Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 2

Học từ người em trai của Chúa Giê-su

Học từ người em trai của Chúa Giê-su

“Gia-cơ, là đầy tớ của Đức Chúa Trời và Chúa Giê-su Ki-tô”.—GIA 1:1.

BÀI HÁT 88 Xin dạy con biết đường lối Cha

GIỚI THIỆU *

1. Anh chị miêu tả thế nào về gia đình của Gia-cơ?

 Gia-cơ, em của Chúa Giê-su, lớn lên trong một gia đình mạnh mẽ về thiêng liêng. * Cha mẹ của ông là Giô-sép và Ma-ri rất yêu mến Đức Giê-hô-va và hết lòng phụng sự ngài. Gia-cơ có thêm một ân phước khác, đó là người anh của ông lớn lên sẽ trở thành Đấng Mê-si được hứa trước. Gia-cơ quả là có đặc ân khi được thuộc về gia đình đó!

Trong thời gian lớn lên cùng với Chúa Giê-su, Gia-cơ hiểu rất rõ về anh mình (Xem đoạn 2)

2. Gia-cơ có những lý do nào để ngưỡng mộ anh mình?

2 Gia-cơ có nhiều lý do để ngưỡng mộ anh mình (Mat 13:55). Chẳng hạn, lúc 12 tuổi, Chúa Giê-su biết rõ Kinh Thánh đến mức các thầy dạy ở Giê-ru-sa-lem phải kinh ngạc (Lu 2:46, 47). Có lẽ Gia-cơ cùng làm nghề mộc với Chúa Giê-su. Nếu vậy, hẳn ông biết anh mình rất rõ. Anh Nathan Knorr thường nói: “Chúng ta có thể biết nhiều về một người khi làm việc chung với người ấy”. * Hẳn Gia-cơ cũng nhận thấy “Chúa Giê-su ngày càng khôn ngoan, cao lớn, được đẹp lòng Đức Chúa Trời và người ta” (Lu 2:52). Vì thế, có thể chúng ta cho rằng Gia-cơ là một trong những môn đồ đầu tiên của Chúa Giê-su. Nhưng điều đó không xảy ra.

3. Gia-cơ phản ứng thế nào khi Chúa Giê-su bắt đầu làm thánh chức?

3 Trong thời gian Chúa Giê-su làm thánh chức trên đất, Gia-cơ chưa trở thành môn đồ của ngài (Giăng 7:3-5). Thực tế, có thể Gia-cơ là một trong những người thân nghĩ Chúa Giê-su bị “mất trí” (Mác 3:21). Không có bằng chứng nào cho thấy Gia-cơ ở bên mẹ ông là Ma-ri khi Chúa Giê-su bị xử tử trên cây cột.—Giăng 19:25-27.

4. Chúng ta sẽ xem xét những bài học nào?

4 Về sau, Gia-cơ đặt đức tin nơi Chúa Giê-su và trở thành một thành viên được tôn trọng trong hội thánh đạo Đấng Ki-tô. Trong bài này, chúng ta sẽ xem xét hai bài học từ gương của Gia-cơ: (1) Tại sao chúng ta cần khiêm nhường? (2) Làm thế nào để trở thành người dạy dỗ hữu hiệu?

KHIÊM NHƯỜNG NHƯ GIA-CƠ

Khi Chúa Giê-su hiện ra với Gia-cơ, Gia-cơ khiêm nhường nhìn nhận Chúa Giê-su là Đấng Mê-si. Sau đó, Gia-cơ trở thành môn đồ trung thành của Đấng Ki-tô (Xem đoạn 5-7)

5. Gia-cơ phản ứng thế nào sau khi Chúa Giê-su được sống lại hiện ra với ông?

5 Khi nào Gia-cơ trở thành môn đồ của Chúa Giê-su? Sau khi Chúa Giê-su được sống lại, “ngài hiện ra với Gia-cơ, rồi với tất cả các sứ đồ” (1 Cô 15:7). Cuộc gặp đó là bước ngoặt trong cuộc đời Gia-cơ. Ông có mặt trong căn phòng trên lầu ở Giê-ru-sa-lem khi các sứ đồ đợi để nhận thần khí thánh được hứa trước (Công 1:13, 14). Sau này, Gia-cơ có đặc ân làm thành viên của hội đồng lãnh đạo vào thế kỷ thứ nhất (Công 15:6, 13-22; Ga 2:9). Vào một thời điểm nào đó trước năm 62 CN, ông được soi dẫn để viết thư cho các tín đồ được xức dầu. Lá thư đó cũng mang lại lợi ích cho chúng ta ngày nay, dù chúng ta có hy vọng lên trời hay sống trên đất (Gia 1:1). Sử gia vào thế kỷ thứ nhất là Josephus cho biết Gia-cơ bị xử tử theo lệnh của A-na-nia, con của An-ne, là thầy tế lễ thượng phẩm Do Thái. Gia-cơ giữ trung thành với Đức Giê-hô-va cho đến khi kết thúc đời sống trên đất.

6. Gia-cơ khác với những nhà lãnh đạo tôn giáo vào thời ông như thế nào?

6 Gia-cơ là người khiêm nhường. Tại sao có thể nói như thế? Hãy xem cách phản ứng của Gia-cơ tương phản thế nào với nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo. Khi Gia-cơ có bằng chứng rõ ràng cho thấy Chúa Giê-su là Con Đức Chúa Trời, ông đã khiêm nhường hưởng ứng. Nhưng các trưởng tế ở Giê-ru-sa-lem thì không như thế. Chẳng hạn, họ không thể phủ nhận Chúa Giê-su đã làm cho La-xa-rơ sống lại. Thay vì nhìn nhận Chúa Giê-su là người đại diện cho Đức Giê-hô-va, họ tìm cách giết cả Chúa Giê-su lẫn La-xa-rơ (Giăng 11:53; 12:9-11). Sau này, khi chính Chúa Giê-su được sống lại, họ đã lập mưu để che giấu sự việc đó (Mat 28:11-15). Sự kiêu ngạo đã khiến những nhà lãnh đạo này chối bỏ Đấng Mê-si.

7. Tại sao chúng ta cần tránh kiêu ngạo?

7 Bài học: Tránh kiêu ngạo, và hãy dễ uốn nắn. Giống như một căn bệnh có thể làm cứng động mạch tim và làm cho tim khó đập, sự kiêu ngạo có thể khiến chúng ta cứng lòng và không làm theo chỉ dẫn của Đức Giê-hô-va. Người Pha-ri-si đã để cho lòng họ trở nên cứng đến mức không chịu nhìn nhận bằng chứng rõ ràng cho thấy Chúa Giê-su có thần khí của Đức Chúa Trời và là Con ngài (Giăng 12:37-40). Điều này rất nguy hiểm vì ảnh hưởng đến tương lai vĩnh cửu của họ (Mat 23:13, 33). Thật quan trọng biết bao khi chúng ta tiếp tục để Lời Đức Chúa Trời và thần khí ngài uốn nắn nhân cách và tác động đến suy nghĩ cũng như quyết định của mình! (Gia 3:17). Là người khiêm nhường, Gia-cơ đã để Đức Giê-hô-va dạy dỗ. Như chúng ta sẽ thấy, sự khiêm nhường đã giúp ông trở thành người dạy dỗ hữu hiệu.

DẠY DỖ HỮU HIỆU NHƯ GIA-CƠ

8. Điều gì sẽ giúp chúng ta trở thành người dạy dỗ hữu hiệu?

8 Gia-cơ không phải là người có trình độ học vấn ấn tượng. Hẳn những nhà lãnh đạo tôn giáo vào thời của ông xem ông là “dân thường, ít học”, giống như cách họ xem sứ đồ Phi-e-rơ và Giăng (Công 4:13). Nhưng Gia-cơ đã trở thành người dạy dỗ hữu hiệu, chúng ta thấy điều này khi đọc sách mang tên ông. Như Gia-cơ, có lẽ chúng ta có trình độ học vấn hạn chế. Dù vậy, với sự trợ giúp của thần khí Đức Giê-hô-va và sự huấn luyện hữu ích từ tổ chức của ngài, chúng ta cũng có thể trở thành người dạy dỗ hữu hiệu. Hãy xem Gia-cơ nêu gương nào trong việc dạy dỗ và chúng ta rút ra bài học nào.

9. Anh chị miêu tả thế nào về cách dạy dỗ của Gia-cơ?

9 Gia-cơ không dùng từ cao siêu hoặc lý luận phức tạp. Nhờ thế, người nghe biết họ cần làm gì và làm như thế nào. Chẳng hạn, hãy xem cách đơn giản mà Gia-cơ dạy về việc tín đồ đạo Đấng Ki-tô phải sẵn sàng chịu sự bất công mà không oán giận. Ông viết: “Chúng ta xem những người đã bền chí chịu đựng là hạnh phúc. Anh em đã nghe về sự chịu đựng của Gióp và thấy kết cuộc Đức Giê-hô-va ban cho ông, thấy rằng Đức Giê-hô-va là đấng giàu lòng trắc ẩn và thương xót” (Gia 5:11). Hãy lưu ý Gia-cơ lấy Kinh Thánh làm thẩm quyền. Ông dùng Lời Đức Chúa Trời để giúp người nghe thấy rằng Đức Giê-hô-va luôn ban thưởng cho những người trung thành với ngài, giống như Gióp. Gia-cơ cho thấy rõ điểm này qua việc dùng từ ngữ và cách lý luận đơn giản. Khi làm thế, ông hướng sự chú ý đến Đức Giê-hô-va, chứ không phải bản thân.

10. Một cách để bắt chước Gia-cơ khi dạy dỗ là gì?

10 Bài học: Giữ cho thông điệp đơn giản, và dạy từ Lời Đức Chúa Trời. Mục tiêu của chúng ta không phải là khiến người khác ấn tượng về sự hiểu biết của mình, mà khiến họ ấn tượng về sự hiểu biết của Đức Giê-hô-va và việc ngài rất quan tâm đến họ (Rô 11:33). Chúng ta có thể đạt được mục tiêu đó bằng cách luôn dạy dỗ dựa trên Lời Đức Chúa Trời. Chẳng hạn, thay vì nói với học viên là mình sẽ làm gì trong tình huống của họ, chúng ta nên giúp họ lý luận dựa trên những gương trong Kinh Thánh và nhận ra suy nghĩ cũng như cảm xúc của Đức Giê-hô-va. Rồi họ sẽ áp dụng điều học được vì muốn làm hài lòng Đức Giê-hô-va, chứ không phải chúng ta.

11. Một số tín đồ vào thời Gia-cơ đương đầu với thách đố nào, và ông đưa ra cho họ lời khuyên nào? (Gia-cơ 5:13-15)

11 Gia-cơ có cái nhìn thực tế. Qua lá thư của ông, chúng ta thấy Gia-cơ biết những thách đố mà anh em đồng đạo đang phải đương đầu, và ông chỉ dẫn rất rõ họ cần làm gì để vượt qua. Chẳng hạn, một số tín đồ thời đó chậm áp dụng lời khuyên (Gia 1:22). Có những người tỏ ra thiên vị người giàu (Gia 2:1-3). Số khác thì khó kiểm soát lời nói của mình (Gia 3:8-10). Dù những tín đồ này có vấn đề nghiêm trọng nhưng Gia-cơ không mất hy vọng nơi họ. Ông đưa ra lời khuyên một cách tử tế nhưng thẳng thắn, và khuyến khích những người đang gặp vấn đề về thiêng liêng tìm kiếm sự giúp đỡ của các trưởng lão.—Đọc Gia-cơ 5:13-15.

12. Làm thế nào để giữ thái độ tích cực khi giúp học viên Kinh Thánh?

12 Bài học: Có cái nhìn thực tế, đồng thời giữ quan điểm tích cực về người khác. Nhiều học viên Kinh Thánh thấy khó áp dụng những điều học được (Gia 4:1-4). Có lẽ họ cần thời gian để loại bỏ những tính xấu và vun trồng những phẩm chất giống như Đấng Ki-tô. Noi gương Gia-cơ, chúng ta cần can đảm để cho học viên biết những điểm họ cần cải thiện. Chúng ta cũng cần giữ thái độ tích cực, tin cậy rằng Đức Giê-hô-va sẽ kéo những người khiêm nhường đến với ngài và ban cho họ sức mạnh để thực hiện những thay đổi trong đời sống.—Gia 4:10.

13. Như Gia-cơ 3:2 và chú thích cho thấy, Gia-cơ nhận ra điều gì?

13 Gia-cơ có quan điểm đúng về bản thân. Gia-cơ không nghĩ rằng mình là người đặc biệt và cao trọng hơn anh em vì ông là em của Chúa Giê-su hoặc vì có những đặc ân phụng sự. Ông gọi các tín đồ khác là “anh em yêu dấu của tôi” (Gia 1:16, 19; 2:5). Ông không tạo ấn tượng mình là người hoàn hảo. Thay vì thế, ông nói: “Hết thảy chúng ta đều mắc lỗi nhiều lần”.—Đọc Gia-cơ 3:2 và chú thích.

14. Tại sao chúng ta cần sẵn sàng thừa nhận lỗi lầm của mình?

14 Bài học: Nhớ rằng tất cả chúng ta đều là người tội lỗi. Chúng ta không nên nghĩ mình cao trọng hơn những người mình dạy. Tại sao? Nếu chúng ta tạo ấn tượng là mình không bao giờ lầm lỗi, người ấy có thể cho rằng họ không thể nào đáp ứng được những đòi hỏi của Đức Chúa Trời. Nhưng khi thành thật thừa nhận là không luôn dễ để chúng ta áp dụng nguyên tắc Kinh Thánh và cho học viên biết Đức Giê-hô-va đã giúp mình thế nào để vượt qua thách đố, chúng ta sẽ cho học viên thấy người ấy cũng có thể phụng sự ngài.

Những minh họa của Gia-cơ rất đơn giản, rõ ràng và hữu hiệu (Xem đoạn 15, 16) *

15. Chúng ta có thể nói gì về những minh họa mà Gia-cơ dùng? (Gia-cơ 3:2-6, 10-12)

15 Gia-cơ dùng minh họa động đến lòng. Hẳn Gia-cơ được thần khí thánh trợ giúp, nhưng rất có thể ông cũng học được nhiều về cách dạy dỗ qua việc xem xét những minh họa mà anh trai mình là Chúa Giê-su đã dùng. Những minh họa mà Gia-cơ dùng trong lá thư của ông rất đơn giản và dễ nhận ra cách áp dụng.—Đọc Gia-cơ 3:2-6, 10-12.

16. Tại sao chúng ta nên dùng minh họa hữu hiệu?

16 Bài học: Dùng minh họa hữu hiệu. Khi dùng minh họa thích hợp, anh chị sẽ biến tai thành mắt. Anh chị vẽ lên hình ảnh trong trí của người nghe. Những hình ảnh này có thể giúp người nghe nhớ những sự thật quan trọng trong Kinh Thánh. Chúa Giê-su là bậc thầy trong việc dùng minh họa hữu hiệu, và em của ngài là Gia-cơ noi gương ngài. Hãy xem một minh họa của Gia-cơ và tại sao minh họa ấy rất hữu hiệu.

17. Tại sao minh họa nơi Gia-cơ 1:22-25 rất hữu hiệu?

17 Đọc Gia-cơ 1:22-25. Minh họa của Gia-cơ về chiếc gương rất hữu hiệu. Ông đang dạy một bài học cụ thể: Để nhận lợi ích từ Lời Đức Chúa Trời, chúng ta cần làm nhiều hơn là chỉ đọc sách ấy; chúng ta phải áp dụng điều mình đọc. Gia-cơ đã chọn minh họa mà người nghe dễ hiểu, đó là minh họa về một người soi gương. Bài học là gì? Thật dại dột nếu một người soi gương và thấy một điều cần điều chỉnh nhưng lại không làm gì cả. Tương tự, thật dại dột nếu đọc Lời Đức Chúa Trời và thấy điều gì đó về tính cách mà mình cần thay đổi, nhưng lại không làm gì.

18. Chúng ta cần làm ba điều nào khi dùng minh họa?

18 Khi dùng minh họa, anh chị có thể bắt chước gương của Gia-cơ bằng cách làm ba điều: (1) Hãy chắc chắn là minh họa đó phù hợp với điểm anh chị đang thảo luận. (2) Dùng minh họa mà người nghe dễ hiểu. (3) Cho thấy rõ cách áp dụng minh họa. Hãy nhớ rằng minh họa giống như mi-crô, giúp “phóng đại” điểm mà anh chị muốn làm nổi bật. Vì thế, chỉ nên dùng minh họa cho những điểm chính. Dĩ nhiên, lý do quan trọng nhất mà chúng ta muốn cải thiện kỹ năng dạy dỗ không phải là để hướng sự chú ý đến bản thân, nhưng để giúp càng nhiều người càng tốt thuộc về gia đình hạnh phúc của Đức Giê-hô-va.

19. Chúng ta cho thấy mình quý trọng gia đình thiêng liêng qua cách nào?

19 Dù không có đặc ân lớn lên cùng với một người anh hoàn hảo, nhưng chúng ta có vinh dự được phụng sự Đức Giê-hô-va cùng với đại gia đình gồm anh em đồng đạo. Chúng ta cho thấy mình yêu thương anh em bằng cách kết hợp với họ, học từ họ và trung thành phụng sự vai kề vai với họ trong công việc rao giảng và dạy dỗ. Khi nỗ lực noi gương Gia-cơ trong thái độ, hạnh kiểm và phương pháp dạy dỗ, chúng ta mang lại sự vinh hiển cho Đức Giê-hô-va và giúp những người có lòng thành đến gần Cha yêu thương trên trời.

BÀI HÁT 114 “Hãy kiên nhẫn”

^ Gia-cơ lớn lên trong cùng gia đình với Chúa Giê-su. Gia-cơ biết người Con hoàn hảo của Đức Chúa Trời rõ hơn phần lớn người ta vào thời bấy giờ. Bài này sẽ xem chúng ta học được gì từ cuộc đời và sự dạy dỗ của em trai Chúa Giê-su, cũng là một cột trụ của hội thánh đạo Đấng Ki-tô vào thế kỷ thứ nhất.

^ Để đơn giản, chúng ta sẽ gọi Gia-cơ là em của Chúa Giê-su. Thật ra, ông là em cùng mẹ khác cha của Chúa Giê-su, và hẳn là người viết lá thư mang tên mình.

^ Anh Nathan Knorr là thành viên thuộc Hội đồng Lãnh đạo. Anh kết thúc đời sống trên đất vào năm 1977.

^ HÌNH ẢNH: Gia-cơ dùng minh họa về ngọn lửa nhỏ, là điều người nghe dễ hiểu, để minh họa về mối nguy hiểm của việc lạm dụng cái lưỡi.