Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 27

Noi gương chịu đựng của Đức Giê-hô-va

Noi gương chịu đựng của Đức Giê-hô-va

“Nhờ bền chí chịu đựng, anh em sẽ bảo toàn được mạng sống của mình”.—LU 21:19.

BÀI HÁT 114 “Hãy kiên nhẫn”

GIỚI THIỆU *

1, 2. Những lời của Đức Giê-hô-va nơi Ê-sai 65:16, 17 khích lệ chúng ta ra sao để không bỏ cuộc?

“ĐỪNG BỎ CUỘC!” là chủ đề đầy khích lệ của chương trình hội nghị vùng năm 2017. Chương trình cho thấy làm thế nào để chịu đựng thử thách mình gặp. Bốn năm đã trôi qua, và chúng ta vẫn đang phải chịu đựng thế gian gian ác này.

2 Gần đây anh chị phải đối phó với vấn đề nào? Phải chăng là cái chết của người thân hay người bạn yêu dấu? Một căn bệnh hiểm nghèo? Khó khăn của tuổi già? Thảm họa thiên nhiên, bạo lực hoặc sự bắt bớ? Hay những ảnh hưởng của dịch bệnh, chẳng hạn COVID-19? Chúng ta mong chờ đến ngày tất cả những điều đó chìm vào quên lãng và không bao giờ xảy ra nữa!—Đọc Ê-sai 65:16, 17.

3. Chúng ta cần làm gì ngay bây giờ, và tại sao?

3 Đời sống trong thế gian này rất khó khăn, và trong tương lai, có lẽ chúng ta phải đương đầu với thử thách thậm chí còn khó khăn hơn (Mat 24:21). Rõ ràng, chúng ta cần tiếp tục củng cố sức chịu đựng. Tại sao? Vì Chúa Giê-su nói: “Nhờ bền chí chịu đựng, anh em sẽ bảo toàn được mạng sống của mình” (Lu 21:19). Suy ngẫm về việc người khác cũng đang chịu đựng thử thách giống như mình có thể củng cố sức chịu đựng của chúng ta.

4. Tại sao có thể nói Đức Giê-hô-va là gương xuất sắc nhất về việc chịu đựng?

4 Ai là gương xuất sắc nhất về việc chịu đựng? Đó là Đức Giê-hô-va. Có lẽ anh chị sẽ ngạc nhiên, nhưng nếu suy nghĩ kỹ, anh chị sẽ thấy điều đó hợp lý. Thế gian này nằm dưới sự cai trị của Ác Quỷ và đầy dẫy vấn đề. Đức Giê-hô-va có quyền năng để chấm dứt thế gian trong giây lát, nhưng ngài đợi đến một ngày trong tương lai để làm thế (Rô 9:22). Từ nay cho đến lúc đó, Cha của chúng ta tiếp tục chịu đựng cho đến thời điểm ngài đã ấn định. Hãy xem chín điều Đức Giê-hô-va chọn chịu đựng.

ĐỨC GIÊ-HÔ-VA CHỌN CHỊU ĐỰNG ĐIỀU GÌ?

5. Danh Đức Chúa Trời bị bôi nhọ ra sao, và anh chị cảm thấy thế nào về điều đó?

5 Danh ngài bị bôi nhọ. Đức Giê-hô-va yêu mến danh ngài, và ngài muốn mọi người tôn trọng danh ấy (Ê-sai 42:8). Nhưng khoảng 6.000 năm qua, danh thánh của ngài bị bôi nhọ (Thi 74:10, 18, 23). Điều này bắt đầu trong vườn Ê-đen khi Ác Quỷ (có nghĩa là “kẻ vu khống”) cáo buộc Đức Chúa Trời không cho A-đam và Ê-va điều họ cần để có hạnh phúc (Sáng 3:1-5). Kể từ đó, Đức Giê-hô-va bị cáo buộc là không cho loài người điều họ thật sự cần. Chúa Giê-su rất lo lắng khi thấy danh Cha bị bôi nhọ. Vì thế, ngài dạy các môn đồ cầu nguyện: “Lạy Cha chúng con ở trên trời, xin cho danh Cha được nên thánh”.—Mat 6:9.

6. Tại sao Đức Giê-hô-va để cho nhiều thời gian trôi qua trước khi giải quyết vấn đề về quyền cai trị của ngài?

6 Quyền cai trị của ngài bị chống đối. Chỉ Đức Giê-hô-va mới có quyền cai trị trời và đất, và cách cai trị của ngài là tốt nhất (Khải 4:11). Nhưng Ác Quỷ cố làm lầm lạc các thiên sứ và loài người, khiến cho họ nghĩ Đức Chúa Trời không có quyền đó. Vấn đề về tính chính đáng của quyền cai trị của Đức Giê-hô-va không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Đức Chúa Trời đã khôn ngoan cho con người nhiều thời gian để thấy họ hoàn toàn thất bại khi tự cai trị và độc lập với ngài (Giê 10:23). Nhờ sự kiên nhẫn của Đức Chúa Trời, vấn đề đó sẽ được giải quyết một lần và mãi mãi. Ngài sẽ được biện minh khi chứng tỏ rằng chỉ Nước của ngài mới có thể mang lại sự bình an và an ninh thật trên đất.

7. Những ai đã phản nghịch Đức Giê-hô-va, và điều gì sẽ xảy ra cho họ?

7 Sự phản nghịch của một số con cái ngài. Khi Đức Giê-hô-va tạo ra các con của ngài, cả thiên sứ lẫn loài người, họ đều hoàn hảo và không có khiếm khuyết. Nhưng con thần linh phản nghịch là Sa-tan (có nghĩa là “kẻ chống đối”) đã xúi giục người hoàn hảo là A-đam và Ê-va chống lại Đức Giê-hô-va. Các thiên sứ khác và nhiều người đã hùa theo để chống nghịch ngài (Giu 6). Về sau, ngay cả những người thuộc dân Y-sơ-ra-ên, là dân mà Đức Chúa Trời chọn, cũng chối bỏ ngài và quay sang thờ thần giả (Ê-sai 63:8, 10). Đức Giê-hô-va cảm thấy bị phản bội. Dù thế, ngài đã chịu đựng, và ngài sẽ tiếp tục chịu đựng cho đến đúng thời điểm để loại bỏ mọi kẻ phản nghịch. Thời điểm đó sẽ mang lại niềm vui mừng cho những người trung thành, là những người đang cùng với ngài chịu đựng sự gian ác trong thế gian này!

8, 9. Có những lời nói dối nào về Đức Giê-hô-va, và chúng ta phản ứng ra sao trước những lời đó?

8 Những lời nói dối không ngừng của Ác Quỷ. Sa-tan buộc tội tôi tớ ngay thẳng của Đức Giê-hô-va là Gióp; hắn ngụ ý rằng mọi tôi tớ trung thành phụng sự ngài chỉ vì lý do ích kỷ (Gióp 1:8-11; 2:3-5). Ác Quỷ tiếp tục đưa ra những lời cáo buộc như thế đến tận ngày nay (Khải 12:10). Chúng ta có thể làm phần của mình để chứng tỏ rằng những lời cáo buộc của Sa-tan là dối trá bằng cách chịu đựng thử thách và giữ trung thành với Đức Giê-hô-va vì yêu thương ngài. Giống như Gióp, chúng ta sẽ được ban thưởng nếu bền bỉ chịu đựng.—Gia 5:11.

9 Sa-tan dùng những nhà lãnh đạo của tôn giáo sai lầm để khiến người ta tin rằng Đức Giê-hô-va là đấng tàn nhẫn và ngài chịu trách nhiệm về sự đau khổ của con người. Một số nhà lãnh đạo tôn giáo thậm chí còn nói rằng khi trẻ em chết, đó là do Đức Chúa Trời mang chúng lên trời vì ngài cần thêm thiên thần. Thật phạm thượng! Nhưng chúng ta biết Đức Giê-hô-va là Cha yêu thương. Nếu mắc trọng bệnh hoặc bị mất người thân yêu, chúng ta không bao giờ đổ lỗi cho Đức Chúa Trời. Trái lại, chúng ta tin chắc trong tương lai, ngài sẽ sửa đổi những vấn đề đó. Chúng ta có thể nói với tất cả những ai sẵn sàng lắng nghe rằng Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời yêu thương. Qua đó, Đức Giê-hô-va có thể đáp lại kẻ thách thức ngài.—Châm 27:11.

10. Thi thiên 22:23, 24 cho biết điều gì về Đức Giê-hô-va?

10 Sự đau khổ của những tôi tớ yêu dấu. Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời đầy lòng trắc ẩn. Ngài rất buồn khi thấy chúng ta đau khổ, có lẽ vì bị ngược đãi, bệnh tật hoặc sự bất toàn của mình. (Đọc Thi thiên 22:23, 24). Đức Giê-hô-va hiểu nỗi đau của chúng ta, ngài muốn chấm dứt nỗi đau đó và ngài sẽ làm thế. (So sánh Xuất Ai Cập 3:7, 8; Ê-sai 63:9). Sắp đến ngày “ngài sẽ lau hết nước mắt trên mắt [chúng ta], sẽ không còn sự chết, than van, khóc lóc hay đau đớn nữa”.—Khải 21:4.

11. Đức Giê-hô-va nhớ điều gì về những tôi tớ trung thành đã qua đời?

11 Nỗi nhớ những người bạn của ngài đã qua đời. Đức Giê-hô-va cảm thấy thế nào về những tôi tớ trung thành đã qua đời? Ngài mong mỏi gặp lại họ! (Gióp 14:15). Anh chị có thể hình dung Đức Giê-hô-va nhớ bạn ngài là Áp-ra-ham đến mức nào không? (Gia 2:23). Hoặc Môi-se, người mà ngài nói chuyện “mặt đối mặt”? (Xuất 33:11). Hẳn ngài cũng rất mong được nghe Đa-vít và những người viết Thi thiên khác hát chúc tụng ngài! (Thi 104:33). Dù những người bạn này đã an giấc, nhưng Đức Giê-hô-va không quên họ (Ê-sai 49:15). Ngài nhớ mọi chi tiết về nhân cách của họ. Theo nghĩa nào đó, “trong mắt ngài tất cả họ đều sống” (Lu 20:38, chú thích). Rồi một ngày, ngài sẽ làm họ sống lại và một lần nữa, ngài sẽ được nghe những lời cầu nguyện tha thiết của họ và nhận sự thờ phượng của họ. Nếu anh chị bị mất người thân, mong sao những ý tưởng này sẽ an ủi và xoa dịu anh chị.

12. Điều gì khiến Đức Giê-hô-va đặc biệt đau buồn trong những ngày sau cùng đầy gian ác này?

12 Kẻ ác áp bức người khác. Khi sự phản nghịch bắt đầu trong vườn Ê-đen, Đức Giê-hô-va biết tình trạng sẽ ngày càng tồi tệ hơn. Đức Giê-hô-va ghét sự gian ác, bất công và bạo lực trong thế giới ngày nay. Ngài luôn quan tâm đến những người dễ bị áp bức, chẳng hạn người yếu thế và không có khả năng tự vệ, trong đó có trẻ mồ côi và góa phụ (Xa 7:9, 10). Đức Giê-hô-va đặc biệt đau buồn khi thấy những tôi tớ trung thành bị áp bức và bỏ tù. Hãy tin chắc rằng ngài yêu thương tất cả anh chị, là những người đang chịu đựng cùng với ngài.

13. Đức Chúa Trời thấy gia đình nhân loại suy đồi như thế nào, và ngài sẽ ra tay làm gì?

13 Sự suy đồi của gia đình nhân loại. Con người được tạo ra theo hình ảnh Đức Chúa Trời, nhưng Sa-tan rất thích hạ thấp phẩm giá của họ. Khi “thấy sự gian ác của loài người nhiều quá đỗi” vào thời Nô-ê, “Đức Giê-hô-va lấy làm tiếc vì đã dựng nên con người trên đất và cảm thấy buồn rầu trong lòng” (Sáng 6:5, 6, 11). Kể từ đó, thế gian có tốt hơn không? Chắc chắn không! Hẳn Ác Quỷ rất hả hê khi thấy sự gian dâm lan tràn dưới đủ mọi hình thức, bao gồm hành vi vô luân giữa những người khác giới và đồng giới! (Ê-phê 4:18, 19). Sa-tan đặc biệt đắc chí khi khiến cho những người thờ phượng Đức Giê-hô-va sa vào tội lỗi. Khi không cần kiên nhẫn thêm nữa, Đức Giê-hô-va sẽ cho thấy ngài ghét hành vi vô luân bằng cách loại bỏ những người vô luân không chịu thay đổi.

14. Loài người đang làm gì đối với công trình sáng tạo trên đất của Đức Chúa Trời?

14 Công trình sáng tạo của ngài bị hủy hoại. Không những “loài người cai trị trên loài người mà gây hại cho nhau” mà họ còn quản lý tồi tệ trái đất và những động vật mà Đức Giê-hô-va giao cho họ chăm sóc (Truyền 8:9; Sáng 1:28). Một số chuyên gia cảnh báo rằng những hành động của con người có thể đẩy thêm một triệu loài đến sự tuyệt chủng trong vài năm tới. Không lạ gì khi họ nói rằng thiên nhiên đang ở trong tình trạng nguy cấp! Đáng mừng là Đức Giê-hô-va hứa ngài sẽ “hủy diệt những kẻ hủy hoại trái đất” và biến hành tinh của chúng ta thành địa đàng toàn cầu.—Khải 11:18; Ê-sai 35:1.

CHÚNG TA HỌC ĐƯỢC GÌ TỪ SỰ CHỊU ĐỰNG CỦA ĐỨC GIÊ-HÔ-VA?

15, 16. Điều gì nên thôi thúc chúng ta chịu đựng cùng với Đức Giê-hô-va? Hãy minh họa.

15 Hãy nghĩ về tất cả những vấn đề đau buồn mà Cha trên trời đã chịu đựng hàng ngàn năm nay. (Xem khung “ Đức Giê-hô-va đang chịu đựng điều gì?”). Đức Giê-hô-va có thể chấm dứt thế gian gian ác này bất cứ lúc nào. Nhưng sự kiên nhẫn của ngài đã mang lại rất nhiều lợi ích cho chúng ta. Hãy nghĩ về trường hợp sau: Giả sử một cặp vợ chồng được bảo rằng đứa con sắp chào đời của họ có vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe và không sống được lâu. Dù vậy, họ vẫn vui khi con chào đời bất kể việc chăm sóc cho con không hề dễ dàng. Tình yêu thương dành cho con thôi thúc họ chịu đựng mọi khó khăn để giúp con có đời sống tốt nhất có thể.

16 Tương tự, tất cả con cháu của A-đam và Ê-va đều bất toàn khi được sinh ra. Dù vậy, Đức Giê-hô-va vẫn yêu thương và chăm sóc họ (1 Giăng 4:19). Không giống với bậc cha mẹ trong trường hợp trên, Đức Giê-hô-va có thể chấm dứt sự đau khổ của con cái ngài. Ngài đã định một thời điểm để loại bỏ mọi vấn đề mà loài người phải chịu (Mat 24:36). Tình yêu thương của Đức Giê-hô-va nên thôi thúc chúng ta cùng chịu đựng với ngài cho đến thời điểm đó.

17. Những lời miêu tả về Chúa Giê-su nơi Hê-bơ-rơ 12:2, 3 khích lệ chúng ta ra sao để tiếp tục chịu đựng?

17 Đức Giê-hô-va nêu gương hoàn hảo về sự chịu đựng. Chúa Giê-su đã bắt chước sự chịu đựng của Cha. Khi còn sống trên đất, Chúa Giê-su chịu đựng những lời chống nghịch, sự sỉ nhục và cây khổ hình vì lợi ích của chúng ta. (Đọc Hê-bơ-rơ 12:2, 3). Chắc chắn gương của Đức Giê-hô-va về sự chịu đựng đã thêm sức cho Chúa Giê-su để ngài chịu đựng. Gương của Đức Giê-hô-va cũng có thể thêm sức cho chúng ta.

18. Làm thế nào 2 Phi-e-rơ 3:9 giúp chúng ta hiểu điều được thực hiện nhờ sự kiên nhẫn của Đức Giê-hô-va?

18 Đọc 2 Phi-e-rơ 3:9. Đức Giê-hô-va biết khi nào là thời điểm tốt nhất để chấm dứt thế gian gian ác này. Nhờ sự kiên nhẫn của ngài mà một đám đông lớn được thu nhóm lên đến hàng triệu người, là những người thờ phượng và ngợi khen ngài. Tất cả họ đều biết ơn là Đức Giê-hô-va đã chịu đựng trong một thời gian đủ dài để họ sinh ra, tìm hiểu và yêu mến ngài, và dâng mình cho ngài. Việc Đức Giê-hô-va chọn chịu đựng sẽ được chứng minh là đúng khi ngài vui mừng ban thưởng cho hàng triệu người đã chịu đựng cho đến cuối cùng!

19. Chúng ta nên quyết tâm làm gì, và phần thưởng nào đang chờ đón chúng ta?

19 Qua gương của Đức Giê-hô-va, chúng ta học được cách chịu đựng với niềm vui. Bất kể những nỗi buồn và đau khổ mà Sa-tan gây ra, Đức Giê-hô-va vẫn là “Đức Chúa Trời hạnh phúc” (1 Ti 1:11). Chúng ta cũng có thể giữ niềm vui trong khi kiên nhẫn chờ đợi Đức Giê-hô-va làm thánh danh ngài, biện minh cho quyền cai trị của ngài và chấm dứt mọi gian ác cũng như các vấn đề của chúng ta. Mong sao chúng ta quyết tâm chịu đựng và được an ủi khi biết rằng Cha trên trời cũng đang chịu đựng. Nếu làm thế, những lời sau sẽ trở thành hiện thực đối với mỗi chúng ta: “Hạnh phúc cho người tiếp tục chịu đựng thử thách, vì khi đã được chấp nhận, người ấy sẽ nhận vương miện sự sống mà Đức Giê-hô-va hứa cho những ai luôn yêu thương ngài”.—Gia 1:12.

BÀI HÁT 139 Hình dung cuộc sống bạn trong thế giới mới

^ đ. 5 Ai trong chúng ta cũng gặp vấn đề này hay vấn đề khác. Nhiều vấn đề đó hiện nay chưa có giải pháp, nên chúng ta phải chịu đựng. Nhưng không phải chỉ riêng chúng ta. Chính Đức Giê-hô-va cũng đang chịu đựng nhiều điều. Bài này sẽ xem xét chín điều trong số đó. Chúng ta cũng sẽ xem sự chịu đựng của Đức Giê-hô-va thực hiện được điều gì, và chúng ta học được gì từ gương của ngài.