Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 38

Hãy thắt chặt tình yêu thương với gia đình thiêng liêng

Hãy thắt chặt tình yêu thương với gia đình thiêng liêng

“Tôi sắp lên với Cha tôi và Cha anh em”.—GIĂNG 20:17.

BÀI HÁT 3 Sức mạnh, hy vọng và niềm tin cậy của chúng con

GIỚI THIỆU *

1. Những người trung thành có thể có mối quan hệ nào với Đức Giê-hô-va?

Gia đình Đức Giê-hô-va gồm những người thờ phượng ngài, trong đó có Chúa Giê-su, “là con đầu tiên trong tất cả các tạo vật”, và vô số thiên sứ (Cô 1:15; Thi 103:20). Khi sống trên đất, Chúa Giê-su cho thấy những người trung thành có thể xem Đức Giê-hô-va là Cha của mình. Có lần, khi nói với các môn đồ, ngài gọi Đức Giê-hô-va là “Cha tôi và Cha anh em” (Giăng 20:17). Khi dâng mình cho Đức Giê-hô-va và báp-têm, chúng ta trở thành một phần trong gia đình yêu thương gồm các anh chị em thiêng liêng.—Mác 10:29, 30.

2. Bài này sẽ xem xét điều gì?

2 Một số người thấy khó để xem Đức Giê-hô-va là Cha yêu thương. Số khác có lẽ không biết cách thể hiện tình yêu thương với anh em đồng đạo. Bài này cho biết Chúa Giê-su giúp chúng ta thế nào để xem Đức Giê-hô-va là Cha yêu thương, đấng mà mình có thể đến gần. Cũng hãy xem chúng ta có thể bắt chước Đức Giê-hô-va ra sao trong cách đối xử với anh em.

ĐỨC GIÊ-HÔ-VA MUỐN CHÚNG TA ĐẾN GẦN NGÀI

3. Lời cầu nguyện mẫu giúp chúng ta đến gần Đức Giê-hô-va ra sao?

3 Đức Giê-hô-va là Cha đầy lòng yêu thương. Chúa Giê-su muốn chúng ta có cùng quan điểm với ngài về Đức Giê-hô-va, đó là người cha yêu thương và dễ đến gần, chứ không phải một đấng uy quyền lạnh lùng. Điều này được thấy rõ qua những gì Chúa Giê-su dạy các môn đồ cầu nguyện. Ngài bắt đầu lời cầu nguyện mẫu bằng những lời: “Lạy Cha chúng con” (Mat 6:9). Chúa Giê-su đã có thể bảo chúng ta gọi Đức Giê-hô-va là “Đấng Toàn Năng”, “Đấng Tạo Hóa” hoặc “Vua muôn đời”, là những tước vị thích hợp và dựa trên Kinh Thánh (Sáng 49:25; Ê-sai 40:28; 1 Ti 1:17). Thay vì thế, Chúa Giê-su bảo chúng ta gọi Đức Giê-hô-va bằng từ thân mật là “Cha”.

4. Làm thế nào chúng ta biết Đức Giê-hô-va muốn chúng ta đến gần ngài?

4 Anh chị có thấy khó để xem Đức Giê-hô-va là Cha yêu thương không? Một số người trong chúng ta cảm thấy như thế. Có thể chúng ta thấy khó hình dung thế nào là một người cha yêu thương nếu bị cha mình đối xử tệ. Thật an ủi khi biết Đức Giê-hô-va hiểu thấu cảm xúc của mình! Ngài muốn có mối quan hệ mật thiết với chúng ta. Vì thế, Lời ngài khuyến giục chúng ta: “Hãy đến gần Đức Chúa Trời thì ngài sẽ đến gần anh em” (Gia 4:8). Đức Giê-hô-va yêu thương chúng ta, và ngài đảm bảo rằng ngài là Cha tốt nhất trên đời.

5. Theo Lu-ca 10:22, làm thế nào Chúa Giê-su giúp chúng ta đến gần Đức Giê-hô-va hơn?

5 Chúa Giê-su có thể giúp chúng ta đến gần hơn với Đức Giê-hô-va. Chúa Giê-su biết rõ Đức Giê-hô-va và phản ánh các phẩm chất của Cha hoàn hảo đến mức ngài nói: “Ai đã thấy tôi là đã thấy Cha” (Giăng 14:9). Như một người anh trong gia đình, Chúa Giê-su dạy chúng ta cách để tôn trọng và vâng lời Cha, tránh làm Cha buồn lòng và được Cha chấp nhận. Nhưng đời sống của Chúa Giê-su trên đất đặc biệt giúp chúng ta thấy rõ Đức Giê-hô-va là đấng đầy lòng nhân từ và yêu thương. (Đọc Lu-ca 10:22). Hãy cùng xem một số ví dụ.

Là Cha yêu thương, Đức Giê-hô-va làm vững lòng Con ngài qua một thiên sứ (Xem đoạn 6) *

6. Hãy nêu những ví dụ cho thấy Đức Giê-hô-va lắng nghe Chúa Giê-su.

6 Đức Giê-hô-va lắng nghe con cái ngài. Hãy xem Đức Giê-hô-va lắng nghe Con đầu lòng của ngài như thế nào. Chắc chắn Đức Giê-hô-va lắng nghe khi Con ngài cầu nguyện nhiều lần lúc sống ở trên đất (Lu 5:16). Ngài lắng nghe Chúa Giê-su cầu nguyện về những quyết định quan trọng, chẳng hạn như khi Chúa Giê-su chọn 12 sứ đồ (Lu 6:12, 13). Đức Giê-hô-va cũng lắng nghe khi Chúa Giê-su cầu nguyện vào những lúc căng thẳng. Ngay trước khi bị phản bội, Chúa Giê-su tha thiết cầu nguyện với Cha về thử thách cam go mà ngài sắp phải đối mặt. Đức Giê-hô-va không chỉ lắng nghe lời cầu nguyện của Chúa Giê-su mà còn phái một thiên sứ đến làm vững lòng Con yêu dấu.—Lu 22:41-44.

7. Anh chị cảm thấy thế nào khi biết Đức Giê-hô-va lắng nghe lời cầu nguyện của mình?

7 Ngày nay, Đức Giê-hô-va tiếp tục lắng nghe lời cầu nguyện của tôi tớ ngài, và ngài đáp lời họ vào đúng thời điểm và theo cách tốt nhất (Thi 116:1, 2). Hãy xem một chị ở Ấn Độ đã cảm nghiệm điều này như thế nào. Chị phải đối phó với vấn đề về cảm xúc và đã tha thiết cầu nguyện với Đức Giê-hô-va về điều đó. Chị viết: “Chương trình Kênh truyền thông JW tháng 5 năm 2019 nói về cách đương đầu với nỗi lo lắng và đó chính là điều mà tôi đang cần. Đức Giê-hô-va đã đáp lời cầu nguyện của tôi”.

8. Đức Giê-hô-va thể hiện tình yêu thương với Chúa Giê-su qua những cách nào?

8 Đức Giê-hô-va yêu thương và chăm sóc chúng ta như ngài đã yêu thương và chăm sóc Chúa Giê-su trong suốt thời gian Chúa Giê-su sống trên đất (Giăng 5:20). Ngài chăm sóc mọi nhu cầu của Chúa Giê-su về thiêng liêng, tình cảm và thể chất. Đức Giê-hô-va không ngần ngại bày tỏ tình yêu thương và sự hài lòng về Con (Mat 3:16, 17). Chúa Giê-su biết Cha yêu thương trên trời luôn ở bên nâng đỡ nên ngài không bao giờ cảm thấy đơn độc.—Giăng 8:16.

9. Điều gì cho thấy Đức Giê-hô-va yêu thương chúng ta?

9 Như Chúa Giê-su, tất cả chúng ta đều cảm nghiệm tình yêu thương của Đức Giê-hô-va qua nhiều cách. Hãy thử nghĩ: Đức Giê-hô-va đã kéo chúng ta đến với ngài và ban cho chúng ta một gia đình thiêng liêng yêu thương và hợp nhất, là gia đình giúp chúng ta hạnh phúc và khích lệ khi chúng ta nản lòng (Giăng 6:44). Đức Giê-hô-va cũng cung cấp đầy đủ thức ăn thiêng liêng bổ dưỡng. Thậm chí ngài còn giúp chúng ta có được những nhu cầu vật chất hằng ngày (Mat 6:31, 32). Khi suy ngẫm về tình yêu thương mà Đức Giê-hô-va dành cho mình, chúng ta sẽ càng yêu thương ngài hơn.

NOI GƯƠNG ĐỨC GIÊ-HÔ-VA TRONG VIỆC ĐỐI XỬ VỚI GIA ĐÌNH THIÊNG LIÊNG

10. Chúng ta học được gì từ cách Đức Giê-hô-va đối xử với anh em của chúng ta?

10 Đức Giê-hô-va yêu thương anh em của chúng ta. Nhưng có lẽ không phải lúc nào cũng dễ để chúng ta yêu thương và thể hiện tình yêu thương với họ. Suy cho cùng, chúng ta đến từ nhiều nền văn hóa và có gốc gác khác nhau. Và tất cả chúng ta đều mắc những lỗi có thể khiến người khác bức xúc và thất vọng. Dù vậy, chúng ta vẫn có thể góp phần để củng cố tình yêu thương trong gia đình thiêng liêng. Bằng cách nào? Đó là noi gương Cha trong việc thể hiện tình yêu thương với anh em đồng đạo (Ê-phê 5:1, 2; 1 Giăng 4:19). Hãy xem chúng ta học được gì từ gương của Đức Giê-hô-va.

11. Chúa Giê-su phản ánh lòng trắc ẩn của Đức Giê-hô-va như thế nào?

11 Đức Giê-hô-va thể hiện lòng trắc ẩn dịu dàng (Lu 1:78). Một người có lòng trắc ẩn sẽ cảm thấy buồn khi thấy người khác đau khổ; người ấy sẽ tìm cách để giúp đỡ và an ủi. Qua cách đối xử với người khác, Chúa Giê-su phản ánh lòng quan tâm mà Đức Giê-hô-va dành cho họ (Giăng 5:19). Dịp nọ, khi thấy đoàn dân, Chúa Giê-su “động lòng thương cảm vì họ bị hà hiếp và bỏ rơi như chiên không có người chăn” (Mat 9:36). Lòng trắc ẩn của Chúa Giê-su không chỉ là cảm xúc nồng ấm mà ngài còn thể hiện điều đó qua hành động. Ngài đã chữa lành người bệnh và giúp những người “nhọc nhằn và nặng gánh” được lại sức.—Mat 11:28-30; 14:14.

Hãy noi gương Đức Giê-hô-va bằng cách tỏ lòng trắc ẩn và rộng rãi với anh em đồng đạo (Xem đoạn 12-14) *

12. Hãy nêu ví dụ về cách chúng ta có thể tỏ lòng trắc ẩn.

12 Để thể hiện lòng trắc ẩn với anh em, chúng ta cần nghĩ đến những khó khăn họ đang phải đương đầu. Chẳng hạn, một chị đang gặp vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe. Chị không bao giờ than phiền về bệnh tình của mình, nhưng hẳn chị sẽ biết ơn nếu được ai đó giúp đỡ một cách thực tế. Có lẽ không dễ để chị chăm lo nhu cầu cho gia đình. Chúng ta có thể giúp chị bằng cách nấu ăn hoặc dọn dẹp nhà cửa không? Trường hợp khác là một anh vừa bị mất việc. Chúng ta có thể tặng anh một món tiền nhỏ, có lẽ là ẩn danh, để giúp anh cho đến khi anh tìm được công việc mới không?

13, 14. Chúng ta có thể noi gương Đức Giê-hô-va thế nào trong việc thể hiện lòng rộng rãi?

13 Đức Giê-hô-va là đấng rộng rãi (Mat 5:45). Chúng ta không nên đợi đến khi anh em nhờ mình giúp thì mới thể hiện lòng trắc ẩn. Như Đức Giê-hô-va, chúng ta có thể chủ động. Ngài làm mặt trời mọc mỗi ngày ngay cả khi chúng ta không xin! Hơi ấm mặt trời duy trì sự sống cho mọi người, chứ không chỉ cho người có lòng biết ơn. Chẳng phải anh chị đồng ý là Đức Giê-hô-va đang thể hiện tình yêu thương với chúng ta qua việc chăm sóc các nhu cầu của mình sao? Chúng ta yêu thương Đức Giê-hô-va biết bao vì ngài thật nhân từ và rộng rãi!

14 Nhiều anh chị noi gương Cha trên trời và chủ động thể hiện lòng rộng rãi. Chẳng hạn, vào năm 2013, siêu bão Haiyan đổ bộ vào Philippines và gây thiệt hại nặng nề. Nhiều anh chị mất nhà cửa và tài sản. Nhưng gia đình thiêng liêng trên khắp thế giới đã nhanh chóng hỗ trợ họ. Nhiều anh chị đóng góp tiền của hoặc tham gia đợt sửa chữa lớn, kết quả là gần 750 căn nhà được sửa hoặc xây lại trong vòng chưa đầy một năm! Trong đại dịch COVID-19, các Nhân Chứng đã nỗ lực hỗ trợ anh em. Khi nhanh chóng giúp đỡ gia đình thiêng liêng, chúng ta cho họ thấy mình yêu thương họ.

15, 16. Theo Lu-ca 6:36, một cách quan trọng để noi gương Cha trên trời là gì?

15 Đức Giê-hô-va là đấng thương xót và rộng lòng tha thứ. (Đọc Lu-ca 6:36). Mỗi ngày chúng ta đều cảm nghiệm sự thương xót của Cha trên trời (Thi 103:10-14). Môn đồ của Chúa Giê-su là những người bất toàn; dù vậy ngài vẫn thể hiện lòng thương xót với họ và rộng lượng tha thứ. Thậm chí ngài còn sẵn sàng hy sinh mạng sống để chúng ta được tha tội (1 Giăng 2:1, 2). Chẳng phải lòng thương xót và sự tha thứ của Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su thu hút anh chị đến gần hai đấng ấy sao?

16 Chúng ta thắt chặt sợi dây yêu thương trong gia đình thiêng liêng khi “rộng lòng tha thứ” (Ê-phê 4:32). Dĩ nhiên, việc tha thứ đôi khi rất khó, vì vậy chúng ta cần nỗ lực để làm thế. Một chị nhận thấy bài “Hãy sẵn lòng tha thứ nhau” trong Tháp Canh đã giúp chị làm điều đó. * Chị viết: “Bài ấy giúp tôi thay đổi quan điểm và nhìn vấn đề theo hướng tích cực hơn. Bài giải thích rằng sẵn lòng tha thứ cho người khác không có nghĩa là mình tán thành hành vi sai trái hoặc xem nhẹ hậu quả của hành vi ấy. Nhưng tha thứ có nghĩa là loại bỏ sự oán giận đối với người phạm tội và giữ bình an nội tâm”. Khi rộng lòng tha thứ cho anh em, chúng ta cho thấy mình yêu thương họ và noi gương Cha trên trời là Đức Giê-hô-va.

QUÝ TRỌNG VỊ TRÍ CỦA MÌNH TRONG GIA ĐÌNH THIÊNG LIÊNG

Cả người trẻ lẫn người lớn thể hiện lòng quan tâm với đoàn thể anh em (Xem đoạn 17) *

17. Theo Ma-thi-ơ 5:16, làm thế nào chúng ta có thể tôn vinh Cha trên trời?

17 Thật là đặc ân lớn khi được thuộc về một gia đình quốc tế đầy yêu thương! Chúng ta muốn càng nhiều người càng tốt cùng chúng ta thờ phượng Đức Chúa Trời. Ghi nhớ điều ấy, chúng ta muốn thận trọng để không bao giờ làm bất cứ điều gì bôi nhọ danh của Cha trên trời hoặc dân ngài. Chúng ta luôn cố gắng giữ hạnh kiểm tốt, nhờ thế người ta được thu hút đến với tin mừng.—Đọc Ma-thi-ơ 5:16.

18. Điều gì có thể giúp chúng ta can đảm làm chứng?

18 Đôi khi, chúng ta bị người khác chế giễu hoặc thậm chí ngược đãi vì chúng ta vâng lời Cha trên trời. Nói sao nếu chúng ta cảm thấy sợ khi nói với người khác về niềm tin của mình? Chúng ta có thể tin chắc là Đức Giê-hô-va và Con ngài sẽ giúp đỡ chúng ta. Chúa Giê-su trấn an các môn đồ rằng họ không cần lo phải nói gì hay nói như thế nào. Tại sao? Ngài giải thích: “Những điều anh em phải nói sẽ được mách bảo vào lúc đó. Thật vậy, không phải tự anh em nói, mà nhờ thần khí của Cha trên trời giúp anh em”.—Mat 10:19, 20.

19. Hãy nêu một ví dụ về việc can đảm làm chứng.

19 Hãy xem kinh nghiệm của anh Robert. Lúc mới tìm hiểu Kinh Thánh và chưa có nhiều sự hiểu biết, anh phải đứng trước một tòa án quân sự ở Nam Phi. Anh can đảm giải thích trước tòa là anh muốn giữ trung lập vì yêu mến anh em đồng đạo. Anh quý trọng vị trí của mình trong gia đình thiêng liêng! Bất ngờ thẩm phán hỏi anh: “Anh em của anh là ai?”. Anh Robert không nghĩ là thẩm phán sẽ hỏi câu hỏi đó, nhưng ngay lập tức anh nhớ đến câu Kinh Thánh của ngày hôm ấy. Đó là Ma-thi-ơ 12:50: “Ai làm theo ý muốn Cha tôi ở trên trời thì người ấy là anh em, chị em và mẹ tôi”. Dù anh Robert chỉ là học viên mới, thần khí của Đức Giê-hô-va đã giúp anh trả lời câu hỏi ấy và một số câu hỏi bất ngờ khác. Hẳn Đức Giê-hô-va rất hãnh diện về anh! Đức Giê-hô-va cũng hãnh diện về chúng ta khi chúng ta nương cậy nơi ngài để can đảm làm chứng trong những tình huống khó khăn.

20. Chúng ta nên quyết tâm làm gì? (Giăng 17:11, 15)

20 Mong sao chúng ta tiếp tục quý trọng ân phước được thuộc về một gia đình thiêng liêng đầy yêu thương. Chúng ta có Cha tốt nhất và nhiều anh em đồng đạo quan tâm đến mình. Chúng ta không bao giờ muốn xem nhẹ điều đó. Sa-tan và những kẻ ác theo hắn cố khiến chúng ta nghi ngờ tình yêu thương của Cha trên trời và tìm cách phá vỡ sự hợp nhất mà chúng ta có. Tuy nhiên, Chúa Giê-su đã cầu nguyện cho chúng ta, xin Cha gìn giữ chúng ta để gia đình thiêng liêng luôn hợp nhất. (Đọc Giăng 17:11, 15). Đức Giê-hô-va đang đáp lại lời cầu nguyện ấy. Như Chúa Giê-su, mong sao chúng ta không bao giờ nghi ngờ tình yêu thương và sự hỗ trợ của Cha trên trời. Hãy quyết tâm thắt chặt tình yêu thương với gia đình thiêng liêng của chúng ta.

BÀI HÁT 99 Hằng hà sa số anh em

^ đ. 5 Chúng ta có đặc ân vô cùng quý giá là được thuộc về một gia đình yêu thương gồm các anh chị em thiêng liêng. Tất cả chúng ta muốn thắt chặt sợi dây yêu thương trong vòng anh em. Chúng ta làm thế bằng cách nào? Đó là bắt chước cách mà Cha yêu thương đối xử với chúng ta và noi theo gương của Chúa Giê-su cũng như anh em đồng đạo.

^ đ. 57 HÌNH ẢNH: Đức Giê-hô-va phái một thiên sứ đến làm vững lòng Chúa Giê-su trong vườn Ghết-sê-ma-nê.

^ đ. 59 HÌNH ẢNH: Trong đại dịch COVID-19, nhiều anh chị bỏ công sức để chuẩn bị và phân phát thực phẩm.

^ đ. 61 HÌNH ẢNH: Một người mẹ giúp con gái viết thư để khích lệ một anh trong tù.