Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

KINH NGHIỆM

Tôi đã tìm được điều tốt hơn cả nghề y

Tôi đã tìm được điều tốt hơn cả nghề y

“Điều mà anh chị đang nói là ước mơ thời thơ ấu của tôi!”. Tôi hào hứng nói điều đó với hai bệnh nhân của mình vào năm 1971. Lúc ấy, tôi vừa mở phòng khám riêng đầu tiên khi mới hành nghề bác sĩ. Những bệnh nhân ấy là ai, và ước mơ của tôi là gì? Tôi xin kể lại cuộc trò chuyện đã thay đổi thứ tự ưu tiên trong đời sống tôi, và tại sao tôi tin là ước mơ thời thơ ấu của mình sẽ sớm trở thành hiện thực.

Tôi sinh năm 1941 trong một gia đình không mấy khá giả ở Paris, Pháp. Tôi rất ham học, vì thế hãy hình dung tôi thất vọng thế nào khi lên mười, tôi mắc bệnh lao và phải nghỉ học! Bác sĩ khuyên tôi nên nằm trên giường vì phổi của tôi rất yếu. Trong vài tháng đó, tôi dành thời gian để đọc từ điển và nghe chương trình phát sóng trên kênh Sorbonne của Trường Đại học Paris. Cuối cùng, khi bác sĩ bảo rằng tôi đã khỏi bệnh và có thể đi học trở lại, tôi rất đỗi vui mừng. Tôi tự nhủ: “Những điều bác sĩ làm thật tuyệt vời!”. Từ đó trở đi, tôi mơ ước được chữa bệnh cho người khác. Mỗi lần cha hỏi tôi muốn làm gì khi lớn lên, tôi đều trả lời: “Con muốn làm bác sĩ”. Vì thế, việc trở thành bác sĩ là điều quan trọng nhất trong đời sống tôi.

KHOA HỌC KÉO TÔI ĐẾN GẦN HƠN VỚI ĐỨC CHÚA TRỜI

Gia đình tôi theo đạo Công giáo. Nhưng đối với tôi, khái niệm về Đức Chúa Trời rất trừu tượng và tôi có nhiều câu hỏi chưa được giải đáp. Chỉ sau khi bắt đầu theo học ngành y tại trường đại học, tôi mới được thuyết phục rằng sự sống là do sáng tạo.

Tôi còn nhớ lần đầu tiên khi mình quan sát các tế bào hoa tulip dưới kính hiển vi. Tôi rất kinh ngạc về cách các thành phần của tế bào ấy phản ứng trước cái nóng và cái lạnh. Tôi cũng quan sát tế bào chất (là một chất bên trong tế bào) co lại khi gặp muối và giãn nở khi gặp nước tinh khiết. Những phản ứng này và vô số phản ứng khác giúp sinh vật thích nghi với sự thay đổi của môi trường. Khi quan sát sự phức tạp đáng kinh ngạc của mỗi tế bào, tôi tin chắc rằng sự sống không phải là ngẫu nhiên.

Trong năm thứ hai đại học, tôi thấy thêm những bằng chứng cho thấy Đức Chúa Trời hiện hữu. Trong lớp nghiên cứu về cơ thể người, chúng tôi xem xét cách cấu trúc của cẳng tay con người giúp chúng ta gập lại hoặc duỗi các ngón tay. Vị trí và cách hoạt động của các cơ, dây chằng và gân là bằng chứng cho thấy một sự thiết kế đáng kinh ngạc. Chẳng hạn, tôi học được rằng có các gân nối một trong những cơ cẳng tay với xương thứ hai của ngón tay. Những gân này rẽ làm hai, tạo thành “chiếc cầu” để các gân khác, là các gân kéo dài đến đầu ngón tay, chạy phía dưới và giữ đúng vị trí. Các mô mạnh cũng giữ cho gân dính với các xương ngón tay. Nếu không có những cơ chế này, các gân trong bàn tay sẽ giống như dây cung tên bị căng. Tôi nhận ra rằng đằng sau sự thiết kế cơ thể người là một sự khôn ngoan tột bậc.

Tôi càng thán phục Đấng Thiết Kế sự sống hơn khi nghiên cứu về quá trình sinh nở. Tôi học được rằng một bào thai sẽ nhận ô-xy từ mẹ qua dây rốn. Vì thế, các phế nang của thai nhi, tức những cấu trúc nhỏ có hình quả bóng nằm bên trong phổi, chưa có đầy không khí. Vài tuần trước khi em bé chào đời, các phế nang được lót một chất lỏng bên trong gọi là chất hoạt động bề mặt. Rồi khi em bé chào đời, một chuỗi các hoạt động kỳ diệu diễn ra giúp em bé thở hơi thở đầu tiên. Một lỗ trong tim em bé đóng lại; điều này buộc máu phải chảy đến phổi. Vào thời khắc quan trọng ấy, chất hoạt động bề mặt sẽ ngăn bề mặt của các phế nang dính lại với nhau và các phế nang nhanh chóng được làm cho đầy khí. Ngay lập tức, em bé có thể tự thở.

Vì muốn tìm hiểu về đấng đã tạo ra những điều tuyệt vời ấy, nên tôi bắt đầu đọc Kinh Thánh một cách nghiêm túc. Tôi kinh ngạc trước những điều luật về vệ sinh trong giao ước mà Đức Chúa Trời lập với dân Y-sơ-ra-ên cách đây hơn 3.000 năm. Đức Chúa Trời bảo dân Y-sơ-ra-ên lấp phân lại sau khi đi vệ sinh, tắm rửa thường xuyên và cách ly bất cứ ai có dấu hiệu bị bệnh truyền nhiễm (Lê 13:50; 15:11; Phục 23:13). Kinh Thánh đã đề cập về những điều ấy trong khi phải đến những thế kỷ gần đây khoa học mới phát hiện ra bệnh tật lây lan như thế nào. Tôi cũng nhận ra rằng các điều luật về tính dục được ghi trong sách Lê-vi góp phần vào việc bảo vệ sức khỏe của toàn thể dân Y-sơ-ra-ên (Lê 12:1-6; 15:16-24). Tôi kết luận rằng Đấng Tạo Hóa ban những luật này cho dân Y-sơ-ra-ên vì lợi ích của họ và ngài ban phước cho những người vâng theo mệnh lệnh của ngài. Tôi được thuyết phục là Kinh Thánh được soi dẫn bởi Đức Chúa Trời, đấng mà tôi chưa biết tên vào lúc đó.

GẶP ĐƯỢC BẠN ĐỜI VÀ TÌM THẤY ĐỨC GIÊ-HÔ-VA

Tôi và Lydie vào ngày cưới, ngày 3-4-1965

Khi đang học đại học để theo đuổi ngành y, tôi gặp một chị trẻ tên Lydie và đem lòng yêu cô ấy. Chúng tôi kết hôn năm 1965 khi tôi học được một nửa khóa học. Đến năm 1971, chúng tôi đã có ba người con, và sau này có thêm ba cháu nữa. Lydie là người vợ tuyệt vời và hết lòng hỗ trợ tôi cả trong công việc làm bác sĩ lẫn trong gia đình.

Tôi làm việc ở một bệnh viện trong ba năm trước khi mở phòng khám riêng. Không lâu sau đó, một cặp vợ chồng, tức hai bệnh nhân được đề cập ở đầu bài, đến chữa bệnh. Khi tôi đang kê đơn thuốc cho người chồng thì người vợ nói: “Xin bác sĩ đừng kê đơn thuốc có thành phần của máu”. Tôi ngạc nhiên hỏi: “Vậy hả? Tại sao?”. Cô ấy đáp: “Chúng tôi là Nhân Chứng Giê-hô-va”. Tôi chưa bao giờ nghe về Nhân Chứng Giê-hô-va hay lập trường của họ về máu. Người phụ nữ lấy Kinh Thánh ra và mở đến những câu cho thấy lý do họ quyết định không dùng máu (Công 15:28, 29). Rồi vợ chồng cô ấy cho tôi xem những điều mà Nước Đức Chúa Trời sẽ thực hiện; Nước đó sẽ loại bỏ sự đau khổ, bệnh tật và cái chết (Khải 21:3, 4). Tôi thốt lên: “Điều mà anh chị đang nói là ước mơ thời thơ ấu của tôi! Tôi trở thành bác sĩ để giúp những người đau bệnh”. Tôi hào hứng đến mức chúng tôi nói chuyện trong suốt một tiếng rưỡi. Đến lúc cặp vợ chồng ấy rời đi, tôi không còn muốn theo đạo Công giáo nữa, và tôi biết rằng Đấng Tạo Hóa mà mình rất thán phục có tên là Giê-hô-va!

Tôi gặp vợ chồng Nhân Chứng ấy ba lần tại phòng khám của mình, và mỗi lần chúng tôi nói chuyện hơn một tiếng. Tôi mời họ đến nhà để có thêm thời gian thảo luận về Kinh Thánh. Dù Lydie đồng ý ngồi cùng chúng tôi khi tôi tìm hiểu Kinh Thánh, nhưng cô ấy không thừa nhận một số giáo lý Công giáo mà chúng tôi được dạy là sai. Vì thế, tôi mời một linh mục đến nhà. Chúng tôi dùng Kinh Thánh để tranh luận về một số dạy dỗ của nhà thờ đến tận tối khuya. Cuộc thảo luận đó thuyết phục Lydie tin rằng Nhân Chứng Giê-hô-va đang dạy sự thật. Sau đó, tình yêu thương của chúng tôi dành cho Đức Giê-hô-va lớn mạnh đến mức chúng tôi báp-têm vào năm 1974.

ĐẶT ĐỨC GIÊ-HÔ-VA LÊN HÀNG ĐẦU

Những gì tôi học về ý định của Đức Chúa Trời dành cho nhân loại tác động mạnh mẽ đến thứ tự ưu tiên của tôi. Việc phụng sự Đức Giê-hô-va trở thành trọng tâm trong đời sống của vợ chồng tôi. Chúng tôi quyết tâm nuôi dạy con cái theo tiêu chuẩn Kinh Thánh. Chúng tôi dạy các con yêu mến Đức Chúa Trời và người lân cận. Điều đó giúp gia đình chúng tôi gắn bó với nhau.—Mat 22:37-39.

Vợ chồng chúng tôi thường cười với nhau khi nhớ lại cách dạy dỗ thống nhất của mình tác động thế nào đến các con. Chúng biết rằng chỉ dẫn của Chúa Giê-su là “khi anh em nói: ‘Có’ thì phải là có, nói: ‘Không’ thì phải là không” là nội quy trong gia đình chúng tôi (Mat 5:37). Chẳng hạn, khi con gái đầu lòng của chúng tôi 17 tuổi, Lydie không cho cháu đi chơi với một nhóm người trẻ. Một bạn trong nhóm ấy nói với cháu rằng: “Nếu mẹ cậu không cho thì hỏi cha cậu đi!”. Nhưng cháu đáp lại: “Làm thế cũng chẳng ích gì. Cha mẹ tớ luôn thống nhất với nhau”. Thật vậy, các con chúng tôi biết chúng tôi hợp nhất trong việc áp dụng nguyên tắc Kinh Thánh. Chúng tôi rất biết ơn Đức Giê-hô-va vì ngày nay nhiều thành viên trong đại gia đình chúng tôi phụng sự ngài.

Dù chân lý đã thay đổi thứ tự ưu tiên của tôi, nhưng tôi muốn dùng những điều mình học được trong ngành y để mang lại lợi ích cho dân Đức Chúa Trời. Vì thế, tôi tình nguyện phụng sự với tư cách là bác sĩ tại Bê-tên ở Paris và sau này là tại Bê-tên mới ở Louviers. Tôi đã làm việc bán thời gian cho Bê-tên đến nay gần 50 năm. Trong thời gian ấy, tôi kết bạn với nhiều anh chị yêu dấu trong gia đình Bê-tên, một số anh chị hiện đã ngoài 90. Tôi cũng rất vui và ngạc nhiên khi ngày nọ gặp một thành viên Bê-tên mới và được biết rằng tôi là bác sĩ đỡ đẻ khi anh ấy chào đời khoảng 20 năm trước!

TÔI ĐÃ THẤY ĐỨC GIÊ-HÔ-VA CHĂM SÓC CHO DÂN NGÀI NHIỀU ĐẾN MỨC NÀO

Qua nhiều năm, tình yêu thương của tôi dành cho Đức Giê-hô-va lớn mạnh hơn khi tôi thấy cách ngài hướng dẫn và bảo vệ dân ngài qua tổ chức của ngài. Vào đầu thập niên 1980, Hội đồng Lãnh đạo đã sắp đặt một chương trình tại Hoa Kỳ để giúp các y bác sĩ hiểu rõ hơn lập trường về máu của các bệnh nhân là Nhân Chứng.

Rồi vào năm 1988, Hội đồng Lãnh đạo thành lập một ban mới ở Bê-tên gọi là Dịch vụ Thông tin Bệnh viện. Lúc đầu, ban này giám sát công việc của các Ủy ban Liên lạc Bệnh viện được thành lập tại Hoa Kỳ để giúp các bệnh nhân là Nhân Chứng tìm được bác sĩ tôn trọng lập trường của họ về máu. Khi sắp đặt này được mở rộng ra toàn cầu, các Ủy ban Liên lạc Bệnh viện được thành lập ở Pháp. Tôi khâm phục khi thấy cách tổ chức Đức Giê-hô-va yêu thương hỗ trợ những anh em bị bệnh đang cần sự giúp đỡ!

MƠ ƯỚC THÀNH HIỆN THỰC

Chúng tôi tiếp tục vui mừng rao giảng tin mừng về Nước Trời

Nghề y từng là điều quan trọng nhất trong đời sống tôi. Nhưng khi xem xét thứ tự ưu tiên của mình, tôi nhận ra rằng công việc chữa lành quan trọng nhất là về mặt thiêng liêng, giúp người ta hòa thuận lại với Nguồn của sự sống là Đức Giê-hô-va. Sau khi tôi nghỉ hưu, vợ chồng tôi làm tiên phong đều đều và dành nhiều giờ mỗi tháng để chia sẻ tin mừng về Nước Trời. Chúng tôi vẫn đang tham gia hết sức vào công việc cứu mạng này.

Với Lydie, năm 2021

Tôi tiếp tục làm những gì có thể để giúp đỡ người bị bệnh. Nhưng tôi nhận ra rằng ngay cả một bác sĩ giỏi nhất cũng không thể chữa lành mọi bệnh tật hay ngăn cản cái chết. Vì thế, tôi trông mong đến thời điểm không còn sự đau đớn, bệnh tật và cái chết. Trong thế giới mới sắp đến, tôi sẽ có cơ hội học thêm về sự sáng tạo của Đức Chúa Trời cho đến mãi mãi, bao gồm sự thiết kế kỳ diệu của cơ thể người. Thật vậy, mơ ước thời thơ ấu của tôi chỉ mới trở thành hiện thực một phần. Tôi tin chắc rằng điều tốt nhất đang ở phía trước!