấy cô đơn? Hãy cùng xem lời giải đáp.

ĐỨC GIÊ-HÔ-VA ĐỂ Ý ĐẾN CHÚNG TA

Đức Giê-hô-va phái một thiên sứ đến để trấn an Ê-li-gia rằng ông không đơn độc (Xem đoạn 3)

3. Đức Giê-hô-va thể hiện lòng quan tâm như thế nào đến Ê-li-gia?

3 Đức Giê-hô-va quan tâm sâu xa đến những người thờ phượng ngài. Ngài ở gần mỗi chúng ta và ngài thấy khi chúng ta bị cảm giác nản lòng chế ngự (Thi 145:18, 19). Hãy xem Đức Giê-hô-va quan tâm đến nhà tiên tri Ê-li-gia như thế nào. Người đàn ông trung thành này sống vào giai đoạn khó khăn trong lịch sử của Y-sơ-ra-ên. Lúc đó, những người thờ phượng Đức Giê-hô-va bị bắt bớ dữ dội, và Ê-li-gia là mục tiêu chính của những kẻ thù đầy thế lực chống lại Đức Chúa Trời (1 Vua 19:1, 2). Có lẽ điều khác cũng khiến Ê-li-gia nản lòng là vì ông nghĩ chỉ còn mình ông là nhà tiên tri phụng sự Đức Giê-hô-va (1 Vua 19:10). Đức Chúa Trời để ý thấy và liền giúp đỡ Ê-li-gia. Ngài phái một thiên sứ đến để trấn an nhà tiên tri rằng ông không đơn độc và vẫn còn nhiều người Y-sơ-ra-ên khác kính sợ ngài.—1 Vua 19:5, 18.

4. Làm thế nào Mác 10:29, 30 cho thấy Đức Giê-hô-va quan tâm đến những tôi tớ không còn được gia đình và bạn bè hỗ trợ?

4 Đức Giê-hô-va biết khi chọn phụng sự ngài, một số người trong chúng ta phải hy sinh nhiều thứ. Điều này có thể bao gồm sự hỗ trợ từ bạn bè và người thân không tin đạo. Có lẽ vì lo lắng, sứ đồ Phi-e-rơ từng hỏi Chúa Giê-su: “Chúng tôi đã bỏ tất cả mà theo Thầy, vậy chúng tôi sẽ được gì?” (Mat 19:27). Chúa Giê-su trấn an các môn đồ rằng họ sẽ có được một đại gia đình thiêng liêng. (Đọc Mác 10:29, 30). Và Đức Giê-hô-va, Cha trên trời của chúng ta, hứa là ngài sẽ hỗ trợ những ai muốn phụng sự ngài (Thi 9:10). Hãy xem một số điều thực tế mà anh chị có thể làm để nhận được sự trợ giúp của Đức Giê-hô-va khi tranh đấu với cảm giác cô đơn.

ANH CHỊ CÓ THỂ LÀM GÌ NẾU CẢM THẤY ĐƠN ĐỘC?

5. Chú tâm vào cách Đức Giê-hô-va nâng đỡ mình mang lại lợi ích nào?

5 Chú tâm vào cách Đức Giê-hô-va nâng đỡ mình (Thi 55:22). Điều này sẽ giúp anh chị có cái nhìn thăng bằng về hoàn cảnh của bản thân. Một chị độc thân tên Cúc, * một mình trong chân lý, nói: “Nhìn lại và suy ngẫm về cách Đức Giê-hô-va hỗ trợ tôi qua những thử thách thật sự giúp tôi cảm thấy mình không đơn độc. Nhờ thế, tôi tin chắc Đức Giê-hô-va sẽ luôn hỗ trợ mình trong tương lai”.

6. Làm thế nào 1 Phi-e-rơ 5:9, 10 khích lệ những anh chị đang tranh đấu với cảm giác cô đơn?

6 Nghĩ đến cách Đức Giê-hô-va trợ giúp những anh em đồng đạo đang cảm thấy cô đơn. (Đọc 1 Phi-e-rơ 5:9, 10). Anh Hà, một Nhân Chứng duy nhất trong gia đình trong nhiều năm, nói: “Thật dễ để thấy không ai trong hội thánh có hoàn cảnh hoàn hảo. Việc biết rằng tất cả chúng ta đang cố gắng hết sức để phụng sự Đức Giê-hô-va có thể khích lệ những người một mình trong chân lý”.

7. Cầu nguyện giúp anh chị như thế nào?

7 Duy trì nề nếp thiêng liêng. Điều này bao gồm việc chia sẻ cảm xúc của mình với Đức Giê-hô-va (1 Phi 5:7). Một chị trẻ tên Mai cảm thấy lẻ loi trong gia đình khi một mình chọn theo chân lý. Chị cho biết: “Một trong những điều quan trọng nhất đã giúp tôi đương đầu với nỗi cô đơn là cầu nguyện tha thiết với Đức Giê-hô-va. Ngài thật sự là người Cha đối với tôi. Tôi đã cầu nguyện với ngài mỗi ngày, nhiều lần trong ngày, và cho ngài biết cảm xúc của mình”.

Nghe bản thu âm của Kinh Thánh và những ấn phẩm có thể giúp những anh chị đơn độc cảm thấy bớt cô đơn (Xem đoạn 8) *

8. Đọc và suy ngẫm Lời Đức Chúa Trời giúp anh chị như thế nào?

8 Hãy đều đặn đọc Lời Đức Chúa Trời và suy ngẫm về những lời tường thuật nêu bật tình yêu thương của Đức Giê-hô-va dành cho anh chị. Một chị tên Bình phải chịu đựng những lời nói tiêu cực của gia đình. Chị cho biết: “Điều thật sự giúp tôi là đọc cũng như suy ngẫm về những lời tường thuật trong Kinh Thánh và kinh nghiệm của các tôi tớ Đức Giê-hô-va đã đương đầu với tình huống tương tự”. Một số anh chị học thuộc lòng những câu Kinh Thánh an ủi, chẳng hạn Thi thiên 27:10 và Ê-sai 41:10. Số khác thì thấy việc nghe bản thu âm của tài liệu học hỏi khi chuẩn bị cho các buổi nhóm họp hoặc khi đọc Kinh Thánh giúp họ bớt cô đơn.

9. Tham dự nhóm họp mang lại lợi ích nào?

9 Hãy cố gắng tham dự nhóm họp đều đặn. Anh chị sẽ nhận được lợi ích từ chương trình đầy khích lệ và có cơ hội hiểu rõ hơn về anh em đồng đạo (Hê 10:24, 25). Chị Mai được đề cập ở trên nhớ lại: “Dù là người nhút nhát, nhưng tôi quyết tâm tham dự tất cả các buổi nhóm họp và cố gắng bình luận. Điều này giúp tôi cảm thấy mình là một phần của hội thánh”.

10. Tại sao việc vun đắp tình bạn với những tín đồ trung thành là điều quan trọng?

10 Vun đắp tình bạn với những tín đồ trung thành. Hãy tìm những người bạn trong hội thánh mà anh chị có thể học hỏi, ngay cả người có tuổi tác và gốc gác khác mình. Kinh Thánh nhắc chúng ta nhớ rằng sự khôn ngoan “ở giữa bậc cao niên” (Gióp 12:12). Các anh chị lớn tuổi cũng có thể học được nhiều từ những người trẻ trung thành. Đa-vít trẻ hơn nhiều so với Giô-na-than, nhưng điều đó không cản trở họ kết bạn thân với nhau (1 Sa 18:1). Đa-vít và Giô-na-than giúp nhau để phụng sự Đức Giê-hô-va bất kể thử thách cam go (1 Sa 23:16-18). Một chị tên Yến hiện là Nhân Chứng duy nhất trong gia đình nói: “Anh em đồng đạo có thể trở thành cha mẹ hoặc anh chị em thiêng liêng của chúng ta. Đức Giê-hô-va có thể dùng họ để giúp đỡ khi chúng ta cần”.

11. Chúng ta cần làm gì để vun đắp tình bạn mật thiết?

11 Việc kết bạn có lẽ là điều không dễ, đặc biệt nếu mình là người rụt rè. Chị Dương, một chị nhút nhát đã theo chân lý bất kể sự chống đối, thừa nhận: “Tôi phải chấp nhận một thực tế là mình cần sự giúp đỡ và hỗ trợ từ gia đình thiêng liêng”. Chia sẻ cảm xúc với người khác có thể là thách đố, nhưng việc trò chuyện cởi mở như thế là nền tảng cho tình bạn mật thiết. Anh em đồng đạo muốn khích lệ và hỗ trợ anh chị, nhưng anh chị cần cho họ biết họ có thể làm thế bằng cách nào.

12. Thánh chức giúp chúng ta như thế nào để có bạn tốt?

12 Một cách tốt nhất để kết bạn là tham gia thánh chức cùng với anh em đồng đạo. Chị Cúc được đề cập ở trên cho biết: “Tôi đã có nhiều bạn tốt nhờ dành thời gian với các chị trong thánh chức và trong những hoạt động thần quyền khác. Nhiều năm qua, Đức Giê-hô-va đã hỗ trợ tôi qua những người bạn này”. Vun đắp tình bạn với các tín đồ trung thành chắc chắn rất đáng công. Đức Giê-hô-va dùng những tình bạn như thế để giúp chúng ta chống lại cảm xúc tiêu cực, như cô đơn.—Châm 17:17.

GIÚP NGƯỜI KHÁC CẢM THẤY HỌ LÀ MỘT PHẦN TRONG GIA ĐÌNH CHÚNG TA

13. Tất cả mọi người trong hội thánh có trách nhiệm nào?

13 Tất cả mọi người trong hội thánh có trách nhiệm góp phần vào môi trường bình an và yêu thương, nhờ thế không ai cảm thấy đơn độc (Giăng 13:35). Điều chúng ta nói và làm có thể khích lệ người khác rất nhiều! Hãy để ý đến điều một chị nói: “Khi tôi học chân lý, hội thánh đã trở thành gia đình của tôi. Tôi không thể trở thành một Nhân Chứng Giê-hô-va nếu không có sự hỗ trợ của họ”. Anh chị có thể làm gì để giúp những người một mình trong chân lý cảm thấy họ là một phần của hội thánh?

14. Anh chị có thể làm gì để kết bạn với người mới?

14 Chủ động kết bạn với người khác. Chúng ta có thể làm thế bằng cách nồng ấm chào đón người mới khi họ đến với hội thánh (Rô 15:7). Tuy nhiên, chúng ta cần làm nhiều hơn là chỉ thân thiện chào hỏi. Theo thời gian, chúng ta muốn xây đắp tình bạn mật thiết với họ. Vì thế, hãy thể hiện lòng quan tâm chân thành với những người mới. Hãy cố gắng hiểu điều họ đang trải qua, nhưng chúng ta muốn tôn trọng sự riêng tư của họ. Một số người có lẽ thấy khó bày tỏ cảm xúc, nên đừng ép họ phải nói ra. Thay vì thế, hãy giúp họ mở lòng bằng cách ân cần đặt những câu hỏi và kiên nhẫn lắng nghe. Chẳng hạn, chúng ta có thể hỏi họ biết chân lý như thế nào.

15. Những tín đồ thành thục có thể giúp người khác trong hội thánh như thế nào?

15 Mọi người trong hội thánh sẽ tiến bộ về thiêng liêng khi những tín đồ thành thục, nhất là các trưởng lão, quan tâm đến họ. Chị Mỹ được mẹ nuôi dạy theo chân lý nói: “Tôi không thể bày tỏ hết lòng biết ơn đối với những anh là những người cha thiêng liêng đã giúp tôi qua nhiều năm tháng. Bất cứ khi nào tôi cần nói chuyện thì luôn có người sẵn sàng lắng nghe”. Một anh trẻ tên Minh cảm thấy bị bỏ rơi khi người dạy anh Kinh Thánh từ bỏ chân lý. Anh kể lại: “Lòng quan tâm của các trưởng lão đã giúp ích rất nhiều cho tôi. Họ thường xuyên nói chuyện với tôi. Họ dẫn tôi đi thánh chức, chia sẻ những viên ngọc mà họ tìm được khi học hỏi cá nhân, thậm chí còn chơi thể thao với tôi”. Sau này, cả chị Mỹ và anh Minh đều phụng sự trọn thời gian.

Có ai trong hội thánh sẽ đặc biệt quý nếu anh chị dành thời gian cho họ không? (Xem đoạn 16-19) *

16, 17. Chúng ta có thể giúp đỡ người khác qua những cách thực tế nào?

16 Trợ giúp một cách thực tế (Ga 6:10). Anh Lâm, một giáo sĩ phụng sự ở nước ngoài xa gia đình, cho biết: “Thường thì điều một người cần là một hành động nhân từ dù đơn giản nhưng đúng lúc. Tôi nhớ ngày nọ, tôi bị tai nạn xe. Cuối cùng tôi cũng về được đến nhà và cảm thấy rất căng thẳng. Rồi một cặp vợ chồng mời tôi đến nhà dùng bữa đơn giản. Tôi không nhớ chúng tôi đã ăn gì, nhưng nhớ là họ đã tử tế lắng nghe tôi. Sau đó, tôi cảm thấy tốt hơn rất nhiều!”.

17 Tất cả chúng ta đều rất thích những sự kiện thần quyền, chẳng hạn như các hội nghị, một phần vì chúng ta được kết hợp với người khác và cùng trò chuyện về chương trình. Tuy nhiên, chị Cúc được đề cập ở trên nói: “Những kỳ hội nghị không phải là dễ đối với tôi”. Tại sao? Chị nói tiếp: “Dù xung quanh tôi có hàng trăm, thậm chí hàng ngàn anh chị, nhưng họ thường đi chung với gia đình. Lúc đó, tôi cảm thấy rất cô đơn”. Số khác thì thấy khó tham dự hội nghị đầu tiên sau khi mất bạn đời. Anh chị có biết một người đang đương đầu với những thử thách như thế không? Anh chị có thể mời người ấy tham dự sự kiện thần quyền kế tiếp cùng với gia đình mình không?

18. Chúng ta có thể áp dụng 2 Cô-rinh-tô 6:11-13 như thế nào khi tỏ lòng hiếu khách?

18 Kết hợp với nhau. Hãy cố gắng mời anh chị khác nhau cùng tham gia các hoạt động giải trí, nhất là những người có lẽ cảm thấy cô đơn. Chúng ta muốn “mở rộng lòng mình”, đặc biệt đối với những anh chị ấy. (Đọc 2 Cô-rinh-tô 6:11-13). Chị Mỹ nhớ lại: “Chúng tôi rất vui khi bạn bè mời chúng tôi đến nhà chơi hoặc rủ đi du lịch chung”. Có người nào trong hội thánh sẽ đặc biệt nhận lợi ích từ lòng hiếu khách của anh chị không?

19. Khi nào việc dành thời gian cho anh em đồng đạo là đặc biệt hữu ích?

19 Có những lúc, anh em đồng đạo sẽ đặc biệt quý khi chúng ta dành thời gian cho họ. Một số có thể thấy khó ở bên người thân không tin đạo vào những ngày lễ. Số khác có lẽ cảm thấy rất buồn vào một số ngày trong năm, chẳng hạn ngày mà người thân qua đời. Khi chủ động dành thời gian cho những anh chị đang đương đầu với những khó khăn như thế, chúng ta cho họ thấy mình thật lòng quan tâm đến họ.—Phi-líp 2:20.

20. Những lời của Chúa Giê-su nơi Ma-thi-ơ 12:48-50 giúp chúng ta thế nào khi cảm thấy cô đơn?

20 Có nhiều lý do khiến một tín đồ có lúc cảm thấy đơn độc. Nhưng hãy luôn nhớ rằng Đức Giê-hô-va hiểu rõ cảm xúc ấy. Ngài cung cấp điều chúng ta cần, thường là qua anh em đồng đạo. (Đọc Ma-thi-ơ 12:48-50). Chúng ta cho Đức Giê-hô-va thấy mình biết ơn về sắp đặt yêu thương của ngài bằng cách nỗ lực hết sức để hỗ trợ gia đình thiêng liêng. Dù đôi lúc cảm thấy cô đơn, nhưng chúng ta không bao giờ đơn độc vì Đức Giê-hô-va luôn ở bên!

BÀI HÁT 46 Cảm tạ Cha Giê-hô-va

^ đ. 5 Có bao giờ anh chị tranh đấu với cảm giác cô đơn không? Nếu thế, hãy tin chắc rằng Đức Giê-hô-va biết rõ vấn đề mà anh chị đang phải đương đầu, và ngài sẵn sàng cung cấp sự hỗ trợ anh chị cần. Bài này sẽ thảo luận điều anh chị có thể làm để đối phó với cảm giác cô đơn. Cũng hãy xem làm thế nào chúng ta có thể khích lệ những anh em đồng đạo cảm thấy cô đơn.

^ đ. 5 Các tên đã được thay đổi.

^ đ. 60 HÌNH ẢNH: Một anh bị mất vợ được lợi ích khi nghe bản thu âm của Kinh Thánh và tài liệu học hỏi.

^ đ. 62 HÌNH ẢNH: Một anh cùng con gái đến thăm và thể hiện sự nhân từ với một anh lớn tuổi trong hội thánh.