Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Làm sao để đương đầu thành công với sự lo lắng?

Làm sao để đương đầu thành công với sự lo lắng?

Sự lo lắng có thể khiến lòng chúng ta nặng trĩu (Châm 12:25). Đã bao giờ anh chị cảm thấy sự lo lắng đè nặng trên vai mình chưa? Anh chị có bao giờ cảm thấy mình không thể chịu đựng được nữa không? Nếu vậy, anh chị không phải là người duy nhất. Nhiều người trong chúng ta cảm thấy kiệt sức, lo lắng và buồn nản vì những lý do khác nhau. Một số người phải chăm sóc thành viên trong gia đình bị bệnh, một số bị mất người thân, hoặc số khác phải chịu khổ vì thảm họa thiên nhiên. Vậy điều gì có thể giúp chúng ta đương đầu thành công với sự lo lắng? a

Chúng ta có thể học nhiều điều về cách đương đầu với sự lo lắng khi xem xét gương của vua Đa-vít. Ông đã trải qua nhiều tình huống khó khăn trong cuộc đời, thậm chí có những lúc đối mặt với cái chết (1 Sa 17:34, 35; 18:10, 11). Điều gì đã giúp Đa-vít đương đầu thành công với sự lo lắng? Làm thế nào chúng ta có thể noi gương ông?

ĐIỀU GÌ GIÚP ĐA-VÍT ĐƯƠNG ĐẦU THÀNH CÔNG VỚI SỰ LO LẮNG?

Đa-vít phải đối mặt với nhiều thử thách cùng một lúc. Chẳng hạn, hãy nghĩ đến một tình huống đã xảy ra khi ông phải chạy trốn vua Sau-lơ, là người đang tìm cách giết ông. Lúc Đa-vít cùng những người theo ông từ chiến trận trở về, họ bị sốc khi phát hiện rằng kẻ thù đã cướp tài sản, đốt hết nhà cửa và bắt gia đình của họ. Đa-vít phản ứng thế nào? Kinh Thánh cho biết: ‘Đa-vít cùng những người theo ông bắt đầu than khóc lớn tiếng cho đến khi không còn sức để khóc nữa’. Đa-vít càng đau khổ hơn khi những người ông tin cậy quay sang “bàn nhau ném đá ông” (1 Sa 30:1-6). Giờ đây Đa-vít đối mặt với ba vấn đề lớn cùng một lúc: Gia đình ông gặp nguy hiểm, những người đi cùng muốn giết ông và vua Sau-lơ vẫn truy đuổi ông. Hãy hình dung Đa-vít cảm thấy lo lắng đến mức nào!

Đa-vít đã làm gì tiếp theo? Ngay lập tức, ông lấy lại sức “nhờ Giê-hô-va Đức Chúa Trời”. Có lẽ Đa-vít đã làm điều đó như thế nào? Đa-vít có thói quen cầu xin Đức Giê-hô-va giúp đỡ và suy ngẫm về cách ngài giúp ông trong quá khứ (1 Sa 17:37; Thi 18:2, 6). Đa-vít thấy mình cần tìm sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va, nên ông đã cầu hỏi Đức Giê-hô-va để biết mình nên làm gì. Sau khi nhận sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va, Đa-vít hành động ngay lập tức. Kết quả là ông và những người theo ông được Đức Giê-hô-va ban phước và họ giành lại gia đình cũng như tài sản của mình (1 Sa 30:7-9, 18, 19). Anh chị có để ý ba điều mà Đa-vít đã làm không? Ông cầu nguyện xin Đức Giê-hô-va giúp đỡ, suy ngẫm về cách Đức Giê-hô-va đối xử với mình trong quá khứ và hành động theo sự hướng dẫn của ngài. Làm thế nào chúng ta có thể noi gương Đa-vít? Hãy xem ba cách.

NOI GƯƠNG ĐA-VÍT KHI ĐỐI MẶT VỚI SỰ LO LẮNG

1. Cầu nguyện. Bất cứ khi nào cảm thấy lo lắng, chúng ta có thể cầu xin Đức Giê-hô-va giúp đỡ và ban cho mình sự khôn ngoan. Chúng ta có thể trút gánh nặng của mình bằng cách cầu nguyện dài và dốc đổ lòng mình với ngài. Hoặc chúng ta có thể cầu nguyện thầm và ngắn gọn nếu hoàn cảnh lúc đó chỉ cho phép mình làm thế. Mỗi lần cầu xin Đức Giê-hô-va giúp đỡ, chúng ta cho thấy mình tin cậy ngài như Đa-vít. Ông nói: “Đức Giê-hô-va là vách đá và thành lũy, đấng giải thoát con. Đức Chúa Trời của con là vầng đá mà con trú náu” (Thi 18:2). Việc cầu nguyện có thật sự hiệu quả không? Một chị tiên phong tên Kahlia nói: “Sau khi cầu nguyện, tôi cảm thấy bình an. Lời cầu nguyện giúp tôi có cùng quan điểm với Đức Giê-hô-va và tin cậy ngài nhiều hơn”. Quả thật, cầu nguyện là sự cung cấp tuyệt vời từ Đức Giê-hô-va để giúp chúng ta đương đầu với sự lo lắng.

2. Suy ngẫm. Khi nhìn lại quá khứ, anh chị có thể nghĩ đến những thử thách mà mình chỉ có thể chịu đựng được nhờ sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va không? Khi suy ngẫm về cách Đức Giê-hô-va hỗ trợ mình cũng như các tôi tớ thời xưa, chúng ta được thêm sức và tin cậy ngài nhiều hơn (Thi 18:17-19). Một anh trưởng lão tên Joshua nói: “Tôi có một danh sách những lời cầu nguyện được Đức Giê-hô-va đáp lại. Điều này giúp tôi nhớ những lần tôi cầu nguyện với Đức Giê-hô-va về một điều cụ thể và ngài đã ban cho tôi đúng điều mình cần”. Thật vậy, khi suy ngẫm về những gì Đức Giê-hô-va đã làm cho mình, chúng ta được thêm sức để đương đầu với sự lo lắng.

3. Hành động. Trước khi quyết định nên làm gì trong một tình huống, chúng ta có thể hướng đến Lời Đức Chúa Trời để có sự hướng dẫn đáng tin cậy nhất (Thi 19:7, 11). Nhiều anh chị thấy rằng khi tra cứu một câu Kinh Thánh nào đó, họ hiểu rõ hơn cách áp dụng câu ấy vào đời sống. Một anh trưởng lão tên Jarrod cho biết: “Việc đào sâu giúp tôi thấy mọi khía cạnh của một câu Kinh Thánh và hiểu điều Đức Giê-hô-va đang nói với mình. Nhờ thế, câu Kinh Thánh thấm sâu vào lòng tôi và thúc đẩy tôi hành động theo sự hướng dẫn của ngài”. Khi tìm kiếm sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va trong Kinh Thánh và làm theo, chúng ta được trang bị tốt hơn để đương đầu với sự lo lắng.

ĐỨC GIÊ-HÔ-VA SẼ GIÚP ANH CHỊ THÀNH CÔNG

Đa-vít hiểu rằng để đương đầu thành công với sự lo lắng, ông cần sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va. Ông biết ơn sự hỗ trợ của Đức Giê-hô-va đến mức được thúc đẩy để nói: “Nhờ sức Đức Chúa Trời, con vượt bức tường cản. Chính Đức Chúa Trời thêm sức cho con” (Thi 18:29, 32). Có lẽ chúng ta cảm thấy những thử thách của mình giống như bức tường không thể vượt qua. Nhưng với sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va, chúng ta có thể vượt qua bất cứ thử thách nào giống như bức tường! Thật vậy, khi chúng ta cầu nguyện để xin Đức Giê-hô-va giúp đỡ, suy ngẫm về mọi điều ngài đã làm cho mình và hành động theo sự hướng dẫn của ngài, chúng ta có thể tin chắc rằng ngài sẽ ban sức mạnh và sự khôn ngoan cần thiết để chúng ta đương đầu thành công với sự lo lắng!

a Một người lo lắng trầm trọng có thể cần đến sự giúp đỡ của bác sĩ.