Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 27

“Hãy trông cậy Đức Giê-hô-va”

“Hãy trông cậy Đức Giê-hô-va”

“Hãy trông cậy Đức Giê-hô-va; hãy can đảm và vững lòng lên”.—THI 27:14.

BÀI HÁT 128 Bền chí chịu đựng cho đến cuối cùng

GIỚI THIỆU *

1. (a) Đức Giê-hô-va ban cho chúng ta hy vọng nào? (b) “Trông cậy Đức Giê-hô-va” có nghĩa gì? (Xem “Giải nghĩa”).

 Đức Giê-hô-va ban hy vọng tuyệt diệu cho tất cả những ai yêu mến ngài. Không lâu nữa, ngài sẽ chấm dứt bệnh tật, đau buồn và cái chết (Khải 21:3, 4). Ngài sẽ giúp “người khiêm hòa”, là những người trông cậy ngài, biến trái đất thành địa đàng (Thi 37:9-11). Ngài sẽ mở đường cho mỗi chúng ta có được mối quan hệ nồng ấm với ngài, thậm chí còn tuyệt vời hơn mối quan hệ mình hiện đang có với ngài. Thật là một hy vọng tuyệt diệu! Nhưng chúng ta có cơ sở nào để tin rằng những lời hứa của Đức Chúa Trời sẽ thành hiện thực? Đức Giê-hô-va không bao giờ thất hứa. Vì vậy, chúng ta có lý do chính đáng để “trông cậy Đức Giê-hô-va” * (Thi 27:14). Chúng ta cho thấy điều này qua việc kiên nhẫn và vui mừng chờ đợi Đức Chúa Trời thực hiện ý định của ngài.—Ê-sai 55:10, 11.

2. Đức Giê-hô-va đã thực hiện điều gì?

2 Đức Giê-hô-va đã chứng tỏ rằng ngài giữ lời hứa. Hãy xem một ví dụ nổi bật. Trong sách Khải huyền, Đức Giê-hô-va hứa rằng trong thời của chúng ta, ngài sẽ thu nhóm người từ mọi nước, mọi chi phái, mọi thứ tiếng và hợp nhất họ trong sự thờ phượng thanh sạch. Ngày nay, nhóm người đặc biệt này được biết đến là “đám đông lớn” (Khải 7:9, 10). Dù nhóm này bao gồm những người nam, nữ, trẻ em thuộc các chủng tộc, ngôn ngữ, gốc gác khác nhau nhưng họ hợp thành một đoàn thể anh em hợp nhất và hòa thuận (Thi 133:1; Giăng 10:16). Những người thuộc đám đông lớn này cũng rao giảng sốt sắng. Họ luôn sẵn sàng chia sẻ hy vọng về một thế giới tốt đẹp hơn với bất cứ ai muốn nghe (Mat 28:19, 20; Khải 14:6, 7; 22:17). Nếu thuộc về đám đông lớn ấy, chắc chắn anh chị rất quý trọng hy vọng về những điều tốt đẹp hơn sắp đến.

3. Mục tiêu của Sa-tan là gì?

3 Ác Quỷ muốn cướp đi hy vọng của anh chị. Mục tiêu của hắn là khiến anh chị tin rằng Đức Giê-hô-va không quan tâm đến mình và ngài sẽ không giữ lời hứa. Nếu Sa-tan cướp đi được hy vọng của chúng ta thì chúng ta sẽ đánh mất lòng can đảm, thậm chí ngưng phụng sự Đức Chúa Trời. Như chúng ta sẽ thấy, Ác Quỷ đã tìm cách cướp đi hy vọng của Gióp và cố khiến ông ngưng phụng sự Đức Giê-hô-va.

4. Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài này? (Gióp 1:9-12)

4 Trong bài này, chúng ta sẽ xem những thủ đoạn Sa-tan dùng nhằm phá đổ lòng trọn thành của Gióp. (Đọc Gióp 1:9-12). Chúng ta cũng sẽ xem mình học được gì từ gương của Gióp và tại sao chúng ta cần nhớ rằng Đức Chúa Trời yêu thương mình và sẽ thực hiện các lời hứa của ngài.

SA-TAN CỐ KHIẾN GIÓP MẤT ĐI HY VỌNG

5, 6. Điều gì đã xảy đến với Gióp chỉ trong khoảng thời gian ngắn?

5 Gióp có một cuộc sống suôn sẻ. Ông có tình bạn mật thiết với Đức Giê-hô-va. Ông có một gia đình lớn và hạnh phúc; ông cũng rất giàu có (Gióp 1:1-5). Nhưng chỉ trong một ngày, Gióp gần như mất đi mọi thứ. Đầu tiên, ông mất tài sản (Gióp 1:13-17). Rồi các con thân yêu của ông đều chết. Hãy thử nghĩ về thảm kịch ấy. Cha mẹ cảm thấy đau buồn tột độ khi một người con của họ chết. Vậy hãy hình dung nỗi đau và cú sốc mà Gióp cùng vợ phải chịu khi biết rằng tất cả mười người con của họ chết. Thế nên, không lạ gì khi Gióp than khóc xé áo mình và ngã quỵ xuống đất!—Gióp 1:18-20.

6 Tiếp theo, Sa-tan hành hạ Gióp bằng một căn bệnh đau đớn khiến ông mất danh dự (Gióp 2:6-8; 7:5). Trước đó, Gióp rất được tôn trọng trong cộng đồng. Người ta đến để xin lời khuyên của ông (Gióp 31:18). Nhưng giờ đây, họ tránh mặt ông. Ông bị anh em, bạn thân và thậm chí tôi tớ trong nhà ruồng bỏ!—Gióp 19:13, 14, 16.

Nhiều anh chị ngày nay trải qua thử thách tương tự như Gióp có thể cảm thông với sự mất mát của ông (Xem đoạn 7) *

7. (a) Gióp nghĩ ông chịu đau khổ vì lý do nào, nhưng ông đã không làm gì? (b) Một tín đồ có thể phải đối mặt với thử thách nào như những điều được thấy trong hình?

7 Sa-tan muốn Gióp tin rằng ông chịu đau khổ vì không còn được Đức Giê-hô-va chấp nhận. Chẳng hạn, Sa-tan dùng một trận cuồng phong để làm sập căn nhà, nơi tất cả mười người con của Gióp đang cùng nhau ăn uống (Gióp 1:18, 19). Hắn cũng khiến lửa từ trời giáng xuống để thiêu rụi không chỉ bầy súc vật của Gióp mà còn các tôi tớ đang chăn bầy (Gióp 1:16). Trận cuồng phong và lửa rõ ràng đến từ nguồn siêu nhiên nên Gióp đã kết luận chính Đức Giê-hô-va là Nguồn của những điều ấy. Gióp nghĩ ông đã làm gì đó khiến ngài nổi giận. Dù vậy, Gióp không phỉ báng Cha trên trời. Ông nhận biết rằng trong nhiều năm qua, ông đã nhận rất nhiều điều tốt lành từ Đức Giê-hô-va. Vì thế, Gióp lý luận rằng nếu ông đã nhận điều tốt lành, ông cũng nên sẵn sàng nhận điều tồi tệ. Ông nói: “Nguyện danh Đức Giê-hô-va tiếp tục được khen ngợi” (Gióp 1:20, 21; 2:10). Cho đến thời điểm ấy, dù Gióp mất tài sản, con cái và sức khỏe, ông vẫn trung thành với Đức Giê-hô-va. Nhưng Sa-tan không dừng lại ở đó.

8. Sa-tan dùng thủ đoạn kế tiếp nào đối với Gióp?

8 Sa-tan dùng thêm một thủ đoạn khác đối với Gióp. Hắn dùng ba người bạn giả tạo để khiến Gióp cảm thấy vô giá trị. Những người bạn này cho rằng việc Gióp phải chịu đau khổ là bằng chứng cho thấy ông đã làm nhiều điều sai (Gióp 22:5-9). Họ cũng cố thuyết phục Gióp tin rằng ngay cả nếu ông không phải là người xấu thì bất kỳ nỗ lực nào của ông để làm hài lòng Đức Chúa Trời đều vô ích (Gióp 4:18; 22:2, 3; 25:4). Thật ra, họ đang cố khiến Gióp nghĩ rằng Đức Chúa Trời không yêu thương ông, sẽ không chăm sóc ông và việc ông phụng sự ngài chẳng có giá trị gì. Những lời của họ đã có thể khiến Gióp cảm thấy tình cảnh của mình là vô vọng.

9. Điều gì giúp Gióp can đảm và mạnh mẽ?

9 Hãy hình dung cảnh sau. Gióp đang ngồi trong đống tro và phải chịu cơn đau không ngớt (Gióp 2:8). Những người bạn cứ nói rằng ông là người xấu và cố hủy hoại danh tiếng của ông. Thử thách đè nặng trên ông giống như những tảng đá, trong khi nỗi đau về cái chết của các con cứ dai dẳng trong lòng ông. Lúc đầu, Gióp im lặng (Gióp 2:13–3:1). Nếu những người bạn cho rằng sự im lặng của Gióp là dấu hiệu cho thấy ông quay lưng lại với Đấng Tạo Hóa thì họ đã lầm. Có một lúc, Gióp có lẽ ngước mặt lên và nhìn thẳng vào những người bạn giả tạo, rồi nói: “Cho đến chết, tôi cũng không từ bỏ lòng trọn thành!” (Gióp 27:5). Điều gì giúp Gióp can đảm và mạnh mẽ bất kể mọi đau khổ mà ông phải chịu? Ngay cả vào lúc nản lòng nhất, Gióp vẫn không đánh mất hy vọng rằng Đức Chúa Trời yêu thương sẽ chấm dứt những đau khổ của ông. Ông biết rằng cho dù ông có chết, Đức Giê-hô-va sẽ làm ông sống lại.—Gióp 14:13-15.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ NOI GƯƠNG GIÓP?

10. Lời tường thuật về Gióp dạy chúng ta điều gì?

10 Lời tường thuật về Gióp dạy chúng ta rằng Sa-tan không thể ép buộc chúng ta từ bỏ Đức Giê-hô-va và ngài biết mọi điều xảy đến với mình. Kinh nghiệm của Gióp cũng giúp chúng ta hiểu rõ hơn về những vấn đề có liên quan. Hãy xem một số bài học cụ thể mà chúng ta học được từ Gióp.

11. Nếu tiếp tục tin cậy Đức Giê-hô-va, chúng ta có thể tin chắc điều gì? (Gia-cơ 4:7)

11 Gióp cho thấy rằng nếu tiếp tục tin cậy Đức Giê-hô-va, chúng ta có thể chịu đựng bất cứ thử thách nào và thành công trong việc chống lại Sa-tan. Kết quả là gì? Kinh Thánh đảm bảo rằng Ác Quỷ sẽ lánh xa chúng ta.—Đọc Gia-cơ 4:7.

12. Hy vọng về sự sống lại đã làm vững mạnh Gióp như thế nào?

12 Chúng ta cần nắm chặt hy vọng về sự sống lại. Như đã đề cập trong bài trước, Sa-tan thường dùng nỗi sợ cái chết để cố khiến chúng ta từ bỏ lòng trọn thành. Trong trường hợp của Gióp, Sa-tan cho rằng Gióp sẽ làm bất cứ điều gì để giữ mạng sống, thậm chí thỏa hiệp và ngưng phụng sự Đức Chúa Trời. Sa-tan đã sai. Ngay cả trong thời khắc đen tối nhất khi cái chết dường như cận kề, Gióp cũng không thỏa hiệp. Điều giúp Gióp chịu đựng chính là lòng tin chắc nơi sự tốt lành của Đức Giê-hô-va cũng như niềm hy vọng mạnh mẽ là cuối cùng ngài sẽ sửa đổi mọi thứ. Gióp tin rằng cho dù Đức Giê-hô-va không sửa chữa vấn đề trong lúc ông còn sống, thì ngài sẽ làm thế khi ông được làm cho sống lại trong tương lai. Hy vọng về sự sống lại có thật đối với Gióp. Nếu hy vọng ấy có thật đối với mình, chúng ta sẽ giữ được lòng trọn thành ngay cả khi mạng sống bị đe dọa.

13. Tại sao chúng ta cần phải để ý đến những thủ đoạn mà Sa-tan dùng đối với Gióp?

13 Chúng ta phải để ý đến những thủ đoạn mà Sa-tan dùng đối với Gióp vì ngày nay hắn cũng dùng những thủ đoạn tương tự. Hãy xem lời cáo buộc sau của Sa-tan: “Một người [không chỉ có Gióp] sẽ trao mọi thứ mình có vì mạng sống mình” (Gióp 2:4, 5). Sa-tan ám chỉ rằng chúng ta không thật sự yêu mến Đức Giê-hô-va và chúng ta sẽ quay lưng với ngài để giữ mạng sống của mình. Hắn cũng cho rằng Đức Chúa Trời không yêu thương chúng ta và ngài không để ý đến những nỗ lực của chúng ta hầu làm ngài hài lòng. Nhờ được cảnh báo trước về các thủ đoạn của Sa-tan, chúng ta, là những người trông cậy Đức Giê-hô-va, sẽ không để mình bị hắn lừa.

14. Thử thách giúp chúng ta nhận ra điều gì? Hãy minh họa.

14 Chúng ta nên xem thử thách là cơ hội để hiểu rõ hơn về bản thân. Những thử thách mà Gióp trải qua giúp ông nhận ra nhược điểm của mình và sửa đổi. Chẳng hạn, ông học được rằng ông cần vun trồng thêm tính khiêm nhường (Gióp 42:3). Chúng ta cũng có thể học nhiều điều về bản thân khi trải qua thử thách. Một anh tên Nikolay * bị bỏ tù dù có vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe. Anh nói: “Nhà tù giống như phim X quang, cho thấy con người bề trong của một tín đồ”. Một khi nhận ra nhược điểm của mình, chúng ta có thể cố gắng sửa đổi.

15. Chúng ta nên lắng nghe ai, và tại sao?

15 Chúng ta cần lắng nghe Đức Giê-hô-va, chứ không phải kẻ thù. Gióp lắng nghe khi Đức Giê-hô-va nói chuyện với ông. Đức Chúa Trời lý luận với Gióp, như thể ngài nói: “Con có thấy quyền năng sáng tạo của ta không? Ta biết mọi điều xảy đến với con. Con không nghĩ rằng ta có thể chăm sóc con sao?”. Gióp đáp lại với lòng khiêm nhường và biết ơn sâu xa đối với sự tốt lành của Đức Giê-hô-va. Ông nói: “Tai con có nghe về ngài. Nhưng bây giờ mắt con mới thấy ngài” (Gióp 42:5). Rất có thể khi nói những lời này, Gióp vẫn đang ngồi trong đống tro, toàn thân đầy ung nhọt đau đớn, và ông vẫn còn than khóc các con. Trong lúc đó, Đức Giê-hô-va khẳng định tình yêu thương ngài dành cho Gióp cũng như trấn an ông rằng ngài hài lòng về ông.—Gióp 42:7, 8.

16. Theo Ê-sai 49:15, 16, chúng ta nên ghi nhớ điều gì khi đối mặt với thử thách?

16 Ngày nay, người ta cũng có thể sỉ nhục và đối xử với chúng ta như thể mình vô giá trị. Họ có thể cố hủy hoại danh tiếng của cá nhân chúng ta hoặc của tổ chức cũng như ‘vu cho chúng ta đủ điều ác’ (Mat 5:11). Qua lời tường thuật về Gióp, chúng ta học được rằng Đức Giê-hô-va tin là chúng ta sẽ giữ trung thành với ngài khi đối mặt với thử thách. Đức Giê-hô-va yêu thương chúng ta và sẽ không bao giờ từ bỏ những ai trông cậy ngài. (Đọc Ê-sai 49:15, 16). Đừng để ý đến bất cứ lời vu khống nào đến từ kẻ thù của Đức Chúa Trời! Một anh ở Thổ Nhĩ Kỳ tên James và gia đình đã đối mặt với thử thách cam go. Anh nói: “Chúng tôi nhận ra rằng việc nghe những lời nói dối về dân Đức Chúa Trời sẽ khiến mình nản lòng. Vì thế, chúng tôi tập trung vào hy vọng Nước Trời và luôn tích cực phụng sự Đức Giê-hô-va. Kết quả là chúng tôi giữ được niềm vui”. Như Gióp, chúng ta lắng nghe Đức Giê-hô-va! Những lời nói dối của kẻ thù không dập tắt được hy vọng của chúng ta.

NIỀM HY VỌNG SẼ GIÚP ANH CHỊ CHỊU ĐỰNG

Gióp được ban phước vì đã giữ lòng trọn thành. Ông và vợ đã có một đời sống hạnh phúc và lâu dài (Xem đoạn 17) *

17. Chúng ta học được gì từ gương của những người nam và nữ trung thành được đề cập nơi Hê-bơ-rơ chương 11?

17 Gióp chỉ là một trong những tôi tớ của Đức Giê-hô-va đã giữ được lòng can đảm và mạnh mẽ khi đối mặt với những thử thách cam go. Trong thư gửi cho các tín đồ người Hê-bơ-rơ, sứ đồ Phao-lô đề cập đến nhiều người khác; ông gọi họ là “một đám mây nhân chứng rất lớn” (Hê 12:1). Tất cả họ đều trải qua thử thách cam go nhưng vẫn trung thành với Đức Giê-hô-va trong suốt cuộc đời (Hê 11:36-40). Sự chịu đựng và công khó của họ có lãng phí không? Chắc chắn không! Dù không thấy mọi lời hứa của Đức Chúa Trời xảy ra trong đời mình, nhưng họ tiếp tục trông cậy ngài. Và vì biết Đức Giê-hô-va hài lòng về mình nên họ tin chắc rằng mình sẽ thấy những lời hứa của ngài trở thành hiện thực (Hê 11:4, 5). Gương của họ giúp chúng ta càng quyết tâm tiếp tục trông cậy Đức Giê-hô-va.

18. Anh chị quyết tâm làm gì? (Hê-bơ-rơ 11:6)

18 Ngày nay chúng ta đang sống trong thế gian ngày càng tồi tệ (2 Ti 3:13). Sa-tan vẫn tiếp tục thử thách dân của Đức Chúa Trời. Bất kể những thử thách phía trước, mong sao chúng ta quyết tâm làm việc hết mình cho Đức Giê-hô-va, tin chắc là chúng ta “đặt niềm hy vọng nơi Đức Chúa Trời hằng sống” (1 Ti 4:10). Hãy nhớ rằng kết cuộc mà Đức Chúa Trời ban cho Gióp chứng tỏ “Đức Giê-hô-va là đấng giàu lòng trắc ẩn và thương xót” (Gia 5:11). Mong sao chúng ta cũng tiếp tục trung thành với Đức Giê-hô-va và tin chắc rằng ngài sẽ ban thưởng cho “những ai sốt sắng tìm kiếm ngài”.—Đọc Hê-bơ-rơ 11:6.

BÀI HÁT 150 Hãy tìm kiếm Đức Chúa Trời để được cứu rỗi

^ Khi nghĩ đến một người từng trải qua nhiều thử thách cam go, chúng ta thường nghĩ đến Gióp. Chúng ta học được gì từ kinh nghiệm của người trung thành này? Chúng ta học được là Sa-tan không thể ép buộc mình từ bỏ Đức Giê-hô-va. Chúng ta cũng học được rằng Đức Giê-hô-va biết mọi điều xảy đến với mình. Giống như Đức Giê-hô-va đã chấm dứt những thử thách của Gióp thì vào một ngày, ngài cũng sẽ chấm dứt mọi đau khổ của chúng ta. Nếu cho thấy mình hoàn toàn tin cậy những sự thật này qua hành động thì chúng ta ở trong số những người thật sự “trông cậy Đức Giê-hô-va”.

^ GIẢI NGHĨA: Từ Hê-bơ-rơ được dịch là “trông cậy” có nghĩa cơ bản là “chờ đợi” một điều gì đó với lòng háo hức. Từ này cũng có thể mang nghĩa là tin cậy ai đó hoặc nương cậy nơi họ.—Thi 25:2, 3; 62:5.

^ Một số tên đã được thay đổi.

^ HÌNH ẢNH: Gióp và vợ trải qua thảm kịch mất hết con cái.

^ HÌNH ẢNH: Gióp chịu đựng mọi thử thách ông gặp phải. Ông và vợ suy nghĩ về những ân phước mà Đức Giê-hô-va ban cho họ và gia đình.