Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 50

Hãy nghe tiếng người chăn tốt lành

Hãy nghe tiếng người chăn tốt lành

“Chúng sẽ nghe tiếng tôi”.—GIĂNG 10:16.

BÀI HÁT 3 Sức mạnh, hy vọng và niềm tin cậy của chúng con

GIỚI THIỆU *

1. Một lý do Chúa Giê-su ví các môn đồ với cừu là gì?

Chúa Giê-su ví mối quan hệ của ngài với các môn đồ với sự gắn bó mật thiết giữa người chăn và con cừu (Giăng 10:14). Sự so sánh này rất thích hợp. Con cừu biết người chăn và hưởng ứng tiếng của người ấy. Một du khách đã chứng kiến điều này cho biết: “Chúng tôi muốn quay phim một vài con cừu và cố dụ chúng đến gần nhưng chúng không đến vì không quen tiếng của chúng tôi. Rồi một cậu bé chăn cừu đến, cậu vừa gọi thì chúng liền đi theo”.

2, 3. (a) Làm thế nào các môn đồ của Chúa Giê-su cho thấy họ nghe tiếng ngài? (b) Bài này và bài tới sẽ xem xét điều gì?

2 Kinh nghiệm của du khách trên nhắc chúng ta nhớ đến những lời của Chúa Giê-su nói về chiên ngài, tức các môn đồ ngài. Ngài nói: “Chúng sẽ nghe tiếng tôi” (Giăng 10:16). Nhưng hiện giờ Chúa Giê-su ở trên trời. Vậy, chúng ta có thể cho thấy mình nghe tiếng ngài bằng cách nào? Một cách chính yếu là áp dụng sự dạy dỗ của ngài vào đời sống.—Mat 7:24, 25.

3 Bài này và bài tới sẽ xem một số sự dạy dỗ của Chúa Giê-su. Như chúng ta sẽ thấy, Chúa Giê-su dạy chúng ta nên ngưng làm một số điều và nên làm một số điều. Trước tiên, hãy xem hai điều mà người chăn tốt lành bảo chúng ta ngưng làm.

“HÃY NGƯNG LO LẮNG”

4. Theo Lu-ca 12:29, điều gì có thể khiến chúng ta lo lắng?

4 Đọc Lu-ca 12:29 và chú thích. Chúa Giê-su khuyến giục các môn đồ “ngưng lo lắng” về nhu cầu vật chất. Chúng ta biết lời khuyên của Chúa Giê-su luôn đúng và khôn ngoan. Chúng ta muốn áp dụng lời khuyên ấy, nhưng đôi khi chúng ta có thể thấy khó để làm thế. Tại sao?

5. Điều gì khiến một số người lo lắng về nhu cầu vật chất?

 5 Một số người lo lắng về nhu cầu vật chất, như thức ăn, áo mặc và chỗ ở. Có thể họ sống tại một nước có nền kinh tế khó khăn. Vì vậy, không dễ để họ kiếm đủ tiền chăm lo cho gia đình. Hoặc người trụ cột về tài chính trong gia đình qua đời nên không còn ai chu cấp cho họ. Đại dịch COVID-19 có thể khiến một số người mất việc và thu nhập (Truyền 9:11). Nếu phải đương đầu với những thử thách đó hoặc thử thách khác, làm thế nào chúng ta có thể vâng theo chỉ dẫn của Chúa Giê-su là ngưng lo lắng?

Thay vì bị chìm ngập trong nỗi lo lắng về nhu cầu vật chất, hãy xây đắp lòng tin cậy Đức Giê-hô-va (Xem đoạn 6-8) *

6. Hãy miêu tả điều đã xảy ra với sứ đồ Phi-e-rơ.

6 Vào dịp nọ, sứ đồ Phi-e-rơ và các sứ đồ khác đang ở trên thuyền ngoài biển Ga-li-lê. Khi cơn bão gió ập đến, họ thấy Chúa Giê-su bước đi trên mặt nước. Phi-e-rơ thưa: “Lạy Chúa, nếu quả là ngài, xin truyền cho tôi đi trên mặt nước mà đến với ngài”. Sau khi Chúa Giê-su nói: “Hãy đến đây”, Phi-e-rơ “bước ra khỏi thuyền, đi trên mặt nước để đến với Chúa Giê-su”. Hãy lưu ý điều xảy ra sau đó: “Khi nhìn thấy bão gió thì ông sợ hãi. Lúc bắt đầu chìm, ông la lên: “Chúa ơi, cứu tôi với!’”. Chúa Giê-su giơ tay ra và cứu ông. Điều đáng chú ý là chừng nào Phi-e-rơ tập trung vào Chúa Giê-su thì ông có thể bước trên mặt nước dậy sóng. Nhưng khi Phi-e-rơ thấy cơn bão, ông sợ hãi và nghi ngờ, rồi bắt đầu chìm.—Mat 14:24-31.

7. Chúng ta học được gì từ trường hợp của Phi-e-rơ?

7 Chúng ta có thể rút ra bài học từ trường hợp của Phi-e-rơ. Khi Phi-e-rơ bước ra khỏi thuyền và đi trên mặt biển, ông không nghĩ mình sẽ bị phân tâm và bắt đầu chìm. Ông muốn tiếp tục đi trên mặt nước để đến chỗ Chúa Giê-su. Nhưng ông đã không tập trung vào mục tiêu đó. Đành rằng chúng ta không gặp thử thách như bước đi trên mặt nước, nhưng chúng ta phải đối mặt với những thử thách khác về đức tin. Nếu mất tập trung vào Đức Giê-hô-va và những lời hứa của ngài, chúng ta sẽ bắt đầu chìm về mặt thiêng liêng. Dù phải đối mặt với “cơn bão” nào đi nữa trong đời sống, chúng ta phải tiếp tục tập trung vào Đức Giê-hô-va và khả năng giúp đỡ của ngài. Chúng ta làm thế bằng cách nào?

8. Điều gì giúp chúng ta không quá lo lắng về nhu cầu vật chất?

8 Chúng ta sẽ nhận được lợi ích nếu có lòng tin cậy thay vì lo lắng. Hãy nhớ rằng Cha yêu thương trên trời đảm bảo là ngài sẽ chăm sóc về nhu cầu vật chất nếu chúng ta đặt những điều thiêng liêng lên hàng đầu (Mat 6:32, 33). Ngài đã luôn chứng tỏ là đấng trung tín với lời hứa ấy (Phục 8:4, 15, 16; Thi 37:25). Nếu Đức Giê-hô-va chăm sóc cho loài chim và bông hoa, chắc chắn chúng ta không cần lo lắng là mình sẽ ăn gì hay mặc gì! (Mat 6:26-30; Phi-líp 4:6, 7). Giống như tình yêu thương thôi thúc cha mẹ chu cấp vật chất cho con cái, tình yêu thương cũng thúc đẩy Cha trên trời chăm lo cho dân ngài về nhu cầu vật chất. Thật vậy, chúng ta có thể tin chắc rằng Đức Giê-hô-va sẽ chăm sóc chúng ta!

9. Anh chị học được gì từ kinh nghiệm của một cặp vợ chồng?

9 Hãy xem một kinh nghiệm cho thấy Đức Giê-hô-va chăm lo cho chúng ta thế nào về nhu cầu vật chất. Một cặp vợ chồng phụng sự trọn thời gian lái chiếc xe cũ kỹ của họ hơn một tiếng để đón một số chị sống ở trại tị nạn đến nhóm họp. Người chồng nói: “Sau nhóm họp hôm ấy, chúng tôi mời các chị dùng bữa. Nhưng rồi chúng tôi chợt nhớ là mình không có gì để mời họ”. Cặp vợ chồng ấy sẽ làm gì bây giờ? Anh kể tiếp: “Khi về đến nhà, chúng tôi thấy hai túi đồ ăn lớn được đặt trước cửa. Chúng tôi không biết là ai đã tặng. Đức Giê-hô-va đã chăm sóc chúng tôi”. Một thời gian sau, xe của họ bị hư và không chạy được. Họ cần chiếc xe ấy để đi thánh chức. Vì thế, họ đem chiếc xe đến chỗ sửa xe gần đó nhưng không đủ tiền để sửa. Rồi một người đàn ông bước vào và hỏi: “Xe của ai đây?”. Anh cho biết đó là xe của mình và cần được sửa. Người đàn ông nói: “Không thành vấn đề. Vợ tôi muốn mua chiếc xe loại này và có màu y như vậy. Tôi muốn mua nó, anh bán bao nhiêu?”. Anh ấy đã bán chiếc xe với giá đủ để mua một chiếc xe khác. Anh nói: “Không thể diễn tả hết cảm xúc của chúng tôi vào cuối ngày hôm ấy. Chúng tôi biết đây không phải là ngẫu nhiên, nhưng có bàn tay của Đức Giê-hô-va”.

10. Câu Thi thiên 37:5 giúp chúng ta thế nào để không quá lo lắng về nhu cầu vật chất?

10 Khi nghe tiếng người chăn tốt lành và ngưng lo lắng thái quá về nhu cầu vật chất, chúng ta có thể tin chắc rằng Đức Giê-hô-va sẽ chăm sóc cho mình. (Đọc Thi thiên 37:5; 1 Phi 5:7). Hãy nghĩ đến những tình huống được đề cập ở  đoạn 5. Trước đây, có thể Đức Giê-hô-va chăm lo cho nhu cầu hằng ngày của chúng ta qua người làm đầu gia đình hoặc qua một công việc ngoài đời. Nếu người làm đầu gia đình không thể chu cấp cho gia đình được nữa hoặc nếu chúng ta mất việc, Đức Giê-hô-va sẽ chăm sóc cho chúng ta qua cách khác. Chúng ta có thể tin chắc điều ấy. Giờ đây, hãy cùng xem một điều khác mà người chăn tốt lành khuyến giục chúng ta ngưng làm.

“ĐỪNG XÉT ĐOÁN NGƯỜI KHÁC NỮA”

Nhìn xa hơn vẻ bề ngoài có thể giúp chúng ta ngưng xét đoán (Xem đoạn 11, 14-16) *

11. Theo Ma-thi-ơ 7:1, 2, Chúa Giê-su bảo chúng ta ngưng làm gì, và tại sao điều này có thể là thách đố?

11 Đọc Ma-thi-ơ 7:1, 2. Chúa Giê-su biết con người bất toàn có khuynh hướng tập trung vào khuyết điểm của người khác. Vì thế, ngài nói: “Đừng xét đoán người khác nữa”. Có thể chúng ta nỗ lực để không xét đoán anh em đồng đạo. Nhưng tất cả chúng ta đều bất toàn. Nếu thấy đôi khi mình có thái độ chỉ trích, chúng ta nên làm gì? Hãy nghe tiếng Chúa Giê-su và cố gắng ngưng xét đoán.

12, 13. Làm thế nào việc suy ngẫm quan điểm của Đức Giê-hô-va về vua Đa-vít giúp chúng ta ngưng xét đoán người khác?

12 Chúng ta có thể nhận được lợi ích khi suy ngẫm về gương của Đức Giê-hô-va. Ngài tập trung vào điểm tốt nơi chúng ta. Điều này được thấy qua cách ngài đối xử với vua Đa-vít, người đã phạm những tội nghiêm trọng. Chẳng hạn, ông phạm tội ngoại tình với Bát-sê-ba, thậm chí sắp đặt để chồng bà bị giết (2 Sa 11:2-4, 14, 15, 24). Hậu quả là Đa-vít không chỉ làm tổn thương chính mình mà còn làm tổn thương cả gia đình, kể cả những người vợ khác (2 Sa 12:10, 11). Đa-vít cũng không thể hiện lòng tin cậy nơi Đức Giê-hô-va khi ông ra lệnh thống kê quân đội của Y-sơ-ra-ên, là điều mà ngài không lệnh cho ông làm. Có thể ông đã làm thế vì tự hào và tin cậy nơi quân đội đông đảo của mình. Hậu quả là gì? Khoảng 70.000 người Y-sơ-ra-ên đã chết vì dịch bệnh!—2 Sa 24:1-4, 10-15.

13 Nếu sống ở Y-sơ-ra-ên vào thời điểm đó, anh chị sẽ có quan điểm nào về Đa-vít? Liệu anh chị sẽ xét đoán ông là không đáng được Đức Giê-hô-va thương xót không? Đức Giê-hô-va không nghĩ như thế. Ngài tập trung vào việc Đa-vít đã trung thành trong đời sống và việc ông thật lòng ăn năn. Vì thế, Đức Giê-hô-va tha thứ cho Đa-vít về những tội trọng ấy. Đức Giê-hô-va biết Đa-vít yêu thương ngài rất nhiều và ông muốn làm điều đúng. Chẳng phải anh chị biết ơn vì Đức Chúa Trời tìm điểm tốt nơi chúng ta sao?—1 Vua 9:4; 1 Sử 29:10, 17.

14. Điều gì giúp tín đồ đạo Đấng Ki-tô ngưng xét đoán người khác?

14 Nếu Đức Giê-hô-va châm chước cho người bất toàn, chúng ta cũng muốn châm chước cho người khác và tìm điểm tốt nơi họ. Thường thì dễ để thấy khuyết điểm của người khác và chỉ trích họ. Tuy nhiên, một người thiêng liêng tính có thể thấy những khuyết điểm ấy mà vẫn hòa thuận với người khác. Một viên kim cương thô có vẻ không đẹp cho lắm, nhưng người tinh ý sẽ nhìn xa hơn vẻ bề ngoài và thấy giá trị của viên kim cương ấy khi được mài giũa và đánh bóng. Như Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su, chúng ta cần nhìn xa hơn vẻ bề ngoài và thấy những phẩm chất tốt của người khác.

15. Làm thế nào việc nghĩ đến hoàn cảnh của người khác giúp chúng ta không xét đoán họ?

15 Ngoài việc tập trung vào những phẩm chất tốt của người khác, điều gì có thể giúp chúng ta không xét đoán họ? Đó là cố gắng hình dung hoàn cảnh của họ. Hãy xem một ví dụ. Ngày nọ, tại đền thờ, Chúa Giê-su thấy một bà góa nghèo bỏ hai đồng xu chẳng đáng là bao vào rương đóng góp. Ngài không hỏi: “Tại sao bà ấy không đóng góp nhiều hơn?”. Thay vì tập trung vào số tiền bà dâng, Chúa Giê-su nghĩ đến động cơ cũng như hoàn cảnh của bà và khen bà vì đã làm mọi điều mà bà có thể.—Lu 21:1-4.

16. Anh chị học được gì từ kinh nghiệm của chị Veronica?

16 Chúng ta có thể thấy giá trị của việc nghĩ đến hoàn cảnh của người khác khi xem xét kinh nghiệm của chị Veronica. Trong hội thánh của chị có một người mẹ đơn thân có con trai. Chị Veronica thừa nhận: “Tôi thấy hai mẹ con chị ấy có vẻ không tham gia nhiều vào các hoạt động của hội thánh. Vì thế, tôi có quan điểm tiêu cực về họ. Nhưng rồi tôi đi thánh chức với người mẹ. Chị ấy cho biết những khó khăn mà chị phải đối mặt khi nuôi dạy người con trai bị tự kỷ. Chị đang nỗ lực hết sức để chăm lo cho nhu cầu vật chất và thiêng liêng của cả hai mẹ con. Đôi khi vì sức khỏe của con trai, chị phải tham dự nhóm họp với hội thánh khác”. Chị Veronica kết luận: “Tôi không hề biết rằng chị ấy gặp nhiều khó khăn đến thế. Giờ đây, tôi rất yêu thương và cảm phục chị ấy vì mọi điều chị làm để phụng sự Đức Giê-hô-va”.

17. Câu Gia-cơ 2:8 dạy chúng ta làm gì, và chúng ta làm thế bằng cách nào?

17 Chúng ta nên làm gì nếu nhận ra mình đã xét đoán một anh em đồng đạo? Chúng ta cần nhớ rằng mình phải yêu thương anh em. (Đọc Gia-cơ 2:8). Ngoài ra, chúng ta nên tha thiết cầu nguyện với Đức Giê-hô-va, nài xin ngài giúp mình ngưng xét đoán người khác. Chúng ta có thể hành động phù hợp với lời cầu nguyện bằng cách chủ động nói chuyện với người mà mình đã xét đoán. Điều đó giúp chúng ta biết rõ hơn về người ấy. Chúng ta có thể mời họ tham gia thánh chức chung hoặc dùng bữa. Khi biết rõ hơn về anh em, chúng ta cần cố gắng noi theo gương của Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su bằng cách tìm điểm tốt nơi người ấy. Khi làm thế, chúng ta cho thấy mình đang nghe theo mệnh lệnh của người chăn tốt lành là ngưng xét đoán.

18. Làm thế nào chúng ta cho thấy mình đang nghe tiếng của người chăn tốt lành?

18 Giống như con cừu nghe tiếng của người chăn, các môn đồ của Chúa Giê-su nghe tiếng của ngài. Nếu chúng ta cố gắng ngưng lo lắng về nhu cầu vật chất và ngưng xét đoán người khác, Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su sẽ ban phước cho những nỗ lực của mình. Dù thuộc “bầy nhỏ” hay “chiên khác”, mong sao chúng ta tiếp tục nghe và vâng theo tiếng của người chăn tốt lành (Lu 12:32; Giăng 10:11, 14, 16). Trong bài kế tiếp, chúng ta sẽ xem xét hai điều mà Chúa Giê-su bảo các môn đồ nên làm.

BÀI HÁT 101 Cùng hợp nhất phụng sự

^ đ. 5 Khi nói rằng chiên ngài sẽ nghe tiếng ngài, ý của Chúa Giê-su là môn đồ ngài sẽ nghe theo sự dạy dỗ của ngài và áp dụng vào đời sống. Trong bài này, chúng ta sẽ xem hai sự dạy dỗ nổi bật của Chúa Giê-su, đó là ngưng lo lắng về nhu cầu vật chất và ngưng xét đoán người khác. Chúng ta sẽ thảo luận làm thế nào để áp dụng lời khuyên ấy.

^ đ. 51 HÌNH ẢNH: Một anh mất việc, thiếu tiền để chăm lo cho gia đình và cần tìm chỗ ở. Anh có thể dễ lo lắng nhiều đến mức không còn tập trung vào việc thờ phượng Đức Chúa Trời.

^ đ. 53 HÌNH ẢNH: Một anh đi nhóm họp trễ, nhưng anh thể hiện những phẩm chất tốt khi làm chứng bán chính thức, giúp đỡ người lớn tuổi và bảo trì Phòng Nước Trời.