Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 15

Anh chị có “làm gương… trong cách nói năng” không?

Anh chị có “làm gương… trong cách nói năng” không?

“Hãy làm gương cho những người trung tín trong cách nói năng”.—1 TI 4:12.

BÀI HÁT 90 Hãy khuyến khích nhau

GIỚI THIỆU a

1. Khả năng giao tiếp bằng lời nói đến từ đâu?

 Khả năng giao tiếp bằng lời nói là món quà đến từ Đức Chúa Trời yêu thương. Ngay sau khi người đầu tiên là A-đam được tạo ra, ông có thể dùng lời nói để trò chuyện với Cha trên trời. Ông cũng có thể gia tăng vốn từ vựng bằng cách tạo những từ mới. A-đam đã dùng khả năng đó để thực hiện nhiệm vụ được giao là đặt tên cho hết thảy các loài vật (Sáng 2:19). Và hẳn ông vui mừng biết bao khi lần đầu tiên được nói chuyện với người đồng loại là Ê-va, người vợ xinh đẹp của ông!—Sáng 2:22, 23.

2. Món quà lời nói đã bị dùng sai cách như thế nào trong quá khứ và hiện tại?

2 Không lâu sau, món quà lời nói bị dùng sai cách. Sa-tan Ác Quỷ đã nói dối Ê-va, và lời nói dối đó đã khiến nhân loại rơi vào tình trạng tội lỗi và bất toàn (Sáng 3:1-4). A-đam lạm dụng món quà ấy khi đổ lỗi cho Ê-va, và thậm chí cho Đức Giê-hô-va, về lỗi lầm của mình (Sáng 3:12). Ca-in đã nói dối Đức Giê-hô-va sau khi giết em mình là A-bên (Sáng 4:9). Về sau, một con cháu của Ca-in là Lê-méc sáng tác bài thơ phản ánh sự hung bạo vào thời của ông (Sáng 4:23, 24). Tình trạng thế gian ngày nay thì sao? Chúng ta thấy giới lãnh đạo chính trị không ngại nói những lời thô tục trước công chúng. Thật khó để tìm được những bộ phim không có ngôn từ tục tĩu. Học sinh thì nghe những lời tục tĩu ở trường, còn người lớn thì nghe những lời đó ở nơi làm việc. Việc nói năng thô tục phổ biến ngày nay cho thấy tiêu chuẩn đạo đức đã suy đồi đến mức nào.

3. Chúng ta cần đề phòng mối nguy hiểm nào, và bài này sẽ xem xét điều gì?

3 Nếu không cẩn thận, chúng ta có thể quen nghe những lời tục tĩu đến mức bắt đầu dùng những lời ấy. Dĩ nhiên, là tín đồ đạo Đấng Ki-tô, chúng ta muốn làm hài lòng Đức Giê-hô-va, và điều này bao hàm nhiều hơn là tránh nói thô tục. Chúng ta muốn dùng món quà lời nói đúng cách, đó là để ngợi khen Đức Chúa Trời. Trong bài này, hãy xem làm thế nào chúng ta có thể làm điều ấy (1) trong thánh chức, (2) tại buổi nhóm họp và (3) trong các cuộc trò chuyện thường ngày. Nhưng trước hết, hãy xem tại sao lời nói của chúng ta rất quan trọng với Đức Giê-hô-va.

LỜI NÓI CỦA CHÚNG TA QUAN TRỌNG VỚI ĐỨC GIÊ-HÔ-VA

Lời nói tiết lộ gì về lòng của anh chị? (Xem đoạn 4, 5) d

4. Theo Ma-la-chi 3:16, tại sao lời nói của chúng ta quan trọng với Đức Giê-hô-va?

4 Đọc Ma-la-chi 3:16. Tại sao Đức Giê-hô-va cho ghi lại trong “cuốn sách để kỷ niệm” tên của những người có lời nói cho thấy họ kính sợ ngài và ngẫm nghĩ về danh ngài? Một lý do là lời nói của chúng ta tiết lộ những điều trong lòng mình. Chúa Giê-su cho biết: “Lòng đầy tràn thì miệng mới nói ra” (Mat 12:34). Những điều chúng ta chọn nói đến cho thấy mình yêu mến Đức Giê-hô-va đến mức nào, và ngài muốn những người yêu mến ngài vui sống mãi mãi trong thế giới mới.

5. (a) Những gì chúng ta nói ảnh hưởng thế nào đến sự thờ phượng của mình? (b) Như được thấy trong hình, chúng ta cần tránh làm gì nếu muốn lời nói của mình làm đẹp lòng Đức Giê-hô-va?

5 Cách chúng ta nói có thể quyết định sự thờ phượng của mình có được Đức Giê-hô-va chấp nhận hay không (Gia 1:26). Một số người không yêu mến Đức Chúa Trời nói năng hung hăng, gay gắt và kiêu ngạo (2 Ti 3:1-5). Chắc chắn chúng ta không muốn giống như họ. Chúng ta rất muốn cách nói năng của mình làm đẹp lòng Đức Giê-hô-va. Nhưng Đức Giê-hô-va có hài lòng không nếu chúng ta nói năng tử tế, nhã nhặn tại buổi nhóm họp hoặc trong thánh chức nhưng lại nói gay gắt và thiếu yêu thương với các thành viên trong gia đình khi ở nhà?—1 Phi 3:7.

6. Cách nói năng đúng đắn của chị Kim mang lại kết quả nào?

6 Khi dùng món quà lời nói đúng cách, chúng ta cho người khác thấy mình thờ phượng Đức Giê-hô-va. Chúng ta giúp những người xung quanh thấy rõ sự khác biệt “giữa người hầu việc Đức Chúa Trời và kẻ không hầu việc ngài” (Mal 3:18). Điều này được thấy qua trường hợp của chị Kim. b Hồi còn học cấp ba, chị được chỉ định làm chung dự án với một bạn cùng lớp. Sau một thời gian làm việc chung, bạn cùng lớp nhận thấy chị Kim không giống với các bạn khác. Chị không chỉ trích người khác sau lưng hoặc dùng những lời lẽ thô tục, nhưng luôn nói năng tử tế. Người bạn ấy rất ấn tượng và cuối cùng đồng ý tìm hiểu Kinh Thánh. Đức Giê-hô-va hài lòng biết bao khi cách nói năng của chúng ta thu hút người khác đến với chân lý!

7. Anh chị muốn dùng món quà lời nói của mình như thế nào?

7 Tất cả chúng ta đều muốn cách nói năng của mình mang lại sự vinh hiển cho Đức Giê-hô-va và giúp chúng ta đến gần hơn với anh em. Vì thế, hãy xem một số điều thực tế chúng ta có thể làm để tiếp tục nêu gương trong cách nói năng.

HÃY NÊU GƯƠNG TRONG THÁNH CHỨC

Lời nói tử tế trong thánh chức làm vui lòng Đức Giê-hô-va (Xem đoạn 8, 9)

8. Chúa Giê-su nêu gương mẫu nào về cách nói năng trong thánh chức?

8 Nói năng một cách tử tế và tôn trọng khi bị khiêu khích. Trong thời gian làm thánh chức, Chúa Giê-su bị người ta vu oan là người tham ăn mê rượu, tay sai của Ác Quỷ, người phạm luật ngày Sa-bát và thậm chí là kẻ phạm thượng (Mat 11:19; 26:65; Lu 11:15; Giăng 9:16). Tuy nhiên, Chúa Giê-su đã không đáp lại bằng những lời lẽ giận dữ. Giống như Chúa Giê-su, chúng ta không bao giờ nên trả đũa, ngay cả khi người ta nói gay gắt (1 Phi 2:21-23). Nhưng giữ tự chủ trong những tình huống như thế không phải là dễ (Gia 3:2). Điều gì có thể giúp chúng ta?

9. Điều gì có thể giúp chúng ta kiểm soát lời nói trong thánh chức?

9 Đừng quá tập trung vào phản ứng tiêu cực của chủ nhà mà hãy nhìn xa hơn. Một anh tên Sang cho biết: “Tôi cố gắng nghĩ đến việc chủ nhà cần được nghe chân lý và họ có thể thay đổi”. Đôi khi người ta tức giận vì chúng ta đến không đúng lúc. Khi gặp một người tỏ ra bực tức, chúng ta có thể bắt chước điều một chị tên Linh đã làm, đó là cầu nguyện ngắn gọn, xin Đức Giê-hô-va giúp mình giữ bình tĩnh và tránh đáp lại bằng những lời thiếu tử tế hoặc không tôn trọng.

10. Theo 1 Ti-mô-thê 4:13, chúng ta nên có mục tiêu nào?

10 Dạy dỗ hữu hiệu hơn. Ti-mô-thê là người rao giảng giàu kinh nghiệm. Dù vậy, ông vẫn cần tiếp tục cải thiện kỹ năng dạy dỗ. (Đọc 1 Ti-mô-thê 4:13). Làm thế nào chúng ta có thể dạy dỗ hữu hiệu hơn trong thánh chức? Bằng cách chuẩn bị kỹ. Chúng ta thật biết ơn vì có nhiều công cụ có thể giúp mình dạy dỗ hữu hiệu. Anh chị sẽ thấy hữu ích khi tham khảo sách mỏng Hãy chuyên tâm trong việc đọc và dạy dỗ, cũng như mục “Cải thiện thánh chức” trong Chương trình nhóm họp Lối sống và thánh chức. Anh chị có đang tận dụng những ấn phẩm này không? Khi chuẩn bị kỹ, chúng ta sẽ thấy đỡ hồi hộp và nói một cách tự tin hơn.

11. Một số anh chị cải thiện kỹ năng dạy dỗ bằng cách nào?

11 Chúng ta cũng có thể cải thiện kỹ năng dạy dỗ bằng cách quan sát các anh chị khác trong hội thánh và học từ gương của họ. Anh Sang được nói ở trên thắc mắc: “Điều gì làm cho sự dạy dỗ của một số anh chị hữu hiệu?”. Rồi anh xem xét phương pháp của họ và cố gắng bắt chước. Một chị tên Thanh chăm chú lắng nghe cách trình bày bài giảng công cộng của những diễn giả có kinh nghiệm. Nhờ thế, chị học được cách nói và lý luận về những đề tài thường gặp trong thánh chức.

HÃY NÊU GƯƠNG TẠI BUỔI NHÓM HỌP

Ngợi khen Đức Giê-hô-va bằng cách hát hết lòng tại các buổi nhóm họp (Xem đoạn 12, 13)

12. Một số anh chị gặp phải thách đố nào?

12 Tất cả chúng ta đều có thể góp phần vào sự thành công của buổi nhóm họp bằng cách cùng hòa chung tiếng hát với anh em và chia sẻ những lời bình luận được chuẩn bị kỹ (Thi 22:22). Một số anh chị thấy hát hoặc bình luận trước đám đông là một thách đố. Anh chị có cảm thấy như thế không? Nếu thế, hẳn anh chị muốn biết điều gì đã giúp người khác vượt qua nỗi sợ này.

13. Điều gì có thể giúp anh chị hát hết lòng tại các buổi nhóm họp?

13 Hát hết lòng. Khi hát các bài hát Nước Trời, mục tiêu chính của chúng ta nên là ngợi khen Đức Giê-hô-va. Một chị tên Sara thấy mình không phải là người hát hay. Dù vậy, chị muốn ngợi khen Đức Giê-hô-va qua các bài hát. Thế nên, chị thấy hữu ích khi xem trước các bài hát tại nhà, giống như khi chị chuẩn bị cho các phần khác trong buổi nhóm họp. Chị tập hát và cố gắng nhận ra lời bài hát liên quan thế nào đến chủ đề được thảo luận. Chị cho biết: “Điều này giúp tôi tập trung vào lời bài hát thay vì giọng hát của mình”.

14. Nếu là người nhút nhát, điều gì có thể giúp anh chị bình luận tại các buổi nhóm họp?

14 Đều đặn bình luận. Phải thừa nhận đây có thể là thách đố đối với một số anh chị. Chị Thanh được nói ở trên cho biết: “Tôi rất sợ khi phải nói trước đám đông. Người khác không nhận ra điều đó vì thường giọng tôi khá bình tĩnh. Nhưng sự thật là tôi thấy rất khó bình luận”. Dù vậy, chị Thanh không để điều này cản trở chị góp lời bình luận. Khi chuẩn bị cho buổi nhóm họp, chị luôn ghi nhớ là lời bình luận đầu tiên cho mỗi đoạn nên ngắn gọn và trả lời trực tiếp vào câu hỏi. Chị nói thêm: “Điều này có nghĩa là nếu câu trả lời của tôi ngắn gọn, đơn giản và thẳng vào điểm chính thì cũng tốt vì dù sao đi nữa, đó là điều mà anh điều khiển mong muốn”.

15. Chúng ta nên nhớ điều gì về việc bình luận?

15 Ngay cả các anh chị không nhút nhát có lẽ đôi khi cũng ngại bình luận. Tại sao? Một chị tên Duyên giải thích: “Đôi khi tôi thấy ngại bình luận vì sợ rằng lời bình luận của mình quá đơn giản và không hay lắm”. Nhưng hãy nhớ là Đức Giê-hô-va muốn chúng ta bình luận hết khả năng của mình. c Ngài hài lòng khi chúng ta quyết tâm ngợi khen ngài tại các buổi nhóm họp và không để nỗi sợ cản trở mình làm thế.

HÃY NÊU GƯƠNG TRONG CÁC CUỘC TRÒ CHUYỆN THƯỜNG NGÀY

16. Chúng ta phải tránh cách nói năng nào?

16 Tránh mọi lời gây tổn thương (Ê-phê 4:31). Như được đề cập ở trên, tín đồ đạo Đấng Ki-tô không bao giờ được dùng lời lẽ thô tục. Nhưng có những cách nói năng gây tổn thương rất tinh vi mà chúng ta cũng cần cảnh giác. Chẳng hạn, chúng ta cần cẩn thận để không so sánh tiêu cực khi nói về người đến từ chủng tộc, văn hóa hay quốc gia khác. Ngoài ra, chúng ta không bao giờ muốn dùng lời lẽ hạ thấp người khác, khiến họ tổn thương. Một anh thừa nhận: “Đôi khi tôi nói những lời châm chọc, thiếu tế nhị mà tôi nghĩ là vô hại và chỉ để gây cười nhưng lại làm người khác tổn thương. Qua nhiều năm, vợ đã giúp tôi rất nhiều bằng cách nói riêng với tôi khi tôi nói lời thô lỗ khiến cô ấy hoặc người khác tổn thương”.

17. Phù hợp với Ê-phê-sô 4:29, chúng ta có thể giúp người khác vững mạnh bằng cách nào?

17 Nói những lời giúp vững mạnh. Hãy sẵn sàng cho lời khen thay vì chỉ trích hay phàn nàn. (Đọc Ê-phê-sô 4:29). Dân Y-sơ-ra-ên có nhiều điều để biết ơn nhưng họ lại thường phàn nàn. Tinh thần phàn nàn có thể lây lan. Hãy nhớ rằng lời báo cáo tiêu cực của mười người do thám đã khiến “hết thảy dân Y-sơ-ra-ên… cằn nhằn Môi-se” (Dân 13:31–14:4). Trái lại, lời khen có thể là nguồn động viên mạnh mẽ. Hẳn lời khen mà con gái Giép-thê nhận được từ những người bạn đã khích lệ cô rất nhiều để gắn bó với nhiệm vụ của mình (Quan 11:40). Chị Sara được trích ở trên cho biết: “Khi khen người khác, chúng ta giúp họ cảm thấy được Đức Giê-hô-va yêu thương và có một vị trí trong tổ chức của ngài”. Vì thế, hãy tìm cơ hội để khen một cách chân thành.

18. Theo Thi thiên 15:1, 2, tại sao chúng ta phải nói chân thật, và điều này bao hàm những gì?

18 Nói chân thật. Chúng ta không thể làm hài lòng Đức Giê-hô-va nếu thiếu trung thực. Ngài ghét mọi hình thức nói dối (Châm 6:16, 17). Dù nhiều người ngày nay xem nói dối là chuyện bình thường, nhưng chúng ta muốn có cùng quan điểm với Đức Giê-hô-va trong vấn đề này. (Đọc Thi thiên 15:1, 2). Dĩ nhiên, chúng ta tránh nói dối trắng trợn, nhưng chúng ta cũng cần tránh cách nói nhằm cố tình khiến người khác hiểu lầm.

Khi chuyển một cuộc trò chuyện tiêu cực sang hướng tích cực, chúng ta làm đẹp lòng Đức Giê-hô-va (Xem đoạn 19)

19. Chúng ta cần thận trọng điều gì khác?

19 Tránh lan truyền những chuyện thày lay (Châm 25:23; 2 Tê 3:11). Chị Duyên được trích ở trên giải thích chuyện thày lay ảnh hưởng thế nào đến chị. Chị nói: “Nghe những chuyện thày lay khiến tôi nản lòng và mất lòng tin nơi người nói những điều ấy. Suy cho cùng, làm sao tôi biết anh hay chị ấy không nói xấu tôi với người khác?”. Nếu thấy cuộc trò chuyện bắt đầu có xu hướng thày lay, hãy chuyển hướng sang đề tài tích cực.—Cô 4:6.

20. Liên quan đến lời nói, anh chị quyết tâm làm gì?

20 Vì đang sống trong một thế gian đầy dẫy những lời nói không lành mạnh, chúng ta cần nỗ lực để lời nói của mình luôn làm đẹp lòng Đức Giê-hô-va. Hãy nhớ rằng lời nói là món quà đến từ Đức Chúa Trời, và ngài quan tâm đến cách chúng ta sử dụng món quà đó. Ngài sẽ ban phước khi chúng ta cố gắng để luôn nói tích cực trong thánh chức, tại các buổi nhóm họp và trong các cuộc trò chuyện thường ngày. Khi ảnh hưởng của thế gian bất kính này không còn nữa thì sẽ dễ hơn rất nhiều để chúng ta tôn vinh Đức Giê-hô-va qua lời nói (Giu 15). Từ nay cho đến lúc đó, hãy quyết tâm làm vui lòng Đức Giê-hô-va bằng ‘lời miệng mình nói’.—Thi 19:14.

BÀI HÁT 121 Chúng ta cần có tính tự chủ

a Đức Giê-hô-va ban cho chúng ta một món quà tuyệt vời, đó là món quà lời nói. Đáng buồn là đa số người ta không dùng món quà này theo ý muốn Đức Giê-hô-va. Điều gì có thể giúp chúng ta nói năng cách thanh sạch và xây dựng trong một thế gian mà tiêu chuẩn ngày càng xuống dốc? Làm thế nào chúng ta có thể làm đẹp lòng Đức Giê-hô-va trong lời nói khi tham gia thánh chức, khi tham dự các buổi nhóm họp và khi trò chuyện với người khác? Bài này sẽ giải đáp những câu hỏi đó.

b Một số tên đã được thay đổi.

c Để biết thêm thông tin về việc bình luận, xem bài “Hãy ngợi khen Đức Giê-hô-va trong hội thánh” trong Tháp Canh tháng 1 năm 2019.

d HÌNH ẢNH: Một anh phản ứng gay gắt với chủ nhà đang tức giận; một anh ngại hát trong hội thánh; và một chị đang nói chuyện thày lay.