Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 34

Hãy “nếm thử” sự tốt lành của Đức Giê-hô-va—Bằng cách nào?

Hãy “nếm thử” sự tốt lành của Đức Giê-hô-va—Bằng cách nào?

“Hãy nếm thử và nghiệm thấy Đức Giê-hô-va tốt thay! Người nào náu thân nơi ngài hạnh phúc biết bao!”—THI 34:8.

BÀI HÁT 117 Hãy tập thể hiện sự tốt lành

GIỚI THIỆU *

1, 2. Theo Thi thiên 34:8, làm thế nào để biết về sự tốt lành của Đức Giê-hô-va?

Hãy hình dung anh chị được mời ăn một món mà mình chưa từng thử trước đó. Anh chị có thể biết đôi chút về món đó bằng cách nhìn, ngửi, xem công thức hoặc hỏi ý kiến của người khác. Tuy nhiên, cách duy nhất để biết mình có thích món đó hay không là nếm thử.

2 Chúng ta có thể biết phần nào về sự tốt lành của Đức Giê-hô-va bằng cách đọc Kinh Thánh, ấn phẩm và nghe người khác kể về ân phước họ nhận được từ ngài. Nhưng chúng ta chỉ hiểu rõ Đức Giê-hô-va là đấng tốt thế nào khi chính mình “nếm thử” sự tốt lành của ngài. (Đọc Thi thiên 34:8). Hãy xem một ví dụ về cách mình có thể làm thế. Giả sử chúng ta muốn tham gia một hình thức phụng sự trọn thời gian, nhưng để đạt mục tiêu đó, chúng ta cần đơn giản hóa đời sống. Có lẽ chúng ta thường đọc về lời hứa của Chúa Giê-su là nếu đặt quyền lợi Nước Trời lên hàng đầu, Đức Giê-hô-va sẽ cung cấp những điều mình thật sự cần, nhưng chính chúng ta chưa bao giờ cảm nghiệm lời hứa đó (Mat 6:33). Tuy nhiên, vì có đức tin nơi lời hứa của Chúa Giê-su nên chúng ta cắt giảm chi phí, giảm bớt công việc ngoài đời và tập trung vào thánh chức. Khi làm thế, chúng ta cảm nghiệm rằng Đức Giê-hô-va thật sự chăm sóc cho nhu cầu của mình. Chính chúng ta “nếm thử” sự tốt lành của Đức Giê-hô-va.

3. Theo Thi thiên 16:1, 2, ai nhận được sự tốt lành của Đức Giê-hô-va?

3 Đức Giê-hô-va “tốt với muôn loài”, ngay cả với những người không biết đến ngài (Thi 145:9; Mat 5:45). Nhưng đặc biệt là những người yêu mến Đức Giê-hô-va và phụng sự ngài hết lòng thì nhận được nhiều ân phước từ ngài. (Đọc Thi thiên 16:1, 2). Hãy xem một số điều tốt lành mà Đức Giê-hô-va làm cho chúng ta.

4. Đức Giê-hô-va thể hiện sự tốt lành thế nào đối với những người bắt đầu đến gần ngài?

4 Mỗi lần áp dụng điều học được từ Đức Giê-hô-va, chúng ta thấy kết quả tốt trong đời sống. Lúc tìm hiểu và yêu mến Đức Giê-hô-va, ngài giúp chúng ta loại bỏ lối suy nghĩ và những thực hành từng khiến mình xa cách ngài (Cô 1:21). Khi chúng ta dâng mình cho Đức Giê-hô-va và báp-têm, ngài còn ban cho chúng ta thêm những điều tốt lành, chẳng hạn lương tâm trong sạch và tình bạn mật thiết với ngài.—1 Phi 3:21.

5. Chúng ta cảm nghiệm được sự tốt lành của Đức Giê-hô-va như thế nào trong thánh chức?

5 Chúng ta tiếp tục cảm nghiệm sự tốt lành của Đức Giê-hô-va khi tham gia thánh chức. Anh chị có tính nhút nhát không? Nhiều người trong vòng dân Đức Chúa Trời cũng cảm thấy như thế. Có lẽ trước khi trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va, anh chị không bao giờ nghĩ mình sẽ đến gặp một người hoàn toàn xa lạ và chia sẻ thông điệp không mấy được ưa chuộng. Nhưng nay anh chị làm điều đó thường xuyên. Với sự trợ giúp của Đức Giê-hô-va, thậm chí anh chị còn vui thích làm công việc rao giảng. Anh chị cảm nghiệm được sự hỗ trợ của ngài qua nhiều cách khác nhau. Ngài giúp anh chị giữ bình tĩnh khi gặp người chống đối. Ngài cũng giúp anh chị nhớ lại câu Kinh Thánh thích hợp để chia sẻ với người chú ý. Và ngài thêm sức để anh chị tiếp tục rao giảng ngay cả khi ít người hưởng ứng.—Giê 20:7-9.

6. Làm thế nào sự huấn luyện mà Đức Giê-hô-va cung cấp cho thấy sự tốt lành của ngài?

6 Đức Giê-hô-va cũng tỏ sự tốt lành của ngài bằng cách huấn luyện chúng ta để làm thánh chức (Giăng 6:45). Tại buổi họp giữa tuần, chúng ta nghe những cuộc trò chuyện mẫu được chuẩn bị kỹ, và được khuyến khích dùng trong thánh chức. Lúc đầu, chúng ta thấy ngại thử phương pháp mới, nhưng khi làm thế, có lẽ chúng ta thấy cách tiếp cận mới thu hút người trong khu vực. Tại nhóm họp và hội nghị, chúng ta cũng được khuyến khích tham gia các hình thức làm chứng mà có thể trước đó mình chưa bao giờ thử. Một lần nữa, điều này đòi hỏi chúng ta làm những điều không quen thuộc, nhưng khi làm thế, chúng ta cho Đức Giê-hô-va lý do để ban phước. Hãy xem một số ân phước chúng ta nhận được khi thử những cách mới để dâng cho Đức Giê-hô-va điều tốt nhất, bất kể hoàn cảnh là gì. Sau đó, hãy xem một số cách để nới rộng thánh chức.

ĐỨC GIÊ-HÔ-VA BAN PHƯỚC CHO NHỮNG NGƯỜI TIN CẬY NGÀI

7. Chúng ta nhận được ân phước nào khi cố gắng nới rộng thánh chức?

7Chúng ta sẽ càng đến gần Đức Giê-hô-va. Hãy xem kinh nghiệm của một anh trưởng lão tên Samuel * đang phụng sự ở Colombia cùng với vợ. Trước đó, cặp vợ chồng này vui mừng làm tiên phong tại quê nhà, nhưng họ muốn nới rộng thánh chức bằng cách giúp một hội thánh có nhu cầu lớn hơn. Để đạt mục tiêu đó, họ phải thực hiện một số hy sinh. Anh Samuel nói: “Chúng tôi áp dụng Ma-thi-ơ 6:33 và ngưng mua những thứ không cần thiết. Nhưng điều khó nhất với chúng tôi là bỏ lại căn hộ. Căn hộ đó được thiết kế theo ý muốn của chúng tôi và đã được trả góp xong”. Tại nhiệm sở mới, họ thấy là để trang trải cuộc sống, họ chỉ cần một phần sáu số tiền thu nhập trước kia. Anh Samuel nói thêm: “Chúng tôi thấy Đức Giê-hô-va hướng dẫn các bước đường và đáp lời cầu nguyện của mình. Chúng tôi cảm thấy ngài hài lòng và yêu thương mình theo những cách mà mình chưa từng cảm nghiệm trước đó”. Anh chị có thể nới rộng thánh chức không? Nếu làm thế, anh chị có thể tin chắc rằng mình sẽ đến gần với Đức Giê-hô-va hơn và ngài sẽ chăm sóc anh chị.—Thi 18:25.

8. Anh chị học được gì từ lời chia sẻ của anh Ivan và chị Viktoria?

8Chúng ta tìm được niềm vui trong việc phụng sự. Hãy để ý đến lời chia sẻ của anh Ivan và chị Viktoria, một cặp vợ chồng đang làm tiên phong ở Kyrgyzstan. Họ giữ đời sống đơn giản để có thể tình nguyện làm bất cứ công việc nào, kể cả tham gia các dự án xây cất. Anh Ivan nói: “Mỗi dự án, chúng tôi đều nỗ lực hết sức. Dù cảm thấy mệt vào cuối ngày, nhưng chúng tôi có sự bình an và thỏa nguyện vì biết rằng mình đã dùng sức lực cho công việc Nước Trời. Chúng tôi cũng thấy rất vui khi có những tình bạn mới và kỷ niệm đẹp”.—Mác 10:29, 30.

9. Dù có hoàn cảnh khó khăn, một chị đã làm gì để nới rộng thánh chức, và kết quả là gì?

9 Chúng ta tìm được niềm vui trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va ngay cả khi có hoàn cảnh khó khăn. Chẳng hạn, chị Mirreh, một góa phụ lớn tuổi ở Tây Phi, từng là bác sĩ. Nhưng chị đã về hưu và bắt đầu làm tiên phong. Chị Mirreh bị chứng viêm khớp nặng, và mỗi lần đi rao giảng từng nhà, chị chỉ đi được một giờ. Tuy nhiên, chị có thể dành nhiều thời gian hơn trong thánh chức khi làm chứng bằng quầy di động. Chị có nhiều thăm lại cũng như học hỏi, và chị liên lạc với một số người trong đó qua điện thoại. Điều gì thúc đẩy chị Mirreh nới rộng thánh chức? Chị cho biết: “Lòng tôi tràn ngập tình yêu thương dành cho Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su. Tôi thường xuyên cầu xin Đức Giê-hô-va giúp mình phụng sự ngài hết khả năng”.—Mat 22:36, 37.

10. Như được nói nơi 1 Phi-e-rơ 5:10, những anh chị nới rộng việc phụng sự nhận được điều gì từ Đức Giê-hô-va?

10Chúng ta được Đức Giê-hô-va huấn luyện thêm. Anh Kenny, một tiên phong phụng sự ở Mauritius, thấy điều này thật đúng. Khi biết chân lý, anh ngưng học đại học, rồi anh báp-têm và tham gia thánh chức trọn thời gian. Anh nói: “Tôi cố gắng sống phù hợp với lời của nhà tiên tri Ê-sai: ‘Có con đây! Xin sai con!’” (Ê-sai 6:8). Anh Kenny tham gia nhiều dự án xây cất và cũng giúp dịch các ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh sang ngôn ngữ mẹ đẻ. Anh cho biết: “Sự huấn luyện mà tôi nhận được đã dạy tôi kỹ năng cần thiết để thực hiện công việc được giao”. Nhưng anh không chỉ học được kỹ năng làm việc. Anh nói thêm: “Tôi cũng nhận ra giới hạn của bản thân và những phẩm chất mình cần vun trồng để trở thành tôi tớ tốt hơn của Đức Giê-hô-va”. (Đọc 1 Phi-e-rơ 5:10). Có lẽ anh chị cũng có thể xem xét hoàn cảnh và thực hiện những điều chỉnh để nhận thêm sự huấn luyện từ Đức Giê-hô-va.

Một cặp vợ chồng rao giảng ở khu vực có nhu cầu lớn hơn; một chị trẻ tham gia xây Phòng Nước Trời; một cặp vợ chồng lớn tuổi làm chứng qua điện thoại. Tất cả các anh chị này đều tìm được nhiều niềm vui trong việc phụng sự (Xem đoạn 11)

11. Một số chị ở Hàn Quốc đã nỗ lực làm gì để tham gia thánh chức, và kết quả là gì? (Xem hình nơi trang bìa).

11 Ngay cả những Nhân Chứng lâu năm cũng nhận được lợi ích từ sự huấn luyện khi thử một hình thức phụng sự mới. Trong đại dịch COVID-19, các trưởng lão thuộc một hội thánh ở Hàn Quốc viết: “Một số anh chị từng nghĩ mình không thể tham gia thánh chức vì lý do sức khỏe, giờ đây họ làm thế qua cuộc gọi video. Ba chị ngoài 80 tuổi đã học công nghệ mới và bắt đầu tham gia hình thức làm chứng này hầu như mỗi ngày” (Thi 92:14, 15). Anh chị có muốn nới rộng thánh chức và nếm thử sự tốt lành của Đức Giê-hô-va nhiều hơn không? Hãy xem một số điều anh chị có thể làm để đạt mục tiêu đó.

ĐIỀU GÌ GIÚP ANH CHỊ NỚI RỘNG VIỆC PHỤNG SỰ?

12. Đức Giê-hô-va hứa điều gì với những ai nương cậy ngài?

12Tập nương cậy Đức Giê-hô-va. Ngài hứa sẽ đổ ân phước xuống nếu chúng ta tin cậy và dâng cho ngài điều tốt nhất mình có (Mal 3:10). Một chị ở Colombia tên Fabiola đã thấy Đức Giê-hô-va thực hiện lời hứa này đối với mình. Chị muốn làm tiên phong đều đều ngay sau khi báp-têm. Tuy nhiên, chồng và ba người con trông cậy vào nguồn thu nhập của chị. Vì thế, khi được về hưu, chị đã cầu nguyện tha thiết xin Đức Giê-hô-va giúp đỡ. Chị nói: “Thường thì mất thời gian dài để hoàn tất thủ tục hưởng lương hưu. Nhưng trường hợp của tôi chỉ mất một tháng. Điều này giống như phép lạ!”. Hai tháng sau, chị đăng ký làm tiên phong. Hiện nay, chị ngoài 70 tuổi và đã làm tiên phong được hơn 20 năm. Trong thời gian đó, chị giúp tám người tiến đến bước báp-têm. Chị cho biết: “Dù đôi lúc cảm thấy mệt, nhưng Đức Giê-hô-va giúp tôi mỗi ngày để tiếp tục công việc tiên phong”.

Áp-ra-ham và Sa-ra, Gia-cốp, và các thầy tế lễ băng qua sông Giô-đanh cho thấy họ tin cậy Đức Giê-hô-va như thế nào? (Xem đoạn 13)

13, 14. Những gương nào có thể giúp chúng ta tin cậy Đức Giê-hô-va và nới rộng việc phụng sự?

13Học từ những gương nương cậy Đức Giê-hô-va. Kinh Thánh ghi lại nhiều gương của những người đã nỗ lực hết sức để phụng sự Đức Giê-hô-va. Trong nhiều trường hợp, những tôi tớ này của Đức Giê-hô-va phải hành động trước rồi mới nhận được ân phước đặc biệt từ ngài. Chẳng hạn, chỉ sau khi Áp-ra-ham rời quê nhà, “dù chẳng biết mình đang đi đâu”, Đức Giê-hô-va mới ban phước cho ông (Hê 11:8). Chỉ sau khi Gia-cốp vật lộn với thiên sứ, ông mới nhận được ân phước đặc biệt (Sáng 32:24-30). Khi dân Y-sơ-ra-ên sắp vào Đất Hứa, chỉ sau khi các thầy tế lễ bước xuống sông Giô-đanh đang chảy xiết, dòng nước mới ngừng chảy và dân chúng có thể băng qua.—Giô-suê 3:14-16.

14 Anh chị cũng có thể học được từ gương của những Nhân Chứng thời nay đã nương cậy Đức Giê-hô-va và nới rộng việc phụng sự. Chẳng hạn, một anh tên Payton và vợ là chị Diana rất thích đọc kinh nghiệm của các anh chị đã nới rộng việc phụng sự, như trong loạt bài “Họ tình nguyện đến”. * Anh Payton nói: “Khi đọc những kinh nghiệm đó, chúng tôi cảm thấy như mình đang nhìn một người thưởng thức bữa ăn ngon. Càng nhìn, chúng tôi càng muốn ‘nếm thử và nghiệm thấy Đức Giê-hô-va tốt thay’”. Cuối cùng, anh Payton và chị Diana chuyển đến nơi có nhu cầu lớn hơn. Anh chị đã đọc loạt bài này chưa? Anh chị đã xem video Làm chứng ở khu vực biệt lập—Úc và video Làm chứng ở khu vực biệt lập—Ai Len được đăng trên jw.org chưa? Các tài liệu này có lẽ sẽ giúp anh chị tìm ra cách để nới rộng việc phụng sự.

15. Chúng ta được giúp ra sao khi kết hợp với những anh chị khuyến khích mình nới rộng việc phụng sự?

15Kết hợp với những anh chị khuyến khích mình nới rộng việc phụng sự. Chúng ta thường muốn thử món mới nếu dành thời gian với những người thích món đó. Tương tự, nếu kết hợp với những người đặt Đức Giê-hô-va lên hàng đầu trong đời sống, chúng ta dễ được thúc đẩy hơn để tìm cách nới rộng việc phụng sự. Một cặp vợ chồng là anh Kent và chị Veronica thấy điều này rất đúng. Anh Kent nói: “Bạn bè và gia đình khuyến khích chúng tôi thử cách phụng sự mới. Chúng tôi nhận ra rằng khi kết hợp với những người tìm kiếm Nước Trời trước hết, chúng tôi có được sự tự tin để thử điều mới”. Hiện nay anh chị ấy đang làm tiên phong đặc biệt ở Serbia.

16. Như được thấy qua minh họa của Chúa Giê-su nơi Lu-ca 12:16-21, tại sao chúng ta nên sẵn sàng hy sinh cho Đức Giê-hô-va?

16Sẵn lòng hy sinh cho Đức Giê-hô-va. Chúng ta không nhất thiết phải từ bỏ mọi điều mình thích để làm hài lòng Đức Giê-hô-va (Truyền 5:19, 20). Tuy nhiên, nếu ngại nới rộng việc phụng sự chỉ vì không muốn hy sinh điều mình thích, chúng ta có thể mắc lỗi giống như người đàn ông trong minh họa của Chúa Giê-su, là người tạo đời sống thoải mái cho mình nhưng lờ đi Đức Chúa Trời. (Đọc Lu-ca 12:16-21). Một anh tên Christian sống ở Pháp nói: “Trước kia, tôi không dành thời gian và sức lực tốt nhất mình có cho Đức Giê-hô-va và gia đình”. Rồi vợ chồng anh quyết định làm tiên phong. Nhưng để đạt mục tiêu đó, họ phải nghỉ việc. Để trang trải đời sống, họ bắt đầu làm công việc dọn dẹp và tập thỏa lòng với cuộc sống ít vật chất hơn. Sự hy sinh đó có đáng công không? Anh Christian nói: “Giờ đây, chúng tôi có thánh chức ý nghĩa hơn và rất vui khi thấy học viên Kinh Thánh và những người thăm lại học về Đức Giê-hô-va”.

17. Điều gì có thể ngăn cản chúng ta thử cách làm chứng mới?

17Sẵn sàng thử cách phụng sự mới (Công 17:16, 17; 20:20, 21). Chị Shirley, một tiên phong ở Hoa Kỳ, phải điều chỉnh thánh chức trong đại dịch COVID-19. Lúc đầu, chị ngại thử làm chứng qua điện thoại. Nhưng khi nhận sự huấn luyện trong đợt viếng thăm của giám thị vòng quanh, chị bắt đầu tham gia hình thức làm chứng này đều đặn. Chị cho biết: “Lúc đầu, tôi cảm thấy sợ nhưng giờ thì tôi rất thích. Chúng tôi nói chuyện được với nhiều người hơn là lúc rao giảng từng nhà!”.

18. Điều gì giúp chúng ta đương đầu với trở ngại khi cố gắng nới rộng thánh chức?

18Lên kế hoạch và hành động. Khi gặp trở ngại, chúng ta cầu xin Đức Giê-hô-va giúp đỡ, rồi dùng khả năng suy xét để lên kế hoạch giải quyết vấn đề (Châm 3:21). Chị Sonia làm tiên phong đều đều trong nhóm tiếng Romany ở châu Âu nói: “Tôi thích ghi ra kế hoạch trên giấy và để ở nơi mình dễ thấy. Tôi để một hình vẽ giao lộ trên bàn. Khi cần quyết định điều gì đó, tôi nhìn giao lộ ấy và nghĩ xem quyết định của mình sẽ dẫn mình đi hướng nào”. Chị Sonia cố gắng giữ cái nhìn tích cực khi gặp trở ngại. Chị nói: “Mỗi hoàn cảnh mới có thể giống như bức tường cản trở hoặc cây cầu giúp đỡ, điều đó phụ thuộc vào thái độ của tôi”.

19. Chúng ta nên quyết tâm làm gì?

19 Đức Giê-hô-va ban phước cho chúng ta qua nhiều cách. Chúng ta cho thấy mình biết ơn về các ân phước này bằng cách làm mọi điều có thể để ngợi khen ngài (Hê 13:15). Điều này có thể bao gồm thử những cách mới để nới rộng thánh chức, là con đường dẫn đến thêm nhiều ân phước. Mỗi ngày, hãy tìm những cách để “nếm thử và nghiệm thấy Đức Giê-hô-va tốt thay”. Rồi chúng ta sẽ có đồng tâm tình với Chúa Giê-su khi ngài nói: “Thức ăn của tôi là làm theo ý muốn của đấng sai tôi đến và hoàn thành công việc ngài giao”.—Giăng 4:34.

BÀI HÁT 80 “Nếm thử và nghiệm thấy Đức Giê-hô-va tốt thay!”

^ đ. 5 Đức Giê-hô-va là Nguồn của sự tốt lành. Ngài cung cấp điều tốt cho mọi người, ngay cả người ác. Nhưng ngài đặc biệt muốn làm điều tốt cho những người trung thành thờ phượng ngài. Bài này sẽ xem Đức Giê-hô-va tỏ sự tốt lành của ngài ra sao cho các tôi tớ ngài. Cũng hãy xem làm thế nào những người nới rộng thánh chức cảm nghiệm sự tốt lành của Đức Giê-hô-va theo cách đặc biệt.

^ đ. 7 Một số tên đã được thay đổi.

^ đ. 14 Loạt bài này trước đây được đăng trong Tháp Canh, nay có trên jw.org. Vào mục VỀ CHÚNG TÔI > KINH NGHIỆM > ĐẠT ĐƯỢC MỤC TIÊU PHỤNG SỰ.