Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 25

Đức Giê-hô-va ban phước cho những ai biết tha thứ

Đức Giê-hô-va ban phước cho những ai biết tha thứ

“Đức Giê-hô-va đã rộng lòng tha thứ anh em thể nào, anh em cũng phải làm như vậy”.—CÔ 3:13.

BÀI HÁT 130 Hãy tha thứ

GIỚI THIỆU *

1. Đức Giê-hô-va đưa ra lời đảm bảo nào cho những người phạm tội biết ăn năn?

 Dù Đức Giê-hô-va là Đấng Tạo Hóa, Đấng Lập Luật và Đấng Phán Xét nhưng ngài cũng là Cha đầy yêu thương của chúng ta ở trên trời (Thi 100:3; Ê-sai 33:22). Khi chúng ta phạm tội với ngài và thật lòng ăn năn, ngài không chỉ có quyền mà còn muốn tha thứ cho chúng ta (Thi 86:5). Qua nhà tiên tri Ê-sai, Đức Giê-hô-va đưa ra lời đảm bảo đầy ấm lòng này: “Dù tội lỗi các ngươi đỏ thắm cũng sẽ được tẩy trắng như tuyết”.—Ê-sai 1:18.

2. Nếu muốn có mối quan hệ hòa thuận với người khác, chúng ta cần làm gì?

2 Vì bất toàn, tất cả chúng ta đều có lúc nói hoặc làm những điều khiến người khác tổn thương (Gia 3:2). Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chúng ta không thể có mối quan hệ thân thiết với họ. Chúng ta có thể có những mối quan hệ như thế nếu tập tha thứ (Châm 17:9; 19:11; Mat 18:21, 22). Khi người khác làm mình tổn thương trong những vấn đề nhỏ, Đức Giê-hô-va muốn chúng ta tha thứ (Cô 3:13). Chắc chắn chúng ta có lý do chính đáng để làm thế. Suy cho cùng, Đức Giê-hô-va “rộng lòng thứ tha” cho chúng ta.—Ê-sai 55:7.

3. Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài này?

3 Trong bài này, chúng ta sẽ xem xét làm thế nào người bất toàn có thể bắt chước sự tha thứ của Đức Giê-hô-va. Cũng hãy xem những câu hỏi sau: Chúng ta cần báo cho các trưởng lão biết về những tội nào? Tại sao Đức Giê-hô-va khuyến khích chúng ta tha thứ cho người khác? Và chúng ta học được gì từ một số anh em đồng đạo đã chịu đau khổ vì tội của người khác?

KHI MỘT TÍN ĐỒ PHẠM TỘI TRỌNG

4. (a) Khi phạm tội trọng, một tôi tớ của Đức Giê-hô-va cần làm gì? (b) Khi gặp người phạm tội, các trưởng lão có trách nhiệm nào?

4 Chúng ta cần báo cho các trưởng lão biết khi một người phạm tội trọng. Một số tội trọng được đề cập nơi 1 Cô-rinh-tô 6:9, 10. Tội trọng là những tội vi phạm luật pháp Đức Chúa Trời một cách trắng trợn. Nếu phạm tội trọng, một tín đồ cần đến gần Đức Giê-hô-va qua lời cầu nguyện và cần đến gặp các trưởng lão trong hội thánh (Thi 32:5; Gia 5:14). Các trưởng lão có trách nhiệm nào? Chỉ Đức Giê-hô-va mới có quyền hoàn toàn tha thứ tội lỗi và ngài làm thế dựa trên giá chuộc. * Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va giao cho các trưởng lão trách nhiệm xác định người phạm tội có được tiếp tục ở trong hội thánh hay không dựa trên những điều Kinh Thánh nói (1 Cô 5:12). Một trong những điều các trưởng lão cần làm là cố gắng giải đáp những câu hỏi sau: Người ấy có cố tình phạm tội không? Người ấy có âm mưu làm điều sai trái không? Người ấy có phạm tội trong một thời gian dài không? Quan trọng nhất là có bằng chứng nào cho thấy người ấy thật sự ăn năn không? Có bằng chứng nào cho thấy Đức Giê-hô-va đã tha thứ cho người ấy không?—Công 3:19.

5. Công việc của các trưởng lão mang lại lợi ích nào?

5 Khi các trưởng lão gặp người phạm tội, mục tiêu của họ là đưa ra quyết định trên đất giống với quyết định đã có ở trên trời (Mat 18:18). Sắp đặt này mang lại lợi ích nào cho hội thánh? Đó là bảo đảm rằng những người phạm tội không ăn năn sẽ bị loại bỏ khỏi hội thánh để họ không gây hại cho các chiên quý báu của Đức Giê-hô-va (1 Cô 5:6, 7, 11-13; Tít 3:10, 11). Ngoài ra, sắp đặt ấy có thể giúp người phạm tội ăn năn và nhận lợi ích từ sự tha thứ của ngài (Lu 5:32). Các trưởng lão cũng cầu nguyện cho người biết ăn năn và xin Đức Giê-hô-va giúp người ấy hồi phục về thiêng liêng.—Gia 5:15.

6. Nếu bị khai trừ, một người có thể vẫn được tha thứ không? Hãy giải thích.

6 Nói sao nếu một người không ăn năn khi gặp các trưởng lão? Trong trường hợp đó, người ấy sẽ bị khai trừ khỏi hội thánh. Nếu người ấy vi phạm luật pháp của nhà nước, các trưởng lão sẽ không bảo vệ người ấy khỏi hậu quả. Đức Giê-hô-va cho phép các bậc cầm quyền xét xử và trừng phạt bất cứ ai vi phạm luật pháp của họ, dù người đó có ăn năn hay không (Rô 13:4). Tuy nhiên, nếu sau này người ấy tỉnh ngộ, thật lòng ăn năn và quay trở lại thì Đức Giê-hô-va sẵn lòng tha thứ (Lu 15:17-24). Điều đó đúng ngay cả trong trường hợp người ấy phạm tội rất nghiêm trọng.—2 Sử 33:9, 12, 13; 1 Ti 1:15.

7. Chúng ta có thể tha thứ cho người phạm tội với mình theo nghĩa nào?

7 Thật nhẹ nhõm khi biết chúng ta không có trách nhiệm quyết định một người phạm tội có xứng đáng được Đức Giê-hô-va tha thứ hay không! Nhưng có một điều chúng ta cần quyết định. Trong một số trường hợp, một người phạm tội với chúng ta, thậm chí tội trọng, rồi người ấy xin lỗi chúng ta và xin được tha thứ. Trong những trường hợp khác, người phạm tội không làm thế. Dù vậy, chúng ta có thể chọn tha thứ cho người ấy theo nghĩa là quyết định bỏ đi sự oán giận và thù hằn đối với người ấy. Thực tế, điều này có lẽ đòi hỏi thời gian và nỗ lực, đặc biệt nếu chúng ta bị tổn thương sâu sắc. Tháp Canh ngày 15-9-1994 nói: “Khi tha thứ người phạm tội, đây không có nghĩa mình dung thứ tội lỗi của họ. Đối với tín đồ [đạo Đấng Ki-tô], sự tha thứ có nghĩa chúng ta trao vấn đề vào tay Đức Giê-hô-va và tin cậy nơi Ngài. Ngài là Đấng Phán xét công bình của cả vũ trụ, và Ngài sẽ thi hành công lý đúng lúc”. Tại sao Đức Giê-hô-va khuyến khích chúng ta tha thứ và để công lý trong tay ngài?

TẠI SAO ĐỨC GIÊ-HÔ-VA KHUYẾN KHÍCH CHÚNG TA THA THỨ?

8. Làm thế nào việc chúng ta tha thứ cho thấy mình biết ơn lòng thương xót của Đức Giê-hô-va?

8 Tha thứ cho thấy lòng biết ơn. Trong một ngụ ngôn, Chúa Giê-su ví Đức Giê-hô-va với người chủ đã xóa món nợ khổng lồ cho một đầy tớ không có khả năng trả. Nhưng người đầy tớ được tha nợ đã không thể hiện lòng thương xót với một đầy tớ nợ ông số tiền nhỏ hơn nhiều (Mat 18:23-35). Chúa Giê-su muốn dạy chúng ta điều gì? Đó là nếu thật sự biết ơn lòng thương xót lớn lao mà Đức Giê-hô-va thể hiện với mình, chúng ta sẽ được thôi thúc để tha thứ cho người khác (Thi 103:9). Cách đây nhiều năm, Tháp Canh viết: “Dù chúng ta tha thứ cho người khác bao nhiêu lần đi nữa thì cũng không bao giờ sánh bằng sự tha thứ và lòng thương xót mà Đức Chúa Trời thể hiện với chúng ta qua Đấng Ki-tô”.

9. Đức Giê-hô-va thể hiện lòng thương xót với ai? (Ma-thi-ơ 6:14, 15)

9 Người biết tha thứ sẽ được tha thứ. Đức Giê-hô-va thương xót những người có lòng thương xót (Mat 5:7; Gia 2:13). Chúa Giê-su cho thấy rõ điều này khi dạy các môn đồ cách cầu nguyện. (Đọc Ma-thi-ơ 6:14, 15). Chúng ta cũng rút ra bài học tương tự qua điều Đức Giê-hô-va nói với tôi tớ ngài là Gióp. Người đàn ông trung thành ấy vô cùng đau lòng trước những lời gây tổn thương của ba người là Ê-li-pha, Binh-đát và Xô-pha. Đức Giê-hô-va bảo Gióp cầu nguyện cho họ. Sau khi Gióp làm thế, ngài ban phước cho ông.—Gióp 42:8-10.

10. Tại sao việc cưu mang oán giận sẽ gây hại? (Ê-phê-sô 4:31, 32)

10 Cưu mang oán giận sẽ gây hại. Đức Giê-hô-va muốn chúng ta được nhẹ nhõm nhờ gỡ bỏ gánh nặng của việc oán giận. (Đọc Ê-phê-sô 4:31, 32). Ngài khuyến khích chúng ta “thôi giận và dẹp cơn thịnh nộ” (Thi 37:8). Làm theo lời khuyên này thật khôn ngoan. Cưu mang oán giận có thể gây hại cho sức khỏe thể chất và tinh thần của chúng ta (Châm 14:30). Nhưng điều đó lại không ảnh hưởng gì đến người gây tổn thương cho chúng ta, giống như việc mình uống thuốc độc chỉ làm hại bản thân, chứ không gây hại gì cho người khác. Vì thế, khi tha thứ cho người khác, chúng ta tự tặng mình một món quà (Châm 11:17). Chúng ta có được bình an tâm trí, và có thể tiến tới trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va.

11. Kinh Thánh nói gì về việc trả thù? (Rô-ma 12:19-21)

11 Sự báo thù thuộc về Đức Giê-hô-va. Đức Giê-hô-va không cho chúng ta quyền trả thù người phạm tội với mình. (Đọc Rô-ma 12:19-21). Vì có cái nhìn hạn chế và bất toàn, chúng ta không thể đánh giá chính xác về các vấn đề như Đức Chúa Trời (Hê 4:13). Đôi khi chúng ta cũng để tình cảm chi phối sự phán đoán của mình. Đức Giê-hô-va soi dẫn Gia-cơ viết: “Sự nóng giận của con người không đem lại sự công chính của Đức Chúa Trời” (Gia 1:20). Chúng ta có thể tin chắc rằng Đức Giê-hô-va luôn làm điều đúng và sẽ đảm bảo công lý được thực thi.

Hãy bỏ đi sự oán giận và thù hằn. Hãy để vấn đề trong tay Đức Chúa Trời. Ngài sẽ xóa bỏ mọi tổn hại do tội lỗi gây ra (Xem đoạn 12)

12. Chúng ta cho thấy mình tin cậy nơi công lý của Đức Giê-hô-va bằng cách nào?

12 Tha thứ cho thấy chúng ta tin cậy nơi công lý của Đức Giê-hô-va. Khi để vấn đề trong tay Đức Giê-hô-va, chúng ta cho thấy mình tin cậy rằng ngài sẽ xóa bỏ mọi tổn hại do tội lỗi gây ra. Trong thế giới mới mà ngài đã hứa, những ký ức đau thương sẽ không bao giờ “được gợi lên trong trí, cũng không được khơi lại trong lòng” (Ê-sai 65:17). Nhưng khi bị tổn thương sâu sắc, chúng ta có thể thật sự bỏ đi sự oán giận và thù hằn trong lòng không? Hãy xem một số anh chị đã làm điều này như thế nào.

SỰ THA THỨ MANG LẠI ÂN PHƯỚC

13, 14. Anh chị học được gì về sự tha thứ từ kinh nghiệm của anh Tony và anh José?

13 Nhiều anh chị của chúng ta đã quyết định tha thứ dù họ bị tổn thương sâu sắc bởi hành động của người khác. Họ nhận được ân phước nào khi làm thế?

14 Rất lâu trước khi học chân lý, anh Tony * sống ở Philippines biết được rằng anh của mình bị một người tên José ám sát. Lúc đó, anh Tony là người rất dữ tợn và hung bạo, và anh muốn trả thù. Anh José bị bắt và bị tống giam vì tội ấy. Khi anh José được ra tù, anh Tony thề là sẽ truy lùng và giết anh ấy. Để thực hiện được điều đó, anh đã mua một khẩu súng. Trong thời gian ấy, anh Tony bắt đầu học Kinh Thánh với Nhân Chứng Giê-hô-va. Anh kể: “Trong quá trình học, tôi hiểu rằng mình cần thay đổi đường lối, trong đó có việc bỏ đi nỗi oán giận”. Với thời gian, anh Tony báp-têm và cuối cùng được bổ nhiệm làm trưởng lão. Hãy hình dung anh ngạc nhiên thế nào khi biết rằng anh José cũng đã báp-têm và trở thành tôi tớ Đức Giê-hô-va! Khi hai người gặp nhau, họ ôm chầm lấy nhau, và anh Tony nói cho anh José biết anh đã tha thứ cho anh José. Anh Tony cho biết hành động tha thứ ấy đã mang lại cho anh niềm vui khó diễn tả được bằng lời. Thật vậy, Đức Giê-hô-va đã ban phước cho anh Tony vì anh sẵn lòng tha thứ.

Kinh nghiệm của anh Peter và chị Sue cho thấy chúng ta có thể bỏ đi sự oán giận và thù hằn (Xem đoạn 15, 16)

15, 16. Anh chị học được gì về sự tha thứ từ kinh nghiệm của anh Peter và chị Sue?

15 Vào năm 1985, anh Peter và chị Sue đang tham dự nhóm họp ở Phòng Nước Trời thì bỗng nhiên có một vụ nổ kinh hoàng. Một người đàn ông đã đặt bom bên trong Phòng Nước Trời! Chị Sue bị thương rất nặng, ảnh hưởng vĩnh viễn đến khả năng nhìn và nghe của chị. Chị cũng bị mất khứu giác. * Anh Peter và chị Sue đã nhiều lần tự hỏi: “Ai mà lại có thể làm chuyện gian ác như thế?”. Nhiều năm sau, thủ phạm, không phải là Nhân Chứng, đã bị bắt và bị kết án chung thân. Khi anh Peter và chị Sue được hỏi là họ có tha thứ cho người ấy không, họ trả lời: “Đức Giê-hô-va dạy chúng ta rằng việc cưu mang lòng oán giận và thù hằn có thể làm hại mình về thể chất, tình cảm và tinh thần. Vì thế, ngay từ thời gian đầu, chúng tôi đã cầu xin Đức Giê-hô-va giúp mình bỏ đi nỗi oán giận và thù hằn để tiếp tục cuộc sống”.

16 Có dễ để họ tha thứ và bỏ đi sự oán giận không? Hẳn là không. Anh chị ấy cho biết: “Thỉnh thoảng khi những vết thương cũ của Sue gây ra vấn đề, chúng tôi cảm thấy bực tức. Nhưng chúng tôi không nghĩ mãi đến điều đó, nên cảm giác ấy cũng chóng qua. Chúng tôi có thể thành thật nói rằng nếu một ngày nào đó người đặt bom trở thành anh em đồng đạo, chúng tôi cũng sẽ chào đón anh ấy. Trải nghiệm này đã dạy chúng tôi rằng các nguyên tắc Kinh Thánh thật sự giải thoát chúng ta, giải thoát theo nhiều cách mà mình không bao giờ nghĩ đến! Chúng tôi cũng được an ủi khi biết không lâu nữa, Đức Giê-hô-va sẽ xóa bỏ mọi tổn hại này”.

17. Anh chị học được gì về sự tha thứ từ kinh nghiệm của chị Myra?

17 Chị Myra biết chân lý khi đã kết hôn và có hai con nhỏ. Chồng của chị không chấp nhận chân lý. Sau này, anh ngoại tình và bỏ gia đình. Chị Myra nói: “Khi chồng bỏ tôi và các con, tôi có những cảm xúc mà nhiều người trải qua khi bị người thân yêu phản bội, như bị sốc, không tin nổi, đau buồn, hối tiếc, tự trách và giận dữ”. Dù cuộc hôn nhân đã chấm dứt nhưng nỗi đau vì bị phản bội vẫn dai dẳng. Chị Myra nói tiếp: “Những cảm xúc ấy khiến tôi bực tức và suy sụp trong nhiều tháng, và tôi nhận ra rằng chúng đã ảnh hưởng đến mối quan hệ của mình với Đức Giê-hô-va và người khác”. Chị Myra cho biết hiện nay chị đã bỏ đi nỗi oán giận và không có ác cảm gì với người chồng trước. Chị hy vọng rằng một ngày nào đó anh sẽ đến gần Đức Giê-hô-va. Giờ thì chị Myra có thể tập trung vào tương lai. Là người mẹ đơn thân, chị đã nuôi dạy hai con trở thành tôi tớ của Đức Giê-hô-va. Chị Myra đang vui mừng phụng sự Đức Giê-hô-va cùng với hai con và gia đình của họ.

CÔNG LÝ HOÀN HẢO CỦA ĐỨC GIÊ-HÔ-VA

18. Chúng ta có thể tin chắc Đấng Phán Xét Tối Cao là Đức Giê-hô-va sẽ làm gì?

18 Thật nhẹ nhõm khi biết chúng ta không phải gánh trách nhiệm quyết định một người nên được xét xử thế nào! Là Đấng Phán Xét Tối Cao, Đức Giê-hô-va sẽ đảm nhận công việc quan trọng đó (Rô 14:10-12). Chúng ta có thể tin chắc rằng ngài sẽ luôn phán xét phù hợp với tiêu chuẩn hoàn hảo của ngài về điều đúng và điều sai (Sáng 18:25; 1 Vua 8:32). Ngài sẽ không bao giờ làm bất cứ điều gì không công chính!

19. Công lý hoàn hảo của Đức Giê-hô-va sẽ thực hiện điều gì?

19 Chúng ta trông mong đến thời điểm mà Đức Giê-hô-va sẽ hoàn toàn xóa bỏ mọi hậu quả do sự bất toàn và tội lỗi của con người gây ra. Lúc đó, tất cả những vết thương về thể chất và cảm xúc sẽ được chữa lành mãi mãi (Thi 72:12-14; Khải 21:3, 4). Những điều đó sẽ không bao giờ được gợi lên trong trí nữa. Trong khi chờ đợi thời kỳ tuyệt vời đó, chúng ta thật biết ơn vì Đức Giê-hô-va đã ban cho chúng ta khả năng để bắt chước ngài, đó là tha thứ.

BÀI HÁT 18 Biết ơn về giá chuộc

^ Đức Giê-hô-va muốn tha thứ cho những người phạm tội biết ăn năn. Là tín đồ đạo Đấng Ki-tô, chúng ta muốn noi gương ngài khi ai đó làm mình tổn thương. Bài này sẽ xem xét những tội mà chúng ta có thể tha thứ và những tội cần phải báo cho các trưởng lão biết. Chúng ta cũng sẽ xem tại sao Đức Giê-hô-va muốn mình tha thứ cho người khác và những ân phước mình nhận được khi làm thế.

^ Xem “Câu hỏi của độc giả” trong Tháp Canh ngày 15-4-1996.

^ Một số tên đã được thay đổi.

^ Xem Tỉnh Thức! ngày 8-1-1992, trg 9-13 (Anh ngữ). Cũng xem video Anh Peter và chị Sue: Một cú sốc có thể vượt qua được trên Kênh truyền thông JW.