Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 8

Lời khuyên của anh chị có làm lòng người khác vui mừng không?

Lời khuyên của anh chị có làm lòng người khác vui mừng không?

“Dầu thơm và hương làm lòng vui mừng; tình bạn ngọt ngào đến từ lời khuyên chân tình cũng thế”.—CHÂM 27:9.

BÀI HÁT 102 “Giúp đỡ những người yếu đuối”

GIỚI THIỆU *

1, 2. Một anh đã rút ra bài học nào về việc cho lời khuyên?

Nhiều năm trước, hai trưởng lão thăm một chị không tham dự nhóm họp trong một thời gian. Anh trưởng lão dẫn đầu cuộc trò chuyện chia sẻ một số câu Kinh Thánh về việc tham dự nhóm họp. Anh nghĩ rằng cuộc viếng thăm ấy diễn ra tốt đẹp, nhưng khi anh và người đi cùng sắp rời đi, chị nói: “Các anh chẳng hiểu gì về vấn đề của tôi cả”. Các anh trưởng lão đã đưa ra lời khuyên mà không hỏi han về vấn đề và hoàn cảnh của chị. Vì thế, chị không cảm thấy lời khuyên của họ hữu ích.

2 Nhớ lại, anh trưởng lão dẫn đầu cuộc trò chuyện nói: “Lúc đó tôi nghĩ chị ấy tỏ thái độ thiếu tôn trọng. Nhưng khi suy nghĩ lại, tôi thấy mình chỉ chú tâm đến các câu Kinh Thánh để chia sẻ mà không nghĩ đến những câu hỏi mà mình nên hỏi chị ấy như: ‘Chị đang gặp khó khăn gì? Tôi có thể giúp gì không?’”. Anh trưởng lão đó đã rút ra bài học quý giá từ kinh nghiệm ấy. Hiện nay, anh là một người chăn cảm thông và hữu hiệu.

3. Ai trong hội thánh có thể cho lời khuyên?

 3 Là người chăn, các trưởng lão có trách nhiệm cho lời khuyên khi cần. Tuy nhiên, có những trường hợp mà những người khác trong hội thánh cũng cần cho lời khuyên. Chẳng hạn, một anh hay một chị có thể cho một người bạn lời khuyên dựa trên Kinh Thánh (Thi 141:5; Châm 25:12). Hoặc một chị lớn tuổi có thể “khuyên những phụ nữ trẻ tuổi hơn” về các vấn đề như được nói trong Tít 2:3-5. Dĩ nhiên, cha mẹ cần thường xuyên khuyên và sửa dạy con cái. Dù bài này đặc biệt hướng đến các trưởng lão, nhưng tất cả chúng ta đều nhận được lợi ích khi xem xét những cách để cho lời khuyên thực tế, xây dựng và ‘làm lòng người nghe vui mừng’.—Châm 27:9.

4. Chúng ta sẽ thảo luận điều gì trong bài này?

4 Trong bài này, chúng ta sẽ thảo luận bốn câu hỏi về việc cho lời khuyên: (1) Cần có động cơ đúng nào? (2) Có thật sự cần khuyên không? (3) Ai nên cho lời khuyên? (4) Làm thế nào để cho lời khuyên hữu hiệu?

CẦN CÓ ĐỘNG CƠ ĐÚNG NÀO?

5. Việc có động cơ đúng giúp một trưởng lão cho lời khuyên hữu hiệu như thế nào? (1 Cô-rinh-tô 13:4, 7)

5 Các trưởng lão yêu thương anh em đồng đạo. Đôi khi họ thể hiện tình yêu thương bằng cách khuyên một người sắp đi lạc lối (Ga 6:1). Nhưng trước khi nói chuyện với người ấy, một trưởng lão nên nghĩ đến một số khía cạnh của tình yêu thương mà sứ đồ Phao-lô đề cập. “Tình yêu thương kiên nhẫn và nhân từ... Tình yêu thương nhẫn nhịn mọi điều, tin mọi điều, hy vọng mọi điều, chịu đựng mọi điều”. (Đọc 1 Cô-rinh-tô 13:4, 7). Suy ngẫm về những câu Kinh Thánh ấy sẽ giúp trưởng lão xem xét động cơ của mình khi cho lời khuyên và đến gặp anh em với thái độ đúng. Nếu người được khuyên cảm nhận được lòng quan tâm của anh trưởng lão dành cho mình, người ấy sẽ dễ chấp nhận lời khuyên hơn.—Rô 12:10.

6. Sứ đồ Phao-lô nêu gương tốt nào?

6 Sứ đồ Phao-lô nêu gương tốt cho các trưởng lão. Chẳng hạn, khi anh em ở Tê-sa-lô-ni-ca cần được khuyên, Phao-lô không do dự làm thế. Tuy nhiên, trong những lá thư viết cho họ, trước hết Phao-lô khen về việc làm trung tín, công lao khó nhọc cùng sự chịu đựng của họ. Ông cũng nghĩ đến hoàn cảnh của họ, nhận biết rằng đời sống của họ không dễ dàng và họ đang trung thành chịu đựng sự ngược đãi (1 Tê 1:3; 2 Tê 1:4). Thậm chí, ông còn nói với họ rằng họ là gương tốt cho các tín đồ khác (1 Tê 1:8, 9). Hẳn họ vui mừng biết bao khi nhận lời khen ấm lòng của Phao-lô! Rõ ràng, Phao-lô yêu thương họ rất nhiều. Vì thế, ông có thể đưa ra lời khuyên hữu hiệu trong cả hai lá thư ông viết cho anh em ở Tê-sa-lô-ni-ca.—1 Tê 4:1, 3-5, 11; 2 Tê 3:11, 12.

7. Điều gì có thể khiến một người phản ứng tiêu cực trước lời khuyên?

7 Điều gì có thể xảy ra nếu lời khuyên không được đưa ra đúng cách? Một trưởng lão lâu năm cho biết: “Một số anh chị phản ứng tiêu cực trước lời khuyên không phải vì lời khuyên ấy có gì sai, nhưng vì không được đưa ra theo cách yêu thương”. Bài học là gì? Một người sẽ dễ chấp nhận lời khuyên hơn nếu người khuyên làm thế vì tình yêu thương chứ không phải vì bực bội.

CÓ THẬT SỰ CẦN KHUYÊN KHÔNG?

8. Một trưởng lão nên tự hỏi điều gì trước khi cho lời khuyên?

8 Các trưởng lão không nên vội cho lời khuyên. Trước khi khuyên, anh nên tự hỏi: “Mình có thật sự cần lên tiếng không? Mình có chắc chắn rằng người kia đang làm điều sai không? Điều người ấy làm có trái với Kinh Thánh không? Hay chỉ đơn giản là sự khác biệt về quan điểm?”. Điều khôn ngoan là các trưởng lão nên tránh “nói năng hấp tấp” (Châm 29:20). Nếu không chắc mình có nên khuyên hay không, anh có thể xin ý kiến của một trưởng lão khác để xem người kia có đang làm điều trái với Kinh Thánh và cần được khuyên không.—2 Ti 3:16, 17.

9. Chúng ta học được gì từ Phao-lô về cách cho lời khuyên liên quan đến trang phục và ngoại diện? (1 Ti-mô-thê 2:9, 10)

9 Hãy xem một ví dụ. Giả sử một trưởng lão băn khoăn về lựa chọn của một anh em liên quan đến trang phục và ngoại diện. Anh có thể tự hỏi: “Có lý do dựa trên Kinh Thánh để lên tiếng không?”. Để có cái nhìn khách quan, anh có thể hỏi ý kiến của một trưởng lão hoặc một công bố thành thục khác. Họ có thể cùng nhau xem xét lời khuyên của Phao-lô về trang phục và ngoại diện. (Đọc 1 Ti-mô-thê 2:9, 10). Phao-lô đưa ra một số nguyên tắc khái quát cho thấy một tín đồ nên ăn mặc thích hợp, với lòng khiêm tốn và óc suy xét. Nhưng Phao-lô không liệt kê những điều được làm và không được làm. Ông nhìn nhận rằng tín đồ đạo Đấng Ki-tô có quyền ăn mặc theo sở thích, miễn là không trái với Kinh Thánh. Vậy, để xác định có cần cho lời khuyên hay không, các trưởng lão nên xem xét lựa chọn của người ấy có phản ánh sự khiêm tốn và óc suy xét không.

10. Chúng ta cần ghi nhớ điều gì về những lựa chọn cá nhân?

10 Chúng ta cần nhớ rằng hai tín đồ thành thục có thể có những lựa chọn khác nhau, và cả hai lựa chọn đều được chấp nhận. Chúng ta không nên áp đặt tiêu chuẩn đúng sai của mình lên anh em đồng đạo.—Rô 14:10.

AI NÊN CHO LỜI KHUYÊN?

11, 12. Nếu thấy cần cho lời khuyên, một trưởng lão nên tự hỏi những câu hỏi nào, và tại sao?

11 Nếu thấy một người cần được khuyên, thì câu hỏi kế tiếp là: Ai nên cho lời khuyên? Trước khi khuyên một chị đã kết hôn hoặc một em trẻ, anh trưởng lão sẽ nói chuyện với chủ gia đình đạo Đấng Ki-tô. * Có thể người ấy muốn tự xử lý vấn đề hoặc muốn có mặt khi trưởng lão cho lời khuyên. Và như được đề cập ở  đoạn 3, có những lúc sẽ tốt hơn nếu một chị lớn tuổi khuyên một chị trẻ hơn.

12 Có một yếu tố khác cần xem xét. Một trưởng lão có thể tự hỏi: “Mình có phải là người phù hợp nhất để cho lời khuyên, hay người khác cho lời khuyên thì sẽ tốt hơn?”. Chẳng hạn, một người đang tranh đấu với cảm xúc vô giá trị có lẽ sẽ dễ chấp nhận lời khuyên hơn từ một trưởng lão từng phải đương đầu với thử thách này. Một trưởng lão từng có cảm xúc tương tự rất có thể sẽ cảm thông hơn, và những điều anh nói sẽ dễ động đến lòng người nghe hơn. Tuy nhiên, tất cả các trưởng lão đều có trách nhiệm khích lệ và thúc đẩy anh em đồng đạo thực hiện những thay đổi mà Kinh Thánh đòi hỏi. Vì thế, khi ai đó cần lời khuyên, thì điều quan trọng nhất là người ấy nhận được lời khuyên cần thiết.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ CHO LỜI KHUYÊN HỮU HIỆU?

Tại sao các trưởng lão nên “mau nghe”? (Xem đoạn 13, 14)

13, 14. Tại sao việc trưởng lão lắng nghe là điều quan trọng?

13Sẵn sàng lắng nghe. Khi chuẩn bị để cho lời khuyên, một trưởng lão nên tự hỏi: “Mình biết gì về hoàn cảnh của anh chị ấy? Điều gì đang xảy ra trong đời sống của họ? Họ có đang phải đương đầu với những thử thách mà mình không biết không? Điều họ cần nhất lúc này là gì?”.

14 Chắc chắn nguyên tắc nơi Gia-cơ 1:19 áp dụng cho những ai đưa ra lời khuyên. Gia-cơ viết: “Mỗi người phải mau nghe, chậm nói, chậm nóng giận”. Có lẽ một trưởng lão cho rằng mình đã biết mọi thông tin, nhưng anh có thật sự biết hết không? Châm ngôn 18:13 nói: “Trả lời trước khi nghe sự việc, ấy là dại dột và nhục nhã”. Cách tốt nhất để biết thông tin là trực tiếp hỏi người cần được khuyên. Điều này bao hàm việc nghe trước khi nói. Hãy nhớ bài học mà anh trưởng lão ở đầu bài đã rút ra. Anh nhận ra rằng thay vì bắt đầu cuộc viếng thăm bằng thông tin mà mình đã chuẩn bị, lẽ ra anh nên hỏi chị ấy những câu như: “Chị đang gặp khó khăn gì? Tôi có thể giúp gì không?”. Nếu dành thời gian để có đủ thông tin, các trưởng lão sẽ dễ giúp đỡ và khích lệ anh em đồng đạo hơn.

15. Các trưởng lão có thể áp dụng nguyên tắc nơi Châm ngôn 27:23 như thế nào?

15Hiểu rõ về chiên. Như được đề cập ở đầu bài, việc cho lời khuyên hữu hiệu bao hàm nhiều hơn là chỉ đọc vài câu Kinh Thánh hoặc đưa ra gợi ý. Anh em đồng đạo cần cảm nhận được rằng chúng ta quan tâm đến họ, hiểu họ và muốn giúp đỡ họ. (Đọc Châm ngôn 27:23). Các trưởng lão nên nỗ lực để vun đắp tình bạn mật thiết với anh em đồng đạo.

Điều gì giúp các trưởng lão dễ cho lời khuyên hơn? (Xem đoạn 16)

16. Điều gì giúp các trưởng lão cho lời khuyên hữu hiệu?

16 Chắc chắn các trưởng lão không muốn gây ấn tượng là mình lúc nào cũng chỉ có công việc, và chỉ đến gặp anh em khi muốn cho lời khuyên. Thay vì thế, các anh thường xuyên trò chuyện với anh em, thể hiện lòng quan tâm khi họ đương đầu với thử thách. Một trưởng lão giàu kinh nghiệm cho biết: “Khi làm thế, các anh sẽ xây đắp được tình bạn tốt. Rồi khi cần cho lời khuyên, anh sẽ thấy dễ làm thế hơn”. Người nhận lời khuyên cũng sẽ dễ chấp nhận lời khuyên hơn.

Tại sao các trưởng lão nên kiên nhẫn và nhân từ khi cho lời khuyên? (Xem đoạn 17)

17. Khi nào các trưởng lão cần đặc biệt kiên nhẫn và nhân từ?

17Hãy kiên nhẫn và nhân từ. Các trưởng lão cần đặc biệt kiên nhẫn và nhân từ khi một người lúc đầu bác bỏ lời khuyên dựa trên Kinh Thánh. Một trưởng lão cần tránh khuynh hướng bực bội nếu lời khuyên của mình không được chấp nhận hoặc áp dụng ngay. Kinh Thánh tiên tri như sau về Chúa Giê-su: “Người sẽ không bẻ cây sậy bị giập, không tắt tim đèn sắp tàn” (Mat 12:20). Vậy trong lời cầu nguyện riêng, anh trưởng lão có thể cầu xin Đức Giê-hô-va ban phước cho người được khuyên và giúp người ấy hiểu lý do mình được khuyên cũng như áp dụng lời khuyên ấy. Có lẽ người được khuyên cần thời gian để suy nghĩ về lời khuyên mà mình nhận được. Nếu các trưởng lão kiên nhẫn và nhân từ thì người được khuyên sẽ dễ tập trung vào nội dung thay vì cách khuyên. Dĩ nhiên, lời khuyên của các anh cần luôn dựa trên Lời Đức Chúa Trời.

18. (a) Liên quan đến lời khuyên, chúng ta nên ghi nhớ điều gì? (b) Như khung và hình liên quan cho thấy, cha mẹ nên thảo luận điều gì?

18Học từ lỗi lầm của mình. Chừng nào còn bất toàn, chừng nấy chúng ta sẽ không thể áp dụng các gợi ý trong bài này một cách hoàn hảo (Gia 3:2). Chúng ta sẽ mắc lỗi, nhưng khi đó, chúng ta nên cố gắng học từ lỗi lầm ấy. Nếu anh em đồng đạo cảm nhận được chúng ta yêu thương họ, rất có thể họ sẽ dễ tha thứ hơn khi chúng ta nói hoặc làm điều gì đó khiến họ tổn thương.—Cũng xem khung “ Lưu ý dành cho cha mẹ”.

CHÚNG TA ĐÃ HỌC ĐƯỢC GÌ?

19. Làm thế nào chúng ta có thể làm cho lòng anh em đồng đạo vui mừng?

19 Như vừa xem xét, không dễ để cho lời khuyên hữu hiệu. Chúng ta bất toàn, và người mà chúng ta khuyên cũng bất toàn. Hãy ghi nhớ những nguyên tắc được xem xét trong bài này. Chúng ta cần chắc chắn là mình có động cơ đúng khi cho lời khuyên. Cũng hãy đảm bảo rằng lời khuyên ấy thật sự cần thiết và mình là người thích hợp để khuyên. Trước khi cho lời khuyên, hãy đặt những câu hỏi và lắng nghe để hiểu vấn đề người ấy đang phải đối mặt. Hãy cố gắng nhìn vấn đề theo cái nhìn của người ấy. Hãy tỏ ra mềm mại và vun đắp tình bạn nồng ấm với anh em đồng đạo. Hãy ghi nhớ mục tiêu: Chúng ta không chỉ muốn cho lời khuyên hữu hiệu mà còn muốn làm cho lòng người được khuyên vui mừng.—Châm 27:9.

BÀI HÁT 103 Những anh chăn bầy—Món quà từ Đức Chúa Trời

^ đ. 5 Không phải lúc nào cũng dễ để cho lời khuyên. Khi cần làm thế, làm thế nào chúng ta có thể khuyên theo cách giúp ích và xây dựng? Bài này sẽ đặc biệt giúp các trưởng lão đưa ra lời khuyên sao cho người khác sẵn lòng đón nhận và áp dụng.

^ đ. 11 Xem bài “Hiểu rõ quyền làm đầu trong hội thánh” trong Tháp Canh tháng 2 năm 2021.