Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 12

Anh chị có thấy điều Xa-cha-ri thấy không?

Anh chị có thấy điều Xa-cha-ri thấy không?

“‘Bởi thần khí ta’. Đức Giê-hô-va vạn quân phán vậy”.​—XA 4:6.

BÀI HÁT 73 Xin giúp chúng con dạn dĩ

GIỚI THIỆU *

1. Triển vọng hào hứng nào đang đón đợi người Do Thái bị lưu đày?

 Bầu không khí phấn khởi bao trùm khắp nơi. Đức Giê-hô-va đã “giục tinh thần vua Si-ru của Ba Tư” để phóng thích dân Y-sơ-ra-ên, là những người bị phu tù ở Ba-by-lôn hàng thập kỷ. Vua đã ra chiếu chỉ cho dân Do Thái trở về quê hương “và xây lại nhà của Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên” (Ê-xơ-ra 1:1, 3). Thật hào hứng! Điều này có nghĩa là sự thờ phượng Đức Chúa Trời thật sẽ được khôi phục tại vùng đất mà ngài đã ban cho dân ngài.

2. Những người bị lưu đày hồi hương đạt được thành công ban đầu nào?

2 Vào năm 537 TCN, những người bị lưu đày đầu tiên trở về Giê-ru-sa-lem, nơi từng là thủ đô của Giu-đa, vương quốc phía nam. Những người Do Thái hồi hương nhanh chóng bắt tay vào việc xây lại đền thờ, và đến năm 536 TCN, họ đã đặt xong nền đền thờ!

3. Người Do Thái đối mặt với sự chống đối nào?

3 Tuy nhiên, khi người Do Thái bắt đầu xây lại đền thờ, họ đối mặt với sự chống đối dữ dội. Các dân xung quanh “cứ làm dân Giu-đa nản lòng và thoái chí để từ bỏ việc xây cất” (Ê-xơ-ra 4:4). Không chỉ thế, tình hình ngày càng tệ hơn. Vào năm 522 TCN, một vua mới của Ba Tư là Ạt-ta-xét-xe lên nắm quyền. * Những kẻ chống đối xem sự thay đổi quyền cai trị này là cơ hội để chấm dứt vĩnh viễn công việc xây cất đền thờ bằng cách “nhân danh luật pháp mưu toan gây hại” (Thi 94:20). Họ nói với vua Ạt-ta-xét-xe rằng những người Do Thái đang lên kế hoạch để chống lại vua (Ê-xơ-ra 4:11-16). Vua tin lời dối trá ấy và ra lệnh cấm công việc xây cất đền thờ (Ê-xơ-ra 4:17-23). Vì thế, công việc xây cất bị đình chỉ.—Ê-xơ-ra 4:24.

4. Đức Giê-hô-va đã làm gì khi công việc xây lại đền thờ bị chống đối? (Ê-sai 55:11)

4 Dân các xứ xung quanh và một số người thuộc chính quyền Ba Tư quyết tâm dừng công việc xây lại đền thờ. Nhưng Đức Giê-hô-va muốn công việc xây cất tiếp tục tiến triển, và ngài luôn thực hiện ý định của ngài. (Đọc Ê-sai 55:11). Ngài dấy lên một nhà tiên tri can đảm tên Xa-cha-ri và ban cho ông tám khải tượng hào hứng. Ông phải chia sẻ những khải tượng này với dân Do Thái để họ được khích lệ. Những khải tượng an ủi này giúp họ thấy rằng họ không cần phải sợ những kẻ chống đối và khuyến giục họ tiếp tục thực hiện công việc của Đức Giê-hô-va. Trong khải tượng thứ năm, Xa-cha-ri thấy một chân đèn và hai cây ô-liu.

5. Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài này?

5 Tất cả chúng ta đều có lúc nản lòng. Vì thế, chúng ta có thể nhận được lợi ích từ sự khích lệ mà Đức Giê-hô-va ban cho dân Y-sơ-ra-ên qua khải tượng thứ năm của Xa-cha-ri. Việc hiểu khải tượng này có thể giúp chúng ta trung thành phụng sự Đức Giê-hô-va khi đương đầu với sự chống đối, khi đối mặt với sự thay đổi và khi nhận chỉ dẫn mà mình không hiểu.

ĐƯƠNG ĐẦU VỚI SỰ CHỐNG ĐỐI

Xa-cha-ri thấy một khải tượng về hai cây ô-liu cung cấp dầu cho một chân đèn có bảy ngọn đèn (Xem đoạn 6)

6. Làm thế nào khải tượng về chân đèn và hai cây ô-liu nơi Xa-cha-ri 4:1-3 giúp người Do Thái có lòng can đảm? (Xem hình nơi trang bìa).

6 Đọc Xa-cha-ri 4:1-3. Khải tượng về chân đèn và hai cây ô-liu đã giúp người Do Thái có lòng can đảm để vượt qua sự chống đối. Như thế nào? Hãy để ý là chân đèn có một nguồn dầu chảy liên tục. Dầu từ hai cây ô-liu chảy xuống một cái bát, rồi dầu từ cái bát ấy chảy xuống bảy cái đèn, từng cái một. Dầu này giữ cho các đèn cháy liên tục. Xa-cha-ri hỏi: “Những thứ đó có nghĩa gì?”. Thiên sứ trả lời bằng thông điệp từ Đức Giê-hô-va: “‘Chẳng bởi quân lực, chẳng bởi quyền lực, nhưng bởi thần khí ta’. Đức Giê-hô-va vạn quân phán vậy” (Xa 4:4, 6). Dầu từ hai cây ô-liu này tượng trưng cho thần khí thánh mạnh mẽ của Đức Giê-hô-va, một nguồn vô tận. Mọi sức mạnh quân sự của đế quốc Ba Tư chẳng là gì so với quyền năng của thần khí Đức Chúa Trời. Có Đức Giê-hô-va đứng về phía mình, những người xây cất đền thờ có thể vượt qua bất cứ sự chống đối nào và hoàn tất công việc. Quả là một thông điệp khích lệ! Tất cả những gì người Do Thái cần làm là tin cậy Đức Giê-hô-va và trở lại công việc. Và họ đã làm thế, dù lệnh cấm vẫn có hiệu lực.

7. Sự thay đổi nào đã mang lại sự nhẹ nhõm cho những người xây cất đền thờ?

7 Một sự thay đổi đã mang lại sự nhẹ nhõm phần nào cho những người xây cất đền thờ. Đó là sự thay đổi nào? Vào năm 520 TCN, một vua mới cai trị Ba Tư là vua Đa-ri-út I. Trong năm thứ hai của triều đại, vua phát hiện rằng lệnh cấm việc xây cất đền thờ là bất hợp pháp. Rồi vua Đa-ri-út ban chiếu chỉ để hoàn tất công việc (Ê-xơ-ra 6:1-3). Riêng tin đó thôi cũng đủ làm mọi người ngạc nhiên, nhưng không chỉ có thế. Vua còn ban lệnh cho các dân xung quanh ngừng can thiệp vào công việc xây lại đền thờ và phải cung cấp tiền cũng như những thứ cần thiết để hỗ trợ công việc ấy! (Ê-xơ-ra 6:7-12). Kết quả là người Do Thái hoàn tất việc xây lại đền thờ khoảng bốn năm sau, vào năm 515 TCN.—Ê-xơ-ra 6:15.

Nương cậy nơi sức mạnh của Đức Giê-hô-va khi đối mặt với sự chống đối (Xem đoạn 8)

8. Tại sao anh chị không cần phải sợ khi đương đầu với sự chống đối?

8 Ngày nay, nhiều người thờ phượng Đức Giê-hô-va cũng đương đầu với sự chống đối. Chẳng hạn, một số anh chị sống tại những nước mà công việc của chúng ta bị hạn chế. Tại những nước như thế, anh em có thể bị bắt và “bị giải đến trước mặt vua chúa và quan quyền” để làm chứng cho họ (Mat 10:17, 18). Đôi khi sự thay đổi quyền cai trị có thể giúp anh em có nhiều tự do hơn. Hoặc một thẩm phán công bằng có thể đưa ra phán quyết có lợi cho công việc của chúng ta. Một số Nhân Chứng thì đối mặt với sự chống đối khác. Họ sống tại một nước có tự do để thờ phượng Đức Giê-hô-va, nhưng họ phải đối mặt với sự chống đối từ người thân muốn ngăn họ phụng sự ngài (Mat 10:32-36). Trong nhiều trường hợp, khi những người chống đối nhận ra nỗ lực của họ là vô ích thì họ ngừng làm thế. Có một số người từng chống đối dữ dội sau này trở thành những Nhân Chứng sốt sắng. Khi anh chị đương đầu với sự chống đối, đừng bỏ cuộc! Hãy can đảm. Anh chị có sự hỗ trợ của Đức Giê-hô-va và thần khí thánh mạnh mẽ của ngài, nên anh chị không cần phải sợ!

ĐỐI MẶT VỚI SỰ THAY ĐỔI

9. Tại sao một số người Do Thái thất vọng khi thấy nền của đền thờ mới?

9 Khi nền của đền thờ mới được lập, một số người Do Thái lớn tuổi đã khóc (Ê-xơ-ra 3:12). Họ từng được thấy đền thờ vinh hiển do Sa-lô-môn xây, và họ nghĩ rằng đền thờ mới sẽ “không ra gì so với” đền thờ trước đây (Ha-gai 2:2, 3). Họ rất buồn khi thấy sự tương phản giữa đền thờ mới và đền thờ cũ. Khải tượng của Xa-cha-ri sẽ giúp họ có lại niềm vui. Như thế nào?

10. Làm thế nào những lời của thiên sứ nơi Xa-cha-ri 4:8-10 giúp người Do Thái có lại niềm vui?

10 Đọc Xa-cha-ri 4:8-10. Ý của thiên sứ là gì khi nói người Do Thái sẽ “vui mừng và được thấy dây dọi trong tay [quan tổng đốc người Do Thái] Xô-rô-ba-bên”? Dây dọi là công cụ để xác định xem một vật có đạt tiêu chuẩn thẳng đứng hay không. Như vậy, thiên sứ đang trấn an dân Đức Chúa Trời rằng dù đền thờ trông có vẻ khiêm tốn đối với một số người, nhưng nó sẽ được hoàn tất và đáp ứng tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va. Ngài sẽ hài lòng với đền thờ ấy, vì thế họ cũng nên hài lòng. Điều quan trọng đối với Đức Giê-hô-va là sự thờ phượng tại đền thờ mới sẽ phù hợp với đòi hỏi của ngài. Nếu người Do Thái tập trung vào việc làm hài lòng Đức Giê-hô-va và thờ phượng ngài theo cách được ngài chấp nhận, họ sẽ có lại niềm vui.

Vun trồng cái nhìn tích cực về hoàn cảnh mới (Xem đoạn 11, 12) *

11. Một số người thờ phượng Đức Giê-hô-va phải đối mặt với thách đố nào?

11 Sự thay đổi là thách đố với nhiều người trong chúng ta. Một số người phụng sự lâu năm trong công tác đặc biệt đã nhận sự thay đổi về nhiệm sở. Số khác vì tuổi tác nên phải ngưng một đặc ân mà họ rất quý. Việc cảm thấy thất vọng khi trải qua sự thay đổi như thế là điều bình thường. Lúc đầu, có lẽ chúng ta không hiểu hết hoặc không đồng ý với quyết định ấy. Chúng ta có thể nhớ những ngày trước đó. Có lẽ chúng ta thấy nản lòng, nghĩ rằng trong hoàn cảnh mới, mình không thể làm nhiều cho Đức Giê-hô-va (Châm 24:10). Làm thế nào khải tượng của Xa-cha-ri giúp chúng ta tiếp tục dâng cho Đức Chúa Trời điều tốt nhất mình có?

12. Làm thế nào khải tượng của Xa-cha-ri giúp chúng ta đương đầu với nỗi thất vọng khi hoàn cảnh thay đổi?

12 Chúng ta sẽ dễ đương đầu với sự thay đổi hơn khi nhìn sự việc theo quan điểm của Đức Giê-hô-va. Ngài đang thực hiện những điều vĩ đại ngày nay, và chúng ta có đặc ân có một không hai là cùng làm việc với ngài (1 Cô 3:9). Nhiệm vụ của chúng ta có thể thay đổi, nhưng tình yêu thương Đức Giê-hô-va dành cho chúng ta thì không. Vì thế, nếu một sự thay đổi trong tổ chức ảnh hưởng đến cá nhân chúng ta, hãy tránh nghĩ mãi về lý do có sự thay đổi ấy. Thay vì cứ hoài niệm về “ngày trước”, hãy cầu xin Đức Giê-hô-va giúp anh chị thấy mặt tích cực của sự thay đổi (Truyền 7:10). Thay vì nghĩ về những điều anh chị không thể làm nữa, hãy nghĩ đến mọi điều anh chị có thể làm. Qua khải tượng của Xa-cha-ri, chúng ta học được tầm quan trọng của việc giữ thái độ tích cực. Nhờ thế, chúng ta sẽ giữ được niềm vui và lòng trung thành ngay cả khi hoàn cảnh thay đổi.

KHI THẤY KHÓ LÀM THEO CHỈ DẪN

13. Tại sao một số người Y-sơ-ra-ên có lẽ nghĩ rằng chỉ dẫn xây lại đền thờ là thiếu khôn ngoan?

13 Việc xây lại đền thờ đã bị cấm. Dù vậy, thầy tế lễ thượng phẩm Giê-sua (Giô-suê) và quan tổng đốc Xô-rô-ba-bên, là những người nam được bổ nhiệm để dẫn đầu, vẫn “bắt đầu xây lại nhà Đức Chúa Trời” (Ê-xơ-ra 5:1, 2). Đối với một số người Do Thái, có lẽ quyết định đó là thiếu khôn ngoan. Người Do Thái không thể giấu việc họ đang xây lại đền thờ, và hẳn kẻ thù sẽ làm mọi điều để ngăn cản công việc. Hai người dẫn đầu là Giô-suê và Xô-rô-ba-bên cần được trấn an rằng họ có sự hỗ trợ của Đức Giê-hô-va, và họ đã nhận được sự trấn an ấy. Như thế nào?

14. Theo Xa-cha-ri 4:12, 14, thầy tế lễ thượng phẩm Giô-suê và quan tổng đốc Xô-rô-ba-bên nhận được sự trấn an nào?

14 Đọc Xa-cha-ri 4:12, 14. Trong phần này của khải tượng của Xa-cha-ri, thiên sứ tiết lộ cho nhà tiên tri trung thành của Đức Chúa Trời rằng hai cây ô-liu tượng trưng cho “hai người được xức dầu”, tức Giô-suê và Xô-rô-ba-bên. Theo nghĩa bóng, hai người ấy đang “đứng bên Chúa của cả trái đất” là Đức Giê-hô-va. Quả là đặc ân đối với họ! Đức Giê-hô-va tin cậy họ. Vì thế, người Y-sơ-ra-ên có mọi lý do để tin cậy quyết định của hai người ấy và sự chỉ dẫn của Đức Chúa Trời, dù chỉ dẫn đó là gì đi nữa.

15. Làm thế nào chúng ta cho thấy mình tôn trọng chỉ dẫn của Đức Giê-hô-va trong Lời ngài?

15 Một cách mà Đức Giê-hô-va tiếp tục ban sự chỉ dẫn cho dân ngài ngày nay là qua Lời ngài, tức Kinh Thánh. Trong sách thánh ấy, ngài cho chúng ta biết cách thờ phượng được ngài chấp nhận. Làm thế nào chúng ta cho thấy mình tôn trọng chỉ dẫn trong Lời Đức Chúa Trời? Bằng cách đọc kỹ và dành thời gian để hiểu những điều được ghi trong đó. Hãy tự hỏi: “Khi đọc Kinh Thánh hoặc một ấn phẩm, mình có ngừng lại và suy ngẫm không? Mình có tra cứu những sự thật Kinh Thánh ‘khó hiểu’ không? Hay mình chỉ đọc lướt qua?” (2 Phi 3:16). Nếu dành thời gian suy ngẫm những điều Đức Giê-hô-va đang dạy mình, chúng ta sẽ có thể vâng theo chỉ dẫn của ngài và thực hiện công việc rao giảng.—1 Ti 4:15, 16.

Tin cậy chỉ dẫn anh chị nhận được từ “đầy tớ trung tín và khôn ngoan” (Xem đoạn 16) *

16. Khi không hiểu rõ chỉ dẫn mình nhận được từ “đầy tớ trung tín và khôn ngoan”, điều gì sẽ giúp chúng ta vâng theo chỉ dẫn ấy?

16 Một cách khác mà Đức Giê-hô-va cung cấp chỉ dẫn là qua “đầy tớ trung tín và khôn ngoan” (Mat 24:45). Đôi khi đầy tớ này có thể đưa ra chỉ dẫn mà chúng ta không hiểu rõ. Chẳng hạn, chúng ta có thể nhận chỉ dẫn cụ thể giúp mình chuẩn bị để đương đầu với một thảm họa thiên nhiên mà mình nghĩ sẽ không xảy ra trong khu vực của mình. Hoặc chúng ta có thể cảm thấy đầy tớ này quá thận trọng trong đại dịch. Chúng ta nên làm gì khi cảm thấy những chỉ dẫn mình nhận được không thực tế? Chúng ta có thể nghĩ đến những lợi ích mà dân Y-sơ-ra-ên nhận được khi làm theo chỉ dẫn của Giô-suê và Xô-rô-ba-bên. Chúng ta cũng có thể nghĩ đến những lời tường thuật khác mà mình đã đọc. Đôi khi dân Đức Chúa Trời nhận được chỉ dẫn có vẻ không thực tế theo quan điểm của con người nhưng lại giúp cứu mạng họ.—Quan 7:7; 8:10.

THẤY ĐIỀU XA-CHA-RI THẤY

17. Khải tượng về chân đèn và hai cây ô-liu có tác động nào đến người Do Thái?

17 Khải tượng thứ năm của Xa-cha-ri chỉ ngắn thôi, nhưng đã giúp người Do Thái có cái nhìn mới về công việc và sự thờ phượng của họ. Khi hành động phù hợp với những gì Xa-cha-ri thấy, họ cảm nghiệm được Đức Giê-hô-va yêu thương hỗ trợ và chỉ dẫn họ. Qua thần khí thánh mạnh mẽ, Đức Giê-hô-va giúp họ tiếp tục công việc và có lại niềm vui.—Ê-xơ-ra 6:16.

18. Khải tượng của Xa-cha-ri có thể tác động thế nào đến anh chị?

18 Khải tượng của Xa-cha-ri về chân đèn và hai cây ô-liu có thể tác động mạnh mẽ đến đời sống anh chị. Như đã thảo luận, khải tượng ấy có thể giúp anh chị có sức mạnh để đương đầu với sự chống đối, niềm vui để đối mặt với hoàn cảnh thay đổi và lòng tin cậy để vâng theo những chỉ dẫn mà anh chị không hiểu. Anh chị nên làm gì khi đương đầu với thử thách trong đời sống? Trước hết, anh chị cần thấy điều Xa-cha-ri thấy, tức bằng chứng là Đức Giê-hô-va đang chăm sóc dân ngài. Sau đó, hãy hành động phù hợp với điều anh chị thấy bằng cách tin cậy Đức Giê-hô-va và tiếp tục thờ phượng ngài hết lòng (Mat 22:37). Nếu anh chị làm thế, Đức Giê-hô-va sẽ giúp anh chị vui mừng phụng sự ngài mãi mãi.—Cô 1:10, 11.

BÀI HÁT 7 Đức Giê-hô-va, ngài là sức mạnh của chúng con

^ đ. 5 Đức Giê-hô-va ban cho nhà tiên tri Xa-cha-ri một loạt khải tượng hào hứng. Điều Xa-cha-ri thấy giúp ông và dân của Đức Giê-hô-va có sức mạnh để vượt qua những thử thách mà họ đối mặt khi khôi phục sự thờ phượng thanh sạch. Những khải tượng ấy cũng có thể giúp chúng ta trung thành phụng sự Đức Giê-hô-va bất kể thử thách. Bài này sẽ xem xét những bài học quý giá mà chúng ta có thể rút ra từ khải tượng của Xa-cha-ri nói về chân đèn và những cây ô-liu.

^ đ. 3 Nhiều năm sau, vào thời quan tổng đốc Nê-hê-mi, một vua khác cũng tên là Ạt-ta-xét-xe đối xử rất nhân từ với người Do Thái.

^ đ. 60 HÌNH ẢNH: Một anh thấy mình cần thích nghi với hoàn cảnh thay đổi vì giờ đây anh đã lớn tuổi và có vấn đề về sức khỏe.

^ đ. 62 HÌNH ẢNH: Một chị suy ngẫm về việc Đức Giê-hô-va đang hỗ trợ “đầy tớ trung tín và khôn ngoan”, như ngài đã làm với Giô-suê và Xô-rô-ba-bên.