Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 24

Anh chị có thể thoát khỏi bẫy của Sa-tan!

Anh chị có thể thoát khỏi bẫy của Sa-tan!

“Thoát khỏi bẫy của Ác Quỷ”.—2 TI 2:26.

BÀI HÁT 36 Hãy bảo vệ lòng mình

GIỚI THIỆU *

1. Tại sao chúng ta có thể ví Sa-tan với người đi săn?

Người đi săn có mục tiêu duy nhất là bắt hoặc giết con mồi. Có lẽ ông ta dùng nhiều loại bẫy khác nhau, như được nhắc đến trong Kinh Thánh (Gióp 18:8-10). Người đi săn sẽ nhử con mồi như thế nào để nó sập bẫy? Ông quan sát kỹ con vật. Nó đi đâu? Nó thích gì? Điều gì sẽ khiến cho nó bất ngờ sa bẫy? Sa-tan giống như người đi săn đó. Hắn quan sát kỹ chúng ta. Hắn để ý chúng ta đi đâu, thích gì. Rồi hắn đặt bẫy và hy vọng rằng chúng ta sẽ bất ngờ sập bẫy. Dù vậy, Kinh Thánh đảm bảo là nếu bị bắt, chúng ta vẫn có thể thoát khỏi. Kinh Thánh cũng cho biết làm thế nào để hoàn toàn tránh những bẫy này.

Sự kiêu ngạo và tham lam chứng tỏ là hai trong những bẫy hiệu quả nhất của Sa-tan (Xem đoạn 2) *

2. Hai trong những bẫy hiệu quả nhất của Sa-tan là gì?

2 Hai trong những bẫy hiệu quả nhất của Sa-tan là kiêu ngạo tham lam. * Trong hàng ngàn năm, Sa-tan đã tận dụng thành công những tính xấu này. Hắn giống như kẻ bắt chim nhử con mồi vào bẫy hoặc lưới (Thi 91:3). Nhưng chúng ta có thể tránh bẫy của Sa-tan. Tại sao? Vì Đức Giê-hô-va đã tiết lộ cho chúng ta biết những mưu kế mà Sa-tan dùng.—2 Cô 2:11.

Chúng ta có thể học từ những gương cảnh báo, nhờ thế tránh được hoặc thoát khỏi bẫy của Ác Quỷ (Xem đoạn 3) *

3. Tại sao Đức Giê-hô-va cho ghi lại một số gương trong Kinh Thánh?

3 Một trong những cách mà Đức Giê-hô-va cảnh báo chúng ta về sự kiêu ngạo và tham lam là qua những kinh nghiệm có thật. Những trường hợp trong bài này sẽ cho thấy Sa-tan có thể khiến cho ngay cả những tôi tớ thành thục của Đức Giê-hô-va sa vào bẫy. Phải chăng điều này có nghĩa là chúng ta không thể tránh những bẫy này? Chắc chắn không. Đức Giê-hô-va cho ghi lại những gương này trong Kinh Thánh “để cảnh báo chúng ta” (1 Cô 10:11). Ngài biết chúng ta có thể học từ những gương cảnh báo, nhờ thế tránh được hoặc thoát khỏi bẫy của Ác Quỷ.

BẪY KIÊU NGẠO

Xem đoạn 4

4. Sự kiêu ngạo dẫn đến điều gì?

4 Sa-tan muốn chúng ta trở nên kiêu ngạo. Hắn biết là nếu để tính kiêu ngạo chi phối, chúng ta sẽ trở nên giống như hắn và đánh mất sự sống vĩnh cửu (Châm 16:18). Vì thế, sứ đồ Phao-lô cảnh báo rằng một người có thể “lên mặt kiêu ngạo mà lãnh lấy cùng một án phạt dành cho Ác Quỷ” (1 Ti 3:6, 7). Điều đó có thể xảy ra cho bất cứ ai, dù chúng ta còn mới trong chân lý hay đã phụng sự Đức Giê-hô-va nhiều năm.

5. Theo Truyền đạo 7:16, 20, một người có thể cho thấy mình kiêu ngạo như thế nào?

5 Kiêu ngạo là một hình thức của sự ích kỷ. Sa-tan cố khiến chúng ta trở nên ích kỷ, chú tâm vào bản thân hơn là vào Đức Giê-hô-va, nhất là khi chúng ta đối mặt với thử thách. Chẳng hạn, anh chị có bị vu oan không? Hoặc anh chị có bị đối xử bất công không? Sa-tan sẽ rất vui nếu anh chị đổ lỗi cho Đức Giê-hô-va hoặc anh em đồng đạo. Và Ác Quỷ muốn anh chị nghĩ rằng cách duy nhất để giải quyết vấn đề là làm theo ý riêng thay vì làm theo hướng dẫn Đức Giê-hô-va ban qua Lời ngài.—Đọc Truyền đạo 7:16, 20.

6. Anh chị học được gì từ kinh nghiệm của một chị ở Hà Lan?

6 Hãy xem kinh nghiệm của một chị ở Hà Lan. Chị thấy khó chịu trước sự bất toàn của người khác và cảm thấy mình không thể chịu đựng thêm nữa. Chị nói: “Tôi cảm thấy rất cô đơn và khó tha thứ cho những anh chị ấy. Tôi nói với chồng là mình phải chuyển hội thánh”. Rồi chị xem chương trình Kênh truyền thông JW tháng 3 năm 2016. Chương trình đó đưa ra một số gợi ý về cách để đương đầu với sự bất toàn của người khác. Chị kể lại: “Tôi thấy mình cần phải khiêm nhường và nhìn lỗi lầm của bản thân một cách thành thật thay vì cố thay đổi anh em trong hội thánh. Chương trình ấy đã giúp tôi chú tâm vào Đức Giê-hô-va và quyền tối thượng của ngài”. Điểm chính là gì? Khi đương đầu với thử thách, hãy chú tâm vào Đức Giê-hô-va. Hãy nài xin ngài giúp anh chị có cùng quan điểm với ngài về người khác. Cha trên trời thấy lỗi lầm của họ, nhưng ngài sẵn sàng tha thứ cho họ. Ngài cũng muốn anh chị làm thế.—1 Giăng 4:20.

Xem đoạn 7

7. Điều gì đã xảy ra cho vua U-xi-a?

7 Sự kiêu ngạo đã khiến vua U-xi-a của Giu-đa bác bỏ lời khuyên và hành động tự phụ. U-xi-a là người có năng lực. Ông đạt được những thành quả trong các chiến dịch quân sự, trong những dự án xây cất và trong nông nghiệp. Kinh Thánh cho biết: “[Đức Giê-hô-va] làm cho ông được thịnh vượng” (2 Sử 26:3-7, 10). Lời tường thuật nói tiếp: “Tuy nhiên, khi vừa hùng mạnh thì ông sinh lòng cao ngạo, khiến ông phải gánh lấy tai họa”. Trước đó, Đức Giê-hô-va đã lệnh rằng chỉ các thầy tế lễ mới được phép dâng hương tại đền thờ. Nhưng vua U-xi-a đã tự phụ vào đền thờ để dâng hương. Đức Giê-hô-va không hài lòng và giáng bệnh phong cùi trên người đàn ông kiêu ngạo đó. U-xi-a bị phong cùi cho đến ngày qua đời.—2 Sử 26:16-21.

8. Theo 1 Cô-rinh-tô 4:6, 7, điều gì giúp chúng ta tránh trở nên kiêu ngạo?

8 Sự kiêu ngạo có thể khiến chúng ta rơi vào bẫy giống như U-xi-a không? Hãy xem trường hợp của anh José. Anh là doanh nhân rất thành đạt và là trưởng lão được kính trọng. Anh làm bài giảng ở hội nghị vòng quanh và hội nghị vùng, và đôi khi các giám thị vòng quanh xin anh lời khuyên. Anh thừa nhận: “Tôi đã tin cậy nơi khả năng và kinh nghiệm của bản thân. Tôi đã đẩy Đức Giê-hô-va ra xa. Tôi nghĩ mình mạnh mẽ nên đã không nghe lời cảnh báo và lời khuyên của ngài”. Anh José phạm tội trọng và bị khai trừ. Cách đây vài năm, anh đã được nhận lại. Anh nói: “Đức Giê-hô-va đã dạy tôi rằng điều quan trọng không phải là địa vị nhưng là làm theo điều ngài đòi hỏi”. Hãy nhớ rằng bất cứ tài năng nào chúng ta có và bất cứ đặc ân nào mình nhận được trong hội thánh đều đến từ Đức Giê-hô-va. (Đọc 1 Cô-rinh-tô 4:6, 7). Nếu chúng ta kiêu ngạo, Đức Giê-hô-va sẽ không dùng chúng ta.

BẪY THAM LAM

Xem đoạn 9

9. Lòng tham đã khiến Sa-tan và Ê-va làm gì?

9 Khi nhắc tới sự tham lam, rất có thể chúng ta nghĩ đến Sa-tan Ác Quỷ. Là thiên sứ của Đức Giê-hô-va, hẳn Sa-tan có nhiều đặc ân cao quý. Nhưng hắn muốn nhiều hơn nữa. Hắn muốn sự thờ phượng mà chỉ Đức Giê-hô-va mới xứng đáng nhận. Vì muốn chúng ta giống như hắn nên hắn tìm cách khiến chúng ta không thỏa lòng với những gì mình có. Lần đầu tiên hắn dùng mưu kế đó là khi nói chuyện với Ê-va. Đức Giê-hô-va đã yêu thương cung cấp cho Ê-va và chồng bà dư dật thức ăn ngon từ “mọi cây trong vườn”, chỉ trừ một cây (Sáng 2:16). Tuy nhiên, Sa-tan đã lừa gạt Ê-va để bà nghĩ rằng bà cần ăn trái của cây duy nhất bị cấm. Ê-va không thỏa lòng với những gì mình có; bà muốn nhiều hơn nữa. Chúng ta biết điều gì xảy ra sau đó. Ê-va đã phạm tội và cuối cùng phải chết.—Sáng 3:6, 19.

Xem đoạn 10

10. Vua Đa-vít đã rơi vào bẫy tham lam như thế nào?

10 Lòng tham đã khiến vua Đa-vít quên những gì Đức Giê-hô-va ban cho ông, gồm sự giàu sang, nổi trội và chiến thắng trước kẻ thù. Đa-vít nhìn nhận với lòng biết ơn là những món quà từ Đức Chúa Trời “nhiều quá không sao kể xiết!” (Thi 40:5). Nhưng có thời điểm, Đa-vít đã quên những gì Đức Giê-hô-va ban cho ông. Ông không còn thỏa lòng; ông muốn nhiều hơn nữa. Dù đã có nhiều vợ nhưng Đa-vít lại để cho lòng ham muốn vợ của người khác bén rễ trong lòng. Người phụ nữ đó là Bát-sê-ba, vợ của U-ri-a người Hếch. Vì lòng ích kỷ, Đa-vít ăn nằm với Bát-sê-ba, khiến bà mang thai. Phạm tội ngoại tình đã rất tệ rồi, thế mà Đa-vít còn sắp xếp để U-ri-a bị giết! (2 Sa 11:2-15). Đa-vít đang nghĩ gì vậy? Phải chăng ông cho rằng Đức Giê-hô-va không nhìn thấy? Người tôi tớ từng trung thành này đã rơi vào bẫy tham lam ích kỷ và phải trả một giá rất đắt. Nhưng đáng mừng là sau đó Đa-vít đã thừa nhận lỗi lầm và ăn năn. Ông biết ơn xiết bao khi được Đức Giê-hô-va tha thứ!—2 Sa 12:7-13.

11. Theo Ê-phê-sô 5:3, 4, điều gì có thể giúp chúng ta kháng cự tính tham lam?

11 Chúng ta học được gì từ gương của Đa-vít? Đó là chúng ta có thể kháng cự tính tham lam nếu luôn biết ơn về mọi điều Đức Giê-hô-va đã ban. (Đọc Ê-phê-sô 5:3, 4). Chúng ta cần thỏa lòng với những gì mình có. Khi dạy một người học Kinh Thánh, có lẽ chúng ta sẽ khuyến khích học viên nghĩ về một ân phước Đức Giê-hô-va ban và cảm tạ ngài về điều đó. Nếu một người làm thế mỗi ngày trong một tuần, thì người ấy đã cảm tạ Đức Chúa Trời về bảy điều khác nhau (1 Tê 5:18). Anh chị có làm điều tương tự không? Suy ngẫm về mọi điều Đức Giê-hô-va đã làm cho chúng ta sẽ giúp mình có lòng biết ơn. Khi có lòng biết ơn, chúng ta sẽ thỏa lòng. Và khi thỏa lòng, sự tham lam sẽ không bén rễ trong lòng chúng ta.

Xem đoạn 12

12. Lòng tham đã khiến Giu-đa Ích-ca-ri-ốt làm gì?

12 Lòng tham đã khiến Giu-đa Ích-ca-ri-ốt trở thành kẻ phản bội đê hèn. Nhưng lúc đầu Giu-đa không phải là người như thế (Lu 6:13, 16). Chúa Giê-su đã chọn ông làm sứ đồ. Rõ ràng, Giu-đa là người có năng lực và đáng tin cậy vì ông được giao giữ hộp tiền. Chúa Giê-su và các sứ đồ đã dùng tiền này để trang trải chi phí trong thánh chức. Theo một nghĩa nào đó, khoản tiền ấy giống như tiền đóng góp cho công việc toàn cầu ngày nay. Nhưng đến một thời điểm, Giu-đa bắt đầu ăn cắp, dù ông đã nhiều lần nghe Chúa Giê-su cảnh báo về lòng tham (Mác 7:22, 23; Lu 11:39; 12:15). Giu-đa đã lờ đi những lời cảnh báo ấy.

13. Khi nào lòng tham của Giu-đa được lộ rõ?

13 Lòng tham của Giu-đa được lộ rõ vào một dịp không lâu trước khi Chúa Giê-su chết. Lúc đó Chúa Giê-su và các môn đồ, gồm cả Ma-ri và chị gái là Ma-thê, làm khách trong nhà của Si-môn người phong cùi. Trong bữa ăn, Ma-ri đứng dậy và lấy dầu thơm đắt tiền đổ trên đầu Chúa Giê-su. Giu-đa và các môn đồ khác rất bực tức. Các môn đồ khác có lẽ cảm thấy rằng sẽ tốt hơn nếu bán dầu đó lấy tiền để giúp người nghèo. Nhưng động cơ của Giu-đa thì khác. Ông ta “là kẻ trộm cắp” và muốn ăn cắp tiền trong hộp. Sau đó, lòng tham đã thúc đẩy Giu-đa phản bội Chúa Giê-su với giá của một nô lệ.—Giăng 12:2-6; Mat 26:6-16; Lu 22:3-6.

14. Một cặp vợ chồng đã áp dụng lời khuyên nơi Lu-ca 16:13 như thế nào?

14 Chúa Giê-su nhắc các môn đồ một sự thật căn bản: “Anh em không thể vừa làm tôi Đức Chúa Trời lại vừa làm tôi Tiền Của”. (Đọc Lu-ca 16:13). Điều này vẫn đúng ngày nay. Hãy xem một cặp vợ chồng ở Ru-ma-ni đã áp dụng lời của Chúa Giê-su như thế nào. Họ được mời nhận công việc tạm thời ở một nước thịnh vượng hơn. Họ thừa nhận: “Chúng tôi nợ ngân hàng một số tiền lớn nên lúc đầu chúng tôi nghĩ công việc này là ân phước đến từ Đức Giê-hô-va”. Tuy nhiên, có một vấn đề. Công việc đó sẽ ảnh hưởng đến việc họ phụng sự Đức Giê-hô-va. Sau khi đọc bài “Một lòng trung thành với Đức Giê-hô-va” trong Tháp Canh ngày 15-8-2008, họ đã đưa ra quyết định. Họ kể lại: “Nếu việc kiếm thêm tiền là động cơ để làm việc ở nước khác, chúng tôi sẽ đặt mối quan hệ với Đức Giê-hô-va xuống hàng thứ yếu. Chúng tôi nghĩ rằng tình trạng thiêng liêng của mình sẽ gặp vấn đề”. Vì thế, họ đã từ chối lời mời. Điều gì xảy ra? Người chồng đã tìm được công việc trong nước đáp ứng nhu cầu của họ. Người vợ nói: “Tay của Đức Giê-hô-va không bao giờ ngắn”. Cặp vợ chồng này rất vui mừng vì họ chọn Đức Giê-hô-va là Chủ của mình thay vì tiền của.

HÃY TRÁNH BẪY CỦA SA-TAN

15. Tại sao chúng ta tin chắc mình có thể thoát khỏi bẫy của Sa-tan?

15 Nói sao nếu chúng ta thấy mình có dấu hiệu của sự kiêu ngạo hoặc tham lam? Chúng ta có thể thoát khỏi! Phao-lô nói rằng những người bị Ác Quỷ “bắt sống” vẫn có thể thoát khỏi bẫy của hắn (2 Ti 2:26). Suy cho cùng, Đa-vít đã lắng nghe lời khiển trách của Na-than, ăn năn về sự tham lam và hàn gắn tình bạn với Đức Giê-hô-va. Hãy luôn nhớ rằng Đức Giê-hô-va mạnh hơn Sa-tan. Thế nên, nếu sẵn lòng nhận sự giúp đỡ của ngài, chúng ta có thể thoát khỏi bất cứ bẫy nào mà Ác Quỷ giăng ra.

16. Điều gì sẽ giúp chúng ta tránh bẫy của Sa-tan?

16 Dĩ nhiên, sẽ tốt hơn nếu hoàn toàn tránh bẫy của Sa-tan thay vì để mình rơi vào bẫy và cố thoát khỏi. Chúng ta chỉ có thể làm điều này với sự trợ giúp của Đức Chúa Trời. Nhưng đừng bao giờ tự mãn! Ngay cả những tôi tớ lâu năm của Đức Giê-hô-va cũng đã trở nên kiêu ngạo hoặc tham lam. Vì thế, hãy nài xin Đức Giê-hô-va mỗi ngày để giúp anh chị nhận ra nếu những tính xấu ấy bắt đầu ảnh hưởng đến lối suy nghĩ và hành động của anh chị (Thi 139:23, 24). Đừng bao giờ để chúng chi phối lòng anh chị!

17. Không lâu nữa, điều gì sẽ xảy ra cho kẻ thù của chúng ta là Ác Quỷ?

17 Sa-tan là kẻ săn mồi trong hàng ngàn năm qua. Nhưng không lâu nữa hắn sẽ bị xiềng lại và cuối cùng bị hủy diệt (Khải 20:1-3, 10). Chúng ta rất mong chờ ngày ấy. Từ nay cho đến lúc đó, hãy luôn cảnh giác trước bẫy của Sa-tan. Hãy nỗ lực hết sức để kháng cự sự kiêu ngạo và lòng tham. Và hãy quyết tâm “chống lại Ác Quỷ thì hắn sẽ lánh xa anh em”.—Gia 4:7.

BÀI HÁT 127 Tôi xem mình thuộc loại người nào

^ đ. 5 Sa-tan giống như một kẻ săn mồi lão luyện. Hắn cố gài bẫy chúng ta, dù chúng ta đã phụng sự Đức Giê-hô-va bao lâu đi nữa. Bài này sẽ xem Sa-tan cố dùng sự kiêu ngạo và tham lam như thế nào để hủy hoại mối quan hệ của chúng ta với Đức Chúa Trời. Cũng hãy xem chúng ta học được gì từ những trường hợp đã rơi vào bẫy kiêu ngạo và tham lam, và làm thế nào mình có thể tránh những bẫy này.

^ đ. 2 GIẢI NGHĨA: Bài này sẽ tập trung vào sự kiêu ngạo, tức cho rằng mình hơn người khác, và sự tham lam, tức ước muốn thái quá để có thêm tiền, quyền lực, tình dục hoặc những thứ tương tự.

^ đ. 53 HÌNH ẢNH: Một anh kiêu ngạo bác bỏ sự chỉ dẫn khôn ngoan. Một chị đã có nhiều thứ nhưng muốn có thêm nữa.

^ đ. 55 HÌNH ẢNH: Sự kiêu ngạo đã ảnh hưởng đến một con thần linh của Đức Chúa Trời và vua U-xi-a. Vì có lòng tham, Ê-va ăn trái cấm, Đa-vít phạm tội ngoại tình với Bát-sê-ba và Giu-đa ăn cắp tiền.