Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 33

Hãy tìm niềm vui nơi đặc ân mình có

Hãy tìm niềm vui nơi đặc ân mình có

“Hưởng điều mắt thấy tốt hơn là đi vẩn vơ theo các ước muốn của mình”.—TRUYỀN 6:9.

BÀI HÁT 111 Những lý do khiến chúng ta vui mừng

GIỚI THIỆU *

1. Nhiều anh chị đang nỗ lực ra sao để phụng sự Đức Giê-hô-va nhiều hơn?

 Chúng ta có rất nhiều việc để làm khi thế gian này sắp đến hồi kết (Mat 24:14; Lu 10:2; 1 Phi 5:2). Tất cả chúng ta muốn phụng sự Đức Giê-hô-va hết khả năng của mình. Nhiều anh chị đang nới rộng thánh chức. Một số muốn làm tiên phong. Số khác mong muốn được phụng sự tại Bê-tên hoặc tham gia dự án xây cất thần quyền. Nhiều anh đang vươn tới mục tiêu làm phụ tá hội thánh hoặc trưởng lão (1 Ti 3:1, 8). Hẳn Đức Giê-hô-va hài lòng biết bao khi thấy dân ngài thể hiện tinh thần sẵn sàng!—Thi 110:3; Ê-sai 6:8.

2. Chúng ta có thể cảm thấy thế nào nếu không đạt được một số mục tiêu thiêng liêng?

2 Tuy nhiên, chúng ta có thể bắt đầu nản lòng nếu sau một thời gian dài, mình vẫn chưa đạt được một số mục tiêu thiêng liêng. Hoặc chúng ta nản lòng vì không thể nhận được một số đặc ân do tuổi tác hay hoàn cảnh (Châm 13:12). Đó là trường hợp của chị Mai. * Chị ước ao được phụng sự tại Bê-tên hoặc tham dự Trường dành cho người rao truyền Nước Trời, nhưng chị cho biết: “Vì đã quá tuổi nên những đặc ân đó với tôi giờ đây chỉ là giấc mơ. Đôi khi, tôi cảm thấy nản lòng”.

3. Một số anh chị có lẽ cần làm gì để hội đủ điều kiện nhận thêm đặc ân?

3 Một số người trẻ và khỏe mạnh có thể cần trở nên thành thục và thể hiện một số phẩm chất trước khi hội đủ điều kiện để nhận thêm đặc ân. Chẳng hạn, một số người có lẽ thông minh, kiên quyết và nhiệt huyết, nhưng họ lại cần học tính kiên nhẫn, chu đáo hoặc quan tâm đến người khác hơn. Nếu tập trung vào việc vun trồng những phẩm chất cần thiết, có lẽ anh chị sẽ nhận được một đặc ân phụng sự vào lúc mà mình không ngờ. Hãy xem kinh nghiệm của anh Nick. Khi 20 tuổi, anh rất thất vọng vì không được bổ nhiệm làm phụ tá hội thánh. Anh cho biết: “Tôi nghĩ chắc mình có gì đó không ổn”. Nhưng anh Nick không bỏ cuộc. Anh phụng sự hết lòng trong những đặc ân anh có. Hiện nay, anh là thành viên của một Ủy ban Chi nhánh.

4. Bài này sẽ thảo luận điều gì?

4 Anh chị có nản lòng vì chưa đạt được một mục tiêu thiêng liêng nào đó không? Nếu thế, hãy trải lòng với Đức Giê-hô-va (Thi 37:5-7). Ngoài ra, hãy xin các anh thành thục lời khuyên về cách để phụng sự Đức Chúa Trời tốt hơn, rồi nỗ lực áp dụng lời khuyên của họ. Nếu làm thế, rất có thể anh chị sẽ nhận đặc ân hoặc đạt được mục tiêu mà mình mong muốn. Nhưng như trường hợp của chị Mai được đề cập ở trên, có lẽ đặc ân mà anh chị mong muốn nằm ngoài tầm tay vào lúc này. Nếu vậy, điều gì giúp anh chị giữ niềm vui? Để trả lời câu hỏi ấy, bài này sẽ thảo luận (1) anh chị có thể tìm niềm vui nơi đâu, (2) làm thế nào để gia tăng niềm vui, và (3) anh chị có thể đặt những mục tiêu nào để có thêm niềm vui.

TÌM NƠI ĐÂU NIỀM VUI?

5. Để có niềm vui, chúng ta nên tập trung vào điều gì? (Truyền đạo 6:9)

5 Như được ghi nơi Truyền đạo 6:9, chúng ta có thể có niềm vui nếu tìm đúng chỗ. (Đọc). Một người vui hưởng “điều mắt thấy” thì quý trọng những gì mình có, chẳng hạn như hoàn cảnh hiện tại. Ngược lại, người “đi vẩn vơ theo các ước muốn của mình” thì cứ mong mỏi những điều mình không thể có được. Vậy bài học là gì? Để có niềm vui, chúng ta nên tập trung vào những gì mình có và những ước muốn thực tế mà mình có thể đạt được.

6. Chúng ta sẽ xem xét ngụ ngôn nào, và ngụ ngôn ấy dạy chúng ta điều gì?

6 Thật sự là chúng ta có thể thỏa lòng với những gì mình đang có không? Nhiều người nghĩ là không thể vì suy cho cùng, qua thời gian, chúng ta có khuynh hướng tự nhiên là muốn có những trải nghiệm mới. Nhưng sự thật là chúng ta có thể thỏa lòng với những gì mình có. Chúng ta có thể vui hưởng chứ không chỉ đành chấp nhận “điều mắt thấy”. Chúng ta làm thế bằng cách nào? Để tìm câu trả lời, hãy cùng xem ngụ ngôn của Chúa Giê-su về ta-lâng được ghi nơi Ma-thi-ơ 25:14-30. Chúng ta sẽ xem ngụ ngôn này dạy điều gì về cách tìm và thậm chí gia tăng niềm vui nơi những ân phước mà mình hiện có.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ GIA TĂNG NIỀM VUI?

7. Hãy tóm tắt ngụ ngôn của Chúa Giê-su về ta-lâng.

7 Trong ngụ ngôn, một người đàn ông sắp đi xứ khác. Trước khi đi, ông gọi các đầy tớ đến và đưa cho mỗi người ta-lâng để đi làm ăn. * Vì biết mỗi đầy tớ có khả năng khác nhau nên ông đưa năm ta-lâng cho đầy tớ thứ nhất, hai ta-lâng cho đầy tớ thứ hai và một ta-lâng cho đầy tớ thứ ba. Hai đầy tớ đầu siêng năng làm việc để làm lợi cho chủ. Nhưng đầy tớ thứ ba thì không làm gì cả với số tiền được giao, thế nên ông bị chủ đuổi đi.

8. Tại sao đầy tớ thứ nhất trong ngụ ngôn có lý do để vui?

8 Đầy tớ thứ nhất hẳn cảm thấy vinh dự khi được chủ giao cho năm ta-lâng. Đó là món tiền lớn và cho thấy chủ rất tin cậy ông! Còn đầy tớ thứ hai thì sao? Ông đã có thể nản lòng vì không nhận được nhiều ta-lâng bằng đầy tớ thứ nhất. Nhưng ông phản ứng thế nào?

Chúng ta học được gì từ đầy tớ thứ hai trong ngụ ngôn của Chúa Giê-su? (1) Ông nhận hai ta-lâng từ chủ. (2) Ông siêng năng làm lợi cho chủ. (3) Ông làm cho số ta-lâng của chủ tăng gấp đôi (Xem đoạn 9-11)

9. Chúa Giê-su không nói điều gì về đầy tớ thứ hai? (Ma-thi-ơ 25:22, 23)

9 Đọc Ma-thi-ơ 25:22, 23. Chúa Giê-su không nói rằng đầy tớ thứ hai bực bội và oán giận vì ông chỉ nhận hai ta-lâng. Và Chúa Giê-su cũng không nói đầy tớ ấy than phiền: “Mình chỉ nhận nhiêu đây thôi sao? Mình cũng giỏi như đầy tớ nhận năm ta-lâng mà! Nếu chủ không quý trọng mình thì mình cứ chôn hai ta-lâng này, rồi đi làm lợi cho bản thân”.

10. Đầy tớ thứ hai đã làm gì với số ta-lâng của mình?

10 Như đầy tớ thứ nhất, đầy tớ thứ hai cũng xem trọng trách nhiệm được giao và siêng năng làm lợi cho chủ. Kết quả là ông làm cho số ta-lâng của chủ tăng gấp đôi. Sự siêng năng và khéo léo của đầy tớ này đã được ban thưởng dồi dào. Ông không những làm chủ vui lòng mà còn được chủ xem là xứng đáng để nhận thêm trách nhiệm!

11. Làm thế nào để gia tăng niềm vui?

11 Tương tự, chúng ta có thể gia tăng niềm vui bằng cách miệt mài làm bất cứ điều gì được giao trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va. Hãy “dồn mọi nỗ lực” vào công việc rao giảng và tham gia trọn vẹn các hoạt động của hội thánh (Công 18:5; Hê 10:24, 25). Hãy chuẩn bị kỹ cho các buổi nhóm họp để bình luận một cách khích lệ. Hãy xem trọng những phần được giao trong buổi họp giữa tuần. Nếu được nhờ làm một việc nào đó trong hội thánh, hãy đúng giờ và đáng tin cậy. Không nên xem thường bất cứ nhiệm vụ nào được giao và cho rằng không cần phải dành ra nhiều thời gian. Hãy cố gắng cải thiện kỹ năng của mình (Châm 22:29). Càng miệt mài trong hoạt động và trách nhiệm thần quyền, anh chị sẽ càng tiến bộ và càng có nhiều niềm vui (Ga 6:4). Anh chị cũng sẽ thấy dễ hơn để vui với người khác khi họ nhận được đặc ân mà anh chị mong muốn.—Rô 12:15; Ga 5:26.

12. Hai anh chị Nhân Chứng đã làm gì để gia tăng niềm vui?

12 Anh chị còn nhớ chị Mai, người đã bày tỏ ước muốn phụng sự tại Bê-tên hoặc tham dự Trường dành cho người rao truyền Nước Trời không? Dù không thể đạt được những nguyện vọng đó, chị chia sẻ: “Tôi cố gắng làm hết lòng trong công việc tiên phong và tham gia mọi hình thức rao giảng. Điều này mang lại cho tôi niềm vui lớn”. Còn anh Nick thì sao? Anh đối phó thế nào với nỗi thất vọng khi không được bổ nhiệm làm phụ tá hội thánh? Anh cho biết: “Tôi tập trung vào những đặc ân mình có, như tham gia thánh chức và bình luận một cách ý nghĩa tại nhóm họp. Tôi cũng nộp đơn vào Bê-tên và được nhận vào năm sau đó”.

13. Kết quả là gì nếu anh chị miệt mài với nhiệm vụ hiện tại? (Truyền đạo 2:24)

13 Nếu miệt mài với nhiệm vụ hiện tại, anh chị sẽ nhận được thêm trách nhiệm trong tương lai không? Có thể, giống như trường hợp của anh Nick. Nhưng nếu không, giống chị Mai, niềm vui của anh chị vẫn gia tăng và anh chị sẽ cảm thấy thoả nguyện. (Đọc Truyền đạo 2:24). Ngoài ra, anh chị sẽ có niềm vui lớn khi biết rằng những nỗ lực của mình làm vui lòng Chủ chúng ta là Chúa Giê-su Ki-tô.

NHỮNG MỤC TIÊU GIÚP GIA TĂNG NIỀM VUI

14. Chúng ta nên làm gì trong khi tập trung vào nhiệm vụ hiện tại?

14 Phải chăng tập trung vào nhiệm vụ hiện tại nghĩa là chúng ta không cần tiếp tục tìm cách để nới rộng việc phụng sự? Hẳn là không! Chúng ta có thể và nên đặt những mục tiêu thiêng liêng giúp mình tiếp tục vươn tới để hữu hiệu trong thánh chức và giúp đỡ anh em đồng đạo nhiều hơn. Chúng ta sẽ thành công khi đặt những mục tiêu khiêm tốn và tập trung vào việc phục vụ người khác thay vì tập trung vào bản thân.—Châm 11:2; Công 20:35.

15. Một số mục tiêu nào có thể giúp anh chị gia tăng niềm vui?

15 Anh chị có thể đặt mục tiêu nào cho mình? Hãy cầu xin Đức Giê-hô-va giúp anh chị nhận ra đâu là mục tiêu mà mình có thể đạt được (Châm 16:3; Gia 1:5). Anh chị có thể đặt một trong những mục tiêu được đề cập ở  đoạn đầu tiên của bài này không? Chẳng hạn như làm tiên phong phụ trợ hoặc đều đều, phụng sự tại Bê-tên hay tham gia dự án xây cất thần quyền. Một mục tiêu khác là học ngôn ngữ mới để chia sẻ tin mừng hay thậm chí để rao giảng trong cánh đồng ngoại ngữ. Để biết thêm về những mục tiêu này, anh chị có thể xem chương 10 của sách Được tổ chức để thi hành ý muốn Đức Giê-hô-va và nói chuyện với các trưởng lão trong hội thánh. * Khi nỗ lực tiến đến những mục tiêu này, người khác sẽ thấy sự tiến bộ của anh chị và niềm vui của anh chị sẽ gia tăng.

16. Anh chị có thể làm gì nếu hiện tại mình không thể đạt được một mục tiêu nào đó?

16 Nhưng nói sao nếu hiện tại anh chị không thể đạt được những mục tiêu trên? Hãy tìm một mục tiêu hợp lý mà mình có thể đạt được. Hãy xem một số mục tiêu sau.

Một số mục tiêu nào anh chị có thể đạt được? (Xem đoạn 17) *

17. Theo 1 Ti-mô-thê 4:13, 15, một anh có thể làm gì để trở thành người dạy hữu hiệu hơn?

17 Đọc 1 Ti-mô-thê 4:13, 15. Nếu là một anh đã báp-têm, anh có thể nỗ lực để cải thiện khả năng truyền giảng và dạy dỗ. Tại sao? Vì việc anh “miệt mài” trong việc đọc, truyền giảng và dạy dỗ sẽ mang lại lợi ích cho người nghe. Hãy đặt mục tiêu học và áp dụng mỗi điểm kỹ năng ăn nói được đề cập trong sách mỏng Hãy chuyên tâm trong việc đọc và dạy dỗ. Hãy học từng kỹ năng một, siêng năng tập luyện ở nhà và cố gắng áp dụng kỹ năng ấy vào phần bài được giao. Hãy xin lời khuyên từ người khuyên bảo phụ hoặc các trưởng lão khác “siêng năng trong việc truyền giảng và dạy dỗ” * (1 Ti 5:17). Thay vì chỉ tập trung vào việc hiểu kỹ năng ấy, cũng hãy giúp người nghe củng cố đức tin hoặc thúc đẩy họ áp dụng điều học được. Khi làm thế, anh sẽ gia tăng niềm vui của chính mình và của người khác.

Một số mục tiêu nào anh chị có thể đạt được? (Xem đoạn 18) *

18. Điều gì sẽ giúp chúng ta đạt được những mục tiêu trong thánh chức?

18 Tất cả chúng ta có nhiệm vụ rao giảng và đào tạo môn đồ (Mat 28:19, 20; Rô 10:14). Anh chị có muốn mài giũa kỹ năng của mình trong công việc tối quan trọng này không? Hãy học sách mỏng Dạy dỗ và đặt những mục tiêu cụ thể để giúp anh chị áp dụng những điều học được từ sách ấy. Anh chị có thể tìm những gợi ý thực tế khác từ Lối sống và thánh chức—Chương trình nhóm họp và các video trình bày mẫu được chiếu tại buổi họp giữa tuần. Hãy thử vài gợi ý khác nhau để xem cách nào hiệu quả nhất trong khu vực của mình. Nếu áp dụng những gợi ý đó, anh chị sẽ trở thành người dạy hữu hiệu và điều này sẽ mang lại niềm vui không gì sánh bằng.—2 Ti 4:5.

Một số mục tiêu nào anh chị có thể đạt được? (Xem đoạn 19) *

19. Làm thế nào để vun trồng các phẩm chất của tín đồ đạo Đấng Ki-tô?

19 Khi xem xét các mục tiêu mình có thể đặt ra, đừng quên một trong những mục tiêu quan trọng nhất là vun trồng các phẩm chất của tín đồ đạo Đấng Ki-tô (Ga 5:22, 23; Cô 3:12; 2 Phi 1:5-8). Làm thế nào để đạt mục tiêu đó? Giả sử anh chị muốn vun trồng đức tin mạnh hơn. Anh chị có thể đọc những bài trong ấn phẩm có những gợi ý thực tế giúp mình củng cố đức tin. Hẳn anh chị cũng sẽ nhận được lợi ích khi xem các phần trong Kênh truyền thông JW cho thấy các anh em đã thể hiện đức tin nổi bật thế nào khi đương đầu với thử thách khác nhau. Rồi hãy nghĩ xem mình có thể noi theo đức tin của họ ra sao trong đời sống.

20. Làm thế nào để gia tăng niềm vui và giảm bớt thất vọng?

20 Hẳn tất cả chúng ta đều ao ước là mình có thể làm cho Đức Giê-hô-va nhiều hơn những gì mình hiện đang làm. Trong thế giới mới, chúng ta sẽ có thể phụng sự ngài theo cách trọn vẹn nhất. Trong khi chờ đợi, hãy tận dụng mọi cơ hội mình có để phụng sự Đức Giê-hô-va. Khi làm thế, chúng ta sẽ gia tăng niềm vui và giảm bớt thất vọng. Quan trọng hơn, chúng ta sẽ mang lại sự vinh hiển và ngợi khen cho Đức Giê-hô-va, “Đức Chúa Trời hạnh phúc” của chúng ta (1 Ti 1:11). Vậy, hãy tìm niềm vui nơi những đặc ân mình có!

BÀI HÁT 82 “Hãy chiếu ánh sáng của anh em”

^ đ. 5 Chúng ta yêu thương Đức Giê-hô-va rất nhiều và muốn làm mọi điều trong khả năng để phụng sự ngài. Vì thế, nhiều anh chị được thúc đẩy để nới rộng thánh chức hoặc cố gắng hội đủ điều kiện để nhận thêm đặc ân trong hội thánh. Nhưng nói sao nếu chúng ta đã nỗ lực hết sức mà vẫn không đạt được một số mục tiêu? Điều gì giúp chúng ta tiếp tục hữu hiệu trong việc phụng sự và giữ được niềm vui? Chúng ta sẽ tìm lời giải đáp trong minh họa của Chúa Giê-su về ta-lâng.

^ đ. 2 Một số tên đã được thay đổi.

^ đ. 7 GIẢI NGHĨA: Một ta-lâng tương đương với khoảng 20 năm tiền lương của một người lao động phổ thông.

^ đ. 15 Những anh đã báp-têm được khuyến khích vươn tới để hội đủ điều kiện làm phụ tá hội thánh hoặc trưởng lão. Để biết về những điều kiện này, xem chương 5 và 6 của sách Được tổ chức để thi hành ý muốn Đức Giê-hô-va.

^ đ. 17 GIẢI NGHĨA: Người khuyên bảo phụ là một trưởng lão được chỉ định để đưa ra lời khuyên riêng, khi cần, cho các trưởng lão và phụ tá hội thánh về bất cứ bài nào họ phụ trách trong hội thánh.

^ đ. 64 HÌNH ẢNH: Để đạt được mục tiêu trở thành người dạy hữu hiệu hơn, một anh nghiên cứu ấn phẩm.

^ đ. 66 HÌNH ẢNH: Sau khi đặt mục tiêu làm chứng bán chính thức, một chị mời người phục vụ nhận thẻ giới thiệu.

^ đ. 68 HÌNH ẢNH: Vì muốn thể hiện các phẩm chất của tín đồ đạo Đấng Ki-tô, một chị đã bất ngờ tặng quà cho một chị đồng đạo.