Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 13

Sự thờ phượng thật mang lại hạnh phúc

Sự thờ phượng thật mang lại hạnh phúc

“Lạy Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng con, ngài xứng đáng nhận sự vinh hiển, tôn kính và quyền năng”.—KHẢI 4:11.

BÀI HÁT 31 Hãy bước đi với Đức Chúa Trời!

GIỚI THIỆU *

1, 2. Khi nào sự thờ phượng của chúng ta được Đức Chúa Trời chấp nhận?

 Anh chị nghĩ đến điều gì khi nghe từ “thờ phượng”? Có lẽ anh chị hình dung một anh em khiêm nhường đang quỳ gối bên giường và dốc đổ lòng mình trong lời cầu nguyện tha thiết. Hoặc anh chị nghĩ đến một gia đình đang vui vẻ cùng nhau học Kinh Thánh.

2 Những anh chị trong cả hai trường hợp trên đều đang tham gia hoạt động thờ phượng. Đức Giê-hô-va sẽ chấp nhận sự thờ phượng của họ không? Ngài sẽ chấp nhận sự thờ phượng đó nếu họ cố gắng làm theo ý định của ngài, đồng thời yêu thương và tôn kính ngài. Chúng ta yêu mến Đức Giê-hô-va rất nhiều. Chúng ta biết rằng ngài xứng đáng được thờ phượng, và chúng ta muốn sự thờ phượng của mình có chất lượng tốt nhất có thể.

3. Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài này?

3 Trong bài này, chúng ta sẽ xem xét sự thờ phượng mà Đức Giê-hô-va chấp nhận vào thời xưa và tám khía cạnh của sự thờ phượng được ngài chấp nhận ngày nay. Khi làm thế, hãy nghĩ xem làm thế nào mình có thể cải thiện chất lượng sự thờ phượng của mình. Cũng hãy xem tại sao sự thờ phượng thật mang lại cho chúng ta hạnh phúc.

SỰ THỜ PHƯỢNG ĐỨC GIÊ-HÔ-VA CHẤP NHẬN VÀO THỜI XƯA

4. Những người thờ phượng Đức Giê-hô-va trước thời Chúa Giê-su đã thể hiện lòng tôn kính và tình yêu thương dành cho Đức Giê-hô-va như thế nào?

4 Trước thời Chúa Giê-su, những người trung thành như A-bên, Nô-ê, Áp-ra-ham và Gióp đã thể hiện lòng tôn kính và tình yêu thương dành cho Đức Giê-hô-va. Như thế nào? Đó là qua sự vâng lời, đức tin và vật tế lễ của họ. Kinh Thánh không cho chúng ta biết mọi điều họ cần làm để thờ phượng Đức Giê-hô-va. Nhưng rõ ràng họ đã nỗ lực hết sức để tôn vinh ngài, và sự thờ phượng của họ được ngài chấp nhận. Sau này, Đức Giê-hô-va ban Luật pháp Môi-se cho con cháu của Áp-ra-ham. Bộ luật này bao gồm những chỉ dẫn cụ thể về cách thờ phượng được Đức Giê-hô-va chấp nhận.

5. Có sự thay đổi nào liên quan đến sự thờ phượng thật sau khi Chúa Giê-su chết và được sống lại?

5 Sau khi Chúa Giê-su chết và được sống lại, Đức Giê-hô-va không còn đòi hỏi những người thờ phượng ngài vâng theo Luật pháp Môi-se nữa (Rô 10:4). Tín đồ đạo Đấng Ki-tô phải vâng theo luật pháp mới, tức “luật pháp của Đấng Ki-tô” (Ga 6:2). Họ vâng theo “luật pháp” này không phải bằng cách học thuộc lòng và làm theo một danh sách liệt kê những điều được làm và không được làm, nhưng bằng cách noi gương Chúa Giê-su và vâng theo sự dạy dỗ của ngài. Ngày nay, tín đồ đạo Đấng Ki-tô cố gắng hết sức để đi theo Chúa Giê-su hầu làm vui lòng Đức Giê-hô-va và “được lại sức”.—Mat 11:29.

6. Làm thế nào chúng ta có thể nhận được lợi ích từ bài này?

6 Khi xem xét từng khía cạnh của sự thờ phượng thật, hãy tự hỏi: “Mình đã tiến bộ về khía cạnh này đến mức nào? Mình có thể cải thiện chất lượng sự thờ phượng của mình không?”. Anh chị có thể vui về sự tiến bộ của mình, nhưng cũng hãy cầu xin Đức Giê-hô-va giúp mình thấy những điểm cần cải thiện.

SỰ THỜ PHƯỢNG THẬT BAO GỒM MỘT SỐ KHÍA CẠNH NÀO?

7. Đức Giê-hô-va xem những lời cầu nguyện chân thành của chúng ta như thế nào?

7 Chúng ta thờ phượng Đức Giê-hô-va khi cầu nguyện với ngài. Kinh Thánh ví lời cầu nguyện của chúng ta như hương được chuẩn bị kỹ được dâng tại lều thánh và về sau là đền thờ (Thi 141:2). Hương đó tỏa ra mùi thơm làm hài lòng Đức Chúa Trời. Tương tự, lời cầu nguyện chân thành của chúng ta là “niềm vui” đối với ngài, ngay cả khi chúng ta dùng lời lẽ đơn giản (Châm 15:8; Phục 33:10). Chúng ta có lý do chính đáng để tin rằng Đức Giê-hô-va thấy ấm lòng khi nghe chúng ta bày tỏ tình yêu thương và lòng biết ơn đối với ngài. Ngài muốn chúng ta chia sẻ với ngài những mối lo lắng, hy vọng và ước muốn của mình. Trước khi cầu nguyện với Đức Giê-hô-va, hãy suy nghĩ kỹ xem anh chị sẽ nói gì. Khi làm thế, anh chị sẽ dâng cho Cha trên trời “hương” tốt nhất có thể.

8. Chúng ta có cơ hội tốt nào để ngợi khen Đức Chúa Trời?

8 Chúng ta thờ phượng Đức Giê-hô-va khi ngợi khen ngài (Thi 34:1). Chúng ta ngợi khen Đức Giê-hô-va qua việc nói với người khác về những phẩm chất và công việc tuyệt diệu của ngài. Một tấm lòng biết ơn sẽ thúc đẩy chúng ta dâng lời ngợi khen. Bằng cách dành thời gian để suy ngẫm về sự tốt lành của Đức Giê-hô-va, mọi điều mà ngài làm cho mình, chúng ta sẽ không bao giờ thiếu lý do để ngợi khen ngài. Công việc rao giảng cho chúng ta cơ hội tốt để “dâng cho Đức Chúa Trời vật tế lễ là lời ngợi khen, tức bông trái của môi miệng mình” (Hê 13:15). Giống như việc chúng ta cần suy nghĩ kỹ xem mình sẽ nói gì trong lời cầu nguyện, chúng ta cũng cần suy nghĩ kỹ xem mình sẽ nói gì khi gặp người ta trong thánh chức. Chúng ta muốn “vật tế lễ là lời ngợi khen” của mình có chất lượng tốt nhất. Vì thế, chúng ta muốn nói từ đáy lòng khi chia sẻ chân lý với người khác.

9. Giống như dân Y-sơ-ra-ên thời xưa, chúng ta nhận được lợi ích nào khi nhóm lại cùng nhau? Hãy chia sẻ kinh nghiệm cá nhân.

9 Chúng ta thờ phượng Đức Giê-hô-va khi tham dự nhóm họp. Dân Y-sơ-ra-ên thời xưa được bảo: “Mỗi năm ba lần, tất cả người nam phải trình diện Giê-hô-va Đức Chúa Trời anh em ở nơi ngài chọn” (Phục 16:16). Họ phải rời bỏ nhà cửa và mùa màng mà không ai canh chừng. Nhưng Đức Giê-hô-va hứa với họ: “Khi ngươi đến trước mặt Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi… thì không ai sẽ cố chiếm lấy đất của ngươi” (Xuất 34:24). Vì hoàn toàn tin cậy nơi Đức Giê-hô-va, người Y-sơ-ra-ên đã tham dự các kỳ lễ hằng năm. Thế nên, họ nhận được nhiều lợi ích. Chẳng hạn, họ hiểu rõ hơn về Luật pháp của Đức Chúa Trời, có cơ hội suy ngẫm về sự tốt lành của ngài và vui vẻ kết hợp với anh em đồng đức tin (Phục 16:15). Chúng ta cũng nhận được lợi ích tương tự khi hy sinh một số điều để tham dự nhóm họp. Hãy thử nghĩ Đức Giê-hô-va hài lòng thế nào khi chúng ta chuẩn bị trước để bình luận ngắn gọn và ý nghĩa.

10. Tại sao hát là một phần quan trọng của sự thờ phượng thật?

10 Chúng ta thờ phượng Đức Giê-hô-va khi cùng hát với anh em đồng đạo (Thi 28:7). Dân Y-sơ-ra-ên xem ca hát là một phần quan trọng trong sự thờ phượng thật. Vua Đa-vít đã chỉ định 288 người Lê-vi làm người ca hát tại đền thờ (1 Sử 25:1, 6-8). Ngày nay, chúng ta có thể bày tỏ tình yêu thương với Đức Chúa Trời bằng cách hát những bài ngợi khen. Chất giọng của chúng ta không phải là điều quan trọng nhất. Hãy xem sự so sánh sau: Khi nói, “hết thảy chúng ta đều vấp ngã nhiều lần”, nhưng điều đó không cản trở chúng ta nói trong hội thánh và trong thánh chức (Gia 3:2). Tương tự, chúng ta không nên để mối lo lắng về giọng hát của mình cản trở mình hát ngợi khen Đức Giê-hô-va.

11. Như được nói nơi Thi thiên 48:13, tại sao chúng ta nên sắp xếp thời gian để học hỏi Kinh Thánh cùng với gia đình?

11 Chúng ta thờ phượng Đức Giê-hô-va khi học hỏi Lời ngài và dạy con cái về ngài. Ngày Sa-bát cho dân Y-sơ-ra-ên cơ hội tạm gác các hoạt động thường ngày sang một bên và tập trung vào mối quan hệ với Đức Giê-hô-va (Xuất 31:16, 17). Những người Y-sơ-ra-ên trung thành đã dạy con cái về Đức Giê-hô-va và sự tốt lành của ngài. Chúng ta cũng cần sắp xếp thời gian để đọc và học hỏi Lời Đức Chúa Trời. Đây là một phần trong sự thờ phượng dành cho Đức Giê-hô-va, và điều này giúp chúng ta đến gần ngài hơn (Thi 73:28). Khi học hỏi cùng với gia đình, chúng ta cũng có thể giúp thế hệ sau, tức con cái của mình, vun đắp mối quan hệ nồng ấm với Cha yêu thương trên trời.—Đọc Thi thiên 48:13.

12. Chúng ta học được gì từ quan điểm của Đức Giê-hô-va về công việc của những người làm lều thánh?

12 Chúng ta thờ phượng Đức Giê-hô-va khi xây cất và bảo trì những nơi thờ phượng. Kinh Thánh nói rằng việc làm lều thánh và vật dụng trong đó là “công việc thánh” (Xuất 36:1, 4). Ngày nay, Đức Giê-hô-va cũng xem công việc xây cất Phòng Nước Trời và những cơ sở thần quyền khác là một hành động thờ phượng. Một số anh em dành nhiều thời gian tham gia hoạt động này. Chúng ta rất quý trọng công việc thiết yếu đó mà anh em đang làm để đẩy mạnh quyền lợi Nước Trời. Dĩ nhiên, họ cũng tham gia vào công việc rao giảng. Một số anh chị thậm chí muốn làm tiên phong. Các trưởng lão trong hội thánh có thể cho thấy họ ủng hộ công việc xây cất bằng cách không ngần ngại bổ nhiệm những anh chị siêng năng này làm tiên phong khi họ hội đủ điều kiện. Dù có kỹ năng xây cất hay không, tất cả chúng ta đều có thể góp phần giữ cho những nơi thờ phượng được sạch sẽ và ở trong tình trạng tốt.

13. Chúng ta nên có quan điểm nào về việc đóng góp để ủng hộ công việc Nước Trời?

13 Chúng ta thờ phượng Đức Giê-hô-va khi ủng hộ công việc Nước Trời bằng cách đóng góp. Dân Y-sơ-ra-ên không được đi tay không khi trình diện Đức Giê-hô-va (Phục 16:16). Họ phải mang lễ vật tùy theo hoàn cảnh của mình. Qua đó, họ cho thấy lòng biết ơn về mọi sắp đặt mang lại lợi ích cho họ về thiêng liêng. Làm thế nào chúng ta có thể thể hiện tình yêu thương dành cho Đức Giê-hô-va và lòng quý trọng đối với sự cung cấp về thiêng liêng mà mình nhận được? Một cách là đóng góp về tài chính cho hội thánh địa phương và công việc toàn cầu tùy hoàn cảnh của mình. Sứ đồ Phao-lô nói về điều này như sau: “Nếu một người có lòng sẵn sàng thì điều người ấy dâng sẽ được Đức Chúa Trời chấp nhận, vì ngài muốn người ấy dâng tùy theo những gì mình có chứ chẳng phải những gì mình không có” (2 Cô 8:4, 12). Đức Giê-hô-va quý sự đóng góp chân thành của chúng ta, dù sự đóng góp của mình chẳng đáng là bao.—Mác 12:42-44; 2 Cô 9:7.

14. Theo Châm ngôn 19:17, Đức Giê-hô-va có quan điểm nào về việc chúng ta giúp đỡ anh em đang thiếu thốn?

14 Chúng ta thờ phượng Đức Giê-hô-va khi giúp đỡ anh em đang thiếu thốn. Đức Giê-hô-va hứa sẽ báo đáp những người Y-sơ-ra-ên làm ơn cho người nghèo khó (Phục 15:7, 10). Thật vậy, mỗi lần chúng ta giúp đỡ anh em đang thiếu thốn, Đức Giê-hô-va xem đó là món quà dâng cho ngài. (Đọc Châm ngôn 19:17). Chẳng hạn, khi các tín đồ ở Phi-líp gửi quà cho Phao-lô lúc ấy đang ngồi tù, ông gọi đó là “vật tế lễ đẹp lòng Đức Chúa Trời và được ngài chấp nhận” (Phi-líp 4:18). Hãy nghĩ về những anh chị trong hội thánh và tự hỏi: “Có ai mà mình có thể giúp không?”. Đức Giê-hô-va hài lòng khi thấy chúng ta dùng thời gian, năng lực, kỹ năng và tiền của để giúp những người thiếu thốn. Ngài xem đó là một phần của sự thờ phượng thật.—Gia 1:27.

SỰ THỜ PHƯỢNG THẬT MANG LẠI HẠNH PHÚC

15. Việc tham gia sự thờ phượng thật đòi hỏi thời gian và nỗ lực, nhưng tại sao điều đó chẳng hề nặng nề?

15 Việc tham gia sự thờ phượng thật đòi hỏi thời gian và nỗ lực. Nhưng điều đó chẳng hề nặng nề (1 Giăng 5:3). Tại sao? Vì chúng ta thờ phượng Đức Giê-hô-va bởi tình yêu thương dành cho ngài. Hãy hình dung một cậu bé muốn tặng cha mình điều gì đó. Có lẽ em dành hàng giờ để vẽ một bức tranh tặng cha. Cậu bé không hối tiếc vì đã làm thế. Em yêu thương cha và rất vui khi tặng cha món quà ấy. Tương tự, vì yêu thương Đức Giê-hô-va, chúng ta vui lòng dành thời gian và nỗ lực để tham gia sự thờ phượng thật.

16. Theo Hê-bơ-rơ 6:10, Đức Giê-hô-va có quan điểm nào về nỗ lực của chúng ta để làm hài lòng ngài?

16 Bậc cha mẹ yêu thương không mong đợi mỗi người con đều tặng mình món quà như nhau. Họ nhận biết rằng mỗi người con mỗi khác và có hoàn cảnh khác nhau. Tương tự, Cha trên trời hiểu hoàn cảnh của mỗi chúng ta. Có lẽ anh chị làm được nhiều hơn một số người mà mình biết và yêu mến. Hoặc anh chị không làm được nhiều như người khác, có thể vì tuổi tác, sức khỏe hay trách nhiệm gia đình. Đừng nản lòng (Ga 6:4). Đức Giê-hô-va sẽ không quên công việc của anh chị. Miễn là anh chị dâng cho ngài điều tốt nhất của mình và với động cơ đúng thì ngài sẽ hài lòng. (Đọc Hê-bơ-rơ 6:10). Đức Giê-hô-va nhìn thấy ngay cả những ý định trong lòng anh chị. Ngài muốn anh chị hạnh phúc và thỏa lòng với sự thờ phượng mà mình có thể dâng cho ngài.

17. (a) Nếu thấy khó tham gia vào khía cạnh nào đó của sự thờ phượng thật, chúng ta có thể làm gì? (b) Anh chị đã nhận được lợi ích nào từ một khía cạnh được nói trong khung “ Làm sao để hạnh phúc hơn?”?

17 Nói sao nếu chúng ta thấy khó tham gia vào khía cạnh nào đó của sự thờ phượng thật, như học hỏi cá nhân hoặc rao giảng? Rất có thể chúng ta sẽ thấy rằng càng thường xuyên tham gia vào những hoạt động này, chúng ta sẽ càng vui thích và càng nhận được lợi ích. Chúng ta có thể so sánh sự thờ phượng với một số hoạt động khác, như tập thể dục hoặc tập chơi nhạc cụ. Nếu lâu lâu chúng ta mới tập một lần thì sẽ không tiến bộ nhiều. Nhưng nói sao nếu chúng ta tập mỗi ngày? Mới đầu chúng ta có thể tập một chút và tăng dần theo thời gian. Khi thấy kết quả tốt từ những nỗ lực của mình, rất có thể chúng ta sẽ trông mong và thật sự vui thích những hoạt động ấy. Điều này cũng áp dụng cho sự thờ phượng của chúng ta.

18. Làm thế nào để làm trọn mục đích mà chúng ta được tạo ra, và kết quả là gì?

18 Khi thờ phượng Đức Giê-hô-va hết lòng, chúng ta làm trọn mục đích mà mình được tạo ra. Kết quả là chúng ta có đời sống ý nghĩa, hạnh phúc và có triển vọng được thờ phượng Đức Giê-hô-va mãi mãi (Châm 10:22). Chúng ta có được bình an tâm trí vì biết rằng Đức Giê-hô-va giúp đỡ những người thờ phượng ngài khi họ đương đầu với vấn đề trong đời sống (Ê-sai 41:9, 10). Chắc chắn, chúng ta có những lý do chính đáng để hạnh phúc khi thờ phượng Cha yêu thương trên trời, đấng xứng đáng ‘nhận sự vinh hiển và tôn kính’ từ mọi tạo vật của ngài!—Khải 4:11.

BÀI HÁT 24 Hãy lên núi của Đức Giê-hô-va

^ đ. 5 Là Đấng Tạo Hóa của muôn vật, Đức Giê-hô-va xứng đáng được thờ phượng. Những hành động thờ phượng của chúng ta chỉ được ngài chấp nhận khi chúng ta vâng theo mệnh lệnh và nguyên tắc của ngài. Trong bài này, chúng ta sẽ thảo luận tám khía cạnh khác nhau của sự thờ phượng thật. Hãy xem làm thế nào chúng ta có thể cải thiện trong những khía cạnh này và làm sao những khía cạnh này mang lại hạnh phúc cho chúng ta.