Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 18

Làm thế nào để đặt ra và đạt được mục tiêu thiêng liêng?

Làm thế nào để đặt ra và đạt được mục tiêu thiêng liêng?

“Hãy suy ngẫm và miệt mài với những điều ấy, hầu cho mọi người có thể thấy rõ sự tiến bộ của con”.—1 TI 4:15.

BÀI HÁT 84 Phụng sự ở nơi có nhu cầu

GIỚI THIỆU a

1. Chúng ta có thể đặt mục tiêu thiêng liêng nào?

 Là tín đồ chân chính, chúng ta yêu mến Đức Giê-hô-va rất nhiều. Chúng ta muốn phụng sự ngài với hết khả năng của mình. Nhưng để làm thế, chúng ta cần đặt mục tiêu thiêng liêng, chẳng hạn như vun trồng phẩm chất tin kính, học kỹ năng hữu ích và tìm những cách để phục vụ người khác. b

2. Tại sao chúng ta nên đặt ra mục tiêu thiêng liêng và nỗ lực đạt được mục tiêu ấy?

2 Tại sao chúng ta nên quan tâm đến việc tiến bộ về thiêng liêng? Lý do chính là chúng ta muốn làm hài lòng Cha yêu thương trên trời. Đức Giê-hô-va rất vui khi thấy chúng ta dùng những khả năng của mình một cách trọn vẹn để phụng sự ngài. Ngoài ra, chúng ta muốn tiến bộ về thiêng liêng để có thể giúp anh em đồng đạo nhiều hơn (1 Tê 4:9, 10). Dù ở trong chân lý bao lâu, tất cả chúng ta đều có thể tiến bộ về thiêng liêng. Hãy xem chúng ta làm thế bằng cách nào.

3. Như được ghi nơi 1 Ti-mô-thê 4:12-16, sứ đồ Phao-lô khuyến khích Ti-mô-thê làm gì?

3 Lúc sứ đồ Phao-lô viết lá thư thứ nhất cho Ti-mô-thê thì chàng trai trẻ xuất sắc ấy đã là một trưởng lão có kinh nghiệm. Tuy nhiên, Phao-lô khuyến khích Ti-mô-thê tiếp tục tiến bộ về thiêng liêng. (Đọc 1 Ti-mô-thê 4:12-16). Khi đọc những lời của Phao-lô, anh chị sẽ thấy ông muốn Ti-mô-thê tiến bộ theo hai cách: Đó là vun trồng những phẩm chất tin kính như tình yêu thương, đức tin và sự trong sạch, đồng thời cải thiện những kỹ năng như đọc trước công chúng, khuyên bảo và dạy dỗ. Ghi nhớ gương của Ti-mô-thê, hãy xem làm thế nào việc đặt mục tiêu hợp lý có thể giúp chúng ta tiến bộ về thiêng liêng. Cũng hãy xem một số cách để nới rộng việc phụng sự.

VUN TRỒNG PHẨM CHẤT TIN KÍNH

4. Theo Phi-líp 2:19-22, điều gì giúp Ti-mô-thê trở thành tôi tớ hữu dụng của Đức Giê-hô-va?

4 Điều gì giúp Ti-mô-thê trở thành tôi tớ hữu dụng của Đức Giê-hô-va? Đó là những phẩm chất tin kính nổi bật của ông. (Đọc Phi-líp 2:19-22). Qua những gì Phao-lô nói về Ti-mô-thê, chúng ta có thể thấy ông là người khiêm nhường, trung tín, siêng năng và đáng tin cậy. Ông có lòng yêu thương và quan tâm sâu xa đến anh em đồng đạo. Vì thế, Phao-lô rất yêu mến Ti-mô-thê và không ngần ngại giao cho ông những nhiệm vụ khó (1 Cô 4:17). Tương tự, chúng ta sẽ trở nên đáng quý hơn với Đức Giê-hô-va và hữu dụng hơn với hội thánh khi vun trồng những phẩm chất mà ngài yêu mến.—Thi 25:9; 138:6.

Chọn một phẩm chất tin kính mà anh chị muốn vun trồng thêm (Xem đoạn 5, 6)

5. (a) Làm thế nào để đặt mục tiêu vun trồng một phẩm chất tin kính? (b) Như được thấy trong hình, một chị làm gì để vươn tới mục tiêu đồng cảm hơn với người khác?

5 Chọn một mục tiêu cụ thể. Hãy cầu nguyện và suy nghĩ xem mình cần cải thiện khía cạnh nào trong nhân cách. Hãy chọn một phẩm chất cụ thể mà anh chị muốn chú tâm vào. Chẳng hạn, anh chị có cần vun trồng thêm sự đồng cảm hoặc ước muốn để hỗ trợ anh em đồng đạo không? Anh chị có cần trở nên hiếu hòa và sẵn lòng tha thứ hơn không? Có lẽ anh chị sẽ thấy hữu ích khi xin một người bạn đáng tin cậy gợi ý về khía cạnh mình cần cải thiện.—Châm 27:6.

6. Anh chị có thể làm gì để đạt được mục tiêu vun trồng một phẩm chất?

6 Nỗ lực để đạt được mục tiêu. Anh chị có thể làm thế bằng cách nào? Một cách là nghiên cứu về phẩm chất mà mình muốn cải thiện. Giả sử anh chị quyết định vun trồng phẩm chất sẵn lòng tha thứ. Anh chị có thể bắt đầu bằng cách đọc và suy ngẫm những gương trong Kinh Thánh nói về những người rộng lòng tha thứ và những người không làm thế. Hãy xem gương của Chúa Giê-su. Ngài sẵn lòng tha thứ cho người khác (Lu 7:47, 48). Ngài không tập trung vào lỗi lầm nhưng thấy tiềm năng của họ. Trái lại, những người Pha-ri-si vào thời Chúa Giê-su “xem người khác không ra gì” (Lu 18:9). Sau khi suy ngẫm những gương này, hãy tự hỏi: “Mình thấy điều gì nơi người khác? Mình chọn tập trung vào đặc điểm nào của họ?”. Nếu thấy khó tha thứ cho ai đó, hãy thử viết ra tất cả những phẩm chất tốt mà anh chị thấy nơi họ. Rồi hãy tự hỏi: “Chúa Giê-su xem người ấy như thế nào? Ngài sẽ tha thứ cho họ không?”. Việc nghiên cứu như thế có thể giúp chúng ta điều chỉnh lối suy nghĩ. Lúc đầu, có lẽ chúng ta phải nỗ lực rất nhiều để tha thứ cho người khiến mình bị tổn thương. Nhưng nếu tiếp tục cố gắng làm thế, với thời gian chúng ta sẽ sẵn sàng tha thứ cho người khác hơn.

HỌC KỸ NĂNG HỮU ÍCH

Tình nguyện xin học cách bảo trì Phòng Nước Trời (Xem đoạn 7) e

7. Phù hợp với Châm ngôn 22:29, ngày nay Đức Giê-hô-va dùng những người có kỹ năng qua cách nào?

7 Mục tiêu khác mà anh chị có thể đặt ra là học một kỹ năng hữu ích. Hãy nghĩ đến việc cần rất nhiều người để xây các cơ sở Bê-tên, Phòng hội nghị và Phòng Nước Trời. Nhiều người trong số đó có được kỹ năng là nhờ làm việc chung với những anh chị lành nghề. Như được thấy trong hình, cả các anh lẫn các chị đang học kỹ năng cần thiết để giúp bảo trì Phòng hội nghị và Phòng Nước Trời. Qua cách này và những cách khác, Đức Giê-hô-va, “Vua muôn đời”, và Chúa Giê-su, “Vua của những người làm vua”, đang thực hiện những việc tuyệt diệu qua những người có kỹ năng (1 Ti 1:17; 6:15; đọc Châm ngôn 22:29). Chúng ta muốn nỗ lực hết sức và dùng kỹ năng của mình để tôn vinh Đức Giê-hô-va thay vì bản thân.—Giăng 8:54.

8. Anh chị có thể làm gì để đặt mục tiêu học một kỹ năng?

8 Chọn một mục tiêu cụ thể. Anh chị có thể chú tâm vào kỹ năng nào? Hãy hỏi trưởng lão hội thánh, và có lẽ là giám thị vòng quanh, để biết họ nghĩ anh chị cần trau dồi kỹ năng nào. Chẳng hạn, nếu họ đề nghị anh chị cải thiện cách nói năng và dạy dỗ, hãy xin họ cho biết cụ thể mình cần cải thiện điểm kỹ năng ăn nói nào. Rồi hãy nỗ lực để tiến bộ. Anh chị có thể làm điều này bằng cách nào?

9. Anh chị có thể làm gì để đạt được mục tiêu học một kỹ năng?

9 Nỗ lực để đạt được mục tiêu. Giả sử anh chị muốn cải thiện kỹ năng dạy dỗ. Anh chị có thể học hỏi kỹ sách mỏng Hãy chuyên tâm trong việc đọc và dạy dỗ. Nếu được giao một phần trong buổi họp giữa tuần, anh chị có thể nhờ một anh hội đủ điều kiện nghe trước phần trình bày của mình và đưa ra gợi ý để mình cải thiện. Hãy tạo danh tiếng là một người không chỉ có kỹ năng mà còn siêng năng và đáng tin cậy.—Châm 21:5; 2 Cô 8:22.

10. Hãy nêu ví dụ cho thấy làm thế nào để tiến bộ trong việc vun trồng một kỹ năng.

10 Nói sao nếu anh chị muốn vun trồng một kỹ năng mà không phải là thế mạnh của mình? Đừng bỏ cuộc! Một anh tên Garry bị mắc chứng khó đọc. Anh còn nhớ mình đã xấu hổ thế nào khi cố gắng đọc lớn tiếng tại buổi nhóm họp. Nhưng anh tiếp tục nỗ lực để cải thiện. Giờ đây anh nói rằng nhờ sự huấn luyện mình nhận được, anh đã có thể làm bài tại Phòng Nước Trời, hội nghị vòng quanh và hội nghị vùng!

11. Giống như Ti-mô-thê, điều gì sẽ giúp chúng ta đảm nhận thêm trách nhiệm?

11 Ti-mô-thê có trở thành diễn giả hoặc người dạy dỗ xuất sắc không? Kinh Thánh không cho biết. Nhưng vì Ti-mô-thê đã làm theo lời khuyên của Phao-lô nên hẳn ông ngày càng hữu hiệu hơn trong việc thực hiện những trách nhiệm được giao (2 Ti 3:10). Tương tự thế, nếu cải thiện kỹ năng, chúng ta sẽ được trang bị tốt hơn để đảm nhận thêm trách nhiệm.

TÌM NHỮNG CÁCH ĐỂ PHỤC VỤ NGƯỜI KHÁC

12. Anh chị nhận được lợi ích nào từ sự giúp đỡ của người khác?

12 Tất cả chúng ta đều nhận được lợi ích từ sự giúp đỡ của người khác. Khi nằm viện, chúng ta biết ơn khi các trưởng lão trong Ủy ban Liên lạc Bệnh viện hoặc Nhóm Thăm viếng Bệnh nhân đến thăm. Khi đương đầu với một tình huống khó khăn trong đời sống, chúng ta biết ơn khi một trưởng lão quan tâm dành thời gian lắng nghe và an ủi mình. Khi cần sự trợ giúp để điều khiển một cuộc học hỏi, chúng ta vui khi một tiên phong dày dạn kinh nghiệm đồng ý đi cùng chúng ta và đưa ra những gợi ý. Tất cả những anh chị ấy vui mừng giúp đỡ chúng ta. Chúng ta cũng có thể có niềm vui đó nếu sẵn sàng phục vụ người khác. Chúa Giê-su nói: “Cho thì hạnh phúc hơn nhận” (Công 20:35). Nếu muốn nới rộng việc phụng sự theo những cách này hoặc những cách tương tự, điều gì sẽ giúp anh chị đạt được mục tiêu đó?

13. Khi đặt mục tiêu, chúng ta muốn ghi nhớ điều gì?

13 Tránh đặt mục tiêu quá chung chung. Chẳng hạn, có thể anh chị nghĩ: “Mình muốn làm nhiều hơn trong hội thánh”. Nhưng có lẽ anh chị khó biết làm thế nào để đạt được mục tiêu đó và không thể biết mình đã đạt được hay chưa. Vì thế, hãy chọn mục tiêu cụ thể và rõ ràng. Anh chị có thể viết ra và lên kế hoạch để đạt được mục tiêu đó.

14. Tại sao chúng ta cần linh động khi đặt mục tiêu?

14 Chúng ta cũng cần linh động khi đặt mục tiêu. Tại sao? Vì chúng ta không thể hoàn toàn kiểm soát hoàn cảnh của mình. Hãy xem một ví dụ: Sứ đồ Phao-lô đã giúp thành lập hội thánh mới ở thành Tê-sa-lô-ni-ca. Hẳn ông có mục tiêu là ở lại đó để giúp những tín đồ mới. Nhưng vì có sự chống đối nên Phao-lô phải rời khỏi thành ấy (Công 17:1-5, 10). Nếu Phao-lô ở lại, ông sẽ đặt anh em vào tình thế nguy hiểm. Nhưng Phao-lô không bỏ cuộc. Ông đã thích nghi với hoàn cảnh thay đổi. Sau này, ông phái Ti-mô-thê đến để chăm lo nhu cầu thiêng liêng cho những môn đồ mới ở Tê-sa-lô-ni-ca (1 Tê 3:1-3). Hẳn anh em ở Tê-sa-lô-ni-ca vui mừng biết bao khi thấy Ti-mô-thê sẵn sàng phục vụ tại bất cứ nơi nào có nhu cầu!

15. Hoàn cảnh nằm ngoài tầm kiểm soát có thể ảnh hưởng thế nào đến mục tiêu của chúng ta? Hãy cho ví dụ.

15 Chúng ta có thể học từ kinh nghiệm của Phao-lô ở Tê-sa-lô-ni-ca. Có lẽ chúng ta đang vươn tới một đặc ân phụng sự, nhưng hoàn cảnh nằm ngoài tầm kiểm soát khiến mình không nhận được đặc ân ấy (Truyền 9:11). Nếu đó là hoàn cảnh của anh chị, hãy sẵn sàng đặt mục tiêu khác nằm trong tầm tay của mình. Đó là điều mà một cặp vợ chồng là anh Ted và chị Hiedi đã làm. Vì vấn đề sức khỏe, họ phải rời Bê-tên. Nhưng tình yêu thương dành cho Đức Giê-hô-va đã thôi thúc họ tìm những cách khác để nới rộng việc phụng sự. Lúc đầu, họ làm tiên phong đều đều. Với thời gian họ được bổ nhiệm làm tiên phong đặc biệt, và anh Ted được huấn luyện làm giám thị vòng quanh dự khuyết. Rồi quy định về tuổi tác dành cho giám thị vòng quanh thay đổi. Anh Ted và chị Hiedi thấy rằng họ không còn hội đủ điều kiện để có đặc ân này. Dù thất vọng, nhưng họ nhận ra họ có thể phụng sự Đức Giê-hô-va theo những cách khác. Anh Ted nói: “Chúng tôi học được rằng mình không nên chỉ chăm chăm vào một hình thức phụng sự”.

16. Chúng ta có thể rút ra bài học nào từ Ga-la-ti 6:4?

16 Chúng ta không thể kiểm soát mọi điều xảy đến trong đời sống. Vì thế, điều quan trọng là chúng ta không nên xác định giá trị của bản thân dựa trên đặc ân phụng sự mình có, hoặc so sánh đặc ân của mình với người khác. Chị Hiedi giải thích: “Chúng ta sẽ mất sự bình an nếu so sánh đời sống của mình với đời sống của người khác”. (Đọc Ga-la-ti 6:4). Điều quan trọng là chúng ta tìm những cách để phụng sự Đức Giê-hô-va và giúp đỡ người khác. c

17. Anh chị có thể làm gì để hội đủ điều kiện nhận thêm đặc ân phụng sự?

17 Anh chị sẽ dễ nhận thêm đặc ân phụng sự hơn nếu giữ đời sống đơn giản và tránh những khoản nợ không cần thiết. Việc đặt mục tiêu ngắn hạn sẽ giúp anh chị đạt được mục tiêu dài hạn. Ví dụ, nếu mục tiêu dài hạn của anh chị là trở thành tiên phong đều đều, trước tiên anh chị có thể làm tiên phong phụ trợ thường xuyên không? Nếu là một anh đang vươn tới mục tiêu làm phụ tá hội thánh, anh có thể dành thêm thời gian cho thánh chức cũng như thăm các anh chị bị bệnh và lớn tuổi không? Kinh nghiệm mà anh chị gặt hái được có thể mở ra cơ hội để nhận thêm đặc ân phụng sự trong tương lai. Hãy quyết tâm làm hết mình trong bất cứ nhiệm vụ nào được giao.—Rô 12:11.

Chọn một mục tiêu cụ thể nằm trong tầm tay của anh chị (Xem đoạn 18) f

18. Như được thấy trong hình minh họa, anh chị học được gì từ gương của chị Beverley?

18 Dù lớn tuổi đến đâu, chúng ta vẫn có thể đặt ra và đạt được những mục tiêu thiêng liêng. Hãy xem gương của một chị 75 tuổi tên Beverley. Vì gặp vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe nên chị rất khó đi lại. Nhưng chị muốn tham gia hết lòng vào đợt rao giảng Lễ Tưởng Niệm. Thế nên, chị đặt những mục tiêu cụ thể. Khi chị Beverley đạt được những mục tiêu trong đợt rao giảng ấy, chị thấy rất hạnh phúc. Nỗ lực của chị cũng thôi thúc người khác làm hết mình trong thánh chức. Đức Giê-hô-va quý trọng công khó của những anh chị lớn tuổi, ngay cả khi hoàn cảnh khiến họ không làm được nhiều.—Thi 71:17, 18.

19. Chúng ta có thể đặt một số mục tiêu thiêng liêng nào?

19 Hãy đặt các mục tiêu nằm trong tầm tay của anh chị. Vun trồng những phẩm chất giúp anh chị trở nên đáng quý với Đức Giê-hô-va. Học những kỹ năng sẽ giúp anh chị hữu dụng hơn với Đức Chúa Trời và tổ chức của ngài. Tìm những cách để phục vụ anh em đồng đạo nhiều hơn. d Giống như Ti-mô-thê, với sự ban phước của Đức Giê-hô-va, ‘mọi người có thể thấy rõ sự tiến bộ của anh chị’.—1 Ti 4:15.

BÀI HÁT 38 Ngài sẽ làm chúng ta mạnh mẽ

a Ti-mô-thê là người truyền giảng tin mừng hữu hiệu. Dù vậy, sứ đồ Phao-lô khuyến khích ông tiếp tục tiến bộ về thiêng liêng. Nếu làm theo lời khuyên của Phao-lô, Ti-mô-thê sẽ trở nên hữu dụng hơn với Đức Giê-hô-va và có thể giúp đỡ anh em đồng đạo nhiều hơn. Giống như Ti-mô-thê, anh chị có mong muốn phụng sự Đức Giê-hô-va và trợ giúp anh em đồng đạo nhiều hơn không? Hẳn là có. Những mục tiêu nào sẽ giúp anh chị làm thế? Việc đặt ra và đạt được các mục tiêu này bao hàm điều gì?

b GIẢI NGHĨA: Mục tiêu thiêng liêng là bất cứ điều gì mà chúng ta nỗ lực đạt được để phụng sự Đức Giê-hô-va trọn vẹn hơn và làm ngài vui lòng.

c Xem tiểu đề “Phụng sự ở nơi có nhu cầu lớn hơn” trong sách Được tổ chức để thi hành ý muốn Đức Giê-hô-va, chương 10, đ. 6-9.

d Xem bài 60 “Hãy tiếp tục tiến bộ!” trong sách Vui sống mãi mãi!.

e HÌNH ẢNH: Một anh huấn luyện hai chị làm công việc bảo trì, và họ áp dụng tốt kỹ năng mới.

f HÌNH ẢNH: Một chị không thể ra khỏi nhà làm chứng bằng điện thoại, mời người ta tham dự Lễ Tưởng Niệm.