Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 43

Đừng bỏ cuộc!

Đừng bỏ cuộc!

“Chúng ta chớ bỏ cuộc trong việc làm điều lành”.—GA 6:9.

BÀI HÁT 68 Gieo hạt giống Nước Trời

GIỚI THIỆU *

1. Tại sao chúng ta vui mừng và hãnh diện khi là Nhân Chứng Giê-hô-va?

Thật vui mừng và hãnh diện khi là Nhân Chứng Giê-hô-va! Chúng ta mang danh Đức Chúa Trời và cho thấy mình là Nhân Chứng của ngài bằng cách rao giảng và đào tạo môn đồ. Chúng ta vui mừng khi giúp một người “có lòng ngay thẳng để hưởng sự sống vĩnh cửu” trở thành môn đồ (Công 13:48). Chúng ta có cùng cảm xúc với Chúa Giê-su; ngài “vui mừng khôn xiết bởi thần khí thánh” khi các môn đồ trở về sau chuyến rao giảng thành công.—Lu 10:1, 17, 21.

2. Làm thế nào chúng ta cho thấy mình rất xem trọng thánh chức?

2 Chúng ta rất xem trọng thánh chức của mình. Sứ đồ Phao-lô khuyến giục Ti-mô-thê: “Hãy luôn để ý chính mình con cùng sự dạy dỗ của con”. Phao-lô nói thêm: “Làm như vậy thì con sẽ cứu được chính mình con và những người lắng nghe con” (1 Ti 4:16). Thế nên, đây là vấn đề sinh tử. Chúng ta muốn luôn để ý chính mình vì chúng ta là thần dân của Nước Trời. Chúng ta muốn hành động sao cho mang lại sự ngợi khen cho Đức Giê-hô-va và phù hợp với tin mừng mà chúng ta rao truyền (Phi-líp 1:27). Chúng ta cho thấy mình ‘để ý sự dạy dỗ của mình’ bằng cách chuẩn bị kỹ cho thánh chức và xin Đức Giê-hô-va giúp đỡ trước khi làm chứng cho người khác.

3. Có phải mọi người đều hưởng ứng thông điệp Nước Trời không? Hãy nêu ví dụ.

3 Ngay cả khi chúng ta nỗ lực hết sức, có lẽ chỉ có ít người hoặc không có ai trong khu vực hưởng ứng thông điệp Nước Trời. Hãy xem kinh nghiệm của anh Georg Lindal. Anh rao giảng một mình trong khắp Iceland từ năm 1929 đến năm 1947. Anh đã mời nhận hàng chục ngàn ấn phẩm nhưng không một ai chấp nhận chân lý. Anh viết: “Một số người có vẻ như chống lại chân lý, còn phần lớn người ta vẫn thờ ơ”. Ngay cả sau khi các giáo sĩ tốt nghiệp Trường Ga-la-át đến và mở rộng công việc, thì chín năm sau mới có người Iceland dâng mình cho Đức Giê-hô-va và báp-têm. *

4. Có lẽ chúng ta cảm thấy thế nào khi người ta không hưởng ứng tin mừng?

4 Chúng ta thất vọng khi người ta không hưởng ứng thông điệp Nước Trời. Có lẽ chúng ta cảm thấy như Phao-lô; ông “vô cùng sầu não và đau đớn khôn nguôi” khi người Do Thái nói chung không chấp nhận Chúa Giê-su là Đấng Mê-si được hứa trước (Rô 9:1-3). Nói sao nếu anh chị đã nỗ lực giúp đỡ và cầu nguyện cho học viên, nhưng người ấy vẫn không tiến bộ và anh chị phải ngừng cuộc học hỏi? Hoặc nói sao nếu anh chị chưa bao giờ trực tiếp giúp một người tiến bộ đến bước báp-têm? Anh chị có nên mặc cảm và nghĩ rằng Đức Giê-hô-va không ban phước cho thánh chức của mình? Bài này sẽ giải đáp hai câu hỏi: (1) Điều gì làm cho thánh chức của chúng ta thành công? (2) Chúng ta nên có những mong đợi thực tế nào?

ĐIỀU GÌ LÀM CHO THÁNH CHỨC CỦA CHÚNG TA THÀNH CÔNG?

5. Tại sao công việc chúng ta làm cho Đức Giê-hô-va không luôn đạt kết quả như mình mong muốn?

5 Kinh Thánh nói về người làm theo ý muốn Đức Chúa Trời: “Mọi việc người làm đều sẽ thành công” (Thi 1:3). Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là mọi việc chúng ta làm cho Đức Giê-hô-va sẽ có kết quả như mình mong muốn. Đời sống “đầy dẫy ưu phiền” vì chúng ta bất toàn và sống trong một thế gian bất toàn (Gióp 14:1). Ngoài ra, đôi khi những người chống đối ngăn cản chúng ta rao giảng công khai (1 Cô 16:9; 1 Tê 2:18). Vậy Đức Giê-hô-va đánh giá sự thành công của chúng ta dựa trên điều gì? Hãy xem vài nguyên tắc Kinh Thánh giúp giải đáp câu hỏi này.

Đức Giê-hô-va quý trọng nỗ lực của chúng ta dù chúng ta rao giảng trực tiếp, qua thư từ hoặc qua điện thoại (Xem đoạn 6)

6. Đức Giê-hô-va dựa trên điều gì để đánh giá sự thành công của công việc chúng ta làm cho ngài?

6 Đức Giê-hô-va để ý đến nỗ lực và sự chịu đựng của chúng ta. Trong mắt Đức Giê-hô-va, công việc chúng ta làm cho ngài được xem là thành công khi chúng ta làm một cách siêng năng và bằng tình yêu thương, bất kể người ta phản ứng thế nào. Phao-lô viết: “Đức Chúa Trời chẳng phải là không công chính mà quên công việc tình yêu thương anh em đã thể hiện đối với danh ngài, bằng cách phục vụ và tiếp tục phục vụ những người thánh” (Hê 6:10). Đức Giê-hô-va nhớ những nỗ lực và tình yêu thương của chúng ta, ngay cả khi những nỗ lực ấy không mang lại kết quả. Vì thế, những lời mà Phao-lô viết cho các tín đồ ở Cô-rinh-tô cũng áp dụng cho anh chị: “Công sức của anh em trong việc phụng sự Chúa chẳng phải là vô ích”, dù công sức ấy có mang lại kết quả như mình mong muốn hay không.—1 Cô 15:58.

7. Chúng ta học được gì từ điều sứ đồ Phao-lô nói về thánh chức của ông?

7 Sứ đồ Phao-lô là một giáo sĩ xuất sắc; ông thành lập hội thánh mới ở nhiều thành. Tuy nhiên, khi thấy cần bênh vực cho việc mình hội đủ điều kiện để làm người phục vụ Đấng Ki-tô, Phao-lô không nói tới số người mà ông đã giúp trở thành môn đồ. Thay vì thế, ông viết: “Tôi làm nhiều việc hơn” (2 Cô 11:23). Như Phao-lô, hãy nhớ rằng nỗ lực và sự chịu đựng là những điều Đức Giê-hô-va quý nhất.

8. Chúng ta nên nhớ điều gì về thánh chức của mình?

8 Thánh chức của chúng ta làm vui lòng Đức Giê-hô-va. Chúa Giê-su phái 70 môn đồ đi rao giảng thông điệp Nước Trời, và sau khi kết thúc chuyến rao giảng, họ “trở về trong niềm vui mừng”. Điều gì khiến họ vui mừng? Họ nói: “Ngay cả các quỷ cũng phải quy phục khi chúng tôi dùng danh Chúa”. Tuy nhiên, Chúa Giê-su điều chỉnh suy nghĩ của họ khi ngài nói: “Đừng vui mừng vì các ác thần quy phục anh em, nhưng hãy vui mừng vì tên của anh em đã được ghi ở trên trời” (Lu 10:17-20). Chúa Giê-su biết rằng không phải lúc nào họ cũng có những kinh nghiệm tuyệt vời như thế trong thánh chức. Thực tế, chúng ta không biết có bao nhiêu người trở thành tín đồ đạo Đấng Ki-tô sau khi nghe các môn đồ giảng vào dịp đó. Các môn đồ cần tìm niềm vui không chỉ qua thành quả họ đạt được mà qua điều quan trọng hơn, đó là biết rằng Đức Giê-hô-va hài lòng về nỗ lực của họ.

9. Theo Ga-la-ti 6:7-9, kết quả là gì nếu chúng ta chịu đựng trong thánh chức?

9 Nếu chịu đựng trong thánh chức, chúng ta sẽ nhận sự sống vĩnh cửu. Khi hết lòng gieo và tưới hạt giống Nước Trời, chúng ta cũng “gieo theo thần khí” vì đang để thần khí hoạt động trong đời sống mình. Nếu chúng ta không “bỏ cuộc” hoặc “thoái chí nản lòng”, Đức Giê-hô-va đảm bảo rằng chúng ta sẽ gặt sự sống vĩnh cửu, dù chúng ta giúp được ai dâng mình cho ngài hay không.—Đọc Ga-la-ti 6:7-9.

CHÚNG TA NÊN CÓ NHỮNG MONG ĐỢI THỰC TẾ NÀO?

10. Phản ứng của người ta trước thông điệp Nước Trời phụ thuộc vào điều gì?

10 Phản ứng của người ta phụ thuộc chủ yếu vào tình trạng lòng của họ. Chúa Giê-su giải thích sự thật này trong minh họa về người gieo giống. Ông gieo hạt trên những loại đất khác nhau nhưng chỉ một loại đất sinh hoa kết quả (Lu 8:5-8). Chúa Giê-su nói rằng những loại đất ấy tượng trưng cho lòng người ta có những phản ứng khác nhau khi nghe “lời Đức Chúa Trời” (Lu 8:11-15). Như người gieo giống, chúng ta không thể kiểm soát kết quả của công việc mình làm, vì điều đó phụ thuộc vào tình trạng lòng của người nghe. Trách nhiệm của chúng ta là tiếp tục gieo hạt giống Nước Trời. Như sứ đồ Phao-lô nói, “mỗi người sẽ nhận phần thưởng theo công việc mình”, chứ không phải theo kết quả của công việc đó.—1 Cô 3:8.

Nô-ê trung thành rao giảng trong nhiều năm, nhưng không có ai vào tàu cùng ông, ngoại trừ vợ con ông. Dù vậy, Nô-ê thành công vì vâng lời Đức Chúa Trời! (Xem đoạn 11)

11. Tại sao Nô-ê là người rao giảng thành công? (Xem hình nơi trang bìa).

11 Các tôi tớ thời xưa của Đức Giê-hô-va đương đầu với việc người ta không hưởng ứng trước thông điệp mà họ rao giảng. Chẳng hạn, Nô-ê là “người rao giảng sự công chính” rất có thể trong nhiều thập kỷ (2 Phi 2:5). Chắc hẳn, ông hy vọng rằng người ta sẽ hưởng ứng công việc rao giảng của mình, nhưng Đức Giê-hô-va không nói điều đó sẽ xảy ra. Thay vì thế, khi chỉ dẫn Nô-ê đóng tàu, ngài nói: “Con phải vào tàu, cả con và các con trai, vợ con và các con dâu” (Sáng 6:18). Khi xem xét kích thước cũng như sức chứa của con tàu mà Đức Chúa Trời bảo ông đóng, có lẽ Nô-ê nhận ra là không có nhiều người lắng nghe ông (Sáng 6:15). Cuối cùng, không một ai trong thế gian hung bạo thời bấy giờ hưởng ứng công việc rao giảng của Nô-ê (Sáng 7:7). Đức Giê-hô-va có xem Nô-ê là người thất bại không? Chắc chắn là không! Trong mắt Đức Giê-hô-va, Nô-ê là người rao giảng thành công vì ông trung thành làm điều ngài bảo ông làm.—Sáng 6:22.

12. Làm thế nào nhà tiên tri Giê-rê-mi tìm được niềm vui trong thánh chức dù gặp sự thờ ơ và chống đối?

12 Nhà tiên tri Giê-rê-mi cũng rao giảng hơn 40 năm dù gặp sự thờ ơ và chống đối. Ông nản lòng vì bị những người chống đối “sỉ nhục và nhạo cười” đến mức ông muốn bỏ nhiệm vụ được giao (Giê 20:8, 9). Nhưng Giê-rê-mi không bỏ cuộc! Điều gì giúp ông vượt qua suy nghĩ tiêu cực và tìm được niềm vui trong thánh chức? Ông tập trung vào hai sự thật quan trọng. Thứ nhất, thông điệp của Đức Chúa Trời mà Giê-rê-mi rao truyền mang đến cho người ta “một tương lai và một hy vọng” (Giê 29:11). Thứ hai, Đức Giê-hô-va đã chọn Giê-rê-mi mang danh ngài (Giê 15:16). Chúng ta cũng mang đến cho người ta một thông điệp hy vọng trong thế giới đầy u ám, và chúng ta mang danh Đức Giê-hô-va với tư cách Nhân Chứng của ngài. Khi tập trung vào hai sự thật quan trọng này, chúng ta có thể tìm được niềm vui dù người ta phản ứng thế nào.

13. Chúng ta học được gì từ minh họa của Chúa Giê-su nơi Mác 4:26-29?

13 Sự tiến bộ về thiêng liêng diễn ra một cách dần dần. Chúa Giê-su dạy sự thật này trong minh họa về người gieo giống đi ngủ. (Đọc Mác 4:26-29). Sau khi ông gieo hạt, hạt giống lớn lên từ từ và ông không thể làm gì để khiến chúng phát triển nhanh hơn. Có lẽ anh chị cũng không thấy kết quả của việc đào tạo môn đồ trong một thời gian vì sự phát triển ấy diễn ra dần dần và theo từng giai đoạn. Như người nông dân không thể thúc ép hoa màu phát triển nhanh như mình mong muốn, chúng ta không thể thúc ép học viên Kinh Thánh tiến bộ về thiêng liêng nhanh như ước muốn của mình. Vì thế, đừng nản lòng hay bỏ cuộc nếu học viên tiến bộ chậm hơn là mình mong đợi. Như việc trồng trọt, đào tạo môn đồ đòi hỏi sự kiên nhẫn.—Gia 5:7, 8.

14. Ví dụ nào cho thấy có thể mất một thời gian dài thì mới thấy kết quả của công việc rao giảng?

14 Trong một số khu vực, có thể mất một thời gian dài thì mới thấy kết quả của công việc rao giảng. Hãy xem kinh nghiệm của hai chị em ruột là chị Gladys Allen và Ruby Allen. Năm 1959, hai chị được chỉ định làm tiên phong đều đều tại một thị trấn thuộc tỉnh Quebec, Canada. * Vì áp lực cộng đồng và ảnh hưởng của Giáo hội Công giáo, nhiều người không muốn nghe thông điệp Nước Trời. Chị Gladys nhớ lại: “Chúng tôi đi rao giảng từng nhà tám tiếng mỗi ngày trong hai năm mà không một ai mở cửa! Người ta chỉ đến cửa và kéo rèm xuống. Nhưng chúng tôi không bỏ cuộc”. Với thời gian, người ta trở nên thân thiện hơn và một số người bắt đầu lắng nghe. Hiện nay, có ba hội thánh tại thị trấn đó.—Ê-sai 60:22.

15. Câu 1 Cô-rinh-tô 3:6, 7 dạy chúng ta điều gì về việc đào tạo môn đồ?

15 Đào tạo môn đồ là công việc đòi hỏi nỗ lực của một tập thể. Có thể nói rằng cần cả hội thánh để giúp một người tiến bộ đến bước báp-têm. (Đọc 1 Cô-rinh-tô 3:6, 7). Chẳng hạn, một anh mời người chú ý nhận tờ chuyên đề hoặc tạp chí. Sau đó, anh nhận ra rằng mình không thể đến thăm người chú ý vào thời gian thuận tiện cho người ấy, nên anh nhờ một công bố khác trở lại thăm viếng. Người công bố ấy bắt đầu cuộc học hỏi Kinh Thánh. Rồi anh mời nhiều anh chị khác tham dự cuộc học hỏi, và mỗi anh chị khích lệ học viên theo cách khác nhau. Mỗi anh chị mà học viên gặp đều góp phần vào việc tưới hạt giống chân lý. Qua cách này, cả người gieo lẫn thợ gặt đều có thể cùng nhau vui mừng trong mùa gặt thiêng liêng, như Chúa Giê-su nói.—Giăng 4:35-38.

16. Tại sao anh chị vẫn có thể vui mừng trong thánh chức ngay cả khi bị giới hạn vì sức khỏe kém hoặc không còn nhiều sức như trước?

16 Nói sao nếu anh chị bị hạn chế trong công việc rao giảng và dạy dỗ vì sức khỏe kém hoặc không còn nhiều sức như trước? Anh chị vẫn có thể vui mừng vì những gì mình làm được trong mùa gặt. Hãy xem trường hợp của vua Đa-vít khi ông và những người nam đi cùng giải cứu gia đình và tài sản khỏi người A-ma-léc. Hai trăm người nam theo ông bị kiệt sức nên không thể chiến đấu, vì thế họ ở lại giữ đồ. Sau khi kẻ thù bị đánh bại, Đa-vít ra lệnh chia đều chiến lợi phẩm cho tất cả những người theo ông (1 Sa 30:21-25). Điều này cũng giống với công việc đào tạo môn đồ. Nếu nỗ lực hết sức, mỗi chúng ta đều có thể vui mừng khi một người mới tìm hiểu về Đức Giê-hô-va và báp-têm.

17. Chúng ta nên biết ơn Đức Giê-hô-va về điều gì?

17 Chúng ta thật biết ơn Đức Giê-hô-va vì ngài nhìn thánh chức của chúng ta theo cách yêu thương. Ngài biết rằng chúng ta không thể kiểm soát kết quả của công việc mình làm. Dù vậy, ngài để ý đến sự siêng năng và động cơ tốt của chúng ta, và ngài ban thưởng cho chúng ta. Ngài cũng dạy chúng ta cách tìm niềm vui nơi những điều mình làm được trong mùa gặt (Giăng 14:12). Hãy tin chắc rằng Đức Chúa Trời hài lòng về chúng ta miễn là chúng ta không bỏ cuộc!

BÀI HÁT 67 “Hãy rao giảng lời Đức Chúa Trời”

^ đ. 5 Chúng ta vui khi người ta hưởng ứng tin mừng, và chúng ta thất vọng khi người ta không hưởng ứng. Nói sao nếu học viên Kinh Thánh của anh chị không tiến bộ? Hoặc nói sao nếu anh chị chưa bao giờ trực tiếp giúp một người tiến bộ đến bước báp-têm? Anh chị có nên cho rằng mình đã thất bại trong việc đào tạo môn đồ? Trong bài này, chúng ta sẽ xem tại sao mình có thể thành công trong thánh chức và tìm được niềm vui dù người ta phản ứng thế nào.

^ đ. 3 Xem Niên giám của Nhân Chứng Giê-hô-va năm 2005 (Anh ngữ), trg 205-211.

^ đ. 14 Xem tự truyện của chị Gladys Allen “Tôi sẽ không thay đổi gì cả!” trong Tháp Canh ngày 1-9-2002.