Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 35

Quý trọng những anh chị lớn tuổi trung thành

Quý trọng những anh chị lớn tuổi trung thành

“Tóc bạc là vương miện lộng lẫy”.—CHÂM 16:31.

BÀI HÁT 138 Tóc bạc là sự vinh hiển

GIỚI THIỆU *

1, 2. (a) Theo Châm ngôn 16:31, chúng ta nên xem các anh chị lớn tuổi trung thành như thế nào? (b) Bài này sẽ giải đáp những câu hỏi nào?

Có một công viên ở Hoa Kỳ mà anh chị có thể tìm được kim cương trên mặt đất. Tuy nhiên, những viên kim cương này vẫn ở dạng thô và chưa được mài giũa. Vì thế, nhiều người thấy những báu vật này nhưng lại không biết đó là gì và cứ thế lướt qua.

2 Theo nghĩa nào đó, các anh chị lớn tuổi trung thành giống như những viên kim cương này; họ là báu vật quý giá. Lời Đức Chúa Trời ví tóc bạc của những anh chị ấy với vương miện. (Đọc Châm ngôn 16:31; 20:29). Tuy nhiên, những báu vật này có thể dễ bị bỏ qua. Khi nhận ra các anh chị lớn tuổi rất quý giá, chúng ta sẽ nhận được điều còn giá trị hơn báu vật theo nghĩa đen. Trong bài này, chúng ta sẽ trả lời ba câu hỏi: Tại sao Đức Giê-hô-va xem các anh chị lớn tuổi trung thành là báu vật? Đức Giê-hô-va ban cho họ vị trí nào trong tổ chức của ngài? Chúng ta có thể làm gì để nhận lợi ích trọn vẹn từ gương của họ?

TẠI SAO ĐỨC GIÊ-HÔ-VA XEM CÁC ANH CHỊ LỚN TUỔI TRUNG THÀNH LÀ BÁU VẬT?

Các anh chị lớn tuổi trung thành rất quý giá với Đức Giê-hô-va và dân ngài (Xem đoạn 3)

3. Theo Thi thiên 92:12-15, tại sao các anh chị lớn tuổi trung thành rất quý giá với Đức Giê-hô-va?

3 Các anh chị lớn tuổi trung thành rất quý giá với Đức Giê-hô-va. Ngài thấy rõ con người bên trong của họ; ngài biết và quý trọng những phẩm chất tuyệt vời họ có. Ngài vui khi các anh chị lớn tuổi truyền cho người khác sự khôn ngoan mà họ tích lũy trong suốt quãng đời phụng sự trung thành (Gióp 12:12; Châm 1:1-4). Đức Giê-hô-va cũng quý trọng sự chịu đựng của họ (Mal 3:16). Dù đời sống không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió, nhưng đức tin của họ nơi Đức Giê-hô-va không bao giờ lay chuyển. Hy vọng của họ về tương lai còn sáng hơn lúc mới biết chân lý. Đức Giê-hô-va yêu thương họ vì họ tiếp tục rao truyền danh ngài “dù tuổi cao”.—Đọc Thi thiên 92:12-15.

4. Những ý tưởng nào có thể an ủi các anh chị lớn tuổi?

4 Nếu anh chị đã lớn tuổi, hãy tin chắc Đức Giê-hô-va nhớ công việc anh chị làm trong quá khứ (Hê 6:10). Anh chị đã sốt sắng ủng hộ công việc rao giảng, và điều đó làm hài lòng Cha trên trời. Anh chị bền bỉ chịu đựng thử thách, ngay cả thử thách khiến lòng mình tan vỡ. Anh chị bênh vực tiêu chuẩn công chính của Kinh Thánh, gánh vác những trọng trách và huấn luyện người khác. Anh chị cố gắng hết sức để theo kịp với tổ chức đang di chuyển rất nhanh của Đức Giê-hô-va. Anh chị ủng hộ và khích lệ những người đang phụng sự trọn thời gian. Đức Giê-hô-va yêu thương anh chị rất nhiều vì lòng trung thành của anh chị. Ngài hứa: “Người trung thành của ngài, ngài không bỏ mặc”! (Thi 37:28). Ngài cũng đưa ra lời đảm bảo: “Cả đến khi các con bạc đầu, ta vẫn gánh vác các con” (Ê-sai 46:4). Vậy anh chị đừng nghĩ rằng vì lớn tuổi nên mình không còn có vai trò quan trọng trong tổ chức Đức Giê-hô-va. Anh chị vẫn rất quý giá!

ANH CHỊ LỚN TUỔI CÓ MỘT VỊ TRÍ TRONG TỔ CHỨC ĐỨC CHÚA TRỜI

5. Các anh chị lớn tuổi cần nhớ điều gì?

5 Các anh chị lớn tuổi giúp ích rất nhiều. Dù có lẽ không còn sức như trước, nhưng họ có một kho tàng kinh nghiệm đã tích lũy qua nhiều năm. Đức Giê-hô-va có thể tiếp tục dùng họ theo nhiều cách khác nhau. Hãy xem một số trường hợp trong quá khứ và hiện tại cho thấy điều đó.

6, 7. Hãy nêu một số gương lớn tuổi trong Kinh Thánh đã nhận được ân phước vì trung thành phụng sự.

6 Chúng ta có thể tìm được trong Kinh Thánh những gương trung thành vẫn sốt sắng phụng sự Đức Giê-hô-va khi lớn tuổi. Chẳng hạn, Môi-se đã khoảng 80 tuổi khi bắt đầu làm nhà tiên tri của Đức Giê-hô-va và người lãnh đạo dân Y-sơ-ra-ên. Đức Giê-hô-va vẫn dùng Đa-ni-ên làm phát ngôn viên khi nhà tiên tri này rất có thể đã ngoài 90. Và sứ đồ Giăng có lẽ cũng ngoài 90 khi được soi dẫn viết sách Khải huyền.

7 Nhiều tôi tớ trung thành khác không nổi trội hoặc không được nhiều người biết đến, và họ đã có thể bị bỏ qua. Nhưng Đức Giê-hô-va để ý đến họ và ban thưởng cho lòng trung thành của họ. Chẳng hạn, người “công chính và có lòng thành kính” là Si-mê-ôn không được nhắc đến nhiều trong Kinh Thánh, nhưng Đức Giê-hô-va biết rõ ông và ban cho ông đặc ân thấy con trẻ Giê-su cũng như nói tiên tri về Chúa Giê-su và mẹ ngài (Lu 2:22, 25-35). Cũng hãy nghĩ đến nữ tiên tri góa bụa là An-na. Dù đã 84 tuổi nhưng bà “không bao giờ vắng mặt trong đền thờ”. Việc bà trung thành “tham dự nhóm họp” đã được ban thưởng dồi dào khi bà cũng được nhìn thấy con trẻ Giê-su. Cả Si-mê-ôn và An-na đều rất quý giá với Đức Giê-hô-va.—Lu 2:36-38.

Chị Didur, nay ngoài 80, tiếp tục trung thành phụng sự (Xem đoạn 8)

8, 9. Các chị góa tiếp tục mang lại sự khích lệ nào?

8 Thời nay, có nhiều anh chị lớn tuổi trung thành nêu gương xuất sắc cho chúng ta. Hãy xem kinh nghiệm của chị Lois Didur. Chị bắt đầu làm tiên phong đặc biệt ở Canada khi mới 21 tuổi. Sau đó, chị cùng chồng là anh John phụng sự nhiều năm trong công việc lưu động. Về sau, họ phụng sự ở Bê-tên Canada hơn 20 năm. Khi chị Lois 58 tuổi, vợ chồng chị được mời nhận nhiệm sở ở Ukraine. Họ sẽ làm gì đây? Liệu họ có nghĩ rằng mình đã quá lớn tuổi nên không thể phụng sự ở nước khác? Họ đã nhận nhiệm sở mới, và anh John được bổ nhiệm phụng sự trong Ủy ban Chi nhánh tại đó. Bảy năm sau, anh John qua đời. Dù vậy, chị Lois quyết định ở lại nhiệm sở. Hiện nay ở tuổi 81, chị Lois vẫn tiếp tục phụng sự hữu hiệu và là thành viên yêu dấu của gia đình Bê-tên ở Ukraine.

9 Những chị góa giống như chị Lois có lẽ không được biết đến nhiều như khi chồng của họ còn sống. Tuy nhiên, tình trạng góa chồng không khiến họ ít giá trị hơn. Đức Giê-hô-va rất quý các chị ấy, là những người đã nhiều năm ủng hộ chồng và hiện vẫn giữ tinh thần kiên định (1 Ti 5:3). Ngoài ra, họ cũng khích lệ người khác rất nhiều.

10. Anh Tony nêu gương xuất sắc nào?

10 Nhiều anh chị lớn tuổi trung thành không thể ra khỏi nhà hoặc sống trong viện dưỡng lão cũng là báu vật thiêng liêng. Chẳng hạn, một anh tên Tony hiện đang sống trong viện dưỡng lão. Anh báp-têm ở tuổi 20 tại Pennsylvania, Hoa Kỳ, vào tháng 8 năm 1942. Không lâu sau, anh đối mặt với vấn đề trung lập và cuối cùng phải ngồi tù hai năm rưỡi. Anh cùng vợ là chị Hilda đã nuôi dạy hai người con bước theo chân lý. Trong nhiều năm, anh Tony đã phụng sự trong ba hội thánh với tư cách là giám thị chủ tọa (nay được gọi là giám thị điều phối của hội đồng trưởng lão) và giám thị hội nghị vòng quanh. Anh đã điều khiển nhóm họp và các cuộc học hỏi Kinh Thánh tại một nhà tù của tiểu bang. Ở tuổi 98, anh Tony chưa muốn về hưu trong việc phụng sự. Anh tiếp tục nỗ lực hết sức để phụng sự Đức Giê-hô-va và làm việc chặt chẽ với hội thánh địa phương!

11. Làm thế nào để tỏ lòng quý trọng đối với các anh chị không thể ra khỏi nhà hoặc sống trong viện dưỡng lão?

11 Làm thế nào chúng ta cho thấy mình quý trọng các anh chị lớn tuổi không thể ra khỏi nhà hoặc sống trong viện dưỡng lão? Các trưởng lão có thể giúp họ tham gia những hoạt động của hội thánh khi có thể. Chúng ta có thể tỏ lòng quan tâm bằng cách đến thăm hoặc nói chuyện với họ qua cuộc gọi video. Chúng ta muốn đặc biệt quan tâm đến các anh chị đang sống cách xa hội thánh. Nếu không để ý, chúng ta có thể dễ quên những anh chị ấy. Một số anh chị thấy khó hoặc thấy không thích hợp để nói về bản thân. Nhưng chúng ta sẽ nhận được nhiều lợi ích nếu dành thời gian cho họ, đặt câu hỏi và lắng nghe khi họ kể về niềm vui mà họ cảm nghiệm trong tổ chức Đức Giê-hô-va.

12. Chúng ta có thể tìm thấy gì trong hội thánh mình?

12 Chúng ta có thể ngạc nhiên khi khám phá ra rằng trong hội thánh mình có những anh chị lớn tuổi nêu gương về lòng trung thành. Một chị tên Harriette đã trung thành phụng sự Đức Giê-hô-va trong nhiều thập kỷ tại hội thánh của chị ở New Jersey, Hoa Kỳ. Rồi chị chuyển đến nơi khác để sống cùng con gái. Các anh chị trong hội thánh mới đã dành thời gian để làm quen với chị, và họ tìm thấy “một kho báu”. Chị khích lệ họ bằng cách kể về công việc rao giảng khi chị mới biết chân lý vào những năm 1920. Thời đó, chị luôn mang theo bàn chải đánh răng khi đi rao giảng, phòng hờ nếu chị bị bắt. Thực tế là vào năm 1933, chị bị bắt hai lần và mỗi lần chị phải ngồi tù một tuần. Vào những lần đó, người chồng không tin đạo của chị đã hỗ trợ chị và chăm sóc cho ba người con nhỏ. Chắc chắn những anh chị lớn tuổi trung thành như chị Harriette đáng được quý trọng!

13. Chúng ta học được gì về vai trò của các anh chị lớn tuổi trong tổ chức Đức Giê-hô-va?

13 Các anh chị lớn tuổi có vai trò quan trọng trong tổ chức Đức Giê-hô-va. Họ đã thấy Đức Giê-hô-va ban phước cho tổ chức ngài và cá nhân họ qua nhiều cách. Họ cũng đã học những bài học quan trọng từ lỗi lầm của mình. Hãy xem những anh chị ấy là “nguồn của sự khôn ngoan” và học từ kinh nghiệm của họ (Châm 18:4). Nếu dành thời gian để hiểu rõ hơn về họ, đức tin của anh chị có thể được củng cố và anh chị sẽ học được nhiều điều từ họ!

HÃY NHẬN LỢI ÍCH TRỌN VẸN TỪ GƯƠNG CỦA CÁC ANH CHỊ LỚN TUỔI

Giống như Ê-li-sê đã nhận lợi ích khi ở gần Ê-li-gia, chúng ta nhận được lợi ích từ những kinh nghiệm mà các anh chị phụng sự lâu năm kể lại (Xem đoạn 14, 15)

14. Phục truyền luật lệ 32:7 khuyến khích chúng ta làm gì?

14 Hãy chủ động nói chuyện với các anh chị lớn tuổi trung thành. (Đọc Phục truyền luật lệ 32:7). Đành rằng, có lẽ mắt của họ đã mờ, bước chân của họ đã chậm và giọng nói của họ đã yếu đi, nhưng tâm hồn của họ vẫn trẻ trung, và họ đã tạo một “danh thơm” trước mắt Đức Giê-hô-va (Truyền 7:1). Hãy nhớ lý do Đức Giê-hô-va xem họ là quý giá và luôn tỏ lòng quý trọng họ. Hãy bắt chước Ê-li-sê. Ông nhất quyết không rời Ê-li-gia trong ngày cuối hai người đi cùng nhau. Ba lần Ê-li-sê nói: “Tôi sẽ không lìa khỏi ông”.—2 Vua 2:2, 4, 6.

15. Chúng ta có thể hỏi các anh chị lớn tuổi những câu hỏi nào?

15 Hãy tỏ lòng quan tâm chân thành đến những anh chị lớn tuổi bằng cách đặt câu hỏi một cách nhân từ và tử tế (Châm 1:5; 20:5; 1 Ti 5:1, 2). Chẳng hạn, chúng ta có thể hỏi họ những câu như: “Khi còn trẻ, điều gì giúp anh/chị tin chắc mình đã tìm được chân lý?”, “Những trải nghiệm trong đời sống đã giúp anh/chị đến gần Đức Giê-hô-va như thế nào?”, “Bí quyết nào giúp anh/chị giữ niềm vui trong việc phụng sự?” (1 Ti 6:6-8). Rồi hãy lắng nghe khi họ chia sẻ.

16. Việc nói chuyện với anh chị lớn tuổi mang lại lợi ích nào cho chúng ta và cho họ?

16 Khi chúng ta nói chuyện với anh chị lớn tuổi, thì cả hai đều nhận được lợi ích (Rô 1:12). Chúng ta sẽ thấy rõ hơn cách Đức Giê-hô-va chăm sóc cho các tôi tớ trung thành của ngài, và các anh chị lớn tuổi sẽ cảm thấy được quý mến. Họ sẽ vui khi kể lại việc Đức Giê-hô-va đã ban phước cho họ như thế nào.

17. Tại sao có thể nói các anh chị lớn tuổi trung thành ngày càng đẹp theo năm tháng?

17 Vẻ đẹp bề ngoài thường phai dần theo năm tháng, nhưng những ai trung thành với Đức Giê-hô-va thì ngày càng đẹp trong mắt ngài (1 Tê 1:2, 3). Tại sao? Vì qua nhiều năm tháng, họ đã để thần khí Đức Chúa Trời uốn nắn và tinh luyện họ. Càng hiểu rõ về các anh chị lớn tuổi yêu dấu, quý trọng họ và học từ họ, chúng ta sẽ càng xem họ là báu vật vô giá!

18. Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài tới?

18 Hội thánh được vững mạnh hơn không chỉ khi các anh chị trẻ quý trọng các anh chị lớn tuổi mà còn khi các anh chị lớn tuổi quý trọng các anh chị trẻ. Trong bài tới, chúng ta sẽ xem làm thế nào các anh chị lớn tuổi cho thấy họ quý trọng các anh chị trẻ trong hội thánh.

BÀI HÁT 144 Hãy đặt phần thưởng trước mặt luôn!

^ đ. 5 Các anh chị lớn tuổi trung thành giống như báu vật quý giá. Bài này khuyến khích chúng ta gia tăng lòng quý trọng đối với họ và xem làm thế nào để nhận lợi ích trọn vẹn từ sự khôn ngoan và kinh nghiệm của họ. Bài cũng sẽ trấn an các anh chị lớn tuổi rằng họ có vị trí quan trọng trong tổ chức Đức Chúa Trời.