Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 49

Sách Lê-vi dạy chúng ta điều gì về cách đối xử với người khác?

Sách Lê-vi dạy chúng ta điều gì về cách đối xử với người khác?

“Ngươi phải yêu người đồng loại như chính mình”.—LÊ 19:18.

BÀI HÁT 109 Hãy tha thiết yêu thương từ đáy lòng

GIỚI THIỆU *

1, 2. Chúng ta đã xem xét điều gì trong bài trước, và bài này sẽ xem xét điều gì?

Trong bài trước, chúng ta đã xem xét lời khuyên thực tế nơi Lê-vi chương 19. Chẳng hạn, như được nói trong câu 3, Đức Giê-hô-va bảo dân Y-sơ-ra-ên phải kính trọng cha mẹ. Chúng ta đã thảo luận về cách áp dụng lời khuyên ấy, đó là chăm sóc cho cha mẹ về nhu cầu thể chất, tình cảm và thiêng liêng. Cũng trong câu ấy, dân Đức Chúa Trời được nhắc về tầm quan trọng của việc giữ ngày Sa-bát. Chúng ta học được rằng dù không phải giữ luật ngày Sa-bát, nhưng chúng ta có thể áp dụng nguyên tắc của luật đó bằng cách đều đặn dành thời gian tham gia vào các hoạt động thờ phượng. Khi làm thế, chúng ta cho thấy mình đang cố gắng nên thánh, như mệnh lệnh nơi Lê-vi 19:2 và 1 Phi-e-rơ 1:15.

2 Trong bài này, chúng ta sẽ tiếp tục xem xét Lê-vi chương 19. Chương này dạy chúng ta điều gì về việc thể hiện sự nhân từ với những người bị hạn chế về thể chất, về việc làm ăn trung thực và việc thể hiện tình yêu thương với người đồng loại? Chúng ta muốn nên thánh vì Đức Chúa Trời là thánh. Thế nên, hãy xem chúng ta học được gì từ chương này.

THỂ HIỆN SỰ NHÂN TỪ VỚI NGƯỜI BỊ HẠN CHẾ VỀ THỂ CHẤT

Lê-vi 19:14 khuyến khích chúng ta đối xử thế nào với người bị điếc hoặc bị mù? (Xem đoạn 3-5) *

3, 4. Theo Lê-vi 19:14, dân Y-sơ-ra-ên phải đối xử thế nào với người điếc và người mù?

3 Đọc Lê-vi 19:14. Đức Giê-hô-va đòi hỏi dân ngài thể hiện sự nhân từ với những người bị hạn chế về thể chất. Chẳng hạn, dân Y-sơ-ra-ên không được phép rủa sả người điếc. Sự rủa sả như thế có thể là đe dọa hoặc cầu họa cho người ấy. Những điều đó thật tàn nhẫn! Người điếc không thể nghe điều người khác nói về mình nên không thể bênh vực cho mình.

4 Ngoài ra, câu 14 cũng nói rằng tôi tớ Đức Chúa Trời không được “đặt chướng ngại vật trước mặt người mù”. Một tài liệu tham khảo nói như sau về người bị hạn chế về thể chất: “Ở Trung Đông thời xưa, [họ] thường bị bóc lột và lạm dụng”. Có lẽ một số người vô tâm đã đặt chướng ngại vật trước mặt người mù vì ác ý hoặc để làm trò cười. Thật nhẫn tâm! Qua mệnh lệnh này, Đức Giê-hô-va giúp dân ngài thấy rằng họ phải thể hiện lòng trắc ẩn với những người bị thiệt thòi.

5. Làm thế nào để thể hiện lòng trắc ẩn với người bị hạn chế về thể chất?

5 Chúa Giê-su thể hiện lòng trắc ẩn với người bị hạn chế về thể chất. Hãy nhớ thông điệp mà ngài truyền cho Giăng Báp-tít: “Người mù thấy được, người què đi được, người phong cùi được sạch, người điếc nghe được [và] người chết sống lại”. Sau khi chứng kiến những phép lạ của Chúa Giê-su, ‘mọi người ngợi khen Đức Chúa Trời’ (Lu 7:20-22; 18:43). Chúng ta muốn bắt chước lòng trắc ẩn của Chúa Giê-su trong việc đối xử với người bị hạn chế về thể chất. Thế nên, chúng ta tử tế và kiên nhẫn với họ. Đành rằng Đức Giê-hô-va không ban cho chúng ta quyền năng làm phép lạ, nhưng chúng ta có đặc ân nói cho những người bị mù về thể chất hoặc thiêng liêng tin mừng về địa đàng, nơi mà nhân loại sẽ được khôi phục hoàn toàn về thể chất và thiêng liêng (Lu 4:18). Tin mừng này đã thúc đẩy nhiều người ngợi khen Đức Chúa Trời.

TRUNG THỰC TRONG VIỆC LÀM ĂN

6. Lê-vi chương 19 giúp chúng ta hiểu Mười Điều Răn rõ hơn như thế nào?

6 Một số câu nơi Lê-vi chương 19 nói thêm chi tiết về điều được đề cập trong Mười Điều Răn. Chẳng hạn, điều răn thứ tám nói đơn giản như sau: “Ngươi không được trộm cắp” (Xuất 20:15). Một người có lẽ kết luận rằng miễn là không lấy bất cứ thứ gì thuộc về người khác thì mình đang vâng theo mệnh lệnh đó. Tuy nhiên, có thể người ấy trộm cắp theo cách khác.

7. Một nhà buôn có thể vi phạm điều răn thứ tám theo cách nào?

7 Một nhà buôn có lẽ tự hào vì mình không bao giờ lấy thứ gì thuộc về người khác. Nhưng nói sao về việc làm ăn của người ấy? Nơi Lê-vi 19:35, 36, Đức Giê-hô-va nói: “Các ngươi không được dùng những chuẩn mực gian dối khi đo chiều dài, cân nặng hay khối lượng. Các ngươi phải dùng những cái cân chính xác, trái cân chính xác, một dụng cụ đo lường vật khô chính xác và một dụng cụ đo lường chất lỏng chính xác”. Một nhà buôn dùng cân hoặc dụng cụ đo lường thiếu chính xác để lừa khách hàng thì thật ra là đang ăn cắp của khách hàng. Những câu khác của Lê-vi chương 19 sẽ cho thấy rõ điều này.

Dựa trên Lê-vi 19:11-13, một tín đồ nên tự hỏi điều gì về việc làm ăn của mình? (Xem đoạn 8-10) *

8. Làm thế nào những chi tiết nơi Lê-vi 19:11-13 giúp người Do Thái áp dụng tinh thần của điều răn thứ tám, và chúng ta cần làm gì để nhận được lợi ích?

8 Đọc Lê-vi 19:11-13. Những lời mở đầu của Lê-vi 19:11 nói: “Các ngươi không được trộm cắp”. Câu 13 liên kết việc trộm cắp với làm ăn thiếu trung thực khi nói rằng: “Ngươi không được lừa gạt người khác”. Vì thế, việc làm ăn gian lận được liên kết với trộm cắp. Điều răn thứ tám cấm trộm cắp, nhưng những chi tiết trong sách Lê-vi giúp người Do Thái hiểu cách để áp dụng tinh thần của điều luật đó. Chúng ta nhận được lợi ích khi suy ngẫm quan điểm của Đức Giê-hô-va về việc thiếu trung thực và trộm cắp. Chúng ta có thể tự hỏi: “Dựa trên những điều được nói nơi Lê-vi 19:11-13, có điều nào trong đời sống mà mình cần lưu tâm không? Mình có cần thay đổi trong cách làm ăn hay cách làm việc không?”.

9. Điều luật nơi Lê-vi 19:13 bảo vệ người làm thuê như thế nào?

9 Có một khía cạnh khác của việc trung thực mà một tín đồ làm chủ cơ sở kinh doanh nên xem xét. Lê-vi 19:13 nói: “Về tiền công của người làm thuê, ngươi đừng giữ cả đêm cho đến sáng”. Ở Y-sơ-ra-ên, phần lớn người ta làm nghề nông và những người làm thuê sẽ được trả công vào cuối mỗi ngày. Nếu tiền công của người ấy bị giữ lại thì họ sẽ không có tiền để chăm lo cho nhu cầu thiết yếu của gia đình vào ngày hôm đó. Đức Giê-hô-va cho biết: “Người đang túng thiếu và sự sống của người tùy thuộc vào tiền công được trả”.—Phục 24:14, 15; Mat 20:8.

10. Chúng ta rút ra bài học nào từ Lê-vi 19:13?

10 Ngày nay, nhiều người làm thuê được trả lương một hoặc hai lần mỗi tháng chứ không phải mỗi ngày. Tuy nhiên, nguyên tắc nơi Lê-vi 19:13 vẫn có giá trị. Một số chủ lợi dụng người làm thuê bằng cách trả lương ít hơn nhiều so với mức lương mà người ấy xứng đáng được nhận. Họ biết rằng những người làm thuê này có lẽ không có lựa chọn nào khác và sẽ tiếp tục làm việc dù chỉ được trả đồng lương ít ỏi. Theo nghĩa nào đó, những người chủ ấy đang ‘giữ tiền công của người làm thuê’. Một tín đồ làm chủ cơ sở kinh doanh muốn ghi nhớ điều này. Hãy xem chúng ta học được điều gì khác từ Lê-vi chương 19.

YÊU THƯƠNG NGƯỜI ĐỒNG LOẠI NHƯ CHÍNH MÌNH

11, 12. Chúa Giê-su nhấn mạnh điều gì khi trích Lê-vi 19:17, 18?

11 Đức Chúa Trời đòi hỏi chúng ta làm nhiều hơn là chỉ không làm hại người đồng loại. Điều này được thấy rõ nơi Lê-vi 19:17, 18. (Đọc). Hãy lưu ý mệnh lệnh rõ ràng sau: “Ngươi phải yêu người đồng loại như chính mình”. Đó là đòi hỏi căn bản đối với một tín đồ muốn làm hài lòng Đức Chúa Trời.

12 Hãy xem Chúa Giê-su nhấn mạnh thế nào về tầm quan trọng của mệnh lệnh nơi Lê-vi 19:18. Dịp nọ, một người Pha-ri-si hỏi Chúa Giê-su: “Trong Luật pháp, điều răn nào là quan trọng nhất?”. Chúa Giê-su đáp lại rằng: “Điều răn đầu tiên và quan trọng nhất” là yêu thương Đức Giê-hô-va hết lòng, hết mình và hết tâm trí. Sau đó, ngài trích Lê-vi 19:18: “Điều răn thứ hai cũng tương tự như vậy: ‘Ngươi phải yêu người lân cận như chính mình’” (Mat 22:35-40). Có rất nhiều cách để thể hiện tình yêu thương với người lân cận. Lần nữa, hãy xem Lê-vi chương 19 để biết một số cách.

13. Làm thế nào chúng ta hiểu rõ hơn Lê-vi 19:18 khi xem xét lời tường thuật về Giô-sép?

13 Một cách để thể hiện tình yêu thương với người lân cận là áp dụng lời khuyên nơi Lê-vi 19:18. Câu này nói: “Ngươi không được trả thù hay căm giận”. Đa số chúng ta đều biết về trường hợp những người căm giận đồng nghiệp, bạn học, họ hàng hoặc người thân trong gia đình, thậm chí trong nhiều năm. Hãy nhớ rằng mười người anh cùng cha khác mẹ của Giô-sép đã căm giận ông và điều này khiến họ làm chuyện nhẫn tâm (Sáng 37:2-8, 25-28). Dù vậy, Giô-sép đối xử hoàn toàn khác với họ. Khi có quyền lực và cơ hội trả thù, Giô-sép đã thể hiện lòng thương xót với các anh. Giô-sép không căm giận. Thay vì thế, ông hành động phù hợp với lời khuyên mà sau này được ghi nơi Lê-vi 19:18.—Sáng 50:19-21.

14. Điều gì cho thấy nguyên tắc nơi Lê-vi 19:18 vẫn còn hiệu lực?

14 Việc Giô-sép tha thứ thay vì căm giận hoặc trả thù nêu gương cho những tín đồ muốn làm hài lòng Đức Chúa Trời. Điều này cũng phù hợp với lời cầu nguyện mẫu, vì Chúa Giê-su khuyến giục chúng ta tha thứ cho người có lỗi với mình (Mat 6:9, 12). Tương tự, sứ đồ Phao-lô khuyên anh em đồng đạo: “Hỡi anh em yêu dấu, anh em đừng trả thù” (Rô 12:19). Ông cũng khuyến giục họ: “Hãy tiếp tục chịu đựng nhau và rộng lòng tha thứ nhau cho dù có lý do để phàn nàn về người khác” (Cô 3:13). Nguyên tắc của Đức Giê-hô-va không hề thay đổi. Nguyên tắc nằm sau điều luật nơi Lê-vi 19:18 vẫn còn hiệu lực cho đến ngày nay.

Giống như việc không nên cậy vết thương ra, chúng ta cũng không nên nghĩ mãi về lỗi lầm người khác phạm với mình. Hãy cố gắng bỏ qua (Xem đoạn 15) *

15. Chúng ta có thể minh họa thế nào về việc cần bỏ qua lỗi lầm mà người khác phạm với mình?

15 Hãy xem một minh họa. Tổn thương về cảm xúc có thể được ví như vết thương về thể chất. Một số thì nhẹ, số khác thì nặng. Chẳng hạn, khi mở phong bì, tay chúng ta bị thương vì bị viền giấy cứa phải. Chúng ta cảm thấy đau, nhưng vết thương đó thường không gây hại lâu dài. Sau một hoặc hai ngày, thậm chí chúng ta không còn nhớ mình bị thương chỗ nào. Tương tự, một số lỗi mà người khác phạm với chúng ta không quá nghiêm trọng. Chẳng hạn, một anh chị nói hoặc làm điều thiếu tử tế khiến mình tổn thương, có lẽ chúng ta sẽ dễ tha thứ. Tuy nhiên, nếu chúng ta bị thương nặng, có thể bác sĩ sẽ phải khâu và băng bó vết thương lại. Nếu cứ cậy vết thương ra thì chỉ gây hại cho chính mình. Đáng buồn là đôi khi một người làm điều tương tự khi bị tổn thương sâu sắc. Có thể người ấy cứ nghĩ về nỗi đau cảm xúc mà mình phải chịu và sự tổn thương mà người kia gây ra. Nhưng người căm giận thì chỉ gây hại cho chính mình. Thật tốt hơn biết bao khi vâng theo lời khuyên nơi Lê-vi 19:18!

16. Theo Lê-vi 19:33, 34, những người ngoại kiều ở Y-sơ-ra-ên phải được đối xử thế nào, và chúng ta rút ra bài học nào?

16 Khi Đức Giê-hô-va lệnh cho dân Y-sơ-ra-ên yêu thương người đồng loại, ngài không có ý nói rằng họ chỉ nên thể hiện tình yêu thương với người cùng chủng tộc hoặc quốc gia. Họ cũng được bảo yêu thương người ngoại kiều sống trong vòng họ. Điều này được thấy rõ nơi Lê-vi 19:33, 34. (Đọc). Người ngoại kiều phải được đối xử “như một người bản xứ” và người Y-sơ-ra-ên phải “yêu thương người như chính mình”. Chẳng hạn, dân Y-sơ-ra-ên phải để cho cả người ngoại kiều lẫn người nghèo mót lúa trên ruộng của mình (Lê 19:9, 10). Nguyên tắc về việc yêu thương người ngoại kiều cũng áp dụng cho tín đồ đạo Đấng Ki-tô ngày nay (Lu 10:30-37). Như thế nào? Có hàng triệu người nhập cư, và có thể một số người sống gần anh chị. Chúng ta cần đối xử tôn trọng với những người nam, người nữ và trẻ em nhập cư.

NHÌN XA HƠN LÊ-VI CHƯƠNG 19

17, 18. (a) Câu Lê-vi 19:2 và 1 Phi-e-rơ 1:15 nên tác động thế nào đến chúng ta? (b) Sứ đồ Phi-e-rơ khuyến khích chúng ta làm công việc quan trọng nào?

17 Cả Lê-vi 19:2 và 1 Phi-e-rơ 1:15 đều khuyến giục dân của Đức Chúa Trời nên thánh. Nhiều câu khác trong Lê-vi chương 19 có thể giúp chúng ta thấy mình cần làm gì để được Đức Giê-hô-va chấp nhận. Chúng ta đã thảo luận về những câu cho thấy một số điều mình nên làm và một số điều mình cần tránh. * Phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp cho thấy chúng ta cần có hạnh kiểm tương tự. Nhưng sứ đồ Phi-e-rơ nói thêm một điểm khác.

18 Có lẽ chúng ta đều đặn thờ phượng Đức Giê-hô-va và làm điều tốt cho người khác. Tuy nhiên, Phi-e-rơ đặc biệt nhấn mạnh một công việc quan trọng. Trước khi Phi-e-rơ khuyến khích chúng ta nên thánh trong mọi cách ăn ở của mình, ông khuyến giục: “Hãy chuẩn bị tâm trí cho công việc” (1 Phi 1:13, 15). Công việc này bao hàm điều gì? Phi-e-rơ nói rằng anh em được xức dầu của Đấng Ki-tô sẽ “‘công bố khắp nơi những điều tuyệt hảo’ của đấng đã gọi” họ (1 Phi 2:9). Thực tế, mọi tín đồ đạo Đấng Ki-tô ngày nay có vinh dự tham gia công việc tối quan trọng này, là công việc mang lại nhiều lợi ích nhất cho người khác. Là dân thánh, chúng ta có đặc ân tham gia đều đặn và sốt sắng trong công việc rao giảng và dạy dỗ! (Mác 13:10). Khi cố gắng áp dụng các nguyên tắc nơi Lê-vi chương 19, chúng ta chứng tỏ mình yêu thương Đức Chúa Trời và người lân cận. Và chúng ta cũng cho thấy mình muốn “nên thánh trong mọi cách ăn ở của mình”.

BÀI HÁT 111 Những lý do khiến chúng ta vui mừng

^ đ. 5 Tín đồ đạo Đấng Ki-tô không ở dưới Luật pháp Môi-se, nhưng Luật ấy đề cập đến nhiều điều mà chúng ta nên làm hoặc nên tránh. Học về những điều ấy có thể giúp chúng ta thể hiện tình yêu thương với người khác và làm hài lòng Đức Chúa Trời. Bài này xem xét cách chúng ta có thể nhận được lợi ích từ một số bài học trong Lê-vi chương 19.

^ đ. 17 Những câu không được thảo luận trong các bài này nói về việc thiên vị, vu khống người khác, ăn huyết cũng như thực hành ma thuật, xem bói và gian dâm.—Lê 19:15, 16, 26-29, 31.—Xem “Độc giả thắc mắc” trong số này.

^ đ. 52 HÌNH ẢNH: Một Nhân Chứng giúp một anh em bị điếc giao tiếp với bác sĩ.

^ đ. 54 HÌNH ẢNH: Một anh làm chủ dịch vụ sơn nhà trả lương cho người làm thuê.

^ đ. 56 HÌNH ẢNH: Một chị có thể dễ quên đi vết thương nhẹ. Liệu chị sẽ chọn làm điều tương tự nếu bị thương nặng hơn không?