Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 40

Thế nào là ăn năn thật?

Thế nào là ăn năn thật?

“Tôi đến... để kêu gọi người tội lỗi ăn năn”.—LU 5:32.

BÀI HÁT 36 Hãy bảo vệ lòng mình

GIỚI THIỆU *

1, 2. Có sự khác biệt nào giữa hai vị vua, và chúng ta sẽ xem xét những câu hỏi nào?

Hãy cùng xem xét về hai vị vua sống vào thời xưa. Một vua cai trị vương quốc Y-sơ-ra-ên gồm mười chi phái, và một vua cai trị vương quốc Giu-đa gồm hai chi phái. Dù sống vào những thời điểm khác nhau nhưng họ có nhiều điểm chung. Cả hai vua đều chống lại Đức Giê-hô-va và khiến dân ngài bại hoại. Cả hai đều phạm tội thờ thần tượng và giết người. Tuy nhiên, có sự khác biệt giữa hai vua này. Một người thì theo đường lối gian ác đến hết cuộc đời, còn một người thì ăn năn và được tha thứ những tội khủng khiếp mình đã phạm. Họ là ai?

2 Họ là A-háp, vua Y-sơ-ra-ên, và Ma-na-se, vua Giu-đa. Sự khác biệt giữa hai vua này có thể dạy chúng ta nhiều điều về một đề tài rất quan trọng, đó là ăn năn (Công 17:30; Rô 3:23). Ăn năn là gì và được thể hiện qua cách nào? Chúng ta cần biết điều này vì mình muốn được Đức Giê-hô-va tha thứ khi phạm tội. Để tìm lời giải đáp cho những câu hỏi đó, hãy xem đời sống của hai vua này và chúng ta rút ra bài học nào từ trường hợp của họ. Cũng hãy xem Chúa Giê-su dạy gì về sự ăn năn.

CHÚNG TA HỌC ĐƯỢC GÌ TỪ TRƯỜNG HỢP CỦA VUA A-HÁP?

3. A-háp là vua như thế nào?

3 A-háp là vua thứ bảy của vương quốc Y-sơ-ra-ên gồm mười chi phái. Ông kết hôn với Giê-xa-bên, con gái vua Si-đôn, một quốc gia phồn thịnh ở phía bắc. Cuộc hôn nhân đó có lẽ mang lại sự phồn thịnh cho nước Y-sơ-ra-ên, nhưng nó cũng khiến cho mối quan hệ của nước này với Đức Giê-hô-va ngày càng tệ hơn. Giê-xa-bên thờ thần Ba-anh và bà xúi giục A-háp đẩy mạnh tôn giáo ghê tởm ấy, bao gồm việc mại dâm nơi đền thờ và thậm chí dâng trẻ em làm vật tế lễ. Khi Giê-xa-bên làm hoàng hậu, mọi nhà tiên tri của Đức Giê-hô-va bị rơi vào tình thế nguy hiểm. Bà đã giết nhiều người trong số họ (1 Vua 18:13). Còn A-háp, trong mắt Đức Giê-hô-va, ông thậm chí “gian ác hơn hết thảy những kẻ đi trước” (1 Vua 16:30). Đức Giê-hô-va không làm ngơ trước hành động của A-háp và Giê-xa-bên. Ngài biết rõ những điều họ làm. Nhưng là đấng thương xót, Đức Giê-hô-va đã phái nhà tiên tri Ê-li-gia đến cảnh báo dân ngài thay đổi đường lối trước khi quá muộn. Dù vậy, A-háp và Giê-xa-bên không chịu nghe.

4. Bản án nào dành cho A-háp, và ông phản ứng ra sao?

4 Cuối cùng, Đức Giê-hô-va không kiên nhẫn thêm nữa. Ngài phái Ê-li-gia đến tuyên án A-háp và Giê-xa-bên, đó là cả dòng tộc của họ sẽ bị tận diệt. Những lời này giống như một đòn giáng trên A-háp! Thật ngạc nhiên là người đàn ông kiêu ngạo này “hạ mình xuống”.—1 Vua 21:19-29.

Việc vua A-háp tống giam nhà tiên tri của Đức Chúa Trời cho thấy ông không thật lòng ăn năn (Xem đoạn 5, 6) *

5, 6. Điều gì cho thấy A-háp không thật sự ăn năn?

5 Dù A-háp hạ mình xuống vào dịp ấy, nhưng những hành động của ông sau đó cho thấy ông không thật sự ăn năn. Ông đã không nỗ lực loại bỏ sự thờ phượng Ba-anh khỏi vương quốc và không đẩy mạnh sự thờ phượng Đức Giê-hô-va. A-háp còn cho thấy ông không thật sự ăn năn qua những cách khác.

6 Sau này, khi A-háp mời vị vua tốt là Giê-hô-sa-phát của Giu-đa cùng ông tranh chiến với Sy-ri, Giê-hô-sa-phát đề nghị rằng trước hết nên cầu vấn nhà tiên tri của Đức Giê-hô-va. Thoạt đầu, A-háp bác bỏ ý kiến đó bằng cách nói: “Vẫn còn một người để chúng ta cầu hỏi Đức Giê-hô-va; nhưng tôi ghét ông ta, vì ông ta không bao giờ tiên tri điều gì tốt về tôi, chỉ toàn điều xấu”. Dù vậy, họ đã cầu vấn nhà tiên tri Mi-ca-gia. Đúng như A-háp nói, người của Đức Chúa Trời đã tiên tri điều xấu cho ông! Thay vì ăn năn và tìm kiếm sự tha thứ của Đức Giê-hô-va, vua gian ác A-háp tống giam nhà tiên tri (1 Vua 22:7-9, 23, 27). Dù vua có thể bỏ tù nhà tiên tri của Đức Giê-hô-va nhưng ông không thể ngăn cản lời tiên tri được ứng nghiệm. Trong cuộc chiến sau đó, A-háp bị giết.—1 Vua 22:34-38.

7. Đức Giê-hô-va miêu tả thế nào về A-háp sau khi ông chết?

7 Sau khi A-háp chết, Đức Giê-hô-va cho thấy quan điểm của ngài về ông. Khi vua tốt là Giê-hô-sa-phát trở về bình yên, Đức Giê-hô-va phái nhà tiên tri Giê-hu đến quở trách ông vì đã bắt tay với A-háp. Giê-hu nói: “Vua có nên giúp kẻ ác và yêu những kẻ ghét Đức Giê-hô-va chăng?” (2 Sử 19:1, 2). Hãy thử nghĩ: Nếu A-háp thật lòng ăn năn, chắc chắn nhà tiên tri đã không miêu tả ông là người gian ác ghét Đức Giê-hô-va. Rõ ràng, dù hối hận phần nào nhưng A-háp không thật lòng ăn năn.

8. Chúng ta học được gì về sự ăn năn từ trường hợp của A-háp?

8 Chúng ta học được gì từ trường hợp của A-háp? Khi nghe Ê-li-gia tuyên bố án phạt trên dòng tộc mình, lúc đầu A-háp đã hạ mình xuống. Đó là một khởi đầu tốt. Nhưng về sau, những hành động của ông cho thấy ông không thật lòng ăn năn. Vậy, sự ăn năn phải bao hàm nhiều hơn là thể hiện sự đau buồn nhất thời. Hãy cùng xem một trường hợp khác sẽ giúp chúng ta hiểu ăn năn thật bao hàm điều gì.

CHÚNG TA HỌC ĐƯỢC GÌ TỪ TRƯỜNG HỢP CỦA VUA MA-NA-SE?

9. Ma-na-se là vua như thế nào?

9 Khoảng hai thế kỷ sau, Ma-na-se trở thành vua của Giu-đa. Có lẽ ông còn tồi tệ hơn cả A-háp! Kinh Thánh nói: “Ông làm điều ác thái quá trong mắt Đức Giê-hô-va mà xúc phạm ngài” (2 Sử 33:1-9). Ma-na-se dựng bàn thờ cho các thần giả, thậm chí còn đặt tượng chạm của cột thờ, rất có thể là biểu tượng của việc thờ tình dục, ngay trong đền thánh của Đức Giê-hô-va! Ông thực hành phép thuật, xem bói và phù phép. Ông cũng “làm đổ rất nhiều máu vô tội”. Ông giết nhiều người, thậm chí “dâng con trai mình qua lửa” làm vật tế lễ cho các thần giả.—2 Vua 21:6, 7, 10, 11, 16.

10. Đức Giê-hô-va sửa trị Ma-na-se như thế nào, và vị vua này phản ứng ra sao?

10 Giống như A-háp, Ma-na-se đã ương ngạnh lờ đi lời cảnh báo mà Đức Giê-hô-va phán với ông qua các nhà tiên tri. Cuối cùng, “Đức Giê-hô-va khiến các tướng quân đội của vua A-si-ri đến đánh [Giu-đa], bắt Ma-na-se bằng móc, dùng hai cái xiềng bằng đồng xích ông lại rồi dẫn qua Ba-by-lôn”. Trong thời gian bị giam ở đó, dường như Ma-na-se đã suy nghĩ một cách nghiêm túc. Ông “tiếp tục hạ mình xuống hết mức trước mặt Đức Chúa Trời của tổ phụ mình”. Thậm chí, ông còn làm nhiều hơn thế. “Ông nài xin Giê-hô-va Đức Chúa Trời mình ban ơn”. Thực tế, Ma-na-se “cứ cầu nguyện với ngài”. Người đàn ông gian ác đó đã thay đổi. Ông bắt đầu xem Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời mình và kiên trì cầu nguyện với ngài.—2 Sử 33:10-13.

Việc vua Ma-na-se chống lại sự thờ phượng sai lầm cho thấy ông thật lòng ăn năn (Xem đoạn 11) *

11. Theo 2 Sử ký 33:15, 16, làm thế nào Ma-na-se cho thấy ông thật lòng ăn năn?

11 Với thời gian, Đức Giê-hô-va đáp lại những lời cầu nguyện của Ma-na-se. Ngài thấy sự thay đổi trong lòng ông như được phản ánh qua những lời ông cầu nguyện. Đức Giê-hô-va động lòng trước lời nài xin của Ma-na-se và khôi phục vương quyền cho ông. Ma-na-se nỗ lực hết sức để cho thấy ông thật lòng ăn năn. Ông đã làm điều mà A-háp không bao giờ làm. Ông thay đổi lối sống và tích cực chống lại sự thờ phượng sai lầm cũng như đẩy mạnh sự thờ phượng thật. (Đọc 2 Sử ký 33:15, 16). Chắc chắn, điều này đòi hỏi sự can đảm và đức tin vì Ma-na-se từng ảnh hưởng xấu đến gia đình, các bậc quyền quý và thần dân trong nhiều thập kỷ. Nhưng giờ đây, vào những năm cuối đời, Ma-na-se cố gắng để sửa chữa những điều xấu mà ông gây ra. Rất có thể, ông ảnh hưởng tốt đến cháu nội là Giô-si-a, người sau này trở thành một vị vua rất tốt.—2 Vua 22:1, 2.

12. Chúng ta học được gì về sự ăn năn từ trường hợp của Ma-na-se?

12 Chúng ta học được gì từ trường hợp của Ma-na-se? Ông không những hạ mình xuống mà còn làm nhiều hơn thế. Ông cầu nguyện, nài xin sự thương xót và thay đổi lối sống. Ông cố gắng hết sức để sửa đổi những thiệt hại mà mình gây ra, nỗ lực thờ phượng Đức Giê-hô-va và giúp người khác làm thế. Trường hợp của Ma-na-se mang lại hy vọng cho ngay cả những người phạm tội nghiêm trọng nhất. Qua trường hợp của ông, chúng ta thấy bằng chứng rõ ràng là Đức Giê-hô-va “thật tốt, sẵn lòng thứ tha” (Thi 86:5). Những người thật lòng ăn năn có thể được tha thứ.

13. Minh họa nào cho thấy bài học thiết yếu về sự ăn năn?

13 Ma-na-se đã làm nhiều hơn là chỉ cảm thấy hối hận về tội lỗi của mình. Điều này dạy chúng ta một bài học thiết yếu về sự ăn năn. Hãy xem minh họa sau: Giả sử anh chị đến một cửa hàng để mua bánh. Thay vì đưa bánh, nhân viên cửa hàng đưa quả trứng cho anh chị. Anh chị có thỏa mãn không? Dĩ nhiên là không! Nhưng có giúp ích nếu nhân viên giải thích rằng trứng là một nguyên liệu quan trọng trong bánh? Một lần nữa, chắc chắn là không! Tương tự, Đức Giê-hô-va đòi hỏi người phạm tội ăn năn. Nếu người phạm tội cảm thấy hối hận về tội mình đã phạm thì điều đó là tốt. Cảm xúc như thế là một “nguyên liệu” quan trọng của sự ăn năn, nhưng đó chưa phải là tất cả. Còn cần điều gì khác? Chúng ta học được nhiều điều từ ngụ ngôn cảm động mà Chúa Giê-su kể lại.

NHẬN BIẾT SỰ ĂN NĂN THẬT

Sau khi người con lầm lạc tỉnh ngộ, anh vượt chặng đường dài để trở về nhà (Xem đoạn 14, 15) *

14. Trong ngụ ngôn của Chúa Giê-su, người con lầm lạc thể hiện những dấu hiệu đầu tiên của sự ăn năn qua cách nào?

14 Chúa Giê-su kể một câu chuyện ấm lòng về người con lầm lạc nơi Lu-ca 15:11-32. Người con ấy nghịch lại cha, bỏ nhà và đi đến “một xứ xa”. Ở đó, anh ta rơi vào lối sống vô luân, trụy lạc. Nhưng khi đời sống trở nên khó khăn, anh bắt đầu suy nghĩ một cách nghiêm túc. Anh ta nhận ra ở nhà cha thật tốt hơn biết bao. Chúa Giê-su nói rằng anh ta “tỉnh ngộ”. Anh quyết tâm trở về và xin cha tha thứ. Việc người con nhận ra mình sai trái đến mức nào là điều rất quan trọng. Nhưng điều đó có đủ không? Không. Anh ta phải hành động!

15. Người con lầm lạc trong ngụ ngôn của Chúa Giê-su cho thấy anh thật lòng ăn năn như thế nào?

15 Người con lầm lạc cho thấy anh thật lòng ăn năn qua những gì anh làm. Anh vượt một chặng đường xa để trở về. Khi gặp cha, anh nói: “Con có tội với trời và với cha. Con không đáng được gọi là con của cha nữa” (Lu 15:21). Lời thú tội thật lòng của anh cho thấy anh muốn hàn gắn mối quan hệ với Đức Giê-hô-va. Anh cũng nhận ra rằng hành động của mình khiến cha rất đau lòng. Và anh sẵn sàng làm hết mình để có lại ân huệ của cha, thậm chí chịu bị đối xử như một người làm thuê cho cha! (Lu 15:19). Ngụ ngôn này không chỉ là câu chuyện ấm lòng. Những nguyên tắc trong đó cũng giúp các trưởng lão khi cố gắng xác định người phạm tội trọng có thật lòng ăn năn hay không.

16. Tại sao không dễ để các trưởng lão xác định một người có thật lòng ăn năn hay không?

16 Không dễ để các trưởng lão xác định người phạm tội trọng có thật lòng ăn năn hay không. Tại sao? Các trưởng lão không thể đọc được lòng, vì thế họ phải dựa vào những bằng chứng bề ngoài cho thấy người phạm tội ghét điều mình đã làm. Trong một số trường hợp, một người phạm tội trắng trợn đến mức các trưởng lão xử lý vụ việc khó tin rằng người ấy thật lòng ăn năn.

17. (a) Ví dụ nào cho thấy một người có lẽ không thật sự ăn năn dù tỏ ra hối lỗi? (b) Theo 2 Cô-rinh-tô 7:11, một người thật lòng ăn năn cần làm gì?

17 Hãy xem một ví dụ. Một anh phạm tội ngoại tình trong nhiều năm. Thay vì tìm kiếm sự giúp đỡ, anh che giấu vợ, bạn bè và các trưởng lão hành vi vô luân của mình. Cuối cùng, anh bị phát hiện. Khi đối diện với những bằng chứng, anh thừa nhận điều mình đã làm và tỏ ra rất hối lỗi. Điều đó có đủ không? Chắc chắn, các trưởng lão xử lý vụ việc như thế cần thấy nhiều hơn là chỉ nỗi buồn rầu. Anh ấy không phải nhất thời quyết định sai và phạm tội, mà đã đi theo đường lối gian ác trong nhiều năm. Anh không tự thú tội nhưng bị phát hiện. Vì thế, các trưởng lão cần thấy những bằng chứng cho thấy người phạm tội thật lòng thay đổi suy nghĩ, cảm xúc và hạnh kiểm. (Đọc 2 Cô-rinh-tô 7:11). Có lẽ cần nhiều thời gian để người ấy thực hiện những thay đổi cần thiết. Rất có thể người ấy sẽ bị khai trừ khỏi hội thánh trong một thời gian.—1 Cô 5:11-13; 6:9, 10.

18. Làm thế nào người bị khai trừ cho thấy mình thật lòng ăn năn, và kết quả là gì?

18 Để cho thấy mình thật lòng ăn năn, người bị khai trừ cần tham dự nhóm họp đều đặn và làm theo lời khuyên của trưởng lão là thường xuyên cầu nguyện và học hỏi. Người ấy cũng cần tránh những tình huống dẫn đến việc phạm tội. Nếu nỗ lực hàn gắn mối quan hệ với Đức Giê-hô-va, người ấy có thể tin chắc ngài sẽ hoàn toàn tha thứ và các trưởng lão sẽ giúp người ấy được nhận lại vào hội thánh. Dĩ nhiên, khi xử lý một trường hợp phạm tội, các trưởng lão sẽ đánh giá mỗi trường hợp theo hoàn cảnh riêng và họ tránh xét xử hà khắc.

19. Ăn năn thật bao hàm điều gì? (Ê-xê-chi-ên 33:14-16)

19 Như chúng ta vừa xem xét, ăn năn thật bao hàm nhiều hơn là nói rằng mình rất hối hận vì đã đi theo đường lối sai trái. Một người cũng phải thay đổi lòng và trí cũng như làm những điều cho thấy mình ăn năn. Điều này bao hàm từ bỏ đường lối sai trái và trở lại bước theo đường lối Đức Giê-hô-va. (Đọc Ê-xê-chi-ên 33:14-16). Mối quan tâm chính của người phạm tội phải là hàn gắn mối quan hệ với Đức Giê-hô-va.

KÊU GỌI NGƯỜI TỘI LỖI ĂN NĂN

20, 21. Chúng ta có thể làm gì để giúp một người đã phạm tội trọng?

20 Chúa Giê-su tóm lược một khía cạnh quan trọng trong thánh chức của ngài khi nói: “Tôi đến... để kêu gọi người tội lỗi ăn năn” (Lu 5:32). Chúng ta cũng nên có ước muốn như thế. Vậy, nếu biết một người bạn thân phạm tội trọng, chúng ta nên làm gì?

21 Nếu cố che giấu tội của bạn mình thì điều đó chỉ gây hại cho người ấy. Những nỗ lực như thế sẽ không bao giờ thành công vì Đức Giê-hô-va đang quan sát (Châm 5:21, 22; 28:13). Anh chị có thể giúp bạn mình bằng cách nhắc người ấy nhớ rằng các trưởng lão muốn giúp họ. Nếu người bạn không chịu thú tội với trưởng lão, anh chị nên cho trưởng lão biết vấn đề. Điều đó cho thấy anh chị thật lòng muốn giúp người ấy. Mối quan hệ của người ấy với Đức Giê-hô-va đang bị lâm nguy!

22. Chúng ta sẽ thảo luận điều gì trong bài tới?

22 Nhưng nói sao nếu một người dấn thân vào con đường tội lỗi quá sâu và trong thời gian dài đến mức các trưởng lão quyết định khai trừ người ấy? Phải chăng điều này có nghĩa là họ đối xử không thương xót với người ấy? Trong bài tới, chúng ta sẽ xem kỹ hơn cách sửa trị thương xót của Đức Giê-hô-va đối với người phạm tội và làm thế nào chúng ta có thể bắt chước.

BÀI HÁT 103 Những anh chăn bầy—Món quà từ Đức Chúa Trời

^ đ. 5 Ăn năn thật bao hàm nhiều hơn là chỉ nói rằng tôi rất hối hận về tội mình đã phạm. Bài này sẽ giúp chúng ta hiểu thế nào là ăn năn thật qua trường hợp của vua A-háp, vua Ma-na-se và người con lầm lạc trong ngụ ngôn của Chúa Giê-su. Bài cũng sẽ thảo luận những yếu tố mà các trưởng lão cần xem xét khi đánh giá một người phạm tội trọng có thật sự ăn năn hay không.

^ đ. 60 HÌNH ẢNH: Vua A-háp tức giận lệnh cho binh lính bỏ tù nhà tiên tri của Đức Giê-hô-va là Mi-ca-gia.

^ đ. 62 HÌNH ẢNH: Vua Ma-na-se lệnh cho các thuộc hạ đập bỏ các hình tượng mà ông đặt trong đền thờ.

^ đ. 64 HÌNH ẢNH: Người con lầm lạc mệt mỏi sau một cuộc hành trình dài; anh nhẹ nhõm khi nhìn thấy nhà mình từ đằng xa.