Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 51

Hãy tiếp tục “nghe lời người”

Hãy tiếp tục “nghe lời người”

“Đây là Con yêu dấu của ta, người mà ta hài lòng. Hãy nghe lời người”.—MAT 17:5.

BÀI HÁT 54 “Đây là đường”

GIỚI THIỆU *

1, 2. (a) Ba sứ đồ của Chúa Giê-su được lệnh làm gì, và họ hưởng ứng thế nào? (b) Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài này?

Sau Lễ Vượt Qua năm 32 CN, sứ đồ Phi-e-rơ, Gia-cơ và Giăng chứng kiến một khải tượng kinh ngạc. Trên một ngọn núi rất cao, có lẽ thuộc núi Hẹt-môn, Chúa Giê-su biến hình trước mặt họ. Kinh Thánh cho biết: “Mặt ngài chiếu sáng như mặt trời, áo ngài rực rỡ như ánh sáng” (Mat 17:1-4). Khi khải tượng sắp kết thúc, các sứ đồ nghe tiếng Đức Chúa Trời phán: “Đây là Con yêu dấu của ta, người mà ta hài lòng. Hãy nghe lời người” (Mat 17:5). Qua lối sống, ba sứ đồ chứng tỏ rằng họ đã nghe lời Chúa Giê-su. Chúng ta muốn bắt chước gương của họ.

2 Trong bài trước, chúng ta đã học rằng nghe tiếng của Chúa Giê-su nghĩa là ngưng làm một số điều. Bài này sẽ xem xét hai điều Chúa Giê-su bảo chúng ta nên làm.

“HÃY VÀO CỔNG HẸP”

3. Theo Ma-thi-ơ 7:13, 14, chúng ta nên làm gì?

3 Đọc Ma-thi-ơ 7:13, 14. Hãy lưu ý Chúa Giê-su nói đến hai cổng khác nhau dẫn đến hai con đường khác nhau, đó là đường “thênh thang” và đường “chật”. Không có con đường thứ ba. Chính chúng ta phải chọn mình sẽ đi trên con đường nào. Đây là quyết định quan trọng nhất mà chúng ta sẽ phải đưa ra vì sự sống vĩnh cửu của mình phụ thuộc vào quyết định đó.

4. Anh chị miêu tả thế nào về con đường “thênh thang”?

4 Chúng ta cần ghi nhớ sự khác biệt giữa hai con đường này. Con đường “thênh thang” rất được ưa chuộng vì dễ đi. Đáng buồn, nhiều người chọn tiếp tục ở trên con đường đó và theo đám đông. Họ không nhận ra rằng kẻ đang cổ xúy con đường này là Sa-tan Ác Quỷ và con đường của hắn dẫn đến sự chết.—1 Cô 6:9, 10; 1 Giăng 5:19.

5. Một số người đã cố gắng làm gì để tìm được con đường “chật” và bắt đầu đi trên con đường ấy?

5 Trái ngược với con đường “thênh thang”, con đường kia thì “chật”, và Chúa Giê-su nói rằng chỉ ít người tìm được. Tại sao? Điều đáng lưu ý là trong câu sau, Chúa Giê-su cảnh báo các môn đồ về những kẻ tiên tri giả (Mat 7:15). Theo ước tính, có hàng ngàn tôn giáo, và đa số họ đều cho rằng mình dạy chân lý. Điều này khiến hàng triệu người nản lòng và bối rối, đến mức họ không muốn cố gắng tìm kiếm con đường dẫn đến sự sống. Nhưng một người có thể tìm được con đường đó. Chúa Giê-su nói: “Nếu anh em hằng giữ lời tôi, anh em thật sự là môn đồ tôi, anh em sẽ biết chân lý, và chân lý sẽ giải thoát anh em” (Giăng 8:31, 32). Đáng khen là anh chị không chọn theo đám đông; thay vì thế, anh chị tìm kiếm chân lý. Anh chị bắt đầu học kỹ lưỡng Lời Đức Chúa Trời để biết điều ngài đòi hỏi, và anh chị lắng nghe sự dạy dỗ của Chúa Giê-su. Anh chị học được rằng Đức Giê-hô-va đòi hỏi chúng ta bác bỏ sự dạy dỗ của tôn giáo sai lầm và ngưng cử hành những ngày lễ bắt nguồn từ ngoại giáo. Anh chị cũng biết việc làm theo điều Đức Giê-hô-va đòi hỏi và từ bỏ những thực hành không được ngài chấp nhận có thể là thách đố (Mat 10:34-36). Có lẽ không dễ để anh chị thực hiện những thay đổi cần thiết. Tuy nhiên, anh chị không bỏ cuộc vì yêu mến Cha trên trời và muốn làm đẹp lòng ngài. Hẳn ngài hài lòng về anh chị biết bao!—Châm 27:11.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ TIẾP TỤC Ở TRÊN CON ĐƯỜNG CHẬT?

Lời khuyên và tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời giúp chúng ta tiếp tục ở trên con đường chật (Xem đoạn 6-8) *

6. Theo Thi thiên 119:9, 10, 45, 133, điều gì giúp chúng ta tiếp tục ở trên con đường chật?

6 Nếu đã bắt đầu đi trên con đường chật, điều gì có thể giúp chúng ta tiếp tục ở trên con đường đó? Hãy xem minh họa sau. Một rào chắn dọc theo mép đường núi nhỏ hẹp có tác dụng bảo vệ tài xế và xe của họ. Rào chắn này được thiết kế để tài xế được an toàn, giúp họ tránh đi quá gần mép đường hoặc lao xuống vực. Không có tài xế nào phàn nàn rằng rào chắn đó quá gò bó! Tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va trong Kinh Thánh giống như rào chắn ấy, giúp chúng ta tiếp tục ở trên con đường chật.—Đọc Thi thiên 119:9, 10, 45, 133.

7. Những người trẻ nên có quan điểm nào về con đường chật?

7 Hỡi các bạn trẻ, đôi khi bạn có cảm thấy tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va quá gò bó không? Sa-tan muốn bạn nghĩ như vậy. Hắn muốn bạn tập trung vào điều mà những người đi trên con đường thênh thang đang làm và nghĩ rằng đời sống của họ sung sướng. Có lẽ hắn dùng những điều mà bạn bè ở trường làm và những điều mà bạn thấy trên Internet để khiến bạn cảm thấy mình đang bỏ lỡ những điều thú vị. Sa-tan muốn bạn nghĩ tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va đang ngăn cản bạn tận hưởng đời sống. * Nhưng hãy nhớ điều này: Sa-tan không muốn những người ở trên con đường của hắn thấy điều đang đợi họ ở cuối con đường. Trái lại, Đức Giê-hô-va cho bạn thấy rõ điều ngài sẽ ban thưởng cho những người tiếp tục ở trên con đường sự sống.—Thi 37:29; Ê-sai 35:5, 6; 65:21-23.

8. Các bạn trẻ học được gì từ gương của Olaf?

8 Hãy xem bạn có thể học được gì từ kinh nghiệm của một anh trẻ tên Olaf. * Bạn cùng lớp đã gây áp lực để anh làm điều vô luân. Khi anh giải thích rằng Nhân Chứng Giê-hô-va sống theo tiêu chuẩn đạo đức cao trong Kinh Thánh, một số bạn nữ cùng lớp càng tìm cách để cám dỗ anh quan hệ với họ. Nhưng Olaf kiên quyết làm điều đúng. Đây không phải là áp lực duy nhất mà anh phải đối mặt. Olaf nói: “Giáo viên cố thuyết phục em học lên cao vì chỉ như vậy thì em mới có địa vị trong xã hội. Họ nói rằng nếu không làm thế, em sẽ không thành công trong đời sống”. Điều gì đã giúp Olaf kháng cự áp lực đó? Olaf cho biết: “Em đã vun đắp mối quan hệ mật thiết với các anh chị trong hội thánh. Họ trở nên giống như gia đình của em. Em cũng bắt đầu học hỏi Kinh Thánh nghiêm túc hơn. Càng đào sâu Kinh Thánh, em càng được thuyết phục rằng đây là chân lý. Nhờ thế, em quyết tâm phụng sự Đức Giê-hô-va”.

9. Những ai muốn tiếp tục ở trên con đường chật cần làm gì?

9 Sa-tan muốn khiến chúng ta ra khỏi con đường dẫn đến sự sống. Hắn muốn chúng ta làm điều mà phần lớn người ta đang làm và đi trên con đường “dẫn đến sự hủy diệt” (Mat 7:13). Tuy nhiên, chúng ta sẽ tiếp tục ở trên con đường chật nếu luôn nghe lời Chúa Giê-su và xem con đường đó là sự bảo vệ. Hãy xem điều khác mà Chúa Giê-su bảo chúng ta nên làm.

LÀM HÒA VỚI ANH EM

10. Theo Ma-thi-ơ 5:23, 24, Chúa Giê-su nói chúng ta nên làm gì?

10 Đọc Ma-thi-ơ 5:23, 24. Chúa Giê-su nói đến một sự kiện rất quan trọng đối với những người Do Thái đang nghe ngài. Hãy hình dung một người tại đền thờ chuẩn bị đưa con sinh tế cho thầy tế lễ. Nếu lúc đó, người ấy chợt nhớ một anh em có điều gì bất bình với mình, thì người ấy phải để lễ vật lại và “đi”. Tại sao? Có điều gì quan trọng hơn việc dâng lễ vật cho Đức Giê-hô-va? Chúa Giê-su nói rõ: ‘Hãy đi làm hòa với người đó trước’.

Anh chị sẽ noi gương Gia-cốp, người khiêm nhường làm hòa với anh mình không? (Xem đoạn 11, 12) *

11. Hãy cho biết Gia-cốp đã nỗ lực thế nào để làm hòa với Ê-sau.

11 Chúng ta có thể rút ra những bài học quý giá về việc làm hòa khi xem xét một biến cố trong cuộc đời của tộc trưởng Gia-cốp. Sau khi Gia-cốp rời xa quê hương khoảng 20 năm, qua một thiên sứ, Đức Chúa Trời lệnh cho ông trở về quê nhà (Sáng 31:11, 13, 38). Nhưng có một vấn đề. Người anh trai của ông là Ê-sau từng muốn giết ông (Sáng 27:41). Gia-cốp “sợ hãi và lo lắng” là Ê-sau vẫn còn căm giận mình (Sáng 32:7). Gia-cốp đã làm gì để làm hòa với Ê-sau? Trước hết, ông tha thiết cầu nguyện với Đức Giê-hô-va về vấn đề. Rồi ông gửi tặng Ê-sau một món quà hào phóng (Sáng 32:9-15). Cuối cùng, khi gặp Ê-sau, Gia-cốp đã chủ động tỏ lòng tôn trọng với Ê-sau. Ông sấp mình xuống trước mặt Ê-sau không chỉ một hoặc hai lần mà là bảy lần! Bằng hành động khiêm nhường và tôn trọng, Gia-cốp đã làm hòa với anh mình.—Sáng 33:3, 4.

12. Chúng ta học được gì từ gương của Gia-cốp?

12 Chúng ta rút ra một bài học từ cách Gia-cốp chuẩn bị trước và điều ông làm khi gặp Ê-sau. Gia-cốp đã khiêm nhường nài xin Đức Giê-hô-va giúp đỡ. Rồi ông hành động phù hợp với lời cầu nguyện bằng cách thực hiện những bước để cuộc đoàn tụ diễn ra tốt nhất có thể. Khi hai anh em gặp nhau, Gia-cốp đã không tranh cãi với Ê-sau về việc ai đúng ai sai. Mục tiêu của Gia-cốp là làm hòa với anh mình. Chúng ta có thể bắt chước gương của Gia-cốp như thế nào?

LÀM THẾ NÀO ĐỂ LÀM HÒA VỚI NGƯỜI KHÁC?

13, 14. Nếu khiến một anh em đồng đạo tổn thương, chúng ta nên làm gì?

13 Nếu muốn bước đi trên con đường dẫn đến sự sống, chúng ta phải gìn giữ sự hòa thuận với anh em (Rô 12:18). Chúng ta nên làm gì khi biết mình khiến một anh em đồng đạo tổn thương? Như Gia-cốp, chúng ta nên cầu nguyện tha thiết với Đức Giê-hô-va. Chúng ta có thể xin ngài ban phước cho những nỗ lực của mình để được lại anh em.

14 Chúng ta cũng nên dành thời gian để xem xét chính mình. Hãy tự hỏi những câu như: “Mình có sẵn sàng gạt bỏ tự ái, khiêm nhường xin lỗi và làm hòa không? Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su sẽ cảm thấy thế nào nếu mình chủ động làm hòa với anh em đồng đạo?”. Câu trả lời có thể thôi thúc chúng ta nghe lời Chúa Giê-su và khiêm nhường đến gặp anh em để làm hòa. Về khía cạnh này, chúng ta có thể bắt chước gương của Gia-cốp.

15. Việc áp dụng nguyên tắc nơi Ê-phê-sô 4:2, 3 giúp chúng ta thế nào để làm hòa với anh em?

15 Hãy hình dung chuyện gì xảy ra nếu Gia-cốp tự ái và kiêu ngạo khi gặp anh mình! Hẳn kết cuộc sẽ hoàn toàn khác. Khi đến gặp anh em để giải quyết vấn đề, chúng ta cần làm thế với tinh thần khiêm nhường. (Đọc Ê-phê-sô 4:2, 3). Châm ngôn 18:19 nói: “Anh em bị xúc phạm khó chinh phục hơn thành kiên cố; có những mối bất hòa tựa như thanh cài của thành trì”. Một lời xin lỗi khiêm nhường có thể giúp chúng ta vào được “thành trì” đó.

16. Chúng ta nên suy nghĩ kỹ điều gì, và tại sao?

16 Chúng ta cũng cần suy nghĩ kỹ xem mình sẽ nói gì với anh em và nói thế nào. Khi đã sẵn sàng, chúng ta nên đến gặp người mà mình làm tổn thương với mục tiêu loại bỏ sự tổn thương trong lòng người ấy. Lúc đầu, có lẽ người đó nói những điều khiến mình buồn lòng. Khi ấy, rất dễ để chúng ta tức giận hoặc cố bào chữa cho mình, nhưng làm thế có giúp giải quyết vấn đề trong sự hòa bình không? Chắc chắn không. Hãy nhớ rằng việc có lại sự hòa thuận với anh em quan trọng hơn chứng minh ai đúng ai sai.—1 Cô 6:7.

17. Anh chị học được gì từ kinh nghiệm của anh Gilbert?

17 Một anh tên Gilbert đã nỗ lực để trở thành người tạo sự hòa thuận. Anh kể lại: “Trong một thời gian, mối quan hệ giữa tôi và con gái vô cùng căng thẳng. Hơn hai năm, tôi đã nỗ lực để nói chuyện thành thật và điềm tĩnh hầu có lại mối quan hệ tốt với con”. Anh Gilbert đã làm gì khác? Anh cho biết: “Trước khi nói chuyện với con, tôi cầu nguyện và chuẩn bị trước tâm lý để không tức giận nếu con nói những lời gây tổn thương. Tôi cần sẵn lòng tha thứ. Tôi học được rằng mình không nên cố chứng tỏ uy quyền của mình, và tôi hiểu nhiệm vụ của mình là đẩy mạnh sự hòa thuận”. Kết quả là gì? Anh Gilbert cho biết: “Hiện nay, tôi có sự bình an tâm trí vì có mối quan hệ tốt với mọi thành viên trong gia đình”.

18, 19. Nếu làm một người tổn thương, chúng ta nên quyết tâm làm gì, và tại sao?

18 Vậy, anh chị nên làm gì nếu biết mình khiến một anh em đồng đạo tổn thương? Hãy làm theo chỉ dẫn của Chúa Giê-su là làm hòa với anh em. Hãy nói với Đức Giê-hô-va về vấn đề và nương cậy thần khí của ngài để giúp anh chị trở thành người tạo sự hòa thuận. Nếu làm thế, anh chị sẽ hạnh phúc và cho thấy mình đang nghe lời Chúa Giê-su.—Mat 5:9.

19 Chúng ta thật biết ơn vì Đức Giê-hô-va cung cấp sự chỉ dẫn yêu thương qua “đầu hội thánh” là Chúa Giê-su Ki-tô (Ê-phê 5:23). Mong sao chúng ta quyết tâm ‘nghe lời ngài’, như sứ đồ Phi-e-rơ, Gia-cơ và Giăng (Mat 17:5). Chúng ta vừa xem xét cách mình có thể làm điều đó qua việc làm hòa với một anh em mà mình gây tổn thương. Khi làm thế và tiếp tục ở trên con đường chật dẫn đến sự sống, chúng ta sẽ nhận được rất nhiều ân phước ngay bây giờ và hạnh phúc vĩnh cửu trong tương lai.

BÀI HÁT 130 Hãy tha thứ

^ đ. 5 Chúa Giê-su khuyến giục chúng ta vào cổng hẹp dẫn đến con đường sự sống. Ngài cũng bảo chúng ta làm hòa với anh em đồng đạo. Chúng ta có thể phải đối mặt với những thách đố nào khi cố gắng áp dụng lời khuyên của ngài, và làm thế nào để vượt qua?

^ đ. 7 Xem câu hỏi 6 trong sách mỏng Giải đáp 10 câu hỏi giới trẻ thắc mắc: Làm sao kháng cự áp lực bạn bè?” và hoạt hình trên bảng trắng Kháng cự áp lực từ bạn bè! tại www.pr418.com. (Vào mục KINH THÁNH GIÚP BẠN > THANH THIẾU NIÊN).

^ đ. 8 Một số tên đã được thay đổi.

^ đ. 56 HÌNH ẢNH: Bằng cách tiếp tục ở trên con đường chật và được bảo vệ bởi rào chắn mà Đức Chúa Trời cung cấp, chúng ta tránh được những mối nguy hiểm như tài liệu khiêu dâm, sự vô luân và việc đặt học vấn lên hàng đầu trong đời sống.

^ đ. 58 HÌNH ẢNH: Để làm hòa, Gia-cốp đã sấp mình nhiều lần trước mặt anh trai là Ê-sau.